Tâm từ rải khắp có nghĩa là ta dành cho chúng sinh một tình thương vô điều kiện, từ đó tâm ta bao dung rộng chứa mọi loài hữu tình. Muốn làm được như vậy, điều thiết yếu là tâm ta phải thật sự mở rộng và uyển chuyển, để có thể đón nhận được hết thảy chúng sinh. Hệt như ta xòe rộng đôi tay để đón nhận một vật gì đó, hay như đóa hoa đang hé nở làm say đám lòng người.
Khi phương hướng thiền tập được mở rộng hơn, về mặt phát triển không gian có ý nghĩa vô cùng. Như những chú chim sải cánh tung bay rời khỏi tổ ấm của mình, lúc này tâm trí ta không còn bị chướng ngại bởi thời gian và không gian nữa, mà được lan rộng đến một quốc độ của tình thương không biên giới.
Đầu tiên, ta cần xác định lại khái niệm “tất cả chúng sinh”, làm sao ta có thể cùng lúc quán tưởng sắc tướng của mọi chúng sinh? Sắc tướng được nói đến ở đây không phải nhìn bằng cặp mắt nhục nhãn thông thường, mà chính là nhìn bằng tâm. Vì vậy, hành giả cần phải rõ biết mọi hình tướng diễn ra trong tâm mình, do mắt thường không thể nhìn thấy được tất cả tướng của chúng sinh, ví như làm sao để có thể nhìn thấy được tướng trạng của các loài quỷ thần?
Tôi rất thích Thiền Quán với khái niệm không gian, nghĩ đến việc hình ảnh chúng sinh tràn ngập trong căn phòng, tòa nhà, thành phố, cả nước, v.v. thậm chí là thế giới hay vũ trụ. Lúc này, bạn không cần nhập định, mục đích là muốn tìm hiểu khái niệm “tất cả chúng sinh”, đồng thời cảm nhận một chút thế nào là “trái tim” rộng mở.
Kế đến, bạn nghĩ về sinh mệnh của những chúng sinh mà bạn đã từng quen biết, rồi mở rộng đến các loài hữu tình bạn biết rõ hơn như chú mèo đang nuôi hay đàn chuột kêu chút chít mỗi tối chẳng hạn, v.v. Lúc này, bạn đón nhận sự tồn tại của những chúng sinh đang hiện hữu xung quanh nhưng bản thân lại chưa thể cảm nhận ngay được. Sau đó, bạn hãy để “trái tim rộng mở” ôm trọn lấy “tất cả chúng sinh”. Một khi hành giả tiếp nhận được “tất cả chúng sinh trong thế gian”, thì sẽ cảm nhận được tâm mình rộng lớn biết bao, điều này hoàn toàn trái hẳn với sự bó buộc bởi tâm tham, tâm sân và tâm si.
Có hai cách rải tâm từ đến các loài chúng sinh:
RẢI TÂM TỪ KHÔNG GIỚI HẠN (ANODHISO PHARAŅA)
Tức là ta rải tâm từ cho tất cả chúng sinh nhưng lại không rõ những hành tướng của các chúng sinh ấy, vì vậy tâm từ ở đây hầu như không có sự phân biệt giữa nam - nữ, già - trẻ, xa - gần, v.v. hệt như một bức thư viết công khai cho tất cả mọi người vậy. Rải tâm từ không giới hạn là rải tâm từ cho tất cả chúng sinh với năm loại hành tướng như sau:
1. Tất cả các loài hữu tình (sabbe sattā): Loài hữu tình có cảm thọ;
2. Tất cả các loài có hơi thở (sabbe pānā): Loài hữu tình đang sống, vẫn còn thở;
3. Tất cả loài nghiệp sinh (sabbe bhūta): Loài hữu tình tái sinh từ nghiệp lực;
4. Tất cả mọi người (sabbe puggalā): Loài hữu tình cá thể độc lập;
5. Tất cả tính cách (sabbe attabhāva pariyāpannā): Loài hữu tình có cá tính.
Năm loại hành tướng vừa nêu trên thật ra đều chỉ chung cho tất cả chúng sinh, nhưng được phân loại kỹ hơn. Nếu gọi đủ hơn là chúng sinh hữu tình, khi hiểu rõ được đặc tính của những tướng trạng ấy, hành giả sẽ dễ nhập định sâu hơn.
Rải tâm từ không giới hạn tốt nhất ta nên rải cho những đối tượng khác nhau, từ nhóm đối tượng đáng yêu đến nhóm đối tượng đáng ghét, sau đó rải ngược lại. Trong tận thâm tâm mình, ta xem những nhóm đối tượng vừa nêu thuộc về “tất cả chúng sinh”, điều này rất quan trọng bởi vì việc thực hành sẽ không hiệu quả nếu tâm không bình đẳng.
Ví dụ, bạn đang rải tâm từ cho tất cả chúng sinh ở gần bạn, đem hết thảy bóng dáng con người hay những con vật như: chó, mèo, chim chóc, v.v. kể cả những chúng sinh “không thể thấy được” vào trong tâm ta, không để sót bất kỳ người hay vật nào. Bạn cảm nhận nguồn năng lượng tâm từ lan tỏa rộng khắp, đầy ắp cả một không gian. Thoạt đầu, chỉ có một vài nơi tản mạn (hình 1), lúc thì xuất hiện chỗ này, khi thì hiện ra chỗ nọ, và bạn sẽ thấy các điểm đó không theo một trật tự nào cả.
Nếu như bạn nhận thấy nguồn năng lượng rung động như có dòng điện đang chạy, lúc này trong tâm bạn sẽ cảm nhận được sự lan tỏa đều tăm tắp (hình 2). Lưu ý là lúc này bạn phải buông bỏ khái niệm về thân thể, với vài lần lan tỏa như vậy, bạn sẽ cảm nhận được tâm mình dần rộng lớn hơn. Khi cảm nhận phạm vi không gian lớn dần ra, đồng thời bạn cũng sẽ cảm nhận được những cảm thọ về tâm từ hệt như đại dương rộng lớn bao la, sóng nước vỗ mãi tới tận chân trời, hay tựa như ánh đèn chiếu sáng màn đêm tăm tối.
Sau nữa là một hướng lan tỏa dạng hình xoắn ốc (hình 3). Với những phương hướng lan tỏa như vậy, hành giả cần phải ghi nhớ tâm từ luôn được đồng hành cùng khắp, còn những chúng hữu tình chính là đối tượng được rải tâm từ. Nếu như chưa đủ thuần thục, ta chỉ luyện tập chuyên nhất một loại hình lan tỏa thôi cũng được.
Sau cùng, tâm từ giống như một suối nguồn chảy mãi không dứt, lúc này đối tượng là bất kể chúng sinh nào cũng không còn quan trọng nữa, mà chỉ có một thứ duy nhất, đó là tâm từ dành cho tất cả chúng sinh. Nội dung bốn lời nguyện như sau:
1. Mong cho tất cả chúng sinh được bình an, không còn mọi oan trái (Avero homi)!
2. Mong cho tâm tất cả chúng sinh an yên, không còn phiền não (Abyāpajjho homi)!
3. Mong cho thân tất cả chúng sinh khỏe mạnh, không còn đau đớn (Anīgho homi)!
4. Mong cho thân tâm tất cả chúng sinh được khỏe mạnh, bình yên (Sukhī attānam pariharāmi)!
Bốn lời nguyện vừa nêu đều có thể ứng dụng chi tiết hơn ở mỗi loại hành tướng khác nhau, mục đích nhằm để tăng thêm năng lượng và duy trì thời gian tuôn chảy, điều này còn tùy thuộc vào Ngũ căn Ngũ lực lúc ấy.
Mong cho tất cả các loài có hơi thở thoát được mọi oan trái... được an lạc. Mong cho tất cả loài nghiệp sinh... tất cả mọi người, tất cả tính cách... được an lạc.
Cuối cùng, trở về với câu nguyện “Mong tất cả loài hữu tình... được an lạc”...
Một khi đã đủ định tâm, hành giả chắc chắn cũng sẽ chứng đắc một trong các bậc thiền Sắc giới.
RẢI TÂM TỪ CÓ GIỚI HẠN (ODHISO PHARAŅA)
Mỗi hành tướng đều được định nghĩa rõ ràng trong phần rải tâm từ có giới hạn với mỗi loại hành vi và tính chất độc đáo riêng của nó. Vì vậy, hành giả cần chú ý vào đặc tính của mỗi hành tướng, những loại như “dễ thương”, “người bình thường” hoặc “người chống đối, bài xích”, v.v. Như vậy, ta mới có thể đưa ra được những hành động tương ứng, nhằm để rải tâm từ phù hợp.
Tâm thái trong mỗi chúng ta đều cần phải chỉnh sửa lại sao cho không thiên lệch hay thành kiến, cũng như cách bồi dưỡng đức hạnh cũng khác nhau. Những phản ứng của ta đối với mỗi hành tướng cũng phần nào phản ánh lên được các đặc tính này. Trong quá trình thiền tập, nếu như ta biết rõ được tâm của mình, chắc chắn sẽ hỗ trợ thêm cho sự tiến bộ của bản thân rất nhiều, đồng thời cũng có thể cải thiện được mối quan hệ với các hành tướng khác. Tóm lại, một khi đã nhập được định sâu là ta biết được mình đang trên đà tiến bộ.
Theo kinh miêu tả, rải tâm từ có giới hạn gồm bảy loại hành tướng và được chia thành
1. Tất cả người nam (purisā) và tất cả người nữ (itthiyo)
Sự khác nhau giữa các đặc tính này không chỉ ở giới tính mà còn ở văn hóa. Mới đầu, ta có thể sẽ sinh khởi tham dục, kế đến là sinh khởi sân hận nếu từng gặp phải những điều bất công ấy. Vì vậy, ta cần phải điều chỉnh tâm thái của mình cho đúng lại. Nếu như có tham và sân, chắc chắn là sẽ có si.
Những người tâm lý bất ổn thường nói rằng: “Những người đàn ông trên thế gian này đều không tốt” hay “Tất cả phụ nữ đều là những kẻ yếu đuối”, thì nên xem lại quan điểm vừa nêu. Đương nhiên hai giới tính này chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác biệt, nhưng về mặt đặc tính mà nói vẫn có tính tích cực và mặt tiêu cực nơi mỗi cá nhân hay tập thể.
Lưu ý, không nên có cái nhìn thiên kiến (prejudice), cũng không nên nhìn thiển cận (generalization). Cần phải nhận thức được rằng, chúng ta đều là con người, mà “nhân vô thập toàn”, nên cũng sẽ có người này kẻ nọ, tính cách và năng lực không ai giống ai cả.
Thử nghĩ xem, ta có nên thêm những chúng sinh dưới đây vào danh sách trên không?
a) Loài lưỡng giới tính;
b) Loài không giới tính.
Nếu được tính vào luôn, thì ta sẽ bao quát được tất cả chúng sinh rồi!
Trong quá trình Thiền Rải Tâm Từ, nếu biết đem những hành tướng này ứng dụng với bốn lời nguyện, hành giả có thể sẽ chứng được thiền định và thiền định tự tại.
2. Tất cả bậc thánh (ariyā) và tất cả kẻ phàm (anariyā)
Sự khác biệt giữa hai loại hành tướng này chủ yếu ở mặt chứng ngộ về lĩnh vực tinh thần. Theo quan điểm của Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravāda), bậc thánh gồm có bốn loại như sau:
a) A la hán (arahatā) - Ứng cúng
b) A na hàm (anāgāmī) - Bất hoàn
c) Tư đà hàm (sakadāgāmī) - Nhất lai
d) Tu đà hoàn (sotāpanna) - Dự lưu
Bốn bậc thánh vừa nêu trên đều đã chứng nghiệm được những “Vô vi thực tướng” ở các trình độ khác nhau. A la hán là quả vị chứng ngộ tầng thứ cao nhất. Ở mỗi quả vị, hành giả sẽ đoạn trừ tận gốc được những phiền não ở các giai đoạn khác nhau, cuối cùng là dứt bặt luân hồi và không còn phải tái sinh nữa.
Kẻ phàm tức bao gồm hết thảy người lương thiện và kẻ ngu si. Trong cuộc sống hằng ngày, ta rất khó gặp được một người hoàn toàn là “xấu ác”. Vì vậy, ta nên xem họ như là những kẻ yếu đuối hay người “bệnh tật” vậy, và nên khởi lòng từ bị dành cho họ. Còn “người lương thiện” chính là khái niệm của các bậc “chứng ngộ”. Phần lớn con người ta đều nằm lọt giữa hai thái cực này.
Muốn biết ai thuộc dạng gì, thật rất khó và đoán cũng không ra được.
Ở đây, tôi phân thành hai loại:
a) Chúng sinh có tính linh thiên về hành trì;
b) Chúng sinh không có tính linh thiên về hành trì.
Hành giả cần phải lưu ý về những phản ứng của mình đối với việc phân loại như vậy. Nếu ta tự cho rằng mình thiền tập đạt được sự thù thắng vi diệu, thì có thể sẽ sinh ra tâm kiêu mạn; còn nếu như ta nghĩ rằng người khác thù thắng hơn mình, rất có thể lúc này sẽ sinh tâm tự ti mặc cảm.
Phương pháp giải quyết tốt nhất chính là dùng sự khiêm cung và lòng tôn trọng để thay thế hai loại tâm thái vừa nêu. Nhờ đó sinh khởi ra được một thứ cảm giác cũng như niềm tin về “tình đồng chí”, và tâm từ sẽ được tuôn chảy. Khi có được tâm từ rồi, hành giả nhờ vào bốn lời nguyện mà hướng tâm từ về thiền định, đồng thời sẽ chứng được thiền định tự tại.
Nhận thức vừa nêu rất quan trọng trong việc giữ cho đoàn thể hòa hợp. Bất luận là đoàn thể tôn giáo nào, cộng đồng sinh hoạt nào đi nữa, hay là giữa các cá nhân với nhau, v.v. nếu để xảy ra những va chạm dù vô tình hay cố ý, đều rất dễ dẫn đến sự thù hằn lẫn nhau. Nếu ta có thể dẹp bỏ được những chướng ngại ở mặt tinh thần, như thế sẽ giúp cho việc hòa giải và tăng trưởng niềm tin cho nhau, nhờ thế đoàn thể sẽ được tiến bộ hơn rất nhiều. Dù là chỉ bằng sức của một người với việc rải tâm từ cho các chúng sinh ở tầng thứ cao hơn hoặc thấp hơn, điều này cũng có thể giúp ta phát triển phương diện quyết tâm cải thiện các mối quan hệ giao tiếp.
3. Tất cả chư Thiên, tất cả nhân loại và tất cả ác đạo
Theo vũ trụ quan của Phật giáo, chư Thiên, nhân loại, ác đạo đều nằm trong sáu cõi luân hồi:
Chư Thiên: Các vị thiện thần hay Phạm thiên trú ngụ nơi cõi trời.
Nhân loại: Con người chúng ta.
Trong Khuddakapatha atthakatha nói rằng, thọ mạng của chúng sinh cõi người trong thế giới khác còn lâu dài hơn ở trái đất nơi chúng ta đang sinh sống nữa.
Ác đạo: Những chúng sinh do tạo những bất thiện nghiệp mà sinh vào ba cõi ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Trí tuệ của những chúng sinh này thấp hơn nhiều so với con người.
Thực tế, chúng ta không thể nào biết hết tất cả các loài chúng sinh, nhất là đối với những chủng loại mà ta chưa bao giờ thấy qua hoặc mắt thường không thể nhìn thấy được. Tôi biết có rất nhiều người không tin vào quỷ thần, vì vậy trước khi khoa học chứng minh được sự tồn tại của họ thì chúng ta chỉ có thể thừa nhận chúng hiện hữu hoặc là không quan tâm đến việc các loài này có tồn tại hay không.
Có một điều khá thú vị là chúng ta vẫn có thể rải tâm từ cho họ. Nhằm giúp cho xã hội được hạnh phúc hơn và cũng để hạn chế sợi dây ngăn cách với nhau, tôi kiến nghị mọi người nên tôn trọng họ, nếu làm được như vậy, thế giới sẽ chung sống hòa bình. Cách thiền tập như vậy rất có ích cho ta trong việc loại bỏ những nỗi sợ hãi về thế giới vô hình, nhất là khi bạn không may lọt vào tuýp người “mê tín” hay quá lệ thuộc vào thế giới tâm linh.
Bạn cũng có thể xem những nhóm đối tượng rải tâm từ khác như những loại chúng sinh vừa nêu, đồng thời chuyển hóa họ thành nhóm đối tượng “dễ thương”.
Nhóm thiện thần giúp cho ta dễ sinh tâm hoan hỷ, còn nhóm ác đạo khiến ta khởi phát tâm bi.
Bất luận họ thuộc nhóm nào đi nữa, một khi tấm màn ngăn cách đã được phá trừ, thì họ chỉ còn mang một nghĩa duy nhất, đó là “chúng sinh hữu tình” (satta). Việc ta nên làm lúc này là tinh tấn thiền tập, mãi đến khi chứng được thiền định và thiền định tự tại mới thôi.
Tâm từ được phân loại như sau:
1. Mạnh - yếu (tính theo năng lượng).
2. Dài - ngắn, lớn - nhỏ, thô - tế (tính theo bề mặt).
3. Thấy được - không thấy được (tính theo độ thấy).
4. Xa - gần (tính theo khoảng cách).
5. Đã tồn tại, không tồn tại, sắp tồn tại (tính theo chuyển hóa).
Chúng sinh có rất nhiều chủng loại không thể tính kể được, chúng ta nên dựa vào nhu cầu và tình huống thực tế mà chọn lựa, nhờ thế sẽ đoạn trừ được ác tâm và có được thiện tâm, đồng thời nâng cao phương diện tinh thần, định lực và tuệ lực.