Sâu trong địa cung lăng hộ Hoàng đế Quang Tự, Tần Bắc Dương cảm thấy khô nóng, cổ họng như bị bóp nghẹt khiến cậu lui khỏi cửa thứ tư của mật lăng.
“Bắc Dương, chúng ta lên mặt đất hít thở không khí, phơi nắng một chút là không sao đâu.”
Tần Hải Quan dẫn con trai ra khỏi lăng mộ, lên phía trên khu xây Hoàng lăng. Mặt trời đã lặn nhưng vẫn chói chang khiến hai cha con không mở nổi mắt.
Phía trên lăng mộ có rất nhiều dân công sinh sống, đa phần đều là lều lán thô sơ. Lão Tần được ưu tiên, có thể ở một mình một căn nhà gạch.
Đêm nay, hai cha con cách biệt chín năm gặp lại được ngủ cùng nhau, Tần Bắc Dương lại không chịu cởi khăn trắng đeo vì cha mẹ nuôi.
Tần Hải Quan hỏi con trai nhiều chuyện cũ ở Thiên Tân. Hỏi câu nào đáp câu ấy.
Cậu thầm nghĩ: những thứ học ở trường của Đức, một ông lão thợ thủ công quê mùa như ông liệu có hiểu không? Cậu để ý thấy bàn tay phải của Tần Hải Quan mất một ngón tay út, bàn tay trái mất nửa ngón áp út, chắc do tai nạn trong lúc làm việc. Nếu mình làm thợ thủ công, đến mười ngón tay chỉ sợ cũng khó giữ.
Đêm khuya, Tần Hải Quan ngáy như sấm. Đêm nay có mơ thấy người vợ đã khuất cũng coi như ăn nói được. Tần Bắc Dương lặng lẽ trèo xuống dường, mở vali da của mình. Cậu nhìn bộ quần áo mẹ nuôi chuẩn bị cho mình trước khi chết, con cả những cuốn vở bài tập và sách giáo khoa…
Chẳng lẽ, cả đời cứ ở đây làm thợ thủ công? Đến lúc chết cũng phải tu sửa lăng hộ cho mấy lão Hoàng đế đã chết ư?
Thế kỷ hai mươi rồi! Người Mỹ đã phát minh ra máy bay, người Pháp phát minh ra phim điện ảnh, nghe nói còn quay cả tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Từ trái đất đến mặt trăng” của Jules Verne, thế mà người Trung Quốc còn đang hao tâm tổn sức đào lăng mộ! Cái gì mà phân kim điểm huyệt, đất may mắn vạn năm, cút hết đi! Tại sao mình phải làm những việc này?
Chẳng lẽ vẫn là ba trăm năm về trước? Quân muốn thần chết, thần không thể không chết? Không, mình phải về Thiên Tân, về đi học ở trường Đức.
Nếu quả thực không về được thì mình sẽ lưu lạc thiên nhai, trái đất rộng lớn chẳng lẽ không có chỗ cho mình dung thân hay sao? Mình muốn làm quân quan hải quân, làm thám viên cục Tuần cảnh, làm luật sư lớn ở Thiên Tân Vệ, làm người môi giới cổ phiếu ở bến Thượng Hải.
Mình muốn tới châu Âu du học, nghiên cứu cơ khí công trình, chế tạo ra chiếc ô tô đầu tiên của Trung Quốc, thậm chí là chiếc máy bay đầu tiên!
Cho dù đã nhận tổ quy tông, Tần Bắc Dương vẫn quyết định bỏ trốn. Dù cho phạm luật lệ Hoàng gia cũng phải chạy trốn khỏi cái thiên đường của người chết, địa ngục của người sống này. Mặc áo khoác xong, cầm vali da lên, cậu lặng lẽ ra khỏi căn nhà, để mặc Tần Hải Quan ngủ say.
Ngẩng đầu nhìn bốn bề xung quanh, ánh sao thưa thớt. Tần Bắc Dương xác định phương hướng xong, đi thẳng về phía đông, ắt có thể tới được Thiên Tân. Mẹ nuôi đã nhét mười đồng bạc Ưng Dương trong vali da của cậu, cũng chính là tiền cha nuôi cực khổ tích lũy làm lộ phí cũng đủ rồi.
Tối đến có lính Bát Kỳ vũ trang đứng gác, tuyệt đối không thể đi ra từ cửa lớn. Cậu buộc mảnh vải trắng vào bụng, cúi đầu vượt qua dây chăng hiện trường, trèo lên ngọn núi nhỏ đằng sau lăng viên. Tần Bắc Dương nhìn ánh trăng, cảm giác khô nóng ban ngày hoàn toàn biến mất, dưới đất dâng lên một luồng khí lạnh.
Trong đầu phác họa một tấm bản đồ do ban ngày quan sát được địa hình núi non, dù là đêm đen cậu cũng vẫn có thể nhìn rõ một một. Cậu đem địa hình xung quanh chồng lên tấm bản đồ một cách nhanh chóng.
Cậu chui vào rừng tùng, bách xanh biếc, đi được mấy dặm.
Nhưng rõ ràng nhớ đi về phía Đông, xem lại hướng mặt trăng hình như lại đang đi về phía Tây?
Trước mặt là con đường hoang vu, mọc đầy cây ngải, côn trùng đang kêu dưới đất, trên núi hình như còn có tiếng sói tru. Tần Bắc Dương tiện tay nhặt một cành cây to phòng thân. Cậu phát hiện hai bên đường đều có trạm gác của binh lính, chỉ có thể núp trong bụi cây. Nhưng một lúc lâu sau, những binh sĩ đứng gác đó vẫn không nhúc nhích, đứng im lặng như xác chết.
Tần Bắc Dương đến chỗ có ánh trăng nhìn lại, thì ra đều là tượng Ông Trọng (1) bằng đá, mặc áo giáp tướng quân Mãn Thanh, giống đại tướng quân Niên Canh Nghêu trong tranh vẽ. Cậu sờ đầu tướng quân bằng đá, quả nhiên điêu khắc tinh xảo, thậm chí còn có phần đáng yêu, hơi bị mòn một chút. Tần Bắc Dương đi tiếp, qua hai chiếc cầu đá tam khổng (2) thì nhìn thấy một đình thần đạo bia, có một con rùa lớn đỡ bia đá. Từ bé cậu đã thích những bia văn, cậu bèn thắp nến trèo lên đầu con rùa ấy, đọc loáng thoáng được mấy chữ lớn.
"Kính thiên, trong quốc vận hưng thịnh, dựng bia bày tỏ đại hiếu đến Thành Hiến Hoàng đế chính nghĩa, văn võ, anh minh, rộng lượng, nhân tín, thánh minh."
Hoàng đế quỷ gì đây?
Tần Bắc Dương lại nìn thấy một cung điện, hai bên có hai điện phụ và kiến trúc của Ma Lạt giáo. Cậu vòng qua cung điện đi thẳng vào trong, đối điện là một bộ ngũ sự đá (3), lư hương ở giữa, bên dưới là hán bạch ngọc tu di tọa (4).
Ánh trăng chiếu vào tòa thành phía trước, cậu nghĩ trong Hoàng lăng này lấy đâu ra thành trì, không phải là tòa quỷ thành ảo ảnh trong truyền thuyết đấy chứ? Cậu chẳng sợ gì, dù sao cũng từng hít khí trong giếng vàng của Hoàng đế Quang Tự rồi. Vì thế, cậu nghênh ngang men theo bậc thang đi vào trong.
Ở góc cổng thành hiện lên một bóng người màu xanh lục, dường như còn có ánh sang u ám lóe lên.
“Ai đó?”
Một giọng già nua, vô cùng mạnh mẽ vang lên, tựa như vang khắp cả lăng tẩm. Giọng nói ấy như không đi qua màng nhĩ mà xuyên qua da đầu và xương sọ, đập thẳng vào trong não Tần Bắc Dương.
Dưới ánh trăng sang lờ mờ, một ông lão mặc long bào màu vàng, đầu đội mũ miện triều Thanh, gương mặt trái xoan với hai gò má chảy xệ. Gương mặt ông ta tái nhợt, mắt phượng có thần, không giận tự uy đang chậm rãi đi tới.
Đêm khuya ở trong Hoàng lăng triều Thanh, thấy cảnh này thì chắc chắn là gặp ma rồi!
Tần Bắc Dương cố kiềm chế tiếng thét của mình, vừa quay đầu, nhìn thấy bia đá trên tu di tọa, ngũ sắc rực rỡ, mặt bia viết ba loại văn tự Mãn, Hán, Mông bằng chu sa. Ánh trăng chiếu sáng hàng chữ tiếng Hán:
“Lăng Thế Tông Hiến Hoàng đế.”
Dù chỉ có chín tuổi nhưng cậu đã đọc đủ loại sách sử. Cậu có thể đọc được niên hiệu và miếu hiệu của Hoàng đế thời Thanh. Vị Thế Tông Hiến Hoàng đế này chính là vua Ung Chính nổi tiếng lẫy lừng!
Mẹ ơi, thứ mình nhìn thấy chính là hồn ma của vua Ung Chính sao? Ông lão sờ da mặt, đột nhiên đổi thành một chiếc mặt nạ vàng. Đồng thời ông ta thò một bàn tay ra, lộ ra những ngón tay dài mảnh khảnh.
Tần Bắc Dương sợ hãi ôm đầu chạy trốn, gần như nhảy từ trên bờ thành xuống. Dường như chỉ chậm một chút thôi, ngón tay lạnh lẽo sáng lòe đó sẽ móc mất trái tim cậu. Cậu chạy thẳng ra khỏi thần đạo, quay lại không còn thấy “vua Ung Chính” đuổi theo, ánh trăng trên bảo đỉnh sáng rõ lạ kỳ. Mà tòa lầu đó chính là “Minh lâu” (5) mà mọi Hoàng lăng có thể có.
Trong lễ hội ở Thiên Tân vào tết Nguyên Tiêu hồi trước, Tần Bắc Dương nghe nghệ nhân lang thang từng nói: vua Ung Chính không phải thọ tận chết trong cung mà bị nữ hiệp Lã Tứ Nương giết để báo thù cho cha. Nàng ta chém đầu vua Ung Chính, sau đó bỏ trốn. Vì thế, khi được hạ táng, vua Ung Chính chỉ là một cái xác không đầu, đành phải làm một cái đầu bằng vàng để thay thế. Chẳng lẽ hồn ma đeo mặt nạ vàng kia là chân thân thật sự trong địa cung này?
Triều Thanh bắt đầu ở quan ngoại. Vùng Long Hưng tỉnh Đông Tam, có Thịnh Kinh Tam Lăng (6) của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Thái Cực Hoàng v.v. Triều Thuận Trị nhập quan, xây Hoàng lăng ở khe núi Mã Lan, huyện Tuân Hóa. Đến Ung Chính lại từ chối táng ở Đông lăng, có vẻ như có phần sợ hãi phụ hoàng Khang Hy, hợp với câu chuyện đoạt đích trong sách tạp lục xưa. Ông ta chọn núi Vĩnh Ninh huyện Dịch là “Nơi càn khôn tụ tú, âm dương tụ hội, long huyệt sa thủy, vô cùng đẹp đẽ. Địa hình thông thuận, may mắn bao quanh”.
Từ đó, Hoàng đế triều Thanh phân chia hạ táng ở Đông lăng và Tây lăng. Tây lăng có Thái lăng của vua Ung Chính, Xương lăng của vua Gia Khánh, Mộ lăng của vua Đạo Quang, cuối cùng là Sùng lăng của vua Quang Tự.
Tần Bắc Dương đổi hướng luôn, không có ánh sáng trăng sao, lại sợ quân Bát Kỳ đi tuần tra nên chỉ đành trèo lên núi cao để xem có thể leo được ra sau núi không. Dãy núi Thái Hành mênh mông vô tận, một đứa bé chín tuổi như cậu chỉ e đi được nửa đường đã bị sói ăn mất. Nếu như gặp phải cường đạo, mười đồng đại dương trong vali da không biết là thứ giữ mạng hay tiễn mạng cậu đây?
Sau nửa đêm, hai chân Tần Bắc Dương sắp gãy rời, thi thoảng cậu gặp chồn, sói và cáo, đều là những động vật có linh khí.
Dưới núi lờ mờ thấy một đại công trường. Lại gần nhìn cho kỹ, rõ ràng đó là công trường Sùng lăng của vua Quang Tự. Đi cả đêm, lượn cả một vòng lớn, thế mà vẫn quay về, đây không phải quỷ dựng tường (7) thì là gì? Xem ra không được lảng vảng trong Hoàng lăng vào ban đêm. Có khi, những người lính Bát Kỳ mà cậu nhìn thấy cũng không phải người sống mà là linh hồn binh sĩ bảo vệ lăng một, hai trăm năm trước.
Xa xa có người đang cầm đuốc đi tới, chắc là người canh lăng đi tuần núi thật. Tần Bắc Dương đành phải bò sát người xuống để tránh né, cho tới khi bảo đỉnh của vua Quang Tự ở phía dưới ngay sau lưng thổi lên một luồng khí lạnh âm u, có vẻ như lại là một cái giếng vàng. Cậu tiến lên một bước, rơi xuống như một chiếc bao tải.
“Ây da!” Tiếng hét bị giếng sâu hút lấy.
Cậu chạm phải một lớp trầm tích mềm mềm, may không tổn thương gân cốt. Cậu đứng lên sờ miệng giếng, dù có hai người như mình chồng lên nhau cũng không với tới. Giếng này rất khô, không có nước. Miệng giếng tròn vành vạnh như mặt trăng, mây mù tan đi, mặt trăng lộ ra. Miệng giếng lại hình tròn, nhìn như có thêm một mặt trăng, hình tròn bọc hình tròn như kết cấu của Hoàng lăng này.
Không dám kêu cứu, Tần Bắc Dương phát hiện dưới giếng có một địa đạo, không biết có phải thông ra địa cung không? Cậu nghênh ngang đi tới, trong không gian tĩnh mịch tựa như có giọng nói, hơi thở nhè nhẹ thổi bên tai. Cậu lùi sau hai bước, bỗng nghe thấy một bài hát…
"Đầu thanh long, đuôi bạch long,
Em nhỏ cầu mưa trời hoan hỉ.
Lúa mì, lúa mì đã khô vàng,
Gọi Long vương dậy nào dậy nào.
Mưa lớn mưa nhỏ,
Mưa từ mùng một đến mười tám.
Ma-ha-tát." (8)
Tần Bắc Dương phát hiện một cửa động bên cạnh địa đạo, có một gian mật thất tối như hũ nút, mà bài hát trẻ con kia được truyền ra từ đó.
Dù sao đêm nay đã gặp đủ mọi chuyện lạ rồi, thêm một chuyện cũng chẳng nhiều. Cậu đi vào trong mật thất, thắp nến lên, dựa sát vào tường. Quả nhiên có một bé trai nằm bên trong, nhìn dáng vẻ cơ thể còn nhỏ hơn cả cậu, chắc chỉ tầm sáu, bảy tuổi.
Không đúng, cậu bé trước mắt này rõ ràng đang ngủ say, sao có thể hát được? Tần Bắc Dương hét lên: “Này! Dậy, dậy đi!”
Cậu bé mặt một chiếc áo mã quái (9) bằng tơ lụa đẹp đẽ, trên mặt vải còn thêm chữ Thọ màu xanh lam. Dưới ánh nến sáng tỏ, đây rõ ràng là bộ thọ y! (10)
Chẳng lẽ là người chết? Mắt cậu bé nhắm chặt, mũi cũng không thở nữa, trên mặt còn bôi một lớp phấn màu bạc dày cộp. Tần Bắc Dương lập tức trốn vào trong góc, đừng nói là sờ, nhìn thôi cũng không dám nhìn.
Đột nhiên, bên ngoài vang lên tiếng bước chân bình bịch nối tiếp nhau. Tần Bắc Dương thổi tắt nến, quả nhiên có người tiến vào nhưng trong này tối đen nên nhìn không rõ. Sau đó, một ngọn đèn dầu sắng lên, trong mật thất xuất hiện một ông già mặc bộ đồ trong cung triều Thanh, cả đoạn tóc tết sam trắng như tuyết.
Dưới nách ông lão kẹp một bé gái.
_________
Chú thích:
(1) Ông Trọng là nhân vật có thật, vốn chỉ thần tượng tế thiên của quân Hung Nô ban đầu được làm vật trang trí trong cung điện. Sau này trở thành vật biểu tượng quan trọng trong các lễ tế, tế mộ, làm tượng đá quan văn võ bày ở trước lăng mộ hoặc hai bên thần đạo.
(2) Cầu đá tam khổng: cầu đá xây dựng bằng đá có 3 lỗ ở dưới chân.
(3) Ngũ sự: bộ đồ thờ cúng gồm 1 lư hương, 2 đế nến, 2 bình hoa.
(4) Tu di tọa: hay còn gọi là kim cang tọa. Đế kê tượng Phật, tượng Bồ Tát, xuất phát từ Ấn Độ.
(5) Minh lâu: tầng cao ở chính diện của lăng mộ đế vương thời xưa.
(6) Tam Lăng Thịnh Kinh: còn gọi là Quan Ngoại Tam Lăng, là ba lăng tẩm thời kỳ đầu triều Thanh, là Thanh Phúc lăng, Thanh Chiêu lăng và Thanh Vĩnh lăng.
(7) Quỷ dựng tường: khi người ta gặp sẽ có hiện tượng đi vòng vòng ở một nơi nào đó, quanh đi quẩn lại một chỗ mãi không thoát ra được, thường gặp vào ban đêm hoặc vùng ngoại ô
(8) Đây là bài đồng dao cổ, mang ý nghĩa cầu mưa. Thời xưa khi trời khô hạn (lúa mì khô vàng) họ thường nặn tượng rồng biểu tượng của long vương, được sơn hai màu xanh và trắng để cầu mưa. “Ma ha tát” dịch là Bồ Tát ngôi tới Thập Địa Đẳng Giác trở lên, trong bài này ý là cầu nguyện Phật.
(9) Mã quái: áo khoác ngoài trong trang phục truyền thống của nam giới.
(10) Thọ y: đồ mặc cho người chết