Một khi ta rải tâm từ được cho người mình thương yêu nhất một cách thuần thục và uyển chuyển, từ đó đi vào định sâu hơn. Lúc này, hành giả có thể tiếp tục chuyển sang rải tâm từ cho các nhóm đối tượng cần được rải khác.
Dù là định sâu hay cạn thì tâm từ vẫn là vô hạn lượng. Vì vậy có thể nói, tâm từ cần phải đủ mạnh dù trong bất cứ môi trường nào mới có thể rải tâm từ đến mọi đối tượng với mức độ sâu cạn khác nhau theo thứ tự như sau:
1) Người dễ thương;
2) Người thân, bạn bè;
3) Người bình thường;
4) Người bài xích, chống đối ta;
5) Người thù hận ta.
Ở mỗi nhóm đối tượng đều có những ý nghĩa nhất định của nó, vì vậy tùy vào năng lực hiện tại của mỗi hành giả mà phát triển Thiền Rải Tâm Từ theo từng giai đoạn. Rất có thể chúng ta xem hết thảy mọi người đều là “người dễ thương”, như thế thì còn gì tuyệt vời hơn nữa đúng không?
1. Người dễ thương
Đối tượng người dễ thương đã từng được cuốn sách này đề cập đến ở phần trên, bởi vì nhóm đối tượng từ thứ hai đến thứ năm làm cho tâm ta khó thanh tịnh được, do đó sẽ để phía sau nhóm đối tượng dễ thương.
2. Người thân, bạn bè
Nhóm đối tượng này là những người mà bạn cảm thấy vô cùng gần gũi như: con cái, anh chị em, người bạn đời, bạn thân hay những người đã từng đồng cam cộng khổ với bạn, v.v. Thường thì nhóm đối tượng này rất dễ làm cho ta sinh tâm tham chấp, vì vậy một khi mối quan hệ ấy đổ vỡ hoặc rơi vào cảnh kẻ còn người mất, sẽ dễ dẫn đến đau khổ. Tốt hơn hết là ta nên học cách yêu thương một cách vô điều kiện và vô tư lự, từ đó giúp ta có đủ năng lực kiểm soát tâm mình, không để bị tổn thương trước những biến cố cuộc đời.
Nếu như ta quá tham chấp, trước tiên cần phải tư duy về những suy niệm như: Nghiệp (xả) suy niệm, Tử suy niệm và Vô thường suy niệm. Đồng thời cũng nên nghĩ về những tác hại của tham ái hay chấp trước.
Khi đã cảm thấy ổn rồi, thì tiếp tục rải tâm từ với một khoảng cách nhất định. Lúc này trạng thái hỷ lạc có thể sẽ rất mạnh, vì vậy ta nên giữ mức cân bằng với tâm khinh an và thuần khiết. Khi làm được như vậy, bạn sẽ ngạc nhiên hơn nữa vì định đến một cách nhanh chóng và dễ dàng. Thực tế đôi khi vì quá chấp vào cảm giác hỷ lạc mà làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của định.
Một khi sinh khởi tâm chấp trước, hành giả cần phải quay trở về với việc rải tâm từ cho chính mình, nhằm để chính niệm vững chãi hơn. Thường xuyên thiền tập như vậy, hành giả sẽ phân biệt được đâu là tâm từ, đâu là tâm tham một cách dễ dàng, thậm chí là có thể uyển chuyển tất cả các loại tâm từ một cách thích hợp nhất.
Một khi có thể phát khởi tâm từ rộng sâu đối với người thân và bạn bè, nghĩa là bạn có thể thay đổi mối quan hệ với họ theo chiều hướng tích cực, đồng thời sợi dây tình cảm giữa các bạn cũng trở nên gần gũi và khăng khít, khi ấy đôi bên sẽ không còn làm tổn thương lẫn nhau nữa.
3. Người bình thường
Nhóm đối tượng này thực tế rất nhiều, họ có thể là người bạn không quen biết, người mới quen, người đã quen được một thời gian nhưng ít qua lại. Ở xã hội thiên về vật chất hay nặng về chủ nghĩa cá nhân mà nói, thì họ xuất hiện nhan nhản ở khắp mọi nơi, thậm chí có thể đang hiện diện bên cạnh bạn khi bạn đang đọc quyển sách này.
Bạn có thể rải tâm từ cho bao nhiêu người như vậy thì còn tùy thuộc vào khả năng hiện tại của bạn.
Chắc chắn một trong những nhóm đối tượng vừa nêu sẽ có những đức tính tốt đẹp như: trách nhiệm, uy tín, hiền lành, cầu học, v.v. Hành giả chỉ cần chọn lựa một người trong nhóm ấy, tốt nhất là người mà ta thường gặp như đồng nghiệp hay hàng xóm, v.v. đều được cả!
Bước đầu tiên là nuôi dưỡng tình cảm ở những phương diện như: tình bạn, tình đồng bào, tình đồng chí, v.v. miễn có thể kích hoạt được tiềm năng của tâm từ là được. Khi có dịp tiếp xúc, bạn dành thời gian để tìm hiểu người đó, đồng thời dùng tâm từ của mình tỏa ra năng lượng lành như: dịu dàng, thân thiện, cởi mở, v.v.
Khi làm được điều này, bạn sẽ phát hiện ra rằng, những gì mà bạn nhận được đều rất tuyệt diệu, kể cả trong lúc thiền tọa, tâm từ cũng sẽ được sinh khởi một cách nhanh chóng và dễ dàng. Cho nên, việc làm này có sức lan tỏa mạnh mẽ và tâm của bạn được rộng mở hơn bao giờ hết.
Cách khác để ta rải tâm từ cho nhóm đối tượng này là “mượn” sự tiếp sức từ nhóm đối tượng dễ thương và nhóm đối tượng người thân, bạn bè. Quá trình chuyển tiếp khi luân lưu rải tâm từ giữa các nhóm đối tượng này với nhau vẫn còn một sự rung lắc nhất định nào đó. Vì vậy, khi không thể rải tâm từ cho nhóm đối tượng mới thì hành giả có thể tự mình quay về rải tâm từ cho nhóm đối tượng trước.
4. Người bài xích, chống đối ta
Khi rải tâm từ cho nhóm đối tượng này là ta đã bắt đầu bước vào giai đoạn khó hơn rồi. Và đây cũng được xem là giai đoạn rập rình mối “hiểm nguy”, bởi vì kẻ thù ẩn nấp cố hữu của tâm từ chính là sân hận. Sở dĩ ta sân hận là bởi vì trong lòng mình chất chứa hạt giống của sân, chứ không phải đối phương làm cho ta sân.
Ví dụ bạn nói: “Tôi không thích cô ta, bởi vì cô ta quá ư nhiều chuyện”, hoặc “Tôi không ưa anh ấy, do anh ấy rất bá đạo”. Trong khi Thiền Rải Tâm Từ, bạn có thể nghĩ theo hướng tích cực hơn để đối trị lại nó như “trò chuyện làm cho con người ta gần gũi nhau hơn...” hoặc “cường quyền bá đạo đôi khi cũng vì chính nghĩa...
Đầu tiên bạn cần phải xác nhận vì sao mình không thích anh ta hoặc cô ta. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, không phải tất cả lý do là sai, nhưng có không ít lý do trong đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Bên cạnh đó bạn cần phải ý thức sự sinh khởi của sân hận, tiếp đến là quan sát những tác hại cũng như điểm bất hợp lý từ nó, sau cùng là “tiễn khách”.
Một khi đã dọn dẹp được “đống rác” trước nhà, lúc này bạn sẽ thấy được những điểm đáng quý của tình bạn như chân thành và nhân nghĩa. Đồng thời, bạn sẽ nhận ra mọi thứ đáng yêu hơn bao giờ hết, giống như khi nhận được nụ hôn từ nàng công chúa xinh đẹp, chú ếch xấu xí bỗng nhiên trở thành chàng hoàng tử khôi ngô.
Bạn thử nghĩ xem, nếu có thể dùng thiền định sâu để trao tặng cho người kia một sự yêu thương trong sáng và chuyên nhất, thì đó chính là con đường quan trọng mở lối cho thiền sinh đặt chân bước lên bờ giác.
5. Người thù hận ta
Khi bạn thấy được khuôn mặt thật sự đáng ghét của kẻ thù, bạn thấy anh ta có giống những kẻ khủng bố hay không? Thật ra, “kẻ thù” thật sự chính là những phiền não sinh khởi từ trong lòng của mình mà ra. Trong đó, tâm sân mới là kẻ thù thật sự của tâm từ, và Đức Phật dạy ta chớ xem họ như “thừ”, mà hãy xem họ là nhược điểm, bệnh tật hay “linh hồn đã bị đánh cắp”, v.v. của chính ta.
Bên cạnh đó, ta nên nghĩ về mặt tích cực nhiều hơn và xem đây như là cơ hội tốt đang tiềm ẩn để ta thực tập Thiền Rải Tâm Từ.
Người có ý đối địch là đối tượng khiến ta khó tu nhất, điều này vốn không do sự sân hận ăn sâu vào tâm khảm nơi ta, mà là do ta cho rằng sân hận là điều hiển nhiên. Để khắc phục điều này, ta nên nghe theo lời chỉ dạy từ phẩm Song yếu trong Kinh Pháp củ:
Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
Nếu muốn quá trình tiến tu có hiệu quả, việc đầu tiên ta cần làm là đoạn trừ ác ý và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nhất và công tâm nhất. Hành vi của ta cần phải phù hợp với giá trị đạo đức cơ bản. Nếu như những việc làm của chúng ta đều tốt, vậy thì có thể bắt đầu tư duy về những hậu quả của việc phẫn nộ sân hận, cũng như những lợi ích của sự tha thứ. Bởi vì nhân vô thập toàn, ai cũng có khiếm khuyết cả. Tiếp đó, ta tư duy về những công đức của việc suy niệm tâm từ. Việc rải tâm từ cho người đối nghịch không chỉ nhằm để tha thứ cho những hành vi bất thiện của người đó, mà còn mong cho họ biết sửa sai để có được đời sống tốt hơn, chất lượng hơn. Những điều vừa nêu chí ít cũng giúp cho hành giả lĩnh hội được một số giá trị cơ bản và cốt lõi nhất khi gặp phải những chướng duyên trong lúc hành thiền.
Nếu chưa thể hoàn thiện được quá trình vừa nêu, ta nên quay trở về với việc rải tâm từ cho chính mình, một phương pháp khác hữu hiệu hơn là trước rải tâm bị và sau đến là rải tâm xả.
Bạn nghĩ thử xem, nếu giờ ta có thể rải tâm từ cho đối tượng thù địch với mình, đó chẳng phải là một kỳ tích hay sao?
Đối với những con vật thường làm người ta sợ sệt như: chuột, gián, nhện, rắn, rết, v.v. vậy thì ta nên xếp chúng thuộc vào diện nào? Tôi kiến nghị bạn nên xem chúng thuộc về nhóm đối tượng “dễ thương”.
Một khi hành giả có thể rải tâm từ cho hết thảy những nhóm đối tượng vừa nêu, chứng đắc được các tầng thiền một cách tự do tự tại, lúc này hành giả có thể thiền tập sâu hơn với đề mục là Tứ vô lượng tâm.