1.
Sài Gòn bất chợt đổ mưa từ chỗ làm về nhà.
Tôi ghét cảm giác chạy giữa cơn mưa ướt rớt, lẻ loi và cô đơn một cách buồn bã. Chợt nhận ra bấy lâu nay mình đã quen sống với cảm giác một mình, vậy mà chẳng thể nào thoát ra khỏi nỗi cô đơn lúc nào cũng đeo bám dai dẳng.
An nói, mọi người trên trái đất này tất thảy đều cô đơn, và đến giai đoạn trưởng thành, người ta sẽ đi tìm một ai đó để khỏa lấp đi sự cô đơn hiện hữu của họ. Lần ấy, chúng tôi ngồi trước đại lộ Võ Văn Kiệt và nói về nỗi cô đơn như thể nói về người bạn tri kỉ của mình. Dòng xe vẫn cứ lao đi hối hả, còn chúng tôi thì bình thản nhìn ngắm mây trời, như thể tuổi trẻ được sinh ra chỉ để tận hưởng cảm giác yên bình như vậy.
Nhưng khoảnh khắc đó không kéo dài được lâu.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy An là giữa mùa hè. Lần ấy An bỏ lại tất cả mọi thứ ở Việt Nam để chuyển sang định cư bên Đài Loan. Chúng tôi nghiễm nhiên trở nên lẻ loi và cô độc trên Trái Đất, khi mối quan hệ thân thiết dần mai một đi theo khoảng cách địa lí.
An hỏi, tôi có buồn không.
Chẳng ai lại không buồn khi người bạn thân nhất của mình bỏ đi. Nhưng tôi không nói ra suy nghĩ ấy. Thay vào đó, tôi mỉm cười và bảo với An rằng cuộc sống sẽ có cách chu toàn cho nỗi cô đơn của mỗi người bằng những mối quan hệ mới khi một mối quan hệ cũ bỗng rời đi.
Tôi nhìn thẳng vào mắt An khi vừa dứt lời, cảm tưởng như mình đang rơi xuống một vực thẳm sâu hun hút chẳng thể nào leo lên được nữa. Tôi biết, chẳng ai mong mỏi một mối quan hệ mới kiểu vậy. Câu nói của tôi thực sự chẳng khác nào đang tự mình cắt đứt đi mọi thứ mà tôi và An đang có. Có lẽ là tôi đang tự lấp liếm nỗi cô đơn của mình theo cách tiêu cực đó, hoặc là tôi lo sợ nếu An nhìn thấy nỗi buồn của mình hiện hữu ngay trước mặt, chắc hẳn tôi sẽ vỡ òa lên mất.
Và tôi không muốn An nhìn thấy tôi trong bộ dạng thảm thương như vậy.
Sự mạnh mẽ giả tạo của tôi sẽ khiến An không còn thêm nhiều đắn đo về quyết định rời đi, nhưng tự trong thâm tâm, tôi thực sự chẳng mong mỏi điều đó xảy ra một chút nào.
“Cậu sẽ nhớ tớ chứ?”. Tôi ấp úng hỏi. “Dĩ nhiên”. An mỉm cười.
Và tôi nghĩ đó là nụ cười buồn bã nhất mà người ta thường chứng kiến khi không còn gặp lại nhau nữa. Tôi không tin vào cái giả thiết chỉ cần cố gắng thì tất cả đều có thể. Với tôi, khi điểm giao nhau đã không còn, một thế giới khác đã được mở, họa hoằn lắm mới có một khoảnh khắc nào đó nhìn thấy nhau, rồi sau đó trở nên mất hút như những chiếc lá bị cuốn xoay vào tâm bão.
Chẳng có cuộc chia li nào mà không đau lòng. Bởi lẽ, mỗi người đều hiểu được phần tương lai của mối quan hệ xa cách ấy.
2.
Tôi hỏi An cuộc sống mới ở Đài Loan như thế nào? Chúng tôi cùng nằm trên giường và nói chuyện với nhau qua Facetime.
“Bắt đầu từ con số không, một mình”. An trả lời. “Nhưng cậu còn có gia đình”. Tôi phản biện.
“Gia đình là chỗ dựa, nhưng không phải là tất cả. Ngay từ khi được đem đến thế giới này, chúng ta phải tự vật lộn với mọi thứ, tự giải quyết mọi vấn đề của riêng mình. Mỗi người đều sở hữu cuộc sống riêng và chỉ có họ mới phải đối mặt hằng ngày với nó. Chẳng ai có thể tự phân vân để luôn sẵn sàng có mặt bên cạnh mình và làm thay tất cả. Tớ muốn nói là chúng ta đều phải can đảm để đối diện nỗi cô đơn của mình như vậy đấy, không thể trông đợi hay dựa dẫm bất kì một ai”.
“Vậy sao cậu không yêu một ai đó, ít ra thì cũng sẽ có thêm một mảnh ghép bên cạnh mình, dẫu không phải lúc nào cũng bên nhau toàn vẹn”.
An cười như thể câu hỏi của tôi bỗng dưng thừa thãi. Vì xét cho cùng, không phải cứ muốn yêu là có thể yêu một ai đó ngay được.
Chúng tôi tắt điện thoại khi màn đêm ngày càng đặc quánh. Nhưng tôi cảm thấy thật khó mà chìm vào giấc ngủ.
Tôi nghĩ lại khoảng thời gian đã qua của mình bên cạnh An. Đó có lẽ là khoảng thanh xuân tươi đẹp bởi lẽ chúng tôi có tuổi trẻ và cả những giấc mơ thiếu thời. Ở đó tôi đã ước mơ trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, được lang thang khắp các cung đường và chụp ảnh bìa cho các tạp chí hàng đầu Việt Nam. Còn An dù không nói ra nhưng tôi chắc chắn ước mơ của cậu ấy là sở hữu một phòng tranh nhỏ giữa lòng thành phố đông đúc, có thể vẽ bất cứ thứ gì cậu ấy muốn, không theo một trường phái hội họa nào cụ thể.
Tôi luôn ngưỡng mộ sự mạnh mẽ và phóng khoáng trong suy nghĩ và cách sống của An.
Nhưng cho đến năm cuối cùng của cấp ba, kể từ khi bố mẹ li dị thì tính cách ấy đã được thay thế hoàn toàn bằng sự lạnh lùng, ít nói và đôi chút bất cần. Lúc nào trên gương mặt xinh xắn của An cũng hiện hữu nỗi buồn, và sự cô đơn, dù rằng cậu ấy đã khéo léo che đậy bằng những nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi khi đi bên cạnh tôi.
Một ngày mùa hè, An nói với tôi: “Cậu sẽ làm gì nếu nỗi cô đơn trở nên dày đặc, thậm chí ở những nơi đông vui mà vẫn cảm thấy lẻ loi một mình?”
“Chẳng biết nữa. Có lẽ là chui vào một góc yên tĩnh nào đó, và ngủ vùi cho hết thời gian”.
“Còn tớ sẽ biến mất khỏi nơi ấy”.
Và tôi không hề nghĩ An đã âm thầm thực hiện lời nói ngày hôm ấy. Mãi cho đến sau này, khi ngồi lặng lẽ trên băng ghế của một phòng triển lãm tranh trong thành phố, tôi mới chợt nhận ra câu nói mà An đã dứt khoát buông ra khỏi vành môi.
Trong bưu thiếp tôi gửi cho An từ Việt Nam, tôi đã nắn nót ghi vào đó dòng chữ: “Hi vọng ở một đất nước khác, nỗi cô đơn sẽ tan biến đi trong lòng cậu”.
Đáp lại, An gửi mail cho tôi và nói cảm ơn.
Nhưng tôi thực sự muốn biết, niềm hi vọng của tôi có trở thành hiện thực nơi cuộc sống của An hay không. Thực sự rất muốn. Nhưng An đã không nói thêm gì trong đó. Điều đó làm tôi cứ băn khoăn mãi.
3.
An nói nhớ những ngày sống ở Việt Nam. Còn tôi thì nhớ cậu ấy thật sự.
Tôi hỏi An về giấc mơ hội họa xưa cũ. An nói từ lâu cậu ấy đã không còn cầm cọ để vẽ nữa. “Tại sao?”. Tôi hỏi.
“Khi những đường vẽ chỉ còn hiện thân bởi sự tiêu cực, người ta không còn cảm hứng của sự sáng tạo nữa”. An nói.
Tôi hiểu câu nói đó. Chẳng ai mong muốn trải qua cú sốc trong đời mình khi mới mười tám tuổi. Và giờ, thời gian đang nhích dần lên từng khắc một. Chúng tôi đã ở độ tuổi mười chín đầy trẻ dại, rồi tuổi hai mươi cũng đang chờ đợi sát sườn. Nhưng rốt cuộc, quá khứ chính là thứ đeo bám dai dẳng nhất, và ảnh hưởng mạnh mẽ lên cuộc sống ở thì hiện tại.
Như An, đã từ bỏ giấc mơ thiếu thời của mình chỉ vì sự vụn vỡ của gia đình. Còn tôi thì lại mất đi một người bạn thân thiết, và cảm thấy cuộc sống của mình đang thiếu thốn một thứ gì đó không thể xác định thành tên gọi.
An nói đúng, người ta được đem đến Trái Đất này để rồi phải chống chọi với nỗi buồn của chính mình. Tất cả mọi người đều như thế, đều bước đi trong những trái cầu bằng thủy tinh, và có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào. Tôi biết ngoài kia, những người trẻ như chúng tôi vẫn đang vật lộn hàng ngày với nỗi cô đơn hiện hữu, một số đã nghĩ đến việc tiêu cực bằng cái chết, một số đã vùng vẫy và thoát ra khỏi, nhưng phần nhiều là những người như tôi và An, cứ hoang hoải và chới với như những kẻ đuối nước, nhưng lại chẳng mong muốn sở hữu một chiếc phao cứu sinh.
Và tôi nghĩ đó là định mệnh của nhân loại, cũng như là nỗi tuyệt vọng dai dẳng và lớn lao nhất của loài người. Sự thật là vậy.
Những ngày sau đó, khi thành phố đã trở nên nhàm chán trong cuộc sống thường nhật của mình, tôi quyết định khăn gói trên những chuyến xe. Tôi đi rất nhiều nơi, những cung đường bạt ngàn gió cuốn, những triền dốc, thung lũng, rồi tiếp tục đến những cao nguyên xa xôi. Cuối cùng, tôi dừng lại ở Tây Bắc mù sương, nơi những nét hoang sơ nhất còn sót lại trên Trái Đất này còn tồn tại.
Tôi đi như thể đôi chân mình muốn thoát ra khỏi nỗi cô đơn đeo bám dai dẳng trong lòng thành phố. Để rồi chợt nhận ra rằng, nỗi cô đơn không xuất phát từ nơi khởi nguồn mà xuất phát trong chính suy nghĩ và trái tim của mình. Tôi gửi mail cho An bảo rằng cái cách mà chúng tôi tự cho phép mình vượt ra khỏi nỗi buồn và sự cô đơn, nó đã sai rồi An ạ.
Chẳng ai có thể thoát ra khỏi chúng bằng cách bỏ đi như vậy cả. Nó chỉ làm cho chúng tự nhân rộng thêm mà thôi. Và sau cùng, người ta sẽ bị nhấn chìm như một con tàu bị bão giông từ đêm đen nuốt chửng.
Cô đơn vẫn sẽ mãi là cô đơn mà thôi.
4.
Tôi bước qua tuổi hai mươi của mình khi đã dần quen với cuộc sống cô đơn của mình. Tôi bắt đầu tự tạo cho mình một cuộc sống mới cởi mở và lạc quan hơn thay vì khép kín. Vẫn trung thành với giấc mơ ngày xưa cũ và có thêm nhiều mối quan hệ mới.
Không phải để chứng minh câu nói khi xưa tôi từng nói với An, khi một mối quan hệ rời đi, sẽ có những mối quan hệ khác được hình thành. Mà nếu cứ sống mãi nơi bóng đêm quá khứ, người ta sẽ đánh mất đi rất nhiều cơ hội cho hiện tại. Như tôi và An hai năm qua đã lãng phí không ít tuổi thanh xuân và những dự định dang dở. Cuối cùng khi nhìn lại cuộc sống của mình chỉ thấy một màu bế tắc và đánh mất đi quá nhiều thứ đáng lẽ thuộc về mình.
Những bức ảnh khi tôi lang thang và rong ruổi khắp các cung đường Việt Nam bỗng nhiên thu hút các tờ báo lớn và uy tín. Một vài nơi còn đề nghị được tổ chức thành buổi triển lãm ảnh ngay giữa lòng Sài Gòn. Dĩ nhiên là tôi không từ chối lời đề nghị hấp dẫn đó.
Tôi đặt tên cho buổi triển lãm của mình, ngắn gọn và dễ hiểu. Một số người hỏi những bức ảnh lột tả nỗi buồn rất riêng và đặc trưng, tại sao lại có một cái tên đối lập. Tôi chỉ cười, bởi lẽ tôi không hướng đến nỗi buồn trong từng bức ảnh tôi chụp. Người ta chỉ cảm thấy an yên khi đối diện với những nỗi buồn lúc nào cũng có thể sản sinh trên Trái Đất. Và hơn hết, tôi muốn lưu lại thành một dấu ấn cho tuổi trẻ của mình và cho cả An.
Khi buổi nói chuyện về buổi triển lãm kết thúc, mọi người đổ xô đến từng bức ảnh treo ngay ngắn trên tường. Những bức ảnh tôi kì công trưng bày không theo một lối nào cụ thể, mà phụ thuộc vào cảm xúc, điều đó làm cho những người xem ảnh khá thích thú và tôi cũng cảm thấy hài lòng.
Trong lúc tôi chuẩn bị thu dọn ra về thì An đứng đó, nhìn thẳng vào tôi và mỉm cười. Nếu đó là một giấc mơ đang bay lơ lửng qua đây thì tôi sẽ cố hết sức chụp giữ giấc mơ đó. Nhưng không đây là thực tại và An đang đứng đó là An bằng xương bằng thịt. Không phải là giấc mơ nào cả.
“Cuối cùng thì cậu cũng trở về”. Tôi nói.
“Tớ đã quay về gần một tháng, khi đọc những thông tin về buổi triển lãm. Nhưng để tạo bất ngờ, tớ đã âm thầm mất tích. Đó là lí do cậu không thể liên lạc được”.
Và An mỉm cười đó là nụ cười nguyên sơ và tinh khôi của tuổi hai mươi. Không còn là nụ cười gượng gạo và u uất mà tôi nhìn thấy ở tuổi mười tám nữa. Bỗng nhiên muốn hỏi rằng cậu ấy đã hết cô đơn chưa? Nhưng chợt nhận ra điều ấy thật thừa thãi, vì những nụ cười thành thật đã nói lên tất cả.
“Rồi cậu sẽ làm gì ở Việt Nam?”. Tôi hỏi.
“Cậu còn nhớ giấc mơ mà tớ từng bỏ dở không, Triên? Tớ trở về đây để bắt đầu lại mọi thứ. Hai năm qua đã đủ để tớ chiêm nghiệm về nỗi cô đơn của mình rồi. Cảm ơn cậu về những chuyến đi và cả An nữa.
Và tôi cảm thấy quá khứ xưa cũ chợt ùa về. Ở đó chúng tôi mười tám tuổi nhưng không mang trong lòng vẻ phiền muộn và bất cần nữa. Thay vào đó là những niềm tin, và hi vọng về một ngày mai thật khác, không có chỗ cho sự phủ phục với nỗi buồn và nỗi cô đơn.