F
. lo lắng về chiến cuộc này. Bà không muốn tha thứ hay ủng hộ nó bằng bất cứ cách nào khả dĩ, bà không trục lợi gì trong suốt thời gian chiến sự và cả khi chiến tranh kết thúc. (Con trai của bà đang tại ngũ). Và bà đi tới kết luận này sau khi đọc nội dung một số buổi thảo luận và tham dự các buổi nói chuyện gần nhất ở thành phố Ojai, California, Hoa Kỳ. Bà không muốn thỏa hiệp với chiến tranh và những nguyên nhân của nó.
“Vấn đề của tôi là các mâu thuẫn nho nhỏ hằng ngày. Với tư cách là giáo viên, tôi có nên khuyến khích sự cạnh tranh trong lớp học của mình không? Nếu tôi làm như vậy, nó sẽ dẫn tới đủ các loại xung đột tâm lý, tham vọng, thành công và tính tàn nhẫn. Tôi cố gắng tránh điều đó, nhưng trong một hệ thống mang tính cạnh tranh thì thật khó mà tránh được hoàn toàn. Tôi có thể khéo léo tránh điều đó trong lớp học của mình, song các giáo viên khác lại khuyến khích sự cạnh tranh nhằm tạo ra kết quả học tập cao. Phụ huynh thích kết quả tốt và học trò cũng vậy, còn nhà trường thì hãnh diện về chúng.”
Tư tưởng cạnh tranh dẫn tới sự đối kháng, và do toàn bộ cơ cấu xã hội được dựa trên điều này, được ủng hộ bởi tôn giáo mà trong đó cũng có tinh thần so sánh và thi đua, nên hoặc người ta phải từ bỏ những cách thức của xã hội hoặc phải đồng hành với nó, thỏa hiệp, cải cách, điều chỉnh nó. Chọn theo con đường nào là tùy thuộc vào bạn, sự hăng hái và hiểu biết sẽ mở ra phương hướng cho hành động của bạn. Hình thức tối cao của tư duy là không so sánh, không cạnh tranh, và khi trau dồi cho điều đó, bạn sẽ nhận thấy rằng nó sản sinh ra những hiệu ứng của riêng nó mà không cần tới sự bận tâm về kết quả của bạn. Tư duy đúng mang lại hành động của riêng nó, và quan tâm tới tư duy đúng chẳng quan trọng hơn quan tâm tới việc cải cách những hiệu ứng sao?
Khi một hệ thống giáo dục của xã hội được dựa trên việc nghĩ gì chứ không phải nghĩ như thế nào thì tư duy đúng không có chỗ đứng trong đó, và người quan tâm tới tư duy đúng sẽ tìm thấy sinh kế và sự thể hiện đúng. Chúng ta có thể không muốn ủng hộ chiến tranh, nhưng chúng ta lại gián tiếp ủng hộ nó bằng tính hám lợi, ác tâm và tính thiếu suy nghĩ. Còn hiện hữu là còn có liên quan, và do không thể tự cô lập bản thân, nên sự tồn tại trở thành đau khổ. Nếu chúng ta không tìm thấy thực tại thông qua sự tự biết mình và tư duy đúng, thì không có cách nào thoát khỏi nỗi đau khổ của sự hiện hữu. Lý tính đơn thuần và các kết luận logic trở thành những rào cản cho việc khám phá chân lý; lý tính phải được củng cố để vượt qua chính nó, bởi vì con đường của lý tính đơn thuần sẽ dẫn tới sự vỡ mộng.
“Còn có một khó khăn khác nữa. Người ta phải quan tâm tới những chi tiết của cuộc đời ở mức độ nào đây? Tôi thấy mình đang lo lắng về tính đúng đắn của chi tiết. Về bản chất, tôi là người tỉ mỉ, và điều đó dường như đã chiếm phần lớn tâm trí của tôi.”
Khi tâm thức bị nhiều chi tiết rối rắm, những thứ nhỏ nhặt chiếm hết, thì nó có xu hướng mất nhận thức đối với cái toàn thể. Chẳng phải một trong những đặc tính của tâm thức là bị thu hút vào những điều nhỏ nhặt, vào thứ tầm thường, là xem trọng cái thứ yếu hay sao? Một tâm thức không ngừng tạo ra các giá trị sẽ không bao giờ tự do trải nghiệm thực tại. Chắc chắn thật khó để tìm ra trung đạo giữa tình trạng lộn xộn của những chi tiết và một tầm nhìn mờ mịt. Khi nhận ra chân lý, nó sẽ mang lại sự đơn giản. Trong sự đơn giản này có chủ nghĩa hiện thực. Khi không nhận ra chân lý, việc tâm thức chứa đầy những chi tiết là một dấu chỉ cho thấy sự tầm thường của tâm thức. Thật khó cho một tâm thức đang nhỏ nhen nhận ra được tính vụn vặt của nó. Tâm thức bao giờ cũng tìm được lý do bao biện cho tình trạng đầy ứ những điều tầm thường của nó. Khi tâm thức ngừng hợp lý hóa, và nhờ vậy có thể nhận thức một cách thuần khiết, không so sánh, thì tính vụn vặt của nó sẽ rơi rụng như chiếc lá khô lìa bỏ cành cây đang sống.
“Còn một điểm khác nữa mà tôi muốn thảo luận: Liệu người ta có phải tránh hoàn toàn các hoạt động xã hội, ý của tôi là các đảng phái và những thứ đại loại như vậy?”
Sự xao lãng ở bất cứ dạng nào, hoạt động chính trị và các đảng phái, là sự hao phí trí tuệ. Bàn tán về xã hội và chính trị, mặc dù giúp người ta tập trung chú ý, đều là phí phạm tư duy; đó là sự tập trung sai hướng. Nếu một người xem trọng các đảng phái xã hội,… thì đó là dấu hiệu cho thấy khao khát trốn thoát khỏi chính mình, khỏi tình trạng nghèo nàn trong sự hiện hữu của mình, không phải vậy sao? Làm thế nào người ta có thể tỉnh táo và nhận thức một cách sâu sắc nếu họ cứ thức khuya? Những sự hao tán năng lượng như vậy gây ra tình trạng lờ đờ, mờ mịt của tâm thức và tình trạng dễ bị kích thích nóng nảy. Tập trung năng lượng là điều cần thiết để khám phá và trải nghiệm thực tại, không phải vậy sao? Và sự xao lãng ở bất cứ dạng nào cũng đều trở thành một rào cản.