Tự truyền cảm hứng: Tại sao bạn mắc kẹt và làm gì để tiến lên
“TIẾNG THÉT” TUYỆT VỌNG TRONG VĂN PHÒNG10
10 Mô phỏng bức tranh “The Scream” (Tiếng thét) của danh họa người Na Uy Edvard Munch. (BT)
Năm 2001, các nhà quản lý tại Best Buy đã nghi ngờ ra mặt với một chương trình mới toanh mà phòng Hành chính Nhân sự vừa tuyên bố. “Lúc ấy tôi thực sự lo lắng cho những thành viên trong đội ngũ của mình và những hệ quả sắp xảy đến”, một quản lý kỳ cựu tên Beth nhớ lại. Chương trình mới này dựa trên một khảo sát nội bộ liên quan đến chủ đề động lực nơi làm việc được thực hiện hai năm về trước. Đa số các nhân viên nghiêng hẳn về một lập luận như sau: “Hãy tin tưởng cách tôi sử dụng thời gian. Hãy tin tưởng cách tôi làm việc và tôi sẽ đem lại những kết quả mỹ mãn, đồng thời trở thành một nhân viên vui vẻ hơn”.
Kết quả của cuộc khảo sát trên đã thúc đẩy Best Buy thực hiện một chương trình thử nghiệm, cho phép gần 300 nhân viên được tùy nghi lựa chọn giờ làm việc phù hợp trong số các khung thời gian cho sẵn (chẳng hạn, làm việc từ tám giờ đến 16 giờ thay vì từ chín giờ đến 17 giờ). Những nhân viên tham gia thử nghiệm này đều trở nên vui vẻ hơn và làm việc có năng suất hơn khi được trao thêm sự tự do. Giờ đây, bất chấp những quan ngại từ ban quản lý, chương trình xây dựng Môi trường Làm việc chỉ coi trọng Kết quả (Results-Only Work Environment – ROWE) – điều đã tạo cơ hội cho nhân viên “bung lụa hết mình” – đang chuẩn bị được áp dụng lên toàn bộ công ty. Dưới đây là 13 điều lệ của chương trình ROWE:
“Chắc bạn cũng tưởng tượng được cơn bão dư luận mà chúng tôi đã tạo ra”, Jody Thompson – vị nhân viên phòng Hành chính Nhân sự đóng vai chính trong sự thay đổi này chia sẻ. Beth, người quản lý đầy hoài nghi đã bày tỏ nỗi lo ngại: “Tôi chỉ không hiểu được làm sao tôi có thể để nhân viên tự do làm những gì họ muốn, vào bất cứ khi nào họ muốn. Thế thì làm sao mà công việc có thể hoàn thành được?”.
VÌ SAO BẠN KHÔNG CÓ ĐỘNG LỰC?
Động lực cũng rắc rối hệt như triết lý con gà và quả trứng vậy. Bạn ngưng phấn đấu cho thành quả vì bạn buồn chán, hay bạn buồn chán là vì bạn ngưng phấn đấu cho thành quả? Bạn thiếu động lực vì công việc của bạn có vẻ vô nghĩa, hay công việc của bạn vô nghĩa vì bạn thiếu động lực?
Nếu từng đọc về chủ đề động lực, có lẽ bạn cũng đã nghe đến con số đáng buồn sau: chỉ 15% nhân viên cảm thấy có động lực ở nơi làm việc. Điều đó đồng nghĩa với việc hầu hết chúng ta đến văn phòng hằng ngày trong trạng thái phải đánh vật để lên dây cót tinh thần cho… để xem nào, cho mọi thứ. Nhưng động lực không phải là thứ đến với bạn một lần là đủ. Tìm lý do để thức dậy mỗi sáng cũng như để làm việc hiệu quả là một quá trình năng động, luôn diễn tiến. Đó là lý do chương này sẽ tập trung vào quy tắc thứ hai về cảm xúc nơi công sở: Tự truyền cảm hứng.
Trong chương này, chúng ta sẽ bóc tách mọi khía cạnh của công việc (và tư duy) của bạn, để bạn có thể nhìn nhận chúng dưới lăng kính mới. Chúng tôi sẽ chỉ ra cách cảm xúc hình thành và động lực được xây dựng, đồng thời xác định bốn nguyên nhân chính có thể dẫn đến sự thiếu động lực trong bạn: 1) bạn không có quyền kiểm soát công việc của mình; 2) bạn không tìm được ý nghĩa trong việc bạn làm; 3) bạn không còn xem nơi làm việc là một nơi để học hỏi; và 4) bạn không thích đồng nghiệp của mình. Đây đều là những vấn đề hóc búa, nên chương này sẽ có hơi hướng quy tắc hơn những chương khác.
Bạn không có quyền tự quyết
“Không gì sánh được với cảm giác tự do” là câu hát nổi tiếng của nhóm nhạc Destiny’s Child. Lựa chọn cống hiến cho một dự án là một chuyện, bị buộc phải cống hiến cho một dự án lại là chuyện khác. Đôi khi chúng ta còn không nhận ra rằng sự thiếu tự do đang khiến ta suy sụp, nên ta gọi nó bằng cái tên khác. Xuyên suốt một chuỗi chín thí nghiệm nọ, người tham gia bày tỏ họ muốn từ chối lời đề nghị thăng chức trong công việc mang lại cho họ tầm ảnh hưởng, thay vào đó, họ lựa chọn những công việc trao cho họ nhiều sự tự do.
Tất nhiên, hiếm có công việc nào cho phép bạn làm bất cứ điều gì bạn muốn, vào bất cứ thời điểm nào bạn thích. Nhưng càng được tự chủ trong nhiều quyết định, ta càng cảm thấy tốt hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Kể từ khi Walmart áp dụng cơ chế thời gian linh hoạt, cho phép nhân viên tự thiết kế lịch làm việc của mình, tỷ lệ nghỉ phép và nghỉ việc đều giảm. Và quay lại trường hợp Best Buy, ROWE đã thành công rực rỡ bất chấp những quan ngại ban đầu11. Những nhân viên trẻ chọn cách bắt đầu ca làm việc trễ hơn để họ có thể sắp xếp tập thể dục buổi sáng và tránh ra đường giờ cao điểm. Nhân viên có con nhỏ rời cơ quan sớm hơn để tham dự hoạt động ngoại khóa cùng con. Nhuệ khí và năng suất công ty tăng vọt. Lượng nhân viên tự ý bỏ việc giảm hẳn. “Tôi đã quá sai lầm”, Beth – vị quản lý từng bày tỏ sự dè chừng – thừa nhận. Trong năm đầu áp dụng ROWE, đội ngũ của cô đã đẩy hiệu suất làm việc lên gấp đôi, và thành viên kém nhất bỗng dưng trở thành vượt trội. “Việc trao quyền tự quyết về thời gian (cho người có biểu hiện kém nhất) đã tạo ra kỳ tích. Tôi tự hỏi không biết còn bao nhiêu nhân viên bị cho là ‘kém cỏi’ ngoài kia cũng có tiềm năng tương tự”.
11 Trong một động thái gây tranh cãi, CEO mới của Best Buy đã quyết định dừng chương trình ROWE vào năm 2013 (mặc dù ước tính cho thấy ROWE đã giúp Best Buy tiết kiệm 2,2 triệu đô-la trong vòng ba năm). Nhiều người tin rằng chương trình bị loại bỏ là vì người lãnh đạo mới bị áp lực phải tỏ ra cứng rắn. (M&L)
Nhưng giả sử bạn làm việc cho một tay quản lý quá chi li tiểu tiết, hay ở một công ty còn lâu mới thực hiện chương trình ROWE thì sao? “Hãy tự hỏi: ‘Có điều nho nhỏ nào trong phạm vi của mình mà mình có thể thực hiện khác đi ngay ngày mai không?’. Câu trả lời gần như luôn là Có”, Daniel Pink, tác giả cuốn Drive (tạm dịch: Động lực chèo lái hành vi), đã khuyên chúng ta như vậy. Dù khó, nhưng ngay cả trong những tình huống khắc nghiệt nơi công sở, ta vẫn có thể tạo ra những khoảnh khắc tự do và tràn đầy cảm hứng. Hãy chắt chiu nửa giờ để đọc về vấn đề bạn đang tò mò. Hãy dạo quanh khuôn viên tòa nhà văn phòng trong quãng nghỉ giữa hai cuộc họp. Hãy rủ rê vài đồng nghiệp đi uống cà phê để tạm xả hơi. “Bạn luôn có thể tranh thủ giành chút ‘chủ quyền’ ngay cả khi bạn không hoàn toàn tự quyết được lịch làm việc của mình”, Daniel Pink chia sẻ. “Chút gì đó còn hơn không có gì. Việc cho phép mình nghỉ giải lao hai lần mỗi chiều, mỗi lần 10-15 phút là việc khả thi với hầu hết chúng ta”.
Động lực và bộ não
Giả sử bạn vừa hoàn thành một bài thuyết trình và sếp bạn bỗng nói: “Sao anh lại phung phí thời giờ của tôi như vậy?” (Jeff Bezos từng nói những lời này vào mặt một người kỹ sư). Vậy lần tiếp theo bạn được yêu cầu thuyết trình, có lẽ bạn sẽ không còn động lực. Điều này là do một bộ phận tên là habenula (cấu thành cuống tuyến tùng) – phần trong não bộ đã ngăn cản tổ tiên chúng ta ăn quả có độc bằng cách nhắc lại kết cục kinh khủng của hành động đó – làm giảm lượng chất dẫn truyền thần kinh dopamine lên não.
Với nhiệm vụ điều khiển trung khu cảm nhận thành tựu và sự thỏa mãn, dopamine là giao điểm giữa động lực và hành động thực tế, và nó được tiết ra trong quá trình truy cầu thành quả. Nồng độ dopamine trong não bộ thăng giáng thất thường nhất khi chúng ta phân vân liệu mình có nhận được phần thưởng hay không. Chẳng hạn, việc chơi máy đánh bạc hay kiểm tra email dễ gây nghiện vì chúng không đảm bảo được kết quả chắc chắn – chúng ta say sưa theo đuổi cơ hội chiến thắng hoặc thấp thỏm mong chờ một tin nhắn thú vị. Những nghiên cứu về người chơi trò cò quay (roulette) đã ghi nhận một lượng hoạt động tương đương ở vùng não giàu dopamine đối với cả hai trường hợp khi con bạc thắng cuộc và khi họ đau khổ vì bàn thua sít sao.
LIZ: Nếu bạn muốn tự tạo động lực một cách nghiêm túc, hãy thiết kế một hệ thống tưởng thưởng cho chính mình. Tôi đã tạo ra thói quen tập trung vào một công việc duy nhất (không la cà mạng xã hội hay kiểm tra email!) bằng cách cứ sau mỗi tiếng đồng hồ tập trung thành công, tôi sẽ sử dụng phần mềm tạo số ngẫu nhiên để chọn cho mình một con số. Nếu phần mềm (được quy định quay số trong khoảng từ 0-10) đưa ra một trong những số 2, 3, 4 hoặc 7, thì ngày hôm đó tôi sẽ cho phép mình ăn một tô kem mát lành (với vụn bánh quy) sau bữa cơm trưa.
Cải thiện năng lực tự quản:
12 Một công ty tư vấn thiết kế, thành lập từ năm 1991 tại Mỹ. (BT)
Khi công việc không còn ý nghĩa
“Không phải tôi lười”, nhân vật Peter trong bộ phim Office Space (Cách mạng công sở) giải thích, “mà là tôi không quan tâm nữa thôi”. Thật khó tìm ra động lực để làm một việc gì đó nếu “việc đó” không còn ý nghĩa. Cứ thử hỏi nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely mà xem. Ariely từng nghiên cứu hoạt động lắp ráp bộ xếp hình LEGO với hai nhóm người tham gia. Với một nhóm, Ariely giữ gìn cẩn thận những mẫu xếp hình hoàn thiện; trong khi với nhóm còn lại, họ ráp xong mẫu nào là ông lập tức tháo rời mẫu đó ngay trước mặt họ. Kết quả là người tham dự trong nhóm đầu tiên trung bình làm được 11 mẫu xếp hình, nhưng nhóm còn lại chỉ dừng ở con số 7 mẫu. “Con người muốn có cảm giác mình đang cống hiến”, Ariely ghi nhận. “Họ muốn cảm nhận được mục đích công việc, muốn cảm thấy rằng bản thân công việc cũng có tầm ảnh hưởng của riêng nó”.
“Tôi từng phát rầu mỗi khi đọc về những người yêu thích công việc của mình đến mức không còn thiết tha gì với những thứ khác”, nhà đầu tư mạo hiểm Paul Graham bộc bạch. “Thực tế là, tại bất kỳ thời điểm nào, hầu hết mọi người đều thích làm những chuyện thú vị khác – như vùng vẫy trên biển Caribbean, yêu đương, ăn những món tuyệt hảo – thay vì xử lý các vấn đề hóc búa”. Công việc không phải lúc nào cũng ăn khớp với sở thích, nhưng vẫn có cách để biến các sự vụ tưởng chừng như nhàm chán nhất trở nên có thể chịu đựng được, nếu ta luôn tự nhắc mình về những người chịu ảnh hưởng từ công việc của chúng ta. Trong một khảo sát với hơn hai triệu người tham gia, thì người làm công tác xã hội, bác sĩ phẫu thuật và giới tăng lữ được ghi nhận là có công việc nhiều ý nghĩa nhất, ngay cả khi nhiệm vụ của họ không thường xuyên liên quan đến những giây phút nhẹ nhàng và hạnh phúc.
Mỗi khi soạn thảo một email nhạt nhẽo hay gạn lọc dữ liệu, bạn có thường xuyên tự nhắc mình nhớ về những người mình có thể giúp đỡ không? Việc thấu hiểu phạm vi tác động của công việc giúp chúng ta tăng năng suất, đồng thời giúp ta vượt qua được những ngày làm việc lê thê. Thậm chí chỉ một sự tương tác ngắn ngủi với những người được bạn giúp đỡ thông qua công việc cũng đem lại sự khác biệt to lớn (Google gọi đây là “khoảnh khắc nhiệm màu”). Giáo sư Adam Grant13 của Trường Wharton từng sắp xếp các cuộc gặp gỡ giữa nhân viên tổng đài gây quỹ học bổng với các sinh viên được nhận học bổng. Dù cuộc gặp chỉ vỏn vẹn năm phút, nhưng cũng đủ để người nhân viên nhận ra rằng nỗ lực của họ đã làm thay đổi cuộc sống những sinh viên đó đến mức nào. Một tháng sau, các tổng đài viên từng trò chuyện với sinh viên đã huy động được số tiền quỹ gần gấp đôi so với những người khác.
13 Adam Grant sinh năm 1981, nổi tiếng với những cuốn sách như Cho & nhận, Tư duy ngược dịch chuyển thế giới,...
LIZ: “Khoảnh khắc nhiệm màu” ưa thích của tôi đến từ Maurice Sendak, tác giả cuốn sách tranh Where the Wild Things Are. Một ngày nọ, Sendak nhận được lá thư có đính kèm bức tranh xinh xắn từ một cậu bé tên Jim. Để đáp lại, Sendak vẽ một tên Quỷ sứ giặc non lên một tấm thiệp và gửi cho cậu bé. Vài tuần sau, ông lại nhận được thư từ mẹ của Jim, kể rằng “Jim thích tấm thiệp của ông đến nỗi thằng bé ăn nó mất rồi”. “Với tôi, đó là một trong những lời ngợi khen tuyệt vời nhất tôi từng được nhận”, Sendak hồi tưởng. “Thằng bé thấy tấm thiệp, thằng bé thích tấm thiệp, và thằng bé ăn nó luôn.”
CHÚ CHUỘT NÀY LÀ HIỆN THÂN CỦA “CHẾ TÁC CÔNG VIỆC14” ĐÓ
14 Job Crafting, đây là một khái niệm trong quản lý, chỉ việc để cho nhân viên tự linh hoạt trong công việc theo cách phù hợp với kỹ năng, sở thích của họ, miễn là họ đạt được sự hài lòng. Từ đó mọi nhân viên có thể tận dụng thế mạnh của mình, trải nghiệm sự hài lòng và tăng hiệu suất công việc. (BT)
Bởi vì trên đời không có gì là tuyệt đối, nên cách nghĩ của chúng ta là cực kỳ quan trọng. Nếu mục tiêu của bạn là tự tìm cảm hứng, việc tái thiết lập góc nhìn về công việc có thể thay đổi cách bạn tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình. Amy Wrzesniewski, giáo sư của Đại học Yale, nhận thấy rằng ta có thể chủ động biến công việc thành niềm vui thông qua một quy trình gọi là “chế tác công việc”. Có những người pha chế xem việc pha ly latte vào buổi sáng là góp phần làm rạng rỡ một ngày của ai đó, và có những nhà thiết kế đồ họa nghĩ rằng những tấm thiệp mừng của họ sẽ giúp vô số buổi tiệc sinh nhật trở nên đáng nhớ. Cả hai trường hợp trên đều là ví dụ của “chế tác công việc”. Paquita Williams, nhân viên điều phối trên hệ thống tàu điện ngầm MTA ở New York, nhìn nhận bản thân như một người chăm sóc hành khách. Khi tàu của Williams gặp sự cố do thiếu nhiên liệu, bà đã đi dọc những khoang hành khách và kể chuyện cười để mọi người thấy vui vẻ hơn.
Cách tìm kiếm ý nghĩa trong những khía cạnh của công việc:
Khi công việc không còn là nơi học hỏi
LIZ: Cái ngày tôi rời khỏi vị trí nhà tư vấn kinh tế, tôi đã đến cửa tiệm Starbucks mình thường ghé mỗi chiều và ứng tuyển làm nhân viên pha chế. Tôi muốn kiếm chút thu nhập trong lúc tìm cho mình một con đường mới, chứ cũng không hề kỳ vọng mình sẽ học được gì hơn là pha một cốc cappuccino.
Thế mà, tôi đã học được rằng từng ngóc ngách của một tiệm Starbucks đều được thiết kế cẩn thận. Âm thanh, ánh sáng được điều chỉnh cho phù hợp từng thời điểm trong ngày. Bánh ngọt được bày biện theo quy định nghiêm ngặt. Bàn tròn được sử dụng chủ yếu để đảm bảo rằng người đi uống cà phê một mình không cảm thấy cô đơn (bởi chúng không đem lại cảm giác có ghế trống). Bỗng chốc trong tôi đầy thắc mắc: Món đồ uống nào đem lại lợi nhuận cao nhất? (món Frappuccino, vì nó chủ yếu là đá). Vì sao người pha chế không được xịt nước hoa? (vì cà phê có thể hút mùi, đây cũng là lý do Starbucks cấm hút thuốc từ cuối thập niên 1980 – rất lâu trước khi bất cứ doanh nghiệp nào triển khai quy định này). Thức uống được ưa chuộng nhất trên Thực đơn bí mật15 của Starbucks là gì? (Món The Nutella, gồm: espresso, sữa đánh, si rô sô cô la, si rô hạt phỉ, sốt caramel).
15 Thực đơn bí mật (secret menu) là thực đơn tùy biến của Starbucks, các món trên thực đơn này không được trình bày trong bảng thực đơn tiêu chuẩn của chuỗi cửa hàng này. (BT)
Thời gian làm việc tại Starbucks đã thắp lên nhiệt huyết trong tôi với ngành thiết kế, thôi thúc tôi tự mày mò hai phần mềm thiết kế Photoshop và Illustrator. Có thể nói, khách hàng của Starbucks dành rất nhiều tiền cho thú cà phê! Nhưng hơn thế nữa, họ yêu mến thương hiệu này.
Nếu bạn cảm thấy mất động lực làm việc, thì đã đến lúc “thương cho roi cho vọt” rồi: Hẳn là bạn đã từ bỏ việc học hỏi.
MOLLIE: Một người đồng nghiệp cũ của tôi năm nào cũng đổi nghề, liên tục trong bảy năm. Cô ấy cũng chóng chia tay với công việc mà hai chúng tôi cùng theo đuổi. Khi tôi hỏi rằng cô ấy muốn tìm kiếm điều gì, cô ấy bảo muốn một công việc có thể khiến mình cống hiến hết lòng. Cô ấy cũng thừa nhận mình rất dễ chán. Thế là tôi nhận ra cô ấy không xem công việc như một cơ hội để học hỏi cái mới. Nếu bạn nuôi dưỡng trí tò mò và có tư duy cởi mở, bạn sẽ luôn tìm được những điều thú vị, mới mẻ trong mọi công việc.
Trong cuốn The Alchemist (Nhà giả kim), Paulo Coelho từng viết: “Chỉ có một cách học thôi, đó là thông qua hành động”. Hãy động viên bản thân tìm hiểu một điều mới lạ về công ty, về sản phẩm hoặc về đồng nghiệp của bạn. Nếu bạn muốn có một lý do thuyết phục hơn để hành động, thì đây rồi: những tiến bộ công nghệ đòi hỏi chúng ta phải học hỏi liên tục. Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo rằng hơn một nửa thế hệ trẻ em trong tương lai sẽ làm những công việc mà hiện nay chưa tồn tại; một ngày nào đó, ngay cả những kỹ sư tài năng nhất hiện nay cũng phải viết mã bằng một ngôn ngữ lập trình mà hiện tại chưa được phát minh. Trong môi trường công sở, việc liên tục học hỏi không còn là lựa chọn của mỗi cá nhân, mà là yêu cầu bắt buộc. Tác giả Seth Godin giải thích sự thay đổi này như sau: “Cơ hội phát triển bản thân chủ yếu nằm ở chính chúng ta, nằm ở lựa chọn học hỏi của ta, cũng như ở người mà ta chọn học theo”.
Chán
Năm 2016, Frédéric Desnard đã cố gắng kiện ông chủ cũ của mình vì giao cho anh quá ít việc, đến nỗi sự chán chường đã khiến anh trầm cảm nặng. Dù tòa từ chối giải quyết vụ việc này, lời cáo buộc của Desnard vẫn tạo được sự đồng cảm với những ai đang phải đếm từng giây từng phút để đến giờ tan ca. Khi buộc phải chọn lựa giữa việc không làm gì cả và bị giật điện đau đớn, trung bình một người sẽ tự giật điện đến… năm lần. Cá biệt, có trường hợp một người muốn thoát khỏi cảnh phải ở không với ngổn ngang suy nghĩ trong đầu đến mức đã tự chích điện gần 200 lần.
Nhưng sự nhàm chán cũng có thể chuyển hóa thành động lực bằng cách báo hiệu rằng có một hoạt động đáng tưởng thưởng hơn vẫn có thể tồn tại. Những khoảng thời gian ngắn chìm trong cảm giác chán nản giúp tâm trí đang thẩn thơ của ta tìm về ký ức và bắt đầu liên kết các ý tưởng. Khi người ta nằm dưới máy chụp cộng hưởng từ đa chức năng (fMRI) và chờ đợi một nhiệm vụ nào đó, não bộ của họ thể hiện sự gia tăng hoạt động tại các vùng não có liên quan tới ký ức và sự tưởng tượng. Warren Buffett và Bill Gates là hai người nổi tiếng thường dành thời gian cho việc ngồi yên và suy nghĩ. Vì vậy, lần tiếp theo bạn thấy chán, hãy thử xem trí óc sẽ dẫn bạn đến đâu!
SỰ DAI DẲNG CỦA THỜI GIAN16
16 Mô phỏng tác phẩm “The Persistence of Memory” (Sự dai dẳng của ký ức) của danh họa người Tây Ban Nha, Salvador Dalí. (BT)
Học qua hành động là cách tốt nhất để khám phá ra công việc có ý nghĩa. Lời khuyên “hãy theo đuổi đam mê” giả định rằng bạn biết rõ đâu là đam mê của mình (và rằng bạn có thể dễ dàng hái ra tiền từ nó). Xác định đâu là việc bạn thích làm nhất mà không thông qua lao động cũng giống như cố tìm bạn đời dựa vào hồ sơ trên Tinder17 vậy. “‘Luôn hành động’ sẽ giúp bạn tìm ra sứ mệnh cuộc đời mình, điều này tự nhiên như cách mà nước lọt qua lỗ hổng trên mái nhà bạn nhờ tác động của trọng lực vậy”, Paul Graham chia sẻ.
17 Tinder là một trong những ứng dụng hẹn hò trên điện thoại phổ biến nhất thế giới, được ra mắt năm 2012. (BT)
Nếu bạn cảm thấy lo âu, thì thay vì chỉ đơn giản là xả hơi, việc học thêm điều mới có thể sẽ hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống lại căng thẳng. Niki Lustig, trưởng bộ phận Đào tạo và Phát triển của GitHub, từng nhận được email từ một nhân viên đã đăng ký khóa học phát triển bản thân thông qua khoản tài trợ đào tạo và phát triển của công ty. Bức email có nội dung như sau: “Dựa trên những gì đã học được từ khóa đào tạo, tôi đã lên một phác thảo nhằm đơn giản hóa một quy trình mà trước nay vẫn được xem là vô cùng phức tạp… Tôi thậm chí chẳng biết phải diễn tả thế nào với chị, rằng sẽ tuyệt vời ra sao khi… có thể chứng kiến cách mà quy trình này hỗ trợ cho đội ngũ ngày càng phát triển”. Và hóa ra sự tiến bộ là động lực thôi thúc chúng ta hiệu quả hơn tiền bạc, các tuyển thủ bóng chày luôn sẵn sàng giảm lương để được nhận vào một đội bóng mạnh.
Nếu bạn muốn chú tâm hơn vào một điều gì đó, hãy đầu tư thời gian và nỗ lực. Đây được gọi là Hiệu ứng IKEA: Những người thích tự lắp ráp sản phẩm của IKEA sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để được tự lắp một món nội thất, thay vì mua một món đồ được lắp ráp sẵn thông thường. Họ trân trọng sản phẩm do chính tay mình làm nên hơn, vì nó nhắc nhớ về năng lực của họ. Hơn nữa, việc nhận được những lời khen cho nỗ lực của bản thân không những khiến ta thỏa mãn, mà còn thôi thúc ta tiến bộ. Tại một ngân hàng đầu tư, các nhân viên nhận được lời động viên chân thành sẽ thể hiện năng lực tốt hơn những đồng nghiệp khác.
Cuối cùng, hãy xóa khỏi đầu suy nghĩ “tre già khó uốn”. Không bao giờ là quá trễ để học thêm kỹ năng mới. Mãi đến hơn ba mươi tuổi, nữ đầu bếp danh tiếng Julia Child mới bắt đầu học làm bếp – một trong những nỗ lực lúc mới non nớt vào nghề của bà đã cho ra thành phẩm là một con vịt nát bấy – và mãi đến tuổi năm mươi mốt bà mới ra mắt cuốn sách dạy nấu ăn đầu tay. Hãy nhìn nhận năng lực của bạn như một thứ luôn có tiềm năng phát triển. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu xem tài năng là hữu hạn (“Tôi không giỏi tính toán” hay “Tôi không sáng tạo chút nào”), chúng ta sẽ dễ dàng nản lòng khi vấp phải sai lầm và ít có động lực để tiếp tục cố gắng. Thay vào đó, nếu ta cho rằng tiềm năng phát triển là vô hạn, ta sẽ nhìn nhận thử thách như là cơ hội, và nỗ lực nhiều hơn để giải quyết các vấn đề hóc búa, cả hai điều này đều dẫn đến thành tựu to lớn hơn.
Chọn cái để học
Khi không biết mình nên làm gì, ta rất thường chọn cách không làm gì cả. Có quá nhiều điều để học, đến mức khiến ta quá tải. Ta có nên bắt đầu từ việc trám đầy những lỗ hổng trong bộ kỹ năng văn phòng và học ngôn ngữ lập trình Python hay cách xây dựng trang web? Hay ta nên chuẩn bị cho tương lai và đi học thêm ngoại ngữ? Ta có nên nghĩ về học tập như một cơ hội tìm người dẫn dắt, và học mọi thứ tốt nhất mà người đó dạy cho mình?
Trước hết, nếu công ty của bạn sẵn sàng giúp bạn chi trả tiền học phí, hãy tận dụng điều đó. Bạn thường có thể sử dụng ngân sách học tập của mình để tham dự các buổi hội nghị, học lên cao học, hoặc theo đuổi sở thích ngoài lề (nếu quy định của công ty cho phép).
Nhưng cách tốt nhất để quyết định mình nên học gì chính là nhìn lại bản thân và tìm ra lý do mình muốn học. Bạn muốn đạt được điều gì?
Cách tận dụng cảm xúc trong quá trình học:
Bạn không thích làm việc với đồng nghiệp
Lựa chọn, ý nghĩa và cơ hội học tập đều là những tác nhân giúp công việc trở nên thú vị hơn. Nhưng trong một chiều thứ Sáu trời mưa, khi ta thiếu ngủ trầm trọng và đang phát cáu với sếp, nhiều nghiên cứu đề xuất rằng lúc này động lực của ta không nằm ở chỗ công việc, mà ở con người. Những người tìm được bạn ở công sở sẽ cảm thấy hài lòng với công việc hơn và ít bị áp lực hơn. “Động lực đến từ việc được cống hiến cho những thứ ta quan tâm”, Sheryl Sandberg chia sẻ. “Nó cũng đến từ việc được kề vai sát cánh với những người ta quan tâm”.
Không phải bạn đồng nghiệp nào cũng đáp ứng mong mỏi giống nhau. Chúng ta sẽ bàn về ba kiểu bạn: bạn tâm giao, người truyền cảm hứng và những người “nửa bạn nửa thù”. Thấu hiểu lý do và phương cách đồng cảm với ba mẫu người này sẽ giúp bạn sử dụng nguồn lực tinh thần phù hợp để xây dựng những mối quan hệ ở chỗ làm mà có thể truyền động lực cho bạn một cách nhanh chóng.
Người bạn tâm giao
Đây là người bạn đồng nghiệp sẽ đồng cảm khi bạn có một cuộc trao đổi gay gắt với sếp, kéo bạn vào nhà vệ sinh khi bạn sắp bật khóc và cho bạn những nhận xét chân thành khi bạn cần nhất. Người bạn tâm giao khiến ta thấy như mình có thể chinh phục thế giới (hay ít nhất là chinh phục… buổi thuyết trình sắp tới hoặc thương lượng chuyện tăng lương). Và họ thậm chí có thể là yếu tố then chốt cho một cơ cấu lao động bình đẳng hơn: Ở Ấn Độ, những phụ nữ đi cùng bạn bè trong các buổi huấn luyện chuyên môn thì thành công hơn những người đi một mình.
Nhưng càng ngày chúng ta càng khó tìm bạn tâm đầu ý hợp nơi công sở. Năm 1985, một nửa số người lao động ở Mỹ cho rằng họ có bạn thân là đồng nghiệp, nhưng đến năm 2004 thì con số này chỉ còn một phần hai. Bởi vì chúng ta có xu hướng nhảy việc thường xuyên hơn, nên ta cũng ít đầu tư hơn cho các mối quan hệ chốn văn phòng. “Chúng ta xem tình bạn với đồng nghiệp như một mối liên kết lỏng lẻo, ta giữ khoảng cách với họ ở mức sơ giao trong khi nỗ lực gìn giữ các mối quan hệ ngoài công việc”, Adam Grant giải thích. Để nuôi dưỡng tình đồng nghiệp khắng khít, hãy bắt đầu từ việc xây dựng lòng tin và chia sẻ những câu chuyện với một đồng nghiệp bạn có cảm tình. (Ở những môi trường làm việc khốc liệt hơn, có thể bạn sẽ không tìm được người bạn tâm giao này. Trong trường hợp này, bạn sẽ phải dựa vào những mối quan hệ ngoài công việc để hỗ trợ). Hoặc bạn cũng có thể khởi xướng một buổi gặp gỡ: Những người chủ động hỗ trợ mọi người – bằng cách tổ chức các sự kiện trong văn phòng hoặc rủ đồng nghiệp cùng ăn trưa – sẽ cảm thấy hứng thú với công việc gấp mười lần người khác.
Người truyền cảm hứng
Người truyền cảm hứng là hình mẫu lý tưởng của bạn nơi công sở: bạn không muốn kề vai sát cánh với họ, bạn đơn giản là muốn trở thành người như họ mà thôi. Người này có thể là người đồng nghiệp bạn ngưỡng mộ hết lòng, hay cũng có thể là vị cố vấn nghiêm khắc của bạn. Vị cố vấn sẽ giúp cải thiện mức độ hoàn thành công việc của bạn, dạy cho bạn cách trở thành nhà lãnh đạo có năng lực và định hướng nghề nghiệp cho bạn chính xác hơn. “Họ sẽ khơi gợi hứng thú cho bạn về một lĩnh vực nào đó. Đồng thời họ chỉ bạn cách khai thác những dữ liệu giá trị trong lĩnh vực đó”, đó là lời khuyên của nhà kinh tế học kiêm tác giả Tyler Cowen. Bạn có thể và nên có nhiều người hướng dẫn xuyên suốt sự nghiệp của mình.
LIZ: Tôi từng gửi email cho một người đồng nghiệp mà mình vô cùng ngưỡng mộ trong khoảng thời gian tôi cảm thấy đặc biệt yếu đuối và hoang mang với quyết định trở thành tư vấn viên hành nghề tự do. Đến bây giờ tôi vẫn thường đọc đi đọc lại thư phản hồi của cô ấy những lúc muốn tìm động lực cho mình: “Điều tồi tệ nhất là khi ta dũng cảm bước ra khỏi khuôn khổ để rồi cuối cùng lại ngốc nghếch lấy tiêu chí của người khác để đánh giá chính cuộc sống của mình mỗi ngày. Nếu bạn đã muốn mở lối đi riêng, hãy làm điều đó với cái tâm không phán xét. Khao khát có được một thứ do chính mình tạo tác là một điều tuyệt diệu biết bao”.
Người “nửa bạn nửa thù”
Con người có xu hướng kết thân với những kẻ giống mình, đặc biệt là ở nơi công sở. Nhưng nếu ta càng có nhiều điểm chung với một người nào đó, ta càng chủ định so sánh chính mình với họ. Người “nửa bạn nửa thù” vừa là bạn ta, vừa là một điểm mốc của ta trong tổ chức. Đừng cảm thấy tội lỗi khi thi thoảng bạn thấy nhức nhối vì ghen tị! Những người bạn-thù này sẽ chiếm đến gần một nửa trong số những gương mặt quan trọng thuộc mạng lưới quan hệ của bạn đấy!
ĐIỆU MÚA BẠN-THÙ CỦA MATISSE18
18 Mô phỏng tác phẩm “The Dance” (Điệu múa) của họa sĩ người Pháp Henri Matisse. (BT)
Dù những mối quan hệ bạn-thù thường dẫn đến căng thẳng nặng nề, nhưng chúng cũng thúc đẩy ta làm việc chăm chỉ hơn. Trong một nghiên cứu với đối tượng là các tư vấn viên, những ai có kiểu “nửa bạn nửa thù” này đều đã nỗ lực hơn để vươn tới thành công và thiết lập mạng lưới các mối quan hệ. Bằng cách khuếch đại các giá trị tích cực của một mối quan hệ vừa yêu vừa hận thông qua việc cùng nhau nhận một dự án quan trọng, bạn sẽ năng nổ chứng tỏ bản thân hơn, và biết đâu cuối cùng có thể sẽ gặt hái một tình bạn thật sự.
****
Cả những tình bạn công sở tốt đẹp nhất cũng có mặt tối. Đôi khi, sự gắn bó với đồng nghiệp có thể khiến ta rơi vào trạng thái kiệt quệ về cảm xúc. Phải vừa gìn giữ mối quan hệ, vừa đưa ra nhận xét chân thực hoặc cố gắng đáp ứng các kỳ hạn đòi hỏi ở ta một sự nỗ lực không ngừng. Hãy thử trò chuyện với một người nào đó đang làm việc tại một công ty khởi nghiệp, nơi mà mọi người xem nhau như gia đình, bạn chắc chắn sẽ nghe được những lời than vãn rằng việc đó có thể mệt mỏi đến mức nào. Và với mỗi tình bạn, sẽ luôn tồn tại ai đó nằm ngoài phạm vi tình bạn này. “Chúng ta thường cân đo tác động của các mối quan hệ này từ góc độ của người trong cuộc, ví dụ như: Mối quan hệ này có tốt không? Tôi có cảm thấy được gắn kết? Tôi có muốn đến công sở không? Nhưng những thứ trông thật tuyệt vời đối với một người trong phạm vi mối quan hệ lại có thể đem đến cảm xúc khó chịu cho người ngoài cuộc, vốn có thể tạo ra ‘hiệu ứng tầng’ tiêu cực xuyên suốt tổ chức”, nghiên cứu sinh Julianna Pillemer của Trường Wharton, giải thích. Mức độ gắn bó của hai người bạn càng khắng khít, thì những người khác càng cảm thấy không được hoan nghênh, ngay cả khi hai người bạn không cố ý loại trừ bất kỳ ai. Ở chỗ làm cũ của Mollie, khi cô bắt đầu nhận việc, hầu như các đồng nghiệp ai cũng có bạn cả rồi. Mollie cảm thấy lúng túng và lo sợ. Kiểu động lực này có thể ngăn cản sự chia sẻ thông tin; chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, nên khi ta có cảm giác mình là người ngoài cuộc, ta có xu hướng không nhờ đến sự trợ giúp dù ta nên làm thế.
Quan hệ đồng nghiệp từ đời thực đến mạng ảo
Có nên kết bạn trên Facebook với đồng nghiệp hay không là một vấn đề nan giải. Người ta thường đi theo hai xu hướng khác biệt rõ rệt khi trả lời câu hỏi này, đó là: những người tách bạch và những người hòa hợp. Người tách bạch chuyện công-tư sẽ vẽ ra một ranh giới rõ ràng giữa đời sống cá nhân và đời sống nghề nghiệp (“Tôi rất sẵn lòng thêm bạn vào mạng lưới nghề nghiệp của mình trên LinkedIn nhưng làm ơn đừng theo dõi tôi trên Instagram”). Trong khi đó, người hòa hợp không hề phân biệt giữa công việc và đời tư (“Tại sao tụi mình chưa kết bạn trên Snapchat thế nhỉ?”).
Không may cho những người tách bạch, vì ngày càng khó để loại bỏ đồng nghiệp ra khỏi vòng tròn bạn bè trên mạng mà không làm họ tổn thương; có hơn 70% người được hỏi cho rằng họ thích ý tưởng kết bạn với đồng nghiệp trên Facebook, và gần một nửa trong chúng ta đánh giá những ai phớt lờ lời mời kết bạn của một đồng nghiệp là vô trách nhiệm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người chủ trương che giấu thông tin cá nhân sẽ bị đồng nghiệp nhìn nhận tiêu cực hơn. Xin lỗi những chàng và những nàng thích sự tách bạch, có thể bạn phải chấp nhận lời mời kết bạn kia rồi.
Khi đã kết bạn trên mạng xã hội, chúng ta nhanh chóng biết thêm nhiều điều về đồng nghiệp của mình (đôi khi là quá nhiều). “Mạng xã hội tạo ra những ranh giới trong suốt – tức bạn có thể nhìn thấy những hoạt động cũng như những mối quan hệ của đồng nghiệp ở bên ngoài phạm vi công việc”, Julianna nhấn mạnh. Điều này có thể đưa chúng ta đến gần nhau hơn thông qua việc làm nổi bật các mối liên kết cũng như sự tương đồng trong cuộc sống – mà có thể mất đến vài tháng ta mới biết nếu chỉ trò chuyện trực tiếp ngẫu nhiên (“Chúng ta cùng quê nè!”). Nhưng nó cũng có thể khiến ta dễ có tính bè phái hơn (“Chúng ta từng học cùng trường!”) hoặc thậm chí nảy sinh sự bực tức. Giả sử bạn đang nghỉ phép một tuần để đạp xe vi vu qua miền đồng quê nước Ý cùng người yêu. Nếu bạn đăng những bức ảnh cả hai đang cùng nhau thưởng thức rượu dưới ánh nắng Tuscan ấm áp, còn đội ngũ của bạn đang phải chật vật với một dự án căng thẳng, họ có thể hờn trách bạn vì cái tội dám tận hưởng trong khi đồng nghiệp phải tăng ca.
Mạng xã hội cũng khiến ta ý thức hơn về những nhóm bạn thân nơi công sở, điều này càng dễ phát sinh sự chia cách. Chúng ta có thể không nhận ra hai người bạn đồng nghiệp của mình là bạn thân cho đến khi ta thấy tấm ảnh họ cười tươi rói ở một quán nước được đăng tải trên Instagram. Thế là bạn dễ dàng cảm thấy bị bỏ rơi (“Sao mình không được rủ đi chung nhỉ?”), và sau đó bạn thấy ngại kết nối với họ hơn.
Làm thế nào để tình bạn công sở trở nên hữu ích:
Tóm lại: Động lực có thể được thúc đẩy. Bạn có thể cải thiện cảm thức của mình về sự tự quản, tìm ra nhiều ý nghĩa hơn trong công việc (hoặc tập trung vào phần việc có thể có ý nghĩa), tái định hình công sở như một nơi để học tập, hoặc kết bạn tại công ty nhiều hơn.
Nhưng nếu bạn đã thực hiện những thay đổi to lớn này mà vẫn sợ thức dậy mỗi sáng, chúng tôi có một từ để khuyên bạn đây: nghỉ. Cuộc đời quá ngắn để hao tốn suốt tám tiếng đồng hồ (hoặc hơn) mà không thấy có một chút động lực nào.
GHI CHÚ BỎ TÚI