E
. bày tỏ quan điểm một cách thoải mái, và với mỗi ý kiến của mình, anh muốn có một câu trả lời rõ ràng. Anh là người bị trói buộc vào những niềm tin chính trị và tôn giáo nhất định. Anh chỉ di chuyển trong phạm vi mà sợi dây trói buộc đó cho phép mà sợi dây này lại không dài lắm. Anh đi đi lại lại giữa những niềm tin này, tạo nên các khuôn mẫu có vẻ làm anh thỏa mãn. Anh bị đóng khung trong những khuôn mẫu này, rõ ràng và sáng sủa trong chúng. Các bức tường khép kín của anh không có kẽ hở, không có lỗ hổng. Anh đặt ra những câu hỏi, nhưng không thật sự lắng nghe các câu trả lời, bởi vì những đáp án của riêng anh đã làm anh hài lòng.
E. giải thích rằng anh đang ở giữa dòng đời và không hiểu những ai không ở giữa bi kịch thay đổi, sáng tạo này. Tại sao họ lại tự tách biệt khỏi dòng chảy của cuộc sống trọn vẹn này chứ?
Những ai không dự phần vào sự trọn vẹn này, có khả năng là họ cho rằng sự thể hiện này của cuộc sống là hoàn toàn thiếu hiểu biết và man rợ, chẳng phải thế sao? Con người thì được xem là biết suy nghĩ và thông minh hơn những con thú ngoài đồng và trong rừng rậm. Và nếu họ sử dụng trí tuệ của mình, thì tiến trình văn minh – thứ dẫn tới cuộc thảm sát hàng loạt này – có thể đã thay đổi.
Anh hỏi: “Nhưng chẳng phải kẻ mạnh gạt kẻ yếu qua một bên là tự nhiên sao, và chẳng phải chiến tranh là sự thể hiện đầy tàn bạo của sự thật này ư?”.
Các phương pháp bạo lực không bao giờ mang lại hòa bình cho thế giới. Chỉ những biện pháp ôn hòa mới có thể tạo ra kết quả ôn hòa. Không thể tạo ra thiện chí bằng cách đâm lưỡi lê vào đồng loại của mình, cho dù họ có làm hại bạn đi nữa.
“Chúng ta chỉ có thể có được hòa bình trên thế giới này khi một hoặc hai quốc gia được vũ trang tận răng với tất cả phương tiện hủy diệt tối tân. Lúc đó, các quốc gia khác sẽ không dám tấn công. Và hòa bình có được bằng cách ép buộc là phương cách thực tế duy nhất cho thế giới tàn bạo này.”
Đây là quy luật của chủ nghĩa băng đảng vốn đã được thử nghiệm trong những thế kỷ qua, và hậu quả là chiến tranh cứ nối tiếp chiến tranh. Có lẽ có một cách khác, phương cách của tình thương và trí tuệ, nhưng điều đó đòi hỏi sự tỉnh thức của cá nhân. Và khi mỗi người muốn có được thành tựu và bị mê hoặc bởi kết quả ngay trước mắt, họ trở thành nô lệ cho những khẩu hiệu và sự tuyên truyền.
“Ông sẽ để kẻ thù giết mình mà không chống cự sao?”
Vâng, có lẽ vậy. Điều đó phụ thuộc vào việc người ta đã đi xa bao nhiêu trên con đường của từ bi và không gắn bó. Sự gắn bó với những phản ứng cảm xúc trực tiếp phải bị gạt qua một bên, điều đó đòi hỏi nhận thức không ngừng và tính linh hoạt của sự hiểu biết. Bạn đã được dạy cách giết, nhưng không được dạy cách sống. Tôn giáo của bạn – không phải giáo hội có tổ chức – khuyên đừng giết người, còn Nhà nước của bạn huấn luyện bạn giết chóc, và không chút suy nghĩ, bạn theo con đường dễ dàng nhất, mà bạn gọi là cuộc sống trọn vẹn.
“Nếu chúng ta không tự bảo vệ mình, thì kẻ thù sẽ giết chúng ta và tự do của chúng ta cũng sẽ biến mất.”
Bạn đã tạo ra kẻ thù bằng những suy nghĩ và hoạt động hằng ngày, bằng những cách mưu sinh và tính tham lam của mình. Không có kẻ thù nào cả, ngoại trừ lòng tham và những lối suy nghĩ sai lầm của bạn. Hãy thoát khỏi những điều này, rồi bạn sẽ không có kẻ thù. Hãy ngừng gắn bó, và bạn sẽ biết được từ bi, mà đây là yếu tố duy nhất mang lại cho bạn bình an. Bạn nói về tự do, nhưng bạn có đang tự do không? Tự do này có thể được một ai khác, một chính quyền nào đó trao cho hoặc tước đi không? Nếu có thể như vậy, thì đó không phải là tự do, và một chính phủ hứa hẹn điều này sẽ trở thành một trở ngại cho tự do. Khi suy nghĩ tự giải thoát nó khỏi lòng tham, ác tâm và vô minh, tự do sẽ xuất hiện. Và sự giải phóng này không phải là kết quả của môi trường, dù tốt hay xấu, mà là kết quả của việc tự nhận thức và tự biết mình.
“Nhưng chúng ta không có thời gian cho tất cả những điều này. Hiện đang có chiến sự và nó phải được kết liễu.”
Chiến tranh bên ngoài và bên trong là kết quả của tính tham lam, đối kháng và thiếu suy nghĩ, nên bạn sẽ có chiến tranh nếu không tự giải thoát mình khỏi những rào cản này. Phương tiện sai lầm thì không thể dẫn đến mục đích đúng. Dùng bạo lực, thì sẽ có nhiều bạo lực hơn, chứ không phải hòa bình.
“Trước hết, cứ loại bỏ những kẻ gây ra tình trạng xáo trộn, những kẻ hung hăng, rồi sau đó, chúng ta sẽ có hòa bình.”
Mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm cho chiến tranh, cho sự gây hấn, cho tình trạng nhiễu loạn, liệu bạn có thể loại bỏ từng người một được không? Bạn là ai mà đòi loại bỏ hết kẻ gây hấn đó, khi chính bạn lại hung hãn, khi bạn gây hấn bằng những suy nghĩ và hành động của mình? Sự tự phụ sẽ đặt dấu chấm hết cho hiểu biết. Nếu mỗi người trong chúng ta suy nghĩ về những vấn đề này, thì có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời, bởi vì sự không gắn bó tử tế mang lại sự hiểu biết và tình thương bao la. Không có từ bi thì không có cách nào thoát khỏi sự hỗn loạn và đau khổ này. Các dự định và kế hoạch của trí tuệ – vốn có tính cục bộ và bất toàn – không bao giờ có thể đúng, và do đó, chúng bao giờ cũng phi thực tế và trở thành những rào cản cho sự hợp nhất của con người. Các công cụ hời hợt để đoàn kết con người như ngôn ngữ, pháp chế về kinh tế và xã hội,… không thể trừ tận gốc những nguyên nhân nội tại gây ra tình trạng đối kháng và xung đột giữa con người với nhau. Khi tự biết mình, tư duy đúng sẽ xuất hiện, chỉ nó mới có thể chấm dứt xung đột và đau khổ.
“Nhưng tất cả những điều này sẽ làm ông bị cô lập, còn tôi muốn hiện hữu trong dòng chảy trọn vẹn của cuộc sống.”
Cái mà bạn gọi là dòng chảy trọn vẹn của cuộc sống thật thiếu khôn ngoan, nó chỉ dẫn tới hỗn loạn và giết chóc ngày càng tăng. Khi nhận ra sự vô minh, hiểu biết sẽ xuất hiện, và trong nó không có sự cô lập. Tình thương là không cô lập, mà sự gắn bó với tài sản, con người và những sự công thức hóa mới là cô lập. Dù bạn có thể muốn hiện hữu trong dòng chảy trọn vẹn nhưng trong thâm tâm bạn đã tự cô lập chính mình, bởi vì bạn bị ràng buộc, bị gắn chặt với những kế hoạch và công thức hóa trong tâm thức của mình. Dù bạn đang lao mình vào cái gọi là dòng đời, nhưng trái tim của bạn lại trống rỗng. Sự ồn ào trong tâm thức đang gây xao lãng, dòng đời huyên náo cũng vậy. Bạn chỉ đang đào thoát khỏi sự trống rỗng của riêng mình mà thôi. Nỗi sợ tình trạng trống rỗng gây ra sự cô lập. Sợ hãi nuôi dưỡng những xao lãng, nên việc làm cho xao lãng tăng lên gấp bội cũng không thể dẫn tới bình an và hạnh phúc.