Đ
ã kể xong sự tích, tôi quay trở về chuyện chính.
Ông tôi ăn xong đồ ăn do nhà họ Lý mang tới, uống hai chén rượu đế rồi quay trở lại trong mộ xử lý vách quan tài.
Cho đến khi tất cả phần quan tài mục nát đều được để gọn sang một bên, ông tôi mới lấy xẻng đào hết tám tấc phần đất dưới đáy quan tài lên, và cẩn thận gói nó lại bằng một cái túi.
Làm như vậy là bởi vì lúc thi thể được chôn cất sẽ có máu chảy ra thấm vào quan tài và chảy xuống đất, nếu đất này không bị loại bỏ, mảnh đất này sẽ trở thành hung địa. Đương nhiên, chỗ tám tấc đất bị loại bỏ này càng không được để rơi vãi lung tung, nếu không linh hồn của tổ tiên sẽ giống như bị vạn người chà đạp, điều này không tốt cho con cháu đời sau.
Bận rộn đến một giờ rưỡi trưa, chiếc quan tài mới cuối cùng đã được giao tới. Ông tôi để thợ mộc Lý chuẩn bị tế quan tài.
Cái gọi là tế quan tài được chia làm ba bước: Tế tự, khóc quan tài, và khởi long.
Tế tự là bày ba loại đồ cúng cho quan tài mới, gà vịt cá mỗi thứ một phần, một dây pháo, vải đỏ và xanh mỗi loại ba mét. Ngoài ra còn có một cặp nến trắng, và đốt ba nén hương.
Tương tự như việc chúc mừng thăng quan tiến chức, mừng nhà mới.
Khóc quan tài là chờ đưa xương của tổ tiên vào quan tài mới sau khi tế tự xong, các con cháu khóc để tiễn biệt.
Về phần khởi long, cũng thường được gọi là nâng quan tài. Tám cậu thanh niên trai tráng khỏe mạnh nâng quan tài lên và đưa đến chỗ ngôi mộ mới, không được dừng lại nửa chừng.
Tất cả đều được tiến hành đâu vào đấy, nhưng đến lúc chỉ cần đưa quan tài đến chỗ mộ huyệt mới thì lại xảy ra chuyện kỳ lạ.
Cỗ quan tài không thể nâng lên được.
Tám cậu thanh niên nghẹn đến mặt đỏ tía tai mà vẫn không nhấc nổi quan tài. Người trong gia tộc nhà họ Lý bàn tán ầm ĩ, sắc mặt ai nấy cũng đều trở nên cực kỳ khó coi.
Người xưa có câu quan tài nặng vạn cân, con cháu phải chịu tang. Ý muốn nói gặp được quan tài không nhấc lên được, có nghĩa là trong nhà còn phải xử lý tang sự, dù là nhà ai cũng không chấp nhận nổi loại tình huống này.
“Có thể là quan tài mới nặng khí ẩm, đoàn người đầu tiên chờ một chút đã.” Thợ mộc Lý kêu gọi đám người nghỉ ngơi một lát, sau đó vội vàng kéo ông tôi sang một bên để hỏi thăm tình huống.
Ông tôi nhìn vào chiếc quan tài mới mà lông mày nhíu chặt lại. Ông đã kiểm tra quan tài rất cẩn thận, nó được làm từ gỗ cây bách, tuyệt đối không thể có vấn đề gì được. Tám cậu thanh niên nhấc quan tài đều là người đã kết hôn, trẻ khỏe. Người làm nông như bọn họ có sức lực rất khỏe, đừng nói là cái quan tài này cùng lắm đến 800 cân, kể cả là hơn 1000 cân cũng không thể không nhúc nhích một chút nào như thế này được.
Nhưng vấn đề vẫn xuất hiện.
Ông tôi cẩn thận nhớ lại tất cả trình tự dời mộ phần một lần, nhưng cũng không phát hiện ra mình phạm sai lầm ở chỗ nào. Nếu như vậy thì có lẽ vấn đề chỉ còn xuất hiện ở chỗ người nhấc quan tài.
Nghĩ tới đây, ông tôi bèn hỏi thợ mộc Lý chi tiết về tám cậu thanh niên này.
Vừa hỏi là đã ra vấn đề ngay.
Thì ra trong số đó có một cậu làm nghề mổ lợn, mười mấy tuổi đã đi theo cha mình mổ lợn, bán thịt lợn rồi, nên trên người có Huyết sát khí. Loại người này được gọi là Quỷ kiến sầu, bởi vì mùi máu trên người quá nồng, sát khí lại nặng, đến quỷ gặp phải cũng muốn tránh đi chứ đừng nói gì đến việc nhấc quan tài.
Quả nhiên, sau khi ông tôi bảo thợ mộc Lý đổi cậu chàng mổ lợn này đi, quan tài lập tức được nâng lên một cách thuận lợi.
Đến ba giờ chiều, chiếc quan tài cuối cùng cũng được đưa đến mộ huyệt mới, ông tôi thông báo với thợ mộc Lý là bắt đầu làm ấm huyệt.
Ấm huyệt chính là trải nhiều tầng giấy tiền vàng ở trong phần mộ, rồi dùng tiền xu đặt ở trên lớp tiền vàng, sau đó rải bột tùng hương lên trên, nhóm lửa, như vậy được gọi là làm ấm huyệt. Vì để biểu đạt lòng biết ơn công lao dưỡng dục của tổ tiên lúc còn sống, thể hiện lòng hiếu thảo. Hơn nữa làm ấm huyệt có thể giúp may mắn đến nhanh, mình hiếu kính tổ tiên như thế, đổi lại tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu được may mắn.”
Nói như vậy thì chuyện làm ấm huyệt nhất định phải do con trai trưởng làm, nếu con trai trưởng đã qua đời, vậy sẽ đến con trai thứ, cháu trai trưởng, cứ thế mà suy ra. Phụ nữ tuyệt đối không thể làm ấm huyệt, không phải là trọng nam khinh nữ, mà là phụ nữ thuần âm, mộ phần cũng thuộc về âm, âm càng thêm âm là đại hung.
“Sơn Hà à, hạ quan tài được chưa?” Thợ mộc Lý đốt xong tiền vàng thì hỏi nhỏ.
Ông tôi gật đầu, ra hiệu cho tám cậu thanh niên nâng quan tài bắt đầu tiến hành làm từ từ. Quan tài nhất định phải để nằm ổn định.
Khi quan tài đã hạ xuống mộ, trái tim ông tôi mới thở phào.
Ông tôi mỉm cười, nói: “Chú Lý, những chuyện còn lại xin giao cho chú, tôi còn phải qua bên mồ mả tổ tiên bên kia xử lý nốt việc.”
Thông thường thì, khi quan tài xuống mộ huyệt mới, những chuyện lấp đất lập bia đằng sau không còn thuộc về phần việc của thầy dời mộ nữa. Nói trắng ra là phải kiêng kị, bởi vì bình thường chuyện lập mộ mới đều phải mời thầy phong thủy đến tìm chỗ đất tốt, vì chủ nhà lo lắng những tên thầy dời mộ có lòng dạ xấu xa sẽ động tay động chân phá phong thủy nhà mình. Ngược lại thì thầy dời mộ cũng sợ chủ nhà về sau sống không tốt sẽ đem trách nhiệm đổ lên người họ.
Cho nên đây cùng là một loại hai bên thông cảm cho nhau, để cả hai cùng an tâm.
Chào hỏi thợ mộc Lý xong, ông tôi lại quay về mộ phần cũ của nhà họ Lý, nơi này mặc dù đã thành một ngôi mộ trống, nhưng nếu không được xử lý, nó vẫn sẽ xảy ra vấn đề.
Ông tôi dùng một mồi lửa đốt sạch sẽ chỗ quan tài mục nát ở bên trong phần mộ, chờ đến khi lửa tắt lại ném một cây củ cải và chín đồng tiền vào trong mộ.
Ném củ cải ý là một củ cải một cái hố, tức là trong hố này đã từng chôn người, không được chôn tiếp nữa. Chín đồng tiền có ý là mua đất trừ tà, đè ép những âm khí còn chưa tiêu tan sạch sẽ trong hố.
Cuối cùng ông tôi dùng xẻng từ từ xúc đất lấp lại hố. Nhiệm vụ dời mộ phần đến đây coi như hoàn toàn kết thúc.
Làm xong tất cả mọi chuyện thì trời cũng đã tối, ông tôi thu dọn đồ đạc chuẩn bị trở về nhà, thợ mộc Lý không đồng ý, nói thế nào cũng muốn lôi kéo ông tôi đến nhà ông ta ăn bữa cơm đã.
Trên mâm cơm muộn, từng người trong gia tộc họ Lý đến đây mời rượu và nói lời cảm ơn, ông nội tôi tiếp hết. Cô con gái út nhà họ Lý vì cảm tạ ơn cứu mạng của ông tôi mà được người nhà dắt tới rót cho ông tôi chén rượu, dẫn tới bị mọi người trêu chọc một trận. Cho dù ông tôi lớn tuổi rồi cũng bị trêu đến đỏ bừng cả mặt.
Chuyện xảy ra sau đó thì giống như phim hài vậy, không biết là trong lòng cảm kích hay ngưỡng mộ mà cô út nhà họ Lý cứ ba ngày hai bữa lại chạy tới cửa tiệm của ông tôi, chạy qua chạy lại hai người thành lâu ngày sinh tình.
Cụ bà nhà tôi biết được thì mừng lắm, dắt ngay bà mối đến nhà thợ mộc Lý để cầu hôn. Thợ mộc Lý đã biết được năng lực cùng con người của ông tôi nên cũng không phản đối, ông ấy chỉ ra điều kiện muốn ông tôi không ra ngoài dời mộ phần trong ba năm đầu tiên sau đám cưới, để tránh gây bất lợi cho con cháu sau này.
Ông tôi nào dám phản đối?
Về sau cô con gái út của nhà họ Lý trở thành bà nội của tôi. Năm đó ông tôi 30 tuổi, bà nội 20 tuổi.
Hai người chênh lệch nhau 10 tuổi, ai dám nói không phải là nhân duyên được định trước?
Mà lý do tôi trở thành thầy dời mộ, thì phải bắt đầu từ lời đồn con cháu đời thứ ba sống không quá năm tuổi của nhà họ Trần.
Tôi tên Trần An, tên ở nhà là Trần Bách Tuế, người thôn Lão Loan ở vùng duyên hải Giang Nam, năm nay 16 tuổi.
Tên của tôi là do ông nội đặt, ngụ ý bình an, sống lâu trăm tuổi.
Khi còn bé tôi không hiểu tại sao mình lại được đặt cho một cái tên thô tục như vậy, Trần An Trần An, đọc theo cách phát âm của quê hương tôi thì nó giống như trầm a trầm a*, quá không may mắn.
(*) Trầm: chìm xuống.
Nhất là cái tên Bách Tuế này, mấy đứa trong thôn thường hay cười nhạo tôi, nói trên TV mấy người làm hoàng đế đều được hô vạn tuế, thái giám Ngụy Trung Hiền còn là thiên tuế, mà tôi chỉ có bách tuế, đến cả thái giám cũng không bằng.
Vì để từ bỏ cái tên ở nhà này, tôi đã khóc lóc với ông nội không biết bao nhiêu lần, cầu xin cả bà nội, tố khổ với cha mẹ, thậm chí tuyệt thực để phản đối.
Nhưng cuối cùng tôi vẫn hoàn toàn thất bại, ông nội bình thường chiều tôi lắm mà nói thế nào cũng không chịu đồng ý. Chẳng qua là khi tôi khóc đến không còn sức nữa, ông mới đau lòng nói với tôi: “Tiểu An à, số mạng con nhiều tai họa, phúc ít thọ ngắn, cái tên này là ông dùng để ép mệnh cho con.”
Ngoài cái tên, trên người của tôi còn mang theo một tấm thẻ trúc nhỏ cỡ cục tẩy, phía trên khắc một chữ “Hoàng.”
Tấm thẻ trúc này rất kỳ quái, đầu tiên nó là một loại gỗ cây trúc màu đen, đen như mực nước vậy. Thứ hai nó rất nhẹ, nhẹ như lông ngỗng, nói chung từ nhỏ tôi đã đeo nó trên cổ, căn bản là chẳng cảm giác được nó có tí trọng lượng nào. Thứ ba cũng điều kỳ quái nhất, cái thẻ trúc này ném không vỡ, đốt không cháy, mặc cho bạn giày vò nó đến cỡ nào cũng sẽ không rơi ra dù chỉ một mảnh nhỏ.