Đây chính là cách nói khác của Thiền Rải Tâm Bi, và tôi đưa thêm vào phần thực tập dành cho các thiền sinh. Trước là học cách tha thứ cho chính mình, sau mới có thể thứ tha cho người khác. Nguyên lý tuy rất dễ, nhưng khi thực hành lại không hề giản đơn chút nào. Bởi vì cảm xúc thường rất mù quáng, đôi khi còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ý thức nữa.
Nếu tôi nói: “Không gì là không thể thứ tha” sẽ có rất nhiều vị nghe xong lấy làm kinh ngạc, nhưng “không thể thứ tha” có nghĩa là “dù bất kể nguyên do gì đi nữa, ta cứ chấp chặt hận thù không buông”. Thật ra việc làm này rất ngu xuẩn, bởi vì nó hại mình hại người, hại cả hai. Tha thứ chính là hành động nhổ bỏ dằm trong tim. Nếu như bạn cảm thấy lý do này không đủ sức thuyết phục, vậy thì hãy tư duy sâu hơn về những điều khiếm khuyết của ai kia, như phiền não bám riết làm cho người đó đau khổ triền miên, nhưng người ta cũng có những mặt tốt cơ mà, vì vậy tâm bi cũng là một nhân tố rất quan trọng. Nếu như biết cách sinh khởi tâm bị ngay trong chính mình, ta sẽ không còn dằn vặt và trách móc bản thân, mà thay vào đó chính là loại bỏ tâm kiêu căng ngạo mạn, nhờ đó tìm cách sửa chữa những lỗi lầm đã qua.
Hành giả có thể thử thực hành tìm về cội nguồn của chính mình bằng cách: Bắt đầu ngay từ bây giờ, hãy để tâm tĩnh lặng và hồi tưởng về những lỗi lầm quá khứ, khi suy niệm tới đây và nhận diện được sự thật, bình thản đón nhận, xem nó như là một khiếm khuyết của cuộc đời. Trong quá trình quán chiếu như vậy, nếu những cảm thọ bất giác nổi lên, thì ta nên nhìn trực diện vào nó để cho tâm mình được an yên trở lại: “Có thể tôi còn nhiều khiếm khuyết, nhưng nhờ Thiền Quán, thấy được lỗi lầm, dù rằng phải hạ mình hóa giải, tôi vẫn hoan hỷ bằng lòng và chấp nhận”.
Khi áp dụng nguyên lý này cho người khác, hành giả cần phải đặc biệt cẩn trọng, nhất là đối với những người theo chủ nghĩa hoàn mỹ. Bởi vì, mỗi người đều có giới hạn nhất định của bản thân và điều quan trọng là ta có chấp nhận được những khiếm khuyết ấy của họ hay không, nếu muốn cải thiện tình hình thì bắt buộc ta phải học hạnh lắng nghe để biết được đối phương thật sự muốn gì và cần gì.
Còn đối với bản thân hành giả thì nhớ là không được tự phê bình quá khắt khe hoặc săm soi quá nhiều tiểu tiết, bởi vì tâm tư của ta cũng rất nhạy cảm, nếu không khéo sẽ phản tác dụng. Mục đích chính vẫn là loại bỏ phiền não và ý xấu trong tâm. Khi đang tư duy, hành giả cũng có thể nhớ về những việc mà người đó đã bạc đãi ta, nhưng cần phải tha thứ cho họ. Vì vậy, tâm bi rất quan trọng. Còn làm sao để thiền tập định tâm, ở phần khác sẽ nói kỹ hơn. Nếu như tự bản thân ta quá dằn vặt, thì phải chuyển sang rải tâm từ cho mình. Luân phiên đổi cách thiền tập như vậy nhiều lần, bạn sẽ rất đỗi ngạc nhiên khi mình có được cảm giác khinh an, nhờ thế dễ nhập định và khởi tâm từ hơn.