N
hững ánh đèn trầm chiếu sáng trong hầm lưu trữ. Căn hầm này còn nhỏ hơn nhiều căn hầm Langdon từng vào. Ít không khí hơn. Ít thời gian hơn. Anh ước gì mình đã đề nghị Olivetti bật quạt tái lưu thông không khí.
Langdon nhanh chóng tìm thấy gian tuyển tập phân loại liên quan đến Mỹ thuật. Không thể bỏ qua gian này được. Bao gồm cả thảy tám giá sách chật kín. Giáo hội Cơ Đốc giáo sở hữu đến hàng triệu tác phẩm cá nhân trên khắp thế giới.
Langdon nhìn lướt qua các giá sách tìm cái tên Gianlorenzo Bernini. Anh bắt đầu tìm kiếm từ giữa giá sách đầu tiên xuống, gần như từ nơi anh nghĩ sẽ bắt đầu vần B. Sau một hồi lo sợ cuốn sách cần tìm không có ở đây, anh nhận ra mọi thứ tệ hơn vì các tuyển tập không xếp theo thứ tự chữ cái. Tại sao mình không thấy ngạc nhiên nhỉ?
Phải đến khi Langdon vòng lại từ đầu xem các bộ sưu tập, trèo lên cái thang gấp chữ A đến giá sách trên cùng, anh mới hiểu được cách sắp xếp của căn hầm này. Anh thấy nằm chênh vênh ở các giá trên cùng là các tuyển tập dày nhất trong tất cả - thuộc về những bậc thầy thời Phục hưng - Michelangelo, Raphael, Da Vinci và Botticelli. Giờ Langdon nhận ra tại sao căn hầm này được đặt tên là “Tài sản của Vatican,” các tuyển tập đều được xếp theo giá trị tiền tệ toàn diện của bộ sưu tập của từng nghệ sĩ. Kẹp giữa Raphael và Michelangelo, Langdon tìm thấy tuyển tập đánh dấu tên Bernini. Nó dày hơn mười phân.
Gần như hết hơi và phải vật lộn với tuyển tập đồ sộ, Langdon xuống cầu thang. Thế rồi giống hệt một đứa nhóc được tặng truyện tranh, anh nằm bò ra sàn nhà xem tuyển tập.
Cuốn sách bọc bìa vải, rất chắc chắn. Tuyển tập được viết tay bằng tiếng Ý. Mỗi trang lại chỉ giới thiệu một tác phẩm duy nhất, bao gồm bản mô tả ngắn gọn, ngày tháng, địa điểm, chi phí nguyên liệu và đôi khi kèm một bản phác thảo thô. Langdon lật qua vài trang... hơn tám trăm trang cả thảy. Bernini quả là một người bận rộn.
Hồi còn là sinh viên chuyên ngành nghệ thuật, Langdon đã tự hỏi làm sao một nghệ sĩ có thể sáng tác nhiều tác phẩm đến thế trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Về sau, anh thực sự thất vọng khi biết rằng số lượng sản phẩm các nghệ sĩ nổi tiếng thực sự sáng tác rất ít. Họ điều hành các xưởng nơi họ đào tạo các nghệ sĩ trẻ triển khai các thiết kế của mình. Những điêu khắc gia như Bernini nặn các bức tượng thu nhỏ bằng đất sét, rồi tuyển mộ người khác thực hiện chúng bằng đá cẩm thạch. Langdon biết rằng nếu Bernini được yêu cầu đích thân hoàn tất toàn bộ các tác phẩm của mình, chắc đến giờ này ông vẫn đang phải làm việc.
“Phụ lục,” anh nói to, cố gắng xua tan những suy nghĩ vẩn vơ khỏi tâm trí. Anh lật nhanh đến cuối cuốn sách, có ý định tìm ở vần F các tựa có liên quan đến từ fuòco - nghĩa là lửa - nhưng chẳng tìm được gì. Langdon chửi thề. Những người này phản đối alphabet làm cái quái gì nhỉ?
Các mục rõ ràng được phân loại theo thứ tự thời gian, từng mục một, như Bernini sáng tác từng tác phẩm mới. Mọi thứ được sắp xếp theo ngày tháng. Chẳng giúp được gì cả.
Khi Langdon nhìn chằm chằm vào danh sách, một ý nghĩ tuyệt vọng khác chợt đến với anh. Tên bức tượng điêu khắc anh đang tìm có thể không có chữ Lửa. Hai tác phẩm trước đó - Habakkuk và Thiên Thần và Gió Tây - đều không bao gồm những ám chỉ cụ thể đến Đất hoặc Không khí.
Anh mất vài phút ngẫu hứng lật trang qua tuyển tập, lòng hy vọng mình có thể nhận ra một hình minh họa. Chẳng thấy gì. Anh được xem hàng tá tác phẩm khó hiểu chưa từng biết đến, nhưng anh cũng thấy nhiều tác phẩm anh nhận ra... Daniel và Con Sư Tử, Apollo và Daphne và gần chục cái đài phun nước. Khi anh thấy những đài phun nước này, các suy nghĩ của anh bất chợt nảy lên. Nước. Anh tự hỏi phải chăng điện thờ khoa học thứ tư là một đài phun nước. Một đài phun nước dường như là sự tôn vinh hoàn hảo cho nước. Langdon hy vọng họ có thể bắt được kẻ sát nhân trước khi anh phải cân nhắc yếu tố Nước - Bernini đã khắc họa rất nhiều đài phun nước tại Rome, hầu hết các tác phẩm này đều nằm trước cửa các nhà thờ.
Langdon quay lại với vấn đề trước mắt. Lửa. Khi anh xem qua cuốn sách, những lời của Vittoria khuyến khích anh. Anh đã rất quen thuộc với hai bức tượng điêu khắc đầu tiên... có thể anh sẽ biết bức tượng này nữa. Anh lại lật sang trang phụ lục, lướt qua các tên tác phẩm mình đã biết. Vài cái tên quen thuộc, nhưng anh chẳng thấy gì. Lúc này, Langdon nhận ra mình có chết ở đây cũng sẽ chẳng bao giờ tìm xong, nên anh quyết định trái lương tâm rằng anh sẽ phải mang cuốn sách ra khỏi tầng hầm. Chỉ là một tuyển tập thôi mà, anh tự nhủ. Không giống như trang tài liệu Galileo bản gốc. Langdon nhớ lại trang tài liệu trong túi áo ngực, tự nhắc mình phải đem trả nó về chỗ cũ trước khi rời khỏi nơi này.
Rất khẩn trương, anh cúi người xuống cầm quyển sách lên, đúng lúc đó có một thứ khiến anh ngừng lại. Cho dù có rất nhiều ghi chú trong cả phần phụ lục, nhưng ghi chú này vừa đủ khiến anh thấy lạ lùng.
Ghi chú nêu rõ bức tượng điêu khắc nổi tiếng của Bernini, Khoảnh Khắc Đê Mê của Thánh Teresa, ngay sau khi được ra mắt, đã bị mang ra khỏi vị trí ban đầu của nó trong Vatican. Bản thân điều này không phải thứ thu hút sự chú ý của Langdon. Anh đã quá quen với quá khứ chìm nổi của tác phẩm điêu khắc. Cho dù vài người xem đây là một tuyệt tác, nhưng Giáo hoàng Urban VIII đã bác bỏ. Khoảnh Khắc Đê Mê của Thánh Teresa quá gợi tình đối với Vatican. Ông cho chuyển nó tới một nhà nguyện vô danh nào đó bên kia thành phố. Langdon quan tâm đến một chuyện khác, rõ ràng bức tượng này có mặt ở một trong năm nhà thờ trong danh sách của anh. Hơn thế nữa, ghi chú cho biết rằng bức tượng được dời đi theo đề nghị của tác giả[74].
[74] Nguyên văn tiếng Ý: per suggerimento del artista
Theo đề nghị của tác giả? Langdon thấy bối rối. Chuyện Bernini đề nghị cất giấu tuyệt tác của mình tại một nơi hẻo lánh nghe rất vô lý. Nghệ sĩ nào cũng muốn tác phẩm của mình được trưng bày một cách đường hoàng, không phải ở một nơi xa...
Langdon ngập ngừng. Trừ phi...
Thậm chí, anh còn thấy sợ phải xem xét ghi chú này. Có khả thi không? Phải chăng Bernini cố tình sáng tác một tác phẩm nhạy cảm đến mức buộc Vatican che giấu nó tại nơi hẻo lánh? Một địa điểm có thể do chính Bernini đề nghị? Có thể là một nhà thờ xa xôi nằm trên đường thẳng trực tiếp với hơi thở của Gió Tây?
Khi cơn phấn khích của Langdon tăng lên, sự quen thuộc mơ hồ của anh với bức tượng chợt xuất hiện, khăng khăng cho rằng tác phẩm chẳng liên quan gì đến lửa. Như bất kỳ ai từng xem nó đều khẳng định, rằng bức tượng này chẳng mang tính khoa học gì cả - khiêu dâm thì có thể, nhưng chắc chắn không phải khoa học. Một nhà phê bình người Anh đã lên án Khoảnh Khắc Đê Mê của Thánh Teresa là “món đồ trang trí lệch tông nhất từng được trưng bày trong một Nhà thờ Cơ Đốc giáo.” Langdon chắc chắn mình hiểu sự tranh cãi này. Cho dù được thể hiện tuyệt vời, bức tượng khắc họa hình ảnh Thánh Teresa nằm ngửa, quằn quại khi lên cơn cực khoái đến ngây ngất. Chả trách Vatican ngăn cấm nó.
Langdon nhanh chóng lật trang đến phần miêu tả tác phẩm này trong tuyển tập. Khi thấy bức phác thảo, anh cảm thấy một tia hy vọng bất ngờ lóe lên ngay tức thì. Trong bức phác thảo, Thánh Teresa thực sự có vẻ như đang trong cảm giác đê mê, nhưng còn một nhân vật khác trong bức tượng mà Langdon quên mất không để ý.
Một thiên thần.
Huyền thoại nhơ nhớp bất ngờ trở về...
Thánh Teresa là một nữ tu được phong thánh sau khi bà tuyên bố rằng một thiên thần đã đến thăm bà trong giấc ngủ. Những lời chỉ trích sau này đã lên án bà, cho rằng cuộc gặp gỡ chỉ mang nghĩa tình dục hơn là linh thiêng. Trên dòng chữ viết nguệch ngoạc phía dưới tuyển tập, Langdon thấy một đoạn trích quen thuộc. Những lời nói của chính Thánh Teresa khiến người ta chẳng còn gì mà tưởng tượng nữa:
... ngọn giáo vàng vĩ đại của người... cháy rừng rực... xuyên vào người ta vài lần... thâm nhập vào tận sâu thẳm trong ta... sự ngọt ngào mãnh liệt đến mức ta ước gì nó không bao giờ dừng lại.
Langdon mỉm cười. Nếu đó không phải là phép ẩn dụ chỉ hành vi quan hệ tình dục nghiêm túc, thì mình chẳng hiểu nó là gì nữa. Anh mỉm cười cũng vì mô tả về tác phẩm này trong tuyển tập. Cho dù đoạn văn viết bằng tiếng Ý, từ fuòco xuất hiện rất nhiều lần:
... ngọn giáo của thiên thần với mũi giáo là lửa...
... mái đầu của thiên thần bắn ra những tia lửa...
... người đàn bà bị thiêu cháy bằng ngọn lửa đam mê...
Langdon không hoàn toàn tin điều đó, cho đến khi nhìn lại bức phác thảo. Ngọn giáo mạnh mẽ của thiên thần giơ cao lên như ngọn đèn hiệu, đang chỉ đường. Hãy để thiên thần dẫn lối trên hành trình cao cả. Ngay cả kiểu thiên thần Bernini lựa chọn dường như cũng có ý nghĩa. Langdon nhận ra, đó là một Thiên Sứ. Trong văn học, Thiên Sứ nghĩa là “người mạnh mẽ.”
Robert Langdon không phải là người tin tưởng Chúa trời, nhưng sau khi đọc tên nhà thờ nơi đang cất giấu bức tượng điêu khắc, anh quyết định cuối cùng mình có thể trở thành một tín đồ.
Santa Maria della Vittoria.
Vittoria, anh nghĩ và cười toe toét. Hoàn hảo.
Đôi chân không vững, Langdon cảm thấy chóng mặt. Anh liếc nhìn lên cái thang, tự hỏi có nên trả cuốn sách về chỗ cũ không. Quỷ tha ma bắt, anh nghĩ. Cha Jaqui làm được cơ mà. Anh gấp sách lại, để lại nó ngăn nắp dưới đáy giá sách.
Khi đến gần nút bấm sáng đèn trên cửa ra điện tử của căn hầm, anh thở hổn hển liên tục. Tuy nhiên, anh cảm thấy như được tiếp sức bởi vận may bất ngờ.
Tuy nhiên, vận may của anh tắt ngóm trước khi ra đến cửa.
Không một lời cảnh báo, căn hầm phát ra tiếng xì xì đau đớn. Đèn trở nên tối lờ mờ, nút bấm trên cửa tắt sáng. Thế rồi, như sức lực cuối cùng của con mãnh thú đang hấp hối, khu phức hợp kho lưu trữ trở nên tối đen như mực. Ai đó đã tắt nguồn điện.