Ông Neil Leon Rudenstine - nguyên hiệu trưởng trường Đại học Harvard từng nói: “Trên con đường tiến bước vào thế kỉ mới, nền giáo dục tốt nhất là nền giáo dục giúp con người sáng tạo, giúp con người giỏi suy xét, biết theo đuổi và biết quan sát, trở thành con người càng hoàn hảo và thành công hơn”. Sinh viên trường Harvard đều rất giỏi suy xét, giỏi việc phá vỡ tư duy rập khuôn thông thường. Lối suy nghĩ của họ khác người, thậm chí có những lúc còn tương phản, kiểu tư duy này được gọi là “tư duy ngược”.
Có những lúc, đưa ra quyết định cần những bộ não đảo ngược, lật ngược vấn đề để tìm kiếm những khả năng khác, như vậy tư duy của người phải đưa ra quyết định sẽ linh hoạt, đa dạng hơn, cũng thêm phần sâu, rộng. Sử Phong Thu - chuyên gia tính nhẩm nhanh nổi tiếng của Trung Quốc là một người nắm rõ lối tư duy ngược. Khi còn học lớp hai đột nhiên trong đầu ông xuất hiện một suy nghĩ kì lạ: “Tại sao phép toán nào cũng phải tính từ phải sang trái? Viết và đọc đều có thể từ trái sang phải, vậy tại sao tính toán lại không bắt đầu từ trái sang phải, bắt đầu từ số ở hàng cao nhất?”. Suy nghĩ này cứ luẩn quẩn trong đầu ông, trải qua nhiều năm chăm chỉ học tập, cuối cùng ông cũng phát minh ra phương pháp tính nhẩm nhanh Sử Phong Thu nổi tiếng. Vậy tư duy ngược rốt cuộc là gì? Tư duy ngược hay còn gọi là tư duy tìm ra khác biệt, tức là, để có thể sáng tạo hoặc giải quyết một vấn đề nào đó mà tư duy thông thường khó có thể giải quyết được, người ta sẽ tư duy theo hướng ngược lại với tư duy thông thường.
Trong quá trình đưa ra quyết định, thông thường mọi người thích suy nghĩ và tìm kiếm phương án giải quyết theo hướng thuận với chiều phát triển của sự việc. Trên thực tế, đối với một số vấn đề đặc thù, sử dụng phương pháp tư duy ngược để suy luận, có thể đơn giản hóa được vấn đề. Tư duy ngược thường đối lập hẳn với những quan niệm truyền thống đã ăn sâu bén rễ. Nó giúp tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề từ phương hướng trái ngược đó, các hình thức thường gặp gồm: lật ngược lại kết quả, lật ngược lại một điều kiện nào đó, lật ngược lại vị trí, lật ngược lại quá trình hoặc phương thức sự vật phát huy tác dụng.
Ở Mỹ có một trung tâm thương mại nổi tiếng, do lượng khách không ngừng tăng, số thang máy hiện có không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, thế là chủ tòa nhà đó quyết định lắp đặt thêm thang máy. Kĩ sư lắp thang máy và kiến trúc sư tiến hành đo đạc nhiều lần, sau nhiều lần thương lượng, thỏa thuận, họ quyết định mỗi tầng lầu sẽ đục một lỗ, sau đó lắp đặt thang máy mới.
Sau khi đưa ra bản vẽ thiết kế, chuẩn bị tiến hành thi công, một người lao công nói với kĩ sư rằng: “Nếu đục sàn của tất cả các tầng để lắp thang máy, sẽ làm rung chuyển cả tòa nhà mất!”.
Người kĩ sư trả lời: “Đúng thế, cũng chẳng còn cách nào khác cả”. Người lao công nói: “Vậy thì, cả tòa nhà này sẽ phải tạm dừng kinh doanh sao?”.
Người kĩ sư nói: “Đúng vậy, nếu không làm thế, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn bây giờ”.
Người lao công không đồng ý nói: “Nếu là tôi, tôi chắc chắn sẽ lắp đặt thang máy bên ngoài tòa nhà”.
Không ngờ, nhờ chính câu nói này mà trên thế giới lần đầu tiên xuất hiện loại thang máy được lắp đặt bên ngoài toà nhà.
Rất nhiều người đều thấy ngạc nhiên. Nếu nói đến trình độ học vấn, người lao công chắc chắn không thể bằng anh kĩ sư, nhưng tư duy của người lao công đó lại rộng hơn. Trình độ của anh kĩ sư cao hơn nhiều, nhưng trong suy nghĩ của anh ấy, thang máy đều được lắp đặt trong nhà, nếu muốn lắp thêm thang máy, chắc chắn chỉ có thể lắp trong nhà. Còn chuyện lắp bên ngoài tòa nhà, e rằng anh kĩ sư chưa từng nghĩ đến. Người lao công lại biết cách sử dụng lối tư duy ngược, nghĩ ra cách đặt thang máy ở ngoài.
1. Phương pháp tư duy ngược kiểu chuyển đổi
Là phương pháp tư duy mà khi việc xử lí gặp trở ngại, thì chuyển sang cách giải quyết khác, hoặc nhìn nhận theo góc độ khác để vấn đề được giải quyết thuận lợi. Có một giai thoại về Tư Mã Quang, kể về việc ông đập chum cứu bạn bị rơi vào nước, trên thực tế đó là một ví dụ dùng phương pháp tư duy ngược kiểu chuyển đổi. Do Tư Mã Quang không thể giải quyết theo cách thông thường là chui vào trong cứu bạn được nên ông liền chuyển sang cách khác đó là đập vỡ chum, từ đó giải quyết được vấn đề một cách thuận lợi.
2. Phương pháp tư duy ngược kiểu ngược lại
Trong phương pháp này, ta sẽ tiến hành tư duy theo chiều hướng ngược lại với sự việc đã biết, qua đó tạo ra những lối suy nghĩ mới. “Chiều hướng ngược lại của sự vật” thường là từ ba phương diện: chức năng, kết cấu, quan hệ nhân quả của sự vật. Chẳng hạn, trên thị trường bán sản phẩm nồi chiên không dầu, chính là đưa nguồn nhiệt ban đầu từ đáy lắp đặt lên phía trên của nồi. Đây chính là sử dụng tư duy ngược, là sản phẩm được ra đời nhờ chuyển đổi tư duy ngược về mặt kết cấu.
3. Phương pháp tư duy tận dụng nhược điểm
Tạo ra lối tư duy mới bằng cách lợi dụng nhược điểm của sự vật, biến nhược điểm thành thứ có thể tận dụng, biến bị động thành chủ động, biến bất lợi thành có lợi. Mục tiêu của phương pháp này không phải là khắc phục nhược điểm của sự vật, mà ngược lại, nó biến hại thành lợi, tìm ra phương hướng giải quyết. Chẳng hạn, sự ăn mòn kim loại là nhược điểm, nhưng con người tận dụng nguyên lý ăn mòn kim loại để tiến hành sản xuất bột kim loại, hoặc tiến hành mạ điện. Đây chính là một kiểu ứng dụng phương pháp tư duy tận dụng nhược điểm.