Các binh trạm thuộc Đoàn vận tải quân sự Quang Trung như một con bạch tuộc khổng lồ cứ vươn dài mãi vào phía Nam. Theo chỉ thị của Thủ trưởng Binh trạm 12, Đội điều trị 14 rời Hóa Tiến di chuyển lên khu vực Bãi Dinh. Địa điểm mới là một khu vực trống trải bên sườn núi đá nằm trên trục đường chiến lược 12. Cách Cổng Trời chừng 10 ki-lô-mét vùng này là một trong những trọng điểm của kẻ địch thường xuyên đánh phá nên anh em vẫn gọi nơi đây là cái túi bom, B-52 và bom toạ độ của không lực Hoa Kỳ.
Cái khổ nhất ở đây là nước. Nó đã làm đội trưởng Đính mất ăn mất ngủ nhiều ngày đêm. Nước dùng cho cả một bệnh viện đâu phải là ít. Ấy thế mà hàng ngày cả một khối lượng nước khổng lồ chỉ đè nặng trên những đôi vai bé nhỏ của các cô gái mà đáng lẽ ra nếu như không có giặc Mỹ xâm lược thì đâu đến nỗi nghiệt ngã quá sức như vậy. Lê Đính mải mê suy nghĩ có phải chỉ lo sao cho đơn vị hoàn thành được nhiệm vụ chính trị là xong? Không - Đính tự trả lời mình. Nhưng làm thế nào bây giờ? Nếu cứ để ngày nào cũng hàng chục cô lên xuống gánh hàng trăm gánh nước trên đôi vai như vậy. Biết đâu… bom đạn thế này lại chả có ngày một vài cô nào đấy…?!
- Thủ trưởng suy nghĩ gì mà đăm chiêu thế? - Thiện, Trợ lý hậu cần vừa cười vừa hỏi tiếp - Chắc lại nhớ thủ trưởng bà và bé Thu Hà?
- Lúc khác cơ, còn bây giờ thì không. Mình đang suy tính xem làm cách nào để chị em không phải xuống suối xa gánh nước đây.
- Hố… hố… - Thiện cười rất to trước câu trả lời của Lê Đính. - Thủ trưởng cho di cái nhà bếp xuống cạnh bờ suối như ở Hóa Tiến ấy có được không?
- Nhưng hàng ngày ba lần gánh cơm, canh, nước uống lên cũng chết. Lại còn nước dùng cho chuyên môn nữa chứ. Biện pháp của cậu không ổn rồi.
- Nếu vậy thủ trưởng cứ bắt con suối ấy chảy ngược béng lên đây là xong chuyện - Thiện trêu.
- Cậu không nói đùa đấy chứ!? - Ngừng một lát như chợt nhớ ra điều gì đó, Lê Đính giật giọng - Thiện này, câu nói của cậu gợi cho mình một ý rất hay. - Anh kéo Thiện ra ngoài hầm, chỉ tay vào phía hẻm sâu nói tiếp: - Hôm nào chúng mình thử đi sâu vào khe núi kia xem sao?
- Để làm gì thủ trưởng? - Thiện ngạc nhiên hỏi lại.
Lê Đính không trả lời thẳng câu hỏi của Thiện mà anh lại kể như dốc bầu tâm sự.
- Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp cũng đã có lần bọn mình làm một hệ thống máng nước từ trên khe núi cao lấy nước xuống dùng cho cả một tiểu đoàn đấy. Lại một lần bọn mình… - Và cứ như vậy anh kể hết chuyện này sang chuyện khác. Cuối cùng anh cười hóm hỉnh nói - Để xem có dòng suối nào thì bắt nó chảy về đây phục vụ thương, bệnh binh như cậu vừa nói đó.
Thiện nghe rất khoái, anh hỏi thêm:
- Đánh Pháp có căng như đánh Mỹ bây giờ không thủ trưởng?
- Căng chứ, nhưng mà vui - Giọng anh sôi nổi hẳn - Ngày đó mình cũng bằng tuổi cậu bây giờ. Mình là y tá phụ trách quân y tiểu đoàn. Đơn vị mình là quân chủ lực của Bộ nên đi đánh ở nhiều nơi. Hết trung du lên Việt Bắc lại về đồng bằng. Xuất quỷ nhập thần làm cho giặc Pháp lo quýnh lên. Cứ nghe danh “Đại đoàn Đồng Bằng” là sợ mất mật.
- Thủ trưởng ở liên tục từ đó đến nay à?
- Ừ, cuộc đời mình thuộc về quân đội rồi cậu ạ. Thời gian đi nhanh thật. Thấm thoắt đã hơn hai chục năm rồi. Kể ra so với bây giờ thì cái căng của thời chống Pháp phải gọi là cụ.
Thiện cười tiếp lời:
- Bọn Mỹ nó giầu bom đạn lắm chứ thủ trưởng nhỉ?
- Không những chúng giầu về vật chất, kỹ thuật phương tiện chiến tranh hiện đại mà còn rất giầu cả về mưu ma chước quỷ nữa. Nhưng rồi cậu xem, cứ mỗi lần chúng ta nhích lên vài chục cây số thế này, khác nào dây thòng lọng thít chặt thêm vào cổ chúng. Đến lúc đó, chúng ta chắc còn nhiều chuyện vui hơn để nói với nhau phải không? Thôi khuya rồi, cậu về ngủ đi. Ta thống nhất với nhau như đã giao ước nhé.
Sáng hôm sau khi trời vừa rạng, Thiện đã có mặt ở hầm chỉ huy. Lê Đính lúc này cũng vừa ăn sáng xong. Cả hai nai nịt gọn gàng. Đầu đội mũ cứng, chân đi dép Bác Hồ. Mỗi người cầm một chiếc gậy trong tay. Bên hông Lê Đính trễ xuống thêm vì khẩu K54. Còn Thiện ngoài con dao găm giắt bên hông trái, chiếc bi đông nước lủng liểng bên sườn phải làm lúc đầu cậu ta hơi khó chịu. Hai người ra khỏi hầm, vừa đi vừa vạch lá tìm đường lần theo sườn núi đi ngược dần lên mãi phía trong hẻm sâu. Nghe tiếng động lạ và hơi người, các chú vắt được dịp ngóc đầu bật dậy bám chi chít vào chân, tay hút máu. Gạt được con này, con khác lại bấu ngay vào. Hai người đi chậm chạp từng bước một. Sương mù tan dần. Càng vào phía trong đường càng khó. Đi theo cái kiểu chân cao chân thấp lựa theo sườn núi đá tai mèo mấp mô quả là khó bước. Chỉ cần lỡ bước chân một chút là có thể tụt ngay xuống vực. Khoảng 9 giờ họ tới được chỗ khe núi nọ. Tuy thấm mệt nhưng đúng như dự đoán. Họ rất vui khi vừa nhìn thấy thấp thoáng từ xa dòng nước bạc lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời từ trong khe núi chảy ra. Thiện bứt vội lên trước, chẳng còn để ý gì đến những mảnh đá sắc nhọn lởm chởm ở dưới chân mình nữa. Thấy vậy Lê Đính thét to:
- Cẩn thận đấy Thiện ơi!
- Thủ trưởng cứ yên trí.
Khi Lê Đính đến nơi thì Thiện đã tắm xong.
- Mát lắm thủ trưởng ạ.
Lê Đính dùng hai bàn tay vốc từng vốc nước mát lạnh phả lên đầu, mặt và cổ. Sau khi tận hưởng phút giây sung sướng ấy, Lê Đính lên tiếng:
- Cũng không xa lắm phải không? Có điều là men theo sườn núi nên khó đi.
- Gần hai cây số đấy thủ trưởng ạ.
- Cứ cho là hai cây nhưng cậu thử tưởng tượng xem nếu chúng ta dẫn được nước chảy về thì sẽ đỡ được bao nhiêu vất vả và nguy hiểm cho anh chị em?
- Thủ trưởng dự định bao giờ làm?
- Nếu được Đảng ủy nhất trí thì làm ngay, càng sớm càng tốt. - Ngừng một lát anh bảo Thiện: - Cậu thử tính xem hết bao nhiêu cây nứa và cọc gỗ?
Thiện nhẩm tính một lúc rồi nói:
- Nếu nứa to và dài 4 - 5 mét một cây thì cũng phải 400 - 500 cây mới đủ. Còn cọc đỡ cũng phải mất chừng ấy.
- Quyết tâm là làm được. Cậu đồng ý không? Thôi, ta về kẻo muộn.
Sau khi nghe báo cáo và trình bày kế hoạch tiến hành, Đảng ủy nhất trí giao cho anh tổ chức thực hiện. Ngay tối hôm đó phương án tiến hành đã được phổ biến đến toàn đơn vị. Sáng hôm sau khi ông mặt trời vẫn còn đang ngái ngủ thì tất cả mọi người đã tập trung đầy đủ. Trừ số anh chị em thường trực chuyên môn và cấp dưỡng nấu ăn, số còn lại được chia làm ba bộ phận. Ba mươi người chặt cọc. Mười người sửa đường, đào lỗ chôn cọc. Bộ phận nào cũng có người chỉ huy và được hướng dẫn tỉ mỉ rõ ràng. Công việc tiến hành trôi chảy đầy hứng khởi. Nhiều thương, bệnh binh nhẹ cũng bị công việc cuốn vào. Họ làm chẳng thua kém bất kỳ cánh nhân viên. Người chẻ lạt, người cưa, người đục làm thông suốt các mắt ống nứa. Bộ phận nọ thi đua với bộ phận kia rất sôi nổi. Chỉ sau bốn ngày, toàn bộ công trình máng dẫn nước đã hoàn thành. Hôm cắt băng khánh thành đường máng thực sự là một ngày hội tưng bừng náo nhiệt. Tuy số thương binh, bệnh binh nặng phải nằm bất động tại giường trong các căn hầm kèo chữ A không thể ra xem. Họ cứ nằm tại chỗ mà ca hát om sòm. Còn số thương binh, bệnh binh nhẹ và vừa thì tập trung đầy đủ cùng với anh chị em cán bộ, công nhân viên vui mừng thực sự. Họ gõ chậu, gõ thùng và cả ống bơ. Như một dàn nhạc, họ nhảy múa tưng bừng. Có anh cao hứng, đứng hẳn lên trên hòn đá tảng to miệng hát, tay bắt nhịp y như một nhạc trưởng đang chỉ huy dàn nhạc của mình. Tất cả mọi người đã hòa theo hát say sưa hết bài này qua bài khác tưởng như không bao giờ dứt, nếu như không có tiếng ầm ì của bọn “thần sấm”, “con ma” vọng tới.
Họ hồi hộp theo dõi đội trưởng Lê Đính trịnh trọng ra mở nút ống nứa. Một dòng nước bạc trắng xóa vọt ra liên tục đổ xuống chiếc thùng phuy 200 lít nghe bum… bum… như tiếng trống reo vui rộn rã giữa những tràng vỗ tay hoan hỉ kéo dài.
Phát huy thành quả đã đạt được. Thiện còn bắc thêm một vòi dẫn nước vào một thùng phuy khác đặt trên bếp lò Hoàng Cầm của anh chị nuôi, lấy nước nóng tắm rửa, giặt giũ thường xuyên thoải mái suốt trong những ngày mùa đông tháng giá. Cải thiện một bước quan trọng đời sống cho toàn đơn vị và thương binh, bệnh binh ở trong cái túi bom khổng lồ Bãi Dinh này.