Mấy năm ở Trường Sơn, Đội điều trị 14 đã được đón nhiều đoàn văn công Trung ương cũng như địa phương đến phục vụ. Trong đó có một đoàn mà tôi nhớ nhất, in sâu đậm vào trong tâm hồn tôi nhiều nhất, đó là Đoàn văn công xung kích của tỉnh Hà Bắc thân yêu. Quả thật rất nhiều tiết mục của các đoàn khác còn hấp dẫn hơn, song ở đây tôi muốn nhắc đến khía cạnh riêng tư, đó là tình cảm riêng của quê hương. Trong nhiều tiết mục của đoàn biểu diễn hôm đó có hai bài hát làm tôi vô cùng xúc động. Khi nghe tôi cứ phải hít thở cho thật sâu, thật dài hơi để khỏi bật ra tiếng nấc. Nhưng nước mắt cứ trào ra ướt đẫm hai má. Đó là bài “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”. Tôi đã theo dõi kỹ và cảm nhận rằng tiếng hát đó bay tới đâu cũng làm trái tim người nghe rạo rực. Điệu nhạc của nó du dương êm ái phảng phất một cái gì đó âu yếm làm xao xuyến lòng người. Bài thứ hai là “Mẹ vẫn đào hầm”. Điệu nhạc của bài hát này, nghe sao mà tha thiết thế. Nó vừa như thúc giục, lại như kêu gọi tất cả mọi người phải làm gì đây để cho con cái ta sau này và mãi mãi mai sau không bao giờ còn phải đào hầm như mẹ ta thế nữa. Thử hỏi trên thế gian này có nơi nào như ở Việt Nam? Người mẹ của ta phải khổ đau lâu dài như vậy? Mẹ đào hầm chống máy bay Nhật - Pháp rồi đến Mỹ. Mẹ còn đào hầm để chôn ngay cả đứa con mình dứt ruột đẻ ra như trường hợp người anh trai tôi vậy. Mẹ đào, đào mãi, đào suốt từ lúc tuổi còn thơ cho đến khi phơ phơ đầu bạc mà quân thù đã hết gây đau khổ cho mẹ ta đâu? Nghe hát mà nước mắt tôi rơi. Tôi nhớ da diết đến nghẹn thở người mẹ già của tôi. Ôi, đời mẹ. Người mẹ Việt Nam đã quá nhiều vất vả mà rất ít những ngày vui.
Năm 1968, khi giặc Mỹ vẫn hàng ngày gieo đau thương tang tóc trên khắp hai miền Nam - Bắc Việt Nam, tôi được tranh thủ vài ngày về thăm mẹ. Trước hôm đi, tôi nói với mẹ tôi rằng:
- Mẹ ơi! Lần này con đi công tác xa lắm mẹ ạ.
- Con đi có lâu không? - Mẹ tôi hỏi.
- Con đi chừng vài năm.
- Thế thì khi con về mẹ chết mất còn gì - Mẹ tôi bảo - Sao con không thưa với Đảng xin ở lại? Con cứ bảo rằng mẹ tôi già lắm, ngoài tám mươi rồi. Cho tôi ở lại để phụng dưỡng cha mẹ tôi.
Tôi nhẹ nhàng thưa cùng mẹ:
- Con là người của Đảng, của quân đội. Đảng bảo con đi, quân đội bảo con đi. Con từ chối làm sao được hả mẹ?
Mẹ tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài. Đối với anh trai tôi trước đây cũng vậy. Chưa bao giờ người ngăn cản chúng tôi đi làm nhiệm vụ. Một lúc sau, mẹ tôi vào trao cho tôi một gói giấy con buộc bằng sợi lạt tước mỏng và bảo:
- Nhà ta nghèo, con đi xa, mẹ chả có gì cho con cả. Mẹ cho con gói tăm này, mỗi khi ăn xong xỉa răng, lại một lần con nhớ đến cha, đến mẹ.
Tôi gục đầu vào ngực mẹ nước mắt đầm đìa. Ôi! Tấm lòng của mẹ, người mẹ nghèo mà suốt đời tôi không bao giờ có thể quên được. Mẹ nuôi tôi từ bé. Đến nay tôi hơn bốn mươi tuổi đầu mà vẫn còn lo cho tôi từ chiếc tăm tre. Tôi không thể ngờ được những lời nói ấy lại là những lời cuối cùng của người mà tôi được nghe trước lúc đi xa. Vâng thưa mẹ “uống nước nhớ nguồn”, con hiểu ý mẹ là như vậy. Con xin ghi nhớ trọn đời về công ơn của mẹ, một bà mẹ Việt Nam yêu quý, hiền dịu, cần cù, dũng cảm. Mẹ của chúng con.