K
hi còn bé không hiểu chuyện nên tôi cầm thẻ trúc này đi đổi thịt khô cay với bọn trẻ con trong thôn, đến tối lúc tắm rửa ông tôi phát hiện thẻ trúc không còn trên cổ tôi nữa thì luống cuống hỏi tôi có phải là bị mất rồi hay không, tôi không dám nói dối mà thành thật khai báo là đã cầm đi đổi thịt khô cay rồi.
Tối hôm đó thực sự khắc sâu trong lòng tôi, người ông chưa từng đánh tôi lại khiến cái mông tôi nở ra hoa, trận đòn đó khiến tôi đau đớn hơn nửa tháng, đi ngủ toàn phải nằm sấp.
Sau đó ông tôi vác một rổ trứng gà đi đổi thẻ trúc của tôi về, đồng thời nghiêm mặt nói với tôi: “Tiểu An, con phải nhớ kỹ cho ông, cái thẻ trúc này chính là mạng của con, mỗi giờ mỗi khắc đều phải đeo trên cổ, mất thẻ trúc thì mạng con cũng không còn, nghe rõ không?”
Tôi nào dám nói không, chỉ biết gật đầu thật mạnh.
Đương nhiên, tôi đây là điển hình của việc miệng nói phục nhưng tâm không phục, thật ra trong lòng tôi vốn chẳng coi cái thẻ trúc ấy ra cái gì. Mãi cho đến nửa đêm tôi bắt đầu phát sốt, nói mê sảng, thậm chí người bắt đầu co giật. Trong lúc mơ mơ màng màng hình như tôi nghe thấy có người nói chuyện với tôi, nhưng cụ thể là nói cái gì thì tôi hoàn toàn không nhớ rõ, chỉ nhớ là có một giọng nói êm tai đang trách cứ tôi không nên làm mất thẻ trúc.
Trận sốt này kéo dài đến bảy, tám ngày, cả nhà vì tôi mà bận bịu sứt đầu mẻ trán. Về sau tôi nghe mẹ tôi nói, ngay tại buổi tối tôi bị sốt cao không hạ, cha tôi suýt nữa đã cùng đánh nhau với ông nội.
Bởi vì cha tôi nói nguyên nhân tôi phúc ít thọ ngắn đều do ông tôi hại.
Tôi vẫn luôn thắc mắc về vấn đề này, cảm thấy đêm đó cha tôi hồ đồ rồi. Ông nội vẫn luôn đối xử tốt với tôi như vậy, sao ông lại làm hại tôi được, tôi chính là cháu trai ruột của ông, là cháu trai đời thứ ba duy nhất của nhà họ Trần đấy.
Đúng vậy, nói đến cũng thấy kỳ quái. Ông nội tôi có năm người con, bốn trai một gái, cha tôi đứng thứ tư, phía trên ông là ba người anh. Điều kỳ lạ là ba người bác của tôi chỉ cần có con trai thì đều sẽ chết không thể giải thích được, tuyệt đối không sống quá năm tuổi.
Đứa thì rơi vào trong nước chết đuối, đứa bị mảnh ngói đập chết, đứa đang ngủ lăn ra chết, mặc cho người lớn trong nhà chăm sóc chu đáo đến thế nào, những đứa bé này nói chết là chết.
Lúc ấy trong thôn tôi truyền ra tin đồn, nói cái gì mà tổ tiên nhà họ Trần làm nhiều chuyện xấu tổn hại âm đức, cho nên trời phạt nhà họ Trần không sinh ra được con trai. Còn có người nói là thân thể ba người bác của tôi không tốt, sinh con ra có thể chất kém.
Nhưng tin đồn dữ dội nhất vẫn là nói về ông tôi, bởi vì ông là một “thầy dời mộ”.
Thầy dời mộ là ngôn ngữ trong nghề, nói trắng ra chính là bốc mộ.
Người trong thôn nói ông nội tôi đào mộ quá nhiều, quấy rầy những thứ thanh tịnh trong mộ, cho nên nhà họ Trần tôi bị ghi thù.
Cũng bởi vì việc này mà ba người bác của tôi cãi nhau một trận rất căng với ông nội, suýt nữa đã đoạn tuyệt quan hệ cha con. Về sau đội trật tự thôn tới điều giải, nói mấy thứ kia là mê tín phong kiến không thể tin được. Nhưng cho dù như thế, ba người bác của tôi cũng gần như cắt đứt liên lạc với ông nội, ngày bình thường mặc dù ở trong cùng một thôn, nhưng không hề qua lại với nhau.
Lúc đó bà nội tôi cả ngày lấy nước mắt rửa mặt, gần như khóc mù hai mắt. Tuy cha mẹ tôi không lên tiếng, nhưng trong lòng cũng lẩm bẩm. Lời nói đáng sợ, lời đồn không ngớt, ai dám nói trong lòng không có một chút kiêng kị nào?
Mà tất cả những điều này mãi đến khi tôi được sinh ra mới có thay đổi.
Lúc mẹ tôi nghi ngờ có tôi thì bà bị nôn nghén rất ghê gớm, còn thèm ăn quả ớt cay. Thèm tới độ thế này, nghe cha tôi nói ban đêm đi ngủ mà bà còn phải giấu hai quả ớt tươi dưới gối.
Người ta thường nói chua và cay là nữ, nhà tôi vốn có chút tư tưởng cũ trọng nam khinh nữ, bề ngoài bà nội tôi không nói gì, nhưng thật ra trong lòng vẫn muốn được ôm cháu trai. Chỉ là vừa nghĩ đến kết cục của ba bác trai là bà lại an ủi mẹ tôi, nói con gái cũng tốt, con gái là áo bông nhỏ của mẹ mà.
Nhưng mẹ tôi thì chẳng nghĩ ngợi gì, ăn uống bình thường, cho đến ngày tôi ra đời.
Hôm tôi ra đời, âm lịch là ngày mùng 2 tháng 2, được gọi là ngày rồng ngẩng đầu. Buổi sáng mẹ tôi đang ở nhà đan áo len, buổi chiều đã vỡ nước ối, cha tôi vác xe ba gác ra đưa mẹ tôi đến bệnh viện. Ông nội bình thường nói năng thận trọng, mặt mày nghiêm túc cũng vội vã theo ở phía sau. Bà nội tôi thì cầu thần bái Phật, tay chân run rẩy cả.
Nhưng mà cầu thần bái Phật cũng chẳng có tác dụng gì, mẹ tôi bị khó sinh ra nhiều máu, bác sĩ khẩn cấp chuyển thành sinh mổ, nhưng trước khi mổ vẫn thông báo với cha tôi là có khả năng không cứu được con, mẹ cũng gặp nguy hiểm.
Cha tôi là một người trung thực hiền hậu, bà nội tôi hay nói cha là người đánh ba gậy cũng không ra nổi một cái rắm, giờ lại luống cuống gào khóc ở bệnh viện, còn quỳ cả xuống trước bác sĩ khoa sản, cầu xin bác sĩ nhất định phải cứu được hai mẹ con.
Ông nội tôi chẳng nói lời nào, chỉ ngồi xổm ở đầu bậc cầu thang trong bệnh viện hút hết điếu này đến điếu khác, làm cho bệnh viện tràn ngập khói như bị cháy nhà vậy, cuối cùng còn suýt nữa bị đuổi ra ngoài.
Cũng may trời cao chiếu cố, mà cũng có thể là mệnh tôi cứng rắn nên mẹ tôi không có việc gì, tôi cũng bình an ra đời.
Khi biết được tin mẹ tôi sinh con trai, cha tôi vừa khóc lại vừa cười, bà nội ôm tôi mãi nói thế nào cũng không chịu buông ra. Chỉ có ông tôi vừa mừng rỡ, đồng thời trên mặt xen lẫn cả sự lo âu.
Tin tức nhà họ Trần lại có thêm một đứa cháu trai được truyền về trong thôn, khiến cả thôn dị nghị ầm ĩ. Tất cả mọi người đều đoán xem tôi có thể sống qua được năm tuổi hay không.
Nửa tháng sau mẹ tôi xuất viện, cũng từ ngày đó trở đi ông nội tôi dường như biến thành người khác. Ông không đi dời mộ cho người ta nữa, những công cụ dùng trong nghề được ông xem như bảo bối cũng được cất vào trong hòm gỗ. Mặc cho khách hàng tới cửa nói rát họng, kể cả mang theo một chồng tiền mặt đặt ở trước mặt ông, ông cũng không hé miệng.
Ông tôi nói ông muốn cho nhà họ Trần có người hương hỏa, nếu không cho dù chết ông cũng không có mặt mũi nào chôn ở mộ tổ của nhà họ Trần, càng không dám đi gặp liệt tổ liệt tông.
Bà nội tôi vui như đứa trẻ, ôm lấy ông tôi mà hôn chụt một cái, nói con lừa bướng bỉnh ông tôi cuối cùng cũng nghĩ thông suốt rồi. Cha mẹ tôi tất nhiên cũng âm thầm thở phào, đến cả ba người bác của tôi cũng có thái độ tốt hơn với ông.
Cứ như vậy tôi từng ngày lớn lên, dưới sự trông coi của cả nhà, tôi gần như trở thành động vật quý hiếm được bảo hộ. Dù đi bất cứ đâu cũng sẽ có mẹ và bà nội ôm tôi đi, cho dù ở trong nhà cũng sẽ có người chuyên môn phụ trách việc nhìn chằm chằm tôi.
Nghe nói đây là mệnh lệnh bắt buộc của ông nội, và cả nhà đã biểu quyết nhất trí tán thành.
Chẳng mấy chốc đã tới năm tôi năm tuổi, năm ấy cái tin đồn tôi sống không quá năm tuổi lại được dấy lên lần nữa. Cha mẹ tôi lo lắng muốn chết, bà tôi cũng gần như cứ ôm tôi là khóc. Bình thường ông tôi không nói gì, nhưng nghe mẹ tôi nói ông thường xuyên đến đêm không ngủ được mà ngồi xổm trong sân hút thuốc cả đêm.
Năm đó tóc ông tôi hoàn toàn bạc trắng, người cũng già đi rất nhiều. Nhưng thứ nên tới thì có làm sao cũng không tránh được.
Tôi bị bệnh, bệnh đến hôn mê bất tỉnh, cũng không phát sốt hay cảm cúm, mà là toàn thân từ trên xuống dưới mọc đầy bọc mủ đau đớn. Bọc mủ có kích thước bằng hạt đậu to nhỏ, trải dài từ đầu đến bàn chân tôi, lít nha lít nhít nhiều vô số kể.
Kinh khủng nhất là thứ bọc mủ này vừa đau nhức vừa ngứa lạ vô cùng, giống như có hàng vạn con kiến đang cắn xé, khi chọc vỡ sẽ có con nhện màu đen chui ra.
Bà nội tôi bị dọa sợ quá hôn mê bất tỉnh tại chỗ, còn cha mẹ tôi vội vã muốn đưa tôi đến bệnh viện. Lần ấy, ông nội không hay nói nhiều lại lên tiếng ngăn cản, ông nói bệnh này bệnh viện không chữa được. Cũng không biết làm sao mà ông thuyết phục được cha mẹ tôi, hơn nửa đêm hôm ấy ông ôm tôi ra khỏi nhà, sáng hôm sau mới trở về. Không ai biết ông đi nơi nào, cũng không ai biết ông đã làm cái gì, đến bà nội hỏi mà ông cũng chẳng nói.
Cũng từ ngày đó trở đi, trên cổ tôi có đeo thêm một tấm thẻ trúc khắc chữ “Hoàng”.
Sau đó rất thần kỳ, bọc mủ đau nhức trên người tôi đến bệnh viện cũng phải bó tay lại cứ như vậy khỏi hẳn chẳng khác nào kỳ tích, thậm chỉ còn chẳng để lại một vết sẹo nào.
Mà tôi cũng bình an thuận lợi vượt qua cột mốc năm tuổi kia. Và cái tin đồn liên quan tới việc cháu trai nhà họ Trần sống không quá năm tuổi cũng bị dập tắt.
Tôi lớn dần từng bước đi nhà trẻ, lên tiểu học, học cấp hai, cuối cùng thi đậu vào vào trường cấp ba tốt nhất trên thành phố với vị trí thứ nhất toàn trường và thứ ba toàn thành phố.
Tôi vẫn cho rằng đây là món quà tốt nhất tôi tặng được cho người nhà, nhưng tôi thực sự không ngờ rằng món quà này lại trở thành điểm bắt đầu cơn ác mộng của gia đình tôi.