“Tôi nguyện cầu sao cho sự tươi trẻ, lòng hiếu khách, thân thiện của con người Alaska sẽ còn mãi với thời gian và nét hoang sơ, hào phóng tựdo của xứ sở đặc biệt này sẽ không bao giờ bị mai một.”
- Margaret Murie
Vào mỗi mùa hè, Greg - chồng tôi - đều đến vịnh Bristol để đánh bắt cá hồi. Lần nào cũng vậy, Greg thường rủ tôi và bọn trẻ đến đó với anh nhưng mãi đến khi đứa nhỏ nhất lên ba tôi mới nhận lời.
Tôi luôn mường tượng về khoảng thời gian 6 tuần sống trong một căn nhà nhỏ ấm cúng, ngoài cửa sổ là khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp . Đó quả là nơi lý tưởng có thể giúp con người thoát khỏi những ràng buộc trong cuộc sống thường nhật như áp lực trong công việc, bổn phận với gia đình... Trước đó, mấy mẹ con tôi đã cùng xem bộ phim The Wilderness Family - kể về một gia đình nhỏ sinh sống bằng nghề đốn gỗ và quá trình họ cứu sống một chú sư tử biển con - và rất ấn tượng với cuộc phiêu lưu hấp dẫn của họ. Chính tác động mạnh mẽ của bộ phim đã khiến chúng tôi bay tới Alaska - vương quốc của cá hồi.
Chồng tôi đến đón mấy mẹ con tại sân bay bằng chiếc xe tải cũ kỹ, ì ạch. Cả nhà chen chúc nhau trong khoang dành cho tài xế. Vì đường xóc, nhiều ổ gà lồi lõm nên chúng tôi bị bật lên khỏi ghế ngồi liên tục. Ngồi trên xe, tôi nhìn thấy cả một vùng băng tuyết trắng xóa trải dài tít tắp trước mặt. Mọi thứ ở đây đều thật khác biệt so với miền đông chan hòa ánh nắng nơi chúng tôi đang sống. Nó không có những đỉnh đồi nhấp nhô giúp con người xác định hướng đi. Khi nhìn vào đường chân trời trải dài vô tận phía trước, bất giác tôi thở dài và quay sang hướng khác .
Xe chúng tôi đi vào một con đường vẫn còn in nguyên vết bánh xe. Nó liên tục lắc lư chao đảo rồi mới dừng hẳn trước một thùng xe tải chở hàng.
– Nhà của chúng ta đấy. – Chồng tôi giới thiệu. – Anh phải quay lại thuyền đây. Hẹn gặp lại mấy mẹ con vào sáng mai nhé.
Anh động viên mấy mẹ con tôi bằng một cái ôm thật chặt rồi để chúng tôi ở lại bên đống hành lý. Ba mẹ con tôi đứng nhìn theo bóng xe anh khuất dần trên con đường mòn.
Một thùng xe chở hàng trở thành nơi trú ngụ của gia đình chúng tôi. Ai đó đã làm một cánh cửa chính ở bên hông và biến nó từ một thùng xe thành “ngôi nhà”. Mẹ con tôi thận trọng bước lên chiếc thùng nhựa đựng cá được dùng làm bậc cửa.
– Con không thích chỗ này. – Đứa con gái chín tuổi của tôi kêu lên. – Con không muốn ở trong ngôi nhà này đâu mẹ ơi.
Vào bên trong, một mùi hăng hăng như mùi của những vùng đầm lầy xông thẳng vào mũi tôi. Những chiếc khăn còn dính dầu mỡ được treo trên mắc. Một chiếc tràng kỷ cũ nát đã bị mất một chân. Nước từ vòi chảy ra có màu vàng đục như màu nước trà loãng, và kinh khủng nhất là chúng tôi phát hiện ra có cả một cây địa y có hình loa kèn rất lạ mọc lên từ tấm thảm trong buồng ngủ. Ngôi nhà mới của chúng tôi chẳng thú vị chút nào!
Tôi xắn tay áo lên, bắt đầu dọn dẹp trong khi hai đứa con tôi đã ra khỏi nhà và chơi trò đào sông, đắp đập trên khoảng đất phía trước.
Ở vùng băng tuyết này hầu như không có ban đêm và ngày thì như kéo dài vô tận. Đặc trưng thời tiết ở đây làm biến đổi giờ giấc sinh hoạt và thói quen ăn ngủ của mẹ con tôi. Các con tôi mắt vẫn ráo hoảnh vào giờ đi ngủ và chúng thường ra ngoài sân chơi khi đồng hồ chỉ lúc nửa đêm. Bọn trẻ tỏ ra hết sức hân hoan khi những cơn gió mạnh giật lên từng hồi khiến nước tràn vào những con sông trong thế giới trò chơi của chúng. Muỗi bay khắp nơi và tràn vào đến tận trong nhà. Vào những buổi chiều, những con gấu quanh quẩn khu vực chúng tôi ở để đánh hơi tìm thức ăn. Ánh nắng mặt trời chiếu sáng suốt hai mươi tiếng đồng hồ giúp tôi quan sát được mọi chuyện xảy đến với gia đình mình.
Một đêm – gọi là đêm nhưng thực ra mặt đất vẫn còn ngập tràn ánh sáng mặt trời – tôi phơi quần áo trên một dây phơi được nối từ những cây bulô xanh mướt. Xong việc, tôi ngồi quan sát lũ nhóc nhà mình chơi bóng chày cùng các bạn hàng xóm. Chúng chạy quanh khoảng sân đất và đến vị trí ghi điểm vào bất cứ lúc nào chúng thích. Đứa con mới lên ba tuổi của tôi được giao 10 cú phát bóng. Một cô bé tuyên bố là những cậu bé trai phải đánh bóng chạm tới đường biên cuối sân hoặc là họ sẽ thua. Cô bé nhìn về phía tôi và cất tiếng hỏi:
– Cô có muốn chơi với bọn cháu không ạ?
Tôi nhún vai vì chưa biết nên trả lời thế nào, trong đầu nghĩ mình còn nhiều việc khác phải làm.
– Bạn ấy chơi rất hay mẹ ạ. – Con gái lớn của tôi giới thiệu .
Tôi mỉm cười gật đầu . Từ lúc học phổ thông đến giờ tôi chưa cầm lại chiếc gậy bóng chày lần nào nhưng tôi cũng muốn thử xem sao.
– Đập bóng đi nào. – Các thành viên của đội nữ hét lớn.
Tôi bắt lấy chiếc gậy... Ném bóng... Nghiêng người chuẩn bị tư thế đánh bóng. Hình ảnh ngôi nhà và những nỗi lo toan cho cuộc sống thường nhật không còn ám ảnh tâm trí tôi nữa.
Tôi tham gia vào đội của những cậu bé. Chúng tôi cùng chơi đùa dưới ánh mặt trời buổi đêm và cùng reo hò thích chí. Bỗng nhiên tôi thấy mình như trẻ lại, như được trở về thời thiếu nữmà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì.
Sáng hôm sau, tôi quyết định phá bỏ mọi quy tắc chuẩn mực trong cuộc sống của mình. Từ giờ, chúng tôi sẽ chỉ hành động theo lệnh truyền xuất phát từ những mong muốn của bản thân chứ không tuân theo sự chỉ đạo của đồng hồ vật lý nữa. Chúng tôi thức dậy khi đã ngủ no mắt, đói thì ăn, mệt thì ngủ, thậm chí là ăn tối lúc 10 giờ sáng và đi ngủ lúc 2 giờ chiều. Cách sống này giúp chúng tôi giải tỏa được tâm trạng bức xúc, mệt mỏi trong những ngày mới đến đây. Chúng tôi như sống một cuộc sống khác, không phải bận lòng vì bất cứ nghĩa vụ hay trách nhiệm nào. Chúng tôi gọi đó là sống kiểu Alaska.
Với thời gian biểu sống và làm việc tùy hứng như vậy, tôi đã biết dung hòa giữa ước mơ và thực tại. Thay vì uể oải đổ thạch cao vào những vết chân gấu để lại trên nền đất, tôi đã biết thong thả ném bóng chày. Giờ đây, tôi đã nhìn cuộc sống bằng một cách nhìn khác. Tôi hiểu rằng đất bùn vàán h mặt trời hầu như không bao giờ tắt ở nơi này chính là kho báu dành cho những trò chơi của bọn trẻ. Nửa đêm là thời gian để quan sát những chú tuần lộc gặm cỏ, những chú đại bàng đang sải cánh lượn quanh trên bầu trời cao.
Sống kiểu Alaska nghĩa là bạn có thể ngắm nhìn hoàng hôn lộng lẫy và gọi tên những vì sao rực rỡ trên dải ngân hà ngay tại nhà mình. Sống kiểu Alaska nghĩa là mọi luật lệ, quy tắc đều có thể bị đảo lộn, những bữa cơm trễ và điện thoại reo không có người nhấc máy.
Sống kiểu Alaska được tóm gọn trong một câu: “Được! Tôi đồng ý tham gia”.
- Nancy Blakey