-An Thị Hoa hôm nay ra viện đấy các bạn ạ! - Bác .sĩ Bùi Sương (cha đỡ đầu của cháu Hoa) hồ hởi báo tin vui đó với mọi người sau buổi giao ban sáng.
Phút chốc trong phòng bệnh của bé Hoa rộn hẳn lên:
- Hoa ra viện nhé!
- Hoa về hay ăn chóng lớn nhé!
- Lớn lên nhớ bố Sương nhé!
Cứ sau mỗi tiếng nhé kéo dài của các cô, các chú, hai má bé Hoa lại dài thêm ra một tý. Bé Hoa chỉ hé cặp mắt nhỏ xíu ra nhìn, hai tay quơ quơ trong không khí như vẫy. Còn chị Cúc - mẹ bé Hoa thì vui lắm. Với giọng nói ngọt ngào miền quê Quảng Ngãi, chị vâng dạ thay con và không quên cảm ơn những người đồng chí thân yêu đã ngày đêm chăm sóc mẹ con chị hơn một tháng nay.
Chị bồi hồi nhớ lại…
Năm 1966, khi giặc Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam giày xéo quê hương Quảng Ngãi thân yêu của chị thì… Cô gái mười tám tuổi tròn ấy cũng tạm biệt gia đình tòng quân vào Sư đoàn 2 làm hộ lý. Qua bao chiến dịch, qua nhiều trận đánh, mặc dù thiếu thốn khó khăn, vất vả sốt rét liên miên và đạn bom ác liệt, nhất là mỗi lần “pháo bầy” từ tàu chiến Mỹ bắn vào tưởng chừng như mặt đất có thể sập ngay xuống. Ấy vậy mà chị vẫn bám sát đơn vị phục vụ thương binh, bệnh binh quyết không rời trận địa mặc dù cấp trên đã lệnh cho chị phải rút lui khỏi sư đoàn. Cho đến một lần vào đầu năm 1970 (lúc này chị đã là y tá) đang phục vụ cho một ca mổ thì chị bị thương rất nặng vì một mảnh bom văng vào làm gãy xương sườn, xuyên vào phổi trong một trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ vào Đội điều trị của sư đoàn. Sau khi chữa chạy khỏi, chị được điều về sư đoàn bộ trông nom sức khỏe cho các thủ trưởng sư đoàn. Ở đây chị đã gặp anh K. (chồng chị bây giờ) cũng đã bị thương nhiều lần, sức khỏe yếu nên cũng được về sư đoàn bộ công tác. Qua ba năm cùng công tác, thông cảm vì hoàn cảnh gia đình và nỗi đau chung. Họ đề nghị xin được cưới. Nghe chị trình bày, các thủ trưởng đã nói vui:
- Mi ốm yếu rứa phải lấy đứa khỏe, lấy thằng K… cũng yếu ốm vậy thì rồi giúp đỡ nhau ra răng?
- Báo cáo các thủ trưởng - Chị thưa lại - Bộ đội ở rừng mà cứ chọn người khỏe, người không bị sốt rét mới yêu thì kiếm đến bao giờ cho ra.
Cái lý của chị làm các thủ trưởng cười phá lên vui vẻ, nhưng rồi anh chị cũng chỉ được phép tìm hiểu thêm cho thật kỹ thôi, vì đơn vị càng đang phải chiến đấu mà.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đám cưới đầu tiên được tổ chức vui vẻ, thân mật, đơn giản mà ấm cúng đậm đà tình nghĩa ở Sư đoàn 2 là đám cưới của chị Cúc với anh K.
Năm 1976, anh K. được điều ra Hà Bắc (quê hương anh). Còn chị Cúc thì được về Đoàn an dưỡng 157 chờ công tác. Thuyền theo lái… gái theo chồng mà. Trong thời gian ở cùng Đoàn 157 chị đã có thai. Đó là điều vui mừng nhất sau bao năm chờ đợi. Hạnh phúc đã đơm hoa kết trái. Song không may, do sức khỏe yếu vì bị sốt rét tái phát nhiều lần và bị mất máu do nhiều vết thương nặng cũ nên đến tháng thứ sáu chị bị rỉ nước ối liên tục gần một tháng trời. Đây là một trường hợp tương đối hiếm gặp trong sản khoa mà các thầy thuốc ở khoa ngoại sản Bệnh viện 110 đã phải đem hết khả năng hiểu biết của mình cộng với tình thương cao độ đã hết lòng chạy chữa cho mẹ con chị khi chị đẻ non vào đầu tháng thứ bảy.
Hôm nay nhìn cháu Hoa da dẻ hồng hào, khỏe mạnh ra viện, không ai có thể ngờ được rằng khi cất tiếng chào đời, cô bé An Thị Hoa chỉ cân nặng có 1.450 gam.
- Hoa về nhé!
- Hoa hay ăn chóng lớn nhé!
- Nhớ bố Sương nhé!
- Tạm biệt! Tạm biệt bé Hoa thân yêu!
Ôi! Những tiếng nhé thân thương và những câu chào tạm biệt vang lên từ những tấm lòng hồ hởi của những người thầy thuốc đang làm theo lời Bác dạy “vì tương lai con em chúng ta” nghe sao mà dịu dàng, sao mà tha thiết thế.