G
rant đang làm việc tại một công ty cho thuê xe hơi lớn, sau khi bắt đầu quá trình viết Nhật ký Cảm xúc, anh nhận ra mình dành phần lớn thời gian trong ngày cho các hoạt động mà bản thân chẳng thấy gắn kết hay được tiếp thêm năng lượng. Anh ghét phải xử lý những vị khách giận dữ. Anh ghét phải hoàn chỉnh những bản hợp đồng xếp thành chồng. Anh ghét phải lặp lại một kịch bản y đúc mỗi ngày. Anh ghét phải liên tục dụ dỗ khách hàng mua thêm sản phẩm đi kèm. Nhưng trên hết, anh ấy ghét việc bản thân mình chẳng mảy may cảm thấy đó là vấn đề. Anh không muốn trở thành một con người nhỏ bé, một bánh răng tầm thường trong bộ máy vận hành của công ty. Grant muốn được làm việc ở một nơi mà anh có thể để lại dấu ấn riêng của mình, anh mong tạo được sức ảnh hưởng và muốn những gì anh làm trở nên quan trọng với một ai đó, bất kỳ ai.
Grant không hoàn toàn ghét bỏ công việc của mình, nhưng anh ấy chưa từng trải nghiệm cảm giác nào gần với trạng thái “phiêu” khi làm việc. Công việc của anh về cơ bản chỉ là một chuỗi ngày khốn khổ mờ mịt. Trong giờ làm, anh liên tục xem đồng hồ rồi lại đợi chờ đến lúc được trả lương hằng tuần. Cuối tuần dường như mãi chẳng đến, đến rồi thì lại trôi qua quá nhanh. Thời khắc duy nhất anh ấy cảm thấy thích thú thật sự là khi đi bộ băng qua khu rừng gỗ đỏ, hoặc là chơi một trận bóng rổ ngẫu hứng cùng bạn bè, hay thậm chí là lúc giúp cháu mình làm bài tập về nhà.
Nhưng những điều trên đều không giúp Grant kiếm ra tiền.
Giờ đây, khi sắp được thăng chức lên vị trí quản lý kho, Grant cảm thấy bế tắc hơn bao giờ hết. Tuy không hề ước mơ vào làm việc tại hãng cho thuê xe ô tô, nhưng dù có nghĩ nhiều thế nào thì anh vẫn không nảy ra được một ý tưởng nào thực tế hơn hay một sự nghiệp thú vị hơn. Anh ấy thậm chí không biết phải bắt đầu từ đâu. Tất nhiên, anh cũng mơ ước trở thành một ngôi sao nhạc rock, một vận động viên bóng chày tham gia giải đấu lớn. Nhưng anh ấy chẳng hát, chẳng chơi được nhạc cụ nào và cũng không tham gia giải đấu nào kể từ khi mười hai tuổi. Grant theo đuổi chuyên ngành văn học tại một trường cao đẳng, ra trường và làm công việc đổi lấy đồng lương chỉ nhỉnh hơn mức cơ bản một chút. Grant thật sự không muốn dành cả đời mình để cho thuê xe ô tô, nhưng lại cảm thấy bản thân chẳng còn lựa chọn nào khác, anh ấy nghĩ: “Chỉ là một số người sinh ra đã thiếu may mắn” và “ Chỉ là một số người không có cơ hội để lại dấu ấn của mình trên đời ”.
Grant cảm thấy mình là một kẻ thất bại bởi anh ấy nghĩ rằng tất cả những gì mình có thể làm chính là công việc anh vẫn làm bấy lâu nay, bởi anh ấy không tư duy như một nhà thiết kế. Những nhà thiết kế biết họ không cần thực hiện đến cùng những ý tưởng đầu tiên nảy ra trong đầu họ. Những nhà thiết kế biết khi bạn có nhiều lựa chọn thì khả năng chọn lựa của bạn sẽ tốt hơn. Có rất nhiều người giống Grant, họ mắc kẹt trong việc cố gắng biến ý tưởng đầu tiên trở nên hiệu nghiệm.
Grant cần phải bắt đầu tư duy như một nhà thiết kế.
Niềm tin sai lệch: Tôi bế tắc rồi.
Tái định dạng nhận thức: Tôi không bao giờ bế tắc, bởi tôi có khả năng nghĩ ra rất nhiều ý tưởng.
Sharon là một trợ lý luật sư từng làm việc cho một hãng luật uy tín ở Boston cho đến khi bị sa thải. Hiện tại, cô dành sáu tiếng mỗi ngày trên Internet để tìm việc làm. Cô ấy thế này đã được hơn một năm nay. Tinh thần cô sa sút trầm trọng, chút tự tin cuối cùng cũng đã biến mất từ lâu. Thật ra ban đầu, công việc trợ lý luật sư không phải là mục tiêu của Sharon, đó chỉ là phương án dự phòng của cô mà thôi. Cô ấy học ngành kinh doanh, nhưng tốt nghiệp ngay thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009 và không tìm được việc trong ngành quản trị marketing như mong muốn. Đó là ngành mà cô đã được nghe nhiều người đánh giá là “lựa chọn đúng đắn” cho cử nhân quản trị kinh doanh. Như nhiều người khác, cô ấy nghĩ rằng cái gọi là “lựa chọn đúng đắn” sẽ khiến cô trở nên hạnh phúc. Nhưng cô thực lòng không cảm nhận được chút hạnh phúc nhỏ nhoi nào, thật ra Sharon không có ý niệm gì về điều mình thật sự mong muốn từ quá trình học kinh doanh. Và vì thiếu đi niềm hứng thú chân thành, tất nhiên cô cũng không thể thuyết phục được các nhà tuyển dụng. Cô ấy bỏ ra thời gian theo đuổi điều được cho là đúng đắn, thay vì làm điều phù hợp với bản thân. Sau một năm tìm kiếm việc làm trong vô vọng, Sharon cảm thấy tuyệt vọng, nhưng cô không hề hết lựa chọn, chỉ là ngay từ đầu cô ấy đã không tìm kiếm đúng hướng thôi.
Niềm tin sai lệch: Tôi phải tìm ra ý tưởng đúng đắn.
Tái định dạng nhận thức: Tôi cần nghĩ đến thật nhiều ý tưởng để tăng thêm cơ hội khám phá xem có bao nhiêu điều khả thi cho tương lai.
Không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục những gì mình đang làm, Sharon cũng như Grant, đang mắc kẹt trong chính cuộc đời họ.
Hầu hết tất cả mọi người hành động tương tự như Sharon khi họ cần có một công việc, họ nhìn vào danh sách các công việc và tìm kiếm. Đây là một trong những cách tệ nhất để xin việc, và cũng có mức độ thành công thấp nhất. Lối tư duy này không phải là tư duy thiết kế mà chỉ đơn thuần là bạn đang nắm lấy những gì trong tầm tay mình, và điều này không dẫn đến sự hài lòng lâu dài. Nếu con bạn bị đói, ngân hàng đang nhăm nhe tịch thu nhà của bạn, hay bạn nợ ai đó một số tiền lớn, thì bạn bất đắc dĩ phải làm bất cứ công việc nào trong tầm tay. Nhưng khi tình thế bớt căng thẳng hơn, đó là lúc bạn nên tìm cho bản thân một công việc bạn thật sự yêu thích. Và đừng lo sợ chuyện bị mắc kẹt, những nhà thiết kế vẫn thường mắc kẹt với vô số thứ; chính những lúc bế tắc sẽ là bệ phóng cho sự sáng tạo. Khi tư duy như một nhà thiết kế, bạn sẽ biết cách khám phá và tiếp cận với thật nhiều lựa chọn cho những viễn cảnh khả thi trong tương lai.
Đơn giản là bạn sẽ chẳng biết mình muốn gì cho đến khi bạn biết được mình có thể muốn gì, vậy nên bạn cần phải tạo ra thật nhiều ý tưởng để thử nghiệm.
Hãy chấp nhận vấn đề.
Hãy để mình bị mắc kẹt.
Nhưng trên hết, hãy vượt qua tất cả để sáng tạo!
Lên ý tưởng
Chúng tôi cần bạn tư duy vượt giới hạn, hãy ra khỏi phạm vi của một người thực tế và dấn bước vào thế giới bay bổng của những ý tưởng. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi thái độ đối với việc bị mắc kẹt, hãy trân trọng điều đó. Grant “được” mắc kẹt, Sharon cũng “được” mắc kẹt. Chúng ta đều “được” mắc kẹt theo một cách nào đó, trong những mảng khác nhau của đời sống. Đó là khi chúng ta cần lên ý tưởng, kể cả những ý tưởng hoang đường hay điên rồ. Chúng tôi sẽ chỉ bạn cách để có nhiều ý tưởng hơn so với những gì mà bạn từng nghĩ. Rất nhiều người bị mắc kẹt trong việc theo đuổi ý tưởng ban đầu của họ, hay ý tưởng mà họ cho là hoàn hảo, hay ý tưởng lớn mà họ nghĩ là sẽ giải quyết được toàn bộ vấn đề, khiến họ cứ đào bới xung quanh cái hố mà họ kẹt trong đó. Niềm tin vào việc chỉ có một ý tưởng tồn tại ngoài kia chính là thứ dẫn đến áp lực và sự do dự.
“Tôi cũng không chắc nữa.”
“Tôi không muốn từ bỏ ý tưởng đó.”
“Tôi thật sự cần phải biến nó thành sự thật.”
“Nếu tôi có được một ý tưởng tốt hơn, đúng đắn hơn, tuyệt vời hơn thì tình hình đã khác rồi.”
Hãy dừng lại ở đó đi, chúng tôi phải nói cho bạn biết rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi.
Chúng ta thật may mắn khi được sống trong một thế giới hiện đại với khả năng tiếp cận với nhiều lựa chọn, sự tự do, tính lưu động, nền giáo dục và công nghệ hiện đại. Hầu hết thời gian của chúng ta được dành ra để đắm chìm vào thế giới của sự tối ưu hóa. Cái suy nghĩ rằng luôn tồn tại một ý tưởng hay hơn, một hướng đi tốt hơn, một giải pháp tốt nhất cũng gây cản trở cho việc thiết kế cuộc sống. Sự thật là trong mỗi chúng ta vẫn tồn tại nhiều hơn một cuộc sống. Khi chúng tôi hỏi các học viên của mình: “ Có bao nhiêu cuộc đời khác nhau đang đồng thời tồn tại trong bạn ?”, thì câu trả lời trung bình là ba, bốn. Và nếu bạn chấp nhận ý tưởng này, rằng mặc dù bạn chỉ sống một lần thôi nhưng có rất nhiều bản thiết kế tuyệt vời cho cuộc đời bạn, thì đó đã là tự do rồi. Không chỉ có duy nhất một ý tưởng cho cuộc đời bạn. Có rất nhiều “cuộc đời” mà bạn có thể sống một cách hạnh phúc và trải nghiệm được nhiều điều, không quan trọng bạn đã bao nhiêu tuổi. Có rất nhiều con đường khác nhau để bạn đi và để sống cuộc đời phi thường. Bạn có thể khám phá hàng vạn ý tưởng khả thi và chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những công cụ để đi tìm ý tưởng.
Số lượng có thể đi đôi với chất lượng hoặc không, nhưng trong lĩnh vực thiết kế đời sống, càng nhiều đồng nghĩa với càng tốt . Bởi vì nhiều ý tưởng đồng nghĩa với việc sẽ càng có nhiều ý tưởng hay hơn, dẫn đến một bản thiết kế tốt hơn. Việc mở rộng tư duy giúp nâng cao khả năng hình thành ý tưởng của bạn và mở ra nhiều cơ hội cải thiện hơn. Nếu tham khảo thật nhiều ý tưởng khác nhau, bạn sẽ có nhiều cơ hội gặp được những ý tưởng khiến bạn cảm thấy hứng thú phát triển. Điều này tăng khả năng bạn tạo ra một bản thiết kế thực sự phù hợp mà bạn vô cùng yêu thích. Việc có nhiều ý tưởng cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ có cái nhìn bao quát hơn.
Những nhà thiết kế thích hình thành ý tưởng theo một quy mô rộng khắp. Họ yêu những ý tưởng điên rồ ngang ngửa, thậm chí nhiều hơn cả những ý tưởng khôn ngoan. Đa phần mọi người đều nghĩ rằng các nhà thiết kế là những người vô cùng khác biệt và luôn thích những thứ điên rồ, bởi họ là những cá nhân sắc sảo, những nhà tiên phong, những tín đồ của lối sống cầu kỳ, xa hoa. Có thể đúng thế thật, nhưng đó không phải là điều ta cần bàn tới, mà là cách nhà thiết kế nhìn nhận những “ý tưởng điên rồ” một cách cởi mở bởi họ biết kẻ thù lớn nhất của sự sáng tạo chính là thói phán xét. Não của chúng ta quen với những suy nghĩ, liên hệ quá sức chặt chẽ, đâm ra ta trở nên hẹp hòi và dễ phán xét, có biết bao nhiêu ý tưởng đã bị ta nghi ngại, gạt bỏ ngay từ khi chúng còn đang ấp ủ. Chúng ta cần phải kìm lại tính thích phán xét và để bản năng chỉ trích trong ta ngủ yên nếu muốn cho ra đời tất cả những ý tưởng mà mình có thể nghĩ ra. Nếu không làm thế, chúng ta có thể sẽ nảy ra được một vài ý kiến hay, nhưng phần lớn những ý tưởng ta có được đều đã biến mất. Những ý tưởng đó bị biệt giam sau bức tường của sự phán xét, vùng vỏ não trước trán đã được thiết lập để bảo vệ ta khỏi việc gây sai lầm và trông như một kẻ ngu ngốc. Thường thì chúng ta thấy mình nên biết ơn phần vỏ não trước trán và không muốn xuất hiện trước đám đông mà không có nó; tuy nhiên, chúng ta không muốn nó lấy đi những ý tưởng mới chớm của mình. Nếu có thể xâm nhập vào không gian của những ý tưởng điên rồ, tức là chúng ta đã vượt qua được giới hạn của thói phán xét vội vã. Những ý tưởng điên rồ đó có thể sẽ không trở thành lựa chọn sau này của chúng ta, nhưng chí ít chúng ta đã chuyển mình đến một miền không gian sáng tạo mới, từ đó ta thấy được nhiều cơ hội cải thiện hơn bao giờ hết.
Thông thường, những học viên của chúng tôi nghĩ giai đoạn này là hào hứng và vui thú nhất. Có ai lại không thích tạo nên những ý tưởng tuyệt vời và điên rồ cơ chứ? Bạn có thể không tin mình là một người sáng tạo, nhưng chuyện đó chẳng quan trọng. Hãy nhớ phương châm của chúng ta là “Bạn Đang Ở Đây” và sẵn sàng hành động với bất cứ mức độ sáng tạo cá nhân nào mà bạn có, chúng ta sẽ bắt đầu tạo dựng mọi thứ từ đó. Mục tiêu của ta là tiếp thêm năng lượng và mở rộng phạm vi đón nhận các khả năng, giải pháp cho vô số vấn đề có thể xảy ra trong quá trình thiết kế.
Với tư cách là một nhà thiết kế cuộc sống, bạn cần ghi nhớ hai điều sau:
1. Bạn sẽ lựa chọn tốt hơn khi có trong tay nhiều ý tưởng hay.
2. Bạn sẽ không bao giờ chọn phương án đầu tiên xuất hiện để giải quyết một vấn đề nào đó.
Trí não của chúng ta về cơ bản rất lười biếng và mong được tống khứ các vấn đề đi càng nhanh càng tốt. Vậy nên chúng có nhiều phản ứng tích cực cho các ý tưởng đầu tiên, khiến ta yêu thích chúng, thường thì “mối tình” này chẳng bao giờ có cái kết tốt đẹp. Hầu hết những giải pháp đầu tiên đều không xuất sắc, thế nhưng con người vẫn luôn có khuynh hướng lựa chọn những điều hiển nhiên trước. Việc học cách sử dụng những công cụ tạo lập ý tưởng sẽ giúp bạn vượt qua khuynh hướng thông thường và trở nên tự tin để sáng tạo.
Khi ta còn học mẫu giáo, hay hồi lớp một lớp hai, chuyện hát hò nhảy nhót và vẽ vời là một hình thức tự nhiên để thể hiện bản thân. Lúc ấy bạn không tự ý thức về bản thân hay tự phán xét xem bức vẽ của mình có mang tính nghệ thuật hay không, hay kỹ năng ca hát của mình có chuyên nghiệp không, hay những bước nhảy của bạn có đáng để người ta nhìn ngắm không. Bạn tự do tạo nên bất cứ hình thức tự nhiên nào đó để thể hiện bản thân mà không bận tâm đến một giới hạn nhất định nào.
Bạn hẳn cũng sẽ nhớ rất rõ nếu một lần nọ giáo viên mỹ thuật bảo: “ Em không phải là nghệ sĩ rồi, em không biết vẽ ”, hoặc một lần người bạn cùng lớp bảo: “ Cậu nhảy trông buồn cười quá ”, hoặc một người lớn nào đó bảo: “ Đừng có hát nữa, cháu đang phá hỏng tâm trạng của mọi người đấy ”. Ôi! Chúng tôi rất lấy làm tiếc nếu những khoảnh khắc giết chết cảm hứng sáng tạo này đã xảy ra với bạn, ấy vậy mà những khoảnh khắc ấy cứ tiếp tục diễn ra ở bậc trung học và đại học, nơi mà các quy tắc chuẩn mực xã hội khiến chúng ta học cách kiềm chế sự khác biệt của bản thân vì sợ bị chỉ trích. Liệu có còn chút sáng tạo nào tồn tại, song hành cùng quá trình ta lớn lên hay không vẫn còn là một thắc mắc lớn.
Thế nhưng bạn ạ, bạn hãy tin đi, nó vẫn còn nằm ở đó và chúng tôi sẽ giúp bạn tìm lại khả năng sáng tạo tiềm tàng.
Sơ đồ Tư duy
Kỹ thuật tạo dựng ý tưởng đầu tiên chúng tôi muốn nói đến được gọi là hình thành Sơ đồ Tư duy. Sơ đồ Tư duy là một công cụ tốt để tạo dựng ý tưởng cho bản thân, cũng là chìa khóa giúp bạn thoát khỏi tình trạng mắc kẹt. Sơ đồ Tư duy hoạt động dựa trên việc sử dụng tự do những tập hợp từ ngữ đơn giản, lần lượt từng cái một, để mở ra không gian ý tưởng và giải pháp mới. Tính minh họa cao của phương thức này cho phép các ý tưởng và những mối liên kết giữa chúng được thể hiện, được lưu lại trong tâm trí bạn. Kỹ thuật này giúp hình thành ý tưởng với phương pháp minh họa trực quan nhằm vượt qua bước kiểm duyệt lý trí sẵn có trong bạn.
Quá trình hình thành Sơ đồ Tư duy bao gồm ba bước:
1. Chọn chủ đề
2. Tạo Sơ đồ Tư duy
3. Hình thành những liên kết phụ và những ý niệm (kết hợp tất cả lại với nhau)
Hình trên là Sơ đồ Tư duy của Grant, cậu ấy đã vẽ nó nhằm tự giải thoát mình khỏi nỗi trăn trở về một công việc “hoàn hảo”. Từ trải nghiệm tích cực đã ghi trong Nhật ký Cảm xúc, Grant quyết định hình thành Sơ đồ Tư duy với chủ đề chính là “hoạt động ngoài trời” (“being outdoors”) được đặt ngay trung tâm của sơ đồ, đây là bước thứ nhất.
Bước thứ hai là hình thành Sơ đồ Tư duy. Để thực hiện bước này, bạn cần ngẫm nghĩ về ý tưởng ban đầu của sơ đồ và viết ra năm đến sáu điều liên quan, ghi lại những điều đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn. Lặp lại quá trình này cho các “vành đai” thứ hai, ba, tư,... Với mỗi từ, bạn vẽ ra ba hoặc bốn nhánh rồi ghi thêm bất cứ từ mới nào liên quan.
Trong ví dụ của Grant, anh ấy đã viết các từ “du lịch, đi bộ đường dài, lướt sóng, cắm trại và thiên nhiên” (“travel, hiking, surfing, camping và nature”). Tất cả những điều này đều liên quan trực tiếp đến ý tưởng “hoạt động ngoài trời” của anh ấy. Sau đó Grant tạo thêm nhiều nhánh hợp thể từ ngữ mới cho những từ ngữ kể trên. “Đi bộ đường dài” gợi anh ấy nhớ về những ngọn núi, dẫn đến những nhà thám hiểm. “Du lịch” dẫn anh ấy đến với Hawaii, châu Âu và du lịch bụi, sau đó Hawaii lại dẫn anh ấy đến với những bãi biển nhiệt đới. Pháp, liên quan đến châu Âu, khiến anh ấy nghĩ đến bánh crepe, từ đó khiến anh ấy nghĩ đến Nutella. Mặc dù Nutella khá là thú vị, nhưng nó cũng đẩy anh đến ngõ cụt cho nhánh ý tưởng này. “Lướt sóng” dẫn anh ấy đến với những bãi biển, thủy triều, vòng tuần hoàn, xe đạp và đua. Nó cũng dẫn đến Jamaica, rồi tới Usain Bolt1 (đến đây, não bộ của Grant bỗng phát huy tối đa khả năng liên tưởng), và cả những điểm đến thú vị.
1. Usain Bolt là vận động viên người Jamaica, được tôn vinh như một huyền thoại trong làng điền kinh vì đã nhiều lần phá kỷ lục thế giới ở cự ly 100 mét và 200 mét.
Toàn bộ quá trình trên diễn ra trong khoảng ba đến năm phút, bạn sẽ muốn tạo nên một giới hạn thời gian cho bản thân bạn, thực hiện nó thật nhanh và phớt lờ đi bước kiểm duyệt có sẵn trong bạn. Bước tiếp theo là xem lại những hợp thể từ ngữ ngẫu nhiên này và đánh dấu những điểm thú vị khiến bạn chú ý, sau đó kết hợp chúng lại với nhau thành một số ý niệm nhất định. Bạn sẽ cần phải chọn bắt đầu từ rìa của Sơ đồ Tư duy bởi đó là những yếu tố cách xa hai đến ba bậc so với tư duy ý thức của bạn. Mặc dù chủ đề “hoạt động ngoài trời” của Grant cuối cùng lại dẫn đến đua xe đạp và Usain Bolt, nhưng tiềm thức của anh liên kết ngược lại ý tưởng ban đầu, những cụm từ ngẫu nhiên thú vị trong trường hợp này là “nhà thám hiểm, những bãi biển nhiệt đới, cướp biển, trẻ con, những điểm đến thú vị và đua xe đạp” (“explorers, tropical beach, pirates, kids, exotic locations và bicycle racing”). Sau đó, anh kết hợp một số cụm nhất định để biến chúng thành một vài ý tưởng khả thi.
Liệu anh ấy có thể làm việc bán thời gian tại một Hội trại Khám phá cho Trẻ em, cùng những cô cậu bé trải nghiệm các hoạt động ngoài trời? Hay thậm chí biến nó thành một Hội trại theo chủ đề hải tặc và tổ chức tại một bãi biển? Vậy còn lời đề nghị thăng chức thì sao? Họ có thể cho anh chuyển tới làm việc tại văn phòng cho thuê vùng Santa Cruz, California hay thậm chí tuyệt hơn nữa là một nơi thật thú vị, Hawaii chẳng hạn. Tại đó, anh ấy có thể làm huấn luyện viên lướt sóng cho trẻ em (mà hóa ra là công ty của anh cũng có một văn phòng ở đó) và nếu anh được thăng chức, Grant sẽ nhận được số tiền giúp anh có tuần làm việc bốn ngày, vậy thì càng có thêm thời gian để khám phá những ý tưởng khác.
Đây chính là sự đổi mới.
Grant không còn mắc kẹt nữa, trên thực tế, anh ấy có nhiều ý tưởng hơn những gì anh nghĩ mình có thể. Và quan trọng hơn, Grant nhận ra rằng vấn đề không phải là tìm được một công việc hoàn hảo, mà là khiến công việc của mình trở nên hoàn hảo. Hóa ra làm việc cho một công ty cho thuê xe đa quốc gia có văn phòng khắp nơi trên thế giới là không sai lầm chút nào. Việc hình thành Sơ đồ Tư duy khiến Grant nhận ra anh có nhiều thứ để làm hơn mình nghĩ, và anh có thể sử dụng công việc hiện tại như một bàn đạp cho bước phát triển, nâng cao đời sống tiếp theo.
Quan trọng là bạn phải nhớ rằng những lúc như thế này mình không được kiểm duyệt bất kỳ điều gì, đó là lý do tại sao chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện bài tập này thật nhanh. Chỉ cần viết ra những từ ngữ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn, nếu kiểm duyệt bản thân, bạn sẽ tự giới hạn tiềm năng hình thành ý tưởng mới lạ của mình. David Kelley, nhà sáng lập hệ thống d.school cũng đã nói rằng thường thì bạn phải đi qua những ý tưởng điên rồ mới có thể tiến tới những cơ hội tốt đẹp trong thực tế. Vậy nên đừng ngại nghĩ ra những điều điên rồ, nó có thể là điểm khởi đầu cho một ý tưởng vô cùng mới mẻ mà lại khả thi. Bạn cũng nên vẽ Sơ đồ Tư duy của mình trên một tờ giấy hoặc một cái bảng thật to. Bạn cần tìm kiếm thật nhiều ý tưởng cơ mà, nên hãy vẽ một sơ đồ thật to và thật bắt mắt để đón chào những ý tưởng lớn.
Càng lớn càng tốt.
Những vấn đề dai dẳng
Có những vấn đề không bao giờ chịu biến mất, và chúng ta gọi đó là những vấn đề dai dẳng. Chúng cứ bám lấy ta và không cho ta cục cựa, khiến ta mắc kẹt lại đó như cách mà Grant và Sharon đã bị mắc kẹt với sự nghiệp của họ. Khi đưa bản thiết kế cuộc sống vào thực tiễn, việc để ý đến khoảng thời gian chúng ta mắc kẹt với vấn đề dai dẳng là rất quan trọng.
Dave phát hiện ra anh ấy có một vấn đề dai dẳng, nhưng khác với Grant và Sharon, nó không liên quan gì đến sự nghiệp của anh ấy. Vấn đề của anh ấy liên quan đến gia đình, bố của Dave là một thợ thủ công lành nghề với một xưởng làm việc vô cùng hoành tráng. Cho nên tất nhiên Dave cũng nung nấu ý định về một “phân xưởng” thật tuyệt của chính mình. Nhưng Dave lại không thuộc kiểu người thích chế tạo mà nghiêng về hướng sửa chữa hơn, vậy nên anh không cần có xưởng riêng như bố mình. Chỉ cần lên kế hoạch cụ thể và dự tính phương án bảo trì, Dave đã hoàn thành được một nhà kho tích hợp cho riêng mình: vừa là xưởng chứa dụng cụ, vừa để đỗ xe hơi.
Vấn đề chỉ phát sinh khi Dave chuyển tới gần bãi biển, ở chỗ mới, anh ấy chỉ có nhà kho rộng bằng một phần năm không gian cũ để sắp xếp đồ đạc của mình vào. Và thế là từ đó anh có một vấn đề đeo bám dai dẳng suốt nhiều năm liền.
Trong những năm đầu tiên, Dave phải thuê thêm ba nhà kho để có đủ chỗ chứa đồ. Năm này qua năm khác, anh ấy giảm dần từng kho chứa một nhưng đống phế liệu ô tô vẫn luôn còn đó. Anh sống với cái “thảm họa nhà kho kiểu Mỹ” ấy được hơn năm năm rồi, và tất nhiên giờ đây Dave đã quen với nó. Mỗi mùa hè qua đi, anh đều thề thốt là sẽ dọn dẹp lại chúng và hoàn thiện phân xưởng, kết quả là lần nào anh cũng suýt chết ngộp trong đấy. Mặc dù Dave luôn nghĩ về viễn cảnh sở hữu một nhà kho đẹp đẽ, tử tế như ngày xưa, nhưng anh sợ là sẽ chẳng bao giờ có ngày đó. Anh bắt đầu trở nên quyết tâm hơn, vứt bỏ phụ tùng xe đạp cũ và những cuốn băng cũ, nhưng rồi anh trở nên nản chí trước đống đồ vẫn còn cao như núi và cố quên chúng đi bằng cách tập trung vào một thứ gì đó khả thi, dễ dàng hơn như là... đi thay phụ tùng xe tải.
Dave vướng mắc vào vấn đề này bởi anh cứ kiên quyết giữ lấy giải pháp duy nhất mà mình cảm thấy chấp nhận được, đó là làm một nhà để xe kiêm xưởng sửa chữa. Giờ thì mọi thứ đã chất thành đống và Dave chẳng buồn đếm xỉa đến chúng nữa, vậy nên mọi người cứ thoải mái chơi trò vượt chướng ngại vật qua các món đồ trong ga ra, cùng lúc đó cái nắng của biển và không khí mặn tha hồ làm phai đi màu sơn của những chiếc xe đậu bên ngoài.
Cách duy nhất để Dave thoát khỏi tình thế dở khóc dở cười này là tái định dạng nhận thức và thử nghiệm những ý tưởng mới. Anh có thể:
1. Tái định dạng nhận thức, thay đổi mục tiêu thành một chiếc bàn máy và một kho chứa cho xe đạp và dụng cụ.
2. Tái định dạng nhận thức, quyết định rằng anh chỉ cần một kho chứa thôi, và chi trả phí đỗ xe hơi hằng tháng.
3. Chia quá trình thành nhiều dự án nhỏ: quyên góp sách cũ và băng đĩa nhạc, giảm số xe đạp xuống còn bốn chiếc, dọn dẹp những chiếc hộp trên sàn, dọn dẹp chiếc bàn máy đầy những mẩu rác vụn từ lần sửa chữa trước,...
Bước tiến lớn ở đây chính là xóa bỏ đi hình ảnh của xưởng sửa chữa kiêm nhà để xe, và tưởng tượng ra kết quả của những hướng đi khác. Nếu Dave tiếp tục giữ hình ảnh cũ, ý tưởng cũ về một ga ra hoàn hảo, tâm trí anh luôn bị kìm hãm và anh chẳng giải quyết được gì bởi nó quá khó khăn. Mà những thứ quá khó khăn thì không thể mang lại hiệu quả.
Đây không phải là vấn đề trọng lực, không phải là không thể giải quyết. Chỉ là Dave bị mắc kẹt vì anh cứ bám víu lấy giải pháp không mang lại hiệu quả.
Melanie là giảng viên chuyên ngành xã hội học ở một trường cao đẳng cộng đồng nhỏ và cô cảm thấy ấn tượng với những bước tiến mới của tinh thần khởi nghiệp trong xã hội. Xu hướng phát triển này đang dần thay đổi những gì tổ chức phi lợi nhuận có thể làm nhờ tiếp cận những nghiên cứu chuyên sâu của các dự án khởi nghiệp và giới đầu tư mạo hiểm, khi thấy được sự hào hứng của các sinh viên trước đề tài mới mẻ này, cô ấy bắt đầu soạn giáo án cho khóa học mới về dự án cải tiến xã hội. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nhưng cô muốn làm nhiều hơn thế nữa. Cô mong mình có thể tạo nên một sức ảnh hưởng lâu dài ở ngôi trường này, và ước mơ rằng có ngày cô sẽ thành lập được một Học viện Cải tiến Xã hội.
Tất cả những gì cô ấy cần là khoản vốn mười lăm triệu đô-la, vậy nên cô đặt ra mục tiêu gọi vốn. Melanie vạch ra một chiến lược và một bài thuyết trình thật hoành tráng để giới thiệu ý tưởng này. Các sinh viên rất thích nó và ban quản lý cũng ủng hộ cô, nhưng bộ phận phát triển lại không nghĩ vậy.
Như hầu hết các trường cao đẳng nhỏ, nơi Melanie giảng dạy đang trong tình trạng chật vật để có thể tiếp tục hoạt động. Trong số các cựu sinh viên không có nhiều “đại gia” và bộ phận phát triển phải rất cẩn trọng trong việc giữ gìn mối quan hệ với một số ít những mạnh thường quân tài trợ cho nhà trường. Melanie nhận được một danh sách dài những nhà tài trợ từ chối dự án này, gồm cả cá nhân và tổ chức. Cô ấy có thể cố gắng khẩn cầu những người không có trong danh sách này, nhưng chỉ đến thế thôi.
Tình thế đảo lộn, nhưng vì Melanie có một khao khát mãnh liệt nên cô vẫn quyết tâm triển khai nó. Bạn có thể đoán được phần còn lại rồi đó, cô tìm đến các mối quan hệ và thuyết phục họ không biết mệt mỏi trong vòng hai năm, kết cục chẳng đi đến đâu. Cô đã ký kết một vài thỏa thuận nhưng tất cả gộp lại vẫn quá ít ỏi. Bất cứ nhà đầu tư lớn nào cô ấy tìm được đều đã bị bộ phận phát triển “nẫng tay trên” để tài trợ cho dự án khác. Mục tiêu của Melanie vẫn nằm ngoài tầm với, nếu không nhận được những khoản đóng góp từ trường cao đẳng, cô ấy sẽ không bao giờ có thể có được mười lăm triệu đô-la.
Cô ấy bị mắc kẹt, theo một cách không cần thiết.
Đó là vì Melanie tin rằng vấn đề của mình là phải kiếm được mười lăm triệu đô-la, nhưng nào có phải, đó chỉ là giải pháp đầu tiên mà cô ấy cứ mãi đánh vật vì cái ý tưởng đó. Chẳng những cảm thấy tuyệt vọng mỗi lúc bị từ chối, công việc giảng dạy của cô ấy cũng không ổn thỏa do luôn bị phân tâm bởi vấn đề gọi vốn, các đồng nghiệp của Melanie thì phát ngán cảnh cô than vãn đến mức xa lánh. Bạn thấy đấy, khi bạn tự khóa mình vào một giải pháp tệ hại thì mọi chuyện sẽ chỉ càng trở nên xấu đi.
Vấn đề thật sự của Melanie là cô muốn tạo nên một sức ảnh hưởng lâu dài tại ngôi trường của mình thông qua việc đổi mới xã hội, chứ không phải là gọi vốn cho học viện. Sai lầm kinh điển mà cô mắc phải là đưa ra giải pháp một cách quá nóng vội. Khi được hỗ trợ, Melanie thoát ra khỏi tình trạng mắc kẹt bằng cách hình thành tư duy thiết kế, nhớ lại vấn đề thật sự của mình là gì và khám phá một vài mẫu thiết kế. Cô ấy chợt nhận ra mình có ý tưởng thành lập học viện chỉ trong một ngày mà chưa bao giờ thử xem xét những con đường khác. Lần này, Melanie áp dụng kiểu tư duy hiếu kỳ và nghiên cứu kỹ hơn trước khi thật sự quyết định điều cần làm.
Cô ấy đặt ra một câu hỏi dành cho mọi người trong trường. Cô đến phỏng vấn các cấp quản lý và hỏi họ: “Anh/chị nghĩ chúng ta cần làm thế nào để khiến việc đổi mới xã hội được chú trọng hơn tại ngôi trường này, và chúng ta nên bắt đầu từ đâu?”. Cô đã có rất nhiều cuộc trao đổi thú vị và nhận được nhiều ý tưởng hay. Mọi người gợi ý về việc thành lập ký túc xá theo chủ đề, những chương trình hoạt động xen kẽ cho kỳ nghỉ xuân, khóa thực tập mùa hè, và giáo trình mới cho đồ án nghiên cứu tốt nghiệp. Có rất nhiều cách để tạo nên sức ảnh hưởng rộng khắp mà không cần phải xây dựng và kêu gọi vốn cho một học viện mới. Tất nhiên, một học viện thì có vẻ đáng kiêu hãnh và gây ấn tượng mạnh hơn. Nhưng những ý tưởng khác sẽ ít tốn kém và kêu gọi được nhiều người ủng hộ hơn, vậy nên Melanie không còn đơn thương độc mã trong trường nữa. Cô thành lập một khoa liên kết sinh viên, và họ đi đến kết luận rằng thành lập một ký túc xá với đề tài cải tiến xã hội chính là ý tưởng tốt nhất.
Thế là họ tạo mẫu cho nó. Đầu tiên, họ nghiên cứu tỉ mỉ những ký túc xá theo chủ đề sẵn có để thấy được việc nào khả thi và việc nào không. Trong lúc đó, họ gặp gỡ những sinh viên cảm thấy thích ý tưởng về ký túc xá mới. Đội thử nghiệm mời những sinh viên này thành lập một câu lạc bộ trong trường như một bước khởi đầu. Câu lạc bộ hoạt động được hai năm với mục đích thử nghiệm những dự án mới, biến ý tưởng thành văn hóa trường học và tạo dựng uy tín. Sau đó bốn thành viên của câu lạc bộ đăng ký làm Giám sát viên ký túc xá vào năm học cuối, họ được sự cho phép của ban quản lý ký túc xá để thực hiện một chương trình thử nghiệm về cải tiến xã hội vào năm tới. Dự án thành công mỹ mãn và được tổ chức tiếp vào năm sau. Tiếp đó, ký túc xá chính thức được áp dụng để thực hiện đề tài cải tiến xã hội, Melanie trở thành cố vấn của khoa và Phó chủ tịch khối nhà ở học sinh trở thành đại diện vững chắc cho khoa này.
Bằng cách tái định dạng vấn đề, sử dụng tư duy hiếu kỳ, tạo mẫu và cộng tác với mọi người, Melanie đã tạo ra được sự thay đổi lâu dài trong văn hóa trường học và hệ thống ký túc xá. Cô ấy gây được sức ảnh hưởng vững bền cho cơ sở giáo dục của mình mà không cần lập ra một học viện mới nào cả.
John cũng có một vấn đề dai dẳng. Kể từ khi được nghe về việc cưỡi la đi dọc từ lưng chừng xuống tận chân núi ở Grand Canyon lúc còn là cậu bé Hướng đạo sinh, John đã luôn mơ ước được tham gia chuyến đi này và tự hứa rằng một ngày nào đó anh sẽ thực hiện nó. Nhưng rồi cuộc sống đưa đẩy, giờ đây anh có công việc và một gia đình để chăm lo. Không hề gì, anh có thể thực hiện chuyến đi này cùng vợ và các con để cả gia đình có một kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng cho đến lúc John đủ khả năng chi trả cho chuyến đi năm người của gia đình mình thì anh ấy đã phát tướng, và giờ anh ấy nặng hơn 100 kg trong khi giới hạn cân nặng để có thể cưỡi la là 90 kg. Trong vài năm liền, mỗi mùa xuân John lại ăn kiêng một lần để ép cân xuống còn dưới 90 kg hòng tham gia chuyến đi vào mùa hè. Năm đầu tiên anh giảm xuống còn 96 kg, năm tiếp theo xuống còn 94 kg, thậm chí có lúc anh ấy giảm còn 92 kg. Thế nhưng quá trình đó vẫn không đủ nhanh, các con anh dần lớn lên và có nhiều kế hoạch khác cho mùa hè của chúng, xem chừng thú vị hơn nhiều so với việc cùng ba mẹ cưỡi la suốt ba ngày trời.
Thế là chuyện chẳng bao giờ xảy ra, kỷ niệm gia đình đó chưa từng tồn tại.
John cứ đau đáu mãi về cách giải quyết cho ý tưởng của mình, đó là anh bắt buộc phải cưỡi la. Giá như anh ấy có thể trở lại ngày xưa và tìm ra giải pháp đúng đắn thì mọi thứ đã có thể được cứu vãn. Giải pháp ban đầu mặc dù không hẳn là bất khả thi nhưng tốn quá nhiều thời gian để đạt được và có ít cơ hội thành công. Anh ấy đáng ra đã có thể tái định dạng ý tưởng của mình từ “cưỡi la ở Grand Canyon” thành “ngắm nhìn toàn cảnh Grand Canyon” bằng trực thăng, đường sông hoặc đi bộ. Khả năng John hoàn thành khóa đào tạo bài bản về cách đi bộ leo núi đường dài cao hơn gấp mười lần việc anh ép cân xuống dưới 90 kg.
Bài học rút ra từ câu chuyện của Dave, Melanie và John chính là đừng biến một vấn đề có khả năng giải quyết thành một vấn đề dai dẳng bằng việc khóa chặt mình vào một giải pháp không hiệu quả. Hãy tái định dạng giải pháp theo hướng khả thi, tạo mẫu cho những ý tưởng đó, thử nghiệm một vài lần và tự tháo gỡ tình trạng mắc kẹt của mình. Chúng ta bị “giam hãm” khi chỉ thấy được một giải pháp duy nhất, mà trớ trêu thay lại không hiệu quả. Những vấn đề dai dẳng không chỉ khiến mục tiêu thất bại mà còn tạo ra một nỗi sợ vô hình rằng dù chúng ta có làm gì khác đi thì cũng vẫn không khả thi, rồi chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng mình bị kẹt lại vĩnh viễn, và mọi thứ thế là tiêu tùng. Đôi khi ta cố níu giữ lấy một thứ quen thuộc, dù sai lầm còn hơn là đánh liều nhận lấy thất bại tệ hại khi cố tạo ra thay đổi. Đây là một hành vi thông thường nhưng ngược ngạo của con người. Thay đổi luôn mang tính rủi ro, và không có gì bảo đảm là sẽ thành công, thế nên bạn có sợ hãi cũng dễ hiểu thôi. Vậy nên chúng ta hướng tới việc giảm đi những rủi ro và nỗi sợ thất bại bằng cách thiết kế một chuỗi những mẫu thử nhỏ để thử nghiệm. Âu cũng là chuyện thường tình nếu mẫu thử đó thất bại, mục đích của việc thử nghiệm là để xem ta thành công hay thất bại mà, dù không đạt mục tiêu thì chúng ta cũng học được một điều gì đó.
Việc tạo mẫu thử sẽ giúp giảm nỗi lo lắng, giúp bạn đưa ra những câu hỏi thú vị và cung cấp cho bạn dữ liệu về thay đổi khả thi mà bạn đang cố đạt được. Một trong những nguyên tắc cơ bản của tư duy thiết kế là “Hãy mau chóng thất bại để từ đó tiến tới thành công”2. Khi bạn mắc kẹt trong một vấn đề dai dẳng, hãy cố gắng tái định dạng thử thách đó thành một cơ hội để khám phá, sau đó thiết kế một chuỗi những mẫu thử nhỏ và an toàn cho sự thay đổi mà bạn muốn nó xảy ra. Cách này có thể khiến bạn thoát khỏi nơi mình mắc kẹt và tìm được cảm hứng sáng tạo để giải quyết vấn đề.
2. Nguyên văn: “Fail fast and fail forward”.
Trước khi chúng ta chấm dứt hoàn toàn chủ đề về những vướng mắc dai dẳng, chúng tôi cũng cần làm rõ sự khác biệt giữa những vấn đề trọng lực được nhắc đến phía trên và những vấn đề dai dẳng – chủ đề chính của chương sách này. Chúng đều là những vấn đề khó chịu và khiến người ta mắc kẹt, nhưng về mặt tự nhiên thì hoàn toàn khác biệt. Một vấn đề dai dẳng là một vấn đề thật sự, chỉ là ta khó mà giải quyết nó. Chúng ta mắc kẹt với nó quá lâu và trăn trở vì nó quá thường xuyên, thành ra nó trở nên quá khó để được thực hiện. Vì vậy, ta mới cần tái định dạng chúng và tìm đến với những ý tưởng mới, giảm dần mức độ khó khăn bằng những lần tạo mẫu để thử nghiệm. Những vấn đề trọng lực không phải là vấn đề thật sự, chúng chỉ là những tình huống mà bạn không sao thay đổi được. Không có giải pháp nào cho một vấn đề trọng lực, chúng ta chỉ có thể chấp nhận nó và đổi hướng mà thôi. Bạn không thể thách thức quy luật của tự nhiên, cũng không thể bắt thế giới phải đón nhận thơ ca, biến nó thành lĩnh vực triệu đô như những ngành nghề khác. Những nhà thiết kế cuộc sống đều nhận thức được rằng nếu một vấn đề không có khả năng được giải quyết, thì không có giải pháp nào cả; họ có thể rất “nghệ” trong việc tái định dạng và sáng chế ra những điều hay ho, mới lạ, nhưng họ biết rõ rằng tốt hơn hết là đừng đi ngược lại với quy luật của tự nhiên hay xã hội.
Chúng tôi ở đây để giúp bạn gỡ rối.
Chúng tôi muốn bạn có thật nhiều ý tưởng và lựa chọn.
Khi đã có thật nhiều ý tưởng, bạn có thể tạo mẫu và thử nghiệm chúng trong đời sống, đó là điều các nhà thiết kế thường làm.
Lập Sơ đồ Tư duy với Nhật ký Cảm xúc của bạn
Nếu bạn vẫn chưa làm Nhật ký Cảm xúc trong chương trước, hãy thực hiện ngay vì giờ đây bạn sẽ cần nó cho bài tập này. Chúng ta sẽ lập ra ba Sơ đồ Tư duy khác nhau, mỗi Sơ đồ Tư duy có ít nhất ba hoặc bốn lớp, và lớp ngoài cùng có từ mười yếu tố trở lên.
Sơ đồ Tư duy 1 – Sự gắn kết
Từ Nhật ký Cảm xúc của bạn, chọn một lĩnh vực bạn hứng thú nhất hay một hoạt động diễn ra mà bạn cảm thấy gắn kết nhất, đặt hoạt động này làm trung tâm của sơ đồ. Sau đó phát triển và kết nối nó với những từ ngữ, khái niệm khác có liên quan, bằng cách sử dụng phương thức hình thành Sơ đồ Tư duy.
Sơ đồ Tư duy 2 – Năng lượng
Từ Nhật ký Cảm xúc của bạn, chọn một điều mà bạn đã ghi nhận rằng nó tiếp thêm năng lượng cho bạn trong công việc và cuộc sống, làm cơ sở để hình thành Sơ đồ Tư duy.
Sơ đồ Tư duy 3 – Phiêu
Từ Nhật ký Cảm xúc của bạn, chọn một trong những trải nghiệm bạn cảm thấy “phiêu” khi thực hiện nó để đặt trải nghiệm này vào trung tâm Sơ đồ Tư duy. Sau đó hoàn thành sơ đồ với những lần bạn trải nghiệm trạng thái “phiêu” đó.
Giờ đây, khi đã có trong tay ba Sơ đồ Tư duy, chúng ta sẽ đi vào việc lên những ý tưởng thú vị cho cuộc đời bạn, mà có thể không thực tế lắm cũng chẳng sao.
1. Quan sát vòng ngoài của sơ đồ để chọn ra ba cụm từ tương đối cách xa nhau mà bạn thấy hứng thú nhất, bước này chắc chắn sẽ dễ dàng bởi sâu trong tiềm thức bạn đã “có thiện cảm” với chúng rồi.
2. Sau đó, thử phối hợp ba cụm từ đó thành một dòng mô tả nghề nghiệp nào đó, vừa thú vị đối với bạn vừa giúp ích được cho người khác, nhưng cũng không cần phải quá thực tế hoặc phải phục vụ được rất nhiều người đâu.
3. Đặt tên cho công việc đó và thử phác họa ý tưởng của bạn, cũng như hình vẽ bên dưới của Grant, anh đã dựa trên Nhật ký Cảm xúc và Sơ đồ Tư duy cá nhân để tự họa hình ảnh mình đang hướng dẫn bọn trẻ lướt sóng tại Hội trại chủ đề hải tặc bên bờ biển.
4. Thực hiện quá trình này ba lần cho từng Sơ đồ Tư duy, với mỗi quá trình bạn sẽ có một phiên bản riêng.
Sau khi hoàn thành tất cả các bước trên, có lẽ bạn đang nghĩ rằng: “Thật tuyệt! Có một vài ý tưởng hay ho ở đây mà mình có thể áp dụng vào thực tế”, nhưng thường thì mọi người không dễ đi đến kết luận như vậy.
Còn trong trường hợp bạn làm bài tập này xong và đang tự nhủ: “Chà! Có phải tôi đã quá ngớ ngẩn rồi không, sao có thể tin vào mấy cái ý tưởng ngẫu nhiên này được?” thì thật tiếc, bởi bạn đã không tiếp thu được gì từ việc sử dụng các công cụ mà chúng tôi đưa ra; ý tưởng lớn của toàn bộ quá trình này là bạn phải ngưng phán xét và dừng việc tạo thêm nhiều vấn đề không đáng có trong tâm trí mình.
Cũng có thể bạn sẽ thấy: “Chuyện này khá vui và thú vị đấy, nhưng tôi không chắc là mình có nhận được lợi ích gì từ nó hay không”. Nếu vậy, tôi đoán chúng ta có thể tiếp tục đưa tâm trí bạn đến với thế giới của những ý tưởng, một nơi vắng bóng định kiến và khuôn phép. Bằng việc tưởng tượng xem những cụm từ đó có thể được kết hợp lại thành một vai trò hay một nghề nghiệp thú vị nào đó, bạn đã thành công trong việc chuyển đổi từ tư duy giải quyết vấn đề (“Tôi phải làm gì tiếp theo đây?”) sang tư duy thiết kế (“Tôi có thể nghĩ ra ý tưởng gì đây?”).
Sau tất cả, giờ đây bạn đã bước đầu có được tư duy thiết kế và một loạt ý tưởng quan trọng trên giấy. Vậy đã đến lúc bắt đầu chuyến phiêu lưu của bạn.
Thử nghiệm
Sơ đồ Tư duy
1. Xem lại Nhật ký Cảm xúc và ghi chú những hoạt động mà bạn cảm thấy có sự gắn kết, cảm thấy được tiếp thêm năng lượng, và cảm thấy “phiêu”.
2. Chọn một hoạt động mà bạn cảm thấy gắn kết, một hoạt động mà bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng khi thực hiện, và một hoạt động khiến bạn chìm vào cảm giác “phiêu”; lấy từng hoạt động đó làm chủ đề chính để tạo ra ba Sơ đồ Tư duy.
3. Quan sát vòng ngoài cùng của mỗi Sơ đồ Tư duy, chọn ra ba cụm từ khiến bạn thật lòng thấy hứng thú để tạo ra một bản mô tả nghề nghiệp từ chúng.
4. Nghĩ ra một vai trò cho từng mô tả nghề nghiệp và phác họa chúng.