Khách hàng không có nhiệm vụ phải nhớ về bạn. Trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn là bảo đảm rằng họ không có cơ hội để quên mất bạn.
− Patricia Fripp
Cách để có cuộc trò chuyện khó quên
Trung tâm thành phố Bogotá có chứa đựng những kho báu tuyệt vời. Và Jeffer Carrillo Toscano là một chuyên gia săn lùng kho báu. Nhóm nhỏ du khách chúng tôi miệt mài đi theo khi anh len lỏi qua những con hẻm nhỏ rải đá cuội ở La Candelaria, một trong những khu dân cư cổ kính nhất Columbia.
“Hãy quan sát thật cẩn thận”, anh nói và chỉ tay về nóc những ngôi nhà kiểu thuộc địa Tây Ban Nha và các ban công kiểu Baroque đổ nát, “chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu”. Chúng tôi leo lên những bậc thang chật hẹp, suýt nữa thì làm phiền giấc ngủ của một gia đình mèo và bất chợt gặp được mục tiêu đầu tiên. Chúng tôi đang tìm gì? Các bức tranh phun sơn graffiti.
Nằm giữa hai ô cửa sổ rộng là một trong những tác phẩm nghệ thuật đẹp bậc nhất mà tôi từng thấy. Một người phụ nữ bản địa đang ngước mắt nhìn lên trời như là cầu nguyện hay đang ngóng đợi cơn mưa. Tôi hoàn toàn bị choáng ngợp.
Hết con phố này đến phố khác, Jeffer chỉ cho chúng tôi những bức vẽ mà tôi chưa từng để ý đến – một bức tranh nằm bên cạnh ống thoát nước, một cây nấm nằm ở góc của một cánh cửa theo phong cách art deco, một con chim ruồi bé xíu nằm ở góc sân. Trong khi vừa đi vừa kể chuyện, anh không ngừng quan sát sự hứng thú của cả nhóm. Anh để ý nơi nào và khi nào mọi người chụp ảnh, ai kêu “wow” và ai trông có vẻ chán.
Trên đường đi, anh tổ chức một trò chơi trí nhớ và gán tên mỗi người với quê của họ – đến cuối hành trình anh đã ghi nhớ 26 cái tên. Rồi anh mời chúng tôi kể câu chuyện của mình. Anh muốn tìm hiểu xem điều gì đã đưa từng người chúng tôi đến tour graffiti này – một sự lựa chọn ít gặp ở khách du lịch.
Anh tìm ra những thứ liên quan đến từng người một trong chuyến đi. Một nữ du khách làm việc ở tổ chức phi lợi nhuận quốc tế nhằm bảo vệ các rừng mưa Nam Mỹ. Và cô đã vô cùng sung sướng khi anh đưa đoàn tham quan đến trước một bức tranh tường lớn vẽ rừng mưa Columbia.
Rồi Jeffer biết được một thành viên trong nhóm là phóng viên người Mỹ, vậy nên anh đã cất công dẫn chúng tôi vòng qua nhiều góc phố để đến với bức tranh về đề tài chính trị trên một nền xi- măng. Đó là một bức hình đen trắng vẽ Edward Snowden(*)với dòng chữ “Anh hùng hay kẻ phản bội?” bằng những ký tự viết hoa lớn. Người phóng viên này như phát cuồng và lập tức hí hoáy viết vào sổ tay câu chuyện để gửi về tòa soạn cho số báo kế tiếp.
Một cách vô thức, Jeffer đã khai thác một định luật cơ bản về hành vi con người. Anh tạo nên cảm hứng. Khả năng thu hút sự chú ý của anh đã khiến tour tham quan Bogotá Graffiti trở thành hoạt động được đánh giá cao thứ nhì trên TripAdvisor và được tờ New York Times giới thiệu như là hoạt động nên làm nếu như chỉ có ba mươi sáu giờ ở Bogotá.
Chú thích:
(*) Edward Snowden là một chuyên gia về an ninh máy tính, cựu nhân viên của Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Tháng 6/2013, Snowden rò rỉ các tài liệu mật cho các nhà báo, tiết lộ chương trình do thám toàn cầu mà các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Anh đang thực hiện, khiến thế giới chấn động − ND.
CÁI CHẾT CỦA NHỮNG CÂU CHUYỆN PHIẾM
Một trong những ký ức tuyệt vời nhất của tôi về thời thơ ấu có thể tóm gọn trong mấy chữ: tàu lượn siêu tốc Space Mountain. Khi tôi còn nhỏ, mùa hè nào gia đình tôi cũng đến chơi tại công viên giải trí Disneyland. Đây chính là thời khắc đáng mong đợi nhất trong năm và tôi cùng các anh chị em của mình đếm từng ngày để chờ đến khoảnh khắc được lang thang trong vùng đất kỳ diệu đầy kẹo ngọt và trò chơi đó.
Chỉ có một vấn đề phiền phức. Lúc đầu, tôi không đủ chiều cao để được chơi trò hấp dẫn nhất – cụ thể hơn thì đó chính là trò Space Mountain. Tôi đứng nhìn mái tóc xoăn của ông anh mình chỉ vừa chớm qua vạch giới hạn chiều cao. Rồi bố mẹ để tôi ở lại trông các em gái trong khi ba người bọn họ đi vào con đường hầm tối thui đầy hứng khởi đó mà không có chúng tôi.
Vào một mùa hè huy hoàng, chỏm tóc đuôi gà của tôi chạm được vào cái vạch cấm đó. Tôi được cột chặt vào chiếc xe hỏa tiễn và bám chặt lấy thanh vịn bằng đôi tay đẫm mồ hôi. Hai phút sau đó chính là khoảnh khắc làm nên cuộc đời. Đầu óc tôi như nổ tung. Suốt cuộc đời tôi tính đến lúc ấy luôn có một cái gì đó thiêu thiếu mà tôi không thể xác định được đó là gì. Chuyến đi chậm chạp, những cú nhồi đơn điệu của chú voi bay Dumbo còn khuya mới có thể sánh bằng những cú lao chúi và xoáy vòng đầy phấn khích của Space Mountain. Cái “tốc độ” mà chúng tôi đạt được trên đoàn tàu Disneyland chỉ là trò cười khi so với tốc độ quỷ khốc thần sầu của Space Mountain. Ngày hôm đó, tôi và anh trai chơi trò Space Mountain tới lui vô số lần và tôi thề rằng mình sẽ không bao giờ chơi lại mấy cái đường đua con nít kia nữa.
Đây cũng chính là cách hoạt động của những cuộc trò chuyện. Hầu hết thời gian trong đời, chúng ta tán gẫu, nói chuyện phiếm trên các đường đua trẻ con. Các cuộc trò chuyện của chúng ta không có gì đáng nhớ bởi vì chúng ta không mấy hào hứng. Mức năng lượng của chúng ta trong hầu hết các cuộc nói chuyện phiếm sẽ như đồ thị bên dưới.
Đây là nói chuyện phiếm. Không có cao trào hay các điểm nhấn thú vị, các cuộc trò chuyện cứ đến rồi đi. Chúng ta phải may mắn lắm mới nhớ được tên của người đối diện chứ đừng nói đến chuyện nhớ được nội dung trò chuyện. Tôi muốn giới thiệu với bạn khái niệm Bàn chuyện Lớn.
Bàn chuyện Lớn cũng giống như trò Space Mountain. Bạn khởi đầu với kỳ vọng cao và lướt dễ dàng vào cuộc trò chuyện, cười sảng khoái và càng lúc càng thấy thỏa mãn. Mức năng lượng của chúng ta giống thế này:
Cũng như chiếc tàu lượn siêu tốc, các cuộc trò chuyện đáng nhớ sẽ khiến cả hai bên đều thấy hứng khởi và mong rằng sẽ không bao giờ phải tham gia các cuộc nói chuyện phiếm nữa.
Cái chết của những cuộc nói chuyện phiếm cũng không đến một cách dễ dàng mà cần bỏ công sức. Cũng như các mẹo giải mã hành vi con người khác, Bàn chuyện Lớn cũng có các tiêu chí về đàm thoại, thách thức lại trạng thái trò chuyện tầm phào, và cần tránh các lời thoại sáo rỗng. Tàu lượn siêu tốc cần đạt đủ tầm cao và Bàn chuyện Lớn cũng vậy.
KHOA HỌC VỀ CẢM HỨNG
Lý do mà chúng ta thích trò chơi tàu lượn siêu tốc là vì các đỉnh cao. Khi lên đến đỉnh dốc, chúng ta hồi hộp chờ thưởng thức một cú lao cực đã. Bàn chuyện Lớn cũng cho ta cùng một dạng đỉnh cao cảm xúc như vậy. Những cuộc trò chuyện đỉnh nhất luôn có những cú hích năng lượng và điểm hào hứng cụ thể – tôi gọi những khoảnh khắc đó là “cảm hứng”.
MẸO #3: MỒI LỬA CẢM HỨNG TRÒ CHUYỆN
Sử dụng những cách nói chuyện độc đáo để tạo nên các cuộc đối thoại vui vẻ và đáng nhớ
Bàn chuyện Lớn mang đến cả tấn cảm hứng – rất nhiều những niềm vui nho nhỏ mà chúng ta phải nhớ. Bạn có bao giờ có một cuộc đối thoại thật là đỉnh với ai đó chưa? Sau buổi đó, liệu bạn thường hồi tưởng lại những đoạn cao trào, các khoảnh khắc hài hước tới và lui trong đầu đúng không? Đó chính là những cảm hứng đối thoại đem lại cảm giác tốt đẹp cho bạn.
Trong não bộ chúng ta, các tia cảm hứng được đánh dấu bằng dopamine1. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng từ hạch hạnh nhân khi chúng ta thấy vui sướng. Khi chúng ta nhận được quà sinh nhật, được sếp khen ngợi, hay nhận giải thưởng thì dopamine tràn ngập trong não bộ chúng ta. Hãy nghĩ đến niềm vui khi bước vào cửa hàng và được nhân viên nói “Mời anh chị dùng mẫu thử miễn phí ạ!”. Cái cảm giác hứng khởi đó chính là do dopamine.
Còn đây là điều khiến dopamine trở nên thú vị hơn: Nó tốt cho trí nhớ. Nhà sinh học phân tử, tiến sĩ John Medina so sánh dopamine giống như một tập giấy ghi chú cho trí nhớ. Ông nói: “Dopamine hỗ trợ rất lớn đến trí nhớ và việc xử lý thông tin. Các bạn có thể xem nó như tờ giấy ghi chú với hàng chữ ‘Hãy ghi nhớ!’. Hãy hình dung việc gắn miếng giấy ghi chú dưới dạng hóa học này vào một phần thông tin và đặt vào óc một người thì thông tin đó sẽ được xử lý tích cực hơn”2. Nói một cách khác, việc bạn được nhớ lâu là nhờ bạn đã được “tiêm” một liều thuốc ghi nhớ trong não. Khi bạn tạo ra dopamine từ một cuộc hội thoại, bạn không chỉ đem đến sự sảng khoái cho đối tác, bạn còn được xem trọng hơn, điều đó sẽ làm gia tăng ký ức về bạn.
Câu hỏi ở đây là: Làm thế nào để tạo ra dopamine trong một cuộc hội thoại? Tôi sẽ rất sung sướng khi bạn bỏ những món quà nho nhỏ trong túi quần áo rồi lấy ra tặng tôi như một ảo thuật gia ở các bữa tiệc, nhưng chuyện này không thực tế, chưa kể các bộ cánh công sở cũng không thường có nhiều túi cho lắm. Thay vào đó, bạn có thể tạo ra niềm vui bằng lời nói. Các món quà không nhất thiết phải là những gói giấy nhiều màu thắt nơ đẹp đẽ. Phần thưởng không nhất thiết phải là tiền mặt. Sự hài lòng không chỉ đến từ những yếu tố vật chất.
Có ba cách để cải thiện các cuộc trò chuyện nhằm biến chúng trở nên vừa vui vẻ vừa đáng nhớ hơn. Hãy cùng biến những lần nói chuyện phiếm thành Bàn chuyện Lớn.
Bước #1: Mồi lửa cho trò chuyện
Hầu hết các cuộc trò chuyện đều từa tựa như thế này:
Bạn làm gì vậy?
Ồ hay đấy.
Bạn đến từ đâu?
Ừm, tôi chưa bao giờ đến đó.
Điều gì đưa bạn đến đây?
Tốt quá, tốt lắm.
À, tôi đi lấy thêm nước uống…
Quá nhàm chán! Trò chuyện như vậy có thể so sánh với việc cưỡi trên đường đua trẻ con. Hầu như không khơi gợi được cảm xúc, thiếu cảm hứng, không có cao trào và chỉ chậm chạp trôi đi đến cái kết đáng thất vọng. Đã đến lúc nâng cấp lên trò Space Mountain.
Tôi hiểu – đôi khi chúng ta quá lười hoặc đơn giản là sợ hãi khi phải tiếp cận một đề tài mới. Nhưng mà cứ mãi dùng đúng một kịch bản mỗi khi nói chuyện với ai đó thì có ý nghĩa gì cơ chứ? Có nghĩa gì khi nói chuyện với một khách hàng mới bằng kịch bản chán đến mức họ lập tức quên phắt nó đi? Giao tiếp ở chế độ tự động thì có lợi lộc gì?
Bàn chuyện Lớn đòi hỏi phải đặt ra những câu hỏi mới mẻ và có thể tạo ra nguồn cảm hứng trò chuyện. Tôi gọi đó là những mồi lửa trò chuyện. Chúng làm bùng lên những ý tưởng mới, giới thiệu các đề tài chúng ta không bao giờ nghĩ đến và kích thích những cuộc thảo luận có chiều sâu.
Vì sao chúng ta lại thấy vui với sự mới lạ?
Các bác sĩ thần kinh học Nico Bunzeck và Emrah Düzel đã thực hiện một nghiên cứu mà họ đặt tên là “Thí nghiệm Kỳ quặc”3. Trong thí nghiệm này, những người tham gia được cho xem một loạt các hình ảnh trong khi các chuyên gia thực hiện chụp ảnh não bộ của họ bằng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Hầu hết các tấm ảnh đều mô tả cùng một gương mặt và cùng bối cảnh. Tuy nhiên, những người tham gia thỉnh thoảng được cho xem một loạt những hình ảnh kỳ quặc.
Các nhà nghiên cứu đo lượng máu chảy đến các vùng khác nhau trong não khi người tham gia quan sát mỗi bức ảnh. Họ phát hiện ra rằng các bức ảnh kỳ quặc kích hoạt “trung tâm về điều mới lạ” trong não chúng ta (vùng substantia nigra và ventral tegmental area). Đây là lý do vì sao sự mới lạ lại đáng chú ý:
• Ghi nhớ và Học hỏi: Các hình ảnh kỳ quặc kích hoạt vùng não được chi phối bởi hồi hải mã(*). Tính mới mẻ làm cho bộ não của chúng ta trở nên linh hoạt, tập trung chú ý và xử lý cuộc nói chuyện tốt hơn. Bạn muốn mọi người nhớ đến tên mình? Hãy làm bật ra sự hào hứng và mới lạ.
• Sự hài lòng:Trung tâm mới lạ này có liên kết với các đường dẫn dopamine của chúng ta trong hạch hạnh nhân nằm sâu trong tâm não. Các ý tưởng và đề tài mới mẻ sẽ đem một liều dopamine dễ chịu đến vùng này, giúp chúng ta cảm thấy sảng khoái tuyệt vời.
• Hứng thú: Dopamine còn khuyến khích chúng ta tìm kiếm thêm nhiều lợi ích. Nói cách khác, chỉ một chút xíu sự tươi mới trong cuộc trò chuyện sẽ khiến cả hai bên muốn đi sâu và khám phá nhiều hơn. Bác sĩ Düzel giải thích: “Khi chúng ta nhìn thấy một điều gì đó mới mẻ, chúng ta sẽ nhìn nhận là nó có tiềm năng đem đến ích lợi cho mình theo một cách nào đó. Cái tiềm năng ẩn trong những điều mới mẻ là động lực thúc đẩy chúng ta khám phá để tìm ích lợi”4.
Chú thích:
(*) Hồi hải mã, tên khoa học là hippocampus, là một bộ phận của não trước. Nó có liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin, hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn cũng như khả năng định hướng trong không gian, rất cần thiết cho quá trình học tập – ND.
Nếu chúng ta bỏ đi các kịch bản giao tiếp thông thường và tìm cách thúc đẩy bản thân dùng các tia cảm hứng trò chuyện, ta sẽ có khuynh hướng tận hưởng các tương tác và nhớ rõ hơn về những điều được nói ra.
Năm 2016, chúng tôi hợp tác với các tổ chức Mercy Corps và Girls Inc. để thực hiện một loạt các thử nghiệm về kết nối nhanh. Trong các thử nghiệm này, chúng tôi ghép cặp ngẫu nhiên hơn ba trăm người tham gia để kiểm định các lời mở đầu trò chuyện. Tại mỗi chiếc ghế, người tham dự được để sẵn bảy mẩu giấy. Mỗi mẩu giấy ghi một lời mở đầu trò chuyện và khoảng trống để chấm điểm.
Khi mọi người ngồi vào chỗ, chúng tôi bắt đầu các vòng kết nối nhanh. Mỗi một lời mở đầu sẽ có ba phút. Cuối mỗi ba phút, chúng tôi rung chuông báo hết giờ và đề nghị mỗi người chấm điểm cho chất lượng của cuộc nói chuyện vừa diễn ra, 1 điểm là chán còn 5 điểm là tuyệt vời. Dưới đây là bảy câu mở đầu đó. Bạn có thể thử đoán xem ba câu mở đầu nào nhiều điểm nhất không?
_____ Bạn có thể kể cho tôi về bản thân mình không?
_____ Bạn khỏe không?
_____ Ngày hôm nay của bạn có gì đặc biệt?
_____ Bạn làm nghề gì?
_____ Có điều gì mới lạ vui vui sắp xảy ra với bạn không?
_____ Điều gì đã đưa bạn đến đây?
_____ Bạn có đang theo đuổi dự định cá nhân nào không?
Thật dễ để thấy đâu là những câu hỏi giành chiến thắng. Sau đây là thứ tự các câu từ cao điểm đến thấp:
1. Ngày hôm nay của bạn có gì đặc biệt?
2. Bạn có đang theo đuổi dự định cá nhân nào không?
3. Có điều gì mới lạ vui vui sắp xảy ra với bạn không?
4. Bạn có thể kể cho tôi về bản thân mình không?
5. Điều gì đã đưa bạn đến đây?
6. Bạn làm nghề gì?
7. Bạn khỏe không?
Chúng tôi cũng làm một vòng “Tùy chọn”, để người tham gia tùy ý chọn một trong bảy câu hỏi mở đầu trên, sau đó ghi lại xem họ chọn câu nào. Câu phổ biến nhất của vòng Tùy chọn là “Bạn có đang theo đuổi dự định cá nhân nào không?” và “Bạn có thể kể cho tôi về bản thân mình không?”. Các câu mở đầu trò chuyện mà chúng ta thường dùng nhất – “Bạn làm nghề gì?” và “Bạn có khỏe không?” – lại bị đánh giá là chán nhất. Vậy thì tại sao chúng ta cứ phải tiếp tục dùng chúng nhỉ?
Theo thói quen chúng ta cứ dùng đi dùng lại các kịch bản giao tiếp đã biết. Chúng ta dùng câu mở đầu cuộc trò chuyện chán ngắt hết lần này đến lần khác bởi nó nằm trong vùng thoải mái. Nhưng bạn biết gì không? Không cảm hứng nào từng được khơi dậy từ vùng thoải mái cả. Nếu bạn tiếp tục dùng các kịch bản giao tiếp cũ, bạn sẽ mãi mãi mắc kẹt với câu chuyện phiếm mà thôi.
Tôi thách bạn dùng những câu hỏi khơi dậy cảm hứng trò chuyện được đánh giá cao nhất sau đây:
Sự mới lạ không chỉ cải thiện các cuộc trò chuyện cá nhân – nó còn có thể khơi dậy tia cảm hứng trong cả giao tiếp trực tuyến lẫn ngoài đời. OkCupid là một trang web hẹn hò với hơn 3,5 triệu người dùng. Họ thực hiện những phân tích dữ liệu về các hoạt động trên web để tìm hiểu xem những ca thành công có điểm chung gì5. Có một điều thú vị nho nhỏ là theo người đồng sáng lập trang web, Sam Yagan, những người đàn ông mở đầu chuyện hẹn hò bằng câu “Howdy” có tỷ lệ thành công cao hơn 40% so với những người mở đầu bằng “Hey” hay “Hi”. Với những chuyện liên quan đến lời chào, càng độc đáo càng tốt.
Những câu chào thông dụng như “hello”, “hi” và “hey” nhận được một tỷ lệ phản hồi cực thấp. “Howdy”, “hola”, hay “yo” có kết quả tốt hơn. Những câu chào hay nhất là “Mọi chuyện thế nào?” và “Có gì hay không?”, chào dưới dạng một câu hỏi – dù cho đó chỉ là một tiếng lóng hay không trịnh trọng thì vẫn có hiệu quả. Chúng sẽ bật ra được những tia hứng thú6.
Đừng hỏi những câu hỏi nhàm chán cũ kỹ. Hãy tìm những đề tài khiến người ta hào hứng, khiến họ quan tâm và từ đó tạo ra tia hứng khởi.
Tặng thêm: Có lúc, nếu tôi phải tìm một câu mở đầu tạo hứng khởi trò chuyện nhưng lại đang quá căng thẳng, tôi sẽ nói với người đối diện: “Tôi đang kiêng nói chuyện phiếm, tôi muốn kiểm nghiệm một câu hỏi có thể tạo hứng khởi trò chuyện, bạn có sẵn lòng thử cùng tôi không?”. Bản thân câu hỏi này cũng đã tạo ra dopamine rồi. Tôi luôn luôn nhận được phản hồi tích cực khi mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách này. Người ta có khuynh hướng sẽ nghiêng người về phía tôi, nhướng đôi lông mày đầy tò mò, và thốt ra những câu đại loại như là “Vâng rất sẵn lòng! Thật hào hứng làm sao!”.
Bước #2: Nhấn các nút Nóng
Một trong những cách để tạo nên các điểm nhấn cho cuộc trò chuyện là tìm kiếm các vấn đề mà người đối diện quan tâm. Đó có thể là một chủ đề, một thú vui, hay một hoạt động làm bùng lên sự chú ý của đối phương. Tôi gọi đó là các nút Nóng. Bạn biết là mình đã khơi dậy nguồn dopamine và nhấn đúng nút Nóng khi người ta:
• Bắt đầu gật đầu lia lịa như muốn nói “Đồng ý”
• Lẩm bẩm trong miệng theo cách tán thành “Ừ, ừ”
• Nghiêng người về phía bạn để lắng nghe
• Viết phản hồi dài hơn bình thường
• Thốt lên ngạc nhiên với các từ như “wow” hay “hả”
• Nói với bạn “Hay quá”, “Thú vị thế” hay là “Kể tiếp đi nào”
• Nhướng mày lên – đây là tín hiệu toàn cầu cho biểu hiện tò mò
• Hết “Ồ” rồi lại “À”
• Mỉm cười và dùng nhiều cử chỉ sinh động
Đó chính là điều mà Jeffer Carrillo Toscano muốn đạt được trong chương trình du lịch của anh. Anh chỉ ra nhiều thứ hoặc kể chuyện và quan sát xem liệu mình có làm bật ra được sự hứng thú nào không. Và khi có thì anh đi sâu hơn vào chi tiết.
Bạn có thể tìm ra các đề-tài-nút-Nóng bằng cách sử dụng các mồi lửa kích thích vào những mối quan tâm cụ thể. Trong một loạt các nghiên cứu của trang OkCupid mà tôi đề cập ở trước, các nhà nghiên cứu dữ liệu của họ tìm ra rằng việc đề cập đến những mối quan tâm cụ thể trong các tin nhắn trực tiếp cũng là cách hiệu quả. Nói chuyện chung chung là cực kỳ nhàm chán. Bạn càng cụ thể bao nhiêu, bạn càng dễ dàng tìm ra được cái nút Nóng bấy nhiêu.
Những tin nhắn được phản hồi nhiều nhất chứa các từ như “nhạc metal”, “ăn chay”, và “xác sống”. Tại sao ư? Có thể một trong số đó có nút Nóng, nhưng dù cho chúng không có thì ít nhất bạn cũng có đề tài để mà có thể bàn luận.
Những người sử dụng thành công tìm ra những nút Nóng tiềm năng bằng cách quan sát hồ sơ của một người (trong trang web hẹn hò) và đoán xem đâu có thể là một mở đầu kích thích tạo ra dopamine. “Bạn có ghi là”, “có gu”, và “để ý rằng” đều có những tỷ lệ phản hồi rất cao.
Bạn cũng có thể tìm nút Nóng trong khi trò chuyện. Tôi viết đậm các nút Nóng tiềm năng trong các câu hỏi sau:
• Bạn có ghi là rằng bạn làm tình nguyện viên cho tổ chức Big Brothers – bạn có thường đi tình nguyện cho tổ chức đó không?
• Bạn gọi rượu vang Argentina– bạn có phải là một người sành rượu vang không?
• Tôi để ý rằng bạn dùng một chiếc túi dệt tay– bạn tự làm nó à?
• Tôi rất tò mò về giọng nói của bạn – bạn là người vùng này à?
• Tôi vừa lướt qua kệ sách của bạn – bạn quả là người có gu đọc sách thú vị.
• Tên của bạn đẹp quá – tên này ai trong gia đình bạn đặt cho vậy?
• Tôi thấy là bạn vừa đăng các tấm ảnh rất đẹp của chú chó mới trên Facebook – điều gì khiến bạn nuôi chó vậy?
Vào khoảnh khắc ánh mắt người khác bừng sáng lên, bạn biết rằng mình đã ấn đúng nút Nóng. Đây là lúc bạn có thể hỏi tiếp các câu chuyện bên lề, đi vào chi tiết và đào sâu hơn. Điều này sẽ tạo ra cuộc trò chuyện chất lượng và cả dopamine, khiến bạn trở nên đáng nhớ hơn trong tâm trí họ. Dù là mặt đối mặt, qua email hay nói chuyện điện thoại, việc tìm các nút Nóng luôn là cách dễ dàng để tạo nên hứng thú.
Bước #3: “Đánh thức” đối phương
Bạn cũng có thể dùng các mồi lửa trò chuyện và nút Nóng để “đánh thức” người khác.
Vào năm 1994, các nhà nghiên cứu đã thuê một diễn viên ngồi trên đường phố để ăn xin. Người này sẽ thử với ba lời xin tiền sau:
• Thử nghiệm 1: Ông có thể cho tôi xin ít tiền thừa không?
• Thử nghiệm 2: Ông có thể cho tôi xin một đồng hai lăm xu không?
• Thử nghiệm 3: Ông có thể cho tôi xin ba mươi bảy xu không?
Bạn có đoán được câu thử nghiệm nào thành công nhất chứ? Vâng câu thử nghiệm 3 là câu nhận được nhiều sự đồng ý nhất.
• Thử nghiệm 1: Ông có thể cho tôi xin ít tiền thừa không? (44% người đáp ứng)
• Thử nghiệm 2: Ông có thể cho tôi xin một đồng hai lăm xu không? (64% người đáp ứng)
• Thử nghiệm 3: Ông có thể cho xin ba mươi bảy xu không? (75% người đáp ứng)
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các yêu cầu hơi khác biệt hay bất thường khêu gợi sự hứng thú nhiều hơn7. Nó như là cà phê cho não bộ. Các câu hỏi độc đáo, những câu chuyện bất ngờ, những thứ xuất hiện bất thường sẽ giữ cho chúng ta luôn tỉnh táo khi trò chuyện. Nói một cách khác, trở nên khác thường sẽ “đánh thức” người ta.
Khi bạn cố gắng để trở nên giống mọi người, bạn sẽ trông rất chán. Khi bạn cố gắng để vừa vào khuôn, bạn trở nên dễ bị lãng quên. Khi bạn cố gắng trở nên bình thường, bạn trở nên nhạt nhòa. Hãy cứ là chính mình, bởi vì không có ai giống như bạn. Nếu bạn có một chút khác thường, hãy giữ lấy nó. Người phù hợp sẽ rất thích bạn vì điều đó.
Nói vậy nhưng cũng rất khó để có thể có được một chút gì đó khác biệt. Trước khi tôi bắt đầu sử dụng các mồi lửa cảm hứng trò chuyện riêng của mình, tôi đã phải thử nghiệm nó trên trang web riêng. Ví dụ như hầu hết các trang web đều sẽ nói bạn “Bấm vào đây!” hay “Đăng ký ở đây” hay “Đến liên kết này”, còn tôi quyết định thử một cái gì đó khác biệt. Tôi đặt một nút bấm trên trang web với câu “Đừng bấm vào đây!”.
ĐỪNG BẤM VÀO ĐÂY
Và đó là một trong những trang được xem nhiều nhất trên web của tôi, đơn giản chỉ là vì nó nói một điều khác biệt. Nhân tiện thì tôi đã tặng cho những người bấm vào nút đó một đoạn video về những con thú đáng yêu.
Khi tôi đã có một chút dũng cảm hơn, tôi bắt đầu tự hỏi rằng liệu mình có thể thêm một chút gia vị vào bài thuyết trình của mình bằng cách dùng mồi lửa cảm hứng trò chuyện không. Câu mở đầu cũ của tôi là: “Tôi là người viết sách”.
Quá chán! Chuyện này cũng khá tương tự như chuyện người ăn xin ngồi xin một ít tiền lẻ – bạn nghe thấy đó nhưng bạn sẽ quên ngay. Tôi quyết định tự sử dụng một phiên bản riêng của mình dựa theo thí nghiệm về ăn xin kia. Tôi tạo ra ba phiên bản giới thiệu về bản thân khác nhau và in danh thiếp với địa chỉ email khác nhau tương ứng với từng phiên bản.
• Tôi là người viết sách
• Tôi viết bài về con người
• Tôi là chuyên gia về quan sát con người
Trong vài tuần sau đó, mỗi khi có người hỏi “Bạn làm nghề gì?” thì tôi sẽ thử hồi đáp bằng một trong ba phiên bản và gửi cho họ tấm danh thiếp tương ứng nếu họ hỏi xin nó. Tôi bắt đầu theo dõi không chỉ là danh thiếp nào được hỏi xin nhiều nhất mà còn cả email nào có tỷ lệ được liên hệ nhiều nhất.
Tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy rằng “Tôi là người viết sách” chẳng nhận được bao nhiều lời hỏi xin danh thiếp, cũng như chẳng có mấy người tiếp tục liên hệ với tôi sau khi gặp gỡ. Câu “Tôi là chuyên gia về quan sát con người” nhận được rất nhiều tiếng cười lẫn lời hỏi xin danh thiếp. Tôi thậm chí bắt đầu thử nghiệm việc đặt những hình ảnh và nội dung đặc biệt lên danh thiếp. Tôi phát hiện ra rằng những danh thiếp đó luôn nhận được nhiều phản hồi tốt cũng như đem đến nhiều khách hàng hơn.
Khi thấy mồi lửa cảm hứng trò chuyện có hiệu quả với phần thuyết trình của mình, tôi tự hỏi rằng liệu chúng có tác dụng với người khác. Một trong những chương trình ti vi yêu thích của tôi là Shark Tank (tựa đề Việt hóa: Thương vụ bạc tỷ). Trong chương trình này, các doanh nhân sẽ trình bày ý tưởng kinh doanh của họ với một hội đồng các nhà đầu tư gọi là shark (cá mập). Tôi muốn tìm hiểu xem liệu có một khuôn mẫu trình bày hay không. Vì vậy chúng tôi đã quyết định chạy một khảo sát lớn về Shark Tank.
Đến tháng 1 năm 2016, đã có 495 doanh nhân trình bày ý tưởng trên Shark Tank – 253 nhận được đầu tư còn 242 ra về tay trắng. Điểm khác nhau là gì? Chúng tôi đã khảo sát từng bài trình bày một và tìm ra được sự khác biệt rõ rệt giữa các doanh nhân gọi được và không gọi được vốn. Một điều mà chúng tôi lập tức nhận ra là các doanh nhân nổi bật luôn dùng các mồi lửa cảm hứng trò chuyện và nút Nóng trong phần trình bày của mình. Các doanh nhân nào có bổ sung thêm các yêu cầu khác biệt, thử một điều gì đó khác lạ, hay là thêm nhiều hoạt động vào bài thuyết trình có xác suất được nhận đầu tư cao vượt trội.
Đại đa số các doanh nhân thành công – 63% – sử dụng phương pháp thuyết trình riêng để nhận được đầu tư. Một số doanh nhân mang theo các sản phẩm kinh doanh như trong phần Nhà máy bánh của ông Tod. Người khác lại đưa đến các nghệ sĩ ngôi sao như diễn viên Vincent Pastore của bộ phim The Sopranos trong phần Brocolli Wad. Và thậm chí người chào sản phẩm Kisstixx còn khiến các nhà đầu tư Kevin O’Leary và Barbara Corcoran hôn nhau để thử các sản phẩm son môi của mình.
Đó là một cách mà các doanh nhân đã dùng để tạo nên mồi lửa cảm hứng hoặc điểm nhấn trong bài trình bày của mình. Ở mỗi tập phát sóng, các nhà đầu tư phải nghe cả chục bài trình bày nên khi họ được thử một cái gì đó độc đáo, chúng sẽ làm bật ra dopamine và “đánh thức” họ.
Mồi lửa cảm hứng trò chuyện bổ sung nhiên liệu cho mọi cuộc giao tiếp. Tôi thích dùng các yếu tố gây ngạc nhiên để khơi gợi sự hứng thú. Tôi thường xuyên tặng kẹo mút kèm với tấm danh thiếp có ghi hàng chữ “Học để biết cách tránh bị chán” (Learn how not to suck)(*).
Chú thích:
(*) Ở đây tác giả viết “Learn how not to suck” là cách chơi chữ suck vừa có nghĩa là mút kẹo vừa có nghĩa là chán, tồi tệ – ND.
Khi có khách đến thăm văn phòng, tôi mời họ ly ca cao nóng thay vì cà phê. Ở các hội chợ thương mại, tôi đặt tại quầy của mình một tô kẹo nổ Pop Rocks thay vì kẹo bạc hà. Trong phòng tắm dành cho khách ở nhà, tôi để một hộp kẹo và một cuốn sách quà tặng. Tôi gửi tặng mọi người các cây không khí thay cho những bó hoa. Tôi đặt những nút bấm hình Quả trứng Phục Sinh trên trang web của mình và khi bấm vào đó, người lướt web sẽ được đưa đến một video kể chuyện hài của tôi.
Hãy nghĩ cách để truyền tải năng lượng vào mọi thứ trong cuộc sống. Điều đó sẽ tạo ra hàng tấn các khoảnh khắc tràn đầy dopamine cho những người bạn gặp. Xin nhắc lại lần nữa, chuyện này cần có chút can đảm, nhưng bạn sẽ nhận lại các cuộc trò chuyện, bài thuyết trình, buổi gặp gỡ, bữa tiệc đáng nhớ. Sau đây là một số cách để thêm mồi lửa cảm hứng trò chuyện trong các hoạt động giao tiếp của bạn:
• Thêm hương vị cho chức danh của bạn. Công ty Quicken Loans có chức “phó chủ tịch phụ trách các việc không tên” chuyên hỗ trợ mọi người mỗi thứ một ít. Houghton Mifflin Harcourt gọi các nhân viên tiếp tân là “giám đốc về ấn tượng ban đầu” vì họ chính là người chào đón khách đến công ty.
• Ngừng đăng ảnh thức ăn và mặt trời lặn lên mạng xã hội. Hãy đăng những gì mà người ta chưa từng thấy trước đó. Bà mẹ trẻ kiêm nhiếp ảnh gia Laura Izumi đăng những bức ảnh (cực kỳ đáng yêu) của con mình khi ngủ trong trang phục và tư thế của các nhân vật nổi tiếng như Jon Snow, Pikachu hay Beyoncé. Vào lúc tôi viết đoạn này thì tài khoản của cô có hơn 400.000 lượt theo dõi và đã được giới thiệu trên Huffington Post, Buzzfeedvà Inside Edition.
• Đặt một câu trích dẫn độc đáo trong phần chữ ký email. Noah Kagan, người sáng tạo phần mềm phân tích email, có một chữ ký vui như sau “Tái bút: Xao bạn HÔNG cài đặt phần mềm miễn phí SumoMe.com để có thêm nhiều người đăng ký theo dõi hơn?”. Cố ý viết sai chính tả và dùng một hình chế phổ biến sẽ khiến câu hỏi trên độc đáo hơn và dễ có người bấm vào xem hơn.
• Đừng mời khách uống trà hay nước suối, hãy mời nước chanh, nước cam hay đãi khách ăn bánh. Khi tôi đến khách sạn L’Auberge Del Mar ở San Diego, tôi được đưa chìa khóa phòng và bánh cupcake – một món quà đón khách thật thú vị. Nhờ đó mà hành trình đi thang máy lên phòng và những khoảnh khắc đầu tiên ở khách sạn thật ngọt ngào.
• Đừng đãi những món ăn thông dụng. Tìm các công thức món ăn lạ mà chưa ai thử. Bạn có thể tham khảo trên Pinterest để tìm cảm hứng cho món cupcake cầu vồng, khoai tây chiên…
• Thay vì gửi thiệp cảm ơn, hãy gửi những hình dán cảm ơn, hay miếng hít tủ lạnh, hoặc kẹo mút, bắp rang bơ… Tại buổi hội thảo cưới của Be Sage, họ phát cho người tham dự sách tô màu và bút chì để dùng trong khi họp cũng như giải khuây trên máy bay về nhà. Mọi người rất thích thú và đã chia sẻ vô số những bức ảnh về các tác phẩm của mình trên mạng xã hội với hashtag về buổi hội thảo.
Đừng ngại thử một mẩu truyện cười mới, kể một câu chuyện ngớ ngẩn, hay hỏi một câu mồi lửa trò chuyện khác thường. Bạn sẽ có một đêm đầy hứng khởi, thêm cảm hứng cho người đối thoại và có một cuộc trò chuyện không thể nào quên.
Khách hàng không có nhiệm vụ phải nhớ về bạn. Trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn là bảo đảm rằng họ không có cơ hội để quên mất bạn.
− Patricia Fripp
Tặng thêm: Hãy gọi tên tôi
Bạn hẳn đã từng nghe nói rằng thật duyên dáng khi thỉnh thoảng gọi tên ai đó trong lúc trò chuyện. Bạn, tôi, hay bất kỳ ai: chúng ta đều yêu thích âm thanh tên gọi của mình.
Các nhà nghiên cứu Dennis Carmody và Michael Lewis phát hiện ra rằng, so với việc nghe tên của người khác, nghe thấy tên của mình sẽ kích thích các vùng não chứa hạch hạnh nhân và hồi hải mã nhiều hơn8.
Đây là một trong những lý do mà Jeffer Carrillo Toscano thành công rực rỡ với các tour du lịch của mình. Anh ghi điểm bằng việc ghi nhớ rất nhanh tên của từng thành viên trong đoàn.
Bạn không giỏi việc nhớ tên? Đó không còn là vấn đề khó khăn nữa. Đây là bí kíp Nhớ Tên bỏ túi gồm ba bước mà bạn có thể thực hiện mỗi khi gặp một người mới quen.
1. Gặp và lặp lại: Ngay khi bạn vừa nghe họ giới thiệu tên, hãy gọi họ bằng tên liền. “Thật vui khi gặp bạn, Eliza” hoặc “Eliza, đây là Jenna đồng nghiệp của tôi”. Chuyện này sẽ làm kích thích phần âm thanh trong bộ nhớ của bạn và cho bạn nghe lại cái tên đó bằng chính giọng của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng đã giúp họ tiết thêm dopamine.
2. Đọc thầm: Giờ thì chúng ta cần cho cái tên đó một hình ảnh cụ thể hơn. Tiến sĩ chuyên về trí nhớ Gary Small khuyến khích mọi người hãy đọc thầm cái tên mà mình muốn ghi nhớ. Bạn cũng có thể hình dung ra hình ảnh cái tên đó trong đầu.
3. Gán và ghim: Cuối cùng, hãy gán cái tên đó với một người khác có cùng tên mà bạn biết. Đó thậm chí có thể là một ngôi sao nào đó. Chuyện này sẽ ghim chặt cái tên với một người mà bạn quen thuộc hơn. Ví dụ như mỗi khi tôi gặp một người tên Matt, tôi đều tưởng tượng cảnh người đó ngồi vào bàn chơi poker với tất cả những người bạn khác tên Matt của mình.
4. Bổ sung: Nếu đó là một cái tên độc mà bạn chưa từng nghe đến bao giờ, hãy gán nó với một từ nào đó gần tương tự mà bạn biết. Ví dụ nhé, khi tôi gặp một người có tên Syder (đọc hơi giống giống tên bia trái cây cider), tôi lập tức hình dung đến một ly cider sủi bọt. Anh ấy đã rất cảm động khi cuối ngày tôi đã gọi đúng tên của anh.
Mách nhỏ: Để phòng khi bạn hoàn toàn quên mất tên người ta, hãy lập ra một kịch bản hành động với những người thân. Mỗi khi bạn giới thiệu một người nào đó với họ, họ sẽ hỏi tên người này. Ví dụ như nếu chồng tôi nói “Tôi rất vui được giới thiệu anh với vợ tôi” và không hề đề cập tới tên người này, tôi hiểu là anh ấy quên mất tên người đó rồi. Khi đó tôi sẽ biết và hỏi “Thật vui được gặp anh. Xin lỗi anh tên gì ạ?”. Rất đơn giản.
Lưới An Toàn
Lo lắng về chuyện không thể nghĩ ra được một câu mồi lửa cảm hứng trò chuyện nào hay ho khi cần? Sợ bị “mất lưỡi” trong lần giao tiếp sắp tới? Ước rằng mình có ai để nhắn tin cầu cứu trong một buổi hẹn hò tréo ngoe? Không việc gì phải sợ, có Vanessa ở đây.
Bất cứ khi nào bạn thấy kỳ quái, khi không biết phải nói gì, hay khi cần sự trợ giúp về giao tiếp xã hội, hãy nhắn tin cho tôi. Thật đấy (Bạn sẽ phải trả phí tin nhắn đó).
• Nhắn “Hãy chỉ cho tôi biết phải nói gì”và tôi sẽ gửi cho bạn một câu mở đầu trò chuyện.
• Nhắn “Hãy cho tôi chút lời khích lệ” và tôi sẽ gửi cho bạn những lời động viên.
• Nhắn “Cho tôi một truyện cười”và tôi sẽ gửi một câu chuyện bảo đảm bạn sẽ phá ra cười.
• Nhắn “Cho tôi một mẹo” và tôi sẽ gửi cho bạn một mẹo kỹ năng giao tiếp xã hội giúp bạn tự tin hơn.
• Thêm nè. Nếu bạn muốn thách thức? Hãy gửi cho tôi câu: “Cho tôi một thách thức”, tôi sẽ gửi cho bạn một thử thách cực vui để thử khi có cơ hội.
TÌM MỒI LỬA CẢM HỨNG
Nếu bạn muốn có một cuộc trò chuyện đầy hứng thú, tất cả phụ thuộc vào chuyện bạn có tạo nên mồi lửa cảm hứng được hay không. Bạn có thể ghi nhớ tên người ta, sử dụng các mồi lửa cảm hứng trò chuyện, hoặc nhấn nút Nóng để tạo ra những điểm cao trào khi trò chuyện. Hãy bỏ đi thói quen trò chuyện như cái máy. Đừng dùng những câu thoại sáo rỗng mà hãy bật lên các mồi lửa cảm hứng trò chuyện. Ngừng ngay việc thụ động ngồi nghe mà hãy nhấn các nút Nóng. Cải thiện các buổi trò chuyện bằng việc tạo ra các cao trào. Hãy trở nên đáng nhớ bằng cách ghi nhớ về những người bạn gặp – từ tên đến các sở thích của họ. Hãy thôi nói chuyện phiếm để Bàn chuyện Lớn.
THÁCH BẠN
1. Hãy dùng một mồi lửa trò chuyện trong tuần này và xem nó thay đổi hoàn toàn việc giao tiếp như thế nào.
2. Cố gắng bổ sung một số nút Nóng vào bài thuyết trình gọi vốn, chữ ký email hay buổi trò chuyện kế tiếp.
3. Mở ti vi lên và tìm xem một chương trình truyền hình mà bạn chưa từng xem trước đó. Mỗi khi một nhân vật mới được giới thiệu, hãy tập ba bước ghi nhớ tên của Trò Chơi Nhớ Tên. Đây là cách ít rủi ro và nhàn hạ để luyện tập.
4. Thêm: Hãy nhắn tin cho tôi với lời chào “Hi”. Nếu có gan, hãy thử thách tôi một điều gì đó.
TÓM TẮT CHƯƠNG
Chúng ta không nhớ hay thích thú gì chuyện ở quanh những người nhàm chán. Phương pháp tốt nhất để cải thiện các cuộc trò chuyện và tạo nên những quan hệ đáng nhớ chính là bật lên các mồi lửa cảm hứng trò chuyện. Chúng ta bị quyến rũ bởi những người khiến mình thỏa mãn về mặt tinh thần, ấn đúng vào các nút Nóng, giữ cho chúng ta luôn tỉnh táo và thuộc tên chúng ta.
• Dẹp ngay các kịch bản trò chuyện sáo rỗng, thay đổi từ nói chuyện phiếm thành Bàn chuyện Lớn
• Tìm các đề tài khiến mọi người hứng khởi
• Tạo ra các mồi lửa cảm hứng bằng cách gọi tên đối tác, hỏi những câu hỏi độc đáo và đưa ra những đề tài hấp dẫn
Điều hay nhất tôi rút ra được từ chương này là:
__________________________________