Cách để được yêu thích thật nhiều
Vào thời điểm năm 2007, Lewis Howes là một cầu thủ xuất sắc. Là tay nhận bóng có chiều cao 2m chơi ở giải bóng bầu dục Arena Football League và là vận động viên mười môn phối hợp toàn nước Mỹ, Howes đã sẵn sàng để đến chơi ở giải bầu dục nhà nghề Mỹ NFL.
Rồi anh bị gãy cổ tay khi bay người bắt bóng, và thế là giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tan vỡ chỉ trong tích tắc. “Chuyện đó không đẹp đẽ gì. Khi đó tôi 24 tuổi, trắng tay, phá sản và ngủ trên chiếc ghế dài ở nhà chị gái với cánh tay băng bó cùng với một núi nợ nần trước mắt”, Howes kể lại1.
Howes bắt đầu lại sự nghiệp từ số không và vô tình phát hiện ra được một phương pháp để kết nối với mọi người cực kỳ hiệu nghiệm. Vào năm 2008, LinkedIn mới chỉ là một mạng xã hội nhỏ dành cho các doanh nhân, người đi làm, nhưng Howes đã nhìn ra ở đó một cơ hội để duy trì liên lạc với những người trong giới thể thao – dù rằng anh không thể chơi nữa, anh vẫn còn niềm đam mê với thể thao.
Anh bắt đầu xây dựng danh sách liên lạc từ số không. Tiếp theo đó, anh thử nghiệm xem loại thông điệp nào sẽ hiệu quả nhất đối với việc liên hệ lạnh(*). “Cũng dễ để theo dõi xem tin nhắn nào có tác dụng và tin nào không dựa theo các tin phản hồi tôi nhận được trong phần Inbox trên LinkedIn”, Howes giải thích2. Anh nhận ra rằng các tin nhắn thành công thường có đề cập đến ít nhất là ba điểm tương đồng giữa anh và người nhận.
Chú thích:
(*) Liên hệ lạnh (cold contact) là một cách để nói về việc đột ngột liên hệ với một người chưa hề quen biết – ND.
“Tôi sẽ phải tìm tối thiểu là ba điểm chung mà cả hai bên cùng có – thường là một mối liên hệ chung, một sự yêu thích chung, hay một tổ chức chung như là trường học, giải đấu hay một đội thể thao”, Howes chia sẻ. Các tin nhắn thường ngắn gọn và đi ngay vào trọng tâm. Howes viết cho tôi một tin nhắn mẫu theo phương pháp đó:
Chào Vanessa! Tên tôi là Lewis và tôi muốn liên hệ với cô vì tôi thấy cô cũng là bạn của Nick Onken, chúng tôi cùng làm việc cùng nhau ở Pencils of Promise. Tôi đang ở Los Angeles và thấy là cô đến từ đây. Cô có thường về thăm lại thành phố không? Thật tuyệt nếu có thể được kết nối với cô.
Howes cũng chuẩn bị một chiến lược cho các tin nhắn tiếp nối. “Tôi nói với họ rằng tôi rất thích những gì họ đang làm và muốn được học hỏi từ họ. Tôi nói rất thẳng thắn: ‘Mục tiêu của tôi là được biết thêm về bạn và sự thành công của bạn’”, Howes kể. Anh kết thúc mọi tương tác bằng một câu hỏi cụ thể mà người ta có thể trả lời được.
Kỳ diệu thay, cách tiếp cận này đem đến cho Howes các cuộc điện thoại, những buổi gặp gỡ trực tiếp và lời tư vấn từ một số nhân vật quyền lực nhất trong giới thể thao hết lần này đến lần khác. Một trong những tin nhắn chào hỏi ấn tượng của anh đã đem đến cuộc gặp gỡ với người đồng sáng lập ESPN, Bill Rasmussen. “Tôi chỉ là một thằng nhóc không nghề ngỗng, không tiền bạc nhưng tôi đã liên hệ được với Bill và có cơ hội được diện kiến và phỏng vấn ông”, Howes nhớ lại.
Sau một năm đầu liên lạc với những nhân vật lớn và học hỏi từ họ, Howes chạm đến bước ngoặt. Anh nhận ra rằng những gì mình đang làm là chưa đủ. “Đến lúc đó, tôi hiểu ra rằng mình sẽ không thể chỉ có nhận vào mà còn cần phải cho đi. Nhưng mà bạn biết cho một người như Bill Rasmussen cái gì?”, Howes nói.
Khi danh sách liên lạc của anh ngày càng dài hơn, Howes nhận ra anh cuối cùng cũng đã có thứ để trao lại cho những người anh kết nối: chính cái mạng lưới kết nối của anh. “Tôi thích giúp đỡ mọi người và dần dần trở thành người mà Malcolm Gladwell gọi là ‘người kết nối’”, Howes kể3. Anh ta hỏi những nhân vật VIP của mình xem họ muốn gặp gỡ ai và rồi bắt tay vào việc kết nối cho họ.
“Tôi hỏi người ta: ‘Đâu là thách thức lớn nhất của bạn vào lúc này?’ và rồi sẽ kết nối họ với ít nhất ba người mà tôi nghĩ là có thể giúp được họ. Tôi rút điện thoại ra giữa lúc đang ngồi uống cà phê với họ, gọi điện thoại và rồi đưa điện thoại cho người đó để nói chuyện ngay”, Howes nói.
Howes cũng vô thức áp dụng Sức mạnh nhân ba vào mọi tương tác của anh, và nó hiệu quả như một phép màu. “Tôi thể hiện cho người ta thấy rằng mình đang tập trung lắng nghe duy nhất mình họ. Tôi giao tiếp bằng mắt và không quan tâm đến bất cứ điều gì khác”, Howes nói.
Đến tháng 1 năm 2010, công ty của anh đã có doanh số hơn 5 triệu đô la. Cuối cùng, anh bán doanh nghiệp của mình với giá lên đến 7 con số. Hiện nay Howes điều hành một hệ thống blog và podcast về phong cách sống có tên là The School of Greatness, ở đó anh phỏng vấn các nhân vật quan trọng, các chuyên gia, những người truyền cảm hứng về đủ các đề tài khác nhau.
Chương này nói về một nguyên tắc đầy quyền năng về hành vi của con người, điều đã giúp rất nhiều cho Howes: Hiệu ứng hấp dẫn – tương đồng.
HIỆU ỨNG HẤP DẪN – TƯƠNG ĐỒNG
Một bữa nọ, tôi đang dùng bữa tối với vài người bạn thì một người rút ra từ trong ví cây bút Pilot G-2 và viết một vài ghi chú. Tyler, bạn tôi, nhận thấy chuyện đó ngay và hỏi: “Cây bút G-2 của cô có dùng ngòi 0.7mm không?”.
Cô bạn kia thậm chí không cần nhìn lại cây bút, trả lời: “À, tất nhiên rồi. Đầu bút 0.7mm là lựa chọn hợp lý duy nhất cho bút G-2”.
Tyler mỉm cười vẻ hiểu biết. “Chúng ta sẽ trở thành bạn bè được đấy.”
Tôi thì không phải chuyên gia về bút nhưng theo Tyler thì với bút Pilot G-2, ngòi 0.7mm đơn giản là thứ tốt nhất. Nó rất tốt, đến nỗi Tyler không chỉ bảo vệ nó rất dữ dội khỏi những người tìm cách mượn mà còn xem nó như là một dấu hiệu của tình bạn. “Nếu tôi gặp một người cũng dùng bút G-2, tôi biết là mình có thể kết bạn với họ”, Tyler đã nói vậy đấy.
Chuyện gì xảy ra ở đây? Con người chúng ta vẫn thường tìm kiếm những người tương tự với mình. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là một câu nói chính xác hơn nhiều so với chuyện “trái ngược thì hấp dẫn nhau”. Đây chính là cái gọi là hiệu ứng hấp dẫn – tương đồng. Theo đó thì “người ta thích và bị hấp dẫn bởi những người có điểm tương đồng với mình hơn là người có điểm khác biệt”4.
Các nhà nghiên cứu gồm tiến sĩ Ellen Berscheid và tiến sĩ Elaine Walster tin rằng chúng ta thích dành thời gian cho những người giống mình vì một loạt các lý do sau:
• Sẽ dễ dàng hơn để hòa hợp với những người cùng thích thú với các hoạt động hay đề tài trò chuyện. Các cặp vợ chồng và bạn bè thường có những tính cách tương đồng hơn là những cặp đôi được bắt cặp ngẫu nhiên.
• Khi có ai đó tán thành với mình, chúng ta thấy bớt cô độc hơn và thấy ý kiến của mình đúng đắn hơn.
• Nếu chúng ta có thể liên kết với ai đó thật chặt chẽ, chúng ta sẽ có thể đoán trước được hành vi cũng như quyết định trong tương lai của họ, chuyện này khiến chúng ta thấy chủ động hơn.
• Chúng ta hy vọng rằng nếu ai đó tương tự như mình thì khả năng họ bị chúng ta hấp dẫn ngược lại cũng sẽ cao hơn – yêu thích đổi lấy yêu thích5.
Một cái “Thích” trên Facebook, “Tim” trên Instagram hay “Retweet” trên Twitter là những biểu hiện của hiệu ứng hấp dẫn – tương đồng. Khi bạn trao cho ai đó sự yêu thích đối với bài viết của họ, bạn nói với họ “Tôi cũng thích điều này”. Đó là lý do vì sao chúng ta thường xuyên kiểm tra trang mạng xã hội của mình – chúng ta muốn biết rằng bạn bè và những người theo dõi đều thích chúng ta và giống chúng ta.
Dù không hề nhận ra, chúng ta thường tìm kiếm những lý do để nghĩ, cảm nhận và nói “Tôi cũng vậy”. Trong một buổi gặp gỡ hay cà phê thú vị, bạn sẽ thường nghe những câu như sau:
• Wow – Bạn cũng thích phim Vượt ngục à? Tôi cũng vậy!
• Bạn cũng ăn chay trường à? Chào mừng gia nhập hội!
• Ôi tôi thích Thái Lan lắm luôn! Có khi mình đã ở đó cùng thời điểm ấy nhỉ?
• Bạn đùa à? Tôi cũng là fan của đội MU đây.
• Anh cũng thích leo núi à? Tôi cũng vậy.
Ở một khía cạnh khác, một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi thấy mọi người thường vô ý mắc phải là chỉ ra những sự khác biệt trong khi tìm cách kết nối. Mỗi khi bạn nói một điều kiểu như “Không phải tôi!”, bạn đang làm hại kết nối của mình ngay từ khi bắt đầu. Một câu “Không phải tôi!” sẽ dạng như thế này:
• Anh biết không? Tôi chả bao giờ thích nổi cái phim Vượt ngục. Nó cứ giả giả làm sao ấy!
• Bạn cũng là người ăn chay trường sao? Bạn không thấy ngán chuyện đó à?
• Tôi chẳng mê gì chuyện đi du lịch.
• Thể thao ư? Thôi, tôi xin kiếu. Thà ngồi đọc sách hay xem tin tức còn hơn.
• Anh thích môn leo núi à? Tôi thì không. Tôi sợ độ cao lắm.
Những kiểu câu “Không phải tôi!” như vậy sẽ có khuynh hướng đẩy người đối diện ra xa và dập tắt cuộc trò chuyện. Nhưng vậy không có nghĩa là bạn cần gật gù đồng ý một cách mù quáng với những người mình gặp. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần phải nỗ lực để tìm kiếm những tương đồng thực sự và các mối quan tâm chung.
Khi có ai đó đăng điều gì đó lên mạng xã hội mà không thật sự có liên quan đến bạn, hãy cứ lướt qua. Bạn không chia sẻ lại bài viết đó với bình luận kiểu như “Cái này thật chả liên quan gì đến mình”, nhưng đôi khi chúng ta lại có hàm ý đó trong các câu trả lời của mình. Vì thế khi có ai đó khoe chuyện mình được đi học trường quốc tế từ khi còn bé đến lớn, đừng nói “Ôi dào, tôi ghét nhất là bọn công tử, tiểu thư đó. Tôi đi học trường công bình thường à”. Thay vào đó hãy ghi nhận điều đó và tiếp tục tìm kiếm những điểm chung. (Bạn có thể nói: “Hay nhỉ! Bạn có chơi môn thể thao nào không?” hay “Wow, tôi không biết đấy, hãy kể thêm về chuyện đó nào!”).
Đừng rơi vào cái bẫy “Không phải tôi”. Thay vào đó, hãy tìm cách để nói “Tôi cũng vậy”.
TÌM KIẾM “TÔI CŨNG VẬY”
Một người bạn của tôi là Allon Freiman chuyên bán vé xổ số tại các sự kiện thể thao nhằm gây quỹ từ thiện. Anh ta nhắn cho tôi một câu hỏi thú vị:
Vannesa này! Liệu cô có thể dùng những hiểu biết của mình về hành vi con người để giúp tôi giải quyết một số khúc mắc không? Khi tôi bán vé xổ số tại các trận đấu, tôi thường mặc đồ trang trọng để trông chuyên nghiệp hơn. Nhưng thời gian gần đây tôi đang suy nghĩ về chuyện mặc đồ theo màu của đội bóng, có thể là cà-vạt hay gì đó. Hãy cho tôi biết có chứng cứ khoa học nào liên quan chuyện này không, hay là cô có nghĩ đây là ý hay không!
Trân trọng, Allon
Bản năng của Allon tuyệt đối chính xác. Chúng ta thích những người có bề ngoài giống mình. Có một nghiên cứu cho thấy chúng ta thường thoải mái giúp đỡ những người ăn mặc giống mình hơn6. Một người ăn mặc đơn giản thường sẽ có khuynh hướng giúp đỡ một người cũng ăn mặc đơn giản hơn là người mặc đồ trang trọng. Đây là một điều phản trực giác – chúng ta thường nghĩ rằng người mặc đồ trang trọng thì sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn. Không có đâu.
Tôi tư vấn cho Allon rằng anh không chỉ nên mặc theo màu đội bóng mà còn mặc hệt như những khán giả mà anh đang muốn bán vé cho họ – quần jean, áo đấu, giày, nón và mọi thứ khác. Bạn đoán được không? Anh ta lập tức bán được nhiều vé xổ số hơn hẳn. Đây chính là ví dụ thực tế của hiệu ứng hấp dẫn – tương đồng.
Chúng ta không chỉ mềm lòng trước những người ăn mặc giống mình, chúng ta còn bị hấp dẫn bởi những người suy nghĩ giống mình. Có một chương trình trên kênh MTV phải nói là khủng khiếp (và gây nghiện) mà tôi xem “để làm việc” và “quan sát hành vi con người”.
Bạn có phải là người được chọn? (Are you the One?) là một chương trình truyền hình thực tế mà trong đó mười người đàn ông và mười phụ nữ được đưa đến nhà chung để tìm ra bạn tâm giao của họ. Thật ra mỗi một thí sinh đã trải qua một loạt các bài kiểm tra tính cách với các “chuyên gia tình yêu” và những người này đã chọn ra người bạn lý tưởng cho họ. Mục tiêu của họ là tìm cho ra người lý tưởng đó giữa những người độc thân kia.
Trong mùa ba, hai người độc thân Connor Smith và Kayla Brackett nỗ lực tìm kiếm sự tương thích lẫn nhau. Đây là cách mà cuộc đối thoại của họ diễn ra (hãy chú ý đến việc kiên trì tìm kiếm sự tương đồng):
KAYLA: Tôi muốn gặp một người gần gũi với gia đình.
CONNOR: Tôi là cục cưng của mẹ đấy. Nhưng cô có thể duy trì sự chú ý của người khác không?
KAYLA: Anh đùa với tôi sao? Đó chính là tôi. Tôi khép người đàn ông của mình vào khuôn khổ. Người đó là của tôi.
CONNOR: Hả, đó chính là điều tôi mong đợi.
KAYLA: Tôi muốn có một người đàn ông cao lớn và mạnh mẽ, bởi vì tôi muốn có cảm giác được bảo vệ. (Ghi chú: Connor cao khoảng 1m95 và tự xưng là Người khổng lồ lịch lãm).
CONNOR: Tôi luôn muốn ngủ ở phía giường gần với cửa nhất.
KAYLA: Tốt quá, tôi thì luôn muốn nằm ở phía gần tường.
TÓM LẠI: Anh giống tôi. Tôi thích những gì anh thích. Tôi thích anh.
Chúng ta thậm chí thực hiện những hành vi tương tự như Kayla và Connor trong những tình huống không phải là chuyện tình cảm. Chúng ta làm điều đó với khách hàng tiềm năng – tìm những ra mối quan tâm của họ và phương pháp làm việc phù hợp. Chúng ta làm điều đó với những người bạn mới – so sánh về gu âm nhạc và các hoạt động cuối tuần. Chúng ta thậm chí còn làm điều đó khi xếp hàng cùng những người xa lạ – tìm sự đồng cảm khi phải chờ đợi lâu.
Bạn có thể giải mã hiệu ứng hấp dẫn – tương đồng nhằm đem đến lợi ích cho mình theo cách mà tôi gọi là:
MẸO #5: LÝ THUYẾT CHỦ ĐỀ
Tìm và theo dõi các chủ đề mà hai bên có điểm chung để trở nên hấp dẫn hơn trong giao tiếp
Mọi tương tác đều nên nhằm mục đích tìm kiếm những chủ đề chung. Bạn càng am tường chủ đề mà hai bên cùng hứng thú, bạn sẽ càng dễ kết thân hơn với đối phương. Bạn càng có nhiều chủ đề, bạn sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn trong xã giao. Đây là cách sử dụng lý thuyết chủ đề để kết nối ngay lập tức với những người bạn gặp:
Bước #1: Tìm kiếm chủ đề
Lý thuyết chủ đề là công cụ tối thượng để mở ra mọi cuộc trò chuyện. Cho dù đó là bạn gọi điện thoại tìm kiếm khách hàng, viết email cho đầu mối liên lạc mới, hay gặp gỡ ai đó lần đầu tiên, Lý thuyết Chủ đề sẽ giúp bạn phá tung cánh cửa đối thoại.
Hãy tưởng tượng mỗi người đi vòng quanh và mang theo một nùi những sợi dây. Tất cả các sợi dây đó chính là suy nghĩ, sáng kiến và ý kiến của họ. Chúng ta luôn mong suy nghĩ của mình có thể được sắp xếp tốt hơn, nhưng chúng thường xuyên rối nùi – đặc biệt là khi lần đầu ta đến một sự kiện nào đó. Chúng ta có thể suy nghĩ về danh sách việc cần làm, về thời điểm phải ra lấy xe, về món ăn tối mình muốn, về anh chàng đẹp trai phía đầu kia phòng, cổ chúng ta đau, tìm nơi treo nón,… đủ thứ cả.
Lý thuyết Chủ đề là một cách cực kỳ dễ dàng để mở đầu cuộc trò chuyện và giúp bạn không bao giờ cạn điều để nói. Khi bạn bắt đầu một tương tác, tôi muốn bạn thử tìm cách khơi gợi ra vài suy nghĩ chung của cả hai phía. Hai bên càng có nhiều chủ đề chung, bạn càng có nhiều thứ để nói, và bạn sẽ càng trở nên đáng mến hơn.
Có ba hạng mục chính về các điểm chung mà bạn có thể sử dụng bất cứ lúc nào:
• Con người:Các quan hệ chung là cách tốt nhất để tìm kiếm điểm tương đồng. Bạn có thể làm cho cuộc hội thoại sinh động lên bằng cách hỏi về những người bạn chung.
• Bối cảnh: Bạn nghĩ là mình không có gì chung ư? Hãy nghĩ đến bối cảnh cho cuộc gặp gỡ của bạn. Có thể là cả hai bên đều sử dụng LinkedIn hay cùng ở một cuộc hội thảo. Tất cả những gì bạn cần làm là hỏi về nó và mở ra cuộc trò chuyện.
• Sự quan tâm:Những mối quan tâm chung là các chủ đề trò chuyện tuyệt nhất, bởi vì đó là đề tài mà cả hai bên đều biết rất rõ.
Dưới đây là một số kiểu mở đầu và ý tưởng để chạm vào mỗi loại điểm chung:
Những câu hỏi Lý thuyết chủ đề này có thể sử dụng trong các hội nhóm, với người mới hay thậm chí là trong email hay các tin nhắn chào hàng. Cứ mỗi lần các bên tìm được một chủ đề chung, nó sẽ kết nối mọi người lại:
Có thể bạn đã để ý rằng một số câu hỏi Lý thuyết chủ đề trên cũng là những mồi lửa cảm hứng trò chuyện yêu thích của tôi – đó không phải là tình cờ! Khi bạn biết hỏi một cách có chiến lược và nối tiếp bằng kỹ năng lắng nghe tốt, những câu hỏi đơn giản cũng có thể đưa ta đến với những cuộc trò chuyện đầy hào hứng.
Nếu bạn hỏi một trong những câu hỏi trên và không tìm thấy điểm chung thì cũng không sao cả. Ví dụ như nếu có ai đó nói: “Ồ, tôi không biết cô ấy” hay “Không, chưa bao giờ đến đây”. Đừng lo lắng! Hãy dùng đó như là lời mở đầu. Bạn có thể nói: “Đúng rồi, trường lớn quá mà. Tôi nghĩ rằng cô ấy đã học khoa học chính trị ở đây. Còn anh học chuyên ngành gì?” hoặc là “Tôi cũng thế! Ở địa phương này anh có điểm đến yêu thích nào không?”. Mỗi câu trả lời bạn nghe được sẽ là một bước tiến để hiểu hơn về đối phương và tiến sâu hơi vào cuộc trò chuyện. Đừng để chúng làm bạn bối rối mà hãy để chúng tiếp thêm năng lượng.
Bạn cũng hãy tìm kiếm về những món đồ thể hiện điểm chung nữa. Ví dụ như nếu bạn để ý thấy ai đó có móc chìa khóa hình logo của câu lạc bộ MU, hãy nói “Quỷ đỏ tiến lên!”. Hoặc nếu bạn thấy một người lái một chiếc xe bạn thích, bạn có thể bình luận: “Tôi đang định mua một chiếc xe giống chiếc này, bạn thấy nó thế nào?”. Chuyện thậm chí còn có thể đơn giản hơn, như là khi thấy chiếc ly trên tay người khác, bạn cất lời: “Món rượu vang đỏ này cũng khá đó nhỉ?”.
Bước #2: Nối tiếp chủ đề
Lý thuyết chủ đề không chỉ được ứng dụng để tìm kiếm những nét tương đồng, mà còn nhằm để khai thác chúng. Một khi bạn đã tìm được chủ đề chung, bạn có thể khiến nó ghi ấn đậm hơn trong lòng đối phương bằng cách đào sâu vào chủ đề chung đó.
Làm sao để ta tiếp nối một chủ đề chung? Rất dễ dàng. Hãy hỏi vì sao.
Nhà phát minh người Nhật Sakichi Toyoda thành lập công ty Toyota Motor năm 1937. Ông còn được biết đến với các sáng kiến về kỹ thuật quản lý, một trong số đó được gọi tên là Năm câu Vì sao.
Nhân viên của Toyota sử dụng Năm câu Vì sao để giải quyết đến tận cốt lõi của mọi vấn đề. Ngày nay kỹ năng này được sử dụng ở khắp các ngành công nghiệp nhằm tìm ra cách giải quyết cũng như căn nguyên của vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bạn cũng có thể sử dụng Năm câu Vì sao để tìm ra nguyên nhân vì sao đồng nghiệp bị làm trễ dự án:
1. Vì sao? Tôi không có các con số đúng hạn.
2. Vì sao? Tôi không biết tôi cần nói chuyện với ai.
3. Vì sao? Tôi chưa bao giờ làm việc với bộ phận đó trước đây.
4. Vì sao? Tôi thường làm việc qua cấp trên trực tiếp.
5. Vì sao? Các bộ phận phải liên lạc thông qua cấp quản lý, dẫn đến tạo ra nút nghẽn cổ chai (căn nguyên của vấn đề).
Tất nhiên là trong các giao tiếp hằng ngày, bạn sẽ không thể cứ hỏi vì sao hết lần này đến lần khác. Nhưng bạn có thể đào sâu cuộc đối thoại nhanh hơn nhiều nếu bạn dùng tinh thần của Năm câu Vì sao.
Khi bạn tìm thấy một điểm chung, đừng để nó trôi qua, hãy hỏi người đối diện rằng vì sao điều đó quan trọng với họ. Đừng nhảy qua đề tài khác, hãy tiến thêm một bước để tìm hiểu xem điều đó đã khởi đầu như thế nào. Nếu bạn nghe thấy điều mình cũng quan tâm, đừng để nó lơ lửng không nhắc đến gì, hãy đào sâu hơn một chút.
Ví dụ, thông qua Lý thuyết chủ đề, bạn biết là người đang nói chuyện với mình cũng là một doanh nhân. Nếu bạn nối tiếp chủ đề đó, bạn có tương tác sâu hơn như sau:
BẠN: Vì sao anh quyết định trở thành doanh nhân?
HỌ: Tôi luôn luôn muốn tự thực hiện việc kinh doanh.
BẠN: Thú vị thật. Vì sao điều đó hấp dẫn anh?
HỌ: Tôi thật sự muốn có sự linh động và tự do về giờ giấc làm việc, và tôi biết rằng mình không thể có được điều đó khi có sếp.
BẠN: Tôi cũng cảm thấy vậy. Vì sao bạn muốn có nhiều sự linh động?
HỌ: Ồ, tôi thích đi du lịch nên muốn có thể làm việc từ bất cứ đâu.
BẠN: Tuyệt quá, tôi cũng là người mê du lịch lắm. Tôi vừa mới ở Chile về đây. Vì sao anh lại thích du lịch vậy?
HỌ: Tôi thèm đi Chile chết đi được. Tôi nghĩ mình thích đi du lịch nhiều đến thế là vì tôi cho rằng đi ra khỏi vùng thoải mái của mình và học hỏi từ những con người trên toàn thế giới là điều rất quan trọng.
BẠN: Quá đúng luôn! Những người thú vị nhất mà tôi biết được đều là gặp trên đường du lịch đó. Vì sao anh nghĩ việc ra khỏi vùng thoải mái và học từ con người trên khắp thế giới là quan trọng?
HỌ: Ừm, câu hỏi hay đấy. Tôi nghĩ là hạnh phúc đích thực đến từ việc trải nghiệm những thứ mới mẻ, nhìn thấy điều mới, làm những việc mới. Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ rằng hạnh phúc đến từ đâu?
Đây là một dạng tổng hợp của các kiểu đối thoại mạnh mẽ, sâu sắc mà bạn có được khi hỏi các câu hỏi vì sao. “Vì sao” đưa bạn vượt qua những câu chuyện phiếm để tiến đến cuộc trò chuyện khám phá các động lực, ước mơ và hứng thú. Một điều nữa là mọi câu hỏi vì sao sẽ giúp bạn tìm thêm nhiều chủ đề.
Áp dụng theo cách này, Lý thuyết chủ đề bảo đảm rằng bạn sẽ không bao giờ thiếu chuyện để nói. Và bạn cũng không phải lo rằng mình không biết nói gì. Chỉ cần tìm những điểm chung và rồi đi theo các câu hỏi vì sao.
Bước #3: Thắt chặt mối quan hệ
Bước cuối cùng của Lý thuyết chủ đề là không bắt buộc và chỉ dành riêng cho một số tượng tác đặc biệt. Khi bạn đang có một cuộc nói chuyện thật tuyệt vời với ai đó, bạn có thể đưa mối quan hệ đó lên một tầm mới bằng cách dùng các chủ đề chung để thắt chặt hai bên với nhau. Hãy cùng xem Lewis Howes đã làm như thế nào.
Sau khi anh đã tìm ra những điểm chung và bám theo các chủ đề tìm được, anh ta hỏi người đối diện về điều họ cần và làm thế nào để anh giúp họ. Nói một cách khác, anh kéo gần khả năng của mình với nhu cầu của họ. Khi bạn nói: “Anh có vấn đề và tôi sẽ giúp anh giải quyết nó”, bạn đã tạo nên một điểm tương đồng tuyệt vời nhất.
Mỗi lần bạn đưa ra đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ và cho lời khuyên, bạn tạo ra sự liên kết với một người và cả điểm tương đồng vĩnh viễn.
Trong hầu hết các trường hợp, cơ hội giúp người khác tìm giải pháp đến một cách tự nhiên. Bạn nghe thấy một ai đó có nhu cầu và biết mình có thể giúp đỡ. Sau đây là một số ví dụ:
• Vì anh là người mới đến thành phố, tôi có thể gửi tặng anh danh sách các nhà hàng bán đồ ăn ngon ở đây.
• Tôi biết mấy người làm trong ngành đó. Hãy kết bạn với tôi trên LinkedIn và tôi sẽ giới thiệu anh với họ.
• Tôi cũng hay được tặng vé mời xem bóng đá, lần tới tôi sẽ nhắn tin cho anh hay nhé!
• Chuyện này nghe có vẻ nghiêm trọng đây. Hãy sắp xếp một cuộc gọi tư vấn và tôi sẽ xem công ty mình có thể hỗ trợ được gì cho anh.
• Ừ, ăn chay quả là không đơn giản. Để tôi tặng cô một vài công thức món ăn nhé!
Nếu như không có manh mối nào hiện ra trong buổi trò chuyện, bạn cũng có thể kết thúc bằng một nút thắt. Tôi thường xuyên kết thúc mọi buổi gặp gỡ đầu của mình bằng câu hỏi:
“Tôi có thể giúp được gì cho anh/chị không?”
Đây chính là câu hỏi Lý thuyết chủ đề yêu thích của tôi. Nó không chỉ tạo ra cơ hội để tôi tạo nên nút thắt kết nối mà còn thường giúp tôi tìm hiểu thêm đôi điều mới mẻ về họ.
Trong thực tế, mọi bước của Lý thuyết chủ đề đều được định hướng nhằm giúp mọi người gỡ rối các mối suy tư của mình. Ví dụ như khi thực hiện Năm câu Vì sao với một người bạn, ta có thể giúp họ hiểu ra được công việc của họ đang vướng mắc chỗ nào. Cuốn theo các chủ đề cùng người bạn đời có thể giúp phác họa ra kế hoạch đi du lịch của hai người.
Ghi nhớ: Vì bước ba của Lý thuyết chủ đề là không bắt buộc, bạn sẽ phải thực sự có ý định thực hiện điều mình nói. Đừng đề nghị giúp đỡ việc mà bạn không thể làm. Đừng đưa các lời hứa sáo rỗng. Chỉ tạo mối liên kết với những người bạn thật sự muốn.
Tặng thêm: Dạy tôi nhé?
Thế nếu như bạn không tìm được chủ đề nào thì sao? Nếu như không hề có một cơ hội nào để nói “Tôi cũng vậy!”?
Lewis Howes thường xuyên phỏng vấn các chuyên gia thuộc đủ mọi lĩnh vực trên kênh podcast của anh và những lúc không thể nói “Tôi cũng vậy”, anh đề nghị “Dạy tôi nhé?”. Chuyện này đem đến thêm một lượng nội dung phong phú cho thính giả của anh, đồng thời tạo nên mối liên kết chặt chẽ với khách mời chuyên gia. Nếu có ai đề cập đến một vấn đề mà bạn chưa biết hoặc không thật sự rành, hãy hỏi thêm thông tin. “Dạy tôi nhé” cũng là một dạng chủ đề.
• Tôi chưa bao giờ nghe nói về cuốn sách đó. Nó nói về chủ đề gì vậy?
• Đó là một nghề thật thú vị. Tôi chưa gặp ai làm nghề này bao giờ. Hãy kể thêm cho tôi về nó đi!
• Tôi chưa bao giờ đi nước ngoài cả nhưng thích đi du lịch lắm. Anh có bí quyết nào để chỉ cho người mới bắt đầu không?
Chốt lại: “Tôi cũng vậy” và “Dạy tôi đi” là hai câu nói cực kỳ hiệu quả nhưng thường xuyên bị bỏ quên, hãy tích cực sử dụng chúng nhiều hơn khi có thể.
THÁCH BẠN
1. Lần sau khi nói chuyện với ai đó, bạn hãy cố gắng tìm ra 3 điểm chung trong vòng 3 phút đầu.
2. Hãy tập hỏi “Tại sao” năm lần và thử xem bạn có học được gì mới không.
3. Hãy thắt chặt mối quan hệ bằng cách hỏi một người bạn hay đồng nghiệp xem liệu bạn có thể giúp họ điều gì không.
TÓM TẮT CHƯƠNG
Bạn càng có nhiều điểm chung với một người, bạn sẽ càng dễ mến hơn trong mắt họ. Chúng ta thích những người giống mình. Lý thuyết chủ đề là một cách đơn giản để thu hút sự quan tâm bằng cách tìm những sự hứng thú chung, đặt câu hỏi tại sao và đề nghị giúp đỡ. Hãy luôn tìm cơ hội để nói “Tôi cũng vậy”.
• Đừng quá lo nghĩ về những gì cần nói, chỉ cần tìm các điểm chung.
• Đào sâu vấn đề bằng Năm câu Vì sao.
• Thắt chặt quan hệ với người khác bằng cách xem khó khăn của họ như của mình.
Điều hay nhất tôi rút ra được từ chương này là:
_________________________________