Trước hôm cưới, Trần Lộc đến gặp tôi bảo: “Hôm nay gia đình xây dựng cho chúng em. Mời anh về dự nhé”. Và tôi đã về. Đám cưới tổ chức rất vui. Chú rể là y sĩ bộ đội. Cô dâu là cô giáo trường làng. Lấy nhau được vài ngày. Lộc đã phải khoác ba lô về đơn vị để kịp lên đường làm nhiệm vụ. Cũng từ ngày đó họ xa nhau biền biệt. Ngay cả thư từ có khi cả năm mới nhận được một, hai lần. Trần Lộc rất nhớ mẹ già và người vợ trẻ, song vì công tác ngày đêm bận rộn nên anh đành gác lại nỗi nhớ nhung riêng. Ở nhà Cúc cũng mong tin chồng từng giờ từng phút. Ngày qua tháng lại, thấm thoắt đã ba năm có lẻ vẫn một mình thui thủi gối chiếc chăn đơn. Mẹ chồng thông cảm với con dâu sinh nở có thì. Nhà trường cảm thông với cô giáo, cấp cho giấy phép. Cúc từ Hưng Yên ra Hà Nội hỏi thăm biết được đơn vị của chồng, Cúc đi nhờ xe bộ đội vào Thanh Hóa, rồi lại chuyển qua chiếc khác vào Vinh, lại xin đi nhờ vào đến Tuyên Hóa, Quảng Bình. Cuộc hành trình để đến được với người chồng trong chiến tranh thật vô cùng vất vả gian truân. Qua nhiều ngày ăn đợi nằm chờ, hỏi thăm chỗ này chỗ khác. Lần mò mãi, cuối cùng Cúc cũng tìm vào tới được nơi chồng công tác. Cả đơn vị mừng cho đôi bạn. Một tháng gần chồng, Cúc càng thông cảm với công tác của chồng. Chính Cúc cũng đã phải nhiều đêm đi cáng thương binh hoặc chăm sóc bệnh nhân như một y tá, hộ lý chuyên nghiệp vậy.
Sau lần vào thăm Lộc, Cúc đạt được điều mà mẹ chồng mong đợi và bản thân cũng thầm mong ước từ lâu. Từ đó Cúc càng phấn khởi yên tâm dạy học, phụng dưỡng mẹ già và chăm sóc con thơ.
Kể ra Đội điều trị 14 cũng còn nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn vất vả riêng mà các chị đã cố gắng tự khắc phục được như các chị vợ anh Huyên, anh Ước, anh Doanh, anh Trực, anh Trà, anh Thay, anh Đính, anh Lưu, anh Sơn… mà chúng tôi mãi mãi biết ơn và tự hào về những người vợ trung hậu, đảm đang ấy. Chính nhờ có các anh chị mà chúng tôi mới hoàn thành xuất sắc được nhiệm vụ nơi tiền tuyến để trở thành một đơn vị anh hùng.