Chúng ta cứ tự thương xót cho chính mình, đến bao giờ mới tìm được bình yên?
***
Đôi lúc tôi vẫn luôn tự hỏi, giữa việc chứng kiến cái chết của một người, với việc chẳng hề hay biết gì, cho đến một ngày, trong một câu chuyện bên lề với một ai đó và bỗng nhiên nhận được hung tin điều nào là tồi tệ hơn?
Hoặc tôi nghĩ là cả hai đều tồi tệ như nhau.
Nhưng nếu tôi biết được cái chết ấy đúng lúc, có lẽ tôi sẽ không buồn bã và đau thương như hiện tại. Đó thật sự không phải là một cảm giác dễ chịu chút nào, bởi sau ngần ấy thời gian, những hình ảnh về một ai đó đã nằm yên vị và ngay ngắn trong tiềm thức, nay bỗng dưng được khơi gợi trở lại, bằng việc nhắc nhớ thông qua một tin tức chẳng mấy tốt đẹp.
Điều đó thật sự rất khó để chấp nhận. Dù rằng sự thật thì chẳng thể nào thay đổi được.
Kha mất và tôi chỉ biết ngỡ ngàng khi nghe điều đó.
Hoặc giả sử tôi biết được cái chết của cậu ấy đúng lúc thì tôi vẫn sẽ buồn. Hẳn nhiên mọi cái chết đều không phải quá đáng buồn hay sao, nhưng cái cách Dương từ giã cuộc sống của mình khi còn quá trẻ nó thật sự là một vết cứa đau đớn khắc sâu vào trong tâm trí tôi khi cố mường tượng về cậu ấy ở thì quá khứ.
Những kí ức rời rạc thay phiên nhau tái hiện, về một chủ thể đã không còn tồn tại trên cõi đời này nữa.
Nếu tôi biết được cái chết của Kha, có lẽ tôi sẽ không phải đọa đày cậu ấy bằng việc nhớ hết điều này đến điều khác như bây giờ. Và cậu ấy cũng không phải chết thêm một lần nữa bằng việc ghi nhận sự thật từ một người khác như tôi.
Bởi vì không thể tường tận về cái chết ấy tâm trí tôi không ngừng tưởng tượng. Điều ấy khiến tôi có cảm tưởng rằng mình đang giết chết Kha hết lần này đến lần khác bằng việc cố gắng tái hiện lại những thước phim quá khứ xưa cũ, ở nhiều bối cảnh khác nhau mà chúng tôi đã từng trải qua.
Tôi nhìn thấy Kha đứng đó, giữa thăm thẳm đồi thông của Đà Lạt. Kha quay mặt về phía tôi cười tươi như cậu ấy vẫn từng. Đó là khoảng thời gian đẹp, ẩn hiện trong đó là tuổi trẻ và tình yêu đầy nhiệt huyết, vút bay trên nền trời xanh vời vợi của cao nguyên đầy sương. Nhưng giờ những kỉ niệm như mảnh vỡ, cào cấu lên tâm trí đến chua xót, và mãi về sau này khi nhớ về nơi chốn ấy, rừng thông sâu thẳm ấy, cả nụ cười tươi rạng rỡ ấy, tất thảy đều trở thành những kí ức buồn bã và tang tóc trong tôi.
Kha chết và mọi thứ cứ tua đi tua lại hình ảnh đó, cả trong thực tại, lẫn giấc mơ. Tôi cứ nhìn lại quá khứ của bốn năm về trước, những ngày cùng Kha rong ruổi khắp các con đường đèo ngoằn nghèo của đồi thông, cùng bước đi song song bên cạnh nhau, nghe mùi sương giá quyện vào mũi, cùng với cái lạnh thấu vào thịt da. Lúc nào cũng là Đà Lạt, và lúc nào cũng là hình ảnh Kha đang rảo bước ở không gian đó. Rõ ràng là trong thời khắc đó tôi vẫn ở bên cạnh, vẫn hiện diện như một minh chứng sống còn, nhưng qua trí nhớ, Kha hiện lên đầy vẻ cô độc và xót xa, như thể chỉ mình cậu ấy ngự trị ở nơi chốn đó.
Và tôi cảm thấy chua xót, khi sự tái hiện hình ảnh của một người đã mất qua tiềm thức của người khác lại có thể ảm đạm và đau buồn đến nhường vậy.
Nhưng rõ ràng, dù tôi có mường tượng đến đâu đi nữa, thì sự thật vẫn chẳng thể nào thay đổi được. Rồi cậu ấy sẽ hóa thành cát bụi như những người đã nằm xuống, rồi cơ thể trẻ trung của lứa tuổi hai mươi đầy rực rỡ kia sẽ dần mục rửa nơi đất lạnh, sau cùng sẽ chẳng còn lưu dấu lại gì nơi thế gian này nữa.
Đó chẳng phải là điều cô đơn nhất trên Trái Đất này hay sao, khi thân xác được nằm ngay ngắn nơi dấu thập trắng toát kia và chẳng mấy ai lui tới. Nếu được, tôi hi vọng rằng cậu ấy sẽ được hỏa táng, để tro bụi có thể theo gió mà bay đến bất cứ nơi đâu mà cậu ấy muốn, có thể là những nơi cậu ấy đã từng ghé thăm khi còn sống, hoặc những nơi xa lạ mà cậu ấy chưa lần nào đặt chân.
Tôi nghĩ điều đó sẽ tốt hơn thảy cho một người trẻ đã nằm xuống. Hoặc chí ít tôi cũng cảm thấy cậu ấy sẽ bớt cô đơn hơn theo một cách thức như thế.
Tôi nhớ lại một câu trích dẫn trong Rừng Na Uy của Haruki Murakami trong đó có đoạn viết:
“Sự chết là một thực tế, một thực tế nghiêm cẩn, dù ta có nhìn nhận nó kiểu gì đi nữa”.
Kha đã chết cách đây bốn năm rồi, ở ngay lứa tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, điều đó làm tôi không sao hiểu nổi. Tại sao cậu ấy lại lựa chọn cái chết vào cái thời khắc đẹp đẽ đến như vậy? Cái chết ấy như một thực tế tách rời khỏi mọi thứ. Tôi đã từng nghĩ đến nhiều nguyên nhân về việc một người trẻ tự cắt đứt đi mạch sống của chính mình. Nhưng rồi cảm thấy bế tắc khi tìm ra câu trả lời.
Bản thân tuổi trẻ đã là một phạm trù của sự khó đoán định, vậy nên cái chết lại càng khó để có sự giải thích rõ ràng.
Kể từ khi chúng tôi rời khỏi cuộc sống của nhau, mỗi người đã tự đeo lên phần đời của mình hai từ cô độc. Cô độc trong tất cả mọi thứ, về suy nghĩ, hành động và cả nhận thức. Sự cô độc có khiến người ta chẳng thiết tha sống trên cõi đời này không? Có thể lắm chứ. Và tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ, cũng đã từng sở hữu một tư duy chẳng mấy tích cực như thế.
Nhưng có lẽ tôi đã may mắn hơn Kha cố gắng bước qua tuổi trẻ có phần nhàm chán của chính mình và sống như một kẻ đã chết.
Nhưng rồi tôi lại nghĩ, giữa việc sống chẳng biết mình đang sống ra sao và việc chết một cách có chủ đích, thì chẳng phải tôi mới là kẻ đáng thương hại hay sao? Nhưng cái chết của Kha, tôi nghĩ đó không phải là một quyết định đúng. Rồi người ta sẽ phải chết và với một lần sống duy nhất của mình, tại sao lại phải lãng phí nó?
Đó là một cái chết nhuốm màu tiêu cực, và nó làm cho người đối diện cảm thấy ngộp thở vì sự rời đi một cách quá tàn nhẫn.
Bốn năm qua, tôi đã sống trong ý nghĩ rằng Kha vẫn còn đó. Nhưng sự thật thì không phải là vậy. Cậu ấy thực sự đã chết rồi. Điều đó tạo thành một khoảng trống trong nhận thức của tôi, về khoảng thời gian mà tôi cứ đinh ninh rằng Kha vẫn hiện diện. Và tôi cảm thấy hụt hẫng, như thể ai đó đã đánh cắp đi kí ức của mình, để lại một khoảng không trơ trọi mà chẳng cách nào có thể lấp đầy cho được.
Kha thực sự đã chết rồi. Và tôi chỉ còn biết buồn mà thôi.
***
Đôi lúc tôi tự chất vấn mình điều gì đã đẩy chúng tôi xa nhau. Lẽ ra ở giữa thời khắc tuổi trẻ tươi đẹp ấy, có thể chúng tôi đã tiến xa hơn trong mối quan hệ mà cả hai đang có. Nếu có thể tự trả lời, tôi nghĩ chính sự chông chênh trong suy nghĩ kèm theo nỗi bất an rằng mọi thứ có thể thay đổi, cùng với một tương lai vô định phía trước, những thứ đó như thác lũ kéo phăng mọi sự thân thiết vốn có, và trả lại cho chúng tôi những khoảng cách chẳng thể gọi tên.
Tôi đã từng yêu Kha, nhiều hơn những gì tôi tự cảm nhận. Nhưng khi cậu ấy kiên quyết bay xa cùng với giấc mơ du học của mình, tôi thấy mọi thứ đã nằm ngoài tầm với.
Có lẽ đó là sự ích kỉ, nhưng Kha không hiểu là tôi cần cậu ấy nhiều đến mức nào đâu. Rồi giận hờn, rồi cái tôi quá lớn của mỗi người, cứ thế những điểm giao nhau của cuộc sống không còn nữa. Mãi đến tận bốn năm sau, điều tôi nghe được tin tức về Kha là một cái chết trẻ.
Chẳng thể nào có thể đau lòng hơn thế.
Tôi đã từng giận Kha ghê gớm, rằng sau tất cả tình yêu tôi dành cho cậu ấy, cuối cùng cậu ấy vẫn chọn rời đi. Sau này khi nghĩ lại, tôi biết đó là sự lựa chọn riêng của mỗi người, và ở thời điểm đó chúng tôi đã không đồng nhất trong suy nghĩ.
Kết cục là những thương tổn xé lòng, mà tuổi trẻ vụng dại chẳng bao giờ muốn xoa dịu bằng buông bỏ. Tôi cứ khư khư giữ lấy những bóng ma quá khứ đó để tự dằn vặt mình. Rồi khi trải qua hết khoảnh khắc thanh xuân rực lửa ấy, điều đọng lại chỉ là những tiếc nuối và day dứt.
Nhưng tôi không ân hận vì chẳng phải tuổi trẻ là phải yêu và cháy hết mình với cảm xúc hiện hữu hay sao. Sau này khi đã trầm tính hơn tôi lại thèm được yêu một ai đó nồng nhiệt như ngày xưa cũ. Chỉ tiếc là chẳng thể nào quay trở lại khoảnh khắc ấy được nữa rồi.
Bạn tôi nói từ ngày chúng tôi chia tay, Kha cũng từ bỏ giấc mơ du học của mình. Điều gì? Lẽ ra khi không còn những níu kéo về phía tôi, cậu ấy có thể ra đi một cách không ràng buộc và nhanh chóng nhất có thể. Nhưng Kha đã tự chấm dứt mọi thứ từ những đổ vỡ tình cảm, điều đó làm tôi cảm thấy mình là mọi nguồn cơn của những điều tồi tệ.
Như một lời an ủi, bạn tôi bảo trong cuộc đời tan nát của Kha, thôi thì cũng có những khoảng thời gian hạnh phúc và nhận được yêu thương. Nhưng tôi lại cảm thấy điều đó chưa đủ đối với một người trẻ. Lẽ ra cậu ấy phải nhận nhiều hơn ngần ấy và phải hạnh phúc hơn những gì đã trải qua.
Nhưng Kha đã chọn cách trở thành một loài hoa ngắn ngủi nhất thế giới, một loài hoa nở và chết ngay trong đêm. Cậu ấy đã chọn như vậy và tôi chỉ còn biết buồn mà thôi.
***
Tôi tự hỏi, nếu mình rơi vào trầm cảm như Kha, tôi có chọn lựa cho mình một cái chết? Có thể lắm chứ, khi xung quanh chỉ toàn một màu đen ảm đạm, cộng với sự trầm cảm và chẳng tìm ra nguồn ánh sáng nào trong phút giây đó, người ta đều mong muốn được giải thoát, dù bằng cách tiêu cực đi chăng nữa.
Tôi không trách sự lựa chọn của Kha vì với một người đã chết thì thật tàn nhẫn khi chỉ điểm những sai sót trong cuộc sống của họ.
Tôi đón xe về phía cao nguyên, nơi phần thân thể Kha chìm trong đất. Nghĩa trang mùa này thưa thớt bóng người, những làn khói không đủ để xua đi cái lạnh giăng phủ quanh năm. Tôi nói với Kha, thầm thì rằng tôi sẽ chôn phần kí ức tươi đẹp nhất của tuổi trẻ bên cạnh cậu ấy, để mỗi lần ghé lại nơi này, chỉ còn những tiếng cười và niềm hạnh phúc mà chúng tôi đã trải qua. Thay vì những quá khứ buồn bã khi tưởng niệm về một người không còn hiện hữu.
Và tôi ước, giá như người ta có thể bình tĩnh đối diện với những hỗn loạn trong cuộc sống này thì tốt biết mấy.