Tôi không bao giờ học được điều gì khi đang bận nói.
− Larry King
Cách trở thành người đáng nhớ nhất trong phòng
Lời Thề giữ Im lặng của tôi tồn tại được bảy ngày. Không nói. Không viết. Không đăng gì lên mạng xã hội. Không trả lời email.
Tuần đó là một trong những quãng thời gian khó khăn nhất, dằn vặt tâm hồn nhất của tôi. Tôi gần như mất trí.
Cuộc phiêu lưu đó bắt đầu khi một người bạn tử tế, chân thành của tôi đưa ra một lời khuyên có tác động như quả bom nguyên tử. Cô ấy đưa ra một trong những phản hồi mang tính xây dựng khó nuốt trôi nhất tôi từng nhận được: “Cậu là kẻ hay ngắt lời”.
Hoảng sợ, tôi cố gắng hỏi lại cho rõ: “Ý cậu là sao? Cậu cho rằng tớ hay ngắt lời khi cậu đang nói đó hả?”.
Cô ấy giải thích từ tốn: “Đúng vậy, và tớ nghe nói rằng cậu đối xử với người khác cũng y như vậy”.
Bùm! Quá sốc. Xấu hổ. Và rồi tôi cố gắng khám phá bản thân: Tôi sợ những khoảng lặng đầy bối rối. Tôi sợ cái khoảnh khắc mà khi ai đó đã nói xong và không ai biết nói gì tiếp theo. Để ngăn chặn những khoảng dừng đó, tôi có thói quen hay ngắt lời. Tệ hơn thế, tôi thậm chí còn lên kế hoạch trả lời trước trong khi chỉ nghe loáng thoáng cuộc trò chuyện. Đây là một cách giao tiếp rất tệ – nó thiếu tôn trọng, không chân thực và khiến mọi bên tham gia mệt mỏi.
Tôi nhận ra rằng nếu muốn học để nhanh trở thành người biết lắng nghe, tôi cần phải chấm dứt việc ngắt lời. Tuyên thệ Im lặng. Vào ngày 10 tháng 8 năm 2014, tôi thông báo cho độc giả và đồng nghiệp về việc tôi sẽ ngưng nói. Tôi muốn yên lặng cho đến khi sự yên lặng trở nên ít đáng sợ hơn.
Có một trở ngại khác. Dù cho tôi không được nói, tôi vẫn muốn lắng nghe. Vì vậy thay vì ngồi lì trong nhà ẩn náu đọc sách, tôi buộc mình đi đến mọi buổi họp mặt, các sự kiện giao lưu, các bữa ăn tối như bình thường nhưng chỉ để lắng nghe. Theo cách này, tôi buộc phải thực tế. Tôi không thể nghĩ về những câu đối đáp chan chát, những câu chuyện hài hước hay nối tiếp trò chuyện. Mục tiêu duy nhất của tôi đơn giản là lắng nghe bằng toàn bộ trí óc. Tôi thậm chí còn không cho phép mình viết – có thể tôi vẫn sẽ mơ mộng tới những câu trả lời thông minh thay vì lắng nghe. Tôi chỉ cho phép mình sử dụng bốn tấm thẻ chuẩn bị sẵn để dành cho những người mình gặp. Chúng viết:
1. “Tôi đã thề sẽ giữ im lặng. Tôi đang cố gắng trở thành người biết lắng nghe”.
2. “Xin vui lòng kể về bạn!”
3. “Tôi xin lỗi”.
4. “Cảm ơn vì đã chấp nhận sự im lặng của tôi”.
Ngày đầu tiên là ngày khó khăn nhất. Tôi bước vào sự kiện giao lưu đầu tiên như một đống hỗn độn và bấn loạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm mọi người hoảng sợ? Tôi sẽ làm gì trong cái khoảng thời gian im lặng khủng khiếp đó? Liệu bạn có bị đuổi ra khỏi một sự kiện giao lưu vì không chịu kết nối không?
Tôi hoàn toàn hoảng loạn khi một quý ông tự giới thiệu về mình. Nhưng tôi vẫn run rẩy đưa ra tấm thẻ đầu tiên: “Tôi đã thề sẽ giữ im lặng. Tôi đang cố gắng trở thành người biết lắng nghe”.
Trước sự ngỡ ngàng và vui sướng của tôi, anh ta bật cười và kể với tôi về chuyện thời sinh viên anh từng có lần bị mất giọng do viêm họng và đó là những kỷ niệm tuyệt vời và điên khùng nhất mà anh có trong đời. Rồi anh ta nói về chuyện gặp gỡ vợ mình vài tuần sau đó. Rồi anh ta chia sẻ những mong ước về các con. Rồi anh ta hỏi xin danh thiếp của tôi. Tôi không hề nói lời nào. Tôi không cần nói. Anh ta chỉ cần được lắng nghe.
Là con người, chúng ta khao khát được lắng nghe. Điều hay nhất mà tôi học được trong suốt quá trình Tuyên thệ im lặng là cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất không phải là về điều bạn nói mà là về những gì bạn nghe. Tôi tạo ra được nhiều mối quan hệ kinh doanh trong tuần lễ im lặng của mình hơn là trong buổi hội thảo lớn mà tôi tham dự trước đó một tuần. Một nữ doanh nhân thậm chí còn gửi email cho tôi sau khi gặp tôi lúc tôi đang Tuyên Thệ Im Lặng và nói:
Chào Vanessa! Tôi đã nghĩ nhiều về buổi nói chuyện của chúng ta tối qua. Tôi vừa tham gia vào lớp dạy ngôn ngữ cơ thể của cô và rất nóng lòng chờ đến ngày học. Sẽ rất tuyệt vời nếu như tôi có thể mời cô đi uống cafe trong vài tuần tới khi cô có thời gian rảnh.
Email này đã khiến đầu óc tôi bùng nổ. Tôi không nói một từ nào, nhưng bằng cách nào đó “buổi nói chuyện” đã đáng nhớ đến mức đem việc đến cho tôi. Tại sao thế?
KHOA HỌC VỀ IM LẶNG
Dù ghét phải thừa nhận nhưng rõ ràng là chúng ta rất thích nói về bản thân mình. Thực tế là con người dành 30 – 40% lượng lời nói chỉ dành để nói về bản thân. Con số này bật lên đến 80% trên các mạng xã hội như Twitter và Facebook.
Các chuyên gia thần kinh Diana Tamir và Jason Mitchell đến từ Đại học Harvard phát hiện ra có những điều gì đó thay đổi bên trong não khi chúng ta nói về bản thân. Có nhiều hoạt động diễn ra ở khu vực sản sinh dopamine. Gạch chân, khoanh tròn, đánh dấu sao: dopamine1. Nói về bản thân đem đến sự thỏa mãn cho chúng ta.
Trong một thí nghiệm, những người tham dự thậm chí còn tự nguyện bỏ tiền ra để được chia sẻ thêm thông tin về bản thân họ. Đúng vậy, người ta sẽ trả tiền để được ưu tiên bày tỏ ý kiến của mình.
Đây chính là yếu tố khoa học bảo chứng cho câu nói nổi tiếng của Dale Carnegie: “Muốn trở nên thú vị, hãy biết quan tâm”2 và đó lý do giải thích vì sao lời Tuyên Thệ Im Lặng của tôi hiệu quả như vậy. Khi bạn quan tâm, lắng nghe, để cho người khác nói, họ sẽ cảm thấy thỏa mãn.
Trước khi tuyên thệ im lặng, đầu óc tôi luôn quay cuồng với suy nghĩ sẽ nói gì tiếp theo. Tôi không thể tập trung để hiểu người đối diện đang nói gì vì quá bận rộn với việc nghĩ ra các câu đùa dí dỏm, những câu chuyện hấp dẫn và những lời đối đáp thông minh. Đây là một điều rất tệ trong giao tiếp. Tôi vừa bị phân tâm, vừa làm người đối thoại cụt hứng vì sự lơ đãng của mình. Và rồi tôi nhận được bất ngờ cực lớn, sự im lặng đem đến cho tôi nhiều bạn hơn bất kỳ nỗ lực nào trước đó. Liệu chuyện này có nghĩa là chúng ta sẽ đi vòng vòng trong im lặng ở suốt các buổi giao tiếp của mình? Chắc chắn không. Biết quan tâm chỉ làm mảnh ghép đầu tiên của trò chơi.
Bước Một: khi bạn đặt những câu hỏi kích thích trò chuyện rồi lắng nghe phản hồi của người ta, họ sẽ có được sự thỏa mãn. THÀNH CÔNG RỒI! Nhưng điều bạn làm tiếp theo mới là quan trọng.
Bước Hai: Làm sao để tôn vinh những gì họ nói? Bạn lắng nghe để làm gì? Bạn sẽ phản hồi với những lời kể của họ như thế nào? Giao tiếp tốt không thể chỉ là từ một phía.
Vấn đề là ở đây: Im lặng không chỉ giúp tôi học được cách ngừng ngắt lời, nó còn dạy cho tôi một cách lắng nghe mới.
Tôi không bao giờ học được điều gì khi đang bận nói.
− Larry King
SLOAN IM LẶNG
Khi Alfred P. Sloan nhận chức phó chủ tịch phụ trách hoạt động của General Motors, khi tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn. Năm 1920, General Motors chỉ nắm giữ được khoảng 12% thị phần xe ô tô trong nước. Sloan mơ mộng nhiều hơn thế. Ông quyết định rằng cách tốt nhất để tấn công đối thủ – cụ thể hơn chính là hãng xe Ford – là sẽ đến làm việc trực tiếp với các đại lý để thúc đẩy kinh doanh. Sloan bắt đầu đích thân đi đến từng đại lý để lắng nghe ý kiến của các nhân viên kinh doanh. Phong cách của Sloan thời bấy giờ là vô cùng độc đáo. Chuyện này đã được tờ New York Times tường thuật lại:
“Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết điều này”. Ông ấy đã nói như vậy. “Tôi đã đích thân cùng nhiều đồng sự đến thăm hầu như toàn bộ các thành phố trên toàn nước Mỹ, từ bờ Tây sang bờ Đông, từ Canada xuống đến Mexico. Trong các chuyến đi đó tôi ghé thăm 5 đến 10 đại lý một ngày. Tôi gặp họ ở chính cơ sở kinh doanh của họ, ngồi nói chuyện ở ngay bàn làm việc của họ và lắng nghe các lời đề nghị và phê bình cũng như nghe họ kể về mối quan hệ giữa họ với tập đoàn”.
Khi gặp gỡ đại lý, Sloan không hề cố gắng thuyết phục họ theo ý mình. Ông từng nói: “Tôi thích đối đầu với sự thông minh của người ta hơn là cố gắng áp dụng quyền lực lên họ”. Ông được đặt biệt danh là Sloan Im lặng bởi vì “Khi ông lắng nghe, nó như là sự tập trung đầy say mê của một người điếc”.
Sloan giữ vững vị trí lãnh đạo ở General Motors cho đến tận năm 1956. Trong nhiệm kỳ của mình, ông khởi xướng nhiều bước tiến quan trọng về kỹ thuật của ngành công nghiệp ô tô như hệ thống thắng bốn bánh, xăng ethyl, hệ thống quạt gió,… Vào lúc ông rời công ty năm 1956, General Motors là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới và đã chiếm được hơn 52% thị phần trong nước (một bước tiến vĩ đại so với 12% lúc ông khởi đầu)3.
Một người bạn của Sloan và là tác giả hàng đầu về sách kinh doanh – Peter F. Drucker – ghi nhận rằng thành công của Sloan không phải nhờ tầm nhìn táo bạo hay các chiến lược quyết liệt mà là nhờ phong cách lãnh đạo biết lắng nghe. Sloan đã giải mã nghệ thuật lắng nghe như thế nào? Đây là cách ông làm:
• Sloan dành sáu ngày một tuần để họp, ba ngày với lịch họp bình thường và ba ngày để nhận dạng vấn đề khi chúng xảy ra.
• Thay vì chỉ ra mục đích ban đầu của mỗi cuộc họp, Sloan dự họp trong im lặng. Ông hầu như không bao giờ ghi chú hay phát biểu gì trừ khi lúc đặt câu hỏi nếu có vấn đề cần làm rõ. Theo Drucker kể lại, ông kết thúc mỗi cuộc họp bằng cách tóm tắt các ý chính và nói lời cảm ơn.
• Ngay sau mỗi cuộc họp, Sloan chọn ra một thành viên chịu trách nhiệm soạn ra một bản ghi nhớ ngắn, tóm tắt về những điều đã được thảo luận, các bước cần làm, nhiệm vụ được giao và thời hạn hoàn thành cụ thể. Một bản sao của ghi nhớ đó được gửi cho tất cả những người tham gia cuộc họp4.
Sloan đã thay đổi khái niệm bảo thủ về thế nào là kỹ năng lãnh đạo hiệu quả. Vào năm 1931, Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã tạo ra chương trình đại học đầu tiên cho cấp lãnh đạo mang tên Sloan Fellows. Rồi sau đó, trường Quản Trị Sloan của MIT ra đời năm 1950.
Trong hơn ba thập kỷ, Sloan lãnh đạo với những gì ông được nghe, không phải bằng những gì ông nói. Ông lắng nghe có chủ đích và tiếp nối đó bằng hành động. Tôi gọi đó là cách làm bật điểm nhấn.
Bạn làm bật ra những gì tốt nhất của mình bằng cách tìm kiếm điều tốt nhất ở người khác.
− Gene Bedley
KỸ NĂNG #1: TRỞ THÀNH NGƯỜI TÁN DƯƠNG
Tôi có một sự ám ảnh tương đối lớn với các dụng cụ văn phòng phẩm. Không gì thu hút tôi hơn một hộp bút bấm mới, một tá quyển sổ tay nhỏ, và một dãy các miếng dán nhiều màu sắc. Tôi còn nhớ về lần đầu tiên nhận được cây bút dạ quang thừa hưởng từ ông anh của mình, thật ra là tôi chôm ở trong cặp của anh ấy.
Đó quả là thứ thay đổi tất cả. Cái que tô sáng đó đã giúp tôi học nhanh hơn, nhớ nhiều hơn và nhấn mạnh những điểm quan trọng. Những người giao tiếp tốt nhất cũng làm giống như vậy – họ hoạt động như là người tô bật các điểm nhấn trong cuộc trò chuyện. Họ lắng nghe nhiều hơn, ghi nhớ về những điều đã được nói và tìm ra những điểm quan trọng để hành động.
Cho đến giờ bạn đã thiết kế ra Kế hoạch trò chơi xã giao, tận dụng Sức mạnh nhân ba, và mồi lửa trò chuyện. Tiếp theo là gì? Đã đến lúc giải mã nghệ thuật – và khoa học – của việc lắng nghe. Bạn có thể làm được điều đó bằng việc trở thành Người Tán dương.
MẸO #4: TÁN DƯƠNG
Làm nổi lên những điều tốt nhất của người khác bằng việc tô bật lên các điểm mạnh của họ.
Khi bạn biết cần phải nghe cái gì, bạn sẽ biết cách trả lời chính xác. Lấy điểm nhấn cũng là một cách để giao tiếp chân thành và mới mẻ hơn. Lấy điểm nhấn không phải là tô hồng, không phải là sục sạo, cũng không phải là làm trầm trọng vấn đề. Lấy điểm nhấn là việc tôn lên những điều mà bạn cho rằng là đáng chú ý và khơi mào cho cuộc trò chuyện thật sự.
Emily McDowell đã xây dựng nên một cơ nghiệp đáng tự hào từ việc nói ra sự thật, bằng cách làm bật các điểm nhấn của con người5. Chuyện đó xảy ra rất tình cờ. Năm 2012, Emily có ý tưởng mới lạ về một loại thiệp cho Ngày Tình Nhân 14/2. Cô muốn giúp đỡ những người đang hẹn hò nhưng chưa chính thức thiết lập quan hệ có một loại thiệp vào Ngày Tình Nhân.
Vì thế, cô đã in hàng trăm tấm thiệp này và bỏ lên trang bán hàng Etsy vào cuối tháng 1 năm 2013. Cô gọi nó là “Thiệp hẹn hò trái khoáy”.
Quả là biết cách tạo mồi lửa cảm hứng cho trò chuyện! Sự chân thành và hài hước trên tấm thiệp của cô đã gây bão trên mạng. Ba tháng sau, cô nhận được đơn hàng từ Urban Outfitters cho 96.000 tấm thiệp. Emily bắt đầu tạo thêm ra những tấm poster, túi xách, miếng ghim và các sản phẩm dạng giấy khác với nội dung chân thành để giúp làm nổi bật những người được nhận chúng.
Cô còn ngẫu hứng tạo ra một chiếc thiệp sinh nhật kỳ khôi với nội dung: “Anh nghĩ đến em như nhớ rằng anh có một que kem trong tủ lạnh”.
Có một cuốn sổ với tựa là “Giải thưởng Thành tựu Mỗi ngày”. Bạn bè hay đồng nghiệp sẽ cùng nhau điền vào chỗ trống trong trang sổ để nêu bật lên một nhiệm vụ đã được hoàn thành: “Trao cho________ với thành tích hoàn thành nhiệm vụ khiêm tốn nhưng đáng tự hào là ________. Chúng tôi tôn vinh chiến công này của bạn”.
Tôi chú ý đến cách tiếp cận chuyện tán dương đầy tuyệt vời của Emily khi có một người tặng cho tôi tấm thiệp ghi “Tôi nhận thấy rằng bạn là người cực kỳ tài năng”. Chuyện đó khiến tôi vui sướng vô cùng. Và rồi tôi cũng mua một lốc thiệp của cô ấy để có thể phát đi với nội dung “Tôi yêu bạn vãi luôn” và “Bạn không hề tệ chút nào”.
Những tấm thiệp của Emily có sức mạnh bởi vì chúng vừa đưa ra lời khen ngợi vừa chân thật. Những tấm thiệp thường thường cũng in đầy những lời khen ngọt ngào (và nhàm chán sáo rỗng). Nhưng làm bật điểm nhấn không phải chỉ là đưa ra các lời ngợi khen thông thường. Cũng như những tấm thiệp của Emily McDowell, đây là chuyện thật lòng ghi nhận những điều tốt nhất từ người khác, khuyến khích mọi người hành động và thể hiện ra phiên bản tuyệt vời, chân thực nhất của họ.
Hiệu ứng Pygmalion
Truyền thuyết Hy Lạp có một câu chuyện nổi tiếng về nhà điêu khắc Pygmalion. Tương truyền, Pygmalion dùng một miếng ngà voi lớn để điêu khắc nên hình ảnh người phụ nữ mà ông cho là lý tưởng. Bức tượng đó đẹp và chân thực đến mức ông đã yêu nó say đắm. Xấu hổ và ngượng ngùng về khao khát của mình, Pygmalion đến cầu nguyện với nữ thần tình yêu Aphrodite. Ở bàn thờ nữ thần, ông bí mật cầu nguyện cho mình được gặp một người phụ nữ “như là phiên bản sống của bức tượng ngà voi”6.
Khi Pygmalion trở về xưởng của mình, ông đặt một nụ hôn nhẹ lên bức tượng. Ông bàng hoàng nhận ra đôi môi của bức tượng rất ấm. Khi ông hôn một lần nữa, bức tượng trở thành người sống. Sau đó Pygmalion kết hôn với người phụ nữ ông đã tạo ra.
Truyền thuyết Pygmalion ngụ ý về chuyện năng lực tự hoàn thành kỳ vọng. Pygmalion phác thảo nên điều ông muốn và rồi nó trở thành thực. Nói cách khác, những kỳ vọng lớn sẽ dẫn lối ta đến với điều vĩ đại. Các nhà tâm lý học đã tìm ra rằng ý tưởng này là có thật. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Pygmalion.
Khi các cử tri được bảo rằng họ “tích cực về chính trị” hơn so với những người khác (dù rằng thực tế là họ được chọn ngẫu nhiên) thì họ có tỷ lệ đi bầu cao hơn 15% so với bình thường7.
Khi các nhà hảo tâm được khen rằng họ quyên góp nhiều hơn mức trung bình của mọi người (dù thật ra không phải thế), sau đó họ đã quyên góp nhiều hơn để trở thành người cống hiến trên trung bình8.
Khi các cô phục vụ phòng ở khách sạn được nói rằng công việc của họ là công việc cường độ cao, đốt nhiều calo thì họ tiếp tục hăng hái tiêu hao nhiều calo hơn9.
Khi một chiếc máy tính đưa ra các lời khen ngợi tự động đến cho các sinh viên, những sinh viên này hoàn thành bài tập tốt hơn – dù rằng ai cũng hiểu đó chỉ là lời khen tự động từ máy tính10.
Những cái nhãn tích cực
Con người thích được tặng những cái mác tích cực. Chúng nâng cao hình ảnh chúng ta và nhẹ nhàng thúc đẩy chúng ta trở nên tốt hơn. Cho nên trong khi bạn dùng các mồi lửa cảm hứng trò chuyện và quan sát những kết quả bất ngờ mà chúng đem lại, hãy để cho bản thân được cảm thấy ấn tượng về người đối diện. Hãy lắng nghe những ý kiến hùng hồn của họ. Tìm cách để làm bật nên các điểm mạnh của họ. Chia vui với sự hào hứng của họ.
Dưới đây là vài ví dụ bạn có thể dùng:
• “Anh biết tất cả mọi người – anh hẳn là một người kết nối rất giỏi.”
• “Tôi thật sự kinh ngạc trước sự tận tụy của anh với công ty này – họ phải thật may mắn mới có được anh.”
• “Anh thật có nhiều kiến thức về đề tài này – may quá anh có mặt ở đây.”
Hưng phấn tăng theo cấp số nhân
Một cách để tán dương khác chính là ăn mừng thành công của người khác như thể đó là thành công của chính bạn. Cảm giác hạnh phúc sẽ được nhân lên nhiều lần khi nó ở quanh sự hạnh phúc, và bị chia nhỏ khi bên cạnh thiếu người ủng hộ. Khi bạn nhìn thấy ai đó tự hào, hưng phấn, hay đam mê, hãy cùng san sẻ với họ bằng cách lặp lại giống vậy. Việc này sẽ gắn kết bạn với cảm giác và niềm vui của họ.
Bạn có thể nói một vài điều đơn giản như:
• “Tôi thật sự mừng cho bạn.”
• “Chuyện đó thật tuyệt vời.”
• “Đây là tin tuyệt vời nhất, chúc mừng bạn.”
Khi tôi nhìn thấy một điều gì đó, bất cứ điều gì thật tuyệt vời, tôi luôn lấy đó làm cơ hội để tán dương. Tôi nói với người pha chế thức uống rằng anh ấy đã vẽ ra một ly latte thật đẹp. Tôi ngợi khen mái tóc mới của bạn bè. Tôi gửi cho mọi người những tấm thiệp nói rằng họ là thật đỉnh.
KỸ NĂNG #2: HÃY LÀ MỘT NGƯỜI THỔI PHỒNG
Bạn có biết một trong những cơ hội hay bị bỏ lỡ lớn nhất trong các tình huống xã hội là gì không? Các phần giới thiệu nhau. Đây là những email tôi nhận được rất nhiều lần mỗi tuần:
Chào Vanessa, tôi muốn giới thiệu cô với Dave. Dave, đây là thư giới thiệu mà anh nhờ tôi đó. Hy vọng hai người kết nối được với nhau.
Quá buồn chán! Tôi không hề biết anh ta là ai và vì sao tôi nên biết. Chuyện tương tự cũng diễn ra ở các sự kiện kết nối, gặp gỡ khách hàng và hội thảo. Tôi hầu như luôn được giới thiệu với người khác theo một cách buồn chán, thông thường nhất:
Vannesa, đây là John. John, đây là Vanessa.
Đây là một sự lãng phí cơ hội quá lớn! Các lần giới thiệu chính là cơ hội tốt nhất để đề cao người khác, hãy nắm bắt lấy nó. Kể cả khi bạn chỉ mới biết người ta có vài phút, bạn cũng có thể tìm được điều gì đó để thổi phồng lên.
• “Vanessa, hãy gặp Dave này. Anh ta là một tay trùm trong ngành công nghiệp phần mềm và vừa có một sản phẩm thành công cực lớn.”
• “Joe, gặp Sue này. Cô ấy là một họa sĩ tuyệt vời và là một trong những nghệ sĩ tài ba nhất mà tôi biết.”
• “Kirk này, hãy để tôi giới thiệu anh với Annie. Bọn tôi vừa mới gặp nhau và cô ấy kể cho tôi nghe một câu chuyện cực kỳ ấn tượng về chuyến đi của cô ấy đến Nam Phi.”
Bạn cũng có thể làm được điều đó khi bạn là người tự giới thiệu:
• “Thật tuyệt vời khi gặp bạn! Tôi nghe nói bạn là tác giả một blog cực kỳ thú vị. Hãy tiết lộ cho tôi biết bí quyết của bạn đi nào!”
• “Thật tuyệt khi biết anh, bạn của John cũng là bạn của tôi. Anh ta luôn quen biết toàn những người thật thú vị.”
• “Thật vinh hạnh! Anh làm việc ở Ken’s Bakery hở? Chỗ đó là nhà hàng pizza yêu thích của tôi. Anh có phải là người mê pizza không?”
Tại sao những lời giới thiệu thổi phồng lại mạnh mẽ như vậy? Đầu tiên, bạn cho người ta những cái nhãn tích cực. Thứ hai, bạn đặt nền tảng cho một cuộc trò chuyện hào hứng và gợi ra những đề tài dễ tham gia cho đối phương. Thứ ba, bạn khiến người khác phải nói về bản thân họ – họ là ai và họ làm gì – việc này sẽ sinh ra dopamine. Chính xác, lời giới thiệu thổi phồng CŨNG LÀ mồi lửa cảm hứng trò chuyện. Đại thắng lợi.
KỸ NĂNG #3: ĐỪNG NHƯ MỘT GOLEM
Bạn có biết đối lập với hiệu ứng Pygmalion là gì không? Đó là hiệu ứng golem11: khi một người được cho là kém cỏi thì họ sẽ thật sự trở nên kém cỏi.
Thiếu tá Wilburn Schrank12quyết định thử nghiệm hiệu ứng golem trên những tân học viên của Học viện Không quân Hoa Kỳ. Schrank gán nhãn ngẫu nhiên cho một nhóm 100 học viên mới gia nhập Trường Dự bị Không quân Hoa Kỳ. Họ được trao ngẫu nhiên một trong năm “cấp độ năng lực”. Những người trong quân đội Hoa Kỳ thì chỉ quay vòng quanh cấp bậc, vị trí với những cái nhãn nên Schrank muốn biết rằng liệu các nhãn này có hiệu ứng gì trên năng lực học viên hay không. Điều đó được khẳng định là đúng. Dựa trên các dữ liệu được cung cấp, những người lính nhận được nhãn tệ nhất cũng thể hiện tệ nhất.
Hiệu ứng golem có thể đem đến hậu quả mang tính phá hoại khủng khiếp. Tiến sĩ Brian McNatt phát hiện ra rằng hiệu ứng golem đặc biệt rất phổ biến trong môi trường làm việc13. Hãy nghĩ đến những người sếp hay có nhân viên cưng. Đây là điều xảy ra:
Jeff là sếp. Anh tuyển một nhân viên kinh doanh từ trường cũ của mình, Đại học XYZ. Anh rất bảo bọc cô, họ thường xuyên cùng nhau ăn trưa, anh giao cho cô những nhiệm vụ thú vị hoặc dễ nhất. Sau tất cả, Jeff nghĩ rằng bất cứ ai học từ trường của anh ra được giáo dục tốt hơn, và anh muốn các đồng môn của mình thành công. Cô được hưởng lợi từ hiệu ứng Pygmalion. Jeff kỳ vọng nhiều ở cô và cô đã thể hiện những năng lực tốt nhất của mình. Các nhân viên khác nhìn thấy sự ưu ái này và cảm thấy bị bỏ rơi. Một người quản lý tên Ken học từ Đại học ABC ra, trường đối thủ của Đại học XYZ. Jeff thường xuyên chế giễu Ken.
Ken không được rủ đến nhà sếp để xem bóng đá cuối tuần. Jeff chọc Ken vì không thể vào được trường XYZ, Ken biết là sếp đùa nhưng dù sao anh vẫn cảm thấy khó chịu.
Hãy nói chuyện ngoài hành lang và trao đổi quanh bình nước uống. Hy vọng vào điều tốt nhất không chỉ rất quan trọng với người mới mà nó còn giúp thắt chặt mối quan hệ với những người đã và đang tồn tại trong cuộc đời bạn. Bạn sắp nói gì với đồng nghiệp và nói gì về họ?
Người biết đề cao luôn tìm điều tốt đẹp từ người khác. Khi bạn nói người khác rằng họ giỏi, họ sẽ trở nên tốt hơn. Khi bạn tìm kiếm điều tốt đẹp, bạn cảm thấy tuyệt vời.
TẶNG THÊM: GIÚP NGƯỜI KHÁC GÂY ẤN TƯỢNG VỚI BẠN
Đã có bao giờ bạn muốn gây ấn tượng với người khác bằng kiến thức, sự thành công hay bằng kinh nghiệm? Tôi nghĩ rằng tán dương chính là cách để gây ấn tượng với mọi người.
Người bạn Thursday Bram của tôi là một người tán dương tuyệt vời. Cô ấy điều hành một câu lạc bộ mang tên PyLadies. Đó là một nhóm nữ lập trình viên chuyên sử dụng ngôn ngữ lập trình Python. Họ gặp gỡ nhau nhiều lần trong một tuần để giao lưu, cùng suy nghĩ và hỗ trợ nhau trong các dự án lập trình. Khi Thursday và những người bạn đồng sáng lập nảy ra ý tưởng về nhóm, họ muốn đó sẽ là một nhóm những người phụ nữ thành công, nhiệt huyết.
Thursday có sáng kiến mang đến các miếng dán hình ngôi sao vàng. Bạn chắc còn nhớ hồi đi học mẫu giáo chúng ta được cô giáo tặng ngôi sao hay bông hoa khen thưởng chứ? Ai cũng vậy, cho dù bao nhiêu tuổi đi nữa thì vẫn thích được tặng ngôi sao. Vì vậy ở các buổi gặp và các sự kiện, Thursday phát các ngôi sao cho những người có đóng góp ý kiến, giúp giải quyết một vấn đề, hay có những biểu hiện nổi bật. Chuyện mọi người yêu thích điều đó là không có gì đáng ngạc nhiên. Và khi càng có nhiều cô gái PyLadies nhận được sao vàng, họ càng hành động theo cách xứng- đáng-với-sao-vàng hơn. Mọi chuyện cứ thế theo quỹ đạo phát triển tăng lên.
Bạn thực ra không cần phải mang theo ngôi sao vàng để tán dương người khác – dù rằng đó cũng là một trải nghiệm thú vị. Thay vào đó, hãy tán dương người khác bằng những ngôi sao cảm xúc thông qua việc gán cho họ những cái nhãn tích cực, tận dụng sự phấn khích của họ, và kêu gọi các hành động tốt đẹp của họ.
Trở nên đáng nhớ không phải là làm bật lên các ưu điểm của bạn, mà là tán dương ưu điểm của người khác. Đừng cố gắng gây ấn tượng với người khác, hãy để họ ấn tượng về bạn.
HỌC CÁCH LẮNG NGHE
Tôi đã biến lời thề giữ im lặng của mình thành một truyền thống thường niên. Nó nhắc nhở cho tôi biết dừng lại, ngưng ngắt lời và tập trung lắng nghe. Hiện giờ có đến hàng trăm độc giả của tôi cũng đã tham gia cuộc phiêu lưu im lặng này bằng việc đặt hashtag #vowofsilence (lời thề im lặng). Chúng tôi rời xa mạng xã hội, tắt email và chỉ luyện tập cách lắng nghe.
Mỗi lần như vậy, tôi đều kinh ngạc trước việc có bao nhiêu người hét lên với tôi trong thời gian thực hiện lời thề. Mỗi lần như vậy, tôi bị sốc trước việc người ta cố gắng ra hiệu bằng tay và múa may khi nói chuyện với tôi – im lặng không phải là điếc mà. Điều quan trọng nhất là sau mỗi kỳ thực hiện lời thề, tôi luôn được nhắc nhở rằng dù lắng nghe là một công cụ tuyệt vời để khiến người ta cởi mở hơn, nhưng nó chỉ mới là bước khởi đầu. Kết nối thực sự đến từ quá trình giao tiếp.
Có một lần nọ, tôi dùng bữa tối cùng một cựu người mẫu thời trang. Genevieve là một cô nàng tuyệt đẹp – tóc nâu vàng óng ả, làn da như sữa cùng đôi chân cực dài. Trong bữa ăn của chúng tôi, cô ấy kín đáo, dễ chịu và chu đáo, nhưng hầu như không nói. Khi được hỏi một điều gì, cô chỉ mỉm cười, trả lời nhanh gọn, và nhấp một ngụm vang. Tôi không nghĩ gì nhiều về trải nghiệm đó và có lẽ sẽ không nhớ cho đến khi có điều thú vị xảy ra vài tuần sau đó.
Tôi đang ở một bữa tiệc, nói chuyện với vài người bạn thì đột nhiên Genevieve xuất hiện. Tôi xoay qua và giới thiệu cô ấy với bạn mình – cố gắng tìm cách tốt nhất để giới thiệu. Dù rằng chúng tôi đã cùng ngồi ăn tối với nhau, tôi vẫn không có nhiều thông tin để kể. Vì vậy tôi chỉ nói đơn giản: “Các bạn à, hãy gặp cô nàng Genevieve đáng yêu này nhé! Ngày 23 tháng trước chúng tôi đã dùng bữa tối với nhau ở một nhà hàng Ý rất tuyệt vừa khai trương”.
Cô ấy bắt tay với từng người trong nhóm, đứng nói chuyện vài phút rồi hỏi xem tôi có muốn đi lấy thêm rượu với cô không. Khi tôi và cô ấy cùng bước đi, cô bày tỏ sự giận dữ. “Hừm”, cô thốt lên, “Tôi đã gặp anh chàng Chris bạn của cô ít nhất cả chục lần rồi, mà cứ lần nào gặp lại anh ta đều có vẻ không nhớ tôi là ai. Anh ta bị cái quái gì vậy?”.
Chuyện này không hề khiến tôi ngạc nhiên một chút nào. Sự thật mất lòng là ở đây: Đó không phải là lỗi của Chris mà là của cô ấy. Genevieve không tạo ra được một lý do nào để người khác nhớ về cô ấy. Trở thành một người lắng nghe tuyệt vời không chỉ là chuyện bạn lắng nghe mà còn là chuyện bạn phản hồi thế nào với những gì đã nghe.
Trong mọi cuộc hội thoại, mọi tương tác, mọi gặp gỡ mà chúng ta có, ta cần phải cho người đối diện lý do để họ nhớ về mình. Genevieve có vóc dáng siêu mẫu và một thái độ rất dễ chịu. Nhưng điều đó là chưa đủ. Tôi rất tiếc nhưng phải so sánh trải nghiệm về lần gặp Genevieve với những lần tôi tương tác với người trực bãi đậu xe trước trung tâm thể dục gần nhà.
George làm công việc điều tiết giao thông ở bãi đậu xe siêu nhỏ của một trung tâm thể dục. Bất chấp việc mọi người càu nhàu với anh liên tục, George luôn rạng rỡ chào mọi người và hỏi cùng một câu hỏi: “Anh/chị có muốn biết một sự thật thú vị không?”.
Lần đầu tiên anh ấy hỏi tôi câu này khi tôi chạy vào bãi đậu xe với hàng đống suy nghĩ trong đầu. Câu hỏi khiến tôi sựng lại. “Sự thật thú vị ư?”. Tôi hào hứng, dopamine dâng trào khi được hứa hẹn về một phần thưởng tinh thần. “Tất nhiên là tôi muốn biết một sự thật thú vị rồi!”.
Và rồi anh ta đọc cho tôi nghe sự thật thú vị ngày hôm đó của anh – chúng luôn là một điều gì đó đầy kích thích hoặc hài hước kiểu như: “Chị có biết rằng con vật biểu tượng của Scotland là kỳ lân không?”, hoặc “Bạn có thể nhìn thấy nhãn cầu của con cú khi nhìn vào trong tai nó”, hoặc “Nước Nga có diện tích mặt đất còn rộng hơn bề mặt Sao Diêm Vương”.
Và đây là phần hay nhất của câu chuyện: bạn có biết rằng anh ta lấy đâu ra những sự thật thú vị đó không? Từ chính chúng tôi! Sau khi đã tặng một sự thật thú vị, anh ấy đều hỏi mỗi người: “Anh/chị có cái sự thật thú vị nào dành cho tôi không?”. Và anh chờ, lắng nghe người ta kể với mình đủ mọi điều kỳ lạ thú vị – một số là thông tin nghiêm túc và một số là thông tin thú vị về đủ mọi ngóc ngách cuộc sống. Đó cũng là cách sử dụng Mẹo #3: Mồi lửa cảm hứng trò chuyện.
Chắc chắn rằng, mọi người cuối cùng đều cười phá lên (và lên Google để kiểm tra lại xem đúng không). Tôi cũng tích góp những sự thật thú vị cho anh ta và luôn thầm mong rằng ngày hôm sau anh sẽ sử dụng sự thật thú vị của mình.
Trước kia mỗi khi lái xe vào bãi đậu xe đó tôi luôn căng thẳng và khổ sở tìm chỗ đậu. Giờ thì tôi tìm George.
THÁCH BẠN
1. Hãy giới thiệu đồng nghiệp hay bạn bè bạn với một người mà bạn nghĩ là họ nên quen. Tập đưa ra những lời giới thiệu thổi phồng.
2. Ai là người gây ấn tượng với bạn? Ai là một người bạn tuyệt vời? Ai là người giỏi kết nối nhất mà bạn biết? Hãy đến nói với họ về điều đó.
3. Thêm: Hãy lập lời thề im lặng trong một ngày để trở thành người lắng nghe tốt.
TÓM TẮT CHƯƠNG
Chúng ta luôn nhớ về những người giúp mình thấy thoải mái và những người khiến mình trở nên tốt hơn. Bạn có thể tối ưu hóa một tương tác bằng cách thể hiện mong đợi về những kết quả tối ưu. Hãy nâng người khác lên bằng cách lắng nghe, tán dương và mong đợi những điều tốt nhất từ những người quanh bạn. Trở thành người tán dương giúp bạn trở nên nổi bật.
• Lắng nghe có mục đích: tìm những mặt tốt.
• Hãy cho người ta lý do để nhớ về bạn
• Khi bạn mong chờ điều tồi tệ nhất, đó chính là thứ bạn sẽ nhận được.
Bài học lớn nhất tôi rút ra từ chương này là:
________________________________