“Đến một lúc nào đó bạn và tôi sẽ biết được rằng điều những cái cây muốn nói với chúng ta là sự tồn tại của một sự vật dù nhỏ bé thế nào cũng luôn mang ý nghĩa riêng của nó.”
- John Ashbery
Nhiều năm trước khi có dịp du lịch đến Hispaniola(*), tôi tình cờ xem bức ảnh một hòn đảo chụp từ trên cao, nó được đăng trên tờ tạp chí Địa lý Quốc gia. Trong bức ảnh, một nửa hòn đảo được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của cây cối còn nửa kia chỉ toàn những bãi đất trống, đồi trọc. Điểm giao nhau của hai nửa hòn đảo ấy tạo thành đường biên giới của nước Cộng hòa Dân chủ Dominica và nước Cộng hòa Haiti.
(*) Hispaniola: Hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo Antilles. Về mặt hành chính, Cộng hòa Haiti chiếm 1/3 phía tây đảo và Cộng hòa Dominica chiếm phần còn lại phía đông.
Phần lớn cư dân Haiti đều phải đi rất xa khu dân cư mới tìm được củi khô để đun nấu. Họ không đủ tiền mua loại chất đốt đang được xuất khẩu bởi nó mang về lợi nhuận rất cao và đảm bảo đời sống kinh tế của họ. Trong suốt thời gian lưu lại Haiti, tôi thường ngồi trên bờ biển nhìn từng đoàn tàu bạc phếch nặng nề đi qua. Những chuyến tàu này chở đầy những bao tải đựng than đốt. Theo lời dân địa phương, để có được một bao than, họ phải đốt khá nhiều cây gỗ độ vài năm tuổi. Và tôi đã nhìn thấy hàng trăm bao tải như vậy trên những chuyến tàu chở hàng chạy qua khu nhà nghỉ bên bờ biển để tiến sang bờ bên kia.
Trong suốt hai năm qua, bệnh viện nơi tôi đang sống và làm việc ở Haiti thực hiện kế hoạch trồng rừng với mục đích góp phần cải thiện tình hình đất đai đang bị hoang hóa nơi đây. Chúng tôi chọn những cây thuộc họ keo, xoài và hạt dẻ để ươm mầm .
Vào một buổi chiều, tôi cùng một nhóm sinh viên của trường đại học địa phương đi lên những ngọn đồi trong vùng trồng cây. Chúng tôi vừa đi chân trần vừa hát vang những khúc hát vui nhộn bằng ngôn ngữ địa phương pha lẫn đôi câu tiếng Anh trên con đường đầy sỏi. Đất ở đây khô cằn khiến chúng tôi hết sức vất vả để đào hố. Tuy vậy, trước khi mặt trời xuống núi, chúng tôi đã kịp trồng tất cả số cây con mang theo.
Một năm sau, tôi có dịp lên những ngọn đồi mình đã trồng cây cùng với một nữ kỹ sư nông nghiệp trẻ đang chịu trách nhiệm giám sát việc tái sinh rừng ở đây. Lúc đó, tôi phát hiện chỉ có 10 cây trong số 200 cây con chúng tôi đã trồng năm ngoái sống sót. Rất nhiều cây đã chết dưới ánh nắng mặt trời chói chang và những cây còn sống chẳng lớn hơn lúc chúng được trồng bao nhiêu. Bên cạnh đó, nhiều cây con khác đã trở thành nguồn thức ăn cho gia súc, đặc biệt là những chú dê mà dân trong vùng thả rong. Tôi thật sự đau lòng trước thực trạng đáng buồn đó và tự hỏi làm thế nào để duy trì sự sống của các cây con này.
Mỗi khi có dịp leo lên ngọn núi cao nhất ở Haiti, tôi thường nói với các bạn đồng nghiệp của mình là tôi đang đi đến “lãnh địa của hai cái cây” và mọi người đều hiểu tôi sẽ đi đến nơi nào . Trong số tất cả các ngọn núi bao quanh làng, chỉ có duy nhất một nơi có hai cái cây mọc cạnh và cao lớn như nhau. Ngày trước, hai cây này thường cung cấp chất đốt cho dân làng và là nơi để mọi người dừng chân nghỉ mát trong những buổi trưa nắng nóng. Và dù bây giờ một trong hai cây đã chết nhưng mọi người trong làng vẫn gọi nơi đó là “lãnh địa của hai cái cây”.
Một ngày nọ, tôi cùng một người bạn đang lê bước trên con đường đầy bụi. Chúng tôi đã đi như vậy nhiều giờ liền dưới cái nắng gay gắt của mùa hè. Và khi đi qua “lãnh địa của hai cái cây”, chúng tôi nhìn thấy hai người phụ nữ trong những chiếc váy đã bạc màu đang đi phía trước. Họ gánh trên vai những vò nước nặng mà theo tôi biết, nơi lấy nước gần nhất cũng cách đây vài kilômét. Họ bước từng bước chậm chạp nhưng dường như đã quá quen với công việc vất vả này nên họ vẫn thản nhiên dưới cái nóng cháy người. Tôi nhìn thấy đôi chân trần của họ có nhiều vết nứt nẻ rất sâu.
Khi đi vòng qua một khúc cua gần đỉnh núi thì chúng tôi nhìn thấy nhiều hang đất bên trên. Phía trước mỗi cái hang có năm hòn đá tròn màu trắng được sắp đặt theo trật tự rất kỳ lạ. Trí tò mò trỗi dậy, chúng tôi tiếp tục đi theo hai người phụ nữ kia và tự hỏi những viên đá này có tác dụng như thế nào. Những chiếc hang ấy thoáng ẩn thoáng hiện, lúc thì mất hút, lúc lại xuất hiện ngay trong tầm mắt mỗi khi chúng tôi leo lên đỉnh dốc hoặc đi vòng qua những khúc cua. Càng đến gần, chúng tôi càng cảm thấy tò mò và hồi hộp.
Những chiếc hang này rộng hơn chúng tôi nghĩ. Thoạt nhìn, chúng tôi cho rằng chúng được sử dụng để cất trữ hạt giống hoặc có thể đây là hệ thống hứng nước mưa của dân địa phương. Như một đứa trẻ, tôi háo hức đến mức quên cả cơn khát cháy cổ, lao thẳng đến miệng hang gần nhất. Tôi nhìn qua thành của chiếc hang đầu tiên đã bạc phếch vì ánh nắng mặt trời và tròn mắt ngạc nhiên trước những gì mình chứng kiến. Tôi vội vàng nhìn sang bốn chiếc hang nhỏ quanh đó và nhận ra cả năm chiếc hang này được làm vì cùng một mục đích.
Trong mỗi chiếc hang là một cây non đang lớn, khỏe mạnh và căng tràn sức sống. Tôi mỉm cười. Cuối cùng thì tôi cũng đã nhìn thấy màu xanh trên đỉnh núi khô cằn này. Chúng là minh chứng thuyết phục cho sự cần cù lao động và niềm hy vọng của con người trong mọi hoàn cảnh. Vậy là tôi đã biết cách làm thế nào để trồng được một cái cây trên đỉnh núi.
- Karen Lynn Williams