(*) Câu gốc là "Hoàn bích quy Triệu": câu chuyện truyền thuyết ly kỳ về ngọc Hòa Thị Bích vốn của nhà Triệu. Viên ngọc lưu lạc khắp nơi, bị nước Tần cướp mất nhưng rồi vẫn quay về với nhà Triệu.
Hoàn bích quy Tần: câu này không phải điển tích. Có lẽ ý tác giả là sự kiện năm 228 TCN, Tần diệt Triệu, Hòa Thị Bích lọt vào tay nước Tần. Hoặc nói về việc chú bé Thù Tiểu Canh cuối cùng cũng quay về với nhà họ Tần.
Sáng sớm hôm sau, tàu hỏa đi qua đường sắt đường sắt Kinh Tân (1), động cơ hơi nước phun ra khói đen trắng xen kẽ, nhìn như một con rồng bay trên mặt đất.
Thù Tiểu Canh nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, nhìn những cây lúa mì đang mọc ngay ngắn trên đồng bằng, cây bạch dương rủ xuống dưới ánh mặt trời chói chang, chim nhạn từ núi Thái Hành bay về phía biển Bột Hải.
Người xưa nói không đi xa khỏi nơi cha mẹ ở. Bây giờ cha mẹ cậu đã mất, hẳn cậu sẽ lang thang chân trời góc bể rồi?
Cậu bé chín tuổi, eo quấn vải trắng, thân mặc đồ tang, viền mắt sưng đỏ, ngực giấu một dây chuyền huyết ngọc ấm.
Nhìn chiếc vali da mà mẹ cậu chuẩn bị hôm qua, nhìn hai quả lê ấy… Thì ra không phải sinh ly (2) mà là tử biệt! Cậu ăn một quả lê, đưa quả còn lại cho người đàn ông đứng đối diện.
Diệp Khắc Nan khéo léo từ chối. Anh đã thay trang phục của Thám trưởng cục Tuần cảnh, tay trái đeo băng quấn lên cổ. Anh đeo bội đao của tuần cảnh, hông giắt súng lục, tất cả đều theo phong cách Nhật Bản. Năm đó, Kawashima Naniwa giám sát trường Tuần cảnh cao cấp đã đưa toàn bộ phong cách của Nhật Bản đến Bắc Kinh.
Tô giới Đức đặt án diệt môn này lên tầm quan trọng cần xử lý gấp. Dựa theo Hiệp ước bất bình đẳng (3), chính phủ Trung Quốc không có quyền tư pháp trong Tô giới. May nhờ thư tay của Nhiếp chính vương, Diệp Khắc Nan có thể đưa được nhân chứng duy nhất đêm đó đi – Thù Tiểu Canh.
Người đến không có ý tốt, thích khách thần thông quảng đại, hoàn toàn có khả năng trở lại lần nữa. Diệp Khắc Nan thuyết phục Tiểu Canh lập tức lên tàu hỏa đến Bắc Kinh. Di thể vợ chồng Thù Đức Sinh đã được đồng nghiệp ở Ngân hàng Deutsche đưa vào quan tài, chọn một nơi phong thủy tốt để an táng.
“Chú định đưa cháu đi đâu?”
Thù Tiểu Canh ăn hết lê, gói hột vào trong khăn tay lụa. Đây là theo quy tắc không được xả rác bừa bãi ở trường học Đức.
“Nơi mà số mệnh của cháu thuộc về.”
Từ tối hôm qua, vận mệnh của đứa bé trai này đã hoàn toàn thay đổi.
“Thám trưởng Diệp, vốn cháu muốn lớn lên sẽ gia nhập hải quân. Giờ cháu đổi ý rồi, cháu muốn lớn lên làm nghề trinh thám như chú.”
“Báo thù cho cha mẹ à? Cháu thật sự nghĩ rằng Thám trưởng chỉ làm việc bắt trộm sao? Cha chú và ông chú… có việc bẩn thỉu, mệt nhọc, tổn hại phúc đức nào mà họ chưa từng làm đâu chứ? Chú khuyên cháu không nên thành người như chú.”
“Chuyện tổn hại phúc đức ạ? Ý chú là án Mậu Tuất Lục quân tử (4)?”
“Suỵt suỵt!” Diệp Khắc Nan ngó nghiêng xung quanh, “Loại chuyện này không được nói linh tinh, cẩn thận bị người khác mật báo!”
Sau giờ Ngọ, tàu hỏa đi qua Vĩnh Định Môn, dừng ở ga Đông Trịnh Dương Môn (5).
Nhìn qua cửa lớn và đài quan sát, phong cảnh ở điểm giao nhau giữa hai thế giới này không giống Thiên Tân. Đội lạc đà từ Mông Cổ nối đuôi nhau đi vào cửa thành; Đại Sách Lan vẫn náo nhiệt như cũ: mãi võ, xiếc khỉ, bán cao da chó, bán con cái, còn chưa kể đến đám ăn mày tụ tập thành nhóm. Người nước ngoài cũng nhắm mắt làm ngơ. Phu nhân người Tây ngồi trên xe ngựa, mở ô che đi về ngõ Đông Giao Dân Hạng.
Trước ga tàu hỏa dán một tờ thông cáo của triều Thanh ghi “Khâm Định Hiến Pháp Đại Cương”:
Điều thứ nhất: Đại Hoàng đế thống trị đế quốc Đại Thanh, muôn đời nhất hệ, vĩnh vĩnh tôn mang.
Điều thứ hai: Quân thượng thần thánh tôn nghiêm, bất khả xâm phạm. (6)
Người người qua lại nườm nượp, không mấy ai để tâm đến tờ thông cáo này. Diệp Khắc Nan và Thù Tiểu Canh đứng lại nhìn thật kỹ, cuối cùng thám trưởng lắc đầu, “Cơ bản là sao chép Hiến pháp nhà Minh Trị Nhật Bản.”
Diệp Khắc Nan mua cho cậu bé nước đậu xanh và bạo đỗ tươi (7).
Đi qua cổng Tây của ngõ Phố Vải Tây Lớn (Tây Tổng Bố Hồ), trước mặt là một bài phường đá (8) lớn, bốn trụ, ba gian, bảy lầu, rộng gần năm trượng cao hai trượng, kéo dài qua cổng Đông Đơn phố Bắc Đại. Thù Tiểu Canh đi hai vòng dưới đền thờ, đọc chữ Hán, chữ Đức và chữ Latin. Đây là thư xin lỗi của Quang Tự vì sự kiện Công sứ Đức Clemens von Ketteler bị sát hại tại đây năm Canh Tý.
Các vật kiến trúc mang đặc sắc độc đáo của văn hóa người Hán này được gọi là bài phường, các bài phường phần nhiều được dùng để kỉ niệm những người đã qua đời, hoặc giả để tuyên đương lễ giáo, nêu gương công đức. (Theo sách “Biết tất tật chuyện trong thiên hạ”)
“Thì ra đây là bia của Ketteler!”
“Liên minh tám nước tiến quân vào Bắc Kinh, đội trưởng Ân Hải của Thần Cơ Doanh bắt và giết chết Công sứ Đức Ketteler, người Đức chặt đầu ông ấy ở đây. Sau Hiệp ước Tân Sửu, triều đình lại lập đền thờ chỗ này làm đài tưởng niệm cho người nước ngoài chiến thắng Trung Quốc.” Diệp Khắc Nan lặng lẽ nhổ bãi nước bọt, nhớ đến người cha đã chết dưới họng súng Liên minh tám nước, “Chú cược rằng trong vòng mười năm nữa, cái bia này sẽ phải viết ngược lại!”
“Biết đâu trong tương lai, Đức lại thất bại ở châu Âu thì sao?”
Trong những người trên đường, mười người thì hết tám chín hoàn toàn không biết gì, không hiểu rằng Đức và Pháp là kẻ thù truyền kiếp, còn tưởng rằng Liên minh tám nước là những người thân thiết như anh em một nhà. Diệp Khắc Nan âm thầm suy nghĩ, đứa bé này thế mà phải dành cả đời ở Hoàng lăng, đáng tiếc, thật đáng tiếc!
Đến cửa phủ Nhiếp chính vương, một chiếc xe ngựa kiểu dáng châu Âu đã được chuẩn bị sẵn, con ngựa đực cường tráng thở phì phì, người đánh xe cũng ăn mặc kiểu Âu. Trong xe dọn dẹp sạch sẽ, Diệp Khắc Nan và Thù Tiểu Canh lên xe ngồi đối diện nhau. Xe ngựa vội vã hướng về phía Tây, phong cảnh Kinh thành lui lại phía sau, cảnh quê hoang vắng nhanh chóng xuất hiện. Mấy năm nay, nạn đói hoành hành, ngay dưới chân Thiên tử cũng không thể tránh được.
Xe ngựa băng qua sông Vĩnh Định, bia đá khắc chữ “Lư Câu hiểu nguyệt” (9) của Hoàng đế Càn Long. Lan can cầu Lư Câu có cơ man là sư tử đá, mới hai tháng trước, quan tài Hoàng đế Quang Tự cũng đi qua cây cầu này.
“So với trường Đại học Kinh sư, nơi cháu phải đến quan trọng gấp trăm lần đối với Hoàng thượng triều Thanh.” Diệp Khắc Nan tự giác nói thật, “Cháu chịu khó nghỉ ngơi nhé, còn hai trăm dặm nữa đấy!”
Xe ngựa chạy ba ngày ba đêm, đến ngày thứ tư, sau giờ Ngọ thì đến vùng núi huyện Dịch, phủ Bảo Định. Ngoài lúc xuống đi vệ sinh, Tiểu Canh không hề rời xe ngựa nửa bước. Diệp Khắc Nan cũng phải nín nhịn. Đường đường là truyền nhân Lục Phiến Môn, tinh anh ngành cảnh sát nhà Thanh nhưng giờ lại chẳng khác gì công sai áp giải tù nhân đi đày trong “Thủy Hử”.
Thù Tiểu Canh xuống xe, phía Tây nhìn ra Tử Kinh Quan núi Thái Hành, phía bắc giáp núi Vĩnh Ninh, núi non trùng điệp, cây cối dày đặc, xanh tươi, tùng bách trải khắp núi đồi. Sông Vĩnh Dịch xưa cũng bắt nguồn ở đây. Trong đầu cậu hình thành tấm bản đồ hoàn chỉnh. Cậu nhớ tới chuyện hai ngàn năm trước, nước Yên năm ấy gió thổi hiu hắt lạnh lùng ghê (10), không khỏi cảm thấy hào hùng bi tráng. Tấm bản đồ Kinh Kha dâng lên để tiếp cận giết Tần Vương miêu tả chính non sông nơi đây.
Khi còn học ở trường Đức, giáo viên thường giảng về địa lý thế giới, trải bản đồ châu Âu và chỉ ra biên giới Đế quốc Đức trải dài từ bờ sông Rhine đến cảng Memmel. Mỗi lần như thế, tâm trí Tiểu Canh sẽ hiện ra hình ảnh núi non vô cùng chân thực, phảng phất như núi Alps phủ tuyết đang gần ngay trước mắt, sóng biển Baltic dâng qua đầu gối, lâu đài Moritzburg sừng sững trên đỉnh đầu. Trong giờ cơ giới, chỉ cần xem bản vẽ ô tô Mercedes, cậu cũng có thể tưởng tượng ra những động cơ đốt trong đang hoạt động, piston đẩy mạnh mẽ, như hai mươi con ngựa hoang đang chạy điên cuồng.
Đi qua cổng vòm hùng vĩ là Đại Hồng Môn (11). Lính Bát Kỳ đứng canh cửa, tay cầm súng hỏa mai cồng kềnh, trông chả khác gì quỷ mới bò ra khỏi hầm mộ, không thể so được với Diệp Khắc Nan mặc cảnh phục Nhật Bản.
Trước Đại Hồng Môn, cờ Hoàng Long của Đại Thanh được kéo lên cao bay phấp phới. Binh sĩ đứng hát vang quốc ca thay thế “Tụng Long Kỳ” (12).
"Từ vạn năm nay
Đại đế quốc Á Đông!
Cờ độc lập bay cao trên đỉnh núi
Sóng văn minh từ sông Trường Giang và Hoàng Hà tràn trề
Bốn trăm triệu dân đều là con cháu thần linh
Đất đai và tài sản nơi đây
Đều giương cao quốc huy của vua hình rồng vàng
Hát bài ca đế quốc chúng ta!"
Tiếng hát rõ ràng, ca từ miên man, nhưng Thù Tiểu Canh lại hoàn toàn vô cảm.
Đi qua Đại Hồng Môn là một Thần đạo chính rộng lớn, hai bên hai hàng người ngựa voi đá vững vàng. Nhìn mái nhà lợp ngói lưu ly vàng thì biết là biểu tượng của Hoàng gia; kiến trúc ngói lưu ly màu xanh dành cho lăng mộ phi tử, công chúa và a ca.
Cậu bé chín tuổi như chim nhỏ sổ lồng, ngẩn ngơ sờ những pho tượng đá. Cậu lớn lên ở Tô giới Đức Thiên Tân nhưng từ nhỏ đã yêu đá, đồ cổ, điêu khắc. Mỗi khi sờ vào những thứ này, cậu sẽ tự nhiên thấy hưng phấn, thế nên mới thích thủ công. Tất cả mọi người, kể cả giáo viên người Đức cũng phải khen cậu khéo tay.
Chỗ mấy lăng mộ có rất nhiều công nhân cởi trần kéo những xe vật liệu chở đá và gỗ, có vẻ là một công trình to lớn. Trong núi có một khu công trường lớn, chính là Sùng lăng của Hoàng đế Quang Tự, cạnh đó là Sùng phi lăng, Trân phi bị đẩy xuống giếng nước trong Tử Cấm Thành vào năm Canh Tý đang chờ hạ táng.
Diệp Khắc Nan nắm chặt tay cậu bé đi qua công trường bụi đất mù mịt, bước đến màn che trước bảo đỉnh (13). Bức màn này nhằm bảo vệ mộ đạo không bị người khác thấy. Anh đưa thư tay của Nhiếp chính vương rồi dẫn Tiểu Canh vào. Bốn phía nơi này canh phòng rất nghiêm ngặt, những người mặt trang phục Bát Kỳ canh lăng cho triều Thanh. Cuối cùng họ đã thấy một đường vào mộ sâu hun hút.
“Đừng sợ!”
Diệp Khắc Nan nói cho cậu bé nhưng thực chất là nói cho mình nghe. Đây cũng là lần đầu anh vào địa cung.
Hai bên đường hầm thắp lửa, không giống trong tưởng tượng lắm. Hầm này không đi thẳng mà uốn hình xoắn ốc. Trộm mộ muốn đào được cửa hầm tuyệt đối không đơn giản. Cửa mộ thứ nhất là hai phiến đá xanh nặng vô cùng, mỗi bên điêu khắc một hình Bồ Tát, nhìn bề ngoài là một nam một nữ, nam uy vũ mạnh mẽ, nữ mặt mũi hiền lành, đều là tác phẩm tuyệt thế. Qua cửa mộ, tay phải Diệp Khắc Nan run rẩy nhưng Thù Tiểu Canh lại không hề hoang mang. Đến cửa thứ hai vẫn là hình hai vị Bồ Tát đó nhưng tư thế hơi khác.
Qua cửa thứ ba, bọn họ nghe thấy tiếng búa gõ vào đá. Dưới lòng đất trống trải tối mờ, chỉ có một bóng người cô độc đang ngồi xổm làm việc.
“Tần Hải Quan!”
Diệp Khắc Nan lên tiếng, người đàn ông cao lớn kia đứng lên. Vừa quay đầu, lão bị ánh đèn của Diệp Khắc Nan làm chói mắt, vội vàng cúi đầu, “Có phải công công quản sự không?”
“Lão Tần, ngày nào lão cũng gõ dưới đất nên điếc rồi à? Công công nào có giọng mạnh mẽ như tôi!”
Diệp Khắc Nan hai mươi bốn tuổi, chỉ sợ giọng mình nghe trẻ con quá, bị nhận nhầm là thái giám nên cố tình nói to lên, cũng chêm vài lời hơi thô tục.
“Thám trưởng Diệp của cục Tuần cảnh?” Tần Hải Quan giơ đèn lên, đến cạnh hai người bọn họ, giọng nói bắt đầu run, “Người đến rồi?”
“Lão nhìn xem!”
Ngọn đèn rọi lên gương mặt của Thù Tiểu Canh. Cậu bé định che mặt theo bản năng nhưng lại bị Diệp Khắc Nan giữ lại, hướng thẳng về phía Tần Hải Quan.
“Bắc Dương!”
Chân Tần Hải Quan nhũn ra. Lão gọi cái tên ngày nhớ đêm mong, cẩn thận chu đáo ngắm nhìn gương mặt con trai mình – khung xương này, đường viền này, lông mày này, nhất là ánh mắt quật cường cứng rắn kia, quả nhiên giống mình như đúc!
“Lão Tần, hoàn toàn chính xác! Tôi đã kiểm tra rồi!” Diệp Khắc Nan vỗ vai đứa bé, “Tôi ra ngoài nhé! Hai người cứ trò chuyện đi! Tôi thật sự không chịu nổi âm khí dưới địa cung này… Ngàn lần đáng chết! Sao lại nói những lời này ở nơi đất tốt của Hoàng thượng chứ?”
“Thám trưởng Diệp! Tộc thợ mộ có người kế nghiệp rồi, đại ơn đại đức này cả đời tôi không quên. Xin hãy nhận của lão Tần này một lạy!”
Tần Hải Quan quỳ xuống dập đầu.
“Hãy đối xử với đứa bé này thật tốt nhé. Nó thông minh lắm, đừng làm nó tủi thân! Đúng rồi, đây là thư cho đứa bé!” Diệp Khắc Nan lấy một phong thư từ trong ngực, nhét vào tay Tần Hải Quan. Anh đặt chiếc vali da của cậu xuống, quay đầu chạy ra ngoài.
Tiểu Canh ầng ậng nước mắt, cảm giác mình lại bị lừa, hét toáng lên, “Arschloch!”
Khi ra khỏi hầm mộ, Diệp Khắc Nan cảm thấy có chút không nỡ. Nhóc con, nhiệm vụ của chú là đưa cháu về với cha ruột. Những chuyện sau án diệt môn nhà họ Thù, thế giới ngoài kia đều quá nguy hiểm với cháu. Chỉ có trốn trong lòng đất Hoàng lăng mới tránh được những tên thích khách kia.
Đây mới chính là nhà cháu, là nơi cháu thuộc về.
_________
Chú thích:
(1) Đường sắt Kinh Tân: tuyến đường sắt nối Bắc Kinh-Thiên Tân. Được xây dựng năm 1895, đi vào sử dụng tháng 6 năm 1897. Là tuyến đường sắt hai chiều sớm nhất ở Trung Quốc
(2) Trong tiếng Hán, quả lê là “sinh lê”, nghe giống “sinh ly.”
(3) Hiệp ước bất bình đẳng là tên gọi chung cho loại hiệp ước mà các nước thực dân phương Tây áp đặt đối với một vài nhà nước châu Á trong thời kỳ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ở đây nhắc đến là Hiệp ước Tân Sửu (辛丑條約) đưa ra năm 1901.
(4) Còn được gọi là “Chính biến Mậu Tuất 1898”. Thái hậu Từ Hy và Hậu đảng muốn ngăn cản việc cải cách, đồng thời đề phòng vua Quang Tự tạo phản với Thái hậu nên đã ra tay bắt nhóm trí thức dâng kế sách Duy Tân lên vua Quang Tự, mong muốn Trung Hoa tiến bộ nhanh như Nhật Bản. Vua Quang Tự bị bắt giam, “Duy Tân một trăm ngày kết thúc.” Trong nhóm trí thức, hai người trốn khỏi Trung Hoa, sáu người còn lại bị bắt và tử hình, từ đó gọi tên “Lục quân tử”.
(5) Ga Đông Trịnh Dương Môn, hay còn gọi là Gare de Zhengyangmen Est, đi vào hoạt động năm 1901. Thực dân Anh đã mở ga này để thuận tiện vận chuyển quân sự và giám sát thành phố Bắc Kinh.
(6) Lý giải:
Điều 1: Chỉ có một dòng Hoàng đế Đại Thanh trị vì đất nước liên tục từ trước đến nay
Điều 2: Hoàng đế có vai trò tôn nghiêm, không thể xâm phạm, là nguyên thủ quốc gia, nắm trọn quyền thống trị.
(7) Bạo đỗ: Bạo đỗ là món ăn làm từ dạ dày bò hoặc cừu, lần đầu được nhắc đến trong triều Thanh. Đây là một món ăn của người Hồi thường được bán ngoài hè phố và trong quán ăn.
(8) Bài phường đá: thường thấy trong các chùa chiền, đền miếu, lăng mộ hay khu vườn cây cổ. Đây là kiểu kiến trúc hình những cái cổng, tùy theo quy mô, những cái cổng này được hình thành với hai cột, bốn cột, sáu cột hay tám cột xếp thành hàng, trên đỉnh những cái cột này lại có bắc những xà ngang, trên các cột và xà đều có khắc những chữ đề mang tính chất kỉ niệm.
(9) Lư Câu hiểu nguyệt: trăng sớm chiếu sáng cầu Lư Câu. Đây là bút tích của vua Càn Long. Lư Cầu từng là một trong những cây cầu đồ sộ và được coi là đẹp nhất thế giới.
(10) Gió thổi hiu hắt lạnh lùng ghê/Tráng sĩ một đi không trở về. Đây là câu thơ mà Kinh Kha, người ám sát Tần Thủy Hoàng đọc trước khi lên đường bên bờ sông Dịch (biên giới nước Triệu). Tín vật Kinh Kha mang theo để tiếp cận là đầu Phàn Ư Kỳ và tấm bản đồ nước Yên.
(11) Đại Hồng Môn: đây là một địa danh tại thành phố Bắc Kinh, vốn để chỉ luồng cửa chính của vườn Nam Hải của Hoàng gia. Từ đời Càn Long, Đại Hồng Môn ý chỉ cửa Bắc của khu vườn.
(12) Bản gốc: quốc ca lục quân quân ca “Tụng Long Kỳ”. Đó là vì “Tụng Long Kỳ” vốn được chọn làm quân ca cho lục quân Đế quốc Thanh non trẻ mới thành lập năm 1906. Sau này, quan viên Thanh triều tận dụng bài này làm quốc ca.
(13) Bảo đỉnh: phần gò đất được đắp nổi lên của mộ Hoàng gia gọi là bảo đỉnh, bên dưới là địa cung. Đất bảo đỉnh làm từ từ tro trắng, cát, trầm tích trộn lẫn với nhau, đắp lên, sau đó cho nước gạo và đinh sắt, rất kiên cố.