Khương viết thư cho tôi, từ biển.
Tôi nhớ biển. Nhớ da diết cái nắng oi nồng của miền thùy dương, nhớ con đường ngập tràn sắc nâu của những trái chò xoay tròn theo từng đợt gió, nhớ từng đợt quẫy sóng tung bọt trắng xóa cả trời chiều, hoặc có nhiều lúc, tôi đã nhớ về Khương. Giờ này cậu ấy đang làm gì, tôi chẳng thể nào biết. Chúng tôi đã sống ở hai thành phố khác, hai đất nước khác. Vậy nên hai cuộc sống cũng khác hẳn.
Trong thư Khương nói, tôi không cần phải cố tỏ ra mạnh mẽ, không cần phải chứng tỏ mình là một cô gái kiên cường và nghị lực, dẫu rằng đó là điều nên có khi khởi đầu một cuộc sống mới ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Thay vào đó, Khương khuyên tôi rằng hãy cứ buồn bã đi, cứ mềm yếu đi, như thể cảm xúc trong tôi đã muốn tồn tại như vậy nhưng tuyệt nhiên đừng đánh mất hi vọng.
Sự thật là tôi đã không kiên cường như Khương nghĩ. Mười tám tuổi bố mẹ tôi li dị điều đó tạo thành một nỗi buồn ăn sâu vào trong tâm trí tôi mọi lúc. Mẹ tôi quyết định dọn hẳn sang Bangkok để trông coi cửa hàng thức ăn do một người quen để lại. Hoặc có thể mẹ đang tìm cách chạy trốn cuộc hôn nhân vừa đổ vỡ. Khi hạnh phúc mười tám năm trời bỗng dưng tạo thành khoảng trống, người ta cần một sự thay đổi lớn. Và Bangkok là nơi đầu tiên và duy nhất mẹ tôi nghĩ đến.
Tôi không muốn rời khỏi Việt Nam và rời khỏi biển. Có lẽ tôi đã quen với những rặng phi lao cong mình trước gió, quen với những con đường mòn uốn lượn ngoằn nghèo chạy dọc bờ biển, hay những buổi chiều cùng Khương đèo nhau trên chiếc xe máy cũ mèm phóng lên ngọn hải đăng bỏ hoang nằm khuất trên núi. Nhưng khi tôi và mẹ ngồi đối diện tại bàn ăn, nhìn thẳng vào đôi mắt trũng sâu của mẹ tôi không thể nào kìm lòng nổi.
Đó là đôi mắt chất chứa nỗi cô đơn cùng cực và chúng khiến tôi xót xa đến bật khóc. Cuối cùng tôi quyết định sẽ theo mẹ sang Bangkok. Tự trong thâm tâm tôi muốn san sẻ nỗi cô đơn đó, điều ấy cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ bỏ lại Khương, cậu bạn thân suốt thời thơ ấu của tôi, và biển khơi lại phía sau mãi mãi.
***
Sống tại Bangkok, khắp nơi chỉ toàn là những dãy cao ốc san sát nhau. Tôi thèm mùi biển đến khủng khiếp. Những lúc như vậy, Khương thường bỏ những mẩu thông cắt vụn và những hạt cát nhỏ vào trong thư gửi cho tôi. Dần dần tôi có một lọ thủy tinh chỉ đựng toàn cát và lọ khác thì đựng mẩu thông vụn. Chúng đối với tôi là những kỉ vật vô giá.
Tôi thầm cám ơn Khương. Giờ này, có lẽ cậu ấy đang ngồi ở ngọn hải đăng nhìn ra biển. Tôi thực sự nhớ cậu ấy và biển.
- Cậu lại nhớ về Việt Nam à Đan?
Giọng của Kaew kéo tôi về thực tại, sau khi tôi đang mân mê lọ thủy tinh đựng cát trong tay. Kaew là cô bạn thân người Thái Lan tôi quen khi đến Bangkok. Chúng tôi cùng học nhóm tại thư viện. Sống ở đây hai năm, tôi đã có thể giao tiếp bằng tiếng Thái, dù âm sắc vẫn chưa rõ ràng lắm.
- Một chút thôi. Cám ơn cậu Kaew.
- Lọ thủy tinh đẹp quá nhỉ? Nó đựng cát à?
- Ừ, cát biển nơi tớ đã từng rời đi.
- Ai gửi vậy?
- Một người bạn - Tôi hơi ngượng ngùng.
- Mối tình đầu của cậu hả?
- Không, chỉ là bạn thân thôi.
Câu hỏi của Kaew làm tôi đỏ mặt. Chưa bao giờ tôi nghĩ Khương là mối tình đầu. Nhưng đôi khi tôi không hiểu nổi cảm xúc của chính mình. Chỉ biết ở bên cạnh Khương, tôi cảm thấy đủ an yên và không lo nghĩ. Và khi đến Bangkok, người tôi nhớ nhất vẫn là cậu ấy. Có khi nào tôi yêu Khương không? Tôi không rõ, nhưng thực sự thì tôi rất muốn gặp cậu ấy, ngay lúc này.
Ở Bangkok, thật may mắn khi có một cô bạn thân như Kaew. Nhưng cũng không đủ để tôi xua tan nỗi cô đơn. Giữa thủ đô tôi cảm thấy mình lạc lõng và trơ trọi. Như thể một kẻ bộ hành rong ruổi trên sa mạc nắng cháy, muốn tìm một chốn nghỉ chân nhưng bốn bề chỉ toàn gió và cát. Uớc muốn được nhìn thấy biển như một cơn bão, thổi tung tất cả kiến thức bài vở nhồi nhét từ những buổi học nhóm.
Cuối cùng tôi chịu thua cảm xúc, nhét vội đống sách vở vào cặp và chạy ra khỏi thư viện, bỏ lại ánh mắt Kaew nhìn tôi khó hiểu. Tôi sẽ giải thích cho cô ấy qua tin nhắn. Ngay lúc này, tôi cảm thấy cơn tức thở đang chực trào dâng trong lồng ngực. Và để giải quyết tình trạng tồi tệ đó tôi quyết định cuốc bộ một cách không định hướng qua các con đường thành phố.
Những suy nghĩ cứ như những bóng ma, lảng vảng trong đầu một cách vô tội vạ. Mọi thứ nơi đây chẳng gợi cho tôi những gì thân thuộc, có chăng chỉ là những nỗi buồn đặc quánh cả không gian, như lúc bố tôi bỏ đi theo người phụ nữ khác. Tôi không trách bố, nhưng việc ông bước chân ra khỏi cửa mà không neo lại ánh nhìn khiến tôi ám ảnh. Và rồi tôi tự hỏi liệu tất cả người đàn ông trên thế giới này đều chọn cách ra đi tàn nhẫn như bố tôi hay không?
Nỗi ám ảnh đó khiến tôi hoang mang với cảm xúc kì lạ mình dành cho Khương. Mười tám tuổi, tôi cảm nhận Khương có phần thay đổi. Không còn là cậu bạn thân từ thuở hàn vi cùng tôi cắp sách, mà đã có phần chững chạc và ra dáng người lớn hơn. Một ngày tôi chợt nhận thấy mình quý mến cậu ấy theo một nghĩa khác, khi những cử chỉ dịu dàng mà Khương dành cho tôi cũng không còn thuộc phạm trù của một người bạn thân.
Nhưng rồi nỗi sợ hãi về một gia đình sụp đổ và ánh mắt xót xa đến cô độc của mẹ khiến tôi quyết định ra đi. Tôi không nghĩ đây là một quyết định sai lầm. Nhưng tôi cảm thấy phần nào có lỗi với tình cảm mà Khương dành cho tôi. Chắc hẳn cậu ấy đã rất buồn.
Tôi cứ bước đi lang thang đến khi đôi chân mỏi nhừ, mới hay mình đang đứng giữa quảng trường Siam rộng lớn. Tôi đứng yên, nhìn dòng người lướt qua trước mặt mà cảm thấy nỗi cô đơn ùa về tứ phía. Vừa lúc đó, nước mắt tôi bỗng rơi.
***
Kaew dẫn tôi đến dự sinh nhật của một người bạn, cũng là anh chàng mà cô ấy có tình ý. Tôi thuộc dạng không thích tiếp xúc với người lạ, nhưng vì tôi đã bỏ cô ấy ở lại thư viện một mình không lời giải thích, thế nên tôi có phần áy náy và đành miễn cưỡng đi cùng.
Tại bữa tiệc tôi đứng chôn chân một góc ngắm nhìn mọi người cười nói với nhau trong tiếng nhạc jazz dìu dịu. Tiệc đứng, mọi người tự chọn thức ăn và tụ tập thành những nhóm nhỏ. Kaew đang bận chinh phục anh chàng của cô ấy vậy nên tôi buộc phải đứng một mình.
Đây là một quán rượu nhỏ và chủ nhân buổi tiệc hôm nay cũng là người sở hữu nó. Đó là tôi nghe Kaew nói lại. Và dù là một quán rượu thì tôi vẫn khá ngạc nhiên khi có một bức tranh về biển đang treo ngay ngắn trên tường. Tôi tiến lại gần bức tranh và quan sát kĩ lưỡng. Dễ dàng nhận ra đó là một bức tranh do một tay nghiệp dư tự vẽ, nhưng không hẳn là không đẹp.
- Em có vẻ thích bức tranh này? - Một giọng nói từ phía sau khiến tôi giật mình.
Tôi quay người về phía phát ra giọng nói, một anh chàng người Thái Lan cao ráo có nụ cười đẹp, đang mỉm cười nhìn tôi vẻ thân thiện.
- À… vâng, mọi thứ liên quan đến biển đều làm em thấy ấm áp - tôi đáp, không giấu vẻ ngượng ngùng.
- Vậy là em thích biển nhỉ?
- Điều đó là chắc chắn.
- Em nghĩ sao về bức tranh này?
- Không hẳn là đẹp nhưng tạo cảm giác chân thật.
- Bức này do anh vẽ cũng khá lâu rồi trước khi dọn lên Bangkok tự mở quán rượu kinh doanh.
- Vậy hóa ra anh là…
- Người tổ chức bữa tiệc tối nay em tên gì?
- Đan. Còn anh?
- Nadech em không phải người Thái Lan?
- À không em là người Việt Nam.
Chẳng hiểu sao tôi cảm thấy Nadech thật gần gũi. Từ nước da ngăm, nụ cười hiền và dáng người cao dong dỏng chúng làm tôi nghĩ đến Khương. Và đặc biệt, Nadech cũng yêu biển giống như tôi.
Chúng tôi trò chuyện chừng vài phút thì Nadech xin phép tiến về phía lễ đài. Anh cám ơn mọi người đến tham dự buổi tiệc mừng sinh nhật và mời mọi người bắt cặp để nhảy. Kaew sau một hồi đi loanh quanh cũng quay trở lại và đứng bên cạnh tôi. Có lẽ Kaew không hề biết tôi vừa nói chuyện với anh chàng trong mộng của cô ấy.
- Anh có thể mời em nhảy cùng được chứ? - Nadech tiến gần đến tôi và hỏi.
- Ơ… xin lỗi anh nhưng em không biết nhảy - Tôi ngơ ngác và nhìn về phía Kaew cô nàng dường như cũng bất ngờ không kém.
- Thôi nào đây là sinh nhật của anh mà đừng từ chối nhé.
Nadech kéo tay tôi đi về phía sân khấu, bỏ lại Kaew cùng với bức tranh vẽ biển trên tường. Tôi cảm thấy ngại nhưng lại không thể chối từ. Một phần vì tôi cũng cảm thấy quý mến Nadech phần khác vì không muốn anh ấy phải thất vọng vì tôi không nhận lời.
Nhưng khi đối diện với Nadech và nhìn vào mắt anh ấy tôi lại liên tưởng đến Khương. Giờ đây chúng tôi đã cách nhau ba tiếng đồng hồ ngồi máy bay. Những gì chúng tôi có thể làm là ngồi viết thư cho nhau, kể về cuộc sống thường nhật mà mình trải qua ở hai thành phố cách nhau hàng ngàn cây số.
Kết thúc buổi tiệc Nadech chở tôi về nhà bằng xe mô tô phân khối lớn của anh ấy, sau khi tôi không tìm thấy Kaew tại bữa tiệc. Có lẽ cô nàng có việc nên về trước, hoặc là Kaew cảm thấy thất vọng khi chứng kiến Nadech mời tôi nhảy cặp. Điều đó làm tôi cảm thấy khó xử và mệt mỏi.
***
Tôi đang vân vê lọ thủy tinh đựng cát tại thư viện thì Kaew đến, ngồi trước mặt tôi và rồi cô nàng cất lời:
- Cậu đang quen Nadech à?
- Không, không có chuyện đó - Tôi hơi bối rối.
- Nói dối. Cậu biết tớ thích Nadech, vậy mà cậu…
- Tớ không nói dối.
- Đủ rồi đó Đan. Tớ đã thấy Nadech nhiều lần đến tìm cậu trước nhà. Và giờ cậu lại coi tớ như một con ngốc.
Kaew bỏ đi sau khi vừa dứt lời. Mọi chuyện ngày càng tệ. Tôi không thể nào giải thích cho Kaew hiểu. Nadech thích tôi, nhưng thực sự tôi không yêu anh ấy. Cơn ngộp thở lại bắt đầu dâng trong lồng ngực. Tôi thèm được thấy biển. Tôi muốn gặp và ôm lấy Khương, kể cho cậu ấy biết rằng tôi đã nhớ Việt Nam đến mức nào rằng tôi muốn cuối tuần nào cũng được đèo nhau trên xe máy đến ngọn hải đăng và nhìn mặt trời chìm dần xuống biển.
Tôi quay trở về nhà và nằm úp mặt vào gối bắt đầu khóc. Hai năm sống tại Bangkok như thể để tôi khám phá nỗi buồn và sự cô đơn của mình, về tình cảm nhen nhóm mà tôi không đủ can đảm để ở lại bên Khương. Tôi không còn nhận được thư từ Khương nữa, không biết cậu ấy đang làm gì đang ở đâu liệu rằng Khương đã quên tôi hay chưa?
Có thể lắm, niềm tin của con người rồi sẽ dần bào mòn vì xa cách. Tôi đã bỏ Khương ở lại vậy tôi có quyền gì để đòi hỏi cậu ấy phải dành trọn tình cảm cho mình. Trong cơn tuyệt vọng tôi lấy lọ thủy tinh trút hết cát vào lòng bàn tay. Cảm giác như biển đang len lỏi qua từng kẽ hở và trôi đi mất.
Sau cùng chỉ còn lại tôi và nỗi cô đơn khi không còn ai bên cạnh.
***
Mẹ tìm thấy tôi tại quảng trường. Lúc nào buồn tôi cũng thường ra đây và nhìn dòng người qua lại. Chỉ mới hai năm mà khuôn mặt bà ấy trở nên gầy sọp và già nua rõ rệt. Có lẽ mẹ đã quá vất vả khi phải một mình chống chọi với cuộc sống tại thành phố xa hoa này. Thời gian tôi gặp mẹ không nhiều, chủ yếu là những bữa sáng ăn vội cho kịp giờ đi học của tôi và kịp giờ kinh doanh nhà hàng của mẹ.
Mẹ đứng nhìn tôi buồn bã. Ánh mắt mẹ xót xa quá đỗi, ánh mắt tôi đã từng trông thấy tại bàn ăn của hai năm về trước. Tôi muốn hỏi mẹ là hai năm qua mẹ đã vơi bớt chút nào cô đơn hay chưa. Nhưng điều ấy có lẽ không còn cần thiết khi giữa chúng tôi giờ đây là nỗi cô đơn còn đầy kín hơn cả dòng người đang lao mình hối hả ngay trước mặt.
- Nếu con muốn trở về thì mẹ sẽ không ngăn cản
- Mẹ nói.
- Không. Con sẽ không quay về đó nữa. Tôi và mẹ nhìn nhau ái ngại. Tôi thương mẹ nhưng tình cảm đó không đủ để tôi khỏa lấp nỗi cô đơn. Giờ đây tôi chẳng thiết tha gì với việc sẽ trở lại Việt Nam khi mà mọi thứ không còn chỗ cho tôi bám víu. Có lẽ tôi sẽ dành phần đời còn lại ở đây và cố gắng yêu một ai đó không phải Khương.
Những ngày sau đó tôi tìm đến quán rượu của Nadech nhiều hơn. Lúc đầu Nadech không muốn cho tôi tống chất cồn vào người. Nhưng khi tôi đã quá kiên quyết, anh ấy đành miễn cưỡng. Có lẽ giữa việc say mèm ở một nơi nào đó thì Nadech nghĩ rằng tôi nên rũ rượi tại đây thì tốt hơn.
Những lúc cơn chếnh choáng bỗng trào lên trong đầu, tôi lại nhìn thấy Khương. Đó là ảo giác hay đó chính là Khương tôi chẳng thể nào biết. Chỉ biết là tôi đã vui đến nhường nào khi nhìn thấy cậu ấy. Để rồi sau khi tỉnh dậy từ chiếc giường quen thuộc, chỉ còn lại mình tôi trơ trọi giữa lòng thành phố lẻ loi một cách quen thuộc.
***
Tôi không muốn đến trường nữa. Kaew liên tục nhắn tin cho tôi, sau khi biết rõ mọi chuyện về tình cảm Nadech dành cho tôi. Tôi chẳng buồn phản hồi lại cho cô ấy. Có lẽ tôi sẽ chọn lối sống khép kín với tất cả mọi người. Khi trong tôi tình cảm dành cho Khương, sự rạn nứt len lỏi trong tình bạn của Kaew và nỗi băn khoăn khi đối diện với tình yêu của Nadech khiến tôi mệt mỏi.
Lại là Siam. Lúc nào đôi chân cũng đưa tôi đến quảng trường, ngồi đó và nhìn dòng người qua lại như nhìn nỗi cô đơn đặc kín trong lồng ngực. Chỉ ở giữa đám đông, người ta mới cảm nhận rõ nét nhất nỗi cô đơn mà mình sở hữu. Hai năm sống tại Bangkok tôi chợt nhận ra mình đang sống với nỗi buồn, không còn là niềm hi vọng về tình cảm của Khương và nỗi khát khao được quay trở về Việt Nam nữa. Mọi thứ giờ đây đã là cát biển trôi tuột khỏi tay tôi như buổi chiều ngồi một mình trút hết cát từ lọ thủy tinh vào lòng bàn tay.
- Đan.
Một giọng nói cất lên giữa đám đông. Giọng nói tiếng Việt rành rọt và quen thuộc. Tôi đưa mắt nhìn quanh và rồi khựng lại khi nhìn thấy cậu ấy.
Là Khương. Tôi thực sự nhìn thấy Khương ngay giữa lòng thành phố Bangkok không phải từ chếnh choáng của cơn say mà là Khương thật.
- Làm sao… cậu lại ở đây? - Tôi hỏi.
- Tớ đã làm việc cật lực và dành dụm, cuối cùng cũng đủ tiền để có thể bay sang Bangkok tìm cậu. Xin lỗi vì đã không viết thư cho cậu trong một thời gian dài chỉ là nếu không làm vậy nỗi nhớ về cậu qua từng dòng chữ sẽ khiến tớ không chịu nổi.
- Nhưng còn Siam cậu biết tớ ở đây à?
- Dĩ nhiên là không tớ đã hỏi mẹ cậu đấy. Và khó khăn lắm mới đến được đây.
- Cám ơn cậu, Khương - Mắt tôi bỗng nhòe đi.
- Cậu có nhớ biển không Đan?
- Giờ thì tớ biết tớ nhớ biển kinh khủng Khương à.
- Vậy cậu có nhớ… tớ không?
Tôi ôm Khương thật lâu sau câu nói đó, mặc cho ánh mắt mọi người nhìn vào chúng tôi lạ lẫm. Như bầu trời hé những tia sáng đầu tiên sau cơn mưa giăng xám, ngay lúc này thì tôi cảm thấy hạnh phúc. Cảm giác an yên xưa cũ bỗng dâng lên ngập ứ như thủy triều. Giữa Bangkok tôi cảm nhận rõ tiếng sóng biển vỗ liên hồi trong lồng ngực.