M
ichael từng là một chàng “hot boy” sống ở miền Trung California, cả cuộc đời cậu xoay quanh việc chơi thể thao, tụ tập cùng bạn bè và tận hưởng cuộc sống vô lo. Michael chẳng tốn chút thời gian suy nghĩ hay hoạch định cho tương lai của mình. Cậu ấy chỉ làm xong những nhiệm vụ trước mắt mỗi ngày và cuộc sống có vẻ vô cùng suôn sẻ. Trái lại, mẹ cậu thì lại cực kỳ thích lập kế hoạch, bà ấy lên kế hoạch cho việc học đại học, chọn trường để đăng ký và thậm chí chọn luôn chuyên ngành cho cậu ấy. Cuối cùng Michael nhập học tại Đại học Bách khoa California, chuyên ngành kỹ sư xây dựng. Michael không hẳn là có hứng thú với việc trở thành một kỹ sư xây dựng, cậu chỉ làm theo kế hoạch mẹ mình đã vạch ra.
Michael tốt nghiệp đại học với điểm số khá ổn. Sau đó, cậu gặp gỡ và có tình cảm với Skylar, cô gái vừa tốt nghiệp đại học và quyết định chuyển đến Amsterdam để nhận công việc chuyên viên tư vấn. Vậy nên Michael đã đi cùng Skylar và cũng nhận một công việc kỹ sư xây dựng mang lại nhiều cơ hội và thù lao rất tốt. Một lần nữa, Michael hạnh phúc bước đi trên đường đời đã định sẵn cho cậu ấy. Chưa một lần nào cậu dừng lại để ngẫm nghĩ xem mình muốn làm gì, hay muốn trở thành một người như thế nào. Cậu chưa bao giờ tự nhận định về quan điểm sống hay quan điểm làm việc của bản thân, để mặc người khác tác động và định hướng cho mình; và cho tới thời điểm đó, mọi thứ đều ổn thỏa.
Sau thời gian sống ở Amsterdam, Michael chuyển về California cùng Skylar, giờ đã là vợ của cậu ấy, người may mắn tìm được một công việc tuyệt vời mà cô ấy yêu thích. Còn Michael thì xin vào làm việc cho một công ty xây dựng gần đó, từ lúc ấy mọi rắc rối bắt đầu. Cậu ấy vẫn làm tất cả những công việc mà kỹ sư xây dựng thường làm, nhưng giờ đây cậu cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi và khốn khổ. Cảm giác ấy khiến Michael trở nên bối rối, cậu không biết phải làm gì. Lần đầu tiên trong đời, kế hoạch của cậu không được suôn sẻ, và cũng không có một hướng đi sẵn có nào cả nên cậu ta hoàn toàn lạc lối.
Niềm tin sai lệch: Công việc không cần phải là một điều thú vị.
Tái định dạng nhận thức: Sự hứng thú chính là biển chỉ dẫn giúp bạn tìm thấy công việc thích hợp với bản thân.
Michael đã nhận được rất nhiều lời khuyên. Vài người bạn gợi ý cậu thành lập một công ty xây dựng của riêng mình, họ tin rằng vấn đề nằm ở chỗ cậu đang phải làm việc cho người khác. Bố vợ cậu thì lại bảo: “Con là một chàng trai thông minh, lại còn là kỹ sư nữa nên chắc chắn sẽ giỏi toán. Con nên làm trong mảng tài chính, hay là con thử làm nhân viên môi giới chứng khoán đi”. Michael nghĩ về tất cả những gợi ý cậu nhận được và bắt đầu tính toán đến chuyện nghỉ việc, sau đó quay lại trường để học tài chính, hoặc kinh doanh. Cậu ấy xem xét tất cả những lựa chọn này, đơn giản bởi chính cậu còn không biết thật sự vấn đề nằm ở chỗ nào. Là cậu ấy không hợp với ngành kỹ sư xây dựng? Hay là ngành kỹ sư xây dựng không hợp với cậu ấy? Hay đáng ra cậu ấy cứ tiếp tục chịu đựng, dù gì đi nữa thì đó cũng chỉ là một công việc thôi mà, đúng không?
Sai hoàn toàn.
Tìm lối đi riêng
Tìm lối đi là một điều mà từ xa xưa ông bà ta vẫn làm vì không biết đích đến chính xác. Để làm được điều đó thì bạn cần có một chiếc la bàn, không phải là một tấm bản đồ, mà là một công cụ giúp xác định phương hướng. Hãy nghĩ về hai nhà thám hiểm người Mỹ Lewis và Clark1. Họ không có trong tay một tấm bản đồ nào cả khi Jefferson bảo họ băng qua vùng Louisiana rộng lớn và tìm đường đến duyên hải Thái Bình Dương. Tự tay họ đã vẽ lại lộ trình tương đương với một trăm bốn mươi tấm bản đồ. Hành trình tìm lối đi cho cuộc sống của bạn cũng tương tự như thế, bởi cuộc đời chúng ta không có một đích đến cụ thể nào, bạn không thể nhập địa chỉ vào thiết bị định vị GPS và nghe theo hướng dẫn để đến được nơi đó. Điều bạn có thể làm là chú tâm vào những manh mối xuất hiện xung quanh và cố hết sức để tiến về phía trước với mọi công cụ mình có trong tay. Chúng tôi nghĩ những manh mối đầu tiên mà bạn cần tìm chính là sự gắn kết và năng lượng.
1. Cuộc thám hiểm nghìn dặm lịch sử xuyên nước Mỹ từ miền Đông sang miền Tây (1804 – 1806) do Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson yêu cầu Đại úy Meriwether Lewis thực hiện, vị này mời thêm Trung úy William Clark cùng tham gia dẫn đầu đoàn thám hiểm.
Sự gắn kết
Chẳng phải ngành kỹ sư xây dựng không hợp với Michael, chỉ là cậu đã không chú ý đúng mức đến cuộc sống của mình, ở tuổi ba mươi bốn, Michael không biết mình thích gì và không thích gì. Tại thời điểm tìm đến chúng tôi để kêu gọi sự giúp đỡ, cậu ấy đang trên bờ vực của sự đảo lộn hoàn toàn về mặt cuộc sống và sự nghiệp, không vì một lý do nào cả. Chúng tôi bảo cậu ấy dành ra vài tuần để thực hiện bài tập ghi chép mỗi tối, qua đó Michael sẽ ghi lại chính xác những việc mình đã làm mỗi khi cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi hay không hạnh phúc với công việc (quãng thời gian cậu cảm thấy không gắn kết ). Cậu cũng sẽ ghi chép lại những khi cảm thấy hào hứng, tập trung và có một quãng thời gian vui vẻ trong công việc (quãng thời gian cậu cảm thấy gắn kết ). Hoạt động đó của Michael được chúng tôi gọi là Nhật ký Cảm xúc .
Tại sao chúng tôi lại để Michael làm bài tập này (đúng vậy, chúng tôi cũng sẽ bảo bạn thực hiện bài tập này)? Đó là vì chúng tôi đang cố giúp cậu ấy nắm bắt quãng thời gian vui vẻ mà mình có được. Khi bạn nhận ra được những hoạt động gắn kết với bản thân, bạn sẽ khai phá được một điều gì đó vô cùng có ích cho công việc thiết kế cuộc sống. Hãy nhớ rằng những nhà thiết kế luôn có khuynh hướng hành động, nói cách khác là họ luôn chú tâm vào việc thực hiện một hành động nào đó, không chỉ đơn giản là suy nghĩ về nó. Hãy ghi chép lại những lúc bạn cảm thấy bản thân có hoặc không gắn kết và dồn tâm huyết vào công việc; điều này sẽ giúp bạn chú tâm hơn vào chuyện mình đang làm và phát hiện những điểm không ổn.
Phiêu là cảm giác hoàn toàn gắn kết
Phiêu là trạng thái mà trong đó thời gian như ngừng trôi và bạn hoàn toàn đắm chìm vào một hoạt động nào đó. Nếu thử thách bạn gặp phải trong một hoạt động nhất định phù hợp với kỹ năng sẵn có, hoặc là bạn sẽ cảm thấy nhàm chán do hoạt động quá dễ, hoặc là bạn sẽ cảm thấy lo lắng tột độ do hoạt động quá khó. Mọi người mô tả sự gắn kết này như là một trạng thái “phởn phơ”, “phong độ” và “tuyệt cú mèo”. Trạng thái phiêu được phát hiện bởi Giáo sư Mihaly Csikszentmihalyi, người đã nghiên cứu về hiện tượng này từ những năm 1970. Ông đã nghiên cứu tỉ mỉ về các hoạt động của hàng nghìn người trong đời sống thường ngày của họ và khoanh vùng trạng thái vô cùng đặc biệt khi người ta cảm thấy được gắn kết một cách mãnh liệt.
Những người đang trong trạng thái phiêu thường có các biểu hiện sau:
Phiêu có thể xuất hiện trong hầu hết các hoạt động thể chất hay tinh thần, và thường xuyên nhất là khi cả hai loại hoạt động kết hợp. Dave rơi vào trạng thái phiêu khi chỉnh sửa các chi tiết trong kế hoạch giảng dạy, hay những lúc ngồi hóng mát trên thuyền, điều chỉnh cột buồm theo hướng gió lên. Bill thừa nhận rằng những lúc anh đưa ra lời khuyên cho học sinh, phác họa ý tưởng hay cắt một củ hành với con dao yêu thích là những thời khắc anh cảm thấy dễ phiêu nhất. Phiêu là một trong những trạng thái rất khó để diễn tả nhưng ai cũng biết cảm giác ấy ra sao. Như một trạng thái gắn kết cá nhân cơ bản của con người, cảm giác phiêu chiếm giữ vị trí đặc biệt trong quá trình thiết kế cuộc sống, hãy nắm bắt và lưu giữ các thời điểm “phiêu” để ghi nhận vào Nhật ký Cảm xúc của bạn.
Phiêu là cuộc chơi cho người lớn. Trong bảng đánh giá thiết kế cuộc sống, chúng ta có các thước đo về sức khỏe, công việc, vui chơi và tình yêu. Yếu tố chúng ta cảm thấy dễ thoái thác nhất trong cuộc sống hiện đại chính là vui chơi. Bạn có thể nghĩ rằng chúng ta có quá nhiều trách nhiệm cần phải gánh vác nên phải bớt vui chơi lại. Tất nhiên, chúng ta luôn có thể cố gắng để công việc và nhiệm vụ liên quan nhiều hơn đến những kỹ năng ta thích, nhưng nói thẳng thì đó vẫn là công việc chứ chẳng phải vui chơi gì. Có thể đúng, cũng có thể không. Phiêu chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa đến nơi gọi là khu vui chơi dành cho người lớn. Một sự nghiệp huy hoàng và xứng đáng thường bao gồm rất nhiều khoảnh khắc phiêu. Bản chất của vui chơi chính là bạn hoàn toàn hòa mình vào nó và cảm thấy vui vẻ với những gì mình đang làm, không bị phân tâm bởi nỗi lo về kết quả đạt được. Khi chúng ta đang phiêu, chúng ta thật sự chìm đắm trong hiện thực đến nỗi chẳng hề để ý đến thời gian. Nhận định theo hướng này, phiêu là rất cần thiết cho cuộc sống.
Năng lượng
Sau sự gắn kết, manh mối thứ hai để tìm kiếm lối đi chính là năng lượng. Con người, cũng như tất cả những thực thể sống khác, đều cần năng lượng để tồn tại và phát triển. Tổ tiên ta từng sử dụng hầu hết năng lượng hằng ngày của họ cho những công việc thể chất. Trong lịch sử loài người, đàn ông và phụ nữ đã luôn tay luôn chân săn bắt, hái lượm, nuôi con và trồng trọt. Hầu hết thời gian được dùng vào việc tiêu hao năng lượng thể chất đến hết mức có thể.
Ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta là những người làm việc trí óc, và chúng ta sử dụng não để thực hiện công việc, trong khi não là cơ quan cần sử dụng nhiều năng lượng nhất. Trong gần hai ngàn calo chúng ta tiêu thụ mỗi ngày thì hết năm trăm calo được dùng cho bộ não. Điều đáng ngạc nhiên là bộ não tuy chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng lại tiêu hao đến 25% năng lượng chúng ta nạp vào mỗi ngày. Có lẽ vì vậy mà cách chúng ta đầu tư sự tập trung lại liên quan đến việc ta có cảm thấy tràn trề năng lượng hay không.
Cả một ngày dài, chúng ta thực hiện những hoạt động thể chất và tinh thần khác nhau. Một số hoạt động duy trì năng lượng và một số rút hết năng lượng ta có. Chúng tôi muốn bạn dõi theo dòng chảy năng lượng đó như là một phần của bài tập ghi lại Nhật ký Cảm xúc. Một khi bạn đã có thể quản lý tốt cách sử dụng năng lượng mỗi tuần, bạn có thể bắt đầu thiết kế các hoạt động để tăng cường sức sống của mình. Hãy nhớ rằng thiết kế cuộc sống là để thu được những kết quả tốt nhất từ cuộc sống hiện tại, không chỉ là tái thiết một cuộc sống hoàn toàn mới. Cho dù lý do khiến bạn tìm đến quyển sách này là gì thì mục đích của việc thiết kế cuộc sống vẫn là để củng cố và nâng cao đời sống của bạn mà không cần thực hiện những thay đổi lớn như chuyển chỗ làm, dọn nhà đi đâu đó hay trở lại trường học.
Có thể bạn sẽ thắc mắc: “Chẳng phải theo dõi mức độ năng lượng cũng giống như theo dõi mức độ gắn kết của mình à?”. Đúng, và không đúng. Đúng là vì mức độ thân thiết, gắn kết cao thường đi đôi với mức năng lượng tăng cao, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Một đồng nghiệp của Dave, vốn rất thông minh, nhanh nhạy – cảm thấy rằng việc tranh luận để bảo vệ ý kiến là một hoạt động khiến ông cảm thấy vô cùng gắn kết, nó khiến ông trở nên sáng suốt. Ông rất giỏi tranh luận và đồng nghiệp thường tìm đến để nhờ ông đưa ra ý kiến biện hộ giúp họ. Nhưng ông nhận ra rằng việc tranh cãi khiến mình cảm thấy kiệt quệ, dù là người chiến thắng nhưng ông vẫn có cảm giác tệ hại mỗi khi kết thúc cuộc tranh chấp. Năng lượng đôi khi cũng rất lạ, nó có thể mang đến cảm giác tiêu cực, hút hết năng lượng của chúng ta đến độ ta chẳng màng quan tâm đến chuyện xảy đến tiếp theo. Sự buồn chán chính là một dạng bòn rút năng lượng, nhưng hồi phục từ trạng thái buồn chán dễ hơn nhiều so với hồi phục từ trạng thái kiệt quệ năng lượng. Vậy nên việc để ý đến mức độ năng lượng của bản thân là rất quan trọng.
Vui là trên hết
Sau khi ghi lại Nhật ký Cảm xúc và chú ý đến những lúc bản thân cảm thấy gắn kết, hoặc “phiêu”, Michael nhận ra rằng anh ấy yêu công việc kỹ sư xây dựng của mình những khi anh được giải quyết các vấn đề kỹ thuật khó và phức tạp. Thời điểm bị hút kiệt năng lượng và khiến anh ấy cảm thấy cực khổ nhất chính là những lúc tiếp xúc với đồng nghiệp cau có, những lúc phải thực hiện các công việc quản trị và đảm đương những điều lặt vặt không chút liên quan đến chuyên môn.
Cuối cùng thì lần đầu tiên trong đời, Michael cũng chịu để ý đến những thứ thật sự có hiệu quả và phù hợp đối với anh ấy. Kết quả thật kỳ diệu, chỉ bằng cách phát hiện ra những lúc anh ấy cảm thấy hài lòng khi làm việc, cũng như những điều khiến năng lượng của anh ấy tăng lên hay hạ xuống, Michael đã nhận ra rằng anh ấy thật sự yêu thích công việc kỹ sư xây dựng. Anh chỉ không thích nổi những việc liên quan đến con người, như viết bản kiến nghị, báo cáo, gặp gỡ và thương lượng,... Michael sẽ phải tìm cách sắp xếp công việc sao cho anh ấy có nhiều cơ hội làm công việc mình thích hơn. Thay vì quay lại học kinh doanh, Michael quyết định nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật của mình. Cuối cùng anh quyết định học lên tiến sĩ và trở thành một kỹ sư cấp cao, dành hầu hết thời gian làm việc một mình, nghiên cứu về những vấn đề kỹ thuật phức tạp, và công việc này khiến anh ấy cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thỉnh thoảng, vào những ngày đẹp trời, anh ấy trở về nhà thậm chí với nhiều năng lượng hơn lúc anh rời nhà đi làm ban sáng. Đó quả là một công việc tuyệt vời.
Và đây là một yếu tố quan trọng khác khi bạn tìm kiếm lối đi trong cuộc sống của mình, hãy đi theo niềm vui, đi theo điều khiến bạn cảm thấy hào hứng và được gắn kết, điều khiến bạn cảm thấy tràn trề sức sống. Đa số chúng ta được dạy rằng công việc thì luôn khó nhọc và chúng ta phải chịu đựng nó. Ừ thì, công việc và sự nghiệp nào cũng có những phần rất khó nhọc và mang lại cảm giác khó chịu. Nhưng nếu phần lớn công việc bạn đang làm không khiến bạn cảm thấy tràn trề sức sống, thì có nghĩa là nó đang giết chết bạn. Sau tất cả, đó là sự nghiệp của chính bạn cơ mà, và bạn sẽ còn dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời này cho nó. Tính ra thì công việc chiếm từ chín mươi ngàn đến một trăm hai mươi lăm ngàn giờ trong cuộc đời bạn; nếu công việc không vui, một quãng rất lớn trong cuộc đời của bạn sẽ vô cùng tệ hại.
Giờ thì điều gì khiến công việc của bạn trở nên vui vẻ? Không phải là điều gì đó bạn nghĩ đến đâu. Không phải là bữa tiệc văn phòng không có hồi kết. Không phải được trả thật nhiều tiền. Cũng không phải nhiều tuần nghỉ phép hưởng lương. Công việc trở nên vui vẻ khi bạn thật sự tận dụng thế mạnh của mình, hoàn toàn đắm chìm vào công việc mình đang làm và được tiếp thêm năng lượng.
Mục tiêu
Ở giai đoạn này, chúng tôi thường hỏi: “ Chà, mọi thứ đều thật tuyệt, nhưng thế thì mục tiêu và nhiệm vụ nắm vai trò gì? Cuộc sống này có nhiều thứ hơn việc chỉ cảm thấy gắn bó và tràn trề năng lượng. Tôi muốn được làm những việc mà tôi thật sự quan tâm, những việc mà đối với tôi nó quan trọng và có vai trò thiết yếu” .
Chính xác. Đó là lý do vì sao chúng tôi nói bạn cần phải tạo cho mình một chiếc la bàn, kết hợp giữa quan điểm làm việc và quan điểm sống của bạn. Như chúng tôi đã gợi ý, việc đánh giá xem công việc của bạn phù hợp như thế nào với các giá trị và các ưu tiên trong cuộc sống là một việc thiết yếu. Có một liên kết chặt chẽ giữa công việc của bạn với bản chất của bạn và niềm tin bạn có. Chúng tôi không khuyên bạn tạo nên một cuộc sống chỉ tập trung vào sự gắn kết và mức độ năng lượng. Chúng tôi khuyên bạn chú ý đến sự gắn kết và mức độ năng lượng để có thể nhìn ra những manh mối hữu dụng cho quá trình tìm kiếm lối đi phía trước của bạn. Thiết kế cuộc sống bao gồm một chuỗi những ý tưởng và công cụ có thể phối hợp hoạt động một cách linh động với nhau. Chúng tôi sẽ cho bạn rất nhiều lời khuyên và gợi ý, nhưng cuối cùng, bạn mới chính là người sẽ quyết định xem nên tập trung vào cái gì và làm thế nào để sắp xếp dự án thiết kế cuộc sống của chính bạn. Bây giờ thì hãy bắt đầu với Nhật ký Cảm xúc của bạn nào.
Bài tập Nhật ký Cảm xúc
Chúng tôi muốn bạn thử làm một cuốn Nhật ký Cảm xúc, như những gì Michael đã làm. Cách viết nhật ký là hoàn toàn tùy vào bạn, bạn có thể viết vào sổ tay, tập vở hoặc thậm chí là trên máy tính. Điều quan trọng nhất là bạn nghiêm túc thực hiện công việc này và ghi chép lại thường xuyên.
Cuốn Nhật ký Cảm xúc bao gồm hai phần:
Phần Nhật ký Hoạt động đơn giản là một danh sách những hoạt động cơ bản mà bạn thực hiện, mức độ gắn kết và năng lượng được tiếp thêm của bạn đối với hoạt động đó. Chúng tôi khuyên bạn nên viết Nhật ký Hoạt động mỗi ngày để chắc chắn rằng bạn giữ lại được những thông tin hữu dụng nhất. Nếu bạn cảm thấy viết ít ngày sẽ dễ hơn thì cũng được, nhưng hãy ghi lại các hoạt động ít nhất hai lần mỗi tuần, nếu không thì bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ. Bạn có thể dùng mẫu giấy ở cuối chương này, có kèm thước đo độ gắn kết và mức độ năng lượng được tiếp thêm cho bạn bởi hoạt động bạn thực hiện, bạn cũng có thể tải mẫu giấy này tại www.designingyour.life hoặc tự vẽ thước đo này vào cuốn nhật ký, cách gì cũng được miễn là bạn thấy thích và ghi chú đầy đủ các thông tin lại trên giấy.
Tất cả chúng ta đều được tiếp thêm động lực bởi những dạng hoạt động khác nhau. Công việc của bạn là phải tìm ra những điều có thể tiếp thêm động lực cho bạn, càng chi tiết càng tốt. Sẽ tốn khá nhiều thời gian để thực hiện việc này, bởi vì nếu bạn giống hầu hết mọi người, bạn không chú tâm đúng mức vào những điều này. Tất nhiên, có những hôm chúng ta đều trở về nhà vào cuối ngày và thốt lên: “Một ngày tuyệt vời” hay “Một ngày tồi tệ”. Nhưng chúng ta ít khi đi vào chi tiết về trải nghiệm. Một ngày được tạo nên từ rất nhiều khoảnh khắc khác nhau, một số khoảnh khắc tuyệt vời, và một số thì tồi tệ, hầu hết những khoảnh khắc khác nằm đâu đó ở đoạn giữa. Công việc của bạn là ghi chép lại chi tiết một ngày và nắm bắt những lúc bạn cảm thấy vui vẻ.
Phần thứ hai của Nhật ký Cảm xúc chính là Chiêm nghiệm. Hãy nhìn lại phần Nhật ký Hoạt động của bạn, để ý những xu hướng, những vấn đề sâu sắc, những điều đáng ngạc nhiên, bất cứ điểm nào có thể trở thành manh mối dẫn đến kết luận về điều phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện viết nhật ký trong ít nhất ba tuần, hay bao lâu tùy thích để chắc chắn rằng bạn đã ghi lại được hết tất cả những hoạt động khác nhau đang diễn ra trong đời sống của mình. Sau đó chúng tôi khuyên bạn thực hiện phần Chiêm nghiệm mỗi tuần một lần.
Sự chiêm nghiệm của Bill bao gồm quá trình quan sát sau:
Anh nhận ra rằng lớp học vẽ và thời gian làm việc đã tạo ra trạng thái “phiêu”; việc đi dạy và “đêm hẹn hò” là những hoạt động tạo ra nhiều năng lượng hơn số năng lượng chúng tiêu thụ. Tăng tần suất những hoạt động kể trên sẽ giúp tiếp thêm năng lượng cho một tuần mới của anh ấy. Buổi họp khoa hằng tuần đôi lúc xuất hiện những cuộc hội thoại vô cùng thú vị, nhưng đôi lúc thì không. Vậy nên anh ấy đã vẽ đến tận hai mũi tên trên biểu đồ của mình. Anh ấy không hề ngạc nhiên khi bị những buổi họp bàn về tài chính hút cạn năng lượng trong ngày, Bill chưa bao giờ hứng thú với những vấn đề tài chính.
Vì vậy, Bill sửa đổi lịch làm việc của mình để thay thế những hoạt động ít gắn bó bằng những hoạt động mang nhiều tính gắn kết hơn và tự thưởng mỗi khi hoàn thành xong một việc mang năng lượng tiêu cực. Cách tốt nhất để đối phó với những hoạt động mang năng lượng tiêu cực là bảo đảm rằng bạn đã nghỉ ngơi và có đủ năng lượng dự trữ cần thiết để giải quyết chúng một cách đúng đắn.
Bill ngạc nhiên khi thấy công việc hướng dẫn các sinh viên bậc thạc sĩ, những sinh viên mà anh rất yêu quý và dành hầu hết thời gian cho họ, lại là công việc bòn đi sức lực của anh nhiều nhất. Sau khi ghi chép lại một chút về hoạt động đó, anh nhận ra hai điều: một là anh ấy đã cố hướng dẫn cho sinh viên của mình trong một môi trường tệ hại, giảng đường vừa cao vừa ồn ào; và hai là tương tác trong giờ dạy của anh ấy không cao lắm, tức là sinh viên của anh không “nắm bắt” được nội dung. Hai điều đó dẫn đến quá trình tái thiết kế môi trường lớp học tối thứ Ba của anh – Bill chuyển sang phòng học khác và thay đổi cấu trúc lớp hướng dẫn từ một buổi gặp mặt cá nhân với từng sinh viên, thành buổi hướng dẫn cho cả một nhóm nhỏ. Như vậy thì các sinh viên có thể giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình tương tác. Những thay đổi này đã trở nên vô cùng hiệu quả đến mức mà một vài tuần sau, Bill thường xuyên rơi vào trạng thái “phiêu” khi tham gia hướng dẫn cho sinh viên. Phần quản lý tài chính vẫn tồi tệ như vậy, tất nhiên, nhưng hoạt động này không đóng vai trò lớn trong công việc, và sự “phiêu” mới xuất hiện gần đó cũng khiến hoạt động này trở nên dễ thở hơn nhiều.
Bill sử dụng Nhật ký Cảm xúc của anh ấy để cải thiện bản thiết kế cuộc sống hiện tại. Còn Michael thực hiện bài tập này để tìm ra chiến lược đúng đắn cho con đường sự nghiệp của mình. Họ có những mục tiêu vô cùng khác nhau và thu được những kết quả cũng hoàn toàn khác nhau. Nhưng cả hai đều sử dụng chung một kỹ thuật, đó là chú tâm vào những điều gắn kết và tiếp thêm năng lượng cho họ.
Phóng to ra để nhìn rõ hơn
Sau một đến hai tuần, khi bạn đã có một phần ghi chép tương đối nhiều và đầy đủ trong cuốn Nhật ký Cảm xúc và bắt đầu để ý đến những điều thú vị, đây chính là lúc để bạn nâng bài tập này lên một mức độ cao hơn. Cơ bản là sau khi bạn đã bắt đầu quen với việc chú ý đến hoạt động hằng ngày, bạn sẽ thấy rằng một số bản ghi chép nhật ký trở nên cụ thể hơn trước kia, đó là vì bạn cần phải phóng to ra để nhìn được kỹ càng hơn. Ý tưởng ở đây chính là cố gắng trở nên càng cụ thể càng tốt. Càng có cái nhìn rõ nét về điều gì là hiệu quả, điều gì không, bạn sẽ càng thành thạo hơn trong việc tìm hướng đi cho bản thân. Ví dụ, lúc đầu bạn chỉ ghi là: “Họp nhân viên: Hôm nay là lần duy nhất thật sự cảm thấy thích thú với nó!”. Biết đâu sau khi đọc lại, bạn có thể viết một cách cụ thể hơn: “Họp nhân viên: Cảm thấy thật tuyệt khi tôi nhắc lại lời Jon nhận xét và mọi người ai cũng tán thưởng”. Phiên bản cụ thể hơn như thế này sẽ kể được một câu chuyện hữu ích hơn về việc chính xác thì hoạt động gì hay phản ứng gì đã khiến bạn cảm thấy được gắn kết hơn. Và việc đó mở ra một cánh cửa đến với khả năng phát triển nhận thức bản thân lớn hơn. Khi những ghi chép của bạn chứa đựng những chi tiết như vậy, quá trình chiêm nghiệm có thể sẽ sâu sắc hơn. Trong quá trình ghi chép lại những chiêm nghiệm của bản thân dựa trên đoạn nhật ký về buổi họp nhân viên đó, bạn có thể sẽ tự vấn: “Là mình đã cảm thấy gắn kết hơn nhờ việc nhắc lại lời nhận xét của Jon một cách tâm đầu ý hợp (bắt đúng tần số) hay nhờ vào phản ứng đồng nhất của các nhân viên (trở thành người tạo nên khoảnh khắc cả đội cùng đồng lòng hưởng ứng)?”. Nếu bạn cho rằng khoảnh khắc phản ứng nhanh nhạy đó của bạn chính là điểm mấu chốt khiến buổi họp nhân viên trở nên tuyệt hơn, thì nhận định đó có thể giúp bạn tìm kiếm thêm nhiều cơ hội để khơi gợi phản ứng đồng lòng từ nhóm của bạn. Hãy thực hiện quá trình quan sát những điều như thế và rút ra những chiêm nghiệm mà bạn cảm thấy hữu ích (và chỉ đến đó thôi, đừng đi xa hơn kẻo bạn sẽ bị mắc kẹt trong chính những dòng nhật ký của mình đấy).
AEIOU
Không phải lúc nào chúng ta cũng có được những nhận định tốt từ phần Chiêm nghiệm của Nhật ký Cảm xúc. Vậy nên sau đây là một công cụ mà các nhà thiết kế dùng để quan sát một cách cụ thể và chi tiết, cũng như phần nào rèn luyện tư duy ham tìm tòi học hỏi; đó chính là phương thức AEIOU. Phương thức này sẽ cung cấp năm bộ câu hỏi mà bạn có thể sử dụng khi viết phần Chiêm nghiệm cho Nhật ký Hoạt động của mình.
A – Activities (Hoạt động)
Chính xác thì bạn đã làm những gì? Đó là hoạt động có cấu trúc hay không có cấu trúc? Bạn có nắm vai trò cụ thể nào không hay chỉ đơn giản là một người tham gia?
E – Environments (Môi trường)
Môi trường có tác động sâu sắc đến trạng thái cảm xúc của chúng ta. Cảm xúc của bạn ở sân vận động bóng đá sẽ khác với cảm xúc khi bạn ở nhà thờ.
Hãy để ý xem bạn đang ở đâu khi tham gia vào các hoạt động đó. Nơi đó như thế nào, và cảm giác nơi đó mang lại cho bạn là gì?
I – Interactions (Tương tác)
Tương tác giữa bạn và người khác là như thế nào? Đó có phải một loại hình tương tác mới không, hay là kiểu tương tác quen thuộc? Loại hình tương tác đó trang trọng hay thân mật?
O – Objects (Vật thể)
Bạn có tương tác với vật thể hay thiết bị nào không? Ví dụ như iPad, điện thoại thông minh, gậy khúc côn cầu hay thuyền buồm chẳng hạn? Vật thể đã tạo ra hay nâng cao sự gắn kết của bạn với hoạt động đó là vật thể gì?
U – Users (Người tham gia)
Có ai khác cũng ở đó không? Họ đóng vai trò gì trong việc tạo nên trải nghiệm cho bạn, trải nghiệm tiêu cực hay tích cực?
Sử dụng AEIOU thật sự có thể mang đến cho bạn cái nhìn cận cảnh để phát hiện ra chính xác điều gì là phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Dưới đây là hai ví dụ:
Lydia là một nhân viên soạn thảo hợp đồng. Công việc của cô ấy là giúp đỡ những chuyên gia thực hiện các bước làm hồ sơ, giấy tờ. Và cô ấy nhận định rằng cô ghét làm việc với con người, lý do chủ yếu đến từ việc mỗi khi họp xong cô đều cảm thấy thật tồi tệ, nhưng lại cảm thấy thật tuyệt khi được ghi chép cả ngày. Khi bắt đầu viết Nhật ký Cảm xúc, Lydia thắc mắc không biết làm thế nào cô có thể tiếp tục đi làm mà không cần phải đi họp thêm một lần nào nữa, và cô đã sử dụng phương pháp AEIOU. Khi phóng to từng hoạt động, cô ấy nhận thấy rằng bản thân thật sự có thể làm việc tốt với con người, nhưng là khi cô chỉ gặp mặt một hoặc hai người thôi, và đó là những khi cô hăng say viết lách hay động não để đóng góp ý kiến cho dự án mới (A - Hoạt động). Cô ghét những buổi họp về các vấn đề như lên kế hoạch, sắp xếp lịch, thảo luận chiến lược kinh doanh và tất cả những buổi họp có trên sáu người tham gia. Chỉ là cô ấy không thể theo sát hết những quan điểm khác nhau của mọi người (E - Môi trường). Lydia nhận ra rằng hóa ra cô là một nhân viên nhiệt huyết và tập trung cao độ. Vấn đề nằm ở chỗ lòng nhiệt huyết của cô có thể được tiếp thêm hoặc bị phá hỏng đi bởi người khác (U - Người tham gia), nó phụ thuộc vào loại hình cộng tác giữa họ (I - Tương tác).
Basra thì đơn giản là thích môi trường học đường. Chỉ cần được ở trong khuôn viên trường đại học thì cô trở nên vô cùng vui vẻ (E - Môi trường). Vậy nên cô ấy chọn làm việc tại trường đại học, trong khoảng năm đến sáu năm, cô ấy đã hạnh phúc với tất cả mọi thứ, kể cả việc gây quỹ hay hướng dẫn sinh viên mới (A - Hoạt động). Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu mờ nhạt đi, cô ấy lo lắng rằng tình cảm của mình dành cho ngành giáo dục đã cạn kiệt. Basra bắt đầu làm quen với Nhật ký Cảm xúc và nhận ra rằng cô vẫn yêu quý trường học như ngày nào, chỉ là cô đã làm sai công việc. Khi đó cô đã ngấp nghé ngưỡng ba mươi, lúc này đây, chỉ yếu tố môi trường thôi là chưa đủ, vai trò của bản thân lúc này cũng vô cùng quan trọng. Cô ấy đã được thăng chức từ nhân viên phòng Công tác Học sinh Sinh viên lên Phòng Pháp chế, nơi cô phải tham gia rất nhiều buổi họp cùng Ban Quản trị và Luật sư (U - Người tham gia) và quản lý các giấy tờ pháp lý liên quan (O - Vật thể). Sau khi nhận ra điều đó, cô xin được làm một vị trí khiêm tốn hơn trong Ban Nội vụ. Ở đó, lại một lần nữa, cô ấy tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc của mình.
Mỗi khi thực hiện phần Chiêm nghiệm trong Nhật ký Cảm xúc, bạn hãy thử áp dụng phương pháp AEIOU này để có cái nhìn sâu sắc hơn. Quan trọng là hãy ghi chép lại tất cả những gì đã xảy ra và đừng phán xét bản thân. Không có khái niệm đúng hay sai cho những cảm giác bạn có được từ trải nghiệm của bản thân. Điều cần chú ý ở đây là chính những thông tin này sẽ trở nên vô cùng hữu dụng cho quá trình thiết kế cuộc sống của bạn.
Ngẫm lại quá khứ
Quá khứ của bạn cũng đang chờ đợi để được đào bới kỹ lưỡng, đặc biệt là những khoảnh khắc trên cao, hay còn gọi là “trải nghiệm đỉnh cao”. Những trải nghiệm đỉnh cao trong quá khứ của chúng ta, thậm chí là từ lâu lắm rồi, sẽ được gợi lại. Hãy dành chút thời gian để chiêm nghiệm lại những khoảnh khắc trong quá khứ khi bạn có được trải nghiệm đỉnh cao liên quan đến công việc. Sau đó hãy thực hiện phần Nhật ký Hoạt động và Chiêm nghiệm trong cuốn Nhật ký Cảm xúc để xem bạn tìm được gì từ quá khứ ấy. Những kỷ niệm ở lại bên bạn đều có lý do của nó. Bạn có thể liệt kê ra một danh sách những trải nghiệm đỉnh cao của bản thân, hoặc viết chúng ra dưới dạng bài tường thuật hay một câu chuyện. Quá trình bạn thuật lại câu chuyện về quãng thời gian tuyệt vời khi bạn còn trong đội chuyên lên kế hoạch cho sự kiện họp mặt bán hàng; hay khi bạn soạn ra cuốn sổ tay nhật ký và mọi người chuyền tay nhau đọc, còn những người mới xem đó như là tiêu chuẩn cho cả quá trình, sẽ giúp bạn dễ dàng rút ra được cái nhìn sâu sắc hơn để áp dụng vào việc đối diện với trường hợp hiện tại.
Việc tìm về những trải nghiệm trong quá khứ đặc biệt hữu dụng nếu hiện tại bạn đang cố gắng để thực hiện phương pháp Nhật ký Cảm xúc thật thành công. Nếu giả dụ bạn còn phân vân trước quyết định chọn nghề thì phương pháp này cũng sẽ rất hữu dụng bởi bạn chỉ vừa bắt đầu dấn thân vào giới chuyên nghiệp mà lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Nếu vậy, hãy thử nghĩ về các hoạt động mà bạn đã làm ở những lĩnh vực khác trong cuộc sống, chẳng hạn như những dự án ở trường, những chương trình trại hè, những dự án tình nguyện, bất cứ thứ gì mà bản thân bạn cảm thấy vô cùng gắn bó, tất cả đều có thể trở nên hữu dụng. Khi nhìn lại, đừng quá nâng niu những ngày tháng tươi đẹp hay quá hà khắc với quãng đời tồi tệ của mình; hãy cứ thành thật một chút với bản thân, chỉ vậy thôi.
Tận hưởng hành trình của mình
Cũng như hai nhà thám hiểm Lewis và Clark, giờ đây bạn chuẩn bị phác họa tấm bản đồ về một miền đất đã bị che phủ từ lâu, sau khi bắt đầu thấy được những cơ hội từ miền đất ấy. Bạn đang chuyển dần từ cấp độ nhận thức này sang cấp độ nhận thức khác để thật sự khám phá cảm nhận của chính bạn về nhiều điều. Bạn đã bắt đầu hành trình tìm kiếm lối đi rồi, hãy chuyển từ vị trí bạn đang ở hiện tại đến một vị trí khả quan hơn. Giờ đây, với hành trang là chiếc la bàn và cuốn Nhật ký Cảm xúc, chúng tôi tin bạn sẽ làm thật tốt việc tìm kiếm lối đi cho mình.
Michael đã tìm ra lối đi của anh ấy.
Lewis và Clark đã tìm ra lối đi của họ.
Bạn cũng có thể tìm ra lối đi của chính mình.
Trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ đưa ra càng nhiều phương án càng tốt để bạn có thể thử nghiệm nhiều điều khác nhau và tạo một khung mẫu cho bản thiết kế của mình. Để làm được điều đó, chúng ta cần làm quen với các bước thực hiện Sơ đồ Tư duy.
Thử nghiệm
Nhật ký Cảm xúc
1. Viết nhật ký về các hoạt động hằng ngày, sử dụng mẫu giấy được cung cấp sẵn ở đây hoặc ghi chú theo ý thích cá nhân bạn. Ghi lại những lúc bạn cảm thấy gắn bó hoặc được tiếp thêm năng lượng, cũng như hoạt động bạn làm khi đó. Cố gắng thực hiện bài tập này mỗi ngày, hoặc ít nhất là vài ngày một lần.
2. Tiếp tục công việc ghi chép nhật ký trong vòng ba tuần.
3. Cuối mỗi tuần, hãy ghi xuống phần Chiêm nghiệm của bạn, xem thử những hoạt động nào khiến bạn cảm thấy gắn bó và được tiếp thêm năng lượng, những hoạt động nào không.
4. Có điều gì đáng ngạc nhiên trong phần Chiêm nghiệm của bạn không?
5. Hãy nhìn nhận kỹ càng và cụ thể về từng hoạt động có/không khiến bạn cảm thấy gắn kết và được tiếp thêm năng lượng.
6. Sử dụng phương pháp AEIOU, vốn rất cần thiết trong việc giúp bạn thực hiện bước chiêm nghiệm về các hoạt động.