S
au đó, ông tôi biết được từ miệng của cô con gái lớn nhà họ Lý, sở dĩ ngày hôm đó cô út bị âm khí nhập vào người là vì đúng lúc ấy cô đang bị hành kinh. Lúc xương cốt của tổ tiên nhìn thấy ánh sáng, ông tôi đã bảo những ai sinh năm Tuất, Dần, Mão phải xoay người lùi lại mười mét không nên nhìn. Phụ nữ đang có kinh cũng phải làm như vậy để tránh xúc phạm tới tổ tiên. Cô út nhà họ Lý này vốn có tính tình hoạt bát hiếu kì, không nghe lời ông tôi dặn dò nên kết quả xúc phạm tổ tiên và bị ăn khổ.
Tin tức ông tôi cứu sống cô con gái út nhà họ Lý được truyền ra bên ngoài, đám người lúc trước còn hoài nghi ông tôi là kẻ lừa đảo đều phải giơ ngón cái lên, nói ông tôi thật sự là người có bản lĩnh cao, không chỉ có thể dời mộ phần mà còn có thể trị bệnh trúng tà. Nhưng có điều những người ấy có nói thật lòng hay không thì không ai biết được.
Thợ mộc Lý lấy ra hai bao thuốc lá xịn, cố gắng nhét vào tay ông tôi rồi bảo sắp trưa rồi, ăn cơm xong đã rồi đi liễm xương cũng không muộn. Ông tôi lại lắc đầu cự tuyệt, giải thích liễm xương phải liễm sớm không được liễm muộn, tốt nhất là trước 12 giờ trưa. Bởi vì ánh nắng buổi sáng yếu, gây tổn thương nhỏ nhất cho thi cốt của tổ tiên.
Cứ như vậy ông tôi lại cùng thợ mộc Lý vội vàng chạy tới mộ tổ nhà họ Lý. Ngay khi vừa nhìn thấy ông nội tôi là cô con gái cả của thợ mộc Lý đã hoảng hốt nói cho ông biết vừa rồi có một con chó nhảy vào trong mộ, hình như đã tha đi mất một mảnh xương rồi.
Ông tôi thầm kêu hỏng bét, tuy thợ mộc Lý không hiểu, nhưng cũng biết xương cốt của tổ tiên không thể di chuyển lung tung được, càng đừng nói đến chuyện bị chó tha đi. Ông ta tức quá cho con gái cả một cái bạt tai, mắng: “Trước khi thầy Trần đi đã cố ý dặn dò con không được để cho chó mèo nhảy vào trong mộ, con từng này tuổi rồi mà ngay cả con chó cũng không đuổi đi được à.”
Cô con gái lớn che mặt khóc lóc, nói: “Con chó hoang kia vừa hung dữ vừa nhanh thoăn thoắt, con cầm gậy đuổi cũng không kịp, cha nói con phải làm thế nào ạ.”
Thợ mộc Lý tức đến cắn chặt răng lại, ông ta quay sang hỏi ông nội tôi: “Sơn Hà à, bây giờ chú sẽ về nhà gọi mấy người nữa đi tìm con chó hoang đó, xem có thể tìm được mẩu xương kia về không, cậu thấy được không?”
Ông tôi nhìn chiếc đồng hồ bỏ túi rồi gật đầu, “Trước mắt cũng chỉ có biện pháp này. Giờ là 9 giờ 40, chú nhớ kỹ, trước 11 giờ 30, mặc cho có tìm được hay không cũng nhất định phải quay trở về báo tôi biết.”
Thợ mộc Lý không nói thêm gì nữa mà kéo cô con gái cả trở về tìm chó.
Ông tôi nhìn lướt qua mộ tổ nhà họ Lý mà khẽ thở dài, chuyện xương cốt đủ hay không đủ đối với thầy dời mộ mà nói cũng đều giống nhau. Nhưng đối với con cháu nhà họ Lý thì lại là chuyện lớn.
Có câu xương cốt tổ tiên không được đầy đủ, con cháu làm bạn với thuốc. Là ý nói khi hạ táng xương cốt của tổ tiên mà không đầy đủ, như vậy ứng với khí vận phong thủy sẽ liên lụy đến con cháu đau ốm liên miên. Cái này giống như là một loại phản ứng dây chuyền huyền huyễn vậy, anh làm tổn hại tôi, tôi sẽ làm tổn hại anh.
Nhưng bất kể nói thế nào, chuyện di dời mộ phần của nhà họ Lý này cũng do ông tôi nhận làm, ông cũng không thể thật sự ngồi nhìn mặc kệ con cháu nhà họ Lý bị liên lụy vì chuyện mất đi đoạn xương này. Vì thế ông tôi thầm quyết định, nếu thợ mộc Lý có thể tìm đoạn xương kia về là tốt nhất, còn nếu không tìm được, ông cũng phải liều làm một cái xương giả, để giảm thiểu sự liên lụy xuống đến mức thấp nhất.
Xương giả, xuất hiện lần đầu tiên là được chuẩn bị cho các phạm nhân bị hành hình ở thời cổ đại. Ví dụ như ngũ mã phanh thây, cơ thể bị kéo chia năm xẻ bảy, thi cốt tất nhiên không có khả năng được chắp vá hoàn chỉnh. Mà gia đình của người chết lại không muốn lúc hạ táng người chết không được toàn thây, cho nên lúc đó có cao nhân phát minh ra xương giả. Lấy gỗ làm xương, thiếu cái nào bổ sung cái đó.
Đương nhiên, cái xương giả này không phải tìm đại khối gỗ nào cũng được, mà là cần một loại gỗ có thuộc tính âm, được gọi là âm mộc, ví dụ như gỗ cây hòe, gỗ cây liễu, tuổi cây càng lâu, âm khí ẩn chứa bên trong gỗ lại càng nặng, hiệu quả chắp vá lại càng tốt.
Thầy dời mộ thông thường không dám tùy tiện làm xương giả, phải biết bất cứ một ngành nghề nào cũng có phân chia cấp bậc, thầy dời mộ cũng không ngoại lệ. Từ cấp một đến cấp chín, cấp càng cao, tay nghề càng tốt, tất nhiên hiểu biết cũng càng nhiều.
Ông tôi 18 tuổi học nghề dời mộ, tính toán ra bây giờ cũng đã nhập môn được 12 năm, vừa vặn đạt tới trình độ của thầy dời mộ cấp năm, cũng mới có tư cách làm xương giả.
11 giờ 10, thợ mộc Lý quay trở về, mặt mũi thất vọng nói cho ông tôi biết không tìm được đoạn xương kia, hỏi ông tôi phải làm sao bây giờ.
Ông tôi suy tư một lúc rồi nói ra biện pháp làm xương giả, cũng cảnh báo với thợ mộc Lý rằng chuyện này sẽ có ảnh hưởng tới con cháu sau này của nhà họ Lý.
Thợ mộc Lý ngồi xổm trên mặt đất hút liên tục mấy điếu thuốc, cuối cùng cắn răng nói: “Cứ làm như thế đi, nếu thật sự có hệ lụy gì, hi vọng chỉ một mình chú phải gánh chịu thôi.”
Năm, sáu năm sau, thợ mộc Lý bị tai nạn gãy chân trở thành người thọt, cũng may những con cháu khác của nhà họ Lý thật sự không có ai bị liên lụy theo. Thợ mộc Lý vừa khổ sở vừa càng thêm cảm kích ông nội tôi. Tất nhiên đây là chuyện sau này, chúng ta sẽ nói tới sau.
Tiếp tục nói tới đoạn ông tôi xuống mộ bắt đầu liễm xương, những chiếc rễ cây Xuyên tâm sát bị bôi chu sa hòa với máu gà trống bị héo một cách kỳ lạ, giống như cây khô giữa mùa đông, chỉ cần đụng nhẹ một cái là gãy.
“Dời linh thân, đổi linh trạch, chớ trách móc, xin đốt tiền giấy.”
Ông tôi vừa khấn vừa trải rộng tấm chiếu cói đã được chuẩn bị từ trước ra, rồi ông đốt một bó tiền vàng và dập đầu tế bái. Chờ tiền vàng được đốt xong, ông lại quấn đầy vải trắng lên tay, lúc này mới bắt đầu chính thức liễm xương.
Lý do vì sao phải quấn vải trắng vào hai tay, một là tỏ lòng kính trọng đối với người chết, hai là ai mà biết lúc người chết khi còn sống bị tử vong bởi nguyên nhân gì. Nếu tử vong bình thường thì không sao, nhỡ mà bị bệnh truyền nhiễm gì thì ít nhất cũng có cái cách ly. Thứ ba đây chính là quy củ được truyền thừa qua nhiều thế hệ của nghề thầy dời mộ, vì họ là người phải tiếp xúc với phần mộ của người chết, mà những thứ này lại rất tà môn. Có câu thường đi bên bờ sông sao tránh khỏi ướt giày, đây cũng coi như là một loại kiêng kị của bản thân đi.
Mặt khác, thứ dùng để liễm xương cũng không nhất thiết phải dùng chiếu cói. Bình thường nếu chủ nhà không có yêu cầu gì, vậy chỉ dùng chiếu rơm, chiếu cói để liễm. Nhưng nếu như chủ nhà có yêu cầu cũng có thể đổi thành hộp liễm xương. Đương nhiên, vì hộp liễm xương có giá cả cao nên phí dời mộ tự nhiên cũng sẽ cao hơn một chút.
Tốc độ liễm xương của ông tôi rất nhanh, ông làm lần lượt bắt đầu từ xương sọ đi xuống, từng mảnh từng mảnh xương được trải ra trên tấm chiếu. Khi tất cả xương cốt đã được lấy ra, ông nội tôi phát hiện chỗ xương bị con chó hoang tha đi là một đoạn xương bắp chân.
“Chú Lý, làm phiền chú nhỏ một giọt máu lên đoạn gỗ hòe này.” Ông tôi lấy từ trong hòm ra một đoạn gỗ hòe và một con dao nhỏ đưa cho thợ mộc Lý.
Thân là thầy dời mộ, trong người không thể thiếu những đồ nghề kiếm cơm này được, giống như gỗ cây hòe này, bất kể có cần dùng hay không, các thầy dời mộ đều sẽ mang theo trong người để chuẩn bị cho bất cứ tình huống nào.
Thợ mộc Lý cầm con dao nhỏ rạch vào tay, nhỏ máu lên đoạn gỗ cây hòe xong thì đưa cho ông tôi và hỏi: “Làm như thế này có nghĩa là gì?”
Ông tôi dùng dao cẩn thận gọt đoạn gỗ hòe, ông giải thích: “Nó tương tự như việc nhỏ máu nhận thân ở thời cổ đại, nhỏ máu của con cháu lên ngụ ý là việc dùng đoạn gỗ hòe này để thay thế phần xương bị mất đã được sự cho phép của con cháu, và chính là để cảm nhận được sự liên kết của huyết mạch, mới có thể dung hợp được cùng với những xương cốt khác.”
Ông tôi gọt đoạn gỗ hòe thành hình dạng xương bắp chân rồi trịnh trọng ghép nó vào chỗ bị thiếu. Sau đó ông cẩn thận cuốn chắc chiếu cói, dùng vải trắng mới tinh bọc và thắt nút nó lại.
“Quan tài mới có thể được đưa tới vào chiều nay không nhỉ.” Liễm xương xong, ông tôi nhìn đồng hồ, từ đây đến 12 giờ trưa chỉ còn có mười phút.
“Được, chắc khoảng hai giờ chiều là đến. Chú cũng đã thuê người đào xong huyệt ở bên chỗ đất mới mà thầy phong thủy tìm được rồi.” Thợ mộc Lý trả lời.
Ông tôi thở phào nhẹ nhõm, bắt đầu đi thu dọn phần quan tài mục nát.
Lúc này bên nhà họ Lý cũng phái người đưa cơm trưa tới, ba mặn ba chay cộng thêm một bát canh, còn có cả một bình rượu đế và một gói thuốc lá nữa.
Một mâm đồ ăn phong phú như thế chỉ để cho một mình ông tôi ăn, ăn không hết phải chôn hết xuống đất chứ nhất quyết không thể mang về nhà được.
Đương nhiên, đây cũng không phải là yêu cầu của ông nội tôi, mà đó là sự tôn trọng và lòng biết ơn của gia đình chủ nhà.
Nói đến chuyện bữa cơm này còn có một sự tích nhỏ về nó.
Nghe nói lúc trước có một gia đình giàu có muốn dời mộ phần, họ nhờ một thầy trò đến hỗ trợ xử lý. Thầy thì thích rượu ngon, trò lại thích ăn thịt. Bọn họ đã thương lượng với nhà gia chủ sẽ hoàn thành công việc trong ba ngày, bao cơm trưa và tối, mỗi bữa phải có một hũ rượu ngon và hai cân thịt bò.
Ngày đầu tiên, bên gia chủ làm theo yêu cầu đưa đến một hũ rượu ngon và hai cân thịt bò, kết quả nghe người làm nói hai thầy trò kia cả ngày chẳng làm gì, chỉ ngồi nhậu nhẹt.
Gia chủ nghe mà lòng tức anh ách, thầm nghĩ tôi thỏa mãn yêu cầu ăn ngon uống sướng của các người, các người lại lười biếng không làm việc. Đã như vậy thì đừng trách tôi không giữ chữ tín.
Sang ngày thứ hai, gia chủ chỉ cho người đưa đi nửa cân thịt heo và một bình rượu mạnh.
Người làm sau khi trở về nói cho gia chủ biết, hai thầy trò kia vẫn ăn uống rất vui vẻ, chẳng có cái gì không hài lòng cả, nhưng vẫn không thấy họ làm gì mấy.
Trong lòng gia chủ thầm quyết định nếu thầy trò nhà kia không làm xong việc thì sẽ không đưa chỗ tiền công còn lại nữa. Đồng thời vào ngày thứ ba, gia chủ trực tiếp bỏ luôn rượu và thịt, chỉ đưa sang hai đĩa đồ chay.
Vào buổi sáng của ngày thứ tư, hai thầy trò tới kết toán nốt tiền công thì bị gia chủ cười khẩy và nói công việc còn chưa làm xong, kết toán cái gì. Hai thầy trò mặc kệ, nói làm xong hay không xong chính ông không tự đi xem à.
Kết quả làm gia chủ trợn tròn cả mắt, hai thầy trò thực sự đã dời xong mộ phần. Không còn cách nào gia chủ đành phải thanh toán tiền công ngay tại chỗ, nhưng trong lòng ông ta rất nghi hoặc, nghĩ mãi không ra, đành phải xấu hổ hỏi hai thầy trò: “Người làm nhà tôi nói hai người chẳng làm việc gì cả, vậy tại sao hai người lại có thể hoàn thành công việc trong ba ngày.”
Người thầy cười khẩy, nói: “Chuyện dời mộ phần không phải là công việc làm lúc nào cũng được, khi tôi làm cần phải nhìn ngày sinh tháng đẻ của gia chủ để chọn canh giờ, nhìn tiết trời xem địa thế, làm việc vào thời gian nào đều phải có nghiên cứu kỹ càng, nếu không chọn đúng sẽ hại người hại mình thì không tốt.”
Vị gia chủ kia nghe xong sắc mặt hết xanh lại đỏ, cảm thấy hối hận không nên nghe theo lời đâm thọc của người làm. Nhưng trên đời nào có thuốc hối hận, chỉ có thể nhìn hai thầy trò kia cười ha ha rời đi.
Cứ tưởng rằng chuyện này đến đây là kết thúc, không ngờ qua mấy năm sau, việc làm ăn của vị gia chủ này rớt xuống thảm hại, làm cái gì thua lỗ cái đó, không những không kiếm được tiền mà còn tiêu sạch hết vốn liếng.
Vị gia chủ này lại mời thầy phong thủy tới xem xét, tố rằng tôi đã làm theo lời ông di dời mộ tổ đến khu đất có phong thủy tốt, vậy tại sao chẳng có tí tác dụng nào, ngược lại còn càng ngày càng tồi tệ hơn.
Thầy phong thủy đến mộ tổ kiểm tra và nhanh chóng kêu lên: “Lúc trước tôi tìm cho ông khu đất có phong thủy tốt chính là cách cục Kim kê gáy sáng, sao Kim kê lại biến thành gà mái thế này, gà mái làm sao gáy sáng được, thế này không phải là làm ẩu sao?”
Vị gia chủ kia vội vàng hỏi đám người làm lúc trước đã giúp hỗ trợ việc dời mộ phần, cuối cùng biết được kết quả là hai thầy trò dời mộ kia đã chặt đứt biểu tượng mào gà trên khối đá, đồng thời còn khắc một hàng chữ nhỏ ở bên dưới khối đá kia: “Thiếu ta rượu thịt ta không sợ, bạc triệu gia tài có đau không”.
Gia chủ tức quá ngất ngay tại chỗ, mà sau đó chuyện hắn cắt xén rượu thịt của hai thầy trò kia cũng bị truyền ra ngoài. Mọi người đều chê cười hắn, đồng thời trong lòng cũng tự cảnh tỉnh, nếu đổi thành mình thì mình sẽ làm thế nào.
Sau đó có một câu nói được truyền từ đời này sang đời khác, “Thà bớt một bộ quần áo, chứ đừng thiếu người làm giúp một bát cơm.”