T
om gọi điện cho Heloise từ phòng mình. Cô không có nhà. Cô hầu nói rằng cô đã cùng cha mẹ ra ngoài ăn tối. Tom gọi điện cho Reeves ở Hamburg. Điện thoại thông sau hai mươi phút và Reeves có nhà.
“Xin chào, Reeves. Tom đây. Tôi đang ở Paris. Mọi chuyện thế nào?... Anh có thể chuyển cho tôi một quyển hộ chiếu ngay lập tức không? Tôi đã gửi ảnh cho anh rồi đấy.”
Reeves có vẻ bối rối. Trời đất quỷ thần ơi, cuối cùng cũng đưa ra một yêu cầu đúng nghĩa rồi sao? Hộ chiếu chứ gì? Được thôi, thứ bé nhỏ thiết yếu đó rất hay bị mất cắp, mọi lúc mọi nơi. Reeves muốn bao nhiêu cho nó, Tom đủ lịch sự để hỏi vậy.
Hiện thời thì Reeves chưa rõ.
“Cứ ghi vào hóa đơn,” Tom tự tin nói. “Quan trọng là phải chuyển nó cho tôi ngay lập tức. Nếu anh nhận được ảnh của tôi vào sáng thứ Hai thì đến tối thứ Hai có làm xong không?... Đúng, chuyện khẩn cấp. Anh có người bạn nào bay tới Paris vào tối muộn hôm thứ Hai không chẳng hạn?” Nếu không có thì hãy tìm một người đi, Tom nghĩ thầm.
Có, Reeves nói, một người bạn của anh ta có thể bay tới Paris. Không phải một người vận chuyển khác (hoặc vật chủ), Tom kiên quyết yêu cầu như vậy, vì anh không có khả năng lén lút giở túi áo hay va-li của ai đó ra.
“Một cái tên Mỹ bất kỳ,” Tom nói. “Tốt nhất là hộ chiếu Mỹ, hộ chiếu Anh cũng được. Trong lúc đó, tôi ở Ritz, quảng trường Vendôme… Daniel Stevens.” Tom đọc số điện thoại của Ritz cho Reeves tiện liên lạc và nói rằng anh sẽ tự mình đến gặp người chuyển đồ của Reeves sau khi biết thời gian người đó có thể hạ cánh xuống Orly.
Đến lúc này, Heloise đã quay lại Chantilly, và Tom nói chuyện với cô. “Có, anh đang ở Paris đây. Em có muốn đến đây tối nay không?”
Heloise đồng ý. Tom hớn hở. Anh mường tượng ra cảnh ngồi đối diện với Heloise sau bàn, uống sâm-panh, sau khoảng một tiếng nữa, đấy là nếu Heloise muốn uống sâm-panh, và thường thì cô muốn.
Tom đứng trên vỉa hè xám xịt, nhìn ra quảng trường Vendôme vòng cung. Các vòng tròn khiến anh bực bội. Anh nên đi theo hướng nào đây? Rẽ trái về phía l’Opéra, hay rẽ phải về phía đường Rivoli? Tom thích nghĩ theo hình vuông và hình chữ nhật hơn. Bernard đâu rồi nhỉ? Sao anh lại muốn có hộ chiếu nhỉ, anh tự hỏi? Dùng làm lợi thế sau này à? Một biện pháp bổ sung để được tự do? Tôi không thể vẽ được như Derwatt, chiều nay Bernard đã nói vậy. Đơn giản là tôi không vẽ nữa – thậm chí hiếm khi vẽ vì chính tôi. Lúc này đây có phải Bernard đang ở trong một khách sạn Paris nào đó, tự cắt cổ tay trong bồn tắm không? Hay rướn người về phía sông Seine trên một cây cầu để chuẩn bị nhảy xuống – một cách nhẹ nhàng – khi không ai chú ý?
Tom đi thẳng về phía đường Rivoli. Vào thời điểm này trong đêm, nó buồn tẻ và tối om, cửa sổ của các quầy hàng đều được rào sắt và buộc dây xích để chống kẻ trộm nhằm vào những thứ vớ vẩn dùng để thu hút du khách mà họ trưng bày – khăn tay lụa có in chữ “Paris”, những chiếc cà vạt hoặc áo sơ mi lụa bán đắt quá mức cho phép. Anh cân nhắc xem có nên đi tắc-xi tới khu số sáu hay không, đi dạo trong bầu không khí phấn chấn hơn ở đó và uống bia ở quán Lippe’s. Nhưng anh không muốn vô tình chạm trán Chris. Anh quay về khách sạn và gọi điện tới studio của Jeff.
Cuộc điện thoại này (tổng đài viên nói) sẽ mất bốn mươi lăm phút, rất đông người đang chờ được gọi, nhưng nó thông sau nửa tiếng.
“Xin chào?... Paris à?” Giọng Jeff vang lên như tiếng một con cá heo bị chết đuối.
“Tom ở Paris đây! Anh có nghe thấy tôi nói gì không?”
“Không rõ!”
Thực ra đường truyền cũng không quá tệ nên Tom thấy không cần thử gọi lại lần hai. Anh đeo đuổi: “Tôi không biết Bernard đang ở đâu. Anh có nhận được tin gì từ anh ta không?”
“Vì sao anh lại đến Paris?”
Dưới tình huống nghe không thông này thì giải thích điều đó có vẻ khá vô nghĩa. Tom cuối cùng cũng biết được rằng Jeff và Ed không nghe tin gì từ Bernard hết.
Sau đó Jeff nói, “Họ đang cố gắng tìm Derwatt…” (Lầm bầm chửi thề bằng tiếng Anh.) Chúa tôi, nếu tôi không thể nghe rõ anh nói gì thì tôi không nghĩ bất kỳ người nào nghe trộm có thể nghe được…”
“Được rồi!” Tom đáp. “Kể cho tôi nghe mọi rắc rối của anh đi.”
“Vợ ông Murchison có thể…”
“Sao cơ?” Chúa lòng lành, điện thoại đúng là một thứ thiết bị điên rồ. Loài người nên quay ngược về dùng bút, giấy, và tàu chở thư. “Không nghe nổi một từ nào hết!”
“Chúng tôi đã bán bức ‘Bồn Tắm’… Họ đang đòi… tìm Derwatt! Tom, giá mà anh…”
Tom đập mạnh điện thoại xuống trong bực tức, nắm lấy nó rồi nhấc lên, sẵn sàng quát mắng tổng đài viên dưới nhà. Nhưng anh lại đặt điện thoại xuống. Đó không phải là lỗi của cô ta. Không phải là lỗi của ai cả, trong số những người có thể tìm được.
Chà, bà Murchison chuẩn bị qua đây, như Tom đã lường trước. Và có thể bà ta biết về lý thuyết màu tím oải hương. Còn bức “Bồn Tắm” đã được bán, cho ai không biết? Vậy Bernard đang… ở đâu rồi? Athens chăng? Liệu anh ta có bắt chước hành động của Derwatt và tự dìm mình chết ở một hòn đảo của Hy Lạp không? Tom hình dung ra cảnh mình đi tới Athens. Hòn đảo nơi Derwatt chết tên là gì nhỉ? Icaria à? Nó nằm ở đâu? Ngày mai phải tìm hiểu điều đó ở một đại lý du lịch.
Tom ngồi xuống bàn viết và nháp nhanh một tin nhắn:
Jeff thân mến,
Nếu anh có gặp Bernard thì hãy nhớ tôi đã chết rồi. Bernard nghĩ rằng anh ta đã giết được tôi. Tôi sẽ giải thích sau. Đừng chuyển tin nhắn này cho bất kỳ ai, nếu trong trường hợp anh gặp Bernard và anh ta bảo rằng đã giết tôi – thì cứ giả vờ tin anh ta và đừng làm gì hết. Ngăn Bernard lại nhé.
Trân trọng,
Tom
Tom đi xuống nhà và gửi bức thư đi với cái tem bảy mươi xu mua ở bàn. Chắc phải đến thứ Ba Jeff mới nhận được nó. Nhưng nó không phải là một tin nhắn mà anh dám gửi bằng điện tín. Hay cứ gửi nhỉ? Tôi phải nằm sâu dưới lòng đất đối với Bernard. Không, như thế chưa rõ lắm. Khi anh vẫn cân nhắc vấn đề này thì Heloise bước vào cửa. Tom mừng khi thấy cô xách theo chiếc va-li Gucci nhỏ của mình.
“Chào buổi tối, phu nhân Stevens,” Tom nói bằng tiếng Pháp. “Tối nay em sẽ là phu nhân Stevens.” Tom nghĩ xem có nên đưa cô ra bàn tiếp tân để đăng ký không nhưng rồi quyết định không cần bận tâm và dẫn Heloise ra thang máy.
Ba đôi mắt theo dõi họ. Cô thật sự là vợ anh sao? “Tome, anh trắng bệch rồi!”
“Hôm nay anh bận quá.”
“ À, cái gì kia…”
“Suỵt.” Cô muốn nói đến vết thương sau đầu anh. Heloise để ý đến tất thảy mọi thứ. Tom nghĩ là anh có thể kể cho cô nghe vài chuyện, nhưng không phải toàn bộ. Ngôi mộ – chuyện đó quá kinh khủng. Thêm vào đó nó sẽ biến Bernard thành một kẻ sát nhân, nhưng anh ta không phải. Tom boa cho nhân viên thang máy, người cứ khăng khăng xách va-li hộ Heloise.
“Chuyện gì đã xảy ra với đầu anh thế?”
Tom cởi chiếc khăn quàng cổ màu xanh lục sậm xen xanh dương mà anh đã quấn quanh cổ để thấm máu. “Bernard đã đánh anh. Đừng lo, em yêu. Cởi giày ra đi. Cả quần áo nữa. Thoải mái vào. Em có muốn uống sâm-panh không?”
“Có chứ. Sao không?”
Tom gọi sâm-panh qua điện thoại. Anh cảm thấy lâng lâng, như thể đang bị sốt, nhưng anh biết chỉ là do mình mệt mỏi và mất máu mà thôi. Anh đã kiểm tra lại ngôi nhà tìm vệt máu chưa? Rồi, anh nhớ phút cuối đã chạy lên gác chỉ để nhìn xem có máu ở đâu không.
“Bernard đâu rồi?” Heloise đã cởi giày ra và đang đi chân trần.
“Anh thật sự không biết. Có thể là Paris.”
“Hai người đã đánh nhau à? Anh ta không chịu đi à?”
“ À… xô xát nhẹ thôi. Hiện giờ anh ta đang cực kỳ bất ổn.
Không có gì nghiêm trọng đâu, không có gì hết.”
“Nhưng vì sao anh lại đến Paris? Anh ta vẫn ở nhà mình à?”
Có khả năng thế thật, Tom nhận ra, dù đồ đạc của Bernard đã biến mất khỏi ngôi nhà. Anh kiểm tra rồi. Và anh ta không thể quay vào nhà mà không phá ô cửa sổ Pháp. “Anh ta không ở trong nhà mình đâu.”
“Em muốn xem đầu anh. Vào phòng tắm để có ánh sáng rõ hơn nào.”
Có một tiếng gõ cửa. Họ mang sâm-panh lên khá nhanh. Người phục vụ tóc xám béo tốt cười toét miệng khi nút bần bật ra. Chai rượu được cho vào một xô đá.
“Cảm ơn ngài,” người phục vụ nói khi nhận tờ séc ngân hàng của Tom.
Tom và Heloise nâng ly, cô có hơi ngập ngừng, và uống cạn. Cô khăng khăng đòi nhìn đầu anh. Tom nghe lời. Anh cởi áo ra, cúi người xuống và nhắm mắt lại khi Heloise rửa đầu anh trong chậu bằng khăn rửa mặt. Anh bịt tai lại, hoặc cố gắng làm vậy, trước tiếng kêu ca của cô mà anh đã dự đoán trước.
“Vết thương không sâu đâu, không thì nó đã không ngừng chảy máu!” Tom nói. Tất nhiên, việc rửa vết thương khiến nó lại chảy máu. “Lấy một cái khăn khác đi… lấy gì cũng được,” Tom nói và quay vào phòng ngủ, nhẹ nhàng ngồi xuống sàn. Anh chưa kiệt sức nên lại bò về phòng tắm, nơi có sàn gạch.
Heloise đang nói về băng dính.
Tom ngất đi khoảng một phút, dù anh không nói ra. Anh bò về phía bồn cầu và nôn một ít. Anh dùng mấy cái khăn ướt của Heloise để lau mặt và lau trán. Rồi vài phút sau, anh đã đứng trước bồn rửa, nhấp sâm-panh, trong khi Heloise chế băng gạc từ một cái khăn tay nhỏ màu trắng. “Vì sao em lại mang băng dính theo?” Tom hỏi.
“Em dùng nó cho móng tay.”
Như thế nào nhỉ, Tom tự hỏi? Anh giữ băng dính trong lúc cô cắt nó. “Băng dính màu hồng,” Tom nói, “là dấu hiệu của nạn phân biệt chủng tộc đấy. Hiệp hội Sức Mạnh Da Đen ở Mỹ sẽ xử trí nó… và chặn nó lại”.
Heloise không hiểu gì. Tom vừa nói bằng tiếng Anh.
“Mai anh sẽ giải thích nhé… chắc vậy.”
Sau đó họ lên giường, chiếc giường rộng rãi xa hoa có tận bốn cái gối dày, và Heloise đã cống hiến bộ pyjama của cô để đặt dưới đầu Tom, phòng trường hợp anh lại chảy máu, nhưng anh nghĩ mình đã gần như ngừng chảy máu hẳn rồi. Heloise khỏa thân, và cơ thể cô mềm mại đến mức khó tin, như một miếng thạch cao được mài bóng loáng, tất nhiên chỉ có điều cô mềm mại và thậm chí còn ấm áp nữa. Tối nay không phải một dịp để làm tình, nhưng Tom cảm thấy cực kỳ hạnh phúc, và hoàn toàn không mảy may lo lắng về ngày mai – cái này có lẽ không được khôn ngoan cho lắm, nhưng đêm hôm đó, hoặc có lẽ là sáng sớm, anh đã nuông chiều bản thân. Trong bóng tối, anh nghe tiếng bong bóng sâm-panh xì xì khi Heloise nhấp rượu rồi tiếng cạch khi cô đặt ly xuống tủ đầu giường. Rồi má anh áp vào ngực cô. Heloise, em là người phụ nữ duy nhất trên thế giới này từng khiến anh nghĩ đến hiện tại, Tom muốn nói vậy, nhưng anh quá mệt, và câu nói ấy có lẽ cũng chẳng quan trọng.
Buổi sáng, Tom phải giải thích vài chuyện cho Heloise và anh thực hiện một cách tinh tế. Anh nói rằng Bernard Tufts buồn bực vì cô bạn gái người Anh, anh ta có khả năng sẽ tự sát, và Tom muốn tìm anh ta. Bernard có thể ở Athens. Và bởi cảnh sát muốn Tom ở trong tầm mắt của họ vì sự biến mất của ông Murchison, tốt nhất là cảnh sát nghĩ anh đang ở Paris, có thể là cùng với bạn bè chẳng hạn. Tom giải thích là anh đang chờ nhận một cuốn hộ chiếu mà sớm nhất là tối thứ Hai mới tới. Tom và Heloise ăn sáng trên giường.
“Em không hiểu nổi tại sao anh phải bận tâm lo lắng cho gã điên thậm chí đã từng tấn công anh đấy.”
“Tình bạn,” Tom nói. “Nào em yêu, giờ sao em không quay lại Belle Ombre và bầu bạn với bà Annette nhỉ? Hoặc… chúng ta có thể gọi cho bà ấy rồi cả ngày và tối nay em sẽ ở cùng anh,” Tom vui vẻ nói. “Nhưng hôm nay chúng ta nên đổi khách sạn thì hơn, cho an toàn.”
“Ôi, Tome…” Nhưng Heloise không thật sự thấy thất vọng như giọng nói của cô biểu lộ, Tom biết. Cô thích làm những việc có phần ranh mãnh, giữ bí mật khi không cần thiết phải như vậy. Những câu chuyện mà cô kể cho Tom nghe về những âm mưu thời niên thiếu của cô cùng các bạn học nữ, cả bạn học nam nữa, để trốn tránh sự giám sát của cha mẹ cô, giống hệt trong những sáng tác của Cocteau.
“Hôm nay chúng ta sẽ đổi một cái tên khác. Em thích tên gì? Phải là một cái tên Mỹ hoặc Anh, vì anh. Em chỉ là cô vợ người Pháp của anh, em hiểu không?” Tom đang nói bằng tiếng Anh.
“Hừm. Gladstone30 thì sao?” Tom phá ra cười.
30 Gladstone là tên một loại túi có hình dáng giống chiếc va-li nhỏ với phần khóa kim loại ở ngay trên miệng túi. Túi có thiết kế khá chắc chắn và tinh tế, đựng được rất nhiều đồ.
“Gladstone có gì buồn cười à?”
Heloise cực kỳ ghét tiếng Anh vì cô nghĩ nó chứa đầy những từ nhiều nghĩa bẩn thỉu mà cô sẽ không bao giờ rành rẽ. “Không, chỉ là anh ta đã phát minh ra một cái va-li mà thôi.”
“Anh ta phát minh ra va-li! Em không tin anh đâu! Ai lại phát minh ra va-li cơ chứ? Nó quá đơn giản! Tome ơi là Tome!”
Họ chuyển tới khách sạn Ambassadeur, trên đại lộ Haussman, ở khu thứ chín. Kín đáo và đáng kính. Ở đây, Tom đăng ký dưới tên William Tenyck, với vợ là Mireille. Anh gọi thêm một cuộc điện thoại cho Reeves, báo lại tên, địa chỉ, và số điện thoại mới của mình, mã vùng PRO 72-21, với người nói giọng Đức thường nghe điện hộ Reeves.
Tom và Heloise đi xem phim vào buổi chiều và trở về khách sạn lúc sáu giờ tối. Vẫn chưa nhận được tin nhắn nào từ Reeves. Heloise gọi điện cho bà Annette theo gợi ý của Tom và anh cũng nói chuyện với bà ta.
“Phải, chúng tôi đang ở Paris,” Tom nói. “Tôi xin lỗi vì đã không để lại lời nhắn cho bà... Có thể tối muộn ngày mai Heloise sẽ trở về, tôi cũng chưa chắc.” Anh chuyển điện thoại cho cô.
Bernard rõ ràng là không công khai ở lại Belle Ombre, không thì bà Annette đã nhắc đến anh ta rồi.
Họ về giường sớm. Tom cố gắng thuyết phục Heloise tống khứ miếng băng dính ngớ ngẩn ở sau đầu anh đi nhưng không thành công, và cô thậm chí còn mua thuốc khử trùng màu tím oải hương của Pháp được cô dùng để nhúng băng gạc. Cô đã giặt khăn quàng cổ của anh ở Ritz và đến sáng thì nó khô cong. Ngay trước nửa đêm, điện thoại phòng họ reo lên. Reeves báo rằng một người bạn của anh ta sẽ mang cho anh thứ anh cần vào tối ngày mai, ngày thứ Hai bằng chuyến bay 311 của hãng Lufthansa, sẽ hạ cánh xuống sân bay Orly lúc mười hai giờ mười lăm phút sáng.
“Tên anh ta là gì?” Tom hỏi.
“Đó là một người phụ nữ. Gerda Schneider. Cô ta biết anh trông như thế nào.”
“Được rồi,” Tom nói, khá hài lòng với dịch vụ khi xét thấy rằng Reeves còn chưa nhận được ảnh của anh. “Tối mai có muốn cùng anh đến sân bay Orly không?” Tom hỏi Heloise sau khi anh dập máy.
“Em sẽ lái xe chở anh đi. Em muốn biết anh an toàn.”
Tom kể cho cô là ô-tô của họ đang nằm ở ga Melun. Cô có thể đưa André, một người làm vườn mà thỉnh thoảng họ vẫn thuê, đi cùng cô mang nó về.
Họ quyết định ở lại Ambassadeur thêm một đêm phòng trường hợp vụ hộ chiếu có trục trặc vào tối thứ Hai. Tom cân nhắc đến việc đặt một chuyến bay đêm tới Hy Lạp vào đầu giờ sáng ngày thứ Ba, nhưng phải đợi tới khi anh cầm được hộ chiếu trong tay thì mới quyết định được chuyện này. Anh cũng phải làm quen với chữ ký trên hộ chiếu nữa. Toàn bộ việc này, anh nhận ra, là để cứu tính mạng của Bernard. Tom ước có thể chia sẻ suy nghĩ của mình, cảm xúc của mình, với Heloise, nhưng anh sợ không thể khiến cô hiểu nổi. Cô có hiểu được không nếu biết về phi vụ làm giả tranh? Phải, cô sẽ hiểu, về mặt nhận thức, nếu anh có thể dùng từ đó. Nhưng Heloise sẽ nói, “Sao tất cả mọi chuyện lại đè lên vai anh? Jeff và Ed không thể tìm bạn họ được à – đó là người giúp họ kiếm tiền cơ mà?”. Tom không kể chuyện đó cho cô nữa. Tốt nhất là giữ cảm giác đơn độc, hành động một mình. Không có sự đồng cảm, dù chỉ là những lo lắng dịu dàng từ người thân.
Và tất cả đều diễn biến tốt đẹp. Tom và Heloise đến sân bay Orly lúc nửa đêm ngày thứ Hai, và chuyến bay hạ cánh đúng giờ, và Gerda Schneider – hoặc một người phụ nữ dùng cái tên đó – đã bắt chuyện với Tom ở cổng tầng hai nơi anh đứng đợi.
“Tom Ripley,” cô ta nói, mỉm cười.
“Đúng thế. Frau Schneider à?”
Cô ta là một người phụ nữ tầm ba mươi tuổi, tóc vàng, khá đẹp và trông thông minh, và có vẻ không quá trải chuốt, như thể cô ta vừa dùng nước lạnh rửa mặt và khoác vội đồ lên người. “Anh Ripley, tôi vô cùng hân hạnh được gặp anh,” cô ta nói bằng tiếng Anh. “Tôi đã được nghe rất nhiều chuyện về anh.”
Tom cười lớn trước giọng nói lịch sự và thích thú của cô ta. Anh ngạc nhiên khi thấy Reeves có thể kêu gọi những con người thú vị như vậy về làm việc cho anh ta. “Tôi đi cùng vợ. Cô ấy ở dưới tầng. Cô sẽ ở lại Paris qua đêm chứ?”
Đúng vậy. Cô ta thậm chí đã đặt phòng khách sạn ở Pont-Royal trên đường Montalembert. Tom giới thiệu cô ta với Heloise. Anh đi lấy xe trong khi Heloise và Frau Schneider đứng chờ không xa nơi Tom đã bỏ va-li của ông Murchison lại. Họ lái xe tới tận Paris, tới khách sạn Pont-Royal, sau đó Frau Schneider mới nói:
“Tôi nên đưa anh gói đồ ở đây.”
Họ vẫn còn ngồi trong xe. Gerda Schneider mở cái túi to đùng của cô ta và lấy ra một phong bì màu trắng khá dày.
Tom đã đỗ xe lại và trời khá tối. Anh lấy quyển hộ chiếu Mỹ màu xanh lục ra và nhét nó vào trong túi áo khoác. Rõ ràng là quyển hộ chiếu đã được bọc giấy trắng tinh. “Cảm ơn cô,” Tom nói. “Tôi sẽ liên hệ với Reeves. Anh ấy thế nào?...”
Vài phút sau, Tom và Heloise bắt đầu lái xe quay về khách sạn Ambassadeur.
“Cô ta khá xinh đẹp, đối với một người Đức,” cô nói.
Về phòng, Tom nhìn qua hộ chiếu. Nó đã khá cũ và Reeves chỉnh ảnh của anh cho khớp với nó. Robert Fiedler Mackay là tên của anh, tuổi 31, sinh ra ở thành phố Salt Lake, bang Utah, nghề nghiệp kỹ sư, không có người phụ thuộc. Chữ ký cao và mảnh, tất cả các chữ cái đều dính vào nhau, một nét chữ viết tay mà Tom đoán thuộc về một nhân vật có tính cách nhàm chán, đàn ông Mỹ, như anh quen thuộc.
“Em yêu – Heloise – giờ anh là Robert nhé,” Tom nói bằng tiếng Pháp. “Thứ lỗi cho anh nhé, anh phải tập ký một lát đây.”
Heloise đang dựa vào tủ com-mốt, quan sát anh.
“Ôi, em yêu! Đừng lo gì cả!” Tom vòng tay ôm lấy cô. “Uống sâm-panh nào! Mọi chuyện đều tốt đẹp!”
Đến hai giờ chiều ngày thứ Ba, Tom đã có mặt ở Athens – vàng hơn và sạch sẽ hơn so với Athens mà anh nhìn thấy lần cuối cùng, tức là khoảng năm đến sáu năm trước. Tom đăng ký vào khách sạn Grande Bretagne, cất dọn một chút trong phòng, nó nhìn ra quảng trường Hiến Pháp, rồi ra ngoài đi dạo và hỏi thăm vài khách sạn khác để tìm Bernard Tufts. Không đời nào có chuyện anh ta lại đăng ký thuê phòng ở Grande Bretagne, Tom nghĩ thầm, khách sạn đắt nhất Athens. Anh thậm chí chắc đến sáu mươi phần trăm là Bernard không ở Athens mà đã đi đến hòn đảo của Derwatt, hoặc một hòn đảo nào đó, kể cả vậy thì Tom vẫn cảm thấy thật ngu ngốc nếu không hỏi thăm vài khách sạn ở Athens trước đã.
Câu chuyện của Tom là anh bị chia tách với một người bạn mà anh đã hẹn gặp – Bernard Tufts. Không, tên anh là gì không quan trọng, nhưng khi được hỏi thì Tom vẫn báo tên – Robert Mackay.
“Tình huống ở các hòn đảo bây giờ thế nào?” Tom hỏi ở một khách sạn tương đối tử tế, nơi mà anh nghĩ là có thể họ biết đôi chút về du lịch. Ở đây Tom nói tiếng Pháp, dù trong các khách sạn khác thì anh dùng tiếng Anh, ít thôi. “Cụ thể là Icaria.”
“Icaria à?” ngạc nhiên hỏi lại.
Nó nằm hẳn về mé đông của đất nước, cực bắc của quần đảo Dodecanese. Không có sân bay. Có tàu, nhưng anh ta không rõ tần suất tàu là như thế nào.
Tom đến đó vào thứ Tư. Anh đã phải thuê một chiếc xuồng máy tốc độ cao có hoa tiêu từ đảo Mykonos. Icaria – sau khi Tom đã thoáng có chút lạc quan về nó – gây thất vọng nặng nề cho anh. Thị trấn Armemisti (hoặc một cái tên tương tự) trông thật buồn ngủ, và Tom không nhìn thấy một người phương Tây nào hết, chỉ có các thủy thủ đang vá lưới và dân địa phương ngồi trong những quán cà phê bé tí xíu. Từ đây, sau khi hỏi thăm xem từng có một người Anh nào tên là Bernard Tufts, tóc đen, mảnh khảnh, vân vân tới sống, Tom gọi điện tới một thị trấn khác trên đảo tên là Agios Kirycos. Một người quản lý khách sạn ở đó kiểm tra hộ anh và nói rằng anh ta sẽ kiểm tra các nhà nghỉ khác rồi gọi lại. Anh ta không gọi lại. Tom bỏ cuộc. Như mò kim đáy bể, anh nghĩ thầm. Có khi Bernard đã chọn một hòn đảo khác rồi.
Vậy nhưng, hòn đảo này, vì nó từng là hiện trường tự sát của Derwatt, mang một bầu không khí bí ẩn phảng phất đối với Tom. Trên những bãi biển màu vàng trắng kia, ở đâu đó ngoài kia, Philip Derwatt đã đi bộ ra biển và không bao giờ trở lại nữa. Tom nghĩ là sẽ chẳng có cư dân nào của Icaria có phản ứng với cái tên Derwatt đâu, nhưng anh vẫn thử với chủ một quán cà phê, không thành công. Derwatt chỉ ở lại đây chưa đầy một tháng, Tom nghĩ, từ tận sáu năm trước. Anh thả lỏng một chút ở một nhà hàng nhỏ với đĩa cà chua hầm cùng cơm và đùi cừu, rồi gọi hoa tiêu về từ một nhà hàng kiêm quán bar khác nơi anh ta bảo là sẽ ở đến bốn giờ chiều, phòng trường hợp Tom muốn tìm anh ta.
Họ phóng về Mykonos, nơi hoa tiêu cư ngụ. Tom mang va-li theo. Tom cảm thấy bồn chồn, kiệt sức và bực bội. Anh quyết định quay lại Athens ngay tối nay. Anh ngồi trong một quán cà phê, chán chường uống một tách cà phê ngọt. Rồi anh quay lại bến cảng nơi đã gặp tay hoa tiêu người Hy Lạp và tìm thấy anh ta sau khi đi đến nhà người này, nơi anh ta đang ngồi ăn tối.
“Mất bao nhiêu tiền để đưa tôi tới Piraeus tối nay?” Tom hỏi. Anh vẫn còn một ít séc du lịch Mỹ.
Rất nhiều việc phải làm, kể lể cả một tràng khó khăn, nhưng tiền giải quyết được hết. Tom ngủ gục trên đường đi, bị cột vào một cái băng ghế gỗ trong khoang thuyền nhỏ. Họ đến Piraeus vào tầm năm giờ sáng. Hoa tiêu tên Antinou cười khúc khích vì sung sướng hoặc vì tiền hoặc vì mệt, hoặc cũng có thể vì rượu ouzo, Tom chịu. Antinou nói rằng anh ta có bạn bè ở Piraeus rất vui được gặp anh ta.
Bình minh lạnh cắt da cắt thịt. Tom thúc ép một người lái xe tắc-xi, bằng cách hứa trả anh ta một đống tiền, để đưa anh tới quảng trường Hiến Pháp ở Athens, tới tận cửa khách sạn Grande Bretagne.
Tom được đưa cho một phòng, không phải phòng cũ mà anh ở. Người xách hành lý ca đêm thành thực kể với anh là họ vẫn chưa dọn dẹp xong căn phòng đó. Tom viết số điện thoại studio của Jeff lên một mẩu giấy và nhờ người xách hành lý gọi điện tới Luân Đôn.
Sau đó anh lên gác, về phòng mình và tắm rửa, suốt lúc ấy chờ tiếng chuông điện thoại reo. Phải đến tám giờ kém mười lăm phút sáng điện thoại mới thông.
“Đây là Tom ở Athens,” Tom nói. Anh đã suýt ngủ gục trên giường.
“Athens à?”
“Có tin gì của Bernard không?”
“ Không, không có gì cả. Anh định…”
“Tôi chuẩn bị đến Luân Đôn đây. Ý tôi là tối nay. Chuẩn bị đồ nghề hóa trang đi. Có được không?”