Trong lúc giải quyết vấn đề hoặc đưa ra phán đoán, mọi quyết định đều phải gắn liền với một mục tiêu rõ ràng.
Nó như ngọn đèn soi rọi chúng ta giữa biển trời mênh mông, có thể nâng cao năng lực nhận biết của người đang phải quyết định, mang đến phương hướng chính xác cho họ. Nếu người đưa ra quyết định không có mục tiêu rõ ràng, sẽ dẫn đến sự trì hoãn và do dự, cuối cùng có những quyết định sai lầm.
Trước đây, Đại học Harvard đã tiến hành một cuộc điều tra dài hàng chục năm. Đối tượng điều tra là những người trẻ đến từ các quốc gia khác nhau, có trình độ văn hóa và địa vị tương đương nhau. Cuộc điều tra phát hiện có 27% trong số những người này không có mục tiêu cho bản thân, 60% chỉ có mục tiêu mơ hồ, 10% có mục tiêu ngắn hạn, chỉ có 3% là có mục tiêu rõ ràng, dài hạn. Hai mươi lăm năm sau, kết quả điều tra cho thấy, cuộc sống của những người được điều tra không giống nhau. 27% số người không có mục tiêu hầu như đều thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội. Cuộc sống của họ không được như ý, thường trong tình trạng thất nghiệp, mang tâm lí oán trách người khác, oán trách xã hội. 60% số người có mục tiêu mơ hồ đa số thuộc giai cấp trung bình trong xã hội, tuy họ có cuộc sống và công việc ổn định, nhưng không có thành tích gì nổi bật. 10% số người có mục tiêu ngắn hạn rõ ràng có cuộc sống thuộc tầng lớp trung lưu. Họ trở thành những người có vị trí trong xã hội như bác sĩ, luật sư, kĩ sư,... và cuộc sống của họ cũng phát triển ổn định. 3% số người có mục tiêu rõ ràng và dài hạn, họ luôn giữ vững mục tiêu, hơn nữa còn luôn cố gắng vì một mục tiêu đó. Sau hai mươi lăm năm họ đều trở thành người thành công trong xã hội, chẳng hạn như tỷ phú, lãnh đạo trong ngành, xây dựng nên cả một đế chế trong kinh doanh,...
Có thể thấy, một người có mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống hay không sẽ quyết định thành tựu trong công việc của người đó như thế nào, có được cuộc sống ra sao. Nếu có thể tập trung vào một mục tiêu rõ ràng, tự nhiên có thể nhanh chóng đưa ra lựa chọn hoặc phán đoán chính xác. Đương nhiên muốn lập được một mục tiêu rõ ràng, chính xác không phải chuyện dễ dàng, cần phải tuân theo những nguyên tắc sau:
1. Mục tiêu cần phải rõ ràng
Chẳng hạn, có người quyết định sẽ lấy việc nâng cao năng lực cá nhân làm mục tiêu của mình. Mục tiêu như thế này quá chung chung, thiếu rõ ràng. Để quyết định cần có thật nhiều thông tin chi tiết. Cho nên việc thiết lập mục tiêu càng rõ ràng, càng cụ thể càng tốt, tốt nhất là có thể chi tiết nó.
2. Mục tiêu nên có tính đo đếm được
Tính đo đếm được tức là mục tiêu đặt ra thì phải có một nhóm số liệu rõ ràng, hơn nữa những số liệu này cần có tính tiệm tiến, là căn cứ để theo dõi định kì và so sánh, xác định xem có hoàn thành mục tiêu hay không. Như vậy người đưa ra quyết định mới có cảm giác bức thiết, mới biết cách tuần tự tiến tới gần mục tiêu.
3. Mục tiêu cần là thứ có thể hoàn thành
Một mục tiêu được gọi là có thể hoàn thành chủ yếu bao gồm hai phương diện. Một là mục tiêu phải có khả năng thực hiện được trong điều kiện hiện có, hai là mục tiêu cần có sự thách thức nhất định. Nếu không thể hoàn thành thì đặt ra mục tiêu cũng chỉ là mục tiêu vô nghĩa. Còn nếu không có tính thách thức thì việc hoàn thành mục tiêu cũng chả đem lại thu hoạch hay tiến bộ nào cả.
4. Mục tiêu cần có thời hạn
Có nhiều người thường lề mề, trì hoãn, bởi vì khi đặt ra mục tiêu họ không yêu cầu bản thân bắt buộc phải hoàn thành nó trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, dù là mục tiêu gì cũng phải đặt ra thời hạn, nếu không sẽ chẳng bao giờ có thể hoàn thành được.
5. Mục tiêu nên có tính phân chia
Mục tiêu nên được phân chia có lớn, có nhỏ, như vậy khi thực hiện sẽ có tính khả thi cao hơn.
Thiết lập mục tiêu là một quá trình liên tục. Mục tiêu là thứ có thể được thay đổi tùy theo thời gian, tình hình thực tế.
Khi thiết lập mục tiêu, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc nêu trên, còn cần chú ý hai vấn đề sau:
1. Mục tiêu nào cũng phải có lý do
Dù là đặt ra mục tiêu như thế nào, thì cũng phải có một lý do thuyết phục. Điều quan trọng không phải là làm gì mà là tại sao phải làm những chuyện đó.
2. Ghi chép quan trọng hơn ghi nhớ
Khi bạn đặt ra mục tiêu, tốt nhất là phải viết ra, hoặc dùng các hình thức ghi nhớ như lưu dữ liệu vào máy tính, điện thoại,... như vậy bạn sẽ càng coi trọng mục tiêu của mình, càng muốn hoàn thành nó hơn.
Muốn lập ra cho mình một mục tiêu chính xác, rõ ràng cần đầu tư thời gian và công sức. Những bước dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn:
Bước 1: Viết ra một danh sách các mục tiêu
Mọi người đều phải có mục tiêu cho riêng mình. Những mục tiêu này tốt nhất đừng vượt quá phạm vi năng lực của bạn, mà nên là thứ khi bạn cố gắng, nỗ lực là có thể thực hiện được. Chẳng hạn, bạn hi vọng khi đưa ra quyết định này sẽ đạt được mục tiêu như thế nào, hi vọng tương lai hai năm hoặc năm năm tới sẽ đạt được mục tiêu gì. Hãy viết chúng ra.
Bước 2: Đưa ra thời gian hoàn thành mục tiêu
Bất luận mục tiêu của bạn lớn đến cỡ nào, đều nên đưa ra một thời hạn hoàn thành nhất định. Đây chính là cái được gọi là kế hoạch một năm, năm năm hay mười năm. Có mục tiêu có thể vì lí do tuổi tác, sức khỏe hoặc điều kiện kinh tế mà trì hoãn, khoảng thời gian bị trì hoãn này cũng nên được dự tính.
Bước 3: Xác định chi tiết quá trình thực hiện mục tiêu
Tiếp theo, bạn nên bắt đầu suy nghĩ đến nội dung chi tiết để thực hiện mỗi mục tiêu, Đây mới chính là phần khiến bạn sục sôi nhiệt huyết nhất. Đối với mỗi mục tiêu, bạn có thể tiến hành theo các bước dưới đây:
(1) Viết ra mục tiêu của bạn lên giấy.
(2) Bên dưới, bạn viết ra những nguồn tài nguyên cần thiết để thực hiện mục tiêu này nhưng còn đang thiếu. Nguồn tài nguyên này có thể là kinh tế, tuổi tác, kĩ năng,.. Sau đó viết ra những “mục tiêu con” cần hoàn thành để thực hiện mục tiêu lớn.
(3) Viết ra các bước hành động để hoàn thành “mục tiêu con”.
(4) Viết ra thời gian cần thiết để hoàn thành mục tiêu lớn và “mục tiêu con”. Đối với những mục tiêu không thể biết được chính xác thời gian hoàn thành, cần cân nhắc xem thời gian sớm nhất và thời gian muộn nhất có thể hoàn thành, rồi lấy đó làm kỳ hạn.
(5) Kiểm tra lại toàn bộ khung thời gian, sau đó viết ra tiến độ cho mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi năm của bạn. Như vậy có thể giúp bạn căn cứ vào thời gian đã dự tính để hoàn thành mục tiêu.
(6) Viết tất cả các mốc thời gian bạn hoàn thành mục tiêu lên bảng tiến độ. Như vậy, bạn sẽ có lượng thời gian xác định để hoàn thành các công việc. Đến cuối năm, bạn hãy nhìn lại kết quả của một năm qua, gạch bỏ những việc đã hoàn thành, và viết ra những việc cần làm trong năm sau.
Nói chung, trong quá trình ra quyết định, việc căn cứ vào mục tiêu để phán đoán có thể nâng cao năng lực nhận biết của người quyết định, cũng giúp họ có phương hướng hành động rõ ràng, chính xác, bảo đảm cho sự thành công của các quyết định.