Đêm mùa đông, gió bấc thổi từng cơn vù vù lùa qua các phên liếp làm những chiếc cửa buộc không được chặt, thỉnh thoảng lại rung lên phần phật. Trong buồng bệnh, phần lớn anh em thương, bệnh binh đã đi nằm cả. Giữa nhà một đống lửa nhỏ bập bùng khi mờ khi tỏ, không đủ tỏa hơi nóng ra khắp căn nhà lá. Một vài thương binh vì rét hoặc vì vết thương đau nhức không ngủ được còn ngồi sưởi ấm. Sinh - cô y tá trực đêm nay thỉnh thoảng xách đèn đi lại kiểm tra. Cô dừng nơi này giắt lại chiếc màn bị gió thổi bung hoặc đứng lại rất lâu quan sát nét mặt và nhịp thở bụng phồng lên hạ xuống của một đồng chí thương binh nặng đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Động tác của cô nhẹ nhàng thận trọng. Cô không muốn làm anh tỉnh giấc. Lúc này có lẽ anh đang ngủ mơ gì đó. Miệng anh ú ớ câu gì nghe chẳng rõ. Qua lần vải màn, nhờ ánh sáng ngọn đèn dầu, cô nhìn thấy cặp môi hồng nhạt như đang mỉm cười trên khuôn mặt hãy còn trắng nhợt vì mất máu quá nhiều. Bất giác Sinh thở dài ái ngại, đôi hàng mi cong cụp xuống. Nếu như không có gần một lít máu của cô và đồng đội cô tiếp cho anh trong lúc mổ ban chiều nhỉ? Những vết thương thật là quái ác - cô nghĩ - có thể sau này anh sẽ bị tàn phế đấy. Nhưng giờ đây nhìn nét mặt và nhịp thở, Sinh biết chắc tính mạng anh đã được cứu sống.
Đang miên man suy nghĩ, Sinh chợt nhìn đồng hồ. 21 giờ kém 5 phút. Đã đến giờ tiêm thuốc cho anh theo y lệnh. Cô xách đèn đi về phòng trực để lấy ống tiêm. Quay trở lại, Sinh vẫn thấy anh nằm thiêm thiếp ngon lành. Có nên gọi anh dậy? Cô hỏi mình và tự trả lời: Anh ấy đang ngủ ngon, có lẽ đang mơ nữa. Đấy! Đôi môi đang mỉm cười với ai? Ai lại đang tâm phá vỡ giấc mơ đẹp của anh nhỉ, mặc dù nó có thể là ngắn ngủi. Thế còn mệnh lệnh điều trị? Ối, cái mệnh lệnh thật quái ác! Sao lại ra đúng vào giờ này nhỉ? Thôi, thà rằng sáng mai ta sẽ nhận khuyết điểm trước ban. Cô nghĩ. Còn bây giờ cứ để cho anh tận hưởng phần còn lại giấc mơ đẹp của anh. Sinh đứng đó rất lâu, tuy vẫn cầm chiếc ống tiêm còn nguyên thuốc và chiếc kẹp bông cầu cồn i-ốt sát trùng. Ừ đúng rồi! Sinh nhớ lại - Chả có lần mình được nghe giảng “giấc ngủ với đời sống con người vô cùng quan trọng. Nó giúp người ta lấy lại được sức lực sau một ngày làm việc. Với người bệnh giấc ngủ càng quý giá vì vậy khi bệnh nhân đang ngủ, không bao giờ được đánh thức họ”. Cô nói thì thầm như reo trong cổ họng: “Ta có lý! Ta có lý!”. Ngoài trời mưa vẫn rơi lâm thâm, gió vẫn rít từng cơn vội vã. Cô rùng mình vì lạnh, vội kéo chiếc khăn dù pháo sáng ở cổ lên trùm kín đầu. Giờ này chắc các anh công binh, pháo thủ trực chiến, lái xe và các anh chị thanh niên xung phong đang sửa đường thì rét lắm đây. Sinh đang miên man nghĩ vậy thì từ đằng xa vẳng lại Đoàng…! Đoàng… Đoàng…! Ba tiếng súng nổ đập vào vách núi. Tiếng vọng của nó được nhân lên lan xa rồi giội lại qua các vách núi đá ngân vang mãi phá tan cảnh tĩnh mịch của đêm đông trong rừng Trường Sơn. Ba tiếng súng đó báo hiệu “có thương binh”! Thế là cha con hò nhau kẻ đòn, người võng, ni-lông, mũ, nón, gậy ra đi để khi trở về với những chiếc cáng thương nặng trĩu.
Tôi còn nhớ như in buổi sáng hôm đó. Một buổi sáng đầu mùa khô năm 1967 khi những trận mưa rừng rả rích liên miên vừa chấm dứt. Những giọt mưa còn đọng trên mặt lá phản chiếu ánh sáng mặt trời buổi sớm long lanh như những viên ngọc làm cho cả khu rừng sáng lên lấp lánh. Trên ngọn mấy cây cổ thụ trước nhà làm việc gió vẫn thổi rì rào êm dịu. Như thường lệ, buổi giao ban sáng hàng ngày bắt đầu đúng giờ quy định. Mở đầu là y sĩ trực ngoại Hoàng My báo cáo. Anh đứng dậy xốc lại cổ áo công tác rồi bằng một giọng nói trôi chảy, tự tin báo cáo số lượng thương binh tăng, giảm, diễn biến của từng thương binh nặng, cách xử trí của kíp trực. Thương binh vào mấy ca, bị thương những bộ phận nào, đã thay băng, cho thuốc ra sao… Báo cáo của Hoàng My ngắn, rõ ràng làm đội trưởng Đính hài lòng. Trực nội là y sĩ Trần Lộc. Tuy ít tuổi nhưng có phong thái chững chạc của một nhà giáo (anh là giáo viên đi học y sĩ rồi vào bộ đội, nói năng chậm rãi khuôn phép). Anh báo cáo hồi 17 giờ ngày hôm trước một bệnh nhân nặng được khiêng vào trong tình trạng mạch nhanh nhỏ, nhiệt độ 35o7 - 36o. Huyết áp 90/40. Kíp trực cho tiêm ngay trợ tim, trợ lực, ủ ấm và thử máu thường quy. Bốn tiếng sau bệnh nhân đi vào bán mê. Kết quả xét nghiệm máu có ký sinh trùng sốt rét fan-xi-pa-rum (+++) thể si-giông. Phân tích xét nghiệm và lâm sàng chẩn đoán: “Sốt rét ác tính thể lạnh”. Đã ủ ấm, xoa dầu nóng, truyền nhỏ giọt ký ninh cờ-lo-hi-đờ-rát 0.50g vào tĩnh mạch. Tiêm mông ký ninh cách 5 giờ một ống theo đúng phác đồ điều trị.
Tiếng máy bay phản lực của Mỹ điên cuồng rẹt qua, rẹt lại trên vùng trời “R.H” xen lẫn những tràng pháo cao xạ từ các trận địa pháo bảo vệ khu vực. Thỉnh thoảng căn nhà giao ban lại tung lên sau loạt bom nổ ùng oàng. Lát sau những tiếng ầm ào qua đi. Trần Lộc bình tĩnh báo cáo tiếp. Đến giờ phút này bệnh nhân đã có chiều hướng khá hơn đôi chút. Tuy còn bán mê nhưng thân nhiệt, huyết áp đã lên dần.
- Bệnh nhân thuộc đơn vị nào? - Đội trưởng Đính hỏi.
- Báo cáo, bệnh nhân Ngô Bền 39 tuổi, Thượng úy, bác sĩ Chủ nhiệm quân y Trung đoàn 568, Sư đoàn 330.
Lộc vừa định báo cáo tiếp điều gì đó nhưng anh kịp dừng lại khi thấy đội trưởng quay sang phía đội phó hỏi:
- Có phải Bền Yd chúng mình không?
- Vâng! Anh ấy là chủ nhiệm quân y trung đoàn mạnh của Bộ đưa vào Nam để chuẩn bị cho kế hoạch lớn sắp tới. - Tôi nói - Tình hình bệnh trạng thế này không biết anh ấy có đi nổi?
Có tiếng thì thầm ở hàng ghế bên trái: Trung đoàn “quả đấm thép” đấy! Phen này bọn Mỹ, ngụy chắc chết hết!
- Không chết cũng om xương.
- Thằng Mỹ thính thật, hồi này nó đánh B-52 các trọng điểm dữ quá.
- Cũng chẳng ngăn chặn được.
- Đã hẳn nhưng cũng gây cho ta nhiều khó khăn chứ!?
- Ăn nhằm gì. Việc nó đánh cứ đánh, đường ta, ta cứ sửa ta đi!
Bác sĩ Kiểm - Trưởng ban nội bổ sung:
- Số bệnh nhân sốt rét ở ban nội hiện tới 50 người. Trong đó có bốn bệnh nhân sốt rét ác tính, xét nghiệm máu ngoại vi đều có fan-xi-pa-rum (++-+++). Ban đã tổ chức điều trị đột kích dựa theo phác đồ mới nhất của Viện 108, Viện 103 và Viện Chống sốt rét Trung ương. Chúng tôi đang sơ kết sẽ báo cáo trong buổi sinh hoạt chuyên môn của đội vào chiều thứ năm tới”.
Người xin nói thứ tư là Đội phó hậu cần Huy Sơn. Anh vóc người to lớn, nước da trắng trẻo, trông như một công chức. Quê Hà Nội. Anh đã từng là cán bộ tài vụ lâu năm của Cục Quân y. Có nhiều kinh nghiệm. Anh trình bày mạch lạc, ngắn gọn về công tác bảo đảm hậu cần sắp tới và những khó khăn do địch đánh phá gây ra. Đơn vị phải hết sức cố gắng khắc phục mọi khó khăn đi đôi với vận động anh chị em nhân viên cùng thương, bệnh binh vừa và nhẹ phải hết sức tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi. Chuẩn bị thật tốt về tinh thần và vật chất đón Tết Mậu Thân cho thật rôm rả. Ý kiến của anh được nhiều người tán thưởng. Buổi giao ban kết thúc. Tôi cùng bác sĩ Kiểm và y sĩ Lộc về ban nội thăm số bệnh nhân nặng trong đó có bác sĩ Ngô Bền, bạn cùng khóa Yd với chúng tôi. Anh nằm đó, vẫn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Trông anh nhợt nhạt, da xanh mét. Người gầy tọp đi như một củ khoai lang héo quắt. Không đầy một tháng sau, vừa ăn được giả bữa, anh đã nằng nặc xin ra viện:
- Tôi là chủ nhiệm quân y - Giọng anh trở nên khẩn khoản - Trong những ngày sắp tới, tôi không thể vắng mặt. Mà trung đoàn cũng cần tôi. Đề nghị các anh cứ cho tôi ra viện.
- Nhưng người anh còn xanh yếu lắm - Tôi nói - Đấy, anh đứng còn chưa vững nữa cơ mà.
- Đi được! Đi được anh ạ! - Anh cười lớn - Không sao đâu. Tôi đi được mà.
Mấy ngày sau, chúng tôi tiễn anh ra viện. Trước khi qua suối, anh bắt chặt tay từng người, hẹn gặp lại nhau sau ngày chiến thắng. Nhìn theo anh với chiếc gậy Trường Sơn trong tay mà bước đi còn run run xiêu vẹo. Bóng anh khuất dần trên con đường mòn dẫn ra đường chiến lược 15. Lòng chúng tôi bồi hồi xúc động xen lẫn niềm tự hào về người đồng chí, đồng nghiệp thân yêu dũng cảm mà kiên cường ấy.