“Lần trước qua cửa ải của bác, tôi đã tai qua nạn khỏi, không biết qua cửa ải lần này, liệu tôi có thoát được không”? Đó là câu nói của bác sĩ Ngô Bền - bạn cùng khóa bác sĩ, khóa 4 Yd của chúng tôi.
Mười lăm năm đã trôi qua mà câu nói đầy cảm xúc ấy như vẫn vang mạnh vào đôi tai và in đậm trong óc tôi không thể nào quên.
Cuối năm 1967, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tăng cường các cuộc khủng bố ở khắp các tỉnh miền Nam, đồng thời điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra toàn miền Bắc. Nhiều đơn vị chủ lực được đưa vào miền Nam nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968 lịch sử. Trong số các đơn vị chủ lực được đưa vào có Trung đoàn 568 - một trong những quả “đấm thép” của Bộ lúc đó.
Bác sĩ Ngô Bền làm Chủ nhiệm quân y trung đoàn. Bác sĩ Nguyễn Công H… bạn cùng khóa Yd của chúng tôi làm Đại đội trưởng đại đội quân y trung đoàn. Trên đường vào Nam, Đại đội quân y Trung đoàn 568 vào Đội điều trị 14 thực tập thêm về ngoại một tháng. Đến ngày trung đoàn “nhổ neo”, bác sĩ Ngô Bền không may bị sốt rét ác tính thể não rất nặng. Được phát hiện và điều trị tích cực, kịp thời ở Đội điều trị 14, nên gần một tháng sau tuy còn xanh xao và rất yếu anh vẫn nhất quyết xin ra viện bằng được để đuổi theo đơn vị cho kịp đi làm nhiệm vụ. Động viên khuyên giải mãi không chuyển, cuối cùng đành phải để anh ra viện.
Sau Tết Mậu Thân ít lâu, đột nhiên chúng tôi được anh bạn thân là bác sĩ Nguyễn Văn Hân - Chủ nhiệm quân y một trung đoàn pháo cao xạ ở trong Vĩnh Linh nhắn ra: “Báo cho ông Đính và ông Lưu phải hết sức cẩn thận đề phòng máy bay Mỹ đánh vào đơn vị, vì thằng Nguyễn Công H… bị địch bắt trong khi Trung đoàn 568 đánh vào Sài Gòn. Hiện nay nó ngồi trên máy bay trực thăng Mỹ, hàng ngày đi gọi chiêu hồi các chiến hữu về với chánh nghĩa quốc gia. Trong số đó có ông Đính và ông Lưu ở Đội điều trị 14 mà Đại đội quân y Trung đoàn 568 của Nguyễn Công H… đã thực tập”. Nhận được tin chúng tôi rất buồn và căm phẫn với tên phản bội, song cũng phải khẩn trương sơ tán đơn vị, đưa số thương, bệnh binh nặng vào sâu trong các hang để tránh thương vong.
Bẵng đi một thời gian khá dài, khoảng 11 - 12 năm, chúng tôi không được tin tức gì của nhau nữa. Rất bất ngờ, cuối năm 1979 tôi có dịp lên Lạng Sơn tổng kết rút kinh nghiệm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Tôi đã gặp lại anh Ngô Bền. Tay bắt mặt mừng. Vui nào kể xiết được. Hỏi ra mới biết sau khi thống nhất đất nước, anh được điều về công tác ở Quân khu 3. Tháng 2 năm 1979, anh được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội điều trị 48 ở biên giới phía Bắc. Thấy anh đi lại khó khăn (chân bị thọt) chậm chạp (lúc đó anh đã 52 tuổi), tôi hỏi, được anh cho biết là anh bị thương khi đánh vào Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân 1968.
- Anh bị thương đi lại khó khăn như thế, lại nhiều tuổi nữa, sao không nghỉ đi cho khỏe?
- Do thiếu người nên họ cử tôi đi!
- Trời! - Tôi kêu lên - Ai lại cử một ông già, tập tễnh như vậy làm Đội trưởng Đội điều trị ở vùng rừng núi này cơ chứ?!
- Tôi xin nghỉ, song cấp trên giao nhiệm vụ là phải kết nạp được bác sĩ Cường vào Đảng, bồi dưỡng thành đội phó rồi lên đội trưởng thay thế được, lúc đó mới cho tôi nghỉ.
Thú thực lúc đó tôi thấy như có cái gì đăng đắng nơi cổ họng. Tuy không nói ra nhưng tôi rất thương và cảm phục anh vô cùng.
Năm 1983, nghĩa là hơn ba năm sau, nhân đi điểm bệnh ở khoa ngoại 1 (chấn thương) Viện Quân y 110, tôi thấy anh nằm điều trị ở đó. Thì ra do vết thương cũ ở mông giở chứng thành một cái u to bằng quả ổi, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại (vốn dĩ đã khó đi rồi), nhất là khi ngồi rất đau và vướng.
Bác sĩ Cường lúc này đã là đảng viên, lại mới được bổ nhiệm Đội trưởng Đội điều trị, muốn trả ơn thầy nên bàn với thầy cắt bỏ quách cái u khỉ gió ấy đi cho đỡ vướng. Âu cũng là tranh thủ “đại tu” một chút trước khi “về vườn” cho yên tâm. Thông thường cắt bỏ khối u như vậy chỉ bảy ngày sau là cắt chỉ. Đằng này, hàng tháng sau vết mổ không lành. Cứ lùng nhùng nơi vết mổ. Bác sĩ Cường phải gửi anh về Viện 110 điều trị nên mới có cái câu: “Lần trước qua cửa ải của bác, tôi đã tai qua nạn khỏi, không biết lần này liệu tôi có thoát được không?”. Tôi động viên an ủi anh đôi câu, song trong lòng thì phân vân lo lắng lắm. Vài ngày sau tôi trực tiếp chọc thăm dò, rút ra được vài chục phân khối dịch màu hồng nhờ nhờ như máu cá. Tiên lượng có vẻ xấu, tôi báo cáo xin chuyển anh về Viện 108 điều trị. Sau khi làm sinh thiết, kết quả là anh bị ung thư do vết thương cũ tái phát.
Không đầy ba tháng sau, anh trút hơi thở cuối cùng, từ giã vợ con, bạn bè, hàng xóm láng giềng để trở về với cát bụi. Anh chỉ mang đi theo cái mũ có quân hiệu, bộ quần áo với đôi quân hàm đại úy (chỉ còn ba tháng nữa là anh đủ niên hạn lên thiếu tá !). Có tám ngôi sao bạc lấp lánh trên cầu vai và đôi giày Trường Chinh sau hơn 35 năm phục vụ quân đội.
Anh đúng là “con người”. Một con người chân chính cả về nghĩa đen và nghĩa bóng!