T
ại CERN, thư ký Sylvie Baudeloque đã đói meo, cô thầm ước rằng mình có thể về nhà. Nhưng khốn thay, rõ ràng sống sót từ bệnh xá trở về, Kohler đã gọi điện và yêu cầu- không phải đề nghị, mà là yêu cầu - Sylvie có thể phải ở lại muộn tối nay. Không một lời giải thích.
Suốt bao nhiêu năm, Sylvie đã tự luyện thói quen thờ ơ với những thay đổi tâm trạng thất thường và quái dị của Kohler - sự im lặng của ông, xu hướng mất bình tĩnh của ông đối với các cuộc họp trực tuyến qua màn hình video di động gắn trên xe lăn. Cô thầm hy vọng một ngày nào đó ông sẽ tự bắn chết mình trong chuyến thăm hàng tuần đến trường bắn giải trí của CERN, nhưng tất nhiên ông vẫn bắn rất tốt.
Lúc này, ngồi một mình tại bàn, Sylvie nghe thấy bụng đang réo ùng ục. Kohler vẫn chưa quay về, cũng như chẳng trao cho cô công việc làm thêm nào tối nay. Ngồi đây buồn chán và đói meo chẳng khác gì địa ngục, cô nhủ thầm. Cô để lại một mẩu giấy cho Kohler, thẳng tiến đến phòng ăn tối cho nhân viên để giải quyết nhanh bữa tối.
Nhưng cô không có cơ hội thưởng thức nó.
Khi đi lướt qua “suites de loisir” - khu giải trí của CERN - một tiền sảnh dài những phòng nghỉ có ti vi - cô nhận thấy các phòng đang đông nghẹt nhân viên, những người hẳn đã bỏ cả bữa tối để xem tin tức. Có chuyện gì đó hấp dẫn đang diễn ra. Sylvie bước vào căn phòng thứ nhất. Căn phòng đầy rẫy byte-head - các nhà lập trình máy tính trẻ tuổi điên rồ. Khi nhìn thấy mục tin chính trên màn hình, cô thở hổn hển.
KHỦNG BỐ TẠI THÀNH VATICAN
Sylvie lắng nghe bản tin, không tin nổi vào tai mình. Một hội kín nào đó đang giết các hồng y? Điều này chứng minh cái gì? Lòng căm thù của chúng? Sự thống trị của chúng? Sự ngu dốt của chúng?
Thế nhưng, không thể tin nổi, tâm trạng trong căn phòng chẳng u ám chút nào.
Hai kỹ thuật viên trẻ tuổi vừa chạy vừa phất cao chiếc áo phông có in hình Bill Gates và thông điệp. NHỮNG KẺ LẬP DỊ SẼ THỪA HƯỞNG TRÁI ĐẤT!
“Illuminati!” ai đó hét lên. “Tớ đã bảo những thằng này là có thật mà!”
“Không thể tin được! Tớ cứ nghĩ chỉ là trò chơi điện tử thôi!”
“Chúng đã giết chết Giáo hoàng đấy bạn ạ! Giáo hoàng đấy!”
“Chúa ơi! Tớ tự hỏi cậu nhận được bao nhiêu điểm cho chiến tích đó?’
Họ cười phá lên và chạy biến.
Sylvie đứng đó kinh ngạc đến choáng váng. Là một tín đồ Cơ Đốc giáo làm việc cùng các nhà khoa học, thi thoảng cô phải chịu đựng những lời xì xào phản chúa, tuy nhiên mấy thằng nhóc này có vẻ sẽ mở tiệc túy lúy trong trạng thái phấn khích trước mất mát của nhà thờ. Sao chúng có thể nhẫn tâm đến thế? Tại sao chúng lại căm ghét nhà thờ đến thế?
Đối với Sylvie, nhà thờ đã luôn luôn là một thực thể vô hại... một nơi có tình yêu thương và những sẻ chia... đôi khi chỉ là một nơi bạn có thể hát vang mà chẳng sợ bị ai nhìn trừng trừng. Nhà thờ đã ghi những dấu ấn quan trọng của cuộc đời cô - những đám tang, lễ cưới, lễ ban thánh thể, những ngày lễ thiêng liêng - và chẳng đòi hỏi điều gì đáp lại. Ngay cả tiền quyên góp cũng là tùy tâm. Những đứa trẻ của cô đều sôi nổi hẳn lên sau mỗi Chủ nhật đi lễ nhà thờ, chúng phấn chấn, đưa ra bao nhiêu là ý tưởng giúp đỡ những người khác và trở nên tốt bụng hơn. Chẳng lẽ những điềuấy cũng là sai sao?
Một điều luôn khiến cô không ngừng kinh ngạc, đó là nhiều người được biết đến như các “bộ óc lỗi lạc” của CERN cũng không thể nhận thức được tầm quan trọng của nhà thờ. Phải chăng họ thực sự tin rằng các hạt vi lượng và hạt meson gợi cảm hứng cho người dân bình thường? Hay các phương trình có thể thay thế được nhu cầu tin vào thánh thần của con người?
Sylvie lảo đảo đi xuống tiền sảnh qua các phòng nghỉ khác. Toàn bộ các phòng có ti vi đều kín mít. Cô bắt đầu tự hỏi về cuộc gọi Kohler nhận được từ Vatican trước đó. Trùng hợp chăng? Có thể. Vatican thi thoảng gọi điện cho CERN như một “cử chỉ nhã nhặn” trước khi đưa ra các tuyên bố phê phán kịch liệt kết tội các nghiên cứu của CERN - gần đây nhất là những đột phá của CERN trong công nghệ nano, một lĩnh vực mà nhà thờ tố cáo vì những ngụ ý của nó đến kỹ thuật gen di truyền. CERN chẳng bao giờ quan tâm. Luôn luôn là vậy, trong vòng vài phút sau loạt đạn của Vatican, điện thoại của Kohler sẽ luôn ngoài vùng phủ sóng đối với các công ty đầu tư công nghệ muốn cấp phép cho khám phá mới. “Chẳng có thứ gì tồi tệ bằng báo chí khốn nạn,” Kohler luôn nói như vậy.
Sylvie thầm hỏi có nên nhắn tin cho Kohler không, chẳng cần biết giờ này ông đang ở đâu và bảo ông bật ti vi lên. Liệu ông có quan tâm không? Liệu ông có nhận cuộc gọi không? Dĩ nhiên, ông sẽ lắng nghe. Có khả năng ông đang ghi lại toàn bộ bản tin bằng máy ghi nhỏ nhắn quái đản của mình, và mỉm cười, lần đầu tiên trong vòng một năm.
Khi Sylvie tiếp tục đi xuống sảnh, cuối cùng cô cũng tìm được một phòng khiến tâm trạng cô dịu đi... gần như trở thành nỗi sầu muộn. Ở đây các nhà khoa học đang xem bản tin là những người cao tuổi nhất và được tôn trọng nhất tại CERN. Thậm chí họ chẳng buồn ngước lên nhìn cô, Sylvie bước vào phòng và ngồi xuống.
*
Phía bên kia của CERN, trong căn hộ lạnh lẽo của Leonardo Vetra, Maximilian Kohler đã đọc xong tờ tạp chí bọc bìa da ông lấy được từ bàn cạnh giường ngủ của Vetra. Giờ đây, ông đang xem các bản tin trên ti vi. Vài phút sau, ông để lại tờ báo của Vetra vào chỗ cũ, tắt ti vi và rời khỏi căn hộ.
*
Cách đó rất xa, tại Thành Vatican, Hồng y Mortati lại mang một khay phiếu bầu khác đến ống khói Nhà nguyện Sistine. Ông đốt các lá phiếu, làn khói bay lên vẫn màu đen.
Hai vòng bỏ phiếu. Vẫn không chọn được Giáo hoàng.