B
uổi sáng, Tom mua vé máy bay và 2 giờ 20 phút chiều anh đến sân bay Orly. Nếu Bernard không ở Salzburg thì ở đâu? Rome? Tom hy vọng là không. Tìm người ở Rome rất khó. Anh cúi gằm đầu xuống và không nhìn ngang nhìn ngửa ở sân bay Orly vì có khả năng Webster đã sai người từ Luân Đôn đến tìm anh. Điều đó còn phụ thuộc vào việc mọi chuyện đang phỏng tay đến mức nào, và Tom thì không nắm rõ. Vì sao Webster lại đến gặp anh nữa nhỉ? Anh ta có hoài nghi anh đã giả mạo Derwatt không? Nếu vậy thì lần giả mạo thứ hai và dùng một hộ chiếu khác để ra vào Anh Quốc sẽ mang lại một chút lợi ích cho anh: ít nhất thì Tom Ripley không có mặt ở Luân Đôn vào lần giả mạo thứ hai.
Anh phải đợi một tiếng đồng hồ ở nhà ga sân bay Frankfurt rồi lên một máy bay bốn động cơ của hãng hàng không Áo mang cái tên quyến rũ Johann Strauss trên thân. Ở sân bay Salzburg, anh bắt đầu cảm thấy an toàn hơn. Tom lên xe buýt tới Mirabeleplatz, và vì anh muốn ở tại Goldener Hirsch, anh nghĩ tốt nhất nên gọi trước bởi đó là khách sạn xịn nhất và thường kín người. Họ có một phòng có bồn tắm. Tom báo tên là Thomas Ripley. Anh quyết định đi bộ tới khách sạn vì khoảng cách cũng gần. Anh đã từng đến Salzburg hai lần trước đây, một lần cùng Heloise. Trên vỉa hè, có vài người đàn ông mặc quần bó da lederhosen và đội mũ phớt Tyrolean, bộ trang phục hoàn thiện đến tận dao săn găm trong chiếc tất cao đến đầu gối. Những khách sạn khá lớn và cổ, theo Tom mơ hồ nhớ lại từ những chuyến du lịch trước, trưng bày thực đơn trên những tấm bảng lớn sặc sỡ đặt cạnh cửa trước của họ: trọn bữa ăn có cả món cốt-lết bê tẩm bột rán có giá 25 si-ling 30 xu.
Sau đó là đến sông Salzach và cầu chính – hình như nó tên là Staatsbrucke thì phải? – và vài cây cầu nhỏ hơn trong tầm mắt. Tom đi cầu chính. Anh đang quan sát khắp nơi tìm xem có bóng dáng gày gò và chắc cũng lòng khòng của Bernard không. Con sông xám xịt chảy xiết và có vài hòn đá khá lớn dọc hai bên bờ sông xanh ngắt sủi bọt nước. Giờ là hoàng hôn, sáu giờ hơn. Đèn bắt đầu được bật dần lên ở nửa thành phố cổ kính hơn mà anh đang tiến lại gần, những bóng đèn ngày một mọc cao hơn như những chòm sao trên ngọn đồi cao chót vót của của lâu đài Hohensalzburg rồi xoải xuống núi Monchsberg. Tom đi vào một con đường ngắn hẹp dẫn tới khu Getreidegasse.
Phòng của anh ở cuối khách sạn và có thể nhìn thấy kênh đào Sigmundsplatz: bên phải là đài phun nước “ngựa tắm” dựa vào một vách đá nhỏ cheo leo và trước mặt là một cái giường trang trí công phu. Hàng sáng ở đây bán hoa quả và rau dưa trên xe đẩy, theo Tom nhớ. Anh dành một chút thời gian để hít thở, mở va-li, và đi tất dạo trên sàn nhà bằng gỗ thông được mài bóng loáng không tì vết trong phòng mình. Các món đồ trang trí chủ yếu mang màu xanh lục đậm chất Áo, tường trắng tinh, các cửa sổ được lắp hai lớp kính với bệ cửa sâu. Ôi, nước Áo! Đến lúc đi xuống và uống một tách Doppelespresso ở quán cà phê Tomaselli chỉ cách đây vài bước chân rồi. Và đó có thể cũng không phải là một ý tồi vì nó là một quán cà phê lớn và biết đâu Bernard lại có mặt ở đó.
Nhưng thay vào đó Tom lại uống rượu slivowitz ở Tomaselli, vì giờ này không phải là giờ để uống cà phê. Bernard cũng không có ở đây. Báo chí với vài thứ tiếng khác nhau treo trên giá xoay, và Tom đọc lướt qua tờ Times của Luân Đôn và tờHerald-Tribune của Paris mà không tìm được bất kỳ tin gì về Bernard hết (anh cũng không nghĩ sẽ tìm được gì trên tờ Herald-Tribune đâu) hoặc về ông Thomas Murchison hay việc vợ ông ta tới Luân Đôn hay Pháp. Tốt.
Tom dạo bước ra ngoài, lại băng qua cầu Staatsbrucke và đi lên Linzergasse, con đường chính ở ngay gần đó. Giờ là chín giờ hơn. Bernard, nếu có mặt ở đây, sẽ ở tại một khách sạn tầm trung, Tom nghĩ, nhưng cũng chẳng rõ là ở khu vực nào của Salzach nữa. Và anh sẽ ở lại đây từ hai đến ba ngày. Ai mà biết được? Tom chăm chú nhìn vào các ô cửa sổ trưng bày dao săn, máy ép tỏi, cưa điện và các cửa sổ treo đầy quần áo Tyrolean truyền thống – áo trắng có tua rua, váy thắt eo. Tất cả các cửa hàng đều đã đóng cửa. Tom đi vào các con phố nhỏ. Thậm chí có chỗ còn không phải phố mà là những con hẻm hẹp không có đèn, hai bên đều là những cánh cửa đóng kín. Đến tầm mười giờ, Tom thấy đói bụng và đi vào một cửa hàng ở bên phải phố Linzergasse. Sau đó, anh quay về quán cà phê Tomaselli theo một tuyến đường khác, định dành khoảng một tiếng đồng hồ ở đó. Con phố có khách sạn của anh, phố Getreidegasse, còn có cả căn nhà nơi Mozart chào đời. Có thể Bernard, nếu vẫn còn nấn ná tại Salzburg, sẽ thường tới vùng này chơi. Cứ dành hẳn hai mươi tư tiếng tìm kiếm, Tom tự nhủ.
Không gặp may ở Tomaselli. Nhóm khách hàng ở đây giờ này có vẻ đều là khách quen, dân Salzburg, các gia đình thích thưởng thức những miếng bánh khổng lồ với espresso kem, hoặc những cốc nước mâm xôi Himbeersaft màu hồng. Tom nóng nảy, thấy báo chí thật nhàm chán, cáu kỉnh vì không gặp được Bernard, giận dữ – vì mệt mỏi. Anh quay về khách sạn.
Đến chín rưỡi sáng hôm sau, Tom lại ra đường, đi dọc bờ phải của Salzburg, phần đô thị mới, anh ngao du theo đường dích dắc, để ý xem có thấy Bernard không, thỉnh thoảng lại dừng lại để nhìn vào cửa sổ các cửa hàng. Tom bắt đầu đi về phía dòng sông, định sẽ tới thăm bảo tàng Mozart nằm cùng đường với khách sạn của anh. Tom đi qua Dreifaltigkeitsgasse vào Linzergasse, và khi anh tiến lại gần Staatsbrucke, Tom nhìn thấy Bernard rời khỏi một cây cầu ở bên kia đường.
Đầu Bernard cúi gằm xuống, suýt nữa anh ta bị một ô-tô đâm phải. Tom muốn đi theo anh ta nhưng bị một hàng dài đèn giao thông giữ chân lại, dù sao chuyện đó cũng không quan trọng vì Bernard vẫn ở trong tầm mắt anh. Áo mưa của Bernard bẩn hơn, dây đai lưng vắt vẻo qua một con đỉa gần như chạm đất. Trông anh ta cứ như một kẻ lang thang. Tom băng qua đường và giữ khoảng cách khoảng mười mét, luôn chuẩn bị tinh thần chạy về phía trước nếu Bernard rẽ vào góc vì anh không muốn anh ta biến mất trong một khách sạn nhỏ nào đó trong một con phố nhỏ nơi có khi phải có đến vài ba cái khách sạn.
“Sáng nay anh có bận không?” Một giọng nữ hỏi bằng tiếng Anh.
Giật mình, Tom liếc nhìn khuôn mặt của một ả gái điếm tóc vàng đang đứng trên một bục cửa. Tom vội vã rảo bước. Chúa tôi, trông anh có tuyệt vọng đến mức ấy không, hay với cái áo mưa xanh này trông anh gàn dở lắm? Lúc mười giờ sáng!
Bernard vẫn tiếp tục đi dọc phố Linzergasse. Rồi anh ta băng qua đường và sau khi đi hết nửa con phố, tiến đến một ô cửa có treo biển: NHÀ TRỌ. Một ô cửa xám xịt. Tom dừng lại trên vỉa hè đối diện. Der Blaue gì đó, tên của nhà trọ này. Tấm biển cũ mèm. Ít nhất thì Tom đã biết nơi ở của Bernard. Và anh đã đúng! Anh ta đang ở Salzburg! Tom tự chúc mừng trực giác của mình. Hay hiện giờ Bernard mới đến đây thuê phòng nhỉ?
Không, rõ ràng là anh ta đang trọ tại Blaue gì đó này, vì vài phút sau anh ta vẫn không xuất hiện lại và cũng không mang theo túi đồ của mình. Tom chờ đợi, một sự chờ đợi thật chán chường, vì gần đó không có quán cà phê nào để anh trông chừng được cửa nhà trọ cả. Cùng lúc ấy, Tom phải trốn kỹ phòng trường hợp Bernard nhìn ra cửa sổ và thấy anh. Nhưng không hiểu sao những người trông như Bernard sẽ không bao giờ nhận được một căn phòng có tầm nhìn hết. Tuy vậy, Tom vẫn núp kỹ và anh phải đợi tới tận gần mười một giờ.
Đến lúc ấy Bernard mới ra ngoài, đã cạo râu, và rẽ phải như thể đã xác định điểm đến.
Tom kín đáo đi theo và châm một điếu thuốc Gauloise. Lại đi qua cầu chính. Qua con phố mà tối qua Tom đã đi và rồi Bernard rẽ phải ở Getreidegasse. Tom thoáng nhìn khuôn mặt quay nghiêng góc cạnh, khá đẹp trai của anh ta, khuôn miệng nghiêm nghị và cái hõm tạo thành bóng tối trên bờ má màu nâu. Đôi bốt cổ thấp của anh ta đã xẹp hẳn xuống. Bernard định tới bảo tàng Mozart. Vé vào cửa là mười hai si-ling. Tom dựng cổ áo mưa lên và theo vào.
Người ta trả vé vào cửa trong một căn phòng ở cuối cầu thang đầu tiên. Ở đây có các cái hộp bằng kính chứa đầy bản thảo và các chương trình opera. Tom nhìn vào cửa phòng chính tìm Bernard và không thấy anh ta đâu, anh cho rằng anh ta đã lên tầng trên, theo Tom nhớ thì nó là phòng khách của gia đình Mozart. Anh trèo lên tầng hai.
Bernard đang nhìn xuống bàn phím của chiếc đàn clavichord của Mozart, nó được bảo vệ bởi một tấm kính, ngăn bất kỳ ai muốn bấm phím đàn. Tom tự hỏi Bernard đã ngắm nhìn nó bao nhiêu lần rồi?
Chỉ có khoảng năm, sáu người lượn lờ trong bảo tàng này, hay ít nhất là trên tầng này, nên Tom phải thật cẩn thận. Trên thực tế, có lúc anh còn phải tránh ra sau một khung cửa để Bernard không nhìn thấy nếu ngó ra hướng này. Tom nhận thấy thật ra anh muốn quan sát Bernard để cố gắng đoán định xem trạng thái tinh thần hiện giờ của anh ta là thế nào. Hoặc – Tom cố gắng thành thực với bản thân – chỉ là anh đang thấy tò mò và hào hứng vì có thể quan sát một người mà anh chỉ quen sơ, một người đang khủng hoảng, một người không ý thức về anh trong một thời gian ngắn? Bernard đi vào một căn phòng khách khác cùng tầng.
Cuối cùng, Tom theo chân anh ta lên tầng tiếp theo và cũng là tầng cuối cùng. Lại có nhiều hộp thủy tinh hơn (trong phòng chứa đàn clavichord có một ví trí được dán nhãn là nơi đặt nôi của Mozart, nhưng thực tế chẳng có cái nôi nào cả. Đáng tiếc là họ còn chẳng đặt đồ thay thế vào đó.) Cầu thang có tay vịn bằng sắt mảnh. Trong vài góc nhà, cửa sổ nằm nghiêng và Tom, như vẫn luôn tôn sùng Mozart, tự hỏi gia đình Mozart đã nhìn ra những quang cảnh như thế nào. Chắc chắn không phải là trần nhà của một tòa nhà khác chỉ cách đó một mét rồi. Các mô hình sân khấu thu nhỏ – Idomeneo vô tận, Cosi fan tutte – trông thô ráp và khá vụng về, nhưng Bernard vẫn tiến về chỗ chúng, nhìn đăm đăm.
Anh ta đột ngột quay đầu về phía Tom – và Tom đứng chết sững ở cửa. Họ nhìn nhau chăm chú. Sau đó Tom lùi lại một bước và đi sang phải, ra sau một ngưỡng cửa và vào một căn phòng khác, phòng khách. Anh bắt đầu hít thở trở lại. Khoảnh khắc ấy thật thú vị vì khuôn mặt của Bernard…
Tom không dám dừng lại nghĩ ngợi thêm và ngay lập tức đi ra cầu thang xuống tầng. Anh không thoải mái, nhưng lúc ấy cũng chưa cảm thấy gì nhiều cho tới khi đã ra tới con phố Getreidegasse tấp nập, hít thở không khí ngoài trời. Tom đi theo con đường ngắn dẫn ra sông. Bernard có định đi theo anh không? Tom cúi đầu và sải bước nhanh hơn.
Vẻ mặt của Bernard là vẻ khó tin, và giây tiếp theo là hoảng sợ, như thể anh ta mới nhìn thấy ma.
Tom nhận ra đó chính xác là điều mà Bernard nghĩ anh ta đã nhìn thấy: một hồn ma. Hồn ma của Tom Ripley, kẻ mà anh ta đã giết.
Tom đột ngột quay lại và sải bước về phía Mozarthaus, vì anh chợt nhận ra có khả năng Bernard muốn rời khỏi thị trấn, và anh không muốn chuyện này xảy ra mà không biết anh ta định đi đâu. Nếu bây giờ nhìn thấy anh ta trên vỉa hè, Tom có nên chặn anh ta lại không? Tom đợi vài phút ở bên kia đường đối diện bảo tàng Mozart, và khi Bernard không xuất hiện, anh bắt đầu đi về phía nhà trọ của anh ta. Tom không nhìn thấy Bernard dọc đường và khi đến gần nhà trọ hơn, anh thấy anh ta đang đi bộ khá nhanh ở bên kia đường, cùng phía với nhà trọ, trên đường Linzergasse. Bernard chui vào khách sạn-nhà trọ của mình. Suốt gần nửa tiếng, Tom chờ đợi, rồi quyết định rằng chắc phải một lúc nữa Bernard vẫn chưa ra. Hoặc có thể là anh mạo hiểm để kệ anh ta bỏ đi, anh cũng không rõ nữa. Anh chỉ cực kỳ muốn uống một tách cà phê. Anh vào một khách sạn có quầy cà phê. Anh cũng đã ra quyết định và sau khi rời khỏi quầy, anh đi thẳng về nhà trọ của Bernard với ý định nhờ lễ tân báo cho anh Tufts biết rằng Tom Ripley đang ở dưới sảnh và muốn nói chuyện với anh ta.
Nhưng Tom không thể đi qua lối vào khiêm tốn, xám xịt ấy. Anh đã đặt một chân lên bục cửa nhưng rồi lại quay ngược ra vỉa hè, trong khoảnh khắc cảm thấy choáng váng. Chỉ là do sự thiếu quyết đoán thôi, anh tự nhủ. Không gì khác cả. Nhưng Tom vẫn quay lại khách sạn của mình bên kia sông. Anh đi vào khu sảnh dễ chịu của Goldener Hirsch, ở đó người xách hành lý mặc đồng phục màu xám và xanh lục ngay lập tức đưa chìa khóa cho anh. Tom đi thang máy tự vận hành lên tầng ba và vào phòng mình. Anh cởi chiếc áo mưa xấu xí khủng khiếp và trút sạch đồ trong túi áo ra – thuốc lá, diêm, xu Áo trộn lẫn với xu Pháp. Anh chia hai loại ra và quẳng xu Pháp vào ngăn trên cùng của va-li. Sau đó anh cởi đồ và ngã xuống giường. Anh không hề nhận ra mình đã mệt mỏi đến thế nào.
Anh tỉnh giấc lúc hai giờ hơn và mặt trời đang chiếu sáng rực rỡ. Tom ra ngoài đi dạo. Anh không tìm Bernard mà dạo quanh thành phố như mọi du khách khác, thực ra cũng không giống một du khách cho lắm vì anh không hề có mục đích gì cả. Bernard đang làm gì ở đây? Anh ta định ở đây bao lâu?
Tom giờ đã cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo, nhưng anh không biết mình nên làm gì nữa. Tiếp cận Bernard và cố bảo với anh ta là Cynthia muốn gặp anh ta à? Anh có nên nói chuyện với Bernard và cố gắng thuyết phục anh ta không – mà thuyết phục chuyện gì?
Từ bốn đến năm giờ chiều, Tom rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Anh đã uống cà phê và một ly rượu Steinhager ở đâu đó. Anh đã đi rất xa lên phía trên (theo dòng chảy của sông, lên đầu sông) vượt quá cả Hohensalzburg nhưng vẫn thuộc khu vực bến cảng ở bên thị trấn cổ. Anh mải miết nghĩ về những thay đổi ở Jeff, Ed, và giờ là Bernard sau phi vụ làm giả tranh Derwatt. Và Cynthia bị khiến cho trở nên bất hạnh, dòng đời của cô đã thay đổi vì công ty Derwatt – và điều này đối với Tom dường như còn quan trọng hơn cả cuộc đời của ba người đàn ông liên đới. Đến giờ Cynthia đáng nhẽ đã kết hôn với Bernard và có thể đã có hai đứa con, dù như vậy thì cuộc đời của Bernard cũng bị ảnh hưởng tương đương nhưng Tom vẫn không thể nói được vì sao anh lại nghĩ biến động trong cuộc sống của Cynthia quan trọng hơn của Bernard. Chỉ có Jeff và Ed là thấy tươi vui và giàu có, hiển nhiên là cuộc đời họ đã khá khẩm hơn nhiều. Bernard trông có vẻ kiệt sức. Ở tuổi ba mươi ba hoặc ba mươi tư.
Tom đã định ăn tối tại nhà hàng trong khách sạn của mình, nó cũng được đánh giá là nhà hàng tốt nhất ở Salzburg, nhưng anh cảm thấy mình không có tâm trạng ngồi ăn thức ăn hảo hạng trong khung cảnh xa hoa ấy, nên anh đi dạo tới Getreidegasse, qua Burgerspitalplatz (Tom thấy tên đường) và qua Gstattentor, cánh cổng cũ hẹp chỉ đủ rộng cho một làn xe, một trong những chiếc cổng cổ xưa ban đầu của thị trấn dưới chân núi Monchsberg tối tăm sừng sững bên cạnh. Con đường sau cổng cũng hẹp và khá tối. Hẳn sẽ có một nhà hàng nhỏ ở đâu đó, Tom nghĩ thầm. Anh nhìn thấy hai chỗ với thực đơn gần như tương tự bên ngoài: hai mươi sáu si-ling cho món súp trong ngày, cốt-lết bê tẩm bột rán với khoai tây, xa-lát, tráng miệng. Tom vào nhà hàng thứ hai với một tấm bảng hiệu nhỏ hình đèn lồng bên ngoài, tên là Café Eigler hay đại loại thế.
Hai nữ bồi bàn người da đen mặc đồng phục đỏ đang ngồi cùng các khách hàng nam ở một bàn. Hộp nhạc đang bật, đèn lờ mờ. Đây có phải là nhà thổ, chỗ hẹn gái, hay chỉ là một nhà hàng rẻ tiền mà thôi? Tom chỉ mới đặt một chân vào chỗ đó thì thấy Bernard đang ngồi một mình một bàn, cúi xuống ăn bát súp. Tom ngập ngừng.
Bernard đưa mắt lên nhìn anh.
Giờ Tom là chính mình, mặc áo khoác vải tweed, đeo khăn quàng cổ để chống chọi với lạnh giá – chiếc khăn mà Heloise đã giặt sạch máu trong khách sạn ở Paris. Tom đang dợm tiến lại gần hơn, chìa tay ra, mỉm cười thì Bernard khom người đứng lên với vẻ hãi hùng trên mặt.
Hai nữ bồi bàn da màu đầy đặn nhìn từ Bernard sang Tom. Anh nhìn thấy một nữ bồi bàn đứng dậy với phong cách chậm chạp có vẻ đặc trưng của người châu Phi, rõ ràng là có ý định tới chỗ Bernard hỏi thăm xem có vấn đề gì không, vì anh ta trông như thể vừa nuốt phải thứ gì có thể giết chết người vậy.
Bernard phẩy tay hoảng loạn, vội vã – dành cho nữ bồi bàn hay cho anh không biết, Tom tự hỏi?
Tom quay người và đi qua cửa trong (nơi này có thêm một cửa bão35) rồi ra vỉa hè. Anh đút tay vào túi và cúi đầu xuống, giống như Bernard, khi anh đi bộ qua Gstattentor, về khu vực thị trấn sáng đèn hơn. Anh đã phạm sai lầm sao, Tom tự hỏi mình. Phải chăng anh chỉ cần… tiến tới? Nhưng Tom có cảm giác là Bernard sẽ hét ầm lên.
35 Cửa bão là một loại cửa được lắp đặt trước cửa ra vào bên ngoài để bảo vệ nó khỏi thời tiết xấu và cho phép thông gió.
Anh đi qua khách sạn của mình và đi tới góc phố tiếp theo, ở đó anh rẽ phải. Quán Tomaselli chỉ còn cách vài mét. Nếu Bernard đang đi theo anh – Tom chắc chắn là anh ta sẽ rời khỏi nhà hàng – nếu Bernard muốn đến ngồi cùng anh ở đây thì cũng được thôi. Nhưng Tom biết thực tế không như vậy. Bernard thật ra lại nghĩ anh ta đang nhìn thấy ảo ảnh. Vậy nên Tom ngồi xuống một chiếc bàn chính giữa dễ thấy, gọi sandwich và một bình rượu vang trắng, đọc vài tờ báo.
Bernard không theo vào.
Cánh cửa khung gỗ rộng rãi có một thanh ngang bằng đồng uốn cong để treo chiếc rèm màu xanh lục, và mỗi lần rèm chuyển động là Tom lại nhìn lên, nhưng người bước vào chẳng bao giờ là Bernard.
Nếu Bernard thật sự bước vào và tiến về phía anh thì đó là vì anh ta muốn bảo đảm anh là người thật. Chuyện đó hợp logic. (Rắc rối là Bernard sẽ không có một hành động logic nào cả, hẳn là vậy.) Tom sẽ nói, “Ngồi xuống đi và cùng uống rượu vang với tôi. Anh thấy đấy, tôi không phải là một bóng ma đâu. Tôi đã nói chuyện với Cynthia. Cô ấy muốn gặp lại anh đấy”. Kéo Bernard ra khỏi chuyện này.
Nhưng Tom không nghĩ là anh có thể.