Dù là bạn đến dự buổi tiệc tân gia, sự kiện giao lưu hay lần hẹn hò đầu tiên, bạn sẽ phải đối đầu với những thử thách sau:
• Làm thế nào để tạo được ấn tượng đầu tiên thật tốt?
• Mình nên nói chuyện với ai?
• Mình nên nói gì đây?
Phần I tập trung vào 5 phút đầu tiên của mọi cuộc giao tiếp. Làm thế nào để tận dụng ấn tượng đầu tiên của bạn, đoạn mào đầu một cuộc trò chuyện hay lời giới thiệu để làm quen một ai đó? Toàn bộ năm mẹo đầu tiên tập trung vào việc khám phá xem điều gì kích thích sự hứng thú và quan tâm người khác để bạn trở thành người đáng nhớ nhất trong cả căn phòng trong mắt họ.
Bí quyết chiến thắng trò chơi xã giao
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé tên là Harry luôn bị trêu ghẹo vì mang cặp kính dày cộm và chỉ biết chúi đầu vào sách. Khi đến tuổi vào học đại học, cậu xin làm những công việc như phụ trách chấm công ở công ty đường sắt và phủi bụi trên các quầy kệ ở hiệu thuốc để có tiền lo cho gia đình. Chẳng ai có thể ngờ rằng cậu bé nhút nhát năm nào sẽ có ngày trở thành vị tổng thống thứ ba mươi ba của nước Mỹ.
Câu chuyện của Harry S. Truman khiến người ta ngạc nhiên bởi vì ông không có kiểu tính cách sôi nổi đặc trưng của các vị tổng thống. Ngày 19 tháng 7 năm 1944, điều đó đã dẫn đến rắc rối. Truman đối diện với cơ hội lớn nhất trong sự nghiệp của mình: Ông đang tranh cử cho vị trí phó tổng thống tại hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ. Vị tổng thống đương nhiệm lúc đó là Franklin D. Roosevelt đã công khai ủng hộ đối thủ của Truman, Henry Wallace, một thiên tài về diễn thuyết và là đương kim phó tổng thống.
Truman không phải là người có tài diễn thuyết bẩm sinh – và ông biết điều đó. Ê-kíp của ông đã phải kéo cuộc chiến ra khỏi sân khấu chính để đại hội đi theo thế mạnh của Truman: xây dựng mối quan hệ với từng người. Suốt cả ngày, họ đưa từng đại biểu đến phòng H, một căn phòng riêng có máy lạnh mát rượi bên dưới tòa nhà. Sảnh hội nghị thì nóng nực ngột ngạt, nên các đại biểu tha hồ hít thở không khí trong lành mát mẻ trong khi lắng nghe các đề xuất của Truman. Rồi ông dành hàng giờ liền đứng ở cuối hành lang để bắt tay với từng đại biểu đi qua. Thay vì chờ kết quả trong phòng riêng khách sạn (như Wallace và hầu hết các ứng cử viên khác làm), Truman mua xúc xích ăn và cùng vợ ngồi đợi giữa quần chúng.
Ở lần bỏ phiếu đầu tiên, Wallace có 429.5 phiếu bầu còn Truman có 319.5 phiếu. Cuộc bỏ phiếu thứ hai được tổ chức ngay sau đó. Truman cần phải có thêm bạn hữu thật nhanh chóng. Thay vì diễn thuyết trước toàn thể, Truman và các thành viên trong ê-kíp hoạt động hết công suất để làm việc riêng với từng vị lãnh đạo đảng, đại biểu và những thành viên có ảnh hưởng lớn. Ông tạo mối quan hệ vững chắc với đúng người và để họ quay qua thuyết phục người của họ cho ông.
Vào 8:14 tối, kết quả được công bố. Truman dẫn đầu với 1.031 phiếu còn Wallace chỉ có 105. Ông đã tăng được 712 phiếu chỉ sau vài giờ. Vài phút sau đó, Truman đã đọc một trong những lời phát biểu chiến thắng ngắn nhất lịch sử. Ông kiên nhẫn đứng đợi trước hàng micro và khi đám đông đã yên lặng, ông nói: “Giờ thì hãy cho tôi một cơ hội”1.
Truman hiểu rõ các thế mạnh của mình và đã tận dụng chúng. Ông đã tối ưu hóa các kỹ năng giao tiếp của mình để đạt thành công, và bạn cũng có thể làm được như vậy.
KHOA HỌC VỀ SỰ GIẢ TẠO
Hãy tưởng tượng rằng bạn mơ ước được chơi bóng rổ chuyên nghiệp. Bạn nhanh nhẹn và có kỹ năng kiểm soát bóng tuyệt vời. Thật may mắn là bạn cũng cao đến 1m88. Bạn có hai lựa chọn. Một là vị trí tiền vệ trung tâm. Vấn đề là chiều cao trung bình của một cầu thủ chơi ở giải nhà nghề NBA với vị trí tiền vệ trung tâm là 2m102. Nếu bạn chọn chơi ở vị trí này, bạn sẽ phải ăn gian chiều cao của mình bằng cách mang giày độn trong suốt trận đấu và phải bỏ ra vô số thời gian thêm để luyện nhảy cao. Hoặc hai là bạn có thể chơi vị trí hậu vệ, nơi chiều cao trung bình là 1m883. Khi đó bạn sẽ không phải tập luyện thêm giờ để nhảy cao hơn được vài tấc, bạn chỉ cần tập trung vào việc chơi bóng mà thôi.
Giả vờ hướng ngoại cũng giống như việc chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm với giày độn. Đó là nỗ lực giả vờ hòa nhập cho đến khi kiệt sức mà vẫn không thể đạt hiệu quả thực sự. Nó còn khiến bạn bị xem là người giả tạo.
Trong một khảo sát của trung tâm Science of People, chúng tôi hỏi 1.036 độc giả câu hỏi sau đây4:
Thói quen nào của con người mà bạn ghét nhất?
A. Những người nói quá nhiều
B. Những người quá yên lặng
C. Những người giả tạo
D. Những người khoe khoang
Bạn đoán được kết quả nào chiếm đa số không? “C. Những người giả tạo” dẫn đầu bảng với tỷ lệ 63%. “D. Những người khoe khoang” về nhì với một khoảng cách rất xa là 22%.
Giả tạo không chỉ diễn ra khi bạn cố gắng trở thành một người vốn không phải mình. Nếu bạn không ưa một người nào đó, họ sẽ cảm nhận được. Nếu bạn thấy không vui ở một sự kiện, người ta sẽ nhận ra. Cố gắng vượt qua, giả tạo, cố gắng để có hiệu quả,… đều đơn giản là không thể.
Tiến sĩ Barbara Wild và nhóm nghiên cứu của bà phát hiện ra rằng cảm xúc của chúng ta có tính lây lan. Đầu tiên, nhóm của bà cho những người tham gia xem ảnh chụp các khuôn mặt hạnh phúc và buồn bã. Rồi sau đó những người này được làm một loạt bài kiểm tra về tâm trạng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mình có thể “lây lan” cảm xúc cho người tham gia qua cảm xúc trong từng tấm ảnh. Nói đơn giản, sau khi xem một khuôn mặt hạnh phúc, người ta cảm thấy tích cực hơn, còn sau khi xem ảnh một khuôn mặt buồn, người ta có cảm giác tiêu cực5. Nhưng đây mới là điều điên rồ: họ chỉ cho xem mỗi tấm ảnh trong vòng nửa giây. Chỉ với nửa giây, thậm chí còn không đủ thời gian cho người tham gia nhận ra là mình vừa nhìn thấy một gương mặt, vậy mà họ vẫn bắt được cảm xúc.
Tiến sĩ Wild thậm chí còn phát hiện ra rằng chúng ta có khuynh hướng vô thức bắt chước những nụ cười quanh mình. Chúng ta hạnh phúc hơn khi ở cạnh những người hạnh phúc và thành công khi ở gần người thành đạt6. Khi bạn ép bản thân phải đi đến những sự kiện mà bạn thấy sợ hãi, bạn không chỉ khốn khổ mà sự khốn khổ của bạn còn có thể lây lan.
Bạn nghĩ rằng mình có thể giả tạo cho đến khi thành sự thật? Hãy nghĩ lại đi. Chúng ta có thể nhận ra nụ cười giả tạo từ cả dặm xa. Hơn 4.361 người đã làm bài kiểm tra trực tuyến về ngôn ngữ cơ thể của chúng tôi để xác định độ nhạy với ngôn ngữ cơ thể.
Trong đó, chúng tôi có đưa ra cho người tham gia xem một nụ cười thực sự cùng ba nụ cười giả tạo. Hơn 86.9% người tham gia có thể chỉ ra được nụ cười thật.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Phần Lan cũng đã cho một nhóm người xem ảnh của các nụ cười thật và một nhóm khác xem những ảnh nụ cười giả tạo7, giống như vầy:
Bạn có thể đoán được đâu là nụ cười giả và đâu là nụ cười thật không? Hình A là nụ cười giả còn hình B là nụ cười thật từ đáy lòng.
Khi người tham gia nhìn vào nụ cười thật, họ cảm thấy tâm trạng thay đổi theo hướng tích cực. Nhưng khi người tham gia nhìn vào nụ cười giả tạo, tâm trạng họ không có gì biến chuyển. (Để xem thêm về cách nhận biết sự khác biệt, hãy lật qua Chương 6).
Cố gắng giả tạo cho đến khi trở nên thật không đáng để bạn bỏ công đâu. Những người hạnh phúc làm chúng ta hạnh phúc theo8, còn những người giả vờ hạnh phúc là những kẻ đáng quên. Bước đầu tiên để chiến thắng ở trò chơi xã giao là kiểm soát những tình huống bạn gặp phải. Hãy chỉ giao tiếp ở những nơi mà bạn không cần phải giả tạo. Dù cho bạn có học được bao nhiêu kỹ năng tương tác đi nữa, nếu bạn đi đến các sự kiện không khiến bạn thấy hạnh phúc, sẽ vô cùng khó khăn để tạo dựng hình ảnh tốt đẹp.
Khi bạn cảm thấy tuyệt vời, người khác sẽ nhận ra ngay và muốn được như bạn. Khi bạn ráng lết xác đến một sự kiện chỉ vì bạn cảm thấy “mình nên có mặt”, bạn chỉ là kẻ phá bĩnh. Và bạn sẽ làm hỏng bữa tiệc đó.
Đó là lý do bạn cần phải có Kế hoạch Trò chơi xã giao.
“Sự tự tin có thể lây lan và sự thiếu tự tin cũng vậy, bất kỳ khách hàng nào cũng có thể nhận ra cả hai điều đó.”
– Vince Lombardi
KẾ HOẠCH TRÒ CHƠI XÃ GIAO
Đây là lời tư vấn tệ nhất mà tôi từng đưa ra: Hãy nói đồng ý với mọi thứ. Đồng ý đến các sự kiện giao lưu, đi uống cà phê với người lạ và các hội thảo bất kỳ, bởi vì bạn không biết được có những cơ hội nào sẽ đột nhiên xuất hiện. Và khoa học đã chứng minh rằng đó là một đống sặc mùi vô nghĩa.
Thật không may là tôi đã mất nhiều năm trời mới nhận ra điều đó. Khi mới bắt đầu viết blog, tôi đã cố gắng tìm bất cứ đề tài viết lách nào đem lại thu nhập. Và gần như mọi buổi tối trong tuần, tôi đều lết xác đi gia nhập các mạng lưới chuyên môn. Tôi đã chuẩn bị cho các sự kiện giao lưu đó như là chuẩn bị ra chiến trường, mang theo một xấp dày danh thiếp, cả nắm bút cũng như hàng đống miếng đề tên vô nghĩa. Đồng phục của tôi là đôi giày lịch lãm, trang phục đầy chuyên nghiệp, nước hoa và một nụ cười thường trực.
Tôi chiến đấu. Để được chú ý, để có việc, để thoát khỏi nỗi chán chường vô tận vì phải nói mãi một câu chuyện. Sau ba năm làm cái việc vô bổ đó (và tăng ít nhất 3 ký vì ăn quá nhiều bánh mì kẹp xúc xích), tôi đã tung khăn trắng đầu hàng. Tôi đã không tạo ra được một đầu mối liên hệ thật sự nào, công việc cũng chẳng hề phát triển và tôi chắc chắn là không có một chút thời gian vui vẻ nào.
Vì sao lại thế nhỉ? Vì tôi không tận dụng thế mạnh của mình. Cũng như Truman, tôi làm việc hiệu quả hơn trong các tình huống một đối một. Tôi bị ngợp trong các gian phòng ồn ào với đông người. Việc cố gắng che giấu sự lo âu của mình bằng nụ cười gượng ép đã khiến tôi trở nên trông thật giả tạo – và đó chính là vấn đề.
Điều tôi cần chính là một kế hoạch cho trò chơi này.
MẸO #1: Kế hoạch Trò chơi xã giao
Nắm quyền kiểm soát trong các cuộc giao tiếp và làm theo các quy tắc xã hội của bạn
Ai nói rằng bạn phải chơi theo quy tắc của người khác? Không phải tôi đâu à! Tôi muốn bạn tự tạo ra các quy tắc của mình.
Kế hoạch Trò chơi xã giao sẽ giúp bạn xác lập vị trí phù hợp với mình: nơi bạn sẽ bộc lộ hết khả năng, cảm thấy thoải mái nhất và sẵn sàng cho những thành công lớn nhất.
Kỹ năng #1: Chơi theo vị trí thuận lợi nhất của mình
Hầu hết các sách kỹ năng tương tác đều sẽ ép bạn đi theo một hướng – trở thành người sôi nổi hướng ngoại. Chúng muốn bạn phải cố gắng giả vờ cho đến khi chúng trở nên thật. Họ kỳ vọng rằng bạn sẽ luôn sẵn sàng với tất cả những người bạn gặp. Điều này là không thể.
Bạn có thể kết bạn với bất cứ ai, nhưng bạn không cần phải kết bạn với tất cả mọi người. Kế hoạch Trò chơi xã giao không chỉ vạch ra chiến lược cho riêng bạn, nó còn làm cân bằng các thế mạnh xã hội của bạn. Chẳng ai mong đợi các vận động viên phải chơi tốt ở mọi vị trí trong đội hình, vì thế bạn cũng đừng nên cố gắng thử mọi vị trí xã hội. Hãy chơi theo vị trí thuận lợi nhất của mình. Điều này cũng sẽ giúp cho việc thử nghiệm các mẹo trong cuốn sách này dễ dàng hơn.
Ở phòng thí nghiệm hành vi con người của mình, chúng tôi khảo sát về những địa điểm giao tiếp xã hội yêu thích của người tham gia. Trước khi xem kết quả, hãy điền câu trả lời của bạn vào bảng bên dưới.
Hãy chọn tất cả những địa điểm mà bạn thấy thật HÀO HỨNG khi bỏ thời gian ở đó với người khác, và hãy thoải mái điền thêm những địa điểm của riêng bạn ở dưới cùng. Chúng ta gọi đó là những địa điểm “thăng hoa” của bạn.
_____ Quán bar
_____ Phòng họp
_____ Hộp đêm
_____ Phòng gym
_____ Nhà hàng
_____ Văn phòng
_____ Tiệc tại gia
_____ Hội thảo
_____ Cà phê cao cấp
_____ Quán cà phê bình dân
_____ Qua điện thoại
_____ Buổi hòa nhạc
_____ Email
_____ Sự kiện trang trọng
_____ Ứng dụng gọi video
_____ Tiệc nhẹ
_____ Ứng dụng nhắn tin
_____ Tiệc nướng BBQ sau vườn nhà
_____ Thiên nhiên
_____ Tiệc hồ bơi
_____ Công viên giải trí
_____ Tiệc tối
_____ Lễ hội
_____ Xem phim
_____ Sự kiện giao lưu
_____ Sòng bạc
_____ Sự kiện thể thao
Hãy chọn tất cả những địa điểm mà bạn thật KHÔNG CÓ HỨNG bỏ thời gian ở đó với người khác, và hãy thoải mái điền thêm những địa điểm của riêng bạn ở dưới cùng. Chúng ta gọi đó là những địa điểm khiến bạn vật vã.
___ Quán bar
___ Hộp đêm
___ Nhà hàng
___ Tiệc tại gia
___ Cà phê cao cấp
___ Phòng họp
___ Phòng gym
___ Văn phòng
___ Hội thảo
___ Quán cà phê bình dân
___ Qua điện thoại
___ Email
___ Công viên giải trí
___ Lễ hội
___ Ứng dụng gọi video
___ Ứng dụng nhắn tin
___ Thiên nhiên
___ Tiệc hồ bơi
___ Tiệc tối
___ Xem phim
___ Sòng bạc
___ Buổi hòa nhạc
___ Sự kiện trang trọng
___ Tiệc nhẹ
___ Tiệc nướng BBQ sau vườn nhà
___ Sự kiện giao lưu
___ Sự kiện thể thao
Bạn có đoán được đâu là đáp án phổ biến nhất không?
Đó là câu hỏi mẹo! Không có đáp án nào chiếm đại đa số cả. Chúng tôi không thể tìm ra được một địa chỉ nổi bật nào bởi vì các đáp án được chia rất đều. Mỗi người thấy hào hứng với các địa điểm khác nhau. Đây chính là lý do vì sao rất khó để học được cách “tỏa sáng ở một bữa tiệc” nếu như thực ra bạn không hề thích tiệc tùng. Thật ngớ ngẩn khi học cách “quyến rũ người khác ở buổi hội thảo” nếu như nghe đến hội thảo là bạn nổi hết da gà. Chuyện đó không khác gì việc nói một thủ môn cũng có thể chơi ở vị trí tiền đạo hay là tiền vệ. Có thể anh ta sẽ chơi được, nhưng chắc chắn không phải là ý tưởng hay cho huấn luyện viên khi xếp đội hình thi đấu.
Hãy cùng nhận dạng những vị trí khiến bạn phát triển thăng hoa và những chỗ mà bạn phải vật vã tồn tại:
• Thăng hoa: Hãy nhìn vào cụm những chỗ mà bạn đã chọn ở phần trên. Chọn ra ba đến năm điểm và ghi vào danh sách “Những điểm THĂNG HOA” bên dưới. Đó là những địa điểm mà bạn nên đến và là nơi mà ở đó, bạn như cá gặp nước.
• Trung tính: Có một số tình huống xã hội mà kết quả sẽ thay đổi tùy theo tâm trạng của bạn hay của những người ở đó. Đó không phải là nơi bạn ưa thích nhất nhưng bạn cũng không ghét bỏ gì. Hãy tìm những địa điểm mà bạn không chọn cả ở trong hai bảng trên và điền vào danh sách “Những điểm TRUNG TÍNH” bên dưới.
• Vật vã: Những địa điểm hay hoàn cảnh khiến bạn cảm thấy không thoải mái, chán nản hay bất hạnh. Hãy chọn ba đến năm điểm bạn đã đánh dấu trong bảng thứ hai và điền vào danh sách “Những điểm VẬT VÔ bên dưới.
Những điểm THĂNG HOA:____________
Những điểm TRUNG TÍNH:____________
Những điểm VẬT VÃ:________________
Giờ thì bạn đã biết khi nhận lời mời thì cái nào nên trả lời đồng ý và cái nào nên từ chối rồi đó. Hãy đặt mình vào vị trí giúp bạn thành công ngay từ khi còn chưa đến sự kiện.
Bạn sẽ dễ dàng thành công rực rỡ hơn với các mẹo hành vi khi bạn thử chúng ở những địa điểm “thăng hoa”. Và nếu bạn buộc phải đi đến các sự kiện trung tính hay vật vã thì đừng lo − hai kỹ năng sau sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề.
Kỹ năng #2 – Chinh phục căn phòng
Trước khi đi đến một sự kiện, hãy vẽ sẵn trong đầu bản đồ các hoạt động tương tác của bạn tại đó, từ cửa vào cho đến nơi bạn sẽ có cuộc hội thoại đầu tiên và đến nơi có cuộc hội thoại cuối cùng. Rất nhiều người trong chúng ta lặp đi lặp lại theo cùng một lối mà không hề ý thức rằng mình đã làm như vậy.
Tại Science of People, chúng tôi liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện và họ cho phép chúng tôi quay phim lại cũng như quan sát người tham dự tại các sự kiện của họ. Ở mỗi sự kiện, chúng tôi gán cho những người tham dự một con số và quan sát các kiểu mẫu tương tác của họ. Đến cuối buổi, chúng tôi đếm xem họ đã thiết lập được bao nhiêu kết nối, hỏi thăm xem họ đã nhận được bao nhiêu tấm danh thiếp và quan sát các kết nối của họ trên trang mạng xã hội công việc LinkedIn. Chúng tôi phát hiện ra rằng những người kết nối thành công nhất đều sử dụng những quy trình giống nhau. Nói cách khác, bản đồ giao tiếp này có thể được giải mã.
Đây là bản đồ của một sự kiện điển hình:
Dù cho bạn ở một sự kiện giao lưu, tiệc tất niên, đám cưới, dùng bữa tối tại nhà bạn bè hay đến một hội thảo, hầu hết các sự kiện đều có cách bố trí cơ bản như trên. Có một khu vực đón khách (check-in) hay một cái bàn để đặt quà. Bạn có thể dễ dàng nhận ra đâu là phòng vệ sinh, đâu là khu vực quầy nước uống hay bàn phục vụ đồ ăn. Thường thì sẽ có một vài người bạn quen cũng đến đó – có thể là đồng nghiệp, bạn bè hay những mối quan hệ xã giao và họ sẵn sàng nói chuyện với bạn. Tất nhiên là người chủ tiệc cũng thường xuyên đi lại trong phòng.
Hãy cùng hình dung về bản đồ của Truman năm 1944 ở đại hội đảng nhé:
Khán giả ngồi phía trước sân khấu lớn. Các phòng họp nằm ở sau lưng sân khấu.
Hầu hết các ứng viên dành toàn bộ sức lực để lên sân khấu trước khi lướt qua trò chuyện miễn cưỡng với khán giả. Bản đồ của họ trông như thế này:
Để đạt hiệu quả và giành phiếu bầu, chàng Truman nhút nhát phải tránh đi theo lối mòn cũng như né được cái bẫy của cá nhân ông. Các dấu X đánh dấu những cái bẫy tiềm tàng.
Truman đã thực hiện việc kết nối ở cuối hành lang dọc theo sân khấu và ở phòng H. Tôi gọi những địa điểm phù hợp với thế mạnh của chúng ta là những điểm mạnh. Ở bản đồ kế tiếp, ngôi sao đánh dấu điểm mạnh.
Tất cả những gì Truman cần phải làm là đi theo những điểm mạnh để kiểm soát toàn bộ khán phòng theo ý ông.
Tôi muốn bạn làm giống như vậy. Hãy cùng xem lại bản đồ sự kiện điển hình. Tôi chia sự kiện ra thành ba vùng cơ bản: Vùng Bắt đầu, Vùng Xã giao, Vùng Bên.
Vùng Bắt đầu là khởi điểm của mọi sự kiện. Về mặt cảm xúc, đây chính là nơi căng thẳng nhất. Khi mọi người vừa đến nơi, thường là trong đầu họ đang có rất nhiều suy nghĩ lẫn lộn. Họ đến muộn, hối hả làm thủ tục check-in, cởi áo khoác, quan sát gian phòng, tìm xem có ai quen không, lo lắng về chuyện tạo ấn tượng đầu tiên, tắt chuông điện thoại, chạy vào nhà vệ sinh, hay đơn giản là cầu nguyện mọi chuyện tốt đẹp.
Sai lầm lớn nhất tôi thấy được ở các sự kiện là người ta chỉ lượn lờ quanh phạm vi Vùng Bắt đầu. Đây chính là cái bẫy. Bạn sẽ chỉ tóm được những người thiếu tự tin. Chúng tôi nhận ra rằng những người trao đổi được ít danh thiếp nhất là người cố gắng giao tiếp với người khác ngay ở Vùng Bắt đầu. Họ không nhận ra là họ đang cố gắng kết nối với những người chưa sẵn sàng để kết nối.
Khi bạn tiếp cận một ai trước khi người đó hoàn toàn sẵn sàng cho buổi sự kiện, họ sẽ không chỉ bị phân tâm hơn khi nói chuyện với bạn mà họ sẽ còn thường ngó nghiêng trong phòng để tìm người quen. Kết quả là hai bên gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nhìn vào mắt nhau để nói chuyện. Họ có khuynh hướng sẽ xin phép quay đi lấy đồ ăn thức uống, đến chào người chủ tiệc hoặc là vào nhà vệ sinh – và có rất ít khả năng họ sẽ lắng nghe những gì bạn nói.
Vùng Bên cũng chứa đầy những cạm bẫy bí mật mà mọi người rất dễ mắc vào. Tôi đặt tên nó là Vùng Bên vì để ý rằng mỗi khi bị mắc vào những cái bẫy đó, người ta sẽ sớm bị bỏ qua và không gặp thêm được bao nhiêu người mới. Cái bẫy đầu tiên ở Vùng Bên là cái rất dễ nhớ: nhà vệ sinh. Tất nhiên là ai cũng cần vào nhà vệ sinh, nhưng làm ơn đừng lảng vảng gần đó. Trông ghê lắm.
Cái bẫy thứ hai ở Vùng Bên là đi thẳng đến khu vực gần quầy đồ ăn và cứ lượn lờ quanh đó suốt buổi sự kiện. Đây không phải là một cái bẫy kinh khủng nhưng nó cũng không phải là chỗ hay để cắm rễ ở đó. Bạn sẽ không chỉ ăn quá nhiều và bị chướng bụng về khuya mà bạn còn khiến người khác gặp khó khăn trong việc lấy đồ ăn cho họ. Rất khó để mở đầu một cuộc đối thoại khi mọi người đang cố gắng lấy thức ăn vào đĩa, hầu như không thể nào bắt tay và tạo ra những khoảnh khắc vừa nói vừa nhai rất kỳ quặc.
Cái bẫy Vùng Bên thứ ba chính là lập tức tiếp cận những người bạn quen biết. Một khi bạn đã gia nhập vào nhóm những người đồng nghiệp, bạn bè hay người quen biết thì sẽ rất khó khăn để dứt ra và gặp gỡ những người mới. Cách xử lý tốt nhất trong trường hợp này là vẫy chào hoặc tiến đến bắt tay chào hỏi nhanh bạn bè khi bạn vừa đến và rồi nói với họ rằng bạn sẽ quay lại với họ sau. Bạn có thể tán gẫu với họ lâu hơn khi đám đông đã thưa bớt, còn lại thì hãy tập trung mọi năng lượng của bạn lúc bắt đầu sự kiện để tấn công vào Vùng Xã giao.
Dưới đây là những cái bẫy cần tránh:
Vùng Xã giao là nơi điều kỳ diệu xảy ra. Đầu tiên, nơi tốt nhất để bắt đầu chinh phục gian phòng chính là nơi mọi người rời quầy nước. Vào thời điểm người ta đến chỗ này, cái cảm giác căng thẳng ở Vùng Bắt đầu đã tan biến. Với ly nước trên tay, họ đã sẵn sàng cho việc hòa nhập, nếu như không muốn nói rằng họ khao khát có người để nói chuyện. Bạn sẽ chính là người hùng nếu như bạn giải cứu họ khỏi việc đứng uống một mình.
Có hai vị trí tuyệt vời ở hai đầu của quầy nước. Ở các sự kiện giao lưu mà chúng tôi quan sát, chúng tôi nhận thấy rằng những người thu thập được nhiều danh thiếp nhất và có nhiều kết nối trên LinkedIn thống trị những vị trí này (và không bao giờ hết người trò chuyện). Câu nói khơi mào của bạn có thể tùy theo ngữ cảnh: “Anh/chị thấy rượu bữa nay thế nào?”, hay đơn giản chỉ là “Xin chào, tôi là Vanessa…”.
Một vị trí tuyệt vời nữa ở Vùng Xã giao chính là gần người chủ tiệc. Khi đã cầm ly nước của mình trên tay, bạn có thể tiếp tục chinh phục gian phòng bằng việc tiến đến chào và nói lời cảm ơn đến người chủ tiệc. Bạn cũng có thể nhờ họ giới thiệu với mọi người xung quanh trước khi họ quay sang đón chào người khác. Bạn có thể nói: “Cảm ơn vì đã mời tôi đến đây! Có vẻ đây là một nhóm rất tuyệt. Mà anh/chị có biết ở đây có ai tôi nên gặp không nhỉ?”.
Sau khi họ đã giới thiệu bạn, hãy để cho họ được tiếp tục công việc của người chủ tiệc, nhưng nếu có thể, hãy luôn ở trong tầm nhìn của họ. Tôi làm điều này ở những nơi ít người quen biết, bởi vì người chủ tiệc sẽ có nhiều khả năng nhìn thấy tôi khi đang nói chuyện với người khác và nói “Này, anh/chị nên gặp bạn của tôi, Vanessa. Vanessa ơi, đến đây nào!”. Thế là thành công.
Tôi không khuyến khích việc đứng gần khu vực bàn ăn, nhưng những vị trí tốt tiềm ẩn chính là ở các chiếc ghế bành hay bàn ăn nơi mọi người đang ăn. Họ thường mong sẽ có ai đó giống như bạn đến ngồi ăn cùng. Câu nói kiểu như “Xin chào, tôi có thể cùng ngồi ăn và nói chuyện với bạn không?” sẽ có tác dụng tốt.
Tặng thêm: Nếu bạn là người hướng nội và không thích các nhóm đông đúc, tôi khuyến khích bạn làm theo phương pháp đánh tỉa. Thay vì chỉ làm đầy đĩa một lần ở bữa tiệc buffet, hãy đi từng bước, đầu tiên là lấy món điểm tâm, sau đó hẵng đi lấy món chính rồi hoặc món tráng miệng. Tại sao lại làm thế? Bởi vì đó là cách dễ dàng để dứt ra khỏi một cuộc nói chuyện hoặc chuyển đến một cuộc nói chuyện riêng khác.
Tôi cũng là người hay đánh tỉa như vậy. Nếu tôi cần một quãng thời gian nghỉ dài hơn, tôi sẽ đi vào nhà vệ sinh và cũng sẽ đi lấy thêm nước nữa. Giữ gìn các năng lượng giao tiếp của mình giúp tôi có được nhiều cuộc hội thoại chất lượng trong một buổi tối.
Tóm lại, hãy chinh phục gian phòng bằng cách chiếm lĩnh các vị trí đẹp cho việc giao tiếp và tránh các cái bẫy thông dụng. Sơ đồ này sẽ giúp bạn tối ưu hóa việc gặp gỡ mọi người ở các sự kiện:
Mà đừng chỉ nghe tôi nói. Lần sau khi bạn đến một sự kiện, hãy coi mình là một quan sát viên của Science of People. Bạn sẽ để ý thấy người ta mắc vào bẫy hay là chiếm lĩnh vị trí đẹp như thế nào.
Tiếp cận tôi này! |
Tránh xa tôi ra! |
Tôi vừa lấy đồ ăn xong. |
Tôi chỉ nói chuyện với người quen. |
Tôi đứng gần người chủ tiệc. |
Tôi vừa mới đến. |
Tôi có một ly nước mới trên tay. |
Nhà vệ sinh ở đâu? |
Có thể bạn sẽ tìm được những cái bẫy thậm chí còn nguy hiểm hơn cũng như những vị trí đẹp hơn. Và bạn luôn có thể tự vẽ lại sơ đồ giao tiếp dựa theo những kỹ năng và mục đích của mình. Tôi cực kỳ khuyến khích việc này.
Kỹ năng #3: Hiểu rõ đâu là nhóm của mình
Khoảng hai tuần sau khi một khóa học về ngôn ngữ cơ thể online của tôi trở nên “nóng” trên mạng, tôi nhận được e-mail từ một người muốn dạy bảo đôi điều. Anh ta nói với tôi – bằng những từ không dễ chịu lắm – rằng tôi nên mặc một bộ đồ doanh nhân trong các video của mình (tôi thường chỉ mặc áo sơ mi quần tây hoặc đầm suông trong các video). Anh ta cho rằng tôi trông “không đủ chuyên nghiệp” và “mặc đồ trang trọng sẽ thu hút được nhiều người học hơn”. Anh ta cũng góp ý rằng không được sử dụng các câu đùa, chuyện cười vì “chúng khiến người ta phân tâm khỏi thông điệp chính”.
Tôi hoảng hốt. Tôi lập tức nghĩ đến việc sẽ quay lại tất cả các video của mình để trông nghiêm chỉnh hơn. Liệu tôi nên làm lại tất cả từ đầu? Hay tìm cách dựng lại từng video một? Quá hoảng loạn, tôi lập tức đi hỏi lời tư vấn từ các chuyên gia.
Ngay khi tôi vừa kể xong câu chuyện của mình, một trong các chuyên gia tư vấn hỏi tôi rằng: “Vanessa, tại sao cô lại nghe theo lời của anh chàng đó? Anh ta có phải là một người của cô không?”.
Tôi không hiểu ý anh ấy nói “người của tôi” có nghĩa là gì. Anh giải thích: “Mục tiêu của cô không phải là tiếp cận tất cả mọi người, mà là tiếp cận đúng người. Nếu anh chàng này bị phân tâm bởi việc cô mặc gì trên người, rõ ràng anh ta không phải là người phù hợp”.
Đó đúng là bước ngoặt đối với tôi và việc kinh doanh của mình. Tôi bắt đầu xác định những ai là học sinh của mình một cách rất cụ thể. Các cuộc khảo sát và phỏng vấn cho tôi thấy rằng người mua các khóa học của tôi đều là những người trên trung bình ở mọi khía cạnh. Họ là những người làm việc hiệu quả, có trí tuệ trên trung bình và có lịch làm việc cực kỳ bận rộn. Mục tiêu của tôi là giúp đỡ được càng nhiều người như vậy càng tốt. Thay vì tìm cách đến với mọi học viên, tôi bắt đầu tập trung vào loại học viên của mình.
Với các khách hàng này, tôi bắt đầu tạo ra các video ngắn gọn, súc tích và chứa nhiều bí quyết thực hành. Nếu một video không được nạp đầy những thông tin có giá trị hay quá nhiều lời, tôi sẽ không đăng nó lên. Chỉ sau một vài tháng, việc kinh doanh của chúng tôi bắt đầu tăng phi mã. Lượng xem kênh YouTube của chúng tôi bùng nổ với hơn 9 triệu lượt. Số lượng người theo dõi Twitter của chúng tôi tăng gấp 12 lần. Vào lúc tôi viết những dòng này, chúng tôi có hơn 132.000 học viên ở các khóa học trực tuyến và hơn 104.000 người tham gia cộng đồng trực tuyến của mình. Thành công này có được chính là nhờ tôi biết chính xác mình cần nhắm đến ai. Tôi đã tìm ra người của mình.
Dù cho bạn đang tìm cách để có những khách hàng lý tưởng, cộng sự tốt hay những người bạn giúp bạn phát triển, hãy chắc chắn rằng bạn tìm đến đúng người. Bạn có thể dùng cách tiếp cận của Siêu nhân, cố gắng giấu đi những sự kỳ quặc của mình và nỗ lực tối ưu hóa các giao tiếp. Hoặc bạn có thể cặp với người khác. Người Dơi có Robin sát cánh, Iron Man có Jarvis còn Bert có Ernie(*). Hoặc tuyệt vời hơn là bạn hãy gia nhập đội liên minh siêu anh hùng Avengers và có một đội hỗ trợ mình.
Có một câu ngạn ngữ châu Phi thế này:
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình
Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.
Câu hỏi của tôi dành cho bạn là: Ai là người của bạn? Bạn có thể tăng tốc việc học bằng cách “mượn” thế mạnh của người khác. Chúng ta ai cũng cần có người ủng hộ trong cuộc sống. Vì vậy hãy tập hợp họ về đội của bạn. Hãy đọc những câu hỏi sau và viết ra cái tên đầu tiên nảy ra trong đầu bạn (tên người nhé!)
Ai là người bạn muốn dành thời gian ở bên cạnh nhiều nhất?______
Ai làm bạn cười?______
Ai là người làm bạn thấy mình có giá trị?______
Ai là người bạn tìm đến khi muốn vạch ra một chiến lược?______
Ai là người bạn mong mỏi được gặp nhất?______
Ai là người bạn gọi khi gặp khủng hoảng?______
Ai là người khiến bạn thấy mình thoải mái tự nhiên nhất?______
Ai là người mà bạn mong muốn được hiểu nhiều hơn?______
Chú thích:
(*) Bert và Ernie là hai nhân vật rối cực kỳ nổi tiếng trong hoạt hình Sesame Street ở Mỹ − ND.
Hãy dành chút thời gian đọc lại câu trả lời của mình, và chọn ra những người sau:
Người sát cánh cùng bạn: Có ai là người xuất hiện nhiều hơn một lần không? Có ai có thể cùng bạn gia nhập một cuộc phiêu lưu giao tế, người sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn khi bạn thử các mẹo giao tiếp, và là người cùng chia sẻ khát vọng phát triển của bạn? Hãy viết ra tên của họ ở dưới đây.
Người sát cánh cùng bạn: _______________
Người nâng đỡ: Chúng ta ai cũng có những người mà mình muốn cải thiện cũng như nâng tầm mối quan hệ với họ. Đó có thể là một đồng nghiệp, một người bạn mới, hay một mối quan hệ công việc có tiềm năng sẽ đem đến bước ngoặt trong sự nghiệp. Hãy dùng mười bốn mẹo giải mã hành vi bạn học được với Người nâng đỡ để nâng cấp mối quan hệ.
Người nâng đỡ bạn: _______________
Việc biết được các bối cảnh giao tiếp mà mình thấy có hứng thú nhất, các vị trí mà bạn thoải mái nhất và tìm thấy những người đồng đội đáng tin cậy sẽ giúp bạn tiết kiệm cả thời gian cũng như công sức. Hãy sử dụng danh sách những địa chỉ “thăng hoa” để tìm thấy các quan hệ xã hội có ích cho mình. Đồng thời, tiếp cận và dựa vào những người thực sự ủng hộ bạn, khiến bạn thấy mình có giá trị.
Chốt lại: Bạn không cần phải thích tất cả mọi người. Sẽ mất nhiều công sức hơn để làm quen với mọi người hay thử các mẹo giải mã hành vi ở một địa điểm khiến bạn căng thẳng và không thoải mái. Bằng việc kiểm soát nơi nào, phương pháp nào và với ai để giao tiếp, bạn sẽ đặt mình vào một vị trí dễ dàng thành công hơn.
Tôi bắt đầu nói không. Tôi không làm chuyện đó. Tôi không muốn làm điều đó. Tôi không thích chụp kiểu ảnh đó. Tôi không đến sự kiện đó. Tôi không muốn ủng hộ điều đó vì đó không phải là việc của tôi. Chậm rãi nhưng chắc chắn, tôi nhớ ra mình là ai. Và rồi khi tôi về nhà, nhìn vào gương và thấy mình kiểu như là “Được, tôi sẽ có thể lên giường với bạn mỗi đêm”. Bởi vì con người đó chính là người tôi biết. Người đó có lòng gan dạ, có sự chính trực và là người có chính kiến.
– Lady Gaga9
Dù cho bạn là một người yên lặng, người thích nghiền ngẫm các cuộc đối thoại hay một người cá tính mạnh mẽ, thích tiệc tùng thì bạn vẫn có thể thành công khi tận dụng các thế mạnh của mình.
Khi Truman còn là một nghị sĩ vô danh, ông đã có một kế hoạch tinh vi để leo lên bậc thang danh vọng. Chiến lược thông thường và rõ ràng là nói chuyện ở trước Nghị viện, nhưng Truman thích các nghiên cứu hơn là hùng biện nên ông đã chơi với những lá bài mình có trong tay. Ông viết trong các ghi chép của mình: “Ngồi trong một ủy ban nghe giải trình là một thủ tục buồn chán và nó cần bạn phải có sự kiên nhẫn và bền chí, vì vậy tôi nhanh chóng trở thành thành viên “kiên nhẫn và bền chí” của tiểu ban”10.
Kế hoạch Trò chơi Xã giao của ông có hai mục tiêu. Đầu tiên, ông nghiên cứu một đề tài mà ông hiểu rất rõ từ kinh nghiệm làm việc ở ngành đường sắt của mình: giao thông. Sau đó ông dành hàng giờ ở Thư viện Quốc hội để nghiên cứu từng bí quyết cụ thể. Thứ hai, ông xây dựng mối quan hệ với một người có cùng hứng thú và mục đích như mình. Người nâng đỡ của ông chính là Thượng nghị sĩ Burton K. Wheeler, đang giữ ghế chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang lúc bấy giờ. Khi Truman khoe ra những kiến thức uyên thâm của mình về giao thông ở các cuộc họp, ông bắt đầu nâng tầm mối quan hệ của mình với Thượng nghị sĩ Wheeler. Cuối cùng, sau khi Truman đã nhẫn nại tham dự rất nhiều cuộc họp, Wheeler đã bổ nhiệm Truman làm thành viên thường trực của tiểu ban. Không lâu sau đó, Wheeler thăng chức cho ông thành phó chủ tịch ủy ban. Các nghị sĩ khác để ý đến đạo đức làm việc của Truman và cách tiếp cận độc đáo khi giao tiếp với ông – và chuyện đó đã dọn đường đưa ông vào Nhà Trắng. Cho dù Truman có thể không phải là người có khả năng lôi cuốn người khác nhất, nhưng ông đã tối ưu các kỹ năng của mình, vạch ra các mục tiêu và làm việc với đúng người.
Thành công với mọi người chính là thiết kế ra những gì hiệu quả nhất với mình.
THÁCH BẠN
1. Nói không với sự kiện mà bạn e sợ.
2. Ở sự kiện giao lưu kế tiếp của bạn, hãy dùng Kế hoạch Trò chơi Xã giao để tìm ra cho mình ít nhất hai vị trí hiệu quả.
3. Xác định người mà bạn muốn nâng tầm mối quan hệ − Người Nâng bạn lên. Hãy luôn nghĩ đến họ khi áp dụng 13 mẹo giải mã hành vi tiếp theo.
4. Bổ sung:Hãy tìm một Người sát cánh lý tưởng và rủ họ đi cùng trong chuyến phiêu lưu xã giao này. Đưa cho họ cuốn sách này và mời họ gia nhập biệt đội siêu anh hùng của bạn.
TÓM TẮT CHƯƠNG
Không có một định nghĩa nào chính xác cho sự lôi cuốn. Có rất nhiều kiểu ảnh hưởng xã hội khác nhau, và đây là điều tốt. Thế giới sẽ thật buồn chán (và ồn ào) nếu ai cũng là người hướng ngoại. Chúng tôi cần có bạn. Hãy sử dụng Kế hoạch Trò chơi xã giao của bạn, dùng các luật lệ của bạn và giao tiếp với những người quan trọng với bạn. Bạn hoàn toàn có khả năng lan tỏa sự tự tin của mình.
• Hãy ngừng ép bản thân vào những quan hệ xã hội khiến bạn kiệt sức
• Đến nơi bạn cho bạn sự hào hứng, tránh nơi phải khiến bạn phải “vật vã”
• Biết nói không để còn có năng lượng mà nói có
Điều tâm đắc nhất tôi rút ra được từ chương này là:
__________________________________