Có rất nhiều người có lẽ đã từng trải qua chuyện như thế này: trong công việc họ hao tâm tổn sức, giao thiệp với vô số khách hàng, đến cuối cùng vẫn chẳng kí được cái hợp đồng nào; hoặc là cho rằng ý tưởng của bản thân mình rất tốt, thức trắng mấy đêm mới có thể viết ra được một số phương án, cuối cùng lại bị cấp trên “thẳng thừng” từ chối,... Những lần thực hiện “công vô ích” trong môi trường công sở như thế này, có phải bạn cũng từng trải qua?
“Công vô ích” (công hao phí) thực chất là một khái niệm trong vật lí, chỉ những công không mang lại lợi ích gì, nhưng nó vẫn luôn tồn tại. Sau này mọi người sử dụng khái niệm “công vô ích” này vào trong cuộc sống và công việc, sau đó nó trở thành một ý nghĩa khác. Chẳng hạn như, trong bộ phim Starry Starry Night được chuyển thể từ truyện tranh của Jimmy Liao có một lời thoại như thế này: “Có một số chuyện, ngay từ khi bắt đầu đã mang nghĩa kết thúc, ngay từ khi bắt đầu đã biết không có kết quả, vậy có nên đừng bắt đầu nó không? Nếu vì sợ mất đi mà từ bỏ quyền được sở hữu, vậy thì cuộc sống của con người cũng chả còn ý nghĩa...”. Đây lại là một cách giải thích khác của “công vô ích”.
Đối với những người trẻ muốn thành công, trong cuộc sống, học tập và làm việc, họ rất khó tránh khỏi những “công vô ích” . Nếu bạn chỉ biết vùi đầu vào bận rộn một cách mù quáng, mà không chú ý đến phương pháp học tập và làm việc, vậy thì chỉ có thể giống như con quay xoay tròn lặp đi lặp lại, lãng phí phần lớn thời gian và sức lực, đến cuối cùng lại chẳng được chút lợi ích gì.
Anh Nam làm việc rất chăm chỉ, cũng rất cố gắng, nhưng rốt cuộc toàn làm những việc “công vô ích”.
Năm hai mươi hai tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, anh liền đến Bắc Kinh và tìm được công việc đầu tiên, đó là làm phóng viên tạp chí. Do thiếu kinh nghiệm làm việc, anh đã làm rất nhiều việc “công vô ích”, như khó khăn lắm mới viết được vài nghìn chữ, đến cuối cùng chỉ được in mấy trăm chữ trên một góc nhỏ. Tuy rằng hằng ngày anh đều bận tối mặt tối mũi đi hiện trường viết bài, nhưng kết quả cuối cùng lại không khả quan, dần dần trong lòng anh xuất hiện cảm giác buồn chán, chưa làm được bao lâu đã xin nghỉ.
Vài năm sau đó, anh chuyển đến Quảng Châu, thay đổi vài công việc, bất luận làm gì cũng không tránh khỏi những “công vô ích”. Chẳng hạn, khi làm quản lý nhân lực, do một số biến động trong công ty mà những phương án đào tạo anh đưa ra đều bị bác bỏ. Khi làm nhân viên kinh doanh tại cửa hàng ô tô 4S, anh rất nhiệt tình tiếp đón khách hàng, cuối cùng cả quý lại chỉ bán được một chiếc xe… Sau đó, anh lại làm ở bộ phận khách hàng của một ngân hàng, công việc này gần giống với công việc anh từng làm tại cửa hàng 4S, dường như ngày nào cũng bận bịu liên hệ, trò chuyện với khách hàng, mỗi lần anh đều dành lượng lớn thời gian và sức lực của mình cho một vị khách hàng, nhưng đến cuối cùng lại chẳng mang đến lợi ích gì cho bản thân.
Thời điểm đó, anh tự cảm thấy bản thân mình đang thực hiện “công vô ích”. Anh thấy chán nản và thất vọng, nhưng lại không biết cách dừng lại để nhìn lại chính mình. Sau này anh kể về tình cảnh của mình với thầy giáo ở trường đại học, thầy khuyên anh như thế này: “Đừng có ngày nào cũng vùi đầu trong những sự bận rộn mù quáng như thế. Có những lúc em cần ngẩng đầu để nhìn xung quanh, tìm ra phương pháp làm việc đúng đắn và phù hợp nhất với bản thân mình. Bởi vì trong công việc, ngoài việc nỗ lực ra thì phương pháp cũng quan trọng. Nếu phương pháp không đúng, cho dù em có cố gắng đến mấy thì cũng chỉ làm ‘công vô ích’ mà thôi”.
Thực ra, trong cuộc sống, có rất nhiều người đều trải qua tình huống giống như anh Nam. Họ lãng phí tất cả thời gian mà họ có, mỗi ngày đều làm những việc “công vô ích”, nhưng lại bị che mắt bởi dáng vẻ bận rộn của chính mình. Bởi vậy, khi bạn bỏ ra rất nhiều công sức mà kết quả mang lại chẳng bao nhiêu thì bạn nên dừng lại xem xét một chút: Chiến thuật thời gian của bạn đã thực sự đúng đắn chưa? Phương hướng nỗ lực của bạn có sai sót gì không? Bạn có đang quá cố chấp không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là có, vậy thì chắc chắn bạn đã từng hoặc đang làm “công vô ích”.
Cho dù bạn nóng lòng muốn có được thành công đi chăng nữa, thì bạn cũng cần phải hiểu rõ, sự cố gắng thực sự không có nghĩa là cứ vô hồn lặp đi lặp lại những công việc vô nghĩa. Rất nhiều người trong “nhóm bận rộn mù quáng” làm việc rất cẩn thận, đến cuối cùng lại không nhận được những sự đền đáp xứng đáng. Thậm chí trên con đường theo đuổi thành công, bỏ đi cái mâm nhưng cũng chẳng thể có được cái bát, chỉ có thể đứng nhìn những người xung quanh được thăng chức tăng lương. Tại sao lại như vậy?
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này chính là họ không hiểu tầm quan trọng của phương pháp làm việc, luôn thực hiện “công vô ích”. Cho nên, bất luận hiện tại bạn đang làm công việc gì, đều cần phải hiểu sự lao động vất vả không có nghĩa sẽ mang lại hiệu quả cao. Nếu bạn muốn được cấp trên trọng dụng, thì cách duy nhất chính là trong thời gian ngắn nhất tạo ra thành tích vượt trội nhất! Thứ mà các doanh nghiệp trong thời đại này coi trọng chính là hiệu suất và hiệu quả công việc. Những nhân viên có thành tích xuất sắc sẽ luôn nhận được sự coi trọng của cấp trên.
Henry Ford - người sáng lập Công ty Ford Motor cũng là người có yêu cầu khá nghiêm ngặt đối với hiệu suất công việc. Trong công việc, Henry Ford rất để ý hiệu suất của nhân viên, đồng thời ông luôn luôn khích lệ họ: “Đã làm việc nhất định phải đạt được thành quả tốt nhất! Làm việc nhất định phải đạt hiệu suất cao nhất!”. Có lẽ đây cũng chính là cội nguồn thành công của Công ty Ford Motor, và bản thân Henry Ford cũng được vinh danh là “Người đưa nước Mỹ đến với mô hình sản xuất theo dây chuyền lắp ráp”.
Thực ra, muốn nâng cao hiệu suất làm việc, phương pháp tốt nhất chính là không thực hiện “công vô ích”. Nếu bạn có thể giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra hiệu suất làm việc thấp, chắc chắn sẽ có được hiệu quả làm việc mong muốn. Chúng ta đều biết giải pháp luôn nhiều hơn vấn đề. Bất kì vấn đề nào cũng có phương pháp giải quyết của nó, chỉ cần sử dụng đúng phương pháp thì sẽ có được thành công.
Có một lần, Ivy Lee, một chuyên gia nổi tiếng về hiệu suất tiếp đón một vị khách, vị khách đó chính là ông Charles M. Schwab, Chủ tịch của Tập đoàn thép Bethlehem. Tập đoàn thép Bethlehem lúc bấy giờ vẫn chưa nổi tiếng, chỉ là một xưởng sản xuất sắt thép nhỏ.
Charles M. Schwab nói: “Ngài Ivy Lee, ngài có thể nói cho tôi biết làm thế nào để nâng cao hiệu suất, khiến cho những nỗ lực của mình có thể nhận lại được kết quả tốt hơn không?”.
“Chẳng phải việc này rất dễ sao? Trong mười phút tôi có thể đưa cho ngài thứ ngài muốn, nó có thể giúp ngài nâng cao thành tích của xưởng lên 50%.” Ivy Lee lấy ra một tờ giấy trắng từ quyển sách trên bàn, nói với Charles M. Schwab: “Bây giờ, ngài chỉ cần viết lên đây những việc ngày mai cần phải làm”.
Charles M. Schwab mất năm phút để viết lên đó những việc mà ngày mai ông phải làm.
Lúc này, Ivy Lee tiếp tục nói: “Bây giờ, ngài hãy phân chia rõ những công việc đó theo thứ tự trước sau, xếp những việc quan trọng nhất lên phía trước… ngài có thể dùng số để đánh dấu chúng”.
Charles M. Schwab lại mất thêm năm phút sắp xếp chúng theo thứ tự trước sau.
“Rất tốt, bây giờ ngài có thể để tờ giấy đó vào túi áo của mình. Ngày mai việc đầu tiên khi thức dậy chính là lấy tờ giấy đó ra, bắt đầu làm từ việc quan trọng nhất, sau đó là đến việc thứ hai, thứ ba…”
Charles M. Schwab gật gật đầu. Ivy Lee tiếp tục nói: “Ngài xem đi! Như vậy chỉ mất có mười phút mà lại có thể giúp ngài tìm thấy phương pháp nâng cao năng suất. Nếu ngài và nhân viên của mình có thể làm theo cách này, tôi tin rằng xưởng của ngài sẽ ngày càng phát triển... Đợi đến lúc công xưởng của ngài có được hiệu suất cao rồi hãy tính đến việc trả thù lao cho tôi!”.
Sau một tháng, Ivy Lee nhận được một bức thư kèm theo đó là tờ chi phiếu mệnh giá hai mươi lăm nghìn đô, người gửi chính là Charles M. Schwab. Ông viết trong thư với nội dung: “Cảm ơn sự chỉ dạy của ngài, phương pháp của ngài thực sự có giá trị!”.
Charles M. Schwab học được phương pháp nâng cao hiệu suất từ Ivy Lee, từ đó ông không làm những “công vô ích” nữa mà dùng sức lực vào những việc quan trọng. Trong khoảng thời gian năm năm, Tập đoàn thép Bethlehem ngày càng lớn mạnh, cuối cùng trở thành tập đoàn sắt thép độc lập lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, nguyên nhân rơi vào vòng bận rộn mù quáng của rất nhiều người chủ yếu là dùng sai phương pháp, dù bản thân đã thất bại nhưng lại không biết rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Chúng ta cũng thường xuyên nghe thấy những câu nói kiểu thế này từ những người thất bại: “Đều là vì thế này… đều là vì thế kia...”. Không làm được việc thì không nên viện ra một đống lí do, hãy suy nghĩ lại xem nên tìm cách nào để giải quyết vấn đề.
Thứ mà xã hội hiện nay cần không phải là những người chỉ biết vùi đầu vào làm việc quần quật. Nếu không biết cách ngẩng đầu lên nhìn đường đi, không chú trọng phương pháp, thì có lẽ sẽ chẳng thể làm việc có năng suất được. Chẳng hạn, nếu phương pháp học tập của bạn đúng, rất nhiều kiến thức chỉ cần đọc một lần là có thể hiểu ngay. Nếu phương pháp học tập không đúng, cho dù bạn có đọc đến một trăm, một nghìn lần thì cũng chỉ phí công vô ích.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng tổng kết lại phương pháp nâng cao hiệu suất của Ivy Lee, nó sẽ giúp “nhóm bận rộn mù quáng” ít phải làm hoặc thậm chí không phải làm những “công vô ích”.
(1) Bạn hãy viết ra năm điều quan trọng nhất bạn cần hoàn thành vào ngày hôm sau;
(2) Sắp xếp năm công việc này theo thứ tự ưu tiên trước sau;
(3) Ngày hôm sau hãy bắt đầu làm từ công việc quan trọng nhất, làm đến khi hoàn thành nó;
(4) Tiếp tục chuyển sang công việc thứ hai, công việc thứ ba…
(5) Lặp đi lặp lại quy trình này cho mỗi ngày làm việc và để nó trở thành thói quen.
Phương pháp này của Ivy Lee đáng để mọi người học tập, tuy nhiên đây không phải là phương pháp duy nhất. Mỗi người cần dựa vào tình hình thực tế của bản thân để tìm cho mình phương pháp phù hợp, làm như vậy mới có thể nâng cao hiệu suất một cách tốt nhất, không làm thêm những “công vô ích”.
Cho dù là cá nhân đang phấn đấu, hay là doanh nghiệp đang phát triển, đều không được phép chỉ biết vùi đầu vào làm việc, mà phải biết cách ngẩng đầu nhìn đường đúng lúc. Cần hiểu rõ tình trạng của bản thân, nắm rõ và nắm chắc xu hướng phát triển trong tương lai, thì mới có thể tìm được phương pháp phù hợp để phát triển bản thân, như vậy mới có mục tiêu và phương hướng để tiến về phía trước. Cũng chỉ có như vậy, mới có thể tránh việc bận rộn một cách mù quáng mà làm lãng phí thời gian và hao phí sức lực.