Lăng mộ Thanh Tây, địa cung của Hoàng đế Quang Tự, ở giữa cửa mộ thất thứ ba và thứ tư. Ánh mặt trời rực rỡ từ trên cao chiếu xuống mặt đất, thế mà sâu trong lòng đất lại như tiết cuối thu, sương mù dày đặc.
“Bắc Dương!”
Nước mắt của Tần Hải Quan ướt đầm trên mặt, ôm con trai thật chặt.
Tiểu Canh bất lực, liều mạng giãy dụa, điên cuồng hét lên trong địa cung: “Tôi không phải Bắc Dương! Tôi tên Tiểu Canh, cha tôi tên Thù Đức Sinh, mau thả tôi ra. Cứu với! Cứu với!”
“Con trai, con có hét đến rách họng cũng vô dụng thôi. Trong lúc xây Hoàng lăng, cha chính là chủ của địa cung.”
“Ông là ai?”
“Cha là Tần Hải Quan, thợ thủ công gia truyền chuyên làm thú trấn mộ cho Hoàng lăng.” Lão ép đứa trẻ vào góc tường, “Cha chính là cha đẻ của con.”
“Ông lừa tôi! Các người lừa tôi!”
Trong lúc Tiểu Canh giãy dụa kháng cự, viên ngọc ở ngực bị rơi ra ngoài quần áo, tựa như một quả tim đầy máu sáng lấp lánh bay ra ngoài.
Lão Tần vội vàng lấy đèn dầu soi, quả nhiên là viên huyết ngọc ấm Hòa Điền, đồ tùy táng trong ngôi mộ thời Đường ở Bạch Lộc Nguyên. Ở trong địa cung này, dường như nó càng ấm hơn, đây là món đồ tuyệt thế có một không hai trên thế gian.
Tháng Chạp năm Canh Tý, viên ngọc này được giấu bên trong tã lót của đứa trẻ, nay lại thành tín vật nhận cha con.
“Nhìn gì mà nhìn?” Cậu bé nhặt viên ngọc nhét lại vào trong quần áo, “Cái này là cha tôi tặng tôi.”
“Cha cho con xem cái này.”
Tần Hải Quan cởi áo, lộ ta hai vết bớt giống hình sừng hươu màu đỏ ở hai bên gáy. Vết bớt nằm đối xứng hai bên trái phải, nhưng do lớn tuổi nên cũng bị sạm màu đi.
“Con cũng có vết bớt này phải không?”
Tiểu Canh lùi về phía sau hai bước, cởi áo cho Tần Hải Quan nhìn, “Mấy ngày trước, Thám trưởng Diệp đến nhà cho tôi soi hai cái gương, một trước một sau. Lúc đó lần đầu tôi mới phát hiện vết bớt này.”
“Tuyệt đối không thể sai, sau gáy cha của cha, ông nội cha, còn có cụ của cha, ông nội của ông nội…. tổ tông ta đều có hai vết bớt hình sừng hươu này.”
Tần Hải Quan nhớ lại nhiều năm về trước, đứa con trai chết yểu của mình cũng có vết bớt đó, không thể giả được.
Cậu bé tự lẩm bẩm: “Luôn có người nói tôi lớn lên không giống cha mẹ mình, tôi là đứa trẻ nhặt về. Chẳng lẽ là thật?”
Lão Tần kiềm chế cảm xúc vui buồn đan xen, mở bức thư mà Diệp Khắc Nan để lại. Bên trên dính đầy vết máu khô đã chuyển đen, ánh đèn dầu leo lét nhảy múa, chiếu lên hàng chữ chi chít.
“Con trai Tiểu Canh của cha:
Thấy chữ như thấy người! Ngày mai thôi cha và con mãi mãi xa nhau! Cha nói thật cho con biết, con không phải con trai ruột của ta! Chuyện là năm Canh Tý, cha bị ép làm cho quân Đức, tiếp tay cho giặc. Cha vô tình gặp con được quấn trong tã ở ngoài Hoàng thành. Trời lạnh như cắt, cha nổi lòng trắc ẩn, cứu con về nhà mình ở Tân Môn (1). Ta và vợ không có con cái, xem con như con ruột đã chín mùa xuân thu. Những lời trên không có nửa phần gian dối.
Đêm nay, thám viên cục Tuần cảnh đường Tây Kinh thành lần theo manh mối tìm tới tận cửa thì cha mới biết cha ruột của con vẫn khỏe mạnh, hiện đang làm việc cho Hoàng thượng Đại Thanh. Cha ruột con ngày đêm mong ngóng con, còn có cả thư do chính tay Nhiếp chính vương làm chứng. Tình cha con chín năm qua, đêm nay coi như chấm dứt. Chà! Nước mắt cha hòa vào mực rồi, chỉ mong con trai của ta khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi, sau này vẫy vùng thiên hạ, không phụ lòng yêu thương của cha mẹ nuôi! Quyết biệt!
Ngày hai tháng Tư năm Tuyên Thống, cha nuôi của con, Thù Đức Sinh.
Ich liebe dich”
Thì ra đây chính là bức thư mà Thù Đức Sinh viết trước khi chết. Vừa viết xong chữ cuối cùng, thích khách xuất hiện từ phía sau đâm nát tim của ông ta.
Cậu bé cướp lại bức thư nhuốm máu, tờ giấy trở nên cứng cáp một cách kỳ lạ. Đây chính là những giọt máu tươi chảy từ tim của Thù Đức Sinh vào khoảnh khắc ông ta chết.
Tiểu Canh đọc từng câu từng chữ, cuối dòng chữ được viết bằng bút lông là một câu tiếng Đức được viết bằng bút máy “Ich liebe dich”, có nghĩa là “Cha yêu con”. Câu nói thể hiện tình cảm cha con sâu đậm.
Đúng thế, đây chính là chữ viết của Thù Đức Sinh không thể sai được! Trong thoáng chốc, vết mực và cả vệt máu trên thư như hóa thành những con côn trùng màu đen hợp lại thành các loại chữ số cổ xưa che kín tầm mắt…
Đầu óc cậu trống rỗng, tất cả những gì cậu biết về mình trong chín năm qua phải làm lại từ đầu.
Nước mắt cậu bé rơi lã chã, suy sụp ngồi xuống đất. Cậu quay sang nhìn ông thợ thủ công dưới ánh đèn dầu: “Ông thật sự là cha ruột của tôi sao?”
Vì thế, Tần Hải Quan thuật lại ngọn ngành. Năm Canh Tý nghiêng trời lệch đất, chiến xa của các vị thần như ngựa hoang đứt cương tàn bạo lăn qua mái nhà nhà của họ.
Gió thu Bạch Lộc Nguyên, Tần Bắc Dương được sinh ra dưới địa cung, ngôi mộ của tiểu Hoàng tử thời Đường…
Nghe được chuyện tháng Chạp năm Canh Tý mình bị quân Đức bắt đi, cậu bé suy tư: “Thảo nào cha tôi kỵ nhất nhắc đến chuyện năm Canh Tý.”
“Ta mới là cha của con.” Tần Hải Quan dùng đèn dầu soi đôi mắt của con trai mình, “Từ nay về sau con tên là Tần Bắc Dương.”
“Vì sao lại tên là Bắc Dương? Bắc Dương là tên đại thần ban cho sao?”
Tần Hải Quan lại nhắc tới ông ngoại của con trai, người lính già thủy quân Bắc Dương chết trận ở đảo Lưu Công vào năm Giáp Ngọ, đánh quân Nhật.
“Thủy quân Bắc Dương?”
Cậu bé nhớ đến ước mơ làm hải quân trước kia của mình, mô hình tàu thiết giáp tên Định Viễn mà cậu từng tự tay làm chắc hẳn có liên quan đến cái tên đầy ẩn ý này cùng với dòng máu thủy quân Bắc Dương đang chảy trong huyết quản của mình.
“Tần Bắc Dương!”
Trong địa cung lăng mộ của Hoàng đế Quang Tự, Tần Hải Quan lệ nóng rưng rung, lão gọi một tiếng. Đứa bé trai chín tuổi ngước đầu trả lời: “Dạ.”
Hoàn bích quy Tần.
Cậu để mặc cho Tần Hải Quan ôm mình, từ nay về sau, tương lai của cậu không phải là vẫy vùng thiên hạ mà là chôn mình trong địa cung.
“Đây là địa cung của Hoàng đế sao? Hoàng đế nằm ở bên trong?”
Cậu cố gắng làm quen với thân phận mới của mình, duy chỉ có điều không thể gọi Tần Hải Quan là cha.
“Suỵt!”
Tần Hải Quan đưa ngón tay bịt miệng con trai. Lão chỉ phần vòm cửa trống không ở phía sau mình, “Đây mới là cửa thứ tư của ngôi mộ, nhưng cánh cửa đá chưa điêu khắc xong, ống đồng ở cánh cửa cũng chưa lắp. Cha đưa con vào xem.”
Lão dắt tay con trai mình, cầm đèn dầu, nhảy vào cánh cửa cuối cùng. Đây mới là địa cung đặt quan tài của Hoàng đế, nhưng bây giờ mới chỉ có khung. Nó giống như một cái hang động lớn, chất đầu đất cát và nguyên liệu đá, cách ngày hoàn công còn xa.
“Hoàng đế ở đâu?”
“Vẫn ở hành cung Lương Các Trang ở Tây lăng, với lại Hoàng đế sủng ái Trân phi nương nương nhất, nên phải chờ hoàn công mới hạ táng.” Tần Hải Quan sờ vào vách đá bên trong hình thù kì quái, “Phải chừng ba đến năm năm nữa mới xong.”
“Ý cha là chúng ta phải ở trong này ba đến năm năm nữa sao?”
“Đúng, mấy đời gia tộc chúng ta đều làm việc này.”
Nghe đến đây, trong lòng Tần Bắc Dương xuất hiện một nỗi lo lắng. Không phải cậu sợ ở trong địa cung Hoàng lăng, mà trong vali da của cậu còn có sách vở và bài tập ở trường. Cậu xách đèn dầu, đi một vòng chỗ sâu nhất trong địa cung. Cậu phát hiện ở giữa chỗ này có một cái giếng tròn sâu.
Nhìn qua miệng giếng có vẻ sâu, đường kính bằng giếng nước trong dân gian. Tần Bắc Dương chín tuổi quả là to gan, trèo lên miệng giếng rồi cầm đèn dầu soi xuống. Trong giếng không có nước, chỉ là một cái giếng toàn đất vàng.
“Đó là giếng vàng!”
Tần Hải Quan nói nhỏ đằng sau lưng cậu, lần này lại thực sự dọa được cậu.
Tần Bắc Dương lăn sang một bên, hít sâu một hơi nói: “Vừa rồi con thấy cái giếng bốc lên một luồng hơi nóng xộc thẳng lên đầu. Bây giờ toàn thân con vừa nóng vừa khô, khó chịu quá!”
Bên trong địa cung vô cùng lạnh lẽo, thế mà trên đầu cậu đầy mồ hôi, nóng tới mức phải cởi áo lộ ra cánh tay trần. Chỉ một lát sau, cậu bắt đầu chảy máu mũi đen sì. Tần Hải Quan lấy một ít vải mỏng nhét vào mũi cậu, cảnh cáo: “Đừng lại gần giếng vàng, đó là thứ chuẩn bị cho Hoàng đế. Phàm phu tục tử như chúng ta không thể tiếp xúc với long khí này.”
“Chẳng may nhiễm phải thì làm sao?”
“Hoặc là chân long thiên tử, hoặc là loạn thần tặc tử!” Tần Hải Quan nói vào tai con trai, “Những lời này không được để người khác nghe thấy.”
“Thế nào là giếng vàng?”
“Từ xưa tới nay, xây lăng mộ tất phải xác định vị trí của giếng vàng. Thuật ngữ gọi là “điểm huyệt”. “Ba năm tầm long, mười năm điểm huyệt”, long mạch xuất hiện trong trời đất, dựa núi kề sông, không khó tìm. Mà huyệt, phải tìm vùng đất may mắn vạn năm từng chút một trong quần thể núi non trùng điệp đúng là khó càng thêm khó. Một khi việc điểm huyệt có sai sót thì những công lao trước đó coi như bỏ đi.”
Nghe những chuyện mơ hồ như thế, Tần Bắc Dương nhớ đến kiến thức được học ở trường của Đức: “Chuyện này không khoa học!”
Tần Hải Quan cũng không dám dựa vào gần giếng vàng của Hoàng đế Quang Tự, đứng từ xa nói, “Giếng vàng nằm ở trung tâm của địa cung, như Thiên Nguyên (2) trong cờ vây, quyết định bố cục của cả lăng mộ và địa cung.”
“Giống như long cốt (3) cần có của một chiếc tàu quân sự.”
“Quan trọng hơn, người phàm đều có linh hồn. Giếng vàng chính là nơi trú ngụ của linh hồn trong lăng mộ, che chở chủ mộ và con cháu đời sau. Phía trên giếng vàng có một chiếc giường báu để đặt quan tài. Chỉ khi nào đào xong miệng giếng, Hoàng lăng mới coi như chính thức khai công. Những năm trước phải do đích thân Hoàng đế phê chuẩn, do thầy phong thủy của hoàng gia chọn ngày đẹp. Trước khi đào giếng vàng, còn phải tế cáo tam thiên: thần núi, thổ địa và thần tư công. Vị thần tư công cuối cùng là thần bảo hộ của nghề thợ thủ công chúng ta.”
“Giống như Lỗ Ban – ông tổ nghề thợ thủ công phải không?”
“Đúng thế.” Tần Hải Quan mừng vì con trai thông minh như vậy, “Đào xong cơ bản địa cung, người ta để một chút đất nguyên thổ, gọi là nguyên sơn cát thổ, tuyệt không được để ba ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và sao chiếu vào. Sau khi hoàn công lăng mộ, phải để một vài đồ quý vào trong giếng vàng để cầu thiên địa cảm ứng, ví dụ những đồ Hoàng thượng yêu thích khi còn sống. Sau đó mới chuyển quan tài vào địa cung, đặt trực tiếp lên giếng vàng. Sau này không được di chuyển quan tài, giếng vàng cũng mãi mãi không bị ai phát hiện ra.”
“Nguy rồi! Con cảm giác như thứ ở trong giếng vàng đang ở trên người con.”
__________
Chú thích:
(1) Tân Môn chính là Thiên Tân.
(2) Một điểm dư ở trung tâm, gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực, đại biểu cho trung tâm của vũ trụ.
(3) Long cốt: Là bộ phận quan trọng, nằm ở dưới đáy thuyền theo trục dọc, kéo dài từ trước ra sau. Nó đóng vai trò như xương sống của một con thuyền. Bắt đầu từ trục xương sống này, người ta sẽ gắn vào những mảnh xương sườn (tức là công đà), để hình thành nên bộ khung của con thuyền.