Ở mảnh đất Quảng Bình này, thời tiết thật vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô nắng đổ lửa, lại thêm gió Lào hừng hực cháy da sém thịt. Còn mùa mưa thì tầm tã, rả rích đến thối đất thối cát. Mùa này đi lại rất khó khăn, đường lầy lội. Qua suối, qua ngầm đôi khi không may nước lũ đổ về ngay cả xe chở ba, bốn tấn hàng cũng bị cuốn phăng. Đối với cánh nữ, năm, sáu tháng mùa mưa là cực nhất. Ngay quần áo mỏng phơi trong nhà ít nhất cũng phải sáu, bảy ngày mới tạm khô. Bệnh phụ khoa, bệnh da liễu phát triển nhiều. Trước cảnh đó đã có o chửi độc:
- Tổ cha thằng Mẽo. Bọn mi sang xâm lược, mần cho bọn choa khổ ra ri.
- Em phải kêu đích danh thằng Giôn đến chụp cho nó cái “dù”1 để nó hiểu xâm lược Việt Nam là chỉ có chết… ngạt! - Có tiếng của một chàng trai nào đó nói trêu.
Tuy bị bất ngờ, song cô gái không bị động. Cô “phản công” lại chàng trai lúc đó đang đắc chí đứng cười:
- Anh cứ lôi cổ bọn chúng tới đây. Đầu cả nhà nó “dù” em chụp cũng kín chứ riêng gì một cái sọ của thằng Giôn.
- Em nói chi nghe dữ hà!
- Đối với kẻ thù phải dứt khoát rứa - Giọng o trở nên đanh đá - Còn với anh - Cô hạ thấp giọng - Xin rước anh vô nhà xơi nác.
- Cảm ơn! Cảm ơn!
- Khách sáo rứa?
Vừa lúc ấy hai chiếc “thần sấm” vọt qua ầm ào trên đầu làm rung chuyển mảnh đất hai người đang đứng. Đột nhiên cô gái hỏi:
- Anh sợ không?
- Sợ.
- Thế cũng gọi là thanh niên!
- Nhưng có em, anh nỏ sợ nữa.
- Ứ!
- Này, em!
- Chi rứa anh?
- Em hộ tống thương binh ra Viện 46, thành tích ra răng mà được Thủ trưởng Đoàn 559 khen rứa?
- Anh nhầm rồi. Đó là chị Thuận - Cô gái cảm thấy hai tai nóng bừng bừng - Nỏ phải em mô.
- Thuận nào rứa?
- Chị Thuận y tá ban ngoại quê ở Từ Liêm, Hà Nội ấy.
- Còn giấu?
- Em nói thiệt mà.
- Không tin.
- Không tin ư. Em kể cho mà nghe.
Thế là cô gái liến láu kể:
- Tối hôm kia, chị Thuận đưa thương binh ra Hương Sơn bàn giao cho Viện 46 xong, quay về đến khu vực “R.H” thì thấy khu vực này cây cối đổ ngổn ngang, xe cộ ở hai bên lề đường cái bị cháy sém, cái đổ chổng cả bốn bánh lên trời, cái bẹp rúm lại. Chắc là vừa bị đánh bom. Chị Thuận ngồi trên xe sợ quá, giục anh Gần cho xe chạy nhanh lên để vượt ra khỏi khu vực nguy hiểm này. Chị sợ nó quay lại đánh tiếp mà. Anh Gần rất thông cảm với cô gái Hà Nội ít tuổi lại lần đầu đi hộ tống thương binh. Khốn nỗi xe của anh không tài nào chạy nhanh hơn được vì đất đá, cành cây lỏng chỏng, ổ trâu ổ voi khắp mặt đường. Xa xa ánh sáng đèn dù lấp lóe cộng thêm tiếng bom nổ ầm ầm từ ngầm Ka Tang vọng đến càng làm chị Thuận thêm khiếp sợ. Chiếc xe gần như bất lực, nó cứ rì rì nhích dần từng tí một, lắc bên này, đảo bên kia như bò chứ chẳng phải là chạy. Còn anh Gần hầu như phải tập trung hết tinh lực vào vòng tay lái. Đột nhiên chị Thuận giữ chặt vô lăng, miệng lắp bắp:
“Có tiếng người kêu anh Gần ạ”.
“Mặc xác tiếng người kêu” - Gần bực mình: “Chỉ thần hồn nát thần tính. Làm gì còn có người kêu ở giữa nơi bom đạn khuya khoắt này”.
“Em nghe rõ tiếng kêu mà” - Thuận khẩn khoản - “Anh cứ dừng xe lại để em xuống xem nào”.
“Có mà điên” - Gần nổi nóng - “Ma đấy! Không vượt nhanh ra khỏi chỗ này thì về chầu Diêm Vương cả nút”.
“Đấy! Anh nghe xem. Đúng có tiếng kêu rên thật rồi” - Thuận vẫn năn nỉ. - “Dừng xe lại đi anh”.
Bấy giờ anh Gần chắc cũng đã nghe tiếng kêu. Anh phanh xe dừng lại. Chị Thuận xách vội túi thuốc nhảy đại xuống đường. Dừng lại nghe ngóng và dò dẫm từng bước một về phía có tiếng người rên ở bên bờ một con suối cạn. Lúc này sao chị ấy bình tĩnh thế. Chả còn biết mệt và sợ hãi là gì nữa. - Cô gái vẫn liến láu như chính mình là người trong cuộc. - Người kêu rên ấy là anh lái xe. Anh bị một mảnh bom vào bụng trong khi rời khỏi chiếc xe bốc cháy không dập tắt được. Anh ngất đi. Khi tỉnh lại thấy xung quanh yên lặng như tờ. Khát nước quá anh mới bò đến bờ suối này. Tưởng không còn hy vọng gì. May sao lại gặp được chị Thuận. Chị băng bó, tiêm thuốc cấp cứu cho anh. Loay hoay mãi không tài nào dìu anh đi được, đành phải gọi anh Gần đưa cáng xuống khiêng anh lên xe. - Cô gái say sưa kể tiếp. Vì vậy mà đồng chí lái xe ấy được đưa về đội mổ cấp cứu kịp thời. Hôm nay đã ngồi dậy nói chuyện lại. Anh ấy cứ xuýt xoa khen ngợi và cảm ơn chị Thuận mãi.
Tới đây cô ngừng lại một lát rồi mới thong thả hỏi:
- Bây giờ anh đã biết chị Thuận là ai chưa?
- Biết rồi, nhưng còn muốn nghe cả chuyện về em cơ.
- Em có chuyện chi mô. - Cô gái tỏ ra ngượng nghịu, ngón chân cái cứ day đi day lại làm chỗ đất lõm xuống như lỗ đáo.
Dường như sốt ruột, chàng trai lại lên tiếng:
- Anh biết hết rồi.
- Sao còn bắt kể.
- Thích nghe.
- Nói dối.
- Ai lại tự kể về mình nhỉ? - Chàng trai trêu - Khiêm tốn rứa?
- Ứ!
- Anh thấy cụ Đính họp về kể lại trong hội nghị mừng công năm 1968, Đoàn trưởng Đồng Sĩ Nguyên có kể một câu chuyện như sau: Hôm đó, vào một buổi sớm tinh sương tôi cùng đoàn cán bộ đang trên đường đi từ cơ quan ra mặt đường. Tình cờ gặp một thiếu nữ chừng mười bảy, mười tám tuổi gì đó, vóc người nhỏ nhắn, mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu rất đẹp. Trên đầu đội một bó chăn chiên, quần xắn cao, lội qua sông Ngàn Sâu ngược chiều với chúng tôi. Thấy vậy tôi hỏi:
“Cô gái đi đâu sớm vậy?”.
“Cháu vào phòng quân y”.
“Cô ở đâu tới?”.
“Cháu là y tá Đội điều trị 14, hộ tống thương binh ra Viện 46 về - Cô nói tiếp - Cháu được giao thêm nhiệm vụ, lúc về rẽ vào phòng quân y xin Thủ trưởng Thắng (Trưởng phòng Quân y) một ít sổ sách và giấy tờ chuyên môn cho đơn vị”.
“Tại sao Đội điều trị không cử y tá nam đi?” - Tôi hỏi.
“Đơn vị cháu bảy lăm phần trăm là nữ. Nam giới quý hơn vàng ạ”.
Câu trả lời làm cả đoàn phá lên cười vui vẻ. Tôi lại hỏi tiếp:
“Tại sao cô lại đội bó chăn vào làm gì cho vất vả?”.
“Để ngoài đường cháu sợ bom đánh hỏng. Thương, bệnh binh không có cái đắp ạ”.
Kể đến đây cụ Đính dừng lại đưa mắt nhìn bọn anh một lượt rồi hỏi:
“Các cậu có biết Thủ trưởng Nguyên kết luận câu chuyện với hội nghị thế nào không?”.
“Đấy, anh hùng ở đó chứ còn ở đâu nữa!”.
Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt cô gái đó vừa dũng cảm, chịu khó, ý thức trách nhiệm cao, tinh thần bảo vệ của công tốt lại có tình yêu thương bệnh binh cao độ.
- Riêng anh cũng nhiệt liệt hoan hô cô gái đó.
- Thì anh cứ đi mà hoan hô. Chỉ sợ lại bé cái nhầm thôi - Im lặng một lúc cô gái hỏi lại - Nhưng ai dám đảm bảo rằng cô gái đó là em?
- Anh bảo đảm.
- Mất gì nào?
- Chỗ đội mũ. Bằng lòng không?
- Không! Không! Anh xui dại em rứa - Giọng cô thì thào nhỏ hẳn lại như chỉ đủ mình cô nghe thấy - Anh mà mất đầu thì em còn ở với ai?
- Thường! Em nói lại đi! Nhắc lại câu em vừa nói đó - Chàng trai nắm chặt tay cô gái khẩn khoản.
- Không! Không! Em chỉ nói một lần và chỉ một lần thôi.
Nói xong cô cười như nắc nẻ, tiếng cười giòn tan của cô vang khắp cả khu rừng vắng vẻ. Át hẳn cả tiếng “thần sấm, con ma” của giặc Mỹ vẫn đang gầm rú điên cuồng tuyệt vọng. Cô phấn khởi. Một niềm vui khó nói tràn ngập trong trái tim cô. Với cô, có lẽ một mùa xuân mới bắt đầu. Nó vừa chợt lướt qua mơn trớn da thịt cô. Bất giác cô thấy mặt mình nóng bừng lên.
- Đánh Mỹ xong “chống lầy” chưa muộn - Nghĩ vậy, cô rút vội bàn tay nhỏ bé của mình ra khỏi đôi bàn tay nóng hổi của chàng trai.
Đêm rừng Trường Sơn mát rượi. Mấy ông sao sáng tít trên bầu trời cao thỉnh thoảng lại nhấp nha nhấp nháy như chia sẻ niềm vui cùng đôi trai gái nọ. Đâu đấy có tiếng ai ca lên nhè nhẹ:
Em là con gái nết na
Miệng luôn vui hát bài ca hộ lý
Tuổi trẻ lên đường đi đánh Mỹ
Đẹp vô cùng thiếu nữ Việt Nam.
1. Dù: Ý nói cái váy của các o mặc thay quần.