Có những lúc, trước một lượng lớn thông tin đòi hỏi chúng ta phải đưa ra một quyết định hợp lí, ta sẽ hay bị rơi vào hỗn loạn. Đặc biệt là lúc phải đứng giữa rất nhiều sự lựa chọn, xác suất đưa ra quyết định sai càng tăng lên. Cuối cùng ở trong trạng thái hỗn loạn như vậy mà quyết định, chúng ta rất dễ mắc sai lầm. Cuộc sống tiếp sau đó chắc chắn sẽ rơi vào trạng thái bận rộn mù quáng!
Những quyết định sai lầm kiểu này rất thường gặp, cũng chính là vấn đề mà những người đưa ra quyết định phải đối mặt và giải quyết.
Kiểu quyết định trong hỗn loạn này chính là lựa chọn đầy mâu thuẫn của tâm lý hành vi, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đưa ra quyết định của con người. Đặc biệt có những người cái gì cũng muốn có thì họ sẽ luôn tỉ mỉ so sánh tất cả các lựa chọn, sau đó mới đưa ra được quyết định cuối cùng. Kiểu đưa ra quyết định như thế này có lẽ chỉ đem lại kết quả tốt khi có ít lựa chọn, tuy nhiên khi có quá nhiều lựa chọn thì rất dễ đưa ra quyết định sai lầm. Vậy có biện pháp nào có thể giải quyết ổn thỏa vấn đề này? Câu trả lời chính là suy luận thật nhanh: tạo ra trật tự trong hỗn loạn, sắp xếp dòng suy nghĩ, để đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Điểm quan trọng của suy luận nhanh chính là liên kết những thứ vốn không liên quan đến nhau trong vô vàn những thứ bạn đã biết. Sau đó trong quá trình quyết định, có thể tiến hành tập hợp thông tin nhanh chóng và tạo lập trật tự trong đống thông tin hỗn loạn. Tập hợp thông tin là gì? Tức là lưu trữ thông tin thành đơn vị nhóm, chứ không phải lưu trữ theo từng tin riêng lẻ. Mặc dù mỗi ngày con người đều phải tiếp xúc với lượng lớn thông tin, nhưng não bộ của con người mỗi lần chỉ có thể xử lý tối đa bảy thông tin, nếu không sẽ quá tải. Giả dụ, người đưa ra quyết định cho rằng, lượng thông tin nhận được càng nhiều, quyết định họ đưa ra sẽ càng chính xác, đó là sai lầm rất lớn. Lượng thông tin mà não bộ của con người có thể tiếp nhận và xử lí là có hạn. Khi chúng ta tiếp nhận hoặc đối mặt với vô vàn thông tin như vậy, sẽ xuất hiện tình trạng quá tải thông tin, dễ rơi vào trạng thái không biết làm thế nào. Chẳng hạn, khi bác sĩ thăm khám cho người bệnh, luôn thu thập một số thông tin từ người bệnh, nhưng nếu người bệnh đưa ra quá nhiều thông tin, có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả chẩn đoán. Do vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, lượng thông tin quá nhiều sẽ không mang lại lợi ích gì. Ngược lại, nó còn làm ảnh hưởng đến khả năng phân tích, khiến cho người đang phải đưa ra quyết định cảm thấy rối, dẫn đến những quyết định sai lầm.
Bây giờ bạn có thể nghĩ lại tình huống lúc bạn thắt dây giày. Trước tiên bạn cần phải cầm lấy hai đầu dây, tạo thành hình vòng cung, đan chéo chúng lại với nhau, sau đó kéo mạnh hai đầu, như vậy bạn đã buộc xong dây giày. Thế nào? Bạn có nhớ những bước này không? Có thể rất nhiều người chỉ nhớ đến việc “buộc dây giày”, mà quên mất các bước cụ thể, tại sao lại như vậy? Là bởi vì chúng ta đã tập hợp thông tin liên quan đến các bước buộc dây giày rồi.
Về mặt này, những nhân viên sửa chữa xe hơi thông thường đều có thể làm rất tốt. Tôi nhớ có một lần, xe của tôi gặp vấn đề, chỉ cần khởi động là động cơ chiếc xe kêu inh ỏi. Tôi đến một tiệm sửa xe, nghĩ rằng động cơ hỏng hóc rất nặng. Nhưng khi anh thợ tháo dỡ xe mình ra, anh ấy nói một câu nhẹ tênh: “Không có vấn đề gì lớn cả, chỉ là hệ thống giảm xóc có vấn đề, mười phút là sửa xong”. Sau này nghĩ lại, nếu tôi hỏi người thợ đó phán đoán bằng cách nào, có lẽ anh ta cũng không trả lời được. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định, từ rất lâu trước đó, anh ta đã tập hợp thông tin về chiếc xe như loại xe, lộ trình của xe, nhà sản xuất, thời gian sản xuất,... cho nên anh ta mới có thể đưa ra phán đoán chính xác trong thời gian ngắn như vậy. Giả dụ tôi có nói cho anh ta biết rằng đó đều là nhờ khả năng suy luận nhanh của anh, rồi khen ngợi anh ta, nhất định anh ta sẽ cảm thấy kì lạ, bởi vì anh ta cũng không hiểu quá trình tư duy của mình được vận hành như thế nào. Khi đối diện với lượng thông tin hỗn loạn phức tạp, việc tập hợp thông tin có thể giúp nâng cao năng lực suy luận nhanh.
Suy luận nhanh vận hành như thế nào? Lấy ví dụ, một ông lão là chủ một nông trường ở bang California của Mỹ nằm trên chiếc ghế của mình, vừa nhìn mây trời vừa nói: “Ngày mai trời sẽ mưa”. Ông chắc chắn chỉ nghĩ rằng mình đang nói một câu rất bình thường, nhưng trên thực tế ông lại đang tiến hành suy luận nhanh. Nếu bạn hỏi tại sao ngày mai lại mưa, có thể ông không biết trả lời như thế nào. Thực ra ông đã sớm lưu trữ các thông tin có liên quan đến thời tiết và tập hợp lại trong não bộ của mình. Thông thường, những người phải đưa ra quyết định mà có trực giác tương đối tốt đều rất giỏi trong việc tập hợp thông tin. Như vậy, họ có thể xử lý một lượng lớn thông tin trong vài giây, từ đó tìm ra thứ tự nhất định trong sự hỗn loạn đó. Nếu muốn rèn luyện trực giác của mình, điểm mấu chốt nằm ở chỗ phải thu thập đầy đủ thông tin, sau đó tiến hành tập hợp thông tin, như vậy mới có thể suy luận nhanh.
Trong quá trình đưa ra quyết định, thông tin quá hỗn loạn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực như thế nào với người phải đưa ra quyết định?
1. Giảm sự tập trung
Trong quá trình thu thập thông tin, con người rất dễ bị thu hút bởi hình ảnh, chữ viết, tranh vẽ và các phần mềm thông tin xã hội. Từ đó, họ sẽ chú ý đến những thứ khác, quên mất mục tiêu muốn tìm kiếm, giảm sự tập trung, cuối cùng lạc trong biển thông tin.
2. Tạo ra áp lực tâm lý
Các nhà tâm lý học từ lâu đã đưa ra khái niệm “lo lắng thông tin”. Do lượng thông tin quá lớn, quá hỗn loạn, tin tức liên tục tăng lên, mà lối tư duy của con người vẫn chưa thể xử lý tốt lượng thông tin đó, nên người phải đưa ra quyết định rất dễ rơi vào trạng thái lo lắng.
3. Khó đưa ra quyết định
Trong hệ thống thông tin toàn cầu, tỉ lệ tin rác không dưới 50%, thậm chí một số lĩnh vực học thuật quan trọng chiếm đến 80%. Vì vậy mọi người rất dễ bị lạc trong đống thông tin rác này, không thể dễ dàng tìm được những thông tin hữu dụng, hơn nữa còn chịu gánh nặng trong việc lựa chọn, khó có thể đưa ra phán đoán và quyết định chính xác.
Thông tin hỗn loạn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực phán đoán, dẫn đến thất bại trong việc đưa ra quyết định. Vì vậy người đưa ra quyết định cần học cách tận dụng năng lực trực giác của bản thân để suy luận nhanh, như vậy mới có thể tìm ra trật tự trong mớ hỗn độn, mới có thể tìm được phần thông tin có giá trị trong biển thông tin kia. Đây cũng là cơ sở để đưa ra được những quyết định thành công.
Người đưa ra quyết định đứng trước hỗn loạn, ngoài việc vận dụng sự suy luận nhanh để tìm trật tự, còn có thể thông qua những bước dưới đây để sắp xếp các luồng thông tin:
1. Tinh giản thông tin
Mỗi ngày, lượng thông tin mà người đưa ra quyết định có thể xử lý là rất có hạn, bởi vậy cần học cách chỉ giữ lại những thông tin có ích nhất. Đồng thời cần nhớ rõ, thông tin không phải là kiến thức, hãy tinh giản tối đa những thông tin không cần thiết, mới có không gian để lưu trữ những thông tin quan trọng.
2. Chú trọng chất lượng
Thông tin nhiều không có nghĩa là có giá trị. Giống như có những cuốn sách luôn được đánh giá là có giá trị cao hơn hẳn một số cuốn khác, bởi vậy để được coi là “đọc nhiều sách” mà bỏ thời gian đi đọc mấy loại sách không có giá trị, cũng không phải là sự lựa chọn thông minh. Đối với việc thu thập và sắp xếp thông tin cũng như vậy, cần chú ý đến chất lượng hơn số lượng.
3. Chú ý nghỉ ngơi
Khi bạn cảm thấy mệt mỏi trong quá trình thu thập thông tin, nhất định phải biết cách nghỉ ngơi và vận động, giúp não bộ được thư giãn. Chỉ khi não bộ ở trạng thái thoải mái, mới có thể xử lý các thông tin hỗn loạn tốt hơn.