Buổi sáng bao giờ cũng có bữa ăn sáng. Bữa nào cũng cần chánh niệm khi ăn. Nhưng nói tóm lại là cần chú tâm cảm giác khi tay chạm vào đũa hay thìa, chú tâm đến cảm giác thức ăn chạm vào miệng, cảm giác khi nhai. Rồi các cảm giác thức ăn mà ta vẫn gọi là nóng, lạnh, cay, ngọt, bùi… Nhưng khi ăn mình chỉ ghi nhận. Ghi nhận mọi cảm giác, cả xúc chạm, cảm giác mùi thức ăn, cảm giác vị. Chỉ ghi nhận cảm giác mà không thích ghét.
Tôi rất thích trải nghiệm cảm giác ăn cơm không. Tức là ăn cơm mà không có thức ăn. Ăn cơm riêng và thức ăn riêng. Cứ thế mà cảm nhận thôi. Nói thật nhé, nếu ăn được cơm không mà vẫn thấy bình thường thì thích nghi với mọi hoàn cảnh rất tốt.
Sau khi ăn là đánh răng. Tôi quan sát cảm giác khi tay lấy bàn chải, lấy thuốc. Chú tâm cảm giác bàn chải và thuốc chạm vào miệng, cảm giá bàn chải với thuốc cọ sát với răng, miệng. Lúc này cảm giác vị rất nổi trội nhé.
Rồi tôi chú tâm cảm giác khi thay quần áo chuẩn bị đi làm. Tôi chú tâm lúc cởi quần áo ở nhà ra, mặc quần áo đi làm vào.
Tôi chú tâm cảm giác khi đeo ba lô lên vai hoặc xách cặp bước ra khỏi nhà. Mỗi bước chân tôi để ý đến sự xúc chạm của bàn chân với giày, với đất. Mỗi bước đi cảm nhận rất rõ. Nhiệt độ ngoài trời ở Nhật mùa này khá lạnh, từ 6 đến 9oC nên cảm nhận rất rõ cảm giác trên mặt, nơi tay. Tôi ghi nhận cảm giác như nó là chứ không gọi là lạnh nữa. Cứ thế ghi nhận.
Rồi ghi nhận các cảm giác hình ảnh bắt gặp. Từ cây lá vàng, lá đỏ đến bầu trời xanh, với các đám mây. Gọi tên như vậy cho dễ hiểu chứ trong tâm tôi không còn tên gọi nữa. Chỉ ghi nhận cảm giác hình ảnh. Không có khái niệm, chẳng có ngôn từ, không còn phân biệt giữa cái này với cái kia, hình ảnh này với hình ảnh kia nữa.
Các cảm giác âm thanh như chim hót, tiếng xe cứ thế xuất hiện. Các cảm giác cứ sinh lên rồi diệt đi. Vậy thôi. Sinh và Diệt. Vô thường mà. Có căn trần tiếp xúc với nhau thì có cảm giác. Không có xúc nữa thì cảm giác mất. Ví dụ mắt tôi nhìn sang bên trái thì cảm nhận hình ảnh cây phong lá đỏ nhưng tôi quay sang bên phải lại có cảm nhận hình ảnh chiếc xe ô tô đang chạy, rồi nhìn lên cao thì thấy cảm giác hình ảnh bầu trời. Đơn giản vậy thôi.
Rồi tôi lên xe, ghi nhận cảm giác mông mình chạm vào xe. Rồi cảm nhận tay tiếp xúc với chìa khóa, nổ máy. Cảm giác âm thanh khi xe nổ máy. Rồi cảm giác chân chạm vào bàn đạp cho xe chạy. Và các cảm giác hình ảnh trên đường đi liên tục sinh diệt, sinh diệt.
Có hôm tôi đi phương tiện công cộng. Chỗ tôi ở cách ga tàu 0,8km. Thế là tôi có một cơ hội rất tuyệt vời để đi thiền hành. Tôi bước từng bước và ghi nhận các cảm giác xúc chạm chân với mặt đất và cứ thế ghi nhận mọi cảm giác khi đến nhà ga.
Cảm giác tay chạm vào túi, rút thẻ đi tàu ra. Tôi ghi nhận cảm giác hình ảnh cổng quẹt thẻ đi tàu, rồi cảm giác giơ tay quẹt thẻ suica. Rồi cảm giác âm thanh phát ra từ máy để tôi bước qua cửa từ để tiến vào tàu.
Cảm giác hình ảnh sinh diệt rõ nhất là khi ngồi trên tàu. Tàu ở Nhật chạy gần 200 km/h, nếu đi tàu cao tốc là hơn 300 km/h nên qua cửa kính chỉ THẤY cảm giác hình ảnh mà không hề BIẾT đó là gì. Lúc đó tôi hoàn toàn trong chánh niệm tỉnh giác, không có các kinh nghiệm, hiểu biết khởi lên. Người trống rỗng, nhẹ tênh, an nhiên như nhiên. Cảm giác an yên, trống rỗng khi chánh niệm tỉnh giác thật không ngôn từ nào có thể diễn tả cho được. Lúc đó thật sự là không yêu thích, không chán ghét, không ràng buộc gì cả. Tâm thật thoải mái.
Điểm thú vị nữa khi ngồi ngay trên tàu trên đường đi làm, đi gặp gỡ rằng bất cứ khi nào căn tiếp xúc với trần thì có một cảm giác. Tôi biết rất rõ và ghi nhận rằng “Đó chỉ là cảm giác và nó là Danh chứ không phải Sắc. Mà đã là cảm giác thì sinh lên rồi diệt đi, vô thường, vô chủ, vô sở hữu, không ai có thể điều khiển, nắm giữ hay xua đuổi được nó cả.” Vậy nên nếu tâm có thích hay ghét gì đó tôi chỉ cần nhắc tâm “Buông … buông… buông” thế là tâm nhẹ nhàng thư thái, an nhiên,…
Ngày mai tôi sẽ viết tiếp phần 3, bây giờ là lúc tôi phải rời nhà rồi!