1.
Thuận nói, nếu Việt Nam không còn đủ sức để lôi cuốn tôi, thì hãy chuyển sang một đất nước khác. Như anh, và cuộc sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ.
Thuận là sinh viên du học bang Melbourne, nước Úc. Anh kể, những người Việt sống ở đây đều nghèo khó và làm việc quần quật hơn mười tiếng mỗi ngày. Tôi cười, nếu làm việc ở Sài Gòn hay một thành phố lớn nào đó tại Việt Nam, thì việc kẹt xe đến phát bực và nghỉ trưa ngay tại cơ quan cũng ngốn ngần ấy thời gian tương tự nhưng mức lương thì chẳng tương tự chút nào.
Hai mươi ba tuổi, tôi thấy tương lai mình mù mịt, nghỉ việc ở một cơ số nơi, tấm bằng Đại học cũng chỉ là sự chấp vá cho hồ sơ xin việc đủ đầy không hơn không kém. Tôi hay nói đùa rằng, việc học Đại học chỉ làm tiêu tốn thời gian của tôi, chứ không mang lại kiến thức nào cụ thể.
Nói như vậy nghe có vẻ hơi tiêu cực, dù sao thì suốt bốn năm trời trở thành sinh viên, tôi cũng có dịp nhồi nhét không ít những kiến thức mới, những mối quan hệ mới, và những trải nghiệm riêng dành cho tuổi trẻ của mình. Nhưng điều tôi mong đợi nhiều hơn, không phải là sự xuề xòa trong cách thức giảng dạy tại trường lớp, mà là một tư duy nhanh nhạy và nền tảng kiến thức vững chắc. Những điều đó tôi lại không tìm thấy ở bậc Đại học.
Cuối cùng sau khi ra trường, với tấm bằng cử nhân Ngân hàng, nhưng lại không có bất kì chuyên môn nào cụ thể. Công việc nào cũng bắt đầu từ con số không, thậm chí không chắc chắn rằng mình có thực sự phù hợp với chúng.
Người phỏng vấn hỏi tôi, với mức lương năm triệu đồng thì có đủ sống ở Sài Gòn? Tôi cười trừ, lẩm nhẩm những chi phí đang hiện ra trong đầu mình. Số tiền lương cứ vơi dần sau những cái chau mày bất lực.
Có lần tôi nghe Thuận kể, một cô gái nào đó chạc tuổi tôi, với một trăm triệu đồng vay được, chuyển sang Melbourne tự học tiếng Anh và trả nợ. Sau vài tháng thì cũng dứt hẳn nợ, thậm chí còn chu cấp đủ cho gia đình khoảng thời gian sau đó. Tôi ngưỡng mộ những người quyết tâm như vậy, đã làm thì phải làm đến cùng, đó mới là cuộc sống của một người trẻ.
Thuận nói, hay là tôi cũng chuyển sang đây.
Thực sự tôi đã từng nghĩ, đến một lúc nào đó, tôi sẽ rời khỏi đất nước này. Còn nơi tôi muốn đến, thực sự cũng không có nhiều lựa chọn. Bởi chẳng có trải nghiệm nào trước đó để đưa ra chính xác cho sự lựa chọn của mình cả. Điều người ta có thể làm là hi vọng. Hi vọng đến một đất nước khác cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Tôi nghĩ Úc cũng là một nơi đáng để sống.
Nhưng Thuận lúc nào cũng kể về nỗi cô đơn khi sống một mình ở thành phố lớn. Thuận nói, rồi một lúc nào đó, anh sẽ ở hẳn Việt Nam, chẳng bao giờ đặt chân đến một nơi nào nữa hết.
Tôi hỏi, tại sao.
“Giống như việc mỗi sáng thức dậy, người ta phải tìm cách chống chọi với cuộc sống một mình đeo bám dai dẳng, không người thân thích, không bạn bè. Cứ bấu víu vào công việc để qua hết một ngày, mệt mỏi lắm”. Thuận trả lời.
Tôi hiểu cảm giác đó. Cô đơn quả thực có sức tàn phá kinh khủng, và người ta chẳng thể làm chủ được mình khi trót lỡ sở hữu cái cảm giác tiêu cực đó. Tôi nói với Thuận, hay là anh hãy yêu một ai đó.
Yêu cũng là một cách để xóa bỏ nỗi cô đơn, tôi nghĩ.
Nhưng khi ánh mắt Thuận nhìn tôi xoáy sâu qua màn hình skype, tôi biết lời đề nghị của mình đã phản tác dụng. Và tôi nhận ra, để yêu một ai đó không phải là một vấn đề đơn giản của lời nói, bởi lẽ nó có thể chạm đến những kí ức cũ kĩ đang ẩn sâu nơi ngõ ngách nào đó mà người ta không muốn nhắc lại.
2.
Hai năm trước Thuận yêu một cô gái du học ở Singapore.
Đó là khoảng thời gian yêu xa, ở tận hai quốc gia riêng biệt. Sau cùng cô gái quyết định từ bỏ công việc ở đảo quốc sư tử để chuyển sang sống ở Melbourne. Nhưng sau đó chính cô lại rời bỏ Thuận để theo đuổi một người đàn ông khác.
Tôi hỏi nguyên cớ của sự chia tay, chỉ nhận được câu trả lời bao dung từ Thuận. Vì anh chẳng có gì, mà cuộc sống của một học sinh du học ở Melbourne lại quá thiếu thốn.
Tôi không nghĩ đó là nguyên do chính đáng. Tôi cho rằng có thể cô gái ấy đã không yêu Thuận nhiều như Thuận nghĩ. Nhưng vì quá yêu ai đó, người ta có thể đánh lừa cảm giác của mình lắm chứ. Như Thuận, cùng với nỗi buồn tự tạo của chính mình, đến mức chán nản và không muốn tiếp tục sống ở một trong những thành phố lớn nhất nước Úc.
Đó thực sự là một bi kịch.
Và tôi nghĩ ngộ nhận cũng là một trong những sai lầm mà những người trẻ thường hay mắc phải.
Như tình yêu giữa tôi và An, cũng cần phải nhờ đến thời gian để kiểm chứng. An làm việc ở tận Đài Loan, mỗi năm chỉ về Việt Nam được vài lần. Những lần đó, tôi luôn là kẻ thảm thương khi nằm trong danh sách cuối cùng mà anh ghé mắt đến. Và tôi tự hỏi là do tôi quá nhạy cảm hay do An thiếu tinh tế?
Hoặc cũng có thể là cả hai. Nhưng việc một người chủ động nói yêu mình, nhưng bản thân họ lại có những hành động ngược lại. Tôi nghĩ rằng chính anh ta cũng chẳng yêu thương gì thật sự.
Có thể sự cô đơn và khoảng cách đã khiến chúng tôi trở nên ngộ nhận giống như Thuận. Tôi nói với Thuận rằng, nếu sau này có yêu ai, tôi sẽ không cho phép cả hai có sự cách xa về khoảng cách địa lí như vậy. Thuận cười ngầm thông báo sự đồng tình tương tự.
Cuộc sống đúng là có nhiều ngã rẽ.
Tôi nghỉ việc tại một ngân hàng tư nhân và chuyển sang làm phóng viên cho một tòa soạn tuổi học trò. Người quản lí không tin rằng tôi có thể làm tốt được một công việc trái ngành, nhưng tôi đã chứng minh cho gã thấy rằng gã đã sai. Tôi săn tin và lên bài cho tờ báo nhiều vô kể, đến mức chẳng còn mấy thời gian cho bản thân.
Vậy mà tôi lại thấy mãn nguyện vì điều đó. Như thể tôi đang giết chết thời gian bằng cách tạo cho mình sự bận rộn. Thực sự thì tôi cũng chẳng muốn nghĩ rằng mình là kẻ thiếu thốn tình yêu, và đang cô độc giữa Sài Gòn rộng lớn. Tôi cứ vùi vào công việc và tích cóp cho mình nhiều tiền nhất có thể mà thôi.
Thuận bảo, những người trẻ luôn sở hữu nỗi bất an như vậy. Bất an về công việc, cuộc sống, tình yêu và cả sự cô đơn. Người ta cứ làm việc quần quật để quên bẵng chúng đi, nhưng thực tế là chúng vẫn tồn tại song song bên cạnh. Một lúc nào đó, người ta sẽ chợt nhận ra, và thất vọng ghê gớm vì sự lừa dối bấy lâu nay của mình.
Tôi hỏi, đó có phải là anh trong chuỗi ngày đầu tiên khi đặt chân đến Melbourne hay không?
Thuận gật đầu, vẻ mặt không mấy gì là cảm xúc.
Và tôi nghĩ mình đang trở thành thành phần hú họa cho một cuộc sống bất an mà Thuận đang đề cập. Nhưng tôi không thể tự dừng lại được. Nó như sự chuyển động của bánh răng, một khi đã lập trình, chỉ có thể nhích tới, chẳng thể lùi được nữa.
Nhưng tôi vẫn chưa chạm đến ngưỡng thất vọng như Thuận nói, nghĩa là tôi vẫn có thể tự ung dung với cuộc sống bận rộn của chính mình. Đôi khi người ta chỉ có thể tiến lên thêm một mốc thời gian bằng cách tự huyễn hoặc bản thân. Tôi không biết điều đó là nên hay không nên, nhưng dẫu sao không để tâm trí mình vướng bận bởi sự cô đơn thường trực và một cuộc sống tẻ nhạt cũng là một điều may mắn.
3.
Gần đây tôi ít chuyện trò với Thuận qua skype. Hai cuộc sống ở hai múi giờ khác nhau làm chúng tôi xoay mòng, đôi khi chỉ là những tin nhắn hỏi thăm nhau vội qua facebook, rồi mỗi người lại quay cuồng với công việc đang chờ sẵn.
Thuận nói, tôi đã bỏ ý định làm việc ở một đất nước khác.
Tôi cười, không hẳn. Chỉ là tôi chưa sẵn sàng để bắt đầu một cuộc sống mới. Hoặc là chính tôi cũng sợ phải chìm trong sự cô đơn mà hai năm trước Thuận gặp phải.
Tôi nói với Thuận, dẫu sao được trải nghiệm ở một quốc gia phát triển cùng với ngôn ngữ phổ biến trên thế giới cũng là một điều tốt. Nếu muốn anh có thể về hẳn Việt Nam và sống một cách an nhàn như anh ao ước. Rồi biết đâu với hơn tám triệu dân ở cái thành phố náo nhiệt này, anh sẽ tìm được một nửa dành riêng cho mình.
Nhưng tôi biết Thuận nói là nói vậy thôi, chứ bản thân anh vẫn còn luyến lưu với cái thành phố Mebourne này lắm. Tôi biết Thuận vẫn chờ đợi một sự quay lại từ người cũ, hoặc là anh đã quen với những kỉ niệm giăng mắc khắp Melbourne mà anh từng có. Vậy nên, thật khó để có thể rời đi.
Tôi không biết nên gọi đó là nông nổi hay thủy chung. Nhưng với tuổi trẻ, để có một người khiến mình phải chờ đợi và sống chung với nỗi cô đơn cũng là một niềm hạnh phúc. Như tôi, chẳng còn tha thiết tin vào một tình yêu nào sau những đổ vỡ. Chính tôi mới là kẻ đáng thương, không phải Thuận.
Gần đây An chủ động nhắn tin cho tôi nhiều hơn.
Tôi hơi bất ngờ. Vì tính ra chúng tôi cũng đã chia tay lâu lắm rồi, điều tôi còn nhớ nhất có chăng chỉ là sự thờ ơ và thiếu quan tâm nơi An.
An nói sau ngần ấy thời gian, anh nhận ra tình cảm dành cho tôi là thật. Hoặc là ở cái lứa tuổi như hiện tại, anh cần một tình yêu giản đơn và thấu hiểu, mà tôi thì lại sở hữu những thứ đó.
Khi nghe những lời An nói, tôi có hơi nhếch mép và cười khinh khỉnh. Cuối cùng thì anh ta cũng nhận ra điều ấy, thay vì những cuộc vui bè bạn sớm đến rồi đi nhanh, sau cùng chẳng còn lại ai bên cạnh. An không hề biết, thời điểm mà tình yêu tôi dành cho anh ta đã trôi qua mất rồi. Có chăng chỉ còn đọng lại sự hờ hững ngày đó mà thôi.
Bất giác tôi nghĩ đến Thuận, nếu như cô gái kia cũng chủ động nhắn tin như An, tôi tự hỏi liệu anh sẽ xử trí ra sao.
Một sự tha thứ và khởi đầu lại? Hay là để mọi thứ trôi tuột qua kẽ tay như những giọt mưa?
Dù là gì đi nữa, tôi chỉ mong đó là quyết định của sự an nhiên trong nhận thức. Không phải là sự dằn vặt hay luyến tiếc bủa vây nào hết.
Một ngày mùa hè, Thuận nói đang tìm hiểu một cô gái nào đó mà tôi chưa kịp biết mặt. Cuối cùng thì anh cũng thoát ra khỏi những ngày mây xám của tuổi trẻ và mở lòng đón nhận tình cảm của một người khác, tôi nghĩ.
Tôi nói với Thuận, chỉ cần sở hữu một trái tim yên, thì nỗi cô đơn sẽ dần dần thu hẹp. Rồi hạnh phúc sẽ tự tìm đến nếu như người ta thôi day dứt về quá khứ.
Quả thật khi nói những lời đó, tôi cảm thấy có phần nhẹ nhõm. Như thể chính mình mới là nhân vật chính trong chuyện tình yêu của Thuận.
Gã quản lí cử tôi đi công tác vài ngày tại một thành phố lớn, không phải Melbourne, mà là Sydney. Tôi chộp ngay cơ hội hiếm hoi đó. Chắc chắn tôi sẽ tìm gặp Thuận, và cười thật rạng rỡ nhất có thể khi gặp anh. Ở đó, tôi sẽ nói với Thuận rằng, tôi tự do và biết đâu tôi sẽ tìm cách chuyển hẳn tới đây và yêu lấy một ai đó giống như Thuận.
Và tôi mong mỏi một sự khởi đầu mới cho cả tôi và anh.