Vào một đêm mùa khô năm 1967. Tôi đang ngủ ngon, bỗng có tiếng chuông điện thoại reo lên từng hồi rộn rã. Từ đầu dây bên kia giọng nói của một người nào đó mà tôi chưa hề quen biết. Anh ta xúc động nói qua hơi thở gấp:
- Đề nghị Đội điều trị 14 cho đội phẫu thuật vào Choóc mổ cấp cứu một thương binh rất nặng đã bị viêm phúc mạc.
Tôi hỏi lại:
- Đồng chí ở đâu?
- Tôi là y sĩ phụ trách bệnh xá của đơn vị thanh niên xung phong đóng ở Choóc.
- Tại sao đồng chí không chuyển ca thương binh đó ra đây?
- Tình trạng thương binh rất nặng, chuyển sợ chết ở ngang đường. Hơn nữa trời sắp sáng, ô tô không thể chạy ban ngày được.
- Nếu vậy chúng tôi cũng đi làm sao được. Bây giờ đã hơn 4 giờ rồi.
Bỏ ống điện thoại xuống, tôi định đi ngủ tiếp nhưng hình ảnh của một đồng chí thương binh bị viêm phúc mạc mà theo nghề nghiệp tôi đã thường gặp cứ lởn vởn trong đầu. Tôi liền đánh thức anh Đính - Bác sĩ đội trưởng, anh Sinh Anh - Chính trị viên Bí thư Đảng ủy, anh Ước - Chính trị viên phó và anh Huy Sơn - Đội phó hậu cần dậy để hội ý xem nên giải quyết trường hợp này thế nào. Trong thảo luận có ý kiến bảo nên đi, có ý kiến bảo không. Tôi cũng không nhất trí đi với mấy lý do sau: Thứ nhất - thương binh nặng trong đó người ta sợ chuyển ra còn bị chết ở ngang đường. Vậy ta vào liệu giải quyết được vấn đề gì? Thứ hai - đường sá trên 90 cây số, địch lại đánh liên tục, như vậy xe ta chạy ban ngày liệu có gì đảm bảo an toàn? Thứ ba - để cứu một người mà cũng chưa chắc đã có thể cứu được trong khi bảy, tám người chưa kể phương tiện, dụng cụ thuốc men và ô tô nữa không may bị bom nó đánh trúng thì sao?
Anh Đính chờ cho tôi nói hết, đảo mắt nhìn tất cả mọi người một lượt rồi mới chậm rãi hỏi lại tôi với vẻ mặt không đồng tình.
- Ngược lại, nếu vào mà cứu được đồng chí thương binh đó thì anh nghĩ thế nào? Tại sao chưa biết rõ tình trạng bệnh nhân mà anh đã bảo là không thể cứu được? - Anh nói tiếp. - Thứ hai, máy bay địch có thể đánh mà cũng có thể không phát hiện ra để đánh. Hơn nữa anh em lái xe vẫn thường nói: “Đánh chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã bị thương, bị thương chưa chắc đã chết”. Thứ ba - mọi người thường có quan niệm quân y ta ít gian khổ hơn các đơn vị khác. Do đó ta đi cấp cứu được ca này sẽ có một ảnh hưởng lớn về chính trị, gây được lòng tin yêu của anh em.
Nghe anh Đính nói có tình có lý nên tất cả mọi người đều nhất trí. Tôi nói:
- Các đồng chí đã nhất trí thì hoặc là tôi hoặc là anh Đính sẽ đi. Riêng tôi thấy, anh Đính là đội trưởng ở nhà có lợi hơn.
Anh Đính nhìn tôi mỉm cười như muốn bảo “anh quyết định như vậy là chính xác đấy”. Thương binh cần, thầy thuốc đến. Đó là trách nhiệm và cũng là truyền thống của đơn vị ta. Thú thực trong đầu tôi lúc ấy hiện lên một ý tưởng rất rõ ràng. Đi là phải. Tôi không được phép trốn tránh nhiệm vụ dù có khó khăn và nguy hiểm đến mấy. Không ai nói gì thêm. Như vậy là nhiệm vụ đã được giao. Tôi nhanh chóng chạy sang nhà tập thể nam và nữ đánh thức số anh chị em đã từng gắn bó với nhau trong mấy lần đi cấp cứu trước như Định, Thức, Tám, Tân, Thảo, Diên và Đắc lái xe. Đang độ tuổi ăn, tuổi ngủ, nhất là sau một ngày làm việc đầy vất vả, họ đều ngủ say như chết, tưởng chừng như có khiêng vứt họ ra sân cũng không làm cho họ mở mắt ra được. Ấy thế mà chỉ nghe loáng thoáng có cấp cứu là họ bật ngay cả dậy. Do đã quen việc và có cơ số chiến đấu sẵn, nên công việc chuẩn bị khá nhanh. Khoảng 6 giờ chúng tôi hành quân ra tới cây số 473. Cũng vừa đúng lúc ô tô xịch tới. Tôi nói rõ nhiệm vụ và động viên vài lời vắn tắt:
- Đây là cuộc chiến đấu thực sự giữa cái sống và cái chết chứ không phải là đi du lịch ở Trường Sơn đâu nhé. Các bạn nhớ cho.
- Đi với thủ trưởng thì yên tâm - Đắc vừa giậm ga cho xe nổ máy vừa nói tiếp - Qua kinh nghiệm ở Trường Sơn mấy năm nay, tôi thấy những người sợ chết lại càng hay chết, thủ trưởng ạ.
- Cậu đừng có chủ quan - Tôi bảo cậu ta.
- Không phải là duy tâm đâu - Đắc phân trần - Nhiều khi do sợ quá nên thiếu minh mẫn, gặp phải tình huống khó khăn phức tạp đâm ra lúng túng, thế là kềnh.
Mọi người đều cười ồ lên. Xe mới chạy, khí thế còn đang hăng, ai nấy đều cười nói vui vẻ.
Hôm ấy là một ngày nắng đẹp, bầu trời xanh thẳm cao vời vợi. Xe chúng tôi chạy từ xã Hóa Tiến đến tây Choóc dài khoảng trên 90 cây số. Đường chiến lược 15 vốn dĩ đã xấu lại bị bom đạn cày xới liên tục nên xe không thể nào phóng nhanh được. Nhiều chỗ phải dừng lại để sửa đường hoặc đẩy xe qua một đoạn lầy bị “ban-ti-nê” nó không thể tự bò qua. Hơn nữa cũng không dám chạy nhanh vì còn phải nghe ngóng, đề phòng máy bay địch thình lình ập tới. Thấy xe chạy ban ngày nơi tuyến lửa này, ai cũng ngạc nhiên. Thú vị nhất là ở nhiều đoạn, anh chị em thanh niên xung phong và công binh đang sửa đường nhìn thấy xe chúng tôi chạy cuốn tung bụi từ xa, họ đã đoán chắc với nhau rằng anh chàng lái xe này bị loạn thần kinh nên mới dám chạy bừa như thế. Cứ mỗi lần chiếc xe hồng thập tự đến gần, nhìn rõ mặt từng người, nhất là Đắc lái xe vẫn nói cười vui vẻ không phải điên như họ nghĩ và nhất là khi biết rõ mục đích chuyến đi của chúng tôi thì mối thiện cảm của họ tăng lên rõ rệt. Sau này trở về chúng tôi còn được biết thêm ngay sáng hôm đó anh Đính có gọi điện lên báo cáo binh trạm. Đồng chí Binh trạm trưởng Binh trạm 12 đã chỉ thị cho các đơn vị pháo phối thuộc binh trạm chốt ở các trọng điểm dọc đường chiến lược 15 từ Hóa Tiến vào Choóc phải sẵn sàng để bảo vệ cho chúng tôi khi bị máy bay địch tấn công. Chúng tôi càng thấy rõ việc làm của chúng tôi không đơn độc mà luôn được cấp trên cũng như các đơn vị bạn hết sức quan tâm.
Khoảng 16 giờ chúng tôi đến nơi an toàn. Ai cũng mệt, đói và khát, nhất là mấy cô nữ vừa say xăng vừa say nóng. Cô nào cũng phờ phạc như mất hồn. Trong khi anh chị em khiêng vác chuyển đồ đạc vào nơi làm việc thì tôi tranh thủ thăm khám bệnh nhân. Vừa đọc qua bệnh án tôi đã giật mình. Đúng là anh Khán - Đại đội trưởng pháo binh ở Tiểu đoàn 13. Anh mới ra viện được vài tháng nay thôi mà. Mặt anh hốc hác, hai tròng mắt hõm sâu, lờ đờ nhìn tôi như cầu khẩn. Cặp môi khô nứt nẻ khẽ mấp máy muốn nói điều gì đó, tôi không thể nào nghe được. Thú thực lúc ấy, vừa nhìn thấy anh, lòng tôi se lại, thương anh quá chừng. Khám xong, tôi quyết định phải vừa hồi sức tích cực, vừa mổ sớm mới có cơ hội cứu được anh. Nghe tôi nói thế, các đồng chí ở bệnh xá đề nghị chúng tôi ra ăn cơm để lấy sức rồi hãy mổ vì cơm đã có sẵn rồi. Biết rằng như thế nhưng làm sao có thể ngồi ăn trong khi phải chạy đua với thời gian để cứu lấy anh. Như vậy là anh bị thương vào bụng giờ thứ 16 rồi. Nhìn mặt anh, bất giác tôi lại nhớ cách đây vài tháng. Người ta cũng đã khiêng anh vào phòng hồi sức của Đội điều trị 14 với tình trạng choáng rất nặng, bị chảy máu trong vì vỡ lách do chấn thương kín vùng mạn sườn bên trái. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định rút máu trong ổ bụng ra truyền vào tĩnh mạch cho anh để nâng huyết áp. Trước đó chúng tôi đã nhờ phòng xét nghiệm kiểm tra chéo máu hút trong bụng ra với máu tĩnh mạch của anh. Không có vấn đề gì nghi ngại. Thế là tôi và y sĩ Định hồi sức thay phiên nhau bằng hai chiếc ống tiêm lại 20 phân khối, kẻ hút người tiêm tính ra đã truyền lại cho anh được 600 mi-li-lít máu tươi, kết hợp với các loại dịch thể khác và các loại thuốc trợ sức, trợ tim… Chúng tôi đã đưa được huyết áp của anh lên tới mức cho phép tiến hành được phẫu thuật. Tôi và bác sĩ Huyên đã mổ cắt lách cho anh. Đó là ca đầu tiên kể từ khi Đội điều trị 14 vào đây. Một tháng sau anh Khán ra viện. Hôm tiễn anh, cả ban ngoại vui vẻ quá chừng. Anh béo tốt, khỏe mạnh chứ đâu có như hôm nay… Tự nhiên tôi liên tưởng lần này có thể chúng tôi lại một lần nữa cứu được anh ra khỏi lưỡi hái của tử thần không? Tôi bảo Định bộc lộ tĩnh mạch để truyền thêm một đường nữa cho nhanh và phải mổ ngay mới kịp. Chờ đợi lúc này là chết. Định đã cho truyền thêm một chai máu khô và bắt đầu đặt nội khí quản. Cuộc mổ bắt đầu. Ruột non bị thủng nhiều lỗ. Một số quai ruột đã dính chằng chịt vào nhau. Có đoạn ruột đã bầm tím lại. Chúng tôi vừa gỡ vừa khâu, vừa động viên nhau. Đoạn ruột bầm tím được đắp huyết thanh mặn ấm phóng bế nô-vô-ca-in vào gốc mạc treo, song không phục hồi lại được đành cắt bỏ. Trong suốt quá trình mổ, Định và Tâm gây mê thỉnh thoảng lại thông báo tình hình mạch, huyết áp. Khi thì ổn định, có lúc huyết áp tự nhiên tụt xuống làm cho thần kinh chúng tôi lắm lúc căng ra như những sợi dây đàn. Tôi rất mệt nhưng nỗi lo lắng cho tính mạng của anh còn lớn hơn rất nhiều. May thay, sau khi đã loại trừ được ổ nhiễm độc và nhiễm trùng, huyết áp ổn định dần và có chiều hướng tăng lên. Chúng tôi lau rửa kỹ ổ bụng và phải đặt tới bốn ống xông từ trong ổ bụng ra ngoài để dẫn lưu. Đóng thành bụng và như thế cuộc mổ kết thúc. Đúng lúc chưa kịp cởi áo mổ và bịt miệng ra thì y tá Tám hớt hải chạy vào mời tôi sang ngay buồng bệnh khám cho một thương binh mới vào. Theo cô nghĩ có thể là một vết thương thấu bụng. Tôi theo Tám sang ngay chỗ bệnh nhân nằm. Tám nói đúng. Đồng chí thương binh này đã có phản ứng thành bụng rõ. Tôi bảo Tám làm đầy đủ thêm các thủ tục rồi khiêng anh sang phòng mổ để Định hồi sức trước. Trong khi đó Tâm và Diên thu dụng cụ lau rửa để luộc lại. Hức và Thảo đem “săng”, gạc, áo mổ ra suối giặt. Thấy tôi chạy theo ra, Thảo bảo:
- Anh về nghỉ đi một chút cho đỡ mệt, đứng suốt mấy tiếng liền rồi.
- Còn các cô không mệt sao?
- Chúng em thanh niên khác chứ.
- Cũng xương thịt cả, khác gì. Cùng giặt cho nhanh.
Miệng nói, tay làm. Người xát xà phòng, người vò, người giũ. Lúc thường thấy lâu nhưng nay sao mà nhanh thế. Chỉ một thoáng là chúng tôi đã giặt xong. Ở nhà Tâm đang vớt dụng cụ bày lên bàn vô trùng. Anh Khán đã được chuyển sang phòng hậu phẫu để An săn sóc. Đồng chí thương binh bị thương ở bụng đã được khiêng lên bàn mổ. Ở đó Định và Diên đang truyền dịch thể và chuẩn bị gây mê. Thảo cho áo mổ săng, gạc vào nồi nước đang sôi sùng sục trên chiếc bếp, đèn dầu được vặn to lên hết cỡ. Ca mổ thứ hai tiến hành ngay sau đó. Trường hợp này giải quyết nhanh hơn vì chỉ cần khâu một vài lỗ thủng ở ruột non và khâu gan nên không có gì gay cấn lắm. Ai cũng tưởng xong ca này thì được “xả hơi” một chút, chẳng ngờ lại một loạt thương binh mới được khiêng vào. Anh em đều bị thương trong lúc đang làm nhiệm vụ ở bến phà Xuân Sơn hồi 20 - 21 giờ. Trong số này có một thương binh bị mảnh bom to bằng cả bàn tay găm chặt vào giữa ống xương chày cẳng chân bên phải. Thế là chẳng ai còn nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi nữa. Y như những con ong chăm chỉ hút phấn hoa rồi nhả mật. Chúng tôi mổ hết ca này sang ca khác, tới tận chiều hôm sau công việc mới tạm gọi là xong. Nhìn anh chị em vừa đói vừa mệt lử nhưng ai cũng tự giác vui vẻ. Tự nhiên tôi cảm thấy tự hào lạ. Đúng thế các bạn ạ. Cái cảm xúc ấy làm cho tôi quên hết nỗi mệt nhọc trong người, vì xung quanh tôi mọi người đều như thế cả. Hai ngày hai đêm chưa có miếng nào vào bụng rồi còn gì.
Mấy ngày tiếp theo, chúng tôi thay phiên nhau săn sóc anh Khán. Tình trạng bệnh của anh quả là nghiêm trọng. Đã có lúc chúng tôi như bị tụt xuống vực thẳm của nỗi thất vọng. Cũng may, nhờ số anh em thanh niên trong đại đội có cùng nhóm máu với anh tiếp thêm cho vài trăm phân khối nữa, nên cuối cùng bệnh của anh cũng bước vào giai đoạn bình phục. Mỗi lần đến thăm, miệng anh cười thật tươi, cặp mắt sáng lên đầy sức sống nhìn tôi như gửi gắm niềm tin và còn có một cái gì hơn thế làm cho tôi vừa xúc động vừa ân hận. Một cảm giác day dứt trào lên trong lòng. Nếu như hôm ấy chỉ vì ngại gian khổ hy sinh mà chúng tôi không đi nhỉ. Chắc chắn là anh đã chẳng còn có thể được nhìn thấy cha mẹ, vợ con và những người thân khác nữa. Nụ cười của anh đã bám theo chúng tôi đến khắp các trọng điểm mà đội phẫu thuật đã ở làm nhiệm vụ trong những ngày kháng chiến chống Mỹ trên tuyến đường mang tên Bác kính yêu.
Ngày 17 tháng 9 năm 1993