Tôi đã có dịp được nghe kể chuyện về bà, song mãi đến bây giờ mới thực là đối diện tương phùng, hữu duyên tương ngộ.
Trước mặt tôi là một bà già hơn sáu mươi, ngấp nghé bước vào cái tuổi cổ lai hy. Nếu chỉ nhìn hình dáng bên ngoài người ta cũng có thể thấy ngay, đây là một con người phúc hậu thủy chung: mặt to, tai dài như tai của đức Phật, mũi thẳng, hai mắt sáng và dáng đi cũng hãy còn nhanh nhẹn. Hỏi chuyện, bà rất ít nói về mình, phải tiếp xúc qua với bạn bè của bà và nhất là với cụ ông, người chồng đã gắn bó với bà hơn bốn mươi năm, mới biết được một số chuyện hay hay, vui vui về cái thời con gái của người nữ cựu chiến binh quân y già này.
“O Nhu sinh ra trên mảnh đất khô cằn sỏi đá của khúc ruột miền Trung, trong một gia đình nhà nho nghèo thuộc huyện Diễn Châu xứ Nghệ. Cha là một ông đồ nho giàu lòng yêu nước. Ông bị thực dân Pháp bắt cùng với người con trai còn nhỏ tuổi mang đi biệt tích trong đợt khủng bố đàn áp dã man phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh. Lúc đó cô mới gần hai tuổi. Mẹ cô ở vậy nuôi ba chị em, khi bà mới hai tám xuân xanh. Cô lớn lên trong sự yêu thương của mẹ và sự đùm bọc của chòm xóm”.
Năm 1949, vừa chớm vào tuổi mười bốn, cô vào làm “lính hỏa đầu quân” ở Trung đoàn Bình Trị Thiên. Năm mười sáu tuổi chuyển sang đại đội “Bà Khăm Đi” của Lào rồi từ đó chuyển sang làm hộ lý ở Đội điều trị Sư đoàn 304. Lúc này o Nhu mới chính thức đủ tuổi làm lính Cụ Hồ. Là người em gái bé nhất ở Đội điều trị và của Sư đoàn 304, song những thành tích công tác và lòng dũng cảm thì chẳng chịu kém thua bất cứ một ông anh, bà chị nào. O Nhu đã nhiều lần theo sư đoàn chiến đấu ở Thà Khẹt, Sa-va-na-khẹt, Bản Ban, Noọng Hét, Cánh Đồng Chum… Những vết sẹo bom đạn rải rác ở lưng và hai cẳng chân là những chứng tích hào hùng của một thời con gái trong chiến tranh chống Pháp. O Nhu đã nhiều lần băng qua lửa đạn cấp cứu được nhiều thương binh nên đã nhiều năm được công nhận là Chiến sĩ Thi đua của đơn vị, của sư đoàn và của Quân khu 4. Đã được đi báo cáo điển hình nhiều lần ở các đơn vị trong quân khu. Được nêu gương trên báo của Quân khu 4 và trên Báo Quân đội nhân dân. Và nếu như không xảy ra một sự cố sau đây thì không chừng o Nhu còn tiến xa hơn nữa. Số là có một lần sư đoàn chiến đấu ở Xiêng Khoảng. Một hàng binh người Pháp bị sốt rét phải vào điều trị ở Đội điều trị sư đoàn. O hộ lý Nhu… mang cháo gà đến cho bệnh nhân này ăn. Anh ta đang nằm rét run cầm cập trên sạp nứa. O đã củng vào đầu anh ta và nói một câu “tiếng Tây bồi” mà các chú, các anh vừa dạy cho “Ê, lơ-vê, măng giê ca ca me sừ!”. Không ngờ anh hàng binh này nghe o nói vậy thì uất lắm đã bỏ ăn và chạy đi tự tử. Cấp trên xuống hỏi, anh ta bảo cô gái ấy khinh tôi, bảo tôi dậy ăn cứt… Phạm danh dự nên tôi không muốn sống nữa.
- Sao cô lại gọi anh ấy dậy ăn cứt… - Thủ trưởng hỏi chị.
- Cháu gọi ông ấy dậy ăn cháo gà chứ! Các chú dạy cháu vậy mà.
- Thôi, đến xin lỗi anh ra đi! - Thủ trưởng bảo o.
Người hàng binh sau khi được giải thích đã nghe ra và thông cảm không giận o nữa. Lại một lần khác o đã dùng chiếc gậy Trường Sơn nện vào đầu một tên tù binh bướng bỉnh, do đó o vi phạm vào chính sách tù hàng binh nên bị trừ thành tích không được khen thưởng.
Người Quân khu 4 phần nhiều hay nóng nảy nhưng bù lại rất cần cù chịu khó, trung thực và thẳng thắn. Không nên không phải là đấu tranh ngay. O cũng là một trong số đó. Năm 1971 lụt rất to. Huyện X, huyện Y và thị xã Bắc Ninh mênh mông biển nước. Viện 110 phải sơ tán thương binh, bệnh binh và của cải vật chất lương thực, thuốc men, máy móc dụng cụ lên các quả đồi cao mấy ngày đêm liền vô cùng vất vả.
Sau lụt, trong một buổi họp cán bộ chủ trì và các bí thư chi bộ để rút kinh nghiệm, đồng chí chính ủy bệnh viện có một câu phê phán:
- Trong khi toàn viện lo tập trung sơ tán thương, bệnh binh và của cải của tập thể, có người lại lo đi vơ vét củi chất đầy nhà đun cả năm không hết.
O Nhu đề nghị chính ủy nêu rõ tên để giáo dục chứ nêu chung chung như vậy thì biết là ai mà kiểm điểm.
- Còn già mồm à? Chính chị chứ còn ai! - Chính ủy gắt.
- Đề nghị đồng chí nói cẩn thận - O Nhu tức tưởi nói - Tôi chèo thuyền suốt ngày đêm sơ tán bệnh nhân. Ngay cả các con tôi ở nhà trẻ cũng không kịp về cho chúng ăn. Thời gian đâu mà đi vớt củi.
- Gà đẻ gà cục tác! Về ban làm kiểm điểm. - Chính ủy nổi nóng rồi.
- Sao bà liều thế? - Tôi hỏi cắt ngang lời bà.
- Lúc đó cũng có một cán bộ hỏi tôi như thế. Dám cãi lại chính ủy ngay trước cuộc họp. Không sợ à?
- Trước cường quyền cúi đầu là quỳ gối. Oan tôi không chịu được!
- Chị cứ im đi sau này thanh minh có hơn không?
- Im lặng trước tội lỗi là có tội. Tính tôi thế mà.
Sau này xác minh đúng không phải o mà là một người khác, nhưng vì bướng dám cãi chính ủy, nên tuy đến niên hạn lên quân hàm - hãy cứ chờ đấy… và tôi cứ chờ, chờ mãi…
- Tuy vậy tôi vẫn xác định đấu tranh là hạnh phúc của đời tôi - bà tâm sự - nên tôi rất thanh thản làm việc cho đến lúc về hưu.
- Về hưu bà có làm gì thêm? - Tôi hỏi.
- Tôi làm đủ thứ: chăn nuôi lợn gà, đi buôn chuyến, may gia công, cuốn thuốc lá, làm bánh cuốn… thêm thắt vào cũng có chút cải thiện thêm. Còn bây giờ già yếu rồi, phục dịch cha con ông ấy nhà tôi cùng các cháu cũng đủ mệt. Tôi rất tự hào và sung sướng vì thời trẻ đối với Tổ quốc, với Đảng tôi đã làm tròn nghĩa vụ. Với gia đình tôi cũng làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ và một người bà. Được bạn bè, hàng xóm láng giềng quý mến tôn trọng. Còn những người ăn ở bạc ác thiếu tình người thì sớm muộn họ cũng phải trả giá. Ông trời xanh cũng có mắt chứ, phải không anh?
Nghe ông kể chuyện bà và mục kích tấm hình bà gắn rất nhiều huân chương, huy chương và các huy hiệu Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng trên ngực áo, tôi tin chuyện ông kể là có thực và tôi đã xúc cảm làm mấy câu thơ để tặng bà “Người nữ chiến sĩ quân y già” qua ba thời kỳ này:
Mọc trên cát bỏng vẫn xanh vồng
Thân cứng gai nhiều uốn chẳng cong
Trong suốt lung linh màu tím biếc
Đời yêu mến gọi hoa xương rồng