Ánh nắng thật đẹp
Ước đoán đang chiếu trên con đường này
Có thể nhìn thấy dãy núi và tháp xa xa
Tôi không biết
Nó giống như một kiến trúc sáng lấp lánh dưới ánh nắng
Xuân Thụ . "Tức cảnh"
Con người cần cơ duyên, hãy để số mệnh quyết định bước tiếp theo tôi phải làm gì.
Khi số mệnh cần tôi, tôi không thể không tự hào bước ra,
Trước khi số mệnh phê duyệt tôi là "thiếu nữ".
Tuy nói trong tên chúng ta có chữ "Xuân"
Nhưng ta đã đọc được một câu trong "Viên Nguyệt Loan Tập" của trang Cổ long: "Xanh như cây mùa xuân (Xuân Thụ)"
Thế là quyết chí đổi tên là "Xuân Thụ"
Chẳng có liên quan gì với người Nhật Bản kia.
Tôi bước trên con đường đã quen thuộc, đẩy cánh cửa thân quen. Mát mẻ nhìn thấy tôi, trông anh có vẻ vừa ngạc nhiên vừa vui vẻ chỉ vào chiếc cổ áo lông của tôi kêu lên: Nhung lụa underground. Đây là chi tiết tôi có thể nhớ được. Tôi đi cùng với anh một lần tới đại học Bắc Kinh, tham gia triển lãm phim DV. Đó đúng là cuộc triển lãm phim vớ vẩn, luôn muốn "mở mang" cho khán giả. Tôi quả thực không có hứng thú của học sinh tiểu học, chỉ xem một hai bộ phim đã tìm cớ chuồn ra ngoài. Sau đó gọi điện cho Tiểu Tả ở sân trường. Anh hỏi: Em không sao chứ? Chúng mình hãy còn trẻ mà. Tôi đáp: Đã gần đi tới điểm cuối rồi. Anh an ủi: Vậy thì tiếp tục đi thôi, có thể em sẽ coi thường bọn ngốc nghếch kia. Tôi ngậm ngùi: Có lẽ thế.
Sau khi gọi điện cho Tiểu Tả xong, tôi trở lại phòng chiếu phim tìm Mát mẻ. Anh nói: Anh tưởng em đi rồi kia. Tôi đáp: Sao em lại đi chứ? Có đi cũng phải chào anh một tiếng chứ. Thực ra tôi vẫn đang nghĩ rốt cuộc có nên đi hay không, sau đó nghĩ lại, dù gì đã tới rồi, thôi thì cứ ngồi xem hết cùng anh. Kính áp tròng của tôi hỏng rồi, tôi thực ra chỉ có thể xem rõ những thứ trong phạm vi ba mét. Tầm nhìn mờ ảo, lại chẳng có ai cầm tay tôi. Dưới ánh nắng khắp nơi là những sinh viên trẻ trung của đại học Bắc Kinh càng khiến lòng tôi thêm chua xót. Tôi cùng Mát mẻ đi khỏi đại học Bắc Kinh. Tôi quay đầu lại nhìn thêm lần nữa đại học Bắc Kinh, phát hiện ở đó xuất hiện thêm một cảnh vật, xuất hiện thêm một người nữa. Cảnh vật xuất hiện thêm đó chính là cảnh vật tôi và Mát mẻ sánh đôi bước bên nhau, còn người xuất hiện thêm đó chính là Mát mẻ.
Tôi có hỏi anh tại sao lại lấy tên là Mát mẻ, anh đáp Mát mẻ tức mang ý "lạnh". Đúng là vớ vẩn thật!
Thôi Thần Thủy từ phương nam trở về tới tìm tôi một lần. Chúng tôi ngồi trong phòng cùng nhau mấy tiếng, anh nói bây giờ anh không còn hút điếu tẩu nữa. Anh đã cai rồi, nhưng anh vẫn mang một ít thuốc lá sợi cho tôi. Tôi nói tôi muốn hút. Phòng tôi mở nhạc rất to, tôi giống như mọi buổi chiều, mặc áo ngủ, đi chân đất. Thôi Thần Thủy cuộn thuốc bằng tay cho tôi. Trong phòng lại dậy lên mùi nước hoa hương hoa lịu dìu dịu, ấm áp. Lọ nước hoa long lanh trong suốt, được điêu khắc thành hình khối. Buổi tối, chúng tôi cùng nhau đi dạo trên thảm cỏ gần nhà, Thôi Thần Thủy gối đầu lên vai tôi nói: Có lẽ nào em cho rằng anh không phải đàn ông? Anh luôn cảm thấy mình có rất nhiều mặt giống phụ nữ, đàn ông chắc sẽ không yếu đuối như anh thế này. Không, không đâu. Tôi an ủi anh. Anh không phải yếu đuối, nhạy cảm là ưu điểm của anh. Chúng tôi quyến luyến hồi lâu trong mùi hương quyến rũ của thuốc, Thôi Thần Thủy liên tục thổ lộ: Anh yêu em. Tôi đáp lại: Em cũng yêu anh.
Từ sau lần đó, tôi rất ít khi gặp lại Thôi Thần Thủy. Sau này nghe nói anh đã về nước, có thể năm sau mới trở lại.
Tôi bỗng dưng nhận được thư của Thu Khả, tôi cảm thấy có gì không ổn. Anh là người đã biến mất, không thể lại liên lạc được, nhưng anh lại viết thư cho tôi. Chữ của anh ấy vẫn cẩu thả như vậy, tôi nhìn không rõ lắm, cho nên tới giờ tôi vẫn chưa đọc thư của anh.
Trước thời điểm này, anh đã không còn tin tức gì nữa. Có khả năng đã tự sát, rất có khả năng. Nhưng tôi không biết. Tôi cho rằng từ trước tới giờ tôi chưa từng quan tâm tới anh, bởi tôi "đã thay đổi rồi, tôi không còn đơn giản, tôi đau lòng vì chuyện khác!" Tôi đã quên phản ứng của Thu Khả trong điện thoại khi đó, giống như cỏ xanh hoàn toàn không nhớ nổi lời nói to của anh khiến tôi sợ hãi. Không phải không nhớ nổi mà là căn bản không muốn nhớ. Không hiểu tự khi nào tôi lại trở nên như vậy.
Tôi quen Thu Khả khi đang học lớp bảy. Anh nhìn thấy một bài văn của tôi đăng trên một quyển tạp chí thiếu niên nên viết thư làm quen. Chúng tôi đã quen biết nhau như vậy. Tôi thích mùa thu. Tôi thích mùa xuân. Bây giờ tôi không còn thích mùa xuân và mùa thu nữa, tôi thích mùa hè và mùa đông. Tôi thích những thứ cực đoan. Thu Khả nói tôi rất đáng yêu, rất trong sáng. Hiện giờ tôi chẳng còn đáng yêu cũng chẳng còn trong sáng nữa, tôi sẽ khiến anh thất vọng mất. Một quãng thời gian tôi đã không còn muốn liên hệ với anh, đó là quãng thời gian sau khi tôi nghe nhạc rock, là khoảng tôi học lớp chín, những ngày tháng không có ánh nắng. Thu Khả nói, anh đã gặp tôi ở Bắc Kinh, còn nói chuyện với tôi rất lâu nữa. Trên thực tế tôi căn bản không biết anh từng tới Bắc Kinh, cũng chưa từng gặp anh. Sở dĩ tôi đang phân vân, liệu có thể anh nhầm chăng, hay là có ai đó đã mạo danh tôi để gặp anh? Nghĩ thế nào tôi thấy vẫn không thể xảy ra được. Tôi hỏi anh thì cũng không thể có được đáp án, câu trả lời của anh lúc nào cũng rất nhức đầu. Tôi nghĩ rất lâu, sau này cũng quên chuyện này.
Anh là người đàn ông giống như cậu ấm Giả Bảo Ngọc ngọt ngào đa sầu đa cảm, cũng có thể nói là bạn tốt nhất mà tôi từng kết giao. Tình yêu anh dành cho tôi vô tư, xa xỉ,… Anh ở cùng tôi suốt quãng thời gian lớp bảy, lớp tám, lớp chín. Anh còn gọi điện cho tôi, nói là đã khắc tên tôi trên đá, lúc nào cũng mang theo ảnh của tôi, luôn cố gắng sưu tập VCD mang tên Tả thực của ca sĩ Dương Thái Nê mà tôi thích. Những lá thư viết qua viết lại của chúng tôi phải đầy cả giỏ, mỗi lần đều viết mấy trang giấy liền. Anh đã tặng tôi một hộp nhạc nhân dịp sinh nhật mười bốn tuổi của tôi. Tôi đã luôn đặt hộp nhạc đó ở đầu giường. Tôi luôn không nhớ nổi tuổi của anh. Tôi chỉ nhớ, khi tôi lên lớp chín, anh mười bảy tuổi.
Mấy tháng qua, tôi thấy mình trữ tình hơn. Tôi cho rằng mình đã nắm chắc được thế giới, nhưng không phải như vậy. Nếu đổi là bạn, bạn sẽ viết thư cho người bạn trước đây rất tốt, rất tốt của mình nhưng đã mất liên lạc mấy năm, không những thế trong giai đoan đó còn có tầng tầng lớp lớp sự hiểu lầm không vậy? Tôi sẽ không viết, tôi không muốn tự mình tìm sự nhục nhã, tôi không muốn quá đa tình. Nhưng anh thì viết đấy.
Lẽ nào tuổi trẻ của chúng tôi lại trôi qua như vậy ư? Lại tiêu khiển trong thành phố Bắc Kinh này ư? Lại đi dạo bên hồ? Cho dù tôi muốn sẵn lòng chết thì cũng phải để tôi biết lý do sẵn lòng chết chứ? Sẵn lòng chết cũng có ý nghĩa như cuộc đại cách mạng văn hóa trước đây, chỉ muốn làm cách mạng là được rồi, không cần nghĩ tới những vấn đề hiện thực như tiền, sinh tồn, học tập, làm việc. Có thể điều này ẩn giấu một xã hội không tưởng, không đáng để đề xướng. Chiến tử đầu phố rất có ý nghĩa, ít ra cũng hay hơn là ở đây.
Đương nhiên cũng có người nói những kẻ chiến tử đầu phố là đồ ngốc.
Người bạn thân đầu tiên trong trang thơ giang hồ của tôi là Đán Ảnh. Đầu tiên anh gửi lời mời tới tôi, sau đó chúng tôi đôi khi nói chuyện về lý tưởng và động thái cuộc sống trong chatroom, chúng tôi còn viết thư cho nhau nữa. Chữ của anh cũng thẳng, bốc đồng và nhiệt tình giống như con người của anh vậy. Lúc đó anh học đại học ở Phúc Châu. Anh khuyên tôi học hành tử tế, học ngoại ngữ, thi vào một trường đại học tốt. Nhưng lúc đó trong thư anh bộc lộ khuynh hướng ủy mị. Anh nói từng muốn xuất gia, nhưng thư của tôi đã gạt bỏ được ý nghĩ này của anh. Anh cũng từng nói, thơ ca là ngôn ngữ lặng lẽ, không đủ sức mạnh, ca hát càng phù hợp với anh hơn. Anh nói: Sống trên thế giới này, mọi thứ sẽ mất đi, sẽ mất đi theo thời gian, bất luận là phú quý danh lợi, hay là tuổi thanh xuân tươi đẹp đều sẽ mất đi, mất mãi mãi, không bao giờ trở lại. Thứ vĩnh hằng duy nhất có lẽ chỉ là cái chết, hoặc cũng có thể chẳng là gì cả, cũng có thể là tình yêu. Tình yêu cũng có thể là sức mạnh duy nhất tiếp tục tồn tại. Mọi thứ đều sẽ mất đi, mọi thứ đều sẽ mất đi, chỉ có tình yêu có thể khiến chúng ta vĩnh hằng, có thể vượt qua bể dâu vạn cổ. Cuối mỗi thư bao giờ Đán Ảnh cũng viết: Anh yêu em!
Tôi biết thứ anh viết không phải là yêu trong tình yêu, mà chỉ là yêu của yêu, yêu thuần khiết vĩ đại nhất của loài người. Tôi biết hai chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng, cũng có thể trong người chúng tôi chảy chung một dòng máu. Đúng vậy, nếu như vậy, vậy thì tôi không muốn giấu, tôi cũng yêu anh, Đán Ảnh à. Tình yêu của chúng tôi là thứ vô tà, thuần túy nhất, là tình anh em, là tình hữu nghị và sự lý giải trung trinh nhất. Lần nào Đán Ảnh viết thư cho tôi cũng dặn đi dặn lại rằng tôi phải "học hành tử tế, cố gắng thi vào một trường đại học tốt". Anh nói anh mãi yêu em, những người anh em mãi yêu em! Nhớ lấy, khi em cảm thấy cô độc không nơi nương tựa, hãy nhớ rằng, những người anh em sẽ mãi yêu em ở nơi xa xăm.
Tôi thường lên mạng ở nhà Lý Tiểu Thương. Dưới sự điều khiển của tôi, Lý Tiểu Thương cũng thường xuyên đọc thơ ở trang thơ giang hồ, anh cũng sáng tác mấy bài thơ. Anh còn tạo một diễn đàn thơ ca có tên "Xuân Thụ hạ". Màu nền của diễn đàn là màu hồng phấn, tôi vốn muốn màu tươi hơn, nhưng e rằng mắt không chịu nổi. Bên trên có một hàng chữ to màu đỏ tươi: Hãy để những kẻ bất lực có sức mạnh/ Hãy để người bi quan đi trước. Đúng vậy, đây chính là tín ngưỡng của tôi, tôi nhất định phải quán triệt theo. Mặc dầu trong lời nói đầu của Chu Gia Phúc trong "Tôi yêu nhạc rock" đã dùng câu "Những kẻ bất lực vô năng là hữu lực/ Những người bi quan phải dựa vào đâu để đi trước" để phản bác lại lời quảng cáo của "Phương nam cuối tuần". Nhưng tôi và Lý Tiểu Thương vẫn muốn sải bước dài đi trước. Chu Gia Phúc đề xuất một vấn đề rất hay, đó chính là: Làm thế nào? Làm thế nào để biến kẻ bất tài thành người có sức mạnh, làm sao để người bi quan đi trước? Chỉ có mỗi khẩu hiệu và quyết tâm là không đủ, bước đầu tiên nên làm gì? Đây là thắc mắc chung của chúng tôi. Nhưng không có câu trả lời.
Hành động có khả năng là một câu trả lời, nhưng hành động ở đâu?
Hành động chính là lựa chọn cuộc sống. Sự lựa chọn tự do tuyệt đối không tồn tại, tự do tương đối này và lựa chọn còn cần chúng ta đấu tranh để giành được thì mới có được. Có thể có lựa chọn là tiền đề của tự do. Tôi lựa chọn, tôi lựa chọn thích thơ ca. Tôi lựa chọn, tôi lựa chọn xây dựng một diễn đàn quán triệt tư tưởng. Tôi lựa chọn, tôi lựa chọn cứ sống tiếp như thế này. Do tôi và Lý Tiểu Thương đều rất yêu mến Satter, do vậy chúng tôi định tên của diễn đàn này là Ngôi nhà của chủ nghĩa tồn tại. Ngày đầu tiên sau khi diễn đàn được thành lập, tôi liền viết một bài văn chúc mừng. Trong bài văn đó đề cập tới những từ ngữ phù hợp với diễn đàn Ngôi nhà của chủ nghĩa tồn tại: Tư tưởng độc lập, văn học, thơ ca, rock, quần áo, phim, thuốc lá, champagne, cà phê, rượu vang, nước hoa, chạy chậm, leo núi, chơi ván trượt, ân, trung tâm thương mại Thế Mậu, phụ nữ, tuổi trẻ, sữa bò, đồ trang sức lạ độc đáo, sân trượt băng, hỗn loạn, bia, màu đen, hoa tươi, tình yêu, tự do, chiến tranh, hận, biển lớn, hamburger, bạo lực, sô cô la, ảo tưởng.
Đúng vậy, đúng vậy, những nhà thơ như chúng tôi có sức mạnh. Tuổi trẻ của chúng tôi chính là năng lượng.
Dường như tối nào tôi cũng tới nhà Lý Tiểu Thương hoặc tới quán nét lên mạng. Nói là lên mạng, chính là mở diễn đàn thơ ca đọc thơ, sau đó lại paste thơ của mình lên, chờ đợi người khác bình luận. Con đường tôi lên mạng, cách nhà tôi không xa lắm, đi bộ khoảng mười lăm phút. Tôi thích phong cảnh trên con đường đó, phía trước nhà tôi có một con sông, gọi là sông Kim Câu. Bên phải đường cái bên sông Kim Câu, chính là hồ Bát Nhất. Tôi và Thôi Thần Thủy từng nằm trên thảm cỏ bên bờ sông Kim Câu, vừa nghe hát vừa hút thuốc, hưởng thụ sự tĩnh lặng ngắn ngủi. Quãng thời gian ngắn ngủi chói sáng này giống như viên ngọc trai, xâu chuỗi cuộc sống nghèo khổ, vô vị của tôi. Mãi tới một ngày tôi vẫy tay chào đối với những việc này, tôi càng khẳng định mọi thứ này. Men theo tuyến xe buýt 335 thì tới Bát Lý Trang. Đi qua đường, là con đường xiên xẹo. Chính là con đường này.
Tôi có tình cảm mãnh liệt đối với con đường này. Trước đây khi còn đi học, sau khi tan học tôi thường vòng ra hiệu sách nhỏ trên con đường này để đọc sách. Hiệu sách rất bừa bãi, sách được chất thành đống, sách nào cũng có, nào là võ hiệp, lãng mạn, tiền tệ, có cả các loại sách mới xuất bản nữa. Thỉnh thoảng tôi lại mượn một quyển tiểu thuyết cổ trang ở chỗ đó. Trên con đường này cũng có vô số nhà hàng, hai hiệu sách, ba quán nét, ba cửa hàng bán đồ loa âm li, hai nhà vệ sinh, một trường trung cấp, một trường cấp ba thuộc một đại học và một trường đại học – Đại học sư phạm Thủ Đô. Tôi cũng rất thích đại học sư phạm Thủ Đô, nguyên nhân duy nhất là vì gần nhà tôi và trong trường có một sân tập có đường chạy bằng nhựa màu đỏ. Ngoài những thứ này ra, trong khuôn viên trường sư phạm Thủ Đô tới một cái ghế băng dài công cộng cũng chẳng có. Tôi và Tử Dữ đã từng tìm trong đó, cuối cùng đành phải ngồi lên một công trình kiến trúc trong trường (thực ra vẫn không rõ là đó có phải là bậc thềm của hội trường lớn không nữa). Tôi cũng thường viết lách trong phòng tự học ở tòa nhà dạy học trong trường. Vào mùa đông, Tử Dữ vừa nghe nhạc vừa dùng bút tán chuyện phiếm với tôi trên giấy.
Tôi quá hiểu con đường này. Con đường này giống như một con đường dân nghèo. Nhưng không có ai ngủ trên đường. Cách bày trí trong quán nét cũng bình thường. Bất cứ lúc nào mấy quán nét cũng mở nhạc pop. Lúc tôi ở đó họ thường xuyên mở đĩa Trần Tiểu Xuân hay Nhậm Hiền Tề. Không biết bây giờ họ mở loại nhạc nào nữa? Vừa tới quán nét, tôi đã muốn hút thuốc. Ở quán nét không hút thuốc thì biết làm gì nữa chứ? Bên cạnh tôi còn thường xuyên để sẵn một chai nước. Đây là thói quen tới quán nét của tôi. Cho nên có thể nói tôi có tình cảm sâu đậm với các quán nét. Quán nét giống như một ngôi nhà khác của tôi, hoặc cũng có thể nói là một trạm trung chuyển. Tới một nơi xa lạ, chỉ cần nhìn thấy bóng quán nét, tôi lập tức phấn chấn hẳn lên, ngay lập tức chỉ muốn bay về phía đó.
Tôi đã quen rất nhiều nhà thơ, tôi thường chat với họ ở chatroom hay gặp gỡ trên QQ. Khi nick trên QQ của tôi vẫn chưa bị ăn cắp, tôi còn rất thích dùng nó. Tôi và một vài nhà thơ ngủ ngày cày đêm đều không có cách nào lên mạng ở nhà. Chúng tôi dường như ngày nào cũng đều tới quán nét. Nhiều khi còn lên mạng qua đêm nữa. Khoảng thời gian khó chịu nhất khi lên mạng thông đêm là lúc nào nhỉ? Khoảng thời gian ba tiếng từ ba giờ sáng tới bảy giờ sáng. Trong tình trạng bình thường, những người chat trên mạng hầu như đã đi hết rồi, những thứ cần xem hầu như đã xem hết rồi, biết làm gì đây? Trong tình trạng bình thường mọi người sẽ lựa chọn đi ngủ – nằm úp mặt xuống trước máy tính ngủ. Tôi thường xuyên ngủ tới khi quán nét đóng cửa, lúc tỉnh lại phát hiện nửa bên mặt sưng húp, sau đó đi về nhà trong ánh mặt trời le lói. Lần nào cũng cảm thấy cuộc sống lành mạnh vô cùng. Hậu quả của việc này chính là về nhà ngủ tới trưa. Phần lớn những lần lên quán nét như vậy, tôi thường quyết định về nhà đi ngủ vào lúc ba, bốn giờ sáng. Lúc còn tiền thì gọi xe, không có tiền, không có xe buýt thì đi xe đạp hoặc đi bộ về nhà.
Tiểu Đinh hỏi tôi: Em tin không vậy? Anh mà lên mạng thì vừa xem phim Nhật vừa bắn súng, sau đó bắt đầu nghe chuyện "Thuần Khiết" của Ngựa Gỗ – Mẹ kiếp đã đời thật. Tôi đáp: Cũng vậy cả thôi, hôm nay sau khi tỉnh lại nghe tín ngưỡng đau khổ, đúng là càng nghe càng mênh mang.
Tiểu Đinh là người bạn tôi quen sớm nhất trên trang "Bình hoa". Anh cùng hai người nữa lấy nick là "Ba thằng lưu manh Lọ Hoa". Hai người kia có tên lần lượt là Phú Quý (tôi gọi anh ấy là thầy Phú) và anh Xuân. Nói ra thì người tôi quen đầu tiên phải là Phú Quý mới đúng. Một buổi tối, tôi chán nản vào chatroom Cao địa. Ngày hôm đó quả thực rất muộn rồi, trong chatroom đã chẳng còn mấy người. Tôi liền dùng nick "Khách xem vô vị" vào chatroom, sau đó hỏi vống: Có bạn gái nào không? Tôi muốn chat với bạn gái. Một người có nick "Phú Quý" liền đon đả chào hỏi: Ôi dào, hay chưa này, lại xuất hiện một kẻ muốn chat với con gái, hay là anh chat với em nhé. Sau đó tôi và Phú Quý chat với nhau, lúc sắp offline, tôi hỏi anh tên gì, để sau này còn dễ tìm. Tôi không nói tên mình, anh nói anh tên là Phú Quý. Sau này tôi đã sáng tác một bài thơ về người này, và bạn học Tiểu Đinh – người thường xuyên đăng nhập trang web thơ ca và rock đã nhìn thấy, cậu ta lầm bầm nói: Hóa ra thầy giáo Phú quen học sinh Xuân Vô Lực! Và thế là từ đó tôi quen Tiểu Đinh. Tôi biết Phú Quý là người Tứ Xuyên, hiện đang giảng dạy năm thứ nhất tại một đại học vớ vẩn ở ngoại ô Bắc Kinh.
Tiểu Đinh ăn mặc rất trẻ con, trông biểu lộ trên khuôn mặt rất bốc, nói chuyện vẫn mang giọng Tứ Xuyên. Mặc dù từ đằng xa nhưng tôi vẫn nhận ra đó là anh. Tôi nghĩ anh nên tên là Đinh Đong. Anh quả thật rất đáng yêu. Anh nói vừa nhìn thấy tôi ngồi sốt ruột hút thuốc bên ngoài cửa hàng bán loa âm li đã nhận ra tôi ngay. Chúng tôi tìm tới hành lang của một trung tâm thương mại để nói chuyện, hút thuốc, uống nước, loại thuốc lá Tiểu Đinh mang theo là "Đô Bảo" – loại này từ lâu tôi không hút. Anh nói hiện giờ anh nghiện hút "Đô Bảo", rẻ, lại rất nặng đô. Tiểu Đinh kể về rất nhiều chuyện vui trước đây của anh ở Thành Đô. Anh kể chuyện tới mức mặt mũi rạng ngời. Tôi vừa ngưỡng mộ vừa không ngừng khuyên anh nên viết thành tiểu thuyết những chuyện này.
Anh hỏi tôi lần đầu tiên nghe nhạc rock là của ca sĩ nào. Tôi nói thật chẳng ra sao cả, ca sĩ rock đầu tiên em nghe là Niết Bàn. Lúc đó em lên lớp chín. Thời đó em chỉ nghe nhạc pop, tâm trạng rất buồn, sau này quen một bạn trai rất béo, bạn ấy nói thích nghe rock. Em liền hỏi bạn ấy thích ban nhạc nào, bạn ấy trả lời là Niết Bàn, còn cho em mượn một vài đĩa nhạc, em liền nghiền nghe nhạc rock. Nhớ lại hồi đó nghe Niết Bàn là mốt. Kurt Cobain vừa chết, cuốn sách "Niết bàn xán lạn" vừa xuất hiện, ban nhạc rock Ma Nham Tam Kiệt Đài Loan đã trầm lắng không có động tĩnh gì, mọi người đành phải nghe ban nhạc nước ngoài. Ban đầu nghe chẳng ra làm sao, sau này thì mê luôn. Lần đầu tiên đọc "Niết bàn xán lạn", tôi còn không biết Punk nghĩa là gì. Sau này thì biết rồi, lại bắt đầu điên cuồng nghe rock trong nước, nào là ban nhạc Siêu tải, Đường triều…vớ được cái gì nghe cái nấy. Tiểu Đinh nói: Lần đầu nghe Trương Sở hát, đúng là khó nghe thật, có điều sau này nghe đi nghe lại thành quen, sau đó còn nghe Hà Dũng. Bắt đầu từ đó nghiện, ngày nào cũng ngồi ở dãy cuối giảng đường hát "Cô em xinh đẹp", còn cả bài "Mùa xuân tới rồi" của Vương Lỗi. Kết quả là bọn con gái cùng lớp không những không hề hay biết về hát đệm đàn mà ngược lại còn chửi anh hát nhạc đồi trụy. Trước kia bọn con gái lớp anh luôn mua thuốc lá, kẹo cao su…cho anh, em biết tại sao không? Cái giá anh phải trả chẳng qua chỉ là phải hát cho bọn nó nghe những bài hát của Trương Tín Triết, thời anh học lớp mười cũng đam mê lắm, hát cũng đỉnh lắm đấy.
Lúc em học trung học, lớp em có một học sinh lưu ban ngày nào cũng hát "Cô em xinh đẹp" và "Quả bóng nhỏ, chuối tiêu lê, mã lan ra hoa 21". Có một dạo cuối cùng em không nhịn nổi nữa, liền nói với anh ấy có thể hát cái gì đó hay hơn được không, bài hát đó quả thực rất khó nghe. Kết quả là người ta nhìn em hồi lâu rồi nói "được, được". Mẹ kiếp xấu hổ chết đi được. Bây giờ nhớ lại thật xấu hổ, hồi đó người ta đã tiên phong, có lẽ hồi đó tế bào âm nhạc của em vẫn chưa phát triển cũng nên. Tôi nhớ lại chuyện cũ, nói một cách tiếc nuối.
Tiểu Đinh cười ngặt nghẽo hồi lâu, sau đó nói anh quen một người anh em ở Thành Đô, rất thích nhạc rock, nhà giầu nứt khố đổ vách, nhưng mẹ kiếp ngày nào cũng ăn mặc rách rưới. Đi xem biểu diễn lúc nào cũng tắt di động trước, sợ người khác biết anh ấy có di động sẽ coi thường. Những người chơi nhạc rock ở Thành Đô, chỉ sợ người khác nói mình có tiền.
Cũng giống với một người bạn Thành Đô của em, đã từng viết ca từ của bài hát "Khổ quỷ" bị nguyền thành một tờ báo chữ lớn dán trên cửa phòng ngủ, khiến ông bạn cùng phòng sợ chết khiếp. Thực ra trước đây em rất coi khinh loại người có chút tiền, học chút ít chữ, hiểu được chút đạo lý, rảnh rỗi thường giết thời gian ở quán bar nghe nhạc. Bây giờ em coi trọng rồi, có điều em ước tính mình cũng sắp thành loại người như vậy rồi, thậm chí về mặt tinh thần, tuy nhiên em vẫn chẳng có tiền. Em quá hưởng lạc, đôi khi lên mạng thông đêm, bên trái em là một chai nước cam tươi, bên phải là một chai pepsi.
Ai mà không biết hưởng lạc thì người đó mẹ kiếp không phải là người.
Đúng vậy, đúng vậy. Lúc không có tiền mẹ kiếp em khổ hơn, hận hơn bất cứ đứa nào, còn lúc có tiền rồi em tiểu tư sản hơn bất kỳ đứa nào.
Anh cũng vậy, tuy nói ngày nào cũng khổ nhọc, nhưng khi có tiền liền mua ngay thuốc lá hiệu "Thất tinh".
Được đấy. Punk không nhất thiết phải nghe rock, em vốn có một bạn học rất hay. Anh ấy rất punk, bẩm sinh đấy. Anh ấy chẳng nghe rock gì cả, trông cũng đẹp trai. Nhưng chỉ có điều chẳng có cô gái nào để ý tới anh ấy cả, có lẽ là do anh ấy thẳng tính quá. Có một lần, bọn em ra biển chơi, lúc ăn anh ấy muốn đi vệ sinh. Bọn em đều nói anh ấy nên đi vệ sinh trước đi, bọn em sẽ trông cơm cho anh ấy. Anh ấy không chịu, anh đoán xem câu chuyện tiếp diễn thế nào?
Thế nào cơ?
Thế mà không biết, chắc chắn là vừa đi ngoài vừa ăn mỳ thôi.
Chúng tôi còn nói chuyện về quyển tạp chí "Tiếng mẹ đẻ". Trong quyển sách đó đã từng đăng một bài viết của tôi, trong bài viết đó có một câu viết đại nghịch bất đạo như sau: Ban nhạc dân công không phải dân bản địa, đầu tiên ăn no bụng đã rồi nói sau đi. Tiểu Đinh cũng đọc qua quyển tạp chí này. Anh nói lần đầu đọc câu nói này anh tức chết đi được.
Em thừa nhận em viết có phần quá khích. Tôi nhấp một ngụm nước đứng dậy nói. Bọn mình ra ngoài đi dạo đi. Lúc đó tôi cảm thấy có rất nhiều fan hâm mộ âm nhạc bị che mắt bởi những bài viết trong mấy cuốn tạp chí có hạn này. Họ có tâm lý sùng bái thần tượng đối với một số ít ban nhạc. Tôi cảm thấy hiện thực dù gì cũng tốt hơn một chút, con người đầu tiên phải giải quyết cho tốt cuộc sống của chính mình.
Lúc đó tôi thường xuyên vào trang Thơ giang hồ nói chuyện rock, tôi lấy tên là "Mạng underground rock" lại còn lớn tiếng bốc phét: Không phải nhà thơ sợ rock, mà là rock sợ nhà thơ, tôi thì chẳng vui lắm hay sao. Thời đó tôi rất tôn thờ gã ca sĩ quạ đen bắt cá hai tay vừa yêu rock vừa yêu thơ được người ta gọi là thông minh. So với gã đó, tôi vừa chưa sống được với giới rock thậm chí lại chưa gây dựng được chỗ đứng trong giới thơ ca.
Tôi vẫn nhớ như in ngày đó, chúng tôi đi không mục đích trên đường Trường An, vừa đi vừa nói chuyện, sau đó chia tay nhau lúc chạng vạng tối.
Sau khi quen nhau, tôi và Tiểu Đinh thường xuyên chĩa mũi dùi với nhau đối với một số vấn đề mang tính "lý luận", chẳng ai nhường ai. Chủ đề bàn luận của chúng tôi tựa hồ chính là sự chia bè phái thơ ca.
Tiểu Đinh lần nào cũng nhanh chóng phản bác: Trông bộ mặt ảm đạm của em, cứ như thể có người chết vậy, khiến lòng anh trống trải…may mà anh vẫn có thuốc lá (em đừng hòng mà ghen tị với anh). Anh từng rất thích thơ của Y Sa, nhưng bây giờ không thích nữa rồi. Những người đã đọc thơ của anh ấy đều nói thơ anh ấy thuộc chủ nghĩa Lạc Khải. Mà chủ nghĩa Lạc Khải là gì thì anh cũng không hiểu, đại loại là chọn lấy một cảnh, miêu tả một hồi, sau đó cố tình bình luận sâu một chút gì đó. Bây giờ anh không còn thích loại thơ này nữa. Hoặc cũng có thể nói là anh không coi đó là thơ nữa. Trên vấn đề thơ ca, nên tuyệt đối một điểm, tôi thích hoặc tôi nói tôi thấy đó là thơ, chính là thơ. Tôi không thích hoặc nói tôi cho rằng đó không phải là thơ, vậy thì nó không phải là thơ nữa rồi. Lần trước anh chát thông đêm cùng Tiểu Tả trên trang Bình Hoa, anh đã trêu anh ấy tới mức khiếp lên được (tối hôm đó anh có tâm trạng, em biết uy lực khi anh hồi phục tâm trạng rồi). Anh ấy cũng nói em hay nhắc tới cái gì không phải…bây giờ đến cả Dương Lê cũng không nói thế nữa rồi. Được thôi, không nói không phải nữa, hãy nói là cao su. Ở đây anh không muốn bày luận điểm dài dòng của Dương Lê, Hà Tiểu Trúc…ra. Em cho rằng thơ ca là cái gì? Thơ ca chẳng có tác dụng gì. Xuân Vô Lực à, em đừng có coi thơ ca là cái gì đấy, thực ra mẹ kiếp chỉ là mớ lời nói vớ vẩn và nước bọt mà thôi. Nhưng những lời nói vớ vẩn này lại không phải là thứ mà ai cũng có thể nói được. Nước bọt cũng không phải thứ muốn chảy ra là chảy ra được. Lấy Hà Tiểu Trúc ra mà nói, có rất nhiều bài thơ của nhà thơ này vừa xem đúng là những thứ vớ vẩn, nước bọt, nhưng anh đọc rồi. Quả thực từ trong thơ của người đó cảm nhận được sự tồn tại của một thứ gì đó. Nhưng trên thực tế, em phải làm cho đơn giản đống lý luận vớ vẩn kia, hiểu theo mô tuýp, em cũng hay sáng tác vớ vẩn, chảy nước miếng. Cho dù một ngày em có thể sáng tác một trăm bài. Nhưng đến tối trước khi đi ngủ em đã phải vứt hết một trăm bài thơ đó vào thùng rác – bởi đó không phải là thơ, chỉ đơn giản như vậy.
Anh không biết thân dưới là thứ gì, hiện trường gì, dính dáng xác thịt…Em có thể đưa đến cho độc giả của em những gì? Một chiếc máy quay phim DV? Còn nữa, đọc nhiều thơ của em như vậy rồi, tính nổi bật toát ra từ thơ của em là một vấn đề. Em luôn đẩy thơ ca về tâm trạng của mình, về mặt ngôn ngữ cũng là một vấn đề. Em cần biết rằng, không phải em muốn nói gì, thì có thể nói thật ra điều đó. Thơ ca không phải là âm nhạc punk mà em thích, chẳng có chút liên quan gì cả.
Đới Hoa chuyển sang nhà mới, nhà của anh rất gần trường học trước đây của tôi. Tôi tới tìm anh. Ngày mai là sinh nhật của tôi rồi. Sinh nhật của tôi vào mùa thu. Cuối thu. Mùa thu, há chẳng phải mùa thu liên quan tới đau thương, nỗi nhớ quê, cô độc, phân li, mưa hay sao? Lẽ nào cứ phải nhạy cảm tới mức đau khổ vậy sao? Đời người hà tất phải như vậy.
Buổi tối tôi lên mạng trong phòng khách nhà Đới Hoa, tôi bàn luận cùng Đán Ảnh, Tây Độc…về phong trào của thế hệ nhà thơ "sau năm 80". Nói phong trào quả thật cũng hơi quá, nhưng sự hưng phấn của chúng tôi không phải giả. Chúng tôi gửi một lời nhắn "Tất cả những người sinh sau năm 80 có sở thích thơ ca hãy liên kết lại". Chẳng mấy chốc đã có người bình luận, chủ yếu là những người công kích. Tôi có dự cảm sức ảnh hưởng của lời nhắn trên sẽ thể hiện ở những ngày sau đó, tôi ngay lập tức nhắn tin cho Thanh Xuân. Anh mau chóng gọi điện lại cho tôi. Tôi hỏi anh có ủng hộ bọn tôi không. Anh nói đây là việc em làm, anh đương nhiên ủng hộ rồi. Câu trả lời của Thanh Xuân khiến tôi rất vui. Tôi biết anh là người không thích nói công khai. Anh có thể nói như vậy khiến tôi cảm động. Thanh Xuân nói anh lập tức lên mạng xem lời nhắn của tôi. Chúng tôi gặp lại trong chatroom, bỗng dưng anh nói với tôi một câu rất kỳ quặc: Rời khỏi chỗ này đi.
Rời khỏi? Rời khỏi chỗ nào? Ai rời khỏi? Anh hay là em?
Chúng ta. Chúng ta cùng nhau rời khỏi Bắc Kinh, rời khỏi nơi phức tạp này. Chờ em làm xong chuyện này, chúng mình sẽ tìm một nơi nào đó để sống, sống cùng nhau.
Được thôi. Tôi đáp lại.
Anh nhìn thấy tôi liền nhớ tới một câu: Phiêu bạt chân trời. Anh còn nói anh hơi sợ tôi, không biết nguyên nhân vì sao. Còn lang bạt chân trời nữa kia, tôi ngoài Bắc Kinh ra dường như chưa đi qua chỗ nào cả. Tôi chỉ biết Thanh Xuân từng đọc cho tôi nghe bài thơ ở trong khuôn viên trường Mỹ viện công nghệ Trung Ương: Người con gái trông giống như một công chúa/ Các em trưởng thành rồi sẽ yêu một thằng đểu/ Lang bạt chân trời/ Mãi không thay lòng.
Đúng vậy, hãy để chúng ta tới một nơi xa xôi cách xa mọi sự phức tạp ở nơi này, hoặc anh có thể giống như Courtney Love đã nói, anh tới làm việc ở một trạm xăng, còn em tới khiêu vũ tại một quán bar để ngực trần, mãi tới khi em già khụ khị thì thôi. Tới lúc đó chúng mình đi lĩnh tiền cứu tế. Nhưng Thanh Xuân à, chúng ta đều biết đây không phải là nước Mỹ. Nơi đây cũng không có những quán bar để ngực trần, em cũng chưa từng nghe thấy chuyện cứu tế, điều này hoàn toàn không có thể. Em cũng không muốn sống quá lâu. Nhưng được thôi, em quyết định đi cùng anh, cho dù nơi đây không phải là nước Mỹ. Em sáng tác những điều này thành một bài thơ, nhân tiện cũng muốn chơi ác, sáng tác cho Mát mẻ một bài. Tôi nói: Em đã làm hết những chuyện nên làm, cho nên bây giờ đã đi rồi. Nhưng sau đó Thanh Xuân gọi điện cho tôi, anh hiểu nhầm ý nghĩa bài thơ tôi viết cho anh, cho rằng tôi không muốn đi cùng anh, còn nói tại sao lại phải viết một bài thơ cho Mát mẻ? Anh hỏi tôi bằng chất giọng đáng yêu của mình, sau đó lại tự mình trả lời: Không sao, không có gì.
Chúng tôi đã mất nhiều công sức nghĩ một tên gọi thời thượng cho thơ ca hậu 80, Đán Ảnh nói: Tối qua em nói có thể đặt một cái tên cho tập san của bọn anh? Một lát sau một cụm từ xuất hiện trong đầu tôi: Ngốc nghếch! Tôi nghĩ đây đúng là một thời đại ngốc nghếch! Năm công nguyên 2001! Một từ ngữ khiến người ta phải kích động biết bao! Lại một trăm năm mới sẽ tiếp diễn từ đây, lại một nghìn năm mới sẽ tiếp diễn từ đây…Đây là bia lịch trình thời đại! Đây là giờ G vượt thời đại. Chúng tôi sẽ sống như thế này trong một thời đại ngốc nghếch như vậy. Đứng ở điểm khởi đầu một nghìn năm dài dằng dặc, chúng tôi lớn tiếng kêu gào: Ai là ngốc? Trong thời đại ngốc nghếch này, chúng ta dùng vật chất để điều khiển tư tưởng, hay là dùng tư tưởng để thao túng tương lai? Chúa ơi, làm ơn nói với chúng con! Lẽ nào ngài không còn điều khiển trên thiên đường nữa? Sao ngài lại trầm mặc không nói gì?
Nếu như tôi phải đặt một cái tên cho thời đại sau năm 80, tôi muốn gọi nó là "thời đại ăn nhanh".Nhằm để sáng tác thơ bất cứ lúc nào, muốn viết gì thì viết nấy, không để ý tới phong cách, sáng tác xong liền vứt. Tôi là điển hình của thời đại ăn nhanh, thậm chí đến cả ăn cũng thích thứ đơn giản nhất, cơm Trung Quốc ăn quá mất thời gian. Tôi chỉ thích ăn hamburger, sandwich, mở ra là có thể ăn, ăn xong liền vứt, đơn giản thuận tiện, tôi thích sự thô tục, trực tiếp như vậy. Trước chúng tôi có thời đại mông muội, thời đại yêu và hòa bình, thời đại hư vô, nhưng chúng tôi không giống như vậy. Sự cố ý châm biếm ngầm của thế hệ trước, hiểu được liền có thu hoạch, đó là điều đương nhiên. Bản thân chúng tôi chính là lũ phản nghịch. Chúng tôi sống trong thời đại không có lý tưởng, không có tinh thần trách nhiệm, không có quan niệm truyền thống, không có đạo đức. Sở dĩ chúng tôi càng tùy tiện, càng tự tung tự tác làm theo ý muốn hơn những thế hệ sau năm 70, sau năm 60, sau năm 50…là bởi vì thế giới này đơn giản chính là của chúng tôi. Hoặc giả thế giới này ngay từ lúc bắt đầu mẹ kiếp đã không phải của chúng tôi, vậy thì chúng tôi còn phải theo đuổi cái gì chứ? Chúng tôi đối với lý tưởng cùng mục tiêu đều chẳng có sự theo đuổi nào cả. Sự theo đuổi không phù hợp với chúng tôi. Tốc chiến tốc thắng, nhiều lần thất bại nhiều lần chiến đấu càng phù hợp với chúng tôi. Chúng tôi vui với điều này không biết mệt mỏi.
Đối với thơ, sự biểu đạt của chúng tôi là như thế này: Muốn viết thì viết, muốn viết thế nào thì viết thế nấy, tuyệt đối không suy nghĩ tới lời dặn dò và khuyến cáo nên viết tự nhiên, bất kỳ sự "cao quý, kinh điển, sách vở, trữ tình, ý cảnh" tới chỗ chúng tôi đều mất hiệu quả. Mãi tới một ngày nào đó chúng tôi không viết nổi nữa, cũng tuyệt đối không miễn cưỡng cố gắng viết, lấy lời của Đán Ảnh làm tổng kết, chính là: Đương hạ, chúng tôi chơi thơ. Thơ không còn là một nghề phải theo học nữa, mà đã trở thành đồ chơi của chúng tôi, giống như tiền bạc, mạng, âm nhạc, bóng đá …Chúng tôi thích thơ, thích sáng tác thơ, thì cũng chỉ là thích, là chơi, là một cách, là một sự biểu đạt để chúng tôi vui vẻ hơn mà thôi. Cũng chỉ có vậy mà thôi, không có thứ gì khác. Sáng tác của giai đoạn sau năm 80 này là sáng tác về thời tuổi trẻ, điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Bởi chúng tôi đang ở thời thanh xuân, cũng không thể về với mấy chục năm trước để viết thời trung niên được. Thời thanh xuân viết lách rất hay, bởi chúng tôi trẻ. Tuổi trẻ chính là tất cả. Chúng tôi nhiệt tình, triệt để. Chúng tôi không phải là "họ". Đúng vậy, chúng tôi khát khao luận chiến, khát khao tranh chấp, chúng tôi là thời đại ăn nhanh. Chúng tôi ắt sẽ nhanh chóng tàn lụi. Đán Ảnh và tôi đều biết rõ điều này. Trong những bức thư qua lại sau này, anh dần trầm hơn, còn nói hiện giờ anh hầu như không có hận cũng chẳng có yêu, lại còn nhắc với tôi về Jean-PaulSartre và Albert Camus. Tôi thích chủ nghĩa tồn tại, chỉ sợ Đán Ảnh chìm đắm vào vũng bùn của chủ nghĩa hư vô. Tôi cho rằng sự khác biệt giữa chủ nghĩa tồn tại và chủ nghĩa hư vô chính là, chủ nghĩa tồn tại nhấn mạnh "tồn tại", có tinh thần trách nhiệm, còn người theo chủ nghĩa hư vô thì nói "hay đi làm những việc các bạn không muốn hoặc không thể làm đi."
Lý Tiểu Thương thường xuyên ngồi bên cạnh tôi mỗi khi tôi lên mạng, bởi chúng tôi không có nhiều tiền. Trong thơ của anh, tôi đọc thấy anh viết: Đôi tay cô ấy thành thạo gõ trên bàn phím, hai mắt nhìn thẳng vào màn hình. Tôi phải viết lời nhắn kêu gọi thế hệ sau năm 80 liên kết lại. Mắt của anh cũng dán vào màn hình: Này, hóa ra trang mặt của Thơ giang hồ là như vậy, mô hình máy bay ở dưới rất tuyệt, diễn đàn của anh cũng có thể làm thế này. Lúc đó anh đang làm diễn đàn punk của mình.
Lý Tiểu Thương còn paste một bài viết xúi giục những người sinh sau năm 80 như sau:
Thông báo về cuộc thi thơ ca hậu 80 lần đầu tiên
Gió xuân cải cách thổi khắp nơi…(câu phía sau quên rồi). Để hưởng ứng lời hiệu triệu "Trăm hoa đua nở, thơ ca trước tiên (Đây là khẩu hiệu của ai, chẳng vần gì cả), thể hiện bộ mặt tinh thần tổng thể của hậu 80, chúng tôi đã vì quý vị mà đưa tới cơ hội cách tân đối với thế hệ các nhà thơ sau năm 50, 60, 70, do vậy quyết định tổ chức cuộc thi thơ ca đối với thế hệ nhà thơ sau năm 80 lần thứ nhất.
Phạm vi thi:
Tất cả nhân sĩ sinh ngày 1 tháng 1 năm 1980 tới 30 tháng 12 năm 1989 đều có thể đăng ký tham gia thi đấu.
Chú ý 1: Ngày tháng năm sinh lấy chuẩn trong sổ hộ khẩu.
Chú ý 2: Người nào muốn thay đổi sổ hộ khẩu mời xem phụ lục 1.
Chú ý 3: Tại sao lại phải thay đổi sổ hộ khẩu? Mời xem chú ý 1.
Hình thức dự thi
1. Thi sáng tác
Mỗi thí sinh tham gia dự thi tự chọn ba sáng tác của mình, nộp và thảo luận với ban giám khảo (danh sách ban giám khảo xem phụ lục 2), do ban giám khảo bình chọn.
Tiêu chuẩn bình chọn:
Được quyết định theo sự yêu thích của từng thành viên ban giám khảo.
2. Thi đọc thơ
Mỗi thí sinh tham gia dự thi đọc một tác phẩm thơ ca, nộp và thảo luận với ban giám khảo (danh sách ban giám khảo xem phụ lục 2), do ban giám khảo bình chọn.
Tiêu chẩn bình chọn: Bình chọn dựa theo sự ưa thích của từng thành viên ban giám khảo.
3. Thi theo chủ đề
Do ban giám khảo ra chủ đề tại chỗ, các thí sinh tham gia dự thi phải hoàn thành trong thời gian cho trước, nộp và thảo luận với ban giám khảo (danh sách ban giám khảo xem phụ lục 2), do ban giám khảo bình chọn.
Tiêu chuẩn bình chọn:
Bình chọn dựa theo sự ưa thích của từng thành viên ban giám khảo.
Chú ý 4: Người thắng cuộc trong phần thi này sẽ có cơ hội được giới thiệu thành "phần tử trí thức".
Chú ý 5: Thí sinh muốn biết trước đề, mời xem lại lượng tiền bạc trong túi nhiều hay ít mà liên hệ với ban tổ chức.
Thời gian thi:
Ngày mồng 1 tháng 1 năm 2002
Địa điểm thi:
Khách sạn Kempinski Bắc Kinh.
Hình thức đăng ký:
Gửi lại lời nhắn theo lời mời này là được.
Phí đăng ký:
Người quen miễn phí, phí đăng ký đối với người lạ mời tham khảo công thức dưới đây tự tính toán.
Công thức 1:
Phí đăng ký đối với thí sinh nam (nhân dân tệ) = (Trọng lượng cơ thể x 2 + Số lượng bạn gái x 3 + Số lượng người tình x 3 – Năm sinh + 100) x 2.5
Phí đăng ký đối với thí sinh nữ (nhân dân tệ) = (Trọng lượng cơ thể x 2 + Số lượng bạn trai x 3 + Số lượng người tình x 3 – Năm sinh + 75) x 2.5
Phương pháp bình chọn cho điểm:
Sau khi kết thúc mỗi phần thi, do ban giám khảo chấm điểm (danh sách ban giám khảo xem phụ lục 2); Sau khi chấm điểm xong, bỏ người cao điểm nhất (Chú ý 6: Nếu giám khảo Hình Thiên vì lý do nào đó chưa tới, thì bỏ phần này), bỏ đi người thấp điểm nhất (Chú ý 7: Giống chú ý 6); Cộng điểm của lần lượt các giám khảo, căn cứ vào số điểm thấp nhất theo tuần tự mà lựa chọn giải nhất 1 người, giải nhì hai người, giải ba 3 người, giải tư 4 người và các giải tiếp theo theo quy luật trên.
Những việc cần lưu ý:
1. Các thí sinh tự chuẩn bị bao cao su, viagra, roi da, nến, dây thừng…
2. Sau khi thi tổ chức ăn, đáy nồi miễn phí.
3. Nhà vệ sinh trong khách sạn thu tiền, mong các thí sinh tự chuẩn bị tiền lẻ.
Các hoạt động sau thi đấu:
1. Tham quan Thiên An Môn
2. Tới trung tâm mua sắm quốc tế
3. Tìm hết những nơi vui chơi thú vị ở Bắc Kinh – chơi.
Phụ lục 1: Phương pháp sửa sổ hộ khẩu:
A: Đối với những thí sinh sinh năm 78, 79, 90, 91 có thể tới đồn công an nơi thường trú để làm thủ tục sửa hộ khẩu (hãy nói là các quý vị được sinh ra ở vùng sâu, bà đỡ đã viết nhầm năm sinh). Chi phí khoảng năm mươi nhân dân tệ.
Chú ý 7: Chỉ cần bỏ chút công sức mà cả đời trở thành người sinh sau năm 80.
Chú ý 8: Những người sinh năm 78, 79 có thể sẽ phải thay đổi chứng minh thư, phí dụng khoảng 60 nhân dân tệ.
B: Đối với những người không phải sinh năm 78, 79, 90, 91 có thể tự thay đổi – Đầu tiên dùng dao lam cạo nội dung trong cột "ngày tháng năm sinh" trong sổ hộ khẩu, sau đó dùng tẩy tẩy sạch những sợi giấy te tua, sau cùng điền ngày x tháng x năm 198x là được.
Phụ lục 2: Danh sách ban giám khảo
Xuân Vô Lực, Đán Ảnh, Hòa Thượng, Lý Sỏa Sỏa, Quỷ Quỷ, Đặng Hưng, Lão Đao, Ngũ Nguyệt Hoa, Ức Quả, Mộc Hoa, Thẩm Hạo Ba, Nam Nhân, Phò Mã, đương nhiên còn có cả Hình Thiên rồi.
Phụ lục 3: Danh sách ban tổ chức:
Trưởng ban tổ chức: Xuân Vô Lực
Tạp dịch: CCCP
Bảo vệ: Lão Dương
Các tuyến xe tới khách sạn Kempinski: Tuyến 813, 403, 413, 402, 710, 300,718, 405 tới bến Yến Sa xuống xe, đi bộ khoảng 3 phút là tới, bắt taxi từ ga Bắc Kinh khoảng 17 tệ.
Ban tổ chức hội thi thơ ca hậu 80
Tôi và Thanh Xuân đã nhanh chóng trở thành bạn bè bình thường vì tôi đã quen biết một người đàn ông mới. Nói ra thì chúng tôi cũng chỉ cơm lành canh ngọt được mấy ngày, nói chung dài hơn mối tình một đêm một chút. Việc chúng tôi nhanh chóng kết thúc nằm ngoài dự liệu của tôi, có khả năng là do tôi luôn không muốn chống lại những biến cố đột xuất. Không những thế, tôi lại là người luôn chủ động theo đuổi.
Lúc mới quen Ba Bạt, tôi vẫn không biết anh đang sáng tác thơ, cho nên khi thấy thơ của anh, tôi rất kinh ngạc: Anh sáng tác rất hay. Chúng tôi quen biết nhau trong một hội thơ. Trong hội thơ còn có một vài nhà thơ nhiều hơn tôi mấy tuổi đang theo học tại đại học kinh tế đối ngoại như Bọ mới và thầy giáo Nhiệm – nhà thơ Thiên Tân và một vài nhà thơ nữa. Trông anh rất giống với một sinh viên nghèo, đeo kính, mặc áo sơ mi kẻ, nói chuyện rất ấu trĩ (thực ra là tôi ấu trĩ, Ba Bạt là người đại trí nhưng tỏ ra ngây ngô). Tôi dẫm vào quần của Ba Bạt. Anh ấy liền nói với tôi bằng giọng đầy uất ức: Cậu dẫm bẩn quần rồi, cậu phải giặt quần cho mình đấy. Nói thực khi hội thơ kết thúc, tôi vẫn đang do dự không biết có nên đi cùng Ba Bạt không nữa. Sau này tôi nghĩ lại, có gì mà phải do dự chứ? Tôi và Ba Bạt cùng nhau tới một quán net. Tôi cho anh ấy đọc thơ của tôi đăng trên trang thơ giang hồ. Ba Bạt khen cũng rất hay, mỗi bài thơ có một cảm giác mới. Ba Bạt buột miệng nói anh cũng sáng tác thơ. Tôi liền yêu cầu cho tôi đọc. Anh liền cho tôi đọc mấy bài. Sau khi đọc xong, tôi vô cùng kinh ngạc, Ba Bạt sáng tác thơ rất chuyên nghiệp, vừa mới đọc đã biết anh sáng tác thơ từ lâu rồi. Tôi cảm thấy xấu hổ với sự có mắt không thấy núi Thái Sơn của mình. Tôi lắp bắp hỏi lại anh: Anh sáng tác thơ từ lâu lắm rồi phải không? Đúng vậy. Ba Bạt trông vẫn như trẻ con. Anh còn viết tiểu thuyết nữa cơ, có điều anh chưa từng vào trang thơ giang hồ bao giờ. Trước đây anh thường vào trang "Đứa trẻ ốm nơi tối tăm". Nơi tối tăm ư? Trang đó rất ấu trĩ. Anh chẳng để ý. Ồ, trang đó có vài mục cũng được lắm. Anh thường paste thơ lên đó. Anh nói tiếp: Em…Ba Bạt cười. Tôi hỏi lại: Gì kia? Anh đại học năm thứ mấy rồi? Năm nay anh đã tốt nghiệp đại học rồi. Anh học đại học ở Vũ Hán. Ba Bạt đáp. Đối với người chưa từng lên đại học như tôi, tôi hâm mộ hết tất cả sinh viên đã tốt nghiệp cũng như đang học đại học.
Sự việc cứ tiếp diễn như vậy, nếu hôm đó tôi không đi cùng Ba Bạt, có khả năng sẽ có sự từng trải khác. Ngày hôm đó tôi nhất định đã nhớ tới Thanh Xuân, thậm chí đã nhớ tới Lý Tiểu Thương.
Cửu Giang Khẩu thật không phải là nơi cho người sống.
Ba Bạt hiện tại sống ở Cửu Giang Khẩu, đó là một ngôi làng hẻo lánh. Mỗi lần tôi và Ba Bạt dắt tay nhau đi trên con đường nhỏ của Cửu Giang Khẩu, tôi đều có cảm giác mình tới gần sự nghèo túng hơn. Lòng tôi thầm phản kháng lại sự nghèo túng này. Bởi tôi sợ, tôi đã sống quá đủ những ngày tháng nghèo khổ rồi. Tôi rất khâm phục khả năng không kinh ngạc trước sự thay đổi bên ngoài, vẫn nhanh chóng tìm được sự yên ổn của anh. Công ty mà anh đi làm ở khu Kiến Quốc Môn – khu phố phồn hoa, giầu có nhất Bắc Kinh. Thế nhưng đi làm về lại trở về khu Cửu Giang Khẩu chỉ có mỗi một siêu thị này. Khu nhà anh sống có một con chó to. Nó cao gần bằng nửa người, lông của nó vừa đen vừa láng, là con chó nhà chủ. Lần nào tôi cũng thấy sợ con chó đó, Ba Bạt còn sáng tác một bài thơ về con chó đó. Lúc mới bắt đầu, chúng tôi không làm tình, mà chỉ nằm trên giường nói chuyện phiếm. Hai bên đều cảm thấy có thể làm cũng có thể không làm. Chúng tôi đều có thái độ không sao, bởi ai cũng đều không thiếu bạn tình. Buổi trưa chúng tôi đi ăn cơm. Chúng tôi nói chuyện rất hợp nhau, Ba Bạt rất hứng khởi, tôi cũng hơi vui. Đó là cảm giác cuối cùng cũng xảy ra cái gì đó vui vẻ. Chúng tôi nằm trên giường đọc tập thơ tối hôm qua có một nhà thơ đưa cho, vừa đọc vừa cười không thở ra hơi. Người đó sáng tác mẹ kiếp không phải là thơ. Chúng tôi làm tình vào buổi chiều. Thanh Xuân không ngừng nhắn tin cho tôi, mãi tới tối tôi mới gọi điện lại cho anh. Tôi chẳng quan tâm, trong lời nói không giấu vẻ khó chịu. Anh hỏi tôi ở đâu, tôi trả lời đang ở bên ngoài. Người thông minh như Thanh Xuân ngay lập tức hiểu rằng anh đã bị tôi đá ra ngoài.
Cuối thu rồi. Chẳng mấy chốc đã tới mùa đông.
Nếu Lý Tiểu Thương đại diện cho mùa hè của tôi, Ba Bạt đại diện cho mùa thu và một phần mùa đông của tôi. Tôi và Ba Bạt có một thời đại hoàng kim không lấy gì làm lãng mạn lắm. Đi trên con đường rộng rãi rợp bóng hàng bạch dương cao cao, ngồi trên đống lá khô vàng, Ba Bạt nói có hai hình thức sống những ngày tháng thanh xuân: Một kiểu là lãng phí, kiểu còn lại là hoang phí. Bạn muốn chọn hình thức nào? Một con ong mật đột nhiên đậu lên môi tôi, khiến tôi không dám động đậy: Tôi lựa chọn vừa lãng phí, vừa hoang phí. Như thế sẽ phù hợp với cá tính của tôi. Tôi vốn là người mâu thuẫn mà nhạy cảm. Giống như cơn mưa giống mùa hạ, khiến người ta vừa ghét lại vừa khiến người ta nhớ nhung. Ba Bạt mặc chiếc áo khoác màu tro, tung tẩy bước tới trước tôi. Tôi liền cảm thấy đúng là thời hoàng kim của chúng tôi.
Lý Tiểu Thương ngồi trong phòng tôi. Phòng của tôi giống phòng của anh, cũng có rất nhiều ảnh và áp phích, điểm khác biệt chính là tỉ lệ giới nữ nhiều hơn mà thôi. Lý Tiểu Thương chỉ vào lọ thuốc nhỏ trên chiếc bàn đầy ắp những thứ đồ lung tung của tôi rồi hỏi: Đó là thứ gì? Cám ơn, nếu như anh không nhắc, em suýt nữa thì quên mất. Tôi cầm lọ thuốc lên, uống một viên với nước. Tôi nghĩ anh đã nhìn rõ tên của lọ thuốc.
Lý Tiểu Thương ngồi bên cạnh tôi, không cần anh nói tôi cũng biết tâm trạng của anh không tốt. Nguyên nhân khiến tâm trạng anh không tốt ít nhiều liên quan tới tôi, điều này khiến tâm trạng của tôi cũng xấu đi. Tuy tôi ghét sự vui vẻ của anh, nhưng cũng ghét sự buồn đau của anh. Mấy hôm trước anh nhuộm mớ tóc vàng của mình thành màu đen, trông bộ dạng càng giống tụi quốc xã mới. Lúc này, cả khuôn mặt cũ kỹ nặng nề của anh khiến người ta mệt. Điều này có thể khẳng định không phải là anh muốn biểu hiện ra, nhưng anh muốn giả bộ cũng không làm nổi, cũng không giấu diếm. Bạn biết đấy, tôi ghét một người không điều khiển được tâm trạng của mình, mất điều khiển trước mặt tôi, đặc biệt là trong nhà tôi. Điều đó thực sự khiến tôi không chịu nổi. Tôi sẽ còn mất điều khiển hơn anh, trong đầu chỉ nghĩ được mỗi ba chữ "Người bị hại".
Lý Tiểu Thương nhanh chóng trốn trên sân thượng hút thuốc.
Tôi thấy bất ổn. Sự yên tĩnh của anh ẩn chứa khả năng nguy hiểm bộc phát.
Tôi đang đọc sách. Anh dường như đang kiềm chế điều gì đó. Một lát sau anh đi vào, nói chúng mình tới quán nét đi, còn có thể ăn thịt xiên nướng nữa. Gần đây mỗi lần lên mạng, tiền còn thừa chúng tôi lại ăn vài xiên thịt dê nướng. Có điều cơ hội chúng tôi có tiền lại không nhiều. Anh nói, hôm nay trường đã đuổi học anh, nên em phải nể mặt anh mà uống thuốc tránh thai đi. Tôi vừa muốn cười lại vừa buồn. Nói thực, đã mấy ngày rồi đây là tin hay nhất tôi được nghe. Chúng tôi cùng nhau tới quán nét Bát Lý Trang, sau khi lên mạng xong, trên đường về nhà phát hiện bên ngoài đang mưa. Từ quán nét về nhà tôi có một con đường ven sông, không có đèn, khắp nơi tối om, chỉ thấy mặt nước lấp lóa.
Tôi là một người theo chủ nghĩa tồn tại.
Nói như vậy nhưng vẫn hoàn toàn không che giấu được sự yếu đuối trong lòng tôi. Đúng vậy, tôi luôn yếu đuối, có khí nhưng không có lực, chỉ là Lý Tiểu Thương không nhận ra điểm này mà thôi. Anh cho rằng trên người tôi có sự thông minh, lạnh lùng mà anh không có. Điều quan trọng hơn là anh không nhận thấy nhược điểm này của tôi. Nhược điểm của tôi là gì? Tôi cũng không biết, nhưng tôi biết nhược điểm của Lý Tiểu Thương. Điều này khiến anh dường như trong suốt trước mặt tôi, tôi chỉ cần liếc một cái đã nhìn thấu anh. Tôi khiến anh cho rằng hận tôi, yêu tôi, mắng tôi, đánh tôi đều tỏ ra là hành vi rất ngu xuẩn, không những thế lại không có nhân cách. Anh không có cách nào nắm được thóp tôi. Đối với con người luôn có tâm trạng như anh, tôi càng có thái độ khinh bỉ. Tôi không đồng cảm với bất kỳ ai, đặc biệt là đối với người cũng tự xưng là người của chủ nghĩa tồn tại như Lý Tiểu Thương. Điều cần thiết hơn đối với anh bây giờ là cần phải hiểu được lý luận của chủ nghĩa tồn tại, chứ không phải tới tâm sự với tôi. Tôi ghét sự cầu xin, ghét ồn ào, ghét đầu óc không tỉnh táo. Tới thời điểm hiện tại, Lý Tiểu Thương có tổng hợp những điều trên. Tình yêu giữa tôi và Ba Bạt khiến địa vị của Lý Tiểu Thương càng trở nên gượng gạo, càng nguy hiểm hơn. Tôi không còn tìm anh hàng ngày nữa, cuối tuần tôi tới sống cùng Ba Bạt. Nếu như có kỳ nghỉ dài, tôi sẽ liên tục mấy ngày liền không liên lạc với Lý Tiểu Thương. Việc này nhanh chóng khiến Lý Tiểu Thương phát điên. Anh nói, thời xưa khi quan hệ giữa em và Mát mẻ tốt đẹp, em vẫn còn gọi điện cho anh từ nhà anh ấy. Nhưng sau khi em và Ba Bạt đi lại với nhau thì em càng xa rời anh. Ba Bạt có cái quái gì tốt chứ? Ba Bạt khác với bọn anh, thằng ấy không thực sự hiểu em đâu, bởi nó không phải là một punk. Punk là bẩm sinh, cho dù em có cho nó nghe một trăm đĩa punk cũng chẳng có tác dụng gì.
Lý Tiểu Thương thường nói với tôi: Bọn mình bắt đầu lại đi hoặc em có thể làm bạn gái anh được không? Sau khi bị từ chối, anh bắt đầu điên loạn hỏi lại: Tại sao? Một lần ở nhà Lý Tiểu Thương, lúc hai chúng tôi sắp uống cạn chai rượu vang đỏ, thì Lý Tiểu Thương liền ném chai rượu vào góc tường đối diện, những giọt rượu đỏ từ từ lăn từ trên tường xuống. Lúc đó tôi mới phát hiện ra anh không còn đeo dây chuyền có mặt lưỡi dao nữa.
Tôi lý trí tới mức tàn nhẫn hỏi: Đừng quên dọn dẹp mớ mảnh vỡ đấy, anh nên nghĩ tới hậu quả này, phải tự gánh vác mọi trách nhiệm. Hãy nhớ tới câu nói nổi tiếng của người theo chủ nghĩa tồn tại. Em phải đi đây.
Lý Tiểu Thương không giữ tôi lại, anh đau khổ cực độ. Trước lúc đi, tôi còn an ủi: Mai gọi điện cho em nhé!
Bố mẹ của Lý Tiểu Thương cũng nhanh chóng ý thức được sự vui buồn thất thường của con trai họ có liên quan tới tôi. Mẹ anh ấy có lần chạy xuống cầu thang đuổi theo tôi, vừa khẩn thiết vừa đe dọa nhắc nhở tôi không nên tới với Lý Tiểu Thương nữa, bà nói tôi sẽ hủy hoại anh ấy. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu một thứ đã dễ bị hủy hoại như thế thì hủy hoại có lẽ hay hơn. Bà còn nói Lý Tiểu Thương là đứa trẻ cố chấp. Bà yêu cầu tôi nên nghĩ cho anh, tốt nhất đừng tới tìm anh nữa. Tôi không phủ nhận bà nói không có lý, nhưng không hiểu bà có nghĩ tới điểm này không, không có tôi, có lẽ Lý Tiểu Thương còn suy sụp nhanh hơn nữa. Không ai có thể chịu đựng được tình cảm đã đổ vỡ của anh, tôi thì có thể. Tôi còn có thể hiểu anh, an ủi anh. Nếu nói đây là một loại bệnh, thì Lý Tiểu Thương đã vào giai đoạn cuối, chúng tôi đều không có thuốc. Tôi chỉ là liều thuốc mê, mỗi ngày cho anh một ít, bản thân tỉnh táo tới mức có thể chăm sóc anh. Tôi liền đáp lại mẹ Lý Tiểu Thương: Được ạ, được ạ, cháu sẽ cố hết sức không tìm anh ấy nữa. Vậy cháu cũng không nên gọi điện cho nó nữa làm gì. Tôi sững người một lát, sau đó mới nói tiếp: Điều này không thể được. Anh ấy là bạn thân của cháu, cháu có việc nhất định phải gọi cho anh. Tôi nhìn người phụ nữ trung niên trước mặt mình, phát hiện bà hơi buồn, việc bà lo nghĩ cho con trai của mình cũng là điều bình thường. Tôi thậm chí còn đôi chút cảm động. Sau đó phụ huynh của Lý Tiểu Thương lại đe dọa thêm một câu nữa: Nếu cô còn quấn lấy con trai tôi, tôi sẽ tìm bố mẹ cô đấy. Câu nói này khiến tôi khùng lên: Bà đe dọa tôi? Tìm bố mẹ tôi ư? Vậy thì đi tìm đi nhé! Tạm biệt!
Còn có một lần nữa, bố của Lý Tiểu Thương tìm tới tôi – đang giận đùng đùng bỏ về nhà, lúc đó tôi và Lý Tiểu Thương vừa mới cãi nhau xong. Tôi chạy ra khỏi phòng anh, trốn vào lề đường để trấn tĩnh lại. Tôi nhìn thấy Lý Tiểu Thương đạp xe về phía nhà tôi. Tôi đứng ở bên kia đường, nhìn bóng anh thoáng qua. Tôi vốn định gọi anh, nhưng rồi lại không gọi. Tôi men theo đường cái về nhà, đi qua mấy con phố, lúc tôi sắp qua đường thì nhìn thấy bố của Lý Tiểu Thương. Ông ấy vừa thở hổn hển vừa đạp xe đạp. Ông hỏi tôi: Xuân Vô Lực à, cháu với Lý Tiểu Thương nhà chú thế nào rồi? Tôi đáp: Chẳng thế nào cả. Ông ngỡ ngàng nói: Lý Tiểu Thương vốn là đứa xốc nổi, dễ cáu, có lẽ nó đã làm sai rồi. Bố của Lý Tiểu Thương nói. Chú à, chú không phải lo đâu, lát nữa cháu sẽ khuyên nhủ anh ấy. Tôi an ủi, thực ra tôi cũng rất lo lắng cho tâm trạng của anh. Chú biết cháu là cô gái tốt. Cám ơn, chú về đi, không có chuyện gì đâu, không có chuyện gì đâu.