Trong quá trình đưa ra quyết định, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thông tin, rất nhiều vấn đề, nhiều người vì thế mà cảm thấy mù mờ, không biết làm thế nào, lúc này trực giác sẽ xuất hiện để “giúp đỡ” bạn. Tôi nghĩ có rất nhiều người đã từng trải qua chuyện thế này, bạn phải lao tâm khổ tứ vì một quyết định nào đó, thậm chí vắt óc suy nghĩ, nhưng vẫn không thể đưa ra một quyết định chính xác. Nhưng khi bạn không còn để ý đến nó nữa, mà chuyển sự chú ý của mình đến một vấn đề khác, trong đầu bỗng nhiên lại nảy ra một phương pháp tốt hơn. Tình huống này trong tâm lý học được gọi là “quyết sách trực giác”, cũng có thể gọi là dựa vào trực giác để đưa ra quyết định.
Benedetto Croce - nhà mỹ học nổi tiếng người Ý từng nói, trực giác của con người chính là một loại cảm nhận, lĩnh hội nhanh chóng và trực tiếp của não người trong việc nhận thức tính chỉnh thể, tính tuần tự và tính hài hòa ẩn chứa trong một đối tượng. Nó dẫn dắt chúng ta trực tiếp tránh được những ngọn núi không thể vượt qua, giúp chúng ta tìm thấy con đường tắt ẩn khuất, từ đó nhanh chóng, dễ dàng đưa ra được một quyết định hoàn hảo. Vì vậy có thể thấy, trực giác cũng có tác dụng to lớn trong việc giúp một người đưa ra các quyết định.
Thế nào là trực giác? Đó là phương thức tư duy đặc biệt mà con người nắm giữ, cũng là những quan điểm không phải trải qua phân tích suy luận. Các giáo sư tâm lý học hành vi từng dạy học sinh của mình, đừng chỉ dựa vào trực giác mà đưa ra phán đoán! Điều này cũng chứng minh rằng “trực giác không phải lúc nào cũng có thể tin tưởng được”, giống như Lee Iacocca - cựu chủ tịch Công ty Ford Motor từng nói, có nhiều khi, chúng ta phải tin vào trực giác của mình, bởi vì nó giống như Thượng đế đang chỉ hướng cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng không thể cứ ỷ lại vào trực giác của bản thân, bởi vì không phải lúc nào Thượng đế cũng ở ngay cạnh ta.
Bất luận bạn có cảm giác thế nào với trực giác, thì lúc nào nó cũng sẽ xuất hiện trong quá trình bạn đưa ra quyết định. Rất nhiều người tin vào tác dụng của trực giác, thế là họ làm theo những gì “linh tính mách bảo”, “linh tính” này cũng chính là “trực giác”. Trong quá trình đưa ra quyết định, trực giác sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của con người, làm giảm bớt những suy luận logic cần thiết, từ đó dần dần làm giảm bớt tính chính xác của quyết định. So sánh với một số quyết định lý tính thông thường, quyết định bằng trực giác còn có vài đặc trưng dưới đây:
1. Tính tổng hợp
Nếu người đưa ra quyết định chịu ảnh hưởng của trực giác, thì sẽ không tập trung phân tích logic một cách chi tiết nữa. Họ sẽ coi trọng việc nắm bắt tổng thể đối tượng, cũng tức là quyết định này mang tính tổng hợp.
2. Tính võ đoán (Không thể giải thích được)
Có những lúc, bạn gặp phải một “đề bài khó”, suy nghĩ nát óc mà vẫn chưa tìm ra đáp án, nhưng bỗng nhiên trực giác lại cho bạn câu trả lời tốt nhất. Thực chất, quá trình này rất khó giải thích. Chẳng hạn như, Carl Friedrich Gauss suốt hai năm suy nghĩ giày vò giải một bài toán khó mà không được, cuối cùng một ý nghĩ bất chợt lại giúp ông giải nó thành công. Sau này khi nghĩ lại chyện đó Carl Friedrich Gauss nói: “Ý nghĩ đó lóe lên như một tia chớp, giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Trên thực tế, bản thân tôi cũng không rõ là điều gì đã kết nối kiến thức của tôi với thành công” .
3. Tính tối giản
Trực giác sẽ giúp chúng ta đơn giản hóa quyết định ở mức cao nhất. Nó sẽ trực tiếp bỏ qua quá trình phân tích, suy luận logic thông thường, không cần phải thu thập và phân tích thông tin, nhưng lại có thể nắm chắc các bước quan trọng nhất, đặc biệt là bước đưa ra kết luận cuối cùng. Ngoài ra, trực giác còn khiến chúng ta bỏ qua rất nhiều chi tiết trong quá trình suy luận theo logic, giúp chúng ta nắm bắt được tổng thể của sự vật.
4. Tính đột xuất
Quyết định dựa trên trực giác là một hoạt động sáng tạo mang tính đột phá. Thông thường sau khi cẩn thận suy nghĩ một vấn đề, trong lúc không ý thức đến thời gian hoặc trạng thái sẽ đột nhiên đưa ra quyết định. Vì vậy quyết định dựa trên trực giác sẽ mang lại sự đột phá cho quá trình tư duy. Chẳng hạn, ông Dmitri Ivanovich Mendeleev - nhà hóa học người Nga là người phát hiện ra định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Linh cảm quan trọng nhất để ông phát hiện ra định luật tuần hoàn này lại chỉ là một ý nghĩ bất ngờ lóe sáng trong đầu khi ông đang xách vali lên tàu hỏa.
Quyết định dựa trên trực giác không có một khuôn mẫu cố định nào có thể tuân theo. Nó là một hoạt động sáng tạo có tính đột phá, bởi vì nó luôn phá vỡ quy luật tư duy thông thường của con người, cũng chẳng có bất kì logic nào, vì vậy mới tạo ra được hiệu quả đáng ngạc nhiên. Điều này cũng gợi ý cho chúng ta: khi chúng ta nghiên cứu một vấn đề nào đó, đã thu thập đầy đủ tài liệu, đã đào sâu tìm tòi mà vẫn chưa tìm được phương án giải quyết, thì tạm thời có thể đặt vấn đề ấy sang một bên, chuyển sự chú ý sang chỗ khác, đi nghe nhạc, thư giãn một chút,… nói không chừng có thể sẽ nảy ra được một ý tưởng nào đó.
Tuy rằng các quyết định dựa trên trực giác rất đơn giản và dễ hành động, cũng không cần phải tốn quá nhiều sức lực, thời gian để tổng kết, phân tích, vậy liệu chúng ta có thể hoàn toàn lệ thuộc vào trực giác để đưa ra quyết định hay không? Đối với việc đưa ra quyết định mà nói, trực giác giống như một con dao hai lưỡi. Trong quá trình đưa ra quyết định, trực giác đúng đắn sẽ giúp chúng ta làm ít được nhiều, nhưng nếu trực giác sai lệch sẽ khiến ta làm nhiều được ít, thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Trong quá trình đưa ra quyết định, rất nhiều người lại tin vào trực giác, chứ không hề tư duy logic hay phân tích một cách khách quan. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa vào trực giác để đưa ra quyết định, sẽ có rất nhiều hạn chế và rủi ro. Khi đưa ra một quyết định không thể dựa vào những phán đoán thiếu lý trí, càng không thể nhìn sự vật, sự việc một cách phiến diện, phủ nhận những giá trị và hiệu quả của những quyết định dựa vào lý trí, nếu không thì đưa ra những quyết định thất bại là khó tránh khỏi. Chúng ta cũng phát hiện ra, có rất nhiều người khi đưa ra quyết định chỉ “dựa vào trực giác”, “dựa vào ý muốn chủ quan”, do không thu thập thông tin và không suy tính thấu đáo, khiến bản thân phải trả cái giá quá cao. Trong thâm tâm mỗi người đều mong muốn được thành công, nhưng khi đối mặt với cơ hội và cám dỗ, con người lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi trực giác, trong tình huống mà không suy nghĩ có lý trí, sẽ đưa ra quyết định và phán đoán sai lầm. Vậy phương pháp nào mới là đúng nhất đây?
Một vị giáo sư từng nói: “Trên thế giới có rất nhiều nhạc sĩ giỏi, đồng thời họ cũng là nhà toán học xuất sắc, họ luôn biết cách để kết hợp cảm tính và lý trí lại với nhau. Khi chúng ta nghe một bản nhạc tứ tấu, biểu hiện lý trí của nghệ sĩ khi biểu diễn chính là những kỹ thuật hoàn hảo của họ. Ngoài ra họ còn phải có cách hiểu của riêng mình với bản nhạc đó, truyền đạt cảm xúc của mình đến khán giả, như vậy mới có thể chạm đến khán giả”. Cùng một tư tưởng đó, khi chúng ta đưa ra quyết định chúng ta phải dùng cả lý trí lẫn trực giác, để chúng cùng đưa ra quyết định, có như vậy mới đảm bảo rằng bạn đã đưa ra quyết định chính xác.
Nói chung, nếu bạn không muốn rơi vào vòng luẩn quẩn của bận rộn mù quáng, thì khi cảm thấy tự hào và hài lòng với trực giác nhạy bén của mình, bạn cũng cần phải duy trì sự tỉnh táo. Chúng ta cần phải hiểu rằng, người phải đưa ra quyết định mà có trực giác nhạy bén không phải là chuyện xấu, nhưng trước tiên phải phân biệt cho rõ ràng, đâu là trực giác đâu không phải là trực giác. Nếu bạn có thể đưa ra quyết định dựa trên cả lý trí và trực giác, vậy thì chắc chắn bạn sẽ tạm biệt được sự bận rộn mù quáng và đi đến thành công.