Đội điều trị 14 triển khai phục vụ tại khu vực Bãi Hà thuộc miền tây tỉnh Quảng Trị. Ở đây rừng lúp xúp và rừng tranh nhiều, còn rừng già ở khá xa. Ban nọ đóng cách ban kia ít ra cũng nửa cây số nên hoạt động chung của Đội điều trị gặp nhiều trở ngại, nhất là công tác lãnh đạo chỉ huy. Số bác sĩ ngày càng giảm. Đội phó Lưu đi đơn vị khác. Đội trưởng Đính về làm Phó Viện trưởng Đoàn 559. Bác sĩ Dũng hy sinh năm 1971. Bác sĩ Huyên hy sinh năm 1972… bác sĩ mới chưa được bổ sung thêm người nào. Trong khi đó nhiệm vụ chính trị của Đội điều trị hết sức nặng nề. Công việc mổ xẻ, cấp cứu điều trị thương, bệnh binh phần lớn trông cậy vào các y sĩ Khải, My, Định, Lộc… Đội trưởng mới, bác sĩ Đỗ Ngọc Kiểm và Chính trị viên Dưỡng giờ đây cảm thấy công việc khó khăn chồng chất, thần kinh căng thẳng hơn lúc nào hết. Trước đây đội trưởng các đội phẫu thuật đều là các bác sĩ. Còn bây giờ ngay đội điều trị cũng chỉ vẻn vẹn còn hai bác sĩ đội trưởng và đội phó. Các trưởng ban toàn là y sĩ, dược sĩ trung cấp đảm nhiệm, vì thế rất thiếu phẫu thuật viên còn nói chi đến thành lập hai đội phẫu đi chốt ở các trọng điểm theo chỉ thị của thủ trưởng binh trạm.
Đầu óc Đội trưởng Kiểm lúc này không được yên tĩnh lắm. Hơn nữa mấy hôm nay bệnh sốt rét tái phát giày vò làm anh rất khổ. Người ta đã kể lại rằng cách đây chừng nửa tháng, vợ anh, y sĩ Hồng Diệu công tác ở một ban nội đóng cách xa Đội bộ non cây số. Đúng lúc cô ấy đang ngồi giặt quần áo ở bờ suối thì có người đến báo là anh Kiểm bị sốt rét tiền ác tính. Diệu như người mất hồn, vứt bừa cả chậu quần áo đang vò dở, chạy một mạch đến chỗ chồng. Nom thấy anh gầy guộc xanh xao nằm mê man trên chiếc chõng tre trong căn hầm kèo chữ A, hai mắt nhắm nghiền. Cô ngồi thụp xuống vừa lay vừa gọi. Nước mắt đầm đìa. Mới cách đây mười ngày bận không đến được mà anh đã thay đổi nhanh đến thế này ư? Hai mông và hai đùi chỉ còn da bọc xương, rắn chắc lại vì tiêm nhiều ký ninh chưa tan hết.
Hồng Diệu hết bóp trán lại xoa nắn tay chân như cố truyền thêm sức sống cho chồng nhưng anh nào có biết. Cũng đúng vào giờ phút ấy máy bay giặc Mỹ ầm ầm lao đến đánh phá đơn vị. Nhờ có hầm kèo chữ A vững chắc nên không có thương vong mấy. Riêng chỗ Diệu ngồi giặt bị một quả bom rơi trúng. Quần áo bắn tung tóe cả lên các cây gần đó. Chính bệnh sốt rét ác tính của Kiểm đã cứu sống cô. Trong cái rủi lại có cái may là thế!...
Giờ đây nghĩ lại Kiểm còn thấy gai ốc nổi lên khắp người. Nếu hôm ấy Diệu của anh bị trúng quả bom ấy thì sẽ ra sao? Bộ quần áo lỗ chỗ vết bom đó Kiểm - Diệu luôn cất giữ cẩn thận như một kỷ vật vô giá còn lại thời chống Mỹ.
- Chả nhẽ chịu bó tay sao anh Kiểm - Nguyễn Danh Dưỡng sốt ruột hỏi vì thấy đội trưởng Kiểm ngồi im lặng quá lâu.
- Anh vừa nói gì? - Kiểm ngơ ngác hỏi lại.
- Phẫu thuật viên không có, mà ta phải tổ chức hai đội phẫu thuật ngay.
- Trên hứa bổ sung cho một bác sĩ ngoại, đã về chưa?
- Hiện giờ thì chưa.
- Vậy lấy đâu ra phẫu thuật viên? Ngay cả ở Đội điều trị cũng không có!
- Chả nhẽ chịu bó tay sao? - Dưỡng nhắc lại câu ban nãy.
- Tôi có nghe nhầm không? - Kiểm nói như gắt - Bó tay là đầu hàng, là có tội với anh em, với Tổ quốc, anh hiểu chứ?
Sống với nhau lâu. Dưỡng chưa thấy Kiểm nổi nóng bao giờ. Thế mà lần này… thấy Kiểm nổi nóng như vậy. Anh bỏ ra ngoài hầm. Một sự nhịn là chín sự lành. Không phải là anh ngại đấu tranh. Song, anh thấy Kiểm nói đúng. Anh không giận. Quả thật mấy ngày nay Kiểm xọp đi như một ông già năm mươi mặc dù Kiểm mới có ngoài ba mươi tuổi.
- Anh Kiểm ạ - Dưỡng thăm dò - Binh trạm đã quyết định, vậy ta cứ cử My phụ trách một đội, Khải phụ trách một đội. Còn ở Đội điều trị ta tích cực xin trên một bác sĩ ngoại. Hôm điều anh Đính đi, Cục trưởng Thảo chả hứa cho là gì.
- Tôi nghĩ cũng phải. Có điều thương binh về đông mà thiếu phẫu thuật viên thì cũng gay.
- Hồi ở Bãi Dinh anh cũng tham gia mổ được cơ mà?
- Đúng, tôi đã tham gia nhưng mới mổ những ca vừa và nhẹ. Anh nhớ rằng tôi chỉ là bác sĩ nội thôi - Kiểm nói như để thanh minh - Chuyến này phải học thôi anh ạ. Phải học thực sự. Dốt nát cũng là kẻ thù phải không anh?