Mới một tháng hai mươi ba ngày nằm điều trị, anh Khán đã nằng nặc đòi ra viện bằng được. Mọi người còn nhớ rõ hồi 20 giờ ngày 19 tháng 8 năm 1967, sau hàng loạt bom tọa độ của bọn “thần sấm” giội xuống các trận địa pháo cao xạ bảo vệ khu vực Bãi Dinh, Cổng Trời, người ta đã khiêng một anh thương binh vào cấp cứu ở đội phẫu thuật lưu động chốt tại Bệnh xá Đoàn 79 thanh niên xung phong đóng cách Bãi Dinh chừng một cây số đường chim bay.
Một mảnh bom bằng nửa bàn tay đã cắm sâu vào ống xương chày cẳng chân bên phải và nhiều vết thương nhỏ rải rác khắp vùng ngực và bụng. Anh bị choáng vì đau và mất máu nhiều. Nằm ly bì trên chiếc võng vải thấm đầy máu. Mặt mày tái mét nhợt nhạt dưới ánh sáng của chiếc đèn pê-trô-max treo trong phòng hồi sức. Thỉnh thoảng anh lại cựa mình, mặt nhăn nhúm lại, hai mắt mở trừng trừng, miệng hét toáng lên: “Hướng 3,42, chiếc đi đầu, tốc độ 2203… bắn! Tằng…! Tằng…! Tằng…! Tằng…!”.
Anh Khán là đại đội trưởng pháo cao xạ thuộc Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 280 Quân khu 4. Đơn vị anh có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường chiến lược 12 rất quan trọng từ Khe Ve, Bãi Dinh đến Mụ Giạ, Cổng Trời. Giặc Mỹ đã dùng đủ loại máy bay kể cả máy bay chiến lược B-52 rải thảm hoặc đánh ngày đêm bằng đủ các loại bom mìn hiện đại hòng ngăn chặn mọi cố gắng chi viện cho chiến trường miền Nam của ta.
Sau khi đã khẩn trương làm đầy đủ các thủ tục cần thiết, anh được đưa ngay vào phòng mổ để vừa hồi sức vừa mổ cấp cứu. Chúng tôi phải bố trí hai kíp mổ. Kíp mổ chân do y sĩ My và y tá Diên thực hiện. Họ đã phải vất vả đục và gặm từng tý xương một cho rộng mới cậy được mảnh bom ra. Bác sĩ Lưu, y sĩ Hức cùng y tá Nảy tiến hành mổ ngực và bụng. Khâu vết thương ngực hở dẫn lưu phế mạc. Khâu các lỗ thủng ở ruột và dạ dày. Cuộc mổ kết thúc sau gần 3 giờ đồng hồ cần mẫn và kiên trì. Một tuần sau anh Khán được chuyển về Đội điều trị 14 điều trị tiếp. Các vết mổ lành dần. Sức khỏe của anh ngày một khá hơn. Anh bắt đầu sốt ruột. Hàng ngày hàng giờ tiếng bom, đạn luôn luôn rộ lên cùng với tiếng gầm rú của bọn “thần sấm, con ma” làm rung chuyển cả khu rừng già từ xưa vốn dĩ là nơi yên tĩnh càng làm anh sốt ruột. Một hôm anh Huynh - Chính trị viên Tiểu đoàn 13 đến thăm, đã thông báo trong trận chiến đấu mới đây, đại đội của anh bắn rơi một máy bay “thần sấm” tại chỗ, bắt sống tên giặc lái ở gần chân đèo Mụ Giạ. Tiểu đoàn đang làm báo cáo đề nghị lên cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công cho đơn vị. Tin vui đó làm anh rất mừng nhưng cũng làm anh thiếu yên tâm điều trị. Anh nói với anh Huynh: “Nếu các y bác sĩ không cho ra tôi cũng trốn khỏi viện để về đơn vị, dù có bị kỷ luật nặng tôi cùng sẵn sàng gánh chịu”. Trước quyết tâm sắt đá của anh, ban chỉ huy Đội điều trị 14 đã phải nhượng bộ cho anh xuất viện trước thời gian mặc dù chân anh đi vẫn còn khập khiễng.
Mùa khô năm 1967 - 1968, đơn vị pháo cao xạ của anh đã cùng các đơn vị công binh, thanh niên xung phong bảo vệ tuyến đường giao thông thông suốt, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các đơn vị vận tải chuyển đầy đủ vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm phục vụ đắc lực cho cuộc nổi dậy đồng loạt của đồng bào miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968.
(Anh Khán thân mến, sau 30 năm khi tôi ngồi viết lại những dòng này thì anh bây giờ đang ở đâu? Anh còn hay đã mất? Còn đất nước thời đang khởi sắc từng ngày).
2. Hướng 3,4 là hướng Tây Nam. Quy ước Bắc (1), Đông (2), Nam (3), Tây (4) để khi hô bắn cho gọn.
3. 220 là 200 mét/giây. Là tốc độ của máy bay lúc đó.