Cảm xúc là một đại lượng của phương trình: Vì sao quyết định tốt cần sự phân tích cảm xúc kỹ càng
LIZ: Bốn năm trước, tôi được mời vào làm ở vị trí tổng biên tập tại Genius, một công ty âm nhạc - truyền thông khi ấy hãy còn non trẻ. Sau khi niềm vui sướng tột độ vì “Có công ty nhận mình!” qua đi, tôi liền rơi vào trạng thái trầm uất rối bời. Nhận vị trí ấy đồng nghĩa với việc trong chưa đầy hai tuần nữa tôi phải chuyến đến New York. Ngày ấy, tôi đang sống tại San Francisco, trong một căn hộ có giá thuê ổn định, anh chàng tôi “cảm nắng” vừa chính thức ngỏ ý hẹn hò, và tôi cũng khá hài lòng với công việc bấy giờ. Với ba ngày ngắn ngủi để cân nhắc lời đề nghị này, tôi hoang mang tìm đến sự tư vấn của bạn bè, người hướng dẫn, thậm chí của những tài xế Uber hay bất cứ ai chịu lắng nghe. Tôi còn hiện nguyên hình là một cử nhân kinh tế với việc điên cuồng hoạch định những viễn tưởng có thể xảy ra, bạo hành một cách quá khích cụm từ “chi phí cơ hội”. Những bài phân tích toàn diện của tôi chính xác là không dẫn tôi đến kết luận nào cả. Dựa trên những chuẩn đo mà tôi đã chọn, không có lựa chọn nào là thật sự tốt hơn cái còn lại.
Nhưng tôi vẫn phải đưa ra quyết định. Thế là, dù đi ngược lại mọi thứ thuộc về sở học và nền tảng con người thuần lý trí trong tôi, tôi đã đi theo cảm xúc của mình. Trước tiên, tôi mường tượng cuộc sống của mình nếu vẫn bám trụ với bờ Tây nước Mỹ. Tôi cảm thấy một cơn đau nhói của sự tiếc nuối thoảng qua. Rồi tôi tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nhận công việc này: ngày đầu tiên đi làm sẽ ra sao, hòa nhập với đồng nghiệp như thế nào, sự kỳ thị của người New York mà tôi chắc chắn sẽ gặp khi tôi nhai chiếc bánh quy pretzel bán ở những quầy ven đường19. Tim tôi bỗng đập rộn ràng – tôi vừa hào hứng, vừa căng thẳng lại vừa phấn khích. Tôi bèn quyết định nhận công việc này.
19 Ở New York, những quầy đồ ăn vặt ven đường thường chỉ bán những món ăn bình thường, không có mùi vị thơm ngon và không phản ánh được nét đặc sắc của ẩm thực New York, nên chỉ thu hút sự chú ý của dân du lịch. Người New York chuộng món bánh bagel, nên việc tác giả mua bánh pretzel ở các sạp này sẽ khiến họ biết ngay cô không phải người ở đây. (ND)
Trong hai năm tiếp theo đó, Genius trải qua vô vàn thay đổi mạnh mẽ, vài đợt tái cấu trúc và một cuộc khủng hoảng bản sắc. Thật khó khăn. Đội ngũ của chúng tôi đã làm việc cật lực (và thường theo một phương cách độc đáo). Chúng tôi ngủ lại văn phòng, trao đổi những bức email dài hàng ngàn chữ để tranh luận về việc website công ty phản ánh trung thực triết lý samurai Nhật Bản như thế nào, chọn lựa các bài viết marketing hay nhất thông qua một cuộc thi tên “Pitch Idol” (“Cây bút thần tượng”, đây là cuộc thi có thưởng), và liên tục phản hồi lại những tin nhắn chứa đầy biểu tượng cảm xúc và ảnh động của người dùng. Sau tất cả, tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình.
Dù rằng việc phó mặc cho cảm xúc trước một quyết định thay đổi cuộc đời như thế này nghe có vẻ cực kỳ thiếu lý trí, nhưng các nghiên cứu khoa học (và kinh nghiệm cá nhân tôi!) lại cho thấy đây không hề là một chiến lược tồi. Trong chương này, bạn sẽ thấy một loạt nghiên cứu khẳng định rằng những phán đoán tốt nhất và phương hướng giải quyết vấn đề sáng suốt nhất đều có liên hệ mật thiết với cảm xúc. Trên thực tế, nếu triệt để gạt bỏ cảm xúc trong phương trình quyết sách, thì nghiệm phương trình bạn nhận được sẽ tai hại cực kỳ.
GIỮA NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI
Lắng nghe tiếng gọi con tim là một phương pháp thuộc về khoa học. Khi đưa ra quyết định, ta có xu hướng cho rằng việc phân tích bằng lý lẽ mới là chân lý, còn “tiếng lòng” chỉ là sự giả trá mà thôi. Nhưng lý do khiến cảm xúc của chúng ta chịu tai tiếng là bởi vì ta không biết cách lý giải chúng. Đó là tiền đề cho quy tắc thứ ba về cảm xúc nơi làm việc ra đời: Cảm xúc là đại lượng của phương trình này. Có thể đến cuối cùng bạn sẽ chọn phớt lờ cảm xúc, nhưng bạn nên công nhận là nó có tồn tại. Trong một thí nghiệm nọ, những người thuật lại rằng họ cảm thấy được cảm xúc của mình lên đến cao trào (bất kể tốt hay xấu) tại thời điểm đưa ra quyết định là những người đưa ra các lựa chọn đầu tư sáng suốt nhất – ngay cả khi họ khôngđi theo “tiếng lòng”. Thay vào đó, họ cân nhắc những cảm xúc của mình, suy nghĩ thật kỹ xem cảm xúc nào là dấu chỉ, và rồi họ điều hòa những yếu tố còn lại. Nói cách khác, việc chú tâm vào mọi cảm xúc của bạn sẽ giúp bạn kiểm soát chúng hiệu quả hơn, chứ không phải chiều ngược lại.
Khi bàn về việc đưa quyết sách, người ta có xu hướng cho rằng việc cảm thấy một điều gì đó và hành động dựa trên cảm xúc đó là như nhau: rằng khi ta mở cửa xả lũ tâm hồn, ta sẽ bị ngọn sóng xúc cảm nuốt trọn.
Nhưng cảm xúc không phải những dấu hiệu thần bí; chúng dựa trên chuyên môn, kinh nghiệm và quy trình xử lý thông tin tức thời (nhà tâm lý William James dùng thuật ngữ “tri thức cảm nhận” để chỉ khái niệm tiếng lòng). Bạn có từng được linh cảm mách bảo về một điều gì đó mà chính bạn cũng không lý giải được chưa? Những cảm xúc ấy có thể giúp bạn thu hẹp lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên của những lựa chọn ấy. Giả sử bạn đang nộp đơn xin việc. Nếu viễn cảnh trở thành một chuyên viên marketing khiến bạn khiếp hãi, có lẽ bạn sẽ muốn gạch bỏ lựa chọn này khỏi danh sách nghề nghiệp tiềm năng của mình. Và nếu bạn cảm thấy hồi hộp rộn ràng khi tưởng tượng cảnh mình trở thành một nhà khoa học dữ liệu, thì đó là một dấu hiệu quan trọng không kém về con đường tương lai bạn nên theo đuổi.
Một nguyên do khác để bạn tìm đến sự mách bảo của cảm xúc khi đưa ra quyết định là vì: Bạn vốn luôn làm vậy. Việc đưa ra quyết định thuần lý trí là bất khả thi. Ngay cả việc đơn giản như có cần cài dây an toàn không cũng bị chi phối bởi phần não điều khiển cảm xúc. Thật dễ lập luận rằng “Tôi cài dây an toàn vì tôi muốn đảm bảo an toàn” là một quyết định không hề xuất phát từ cảm xúc, nhưng thực ra quyết định này được xuất phát từ nỗi sợ hợp lý về một tai nạn chết người.
Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về cách phân tích các bình diện cảm xúc, đào sâu vào những điểm khác biệt giữa cảm xúc hữu ích và vô ích, xem xét một ví dụ cực kỳ quan trọng về việc lựa chọn không nên dính líu với cảm xúc, và thảo luận cách đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên xu hướng cảm xúc của cá nhân.
NÊN GIỮ GÌ VÀ BỎ GÌ?
Không phải cảm xúc nào cũng có sức nặng như nhau. Tin tưởng hoàn toàn vào mọi thứ bộ não gửi đến cho bạn mà không suy xét kỹ càng là rất nguy hiểm. Các nhà tâm lý học phân biệt rạch ròi giữa cảm xúc thích đáng và cảm xúc không thích đáng.
Có một quy tắc kinh nghiệm đúng đắn là: Cảm xúc thích đáng thì giữ lại, cảm xúc không thích đáng thì bỏ đi. Khi bạn đang đưa ra quyết định, hãy tự vấn: “Tôi cảm thấy thế nào?”. Hãy dán nhãn cảm xúc của bạn và phân loại chúng thành “thích đáng” hoặc “không thích đáng”. Nếu bạn cảm thấy lo lắng trước một quyết định, hãy suy nghĩ thật kỹ xem liệu chính quyết định đó khiến bạn rơi vào lo âu, hay tinh thần của bạn đang bị ngăn trở, ví dụ, vì một màn thuyết trình quan trọng mà bạn sắp phải thực hiện. Khả năng phân biệt hai loại cảm xúc này sẽ tạo tiền đề cho bạn có những quyết định đúng đắn.
MOLLIE: Rất nhiều lần tôi đã ra quyết định dựa trên cảm giác nhất thời (như mệt mỏi hay đang đói) thay vì dựa trên sự cân nhắc rằng tôi sẽ cảm thấy thế nào trong tương lai với các quyết định ấy. Chẳng hạn, tôi thường gặp khó khăn trong việc tự đông viên mình đi giải khuây với đồng nghiệp sau giờ làm. Khi được mời, tôi luôn muốn đi. Nhưng khi kim giờ càng nhích về con số sáu, tôi thường đã mệt mỏi và đói bụng. Những cảm xúc không thích đáng này khiến tôi chỉ muốn đi thẳng về nhà để, thứ nhất là để ăn tối (tôi thích ăn tối vào giờ “truyền thống” là sáu giờ rưỡi) và thứ hai là để được thả mình trong không gian tĩnh lặng (liều thuốc thần cho mọi tâm hồn hướng nội). Nhưng tôi biết rằng nếu tôi chịu đi chơi với đồng nghiệp, tôi sẽ vui vẻ hơn và gắn kết với họ hơn. Tôi phải tự nhắc nhớ rằng mình không được để những cảm xúc không thích đáng lấn lướt cảm xúc thích đáng (tức niềm vui tôi sẽ có trong tương lai).
Cảm xúc thích đáng
Hãy xem những cảm xúc này như hệ thống kênh rạch trong nội tâm của bạn. Khi tưởng tượng ra các viễn cảnh khác nhau tùy theo mỗi lựa chọn của mình, từng viễn cảnh sẽ gắn liền với một cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ, Liz cảm thấy phấn khởi khi nghĩ về việc chuyển tới New York, dấu chỉ cảm xúc đó cho thấy rằng đây là một lựa chọn không tồi.
Cảm xúc thích đáng cũng giống như một loại tiền tệ chung giúp chúng ta đo lường giá trị của các lựa chọn hệt như cách ta so sánh giá cả của táo và cam. Đôi khi bạn sẽ phải đưa ra lựa chọn giữa những phương án không thể so sánh một cách rõ ràng (chẳng hạn như “tôi nên học luật, hay nên trở thành giáo viên yoga?”). Trong các trường hợp này, cảm xúc của bạn về từng phương án có thể hữu ích khi mà bảng liệt kê những điều lợi - hại của bạn đã không còn hiệu lực.
Cảm xúc thích đáng cũng kéo dài hơn so với cảm xúc không thích đáng, vậy nên nếu cảm xúc của bạn vẫn không thay đổi sau vài giờ hoặc vài ngày, có thể đó chính là cảm xúc thích đáng. Sau đây là một vài cảm xúc thích đáng thường có và cách để đánh giá chúng (một vài loại cảm xúc có thể vừa thích đáng vừa không thích đáng, nhưng những cảm xúc chúng tôi liệt kê ra đây là những ví dụ tiêu biểu nhất của một trong hai loại):
Trông mong
Cảm xúc này muốn mách bảo rằng: Nếu có lựa chọn cụ thể nào khiến bạn sục sôi ngọn lửa nhiệt huyết, có thể đó là dấu hiệu cho thấy bạn nên cân nhắc lựa chọn này. Nói là nói thế, bạn vẫn nên bắt đầu theo dõi xem liệu sự trông mong của mình có thực là một dấu chỉ đáng tin không. Nhà tâm lý học Daniel Kahneman20 khuyên ta nên có một cuốn sổ tay quyết định: Khi đối diện với một lựa chọn nào đó, hãy ghi ra chính xác những gì mà bạn kỳ vọng sẽ xảy ra và lý do tại sao các viễn cảnh đó lại khiến bạn hào hứng. Phương pháp này sẽ giúp bạn đánh giá xem liệu sự trông mong của mình có chính xác không – đồng thời giúp bạn điều chỉnh cách xử lý cảm xúc khi đưa ra quyết định trong tương lai.
20 Daniel Kahneman là nhà tâm lý học người Mỹ gốc Israel, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002. Ông là tác giả cuốn Thinking, Fast and Slow (Tư duy nhanh và chậm). (BT)
Lo lắng
Cảm xúc này muốn mách bảo rằng: Nỗi lo cũng chứa đựng một tin tốt lành, đó là bạn sẽ cảm thấy lo lắng nhất về một quyết định nào đó khi mà các phương án để bạn chọn đều là phương án tốt. Các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là “nghịch lý thắng-thắng” (các nhà khoa học thần kinh nhắc đến nó như là “sự tương liên về mặt thần kinh với những Vấn đề của Thế giới thứ nhất21”). Không phải chúng tôi đang cố xem nhẹ nỗi lo của bạn – một lựa chọn khó khăn chính là một lựa chọn khó khăn – nhưng hy vọng rằng điều này sẽ giúp bạn nhìn ra mặt tích cực của vấn đề.
21 Những Vấn đề của Thế giới thứ nhất (First World problems) là một thuật ngữ không chính thức được dùng rộng rãi để chỉ những vấn đề không quá nghiêm trọng nhưng ai đó vẫn phàn nàn bởi họ không có mối lo nào cấp bách hơn. (BT)
Để có thể khai thác nỗi lo theo chiều hướng có lợi, bạn phải hiểu rõ nguồn cơn cớ sự của nó. “Lo âu là nỗi sợ rằng nhiều thứ đáng sợ hơn sẽ ập đến. Gốc rễ của nó nằm ở nhu cầu kiểm soát mọi thứ xung quanh ta để giữ cho thực tại của ta luôn an toàn và minh bạch”, nhà khai vấn Justin Milano22 giải thích. Một cách hiệu quả để phân biệt giữa nỗi sợ và nỗi lo chính là: nỗi sợ là nhất thời, còn nỗi lo thì kéo dài ngày này sang tháng nọ.
22 Justin Milano là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Abroad, một công ty chuyên về khai vấn, giáo dục và nghiên cứu. (BT)
NGỌN SÓNG LO ÂU CỦA HOKUSAI23
23 Mô phỏng tác phẩm “The Great Wave off Kanagawa” của danh họa người Nhật Katsushika Hokusai. (BT)
Bước đầu tiên là xác định xem bạn đang cố kiểm soát điều gì. Milano khuyên chúng ta tự hỏi mình, “Ta đang hướng về sự kỳ vọng, ý tưởng hay kết quả nào? Một nhà đầu tư cụ thể chăng? Hay một vị khách hàng nào đó? Hoặc là sự vận hành của một dòng sản phẩm nhất định?”. Một khi đã khám phá được mình có xu hướng gắn bó với điều gì, ta có thể tận dụng nỗi lo lắng theo cách hiệu quả hơn. “Tốt hơn cả là ta nên nhận thức được sự quyến luyến của mình với một kết quả nhất định, tháo gỡ sự cố chấp của bạn về nó và dùng sức sáng tạo để mở ra một con đường mới dựa trên tình hình thực tế”, Milano chia sẻ. Chẳng hạn, Mollie từng rất lo lắng về việc làm hài lòng đối tác, nhưng rồi cô hiểu ra rằng chính cảm giác được trọng dụng mới là khát khao ẩn sau nỗi lo âu này. Giờ đây cô luôn chủ động hỏi khách hàng rằng: “Tôi có thể làm gì để giúp ích hơn cho anh chị?”.
Milano đã phát triển một bài tập gồm năm câu hỏi nhằm giúp bạn khám phá ra thông điệp của nỗi lo, cũng như cách khiến chúng trở nên hữu dụng:
Bài tập này sẽ giúp bạn chuyển từ kiểu phản ứng dựa trên nỗi sợ sang kiểu phản ứng dựa trên cách giải quyết vấn đề và sự sáng tạo.
Tiếc nuối
Cảm xúc này muốn mách bảo rằng: Hãy đứng về phía lựa chọn mà bạn nghĩ rằng sẽ giảm thiểu nỗi hối tiếc. Các nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky đã phát hiện rằng trong mọi loại cảm xúc, thì nuối tiếc là thứ con người ta muốn tránh nhất. “Khi được hỏi về cách đưa ra những quyết định lớn trong đời, Amos thường nói rằng chiến thuật của ông chính là hình dung xem mình sẽ hối hận vì điều gì sau khi thực hiện một lựa chọn, và sau đó thì chọn thứ khiến mình ít nuối tiếc nhất”, Michael Lewis đã viết như vậy trong cuốn sách The Undoing Project (tạm dịch: Dự án chưa thực hiện). “Về phần Danny, ông lại hình tượng hóa sự tiếc nuối. Danny sẽ kháng cự lại sự thay đổi những chuyến bay đã đặt chỗ trước, ngay cả khi điều đó giúp cuộc sống của ông dễ dàng hơn, bởi ông đã tưởng tượng ra nỗi hối tiếc của mình nếu thay đổi đó dẫn đến một thảm họa nào đó”.
MOLLIE: Tôi thường sử dụng mánh này khi đưa ra quyết định. Trước lúc học cao học, tôi tự hỏi: “Mười năm nữa mình sẽ thấy hối hận hơn vì đã học hay vì đã không học cao học?”. Phương pháp này cũng áp dụng được trong các mối quan hệ. Tôi từng hỏi bạn mình rằng: “Một năm sau nhìn lại, bạn sẽ hối hận vì vẫn còn ở bên anh chàng này, hay vì đã chia tay với anh ta?”. Nó hiệu quả bởi nó buộc bạn phải hình dung tương lai mà mình mong muốn, và trong tương lai giả định đó, ta sẽ tỏ tường: Tôi có dùng đến bằng cao học không? Anh chàng này có còn khiến tôi hạnh phúc?
Dù ta có xu hướng thích giữ nguyên hiện trạng, nhưng các nghiên cứu cho thấy sự thay đổi có thể khiến ta hạnh phúc hơn. Trong một thử nghiệm nọ, Steven Levitt – tác giả cuốn Freakonomics (Kinh tế học hài hước) – đã yêu cầu những người đang lưỡng lự trước một lựa chọn trọng đại trong đời (như nghỉ việc hay kết thúc một mối quan hệ) hãy tung đồng xu để quyết định phận số của mình. Mặt ngửa là thay đổi. Mặt sấp là giữ nguyên. Sáu tháng sau sự kiện tung đồng xu, những người tung được mặt ngửa – tức chọn thay đổi – đã hạnh phúc hơn. “Con người thường quá cẩn trọng trước những lựa chọn thay đổi cuộc đời”, Levitt viết.
Đố kỵ
Cảm xúc này muốn mách bảo rằng: “Khi bạn ghen tị với một người, bạn nhận ra rằng người đó có thứ mà bạn muốn”, Gretchen Rubin, tác giả cuốn The Happiness Project (Dự án hạnh phúc), chia sẻ. “Thời điểm tôi cân nhắc chuyển hẳn từ ngành luật sang viết lách, tôi nhận thấy rằng, khi đọc tin về những cựu sinh viên trường tôi giờ đây đang có một sự nghiệp vững chắc trong ngành luật, tôi chỉ hơi có hứng chút đỉnh; nhưng khi đọc về những người có một sự nghiệp cầm bút lừng lẫy, tôi phát bệnh vì đố kỵ.”
Nỗi tị hiềm sẽ vén mở giá trị của bạn – miễn là bạn thành thật với bản thân. Hầu hết chúng ta cảm thấy xấu hổ khi có lòng ghen tị, thường là bởi vì điều đó ám chỉ người kia giỏi hơn ta ở một điểm nào đó. Nhà nghiên cứu Tanya Menon cũng chỉ ra rằng, phải can đảm lắm ta mới có thể nói: “Tôi ghen tị với Jane, bởi trong công việc này thì cô ấy hoàn toàn cho tôi hít khói”. Lần sau, nếu bạn khao khát một điều gì đó mà người khác có, đừng cố gắng vắt óc gồng cơ để tỏ ra mình không quan tâm. Thành thật với nỗi tị hiềm của mình có thể là dấu chỉ cho thấy bạn cần cải thiện hoặc thay đổi.
Cảm xúc không thích đáng
Con người không bao giờ đưa ra quyết định trong trạng thái trống rỗng về cảm xúc. Ngay cả những việc vặt vãnh như tình cờ tìm được một đồng xu trong máy photo cũng có thể tác động đến cảm xúc, rồi đến quyết định của ta. Nhưng ngay khi ta nhận ra rằng có những cảm xúc không liên đới đến lựa chọn, ta sẽ nhanh chóng loại được chúng. Cách đơn giản nhất để ngăn các dòng cảm xúc không thích đáng công phá cuộc sống của bạn chính là hãy cho mình một khoảng thời gian trước khi ra quyết định. Hãy xem nó như bước sàng lọc những vị khách không mời.
Sự hưng phấn
Cảm xúc này có tác động gì: Sự hưng phấn khiến ta trở nên lạc quan và bốc đồng thái quá. Người trong trạng thái hưng phấn thường cho rằng mình sẽ ít bị bệnh hơn người khác và có xu hướng chi nhiều tiền hơn (đó là lý do vì sao các sòng bài thường lắp đặt ánh sáng cường độ cao và chơi loại nhạc âm thanh lớn để kích thích hưng phấn). Người hưng phấn cũng nghĩ cạn hơn, dễ thiên vị, và giỏi ghi nhớ các thông tin tương thích với trạng thái phấn khích của mình. Ví dụ, nếu bạn đang vui vẻ vì được nhận một khoản thưởng hậu hĩnh, thì khi ngồi xuống để suy xét về một đồng nghiệp, bạn sẽ nhớ nhiều hơn về các kỷ niệm vui vẻ với người đó.
Cách đối phó: Sự hưng phấn và lo lắng là hai mặt của một đồng xu. Cách tốt nhất để kiểm soát cả hai là tìm cách bình ổn cơ thể của bạn. Hãy hít thở bằng mũi (thay vì bằng miệng) để dễ dàng điều hòa cảm xúc hơn, hoặc đi bộ hay chạy một chút.
Nỗi buồn
Cảm xúc này có tác động gì: Khi buồn, chúng ta nhìn ly nước trong trạng thái vơi một nửa (thay vì đầy một nửa). Những nốt trầm cảm xúc khiến chúng ta đánh giá quá cao khả năng những việc xấu có thể xảy đến. Chúng ta đặt kỳ vọng thấp với bản thân và có xu hướng lựa chọn các phương án có hiệu nghiệm tức thời thay vì lâu dài. Nhưng nỗi buồn cũng có thể khiến chúng ta dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo về một quyết định của mình. Và điều đó khá hữu ích – nhưng cũng chỉ ở một mức độ nhất định. Buồn bã sẽ dẫn đến tư lự, và tư lự dễ khiến ta mắc kẹt trong một vòng lặp vô cực của sự phân tích mà cuối cùng sẽ khiến ta không tài nào chọn ra một quyết định hài lòng nhất.
Cách đối phó: Lòng biết ơn có tác dụng trái ngược với nỗi buồn. Nếu bạn đơn giản là không thể xoa dịu nỗi buồn của mình, hãy liệt kê ra ba thứ mà bạn cảm thấy biết ơn. Để lên dây cót tinh thần hiệu quả hơn, hãy viết và tự tay trao một bức thư cảm ơn cho người mà bạn chưa từng bày tỏ sự cảm kích với lòng tốt của họ. So với các biện pháp can thiệp khác, cử chỉ giản dị này chính là cách mang lại niềm vui lớn nhất và lâu bền nhất, ích lợi của nó có thể duy trì hơn một tháng.
Cơn giận
Cảm xúc này có tác động gì: Sự tức giận khiến ta nóng vội, bốc đồng. Khi tức giận, ta thường lựa chọn “được ăn cả, ngã về không” thay vì phương án an toàn, ta phụ thuộc nhiều vào định kiến và ít chịu nghe lời khuyên bảo. Và nếu bạn là Warren Buffett, cơn thịnh nộ của bạn có thể khiến bạn thất thoát đâu đó chừng 100 tỷ đô-la. Năm 1964, Berkshire Hathaway vẫn còn là một doanh nghiệp dệt may đang lao đao24. Buffett – lúc này đã là một nhà đầu tư tầm cỡ – biết rõ công ty này đang khốn khó nhưng vẫn cho rằng cổ phiếu của nó bị đánh giá thấp trên thị trường. Ông đầu tư vào Berkshire với mong muốn sớm bán lại cổ phiếu của mình cho vị CEO đương nhiệm là Seabury Stanton để thu hồi vốn nhanh. Nhưng khi Stanton đưa ra mức giá thấp hơn so với thỏa thuận ban đầu, Buffett đã nổi đóa. Thay vì chấp nhận khoản tiền lãi thấp hơn một chút, ông đã khởi động một chiến dịch thâu tóm kéo dài cả năm, bằng cách thu mua dần dần cổ phiếu cho đến khi đủ quyền “hất cẳng” Stanton. Chỉ vì cái “quyết định cực kỳ ngớ ngẩn” này, Buffett phải dành hai thập niên sau đó để đổ tiền vào công ty dệt may trên đà phá sản này – trước khi từ bỏ việc đó. Nếu ông bơm tiền vào một vụ đầu tư tốt hơn, giá trị của Berkshire Hathaway đã có thể cao hơn hiện tại tận 100 tỷ đô-la.
24 Khi đó có tên là Valley Falls. (BT)
Cách đối phó: Hãy bình tĩnh và hít một hơi thật sâu để ngăn bản thân đưa ra một quyết định hấp tấp. Và đừng vội vàng bác bỏ các lời khuyên. Những nhà nghiên cứu đã yêu cầu các tình nguyện viên xem một trong hai video họ chuẩn bị sẵn trước khi thực hiện một nhiệm vụ đánh giá tâm lý: một video nhẹ nhàng của kênh National Geographic quay lại cảnh đàn cá tung tăng bơi lội trên rặng san hô Great Barrier và một video đáng phẫn nộ quay cảnh một cậu trai trẻ bị bắt nạt – cắt từ phim My Bodyguard (Vệ sĩ của tôi). Những ai xem video đầu có xu hướng chấp nhận các hướng dẫn hữu ích để giúp họ phán đoán, trong khi những người được xem video thứ hai có xu hướng hoài nghi với các lời khuyên; trên thực tế có ba phần tư số người xem đoạn cắt từ phim My Bodyguard đã lờ tịt những gợi ý hữu dụng và vì thế đã đưa ra các phán đoán tệ hơn.
Căng thẳng
Cảm xúc này có tác động gì: Có vẻ sự căng thẳng tác động lên quyết định của nam giới và nữ giới theo những cách khác nhau. Dưới cùng một áp lực nào đó, trong khi đàn ông đưa ra những lựa chọn có phần mạo hiểm, thì phụ nữ có xu hướng lựa chọn phương án ít rủi ro hơn.
Cách đối phó: Đừng manh động! “Khi căng thẳng, bạn có khuynh hướng đi thẳng từ câu hỏi Tôi phải làm gì? đến kết luận Ít nhất tôi phải làm gì đó”, nhà tâm lý học Therese Huston chia sẻ. Những khác biệt về giới tính cũng chỉ ra lợi ích của các nhóm đa dạng. Nhà nghiên cứu Nichole Lighthall giải thích: “Sẽ tốt hơn nếu có sự đa dạng giới tính trong việc đưa ra các quyết sách quan trọng, vì nam giới và nữ giới thường đưa ra những góc nhìn khác nhau. Cẩn trọng và đầu tư thời gian vào việc quyết định thường sẽ dẫn đến các lựa chọn đúng đắn”.
TUYỂN DỤNG
Một lưu ý quan trọng khi áp dụng nguyên lý “Cảm xúc là đại lượng của mọi phương trình” chính là: Đừng bao giờ phụ thuộc vào trực giác khi tuyển dụng. Ngày nay, cảm xúc đang chiếm vai trò quá lớn trong quy trình tuyển dụng. Hơn ba phần tư số người làm việc trong mảng tuyển dụng thuộc ngành luật, tài chính và tư vấn thừa nhận rằng họ quyết định dựa trên sự mách bảo của trực giác (“Tuyển dụng cũng giống như hẹn hò vậy”, một chủ ngân hàng giải thích, như thể hẹn hò chưa bao giờ là một trận chiến hỗn loạn vậy). Chúng ta cũng vội vàng trong phán quyết: Các nghiên cứu chỉ ra rằng một buổi phỏng vấn thực chất chỉ có giá trị trong mười giây đầu tiên. Một khi nhà phỏng vấn đã đưa ra nhận định ban đầu, họ sẽ dùng cả cuộc đối thoại, trao đổi sau đó chỉ để xác nhận lại nhận định đó. Vấn đề của việc phụ thuộc vào cảm xúc trong các quyết định tuyển dụng chính là rốt cuộc ta sẽ tuyển những người khiến mình dễ chịu.
Sao lại không nên thuê người khiến mình dễ chịu cơ chứ? Bởi vì sự sáng sủa mà chúng ta cảm nhận được khi trò chuyện với ai đó không liên quan mấy đến việc liệu họ có phải là người tốt nhất (hoặc có làm được việc) cho công việc không. Chúng ta đánh giá những người giống hoặc có điểm tương đồng với mình cao hơn người còn lại. (Bạn cũng đến từ Atlanta ư? Quê tôi ở Atlanta đấy!). Vậy nên, khi tuyển dụng bằng trực giác, ta sẽ có xu hướng “tuyển vì thích, thích thì tuyển”, Patty McCord – trưởng bộ phận Nhân sự tại Netflix trong mười bốn năm, chia sẻ. Và trên thực tế, dấu chỉ tốt nhất về việc một ứng viên sẽ được đánh giá tích cực như thế nào nằm ở việc họ tương đồng ra sao với nhà tuyển dụng. Trong phần này, chúng ta sẽ phân tích tại sao việc tin vào cảm xúc trong tuyển dụng sẽ dẫn đến quyết định sai lầm, đồng thời tìm hiểu cách thức tuyển dụng dựa trên thực lực.
Việc chúng ta có định kiến về một vài nhóm người dẫn đến thái độ phân biệt đối xử trong âm thầm và vô thức không còn là điều xa lạ. Phụ nữ thường gặp khó khăn khi gia nhập các lĩnh vực mà cánh đàn ông thống lĩnh, đồng thời đàn ông cũng không thường ứng tuyển vào những vai trò được cho là đậm tính nữ. (Một mẩu quảng cáo tuyển dụng đã cố gắng hạ bệ định kiến này bằng nội dung: “Bạn có đủ nam tính để trở thành y tá?”). Phụ nữ da màu có thể phải đối mặt với khó khăn còn lớn hơn. Phụ nữ da đen gặp nhiều áp lực phải liên tục tự thể hiện bản thân, và nếu phụ nữ Mỹ Latinh bày tỏ phong thái tự tin thì sẽ có nguy cơ bị đồng nghiệp nhìn nhận là “quá đa cảm” hoặc “điên khùng”. Thiên kiến là tiền đề cho những “lời tiên tri tự hoàn thành”: Nếu bạn cho rằng một ứng viên sẽ thất bại – và thái độ của bạn ám chỉ kỳ vọng đó – bạn sẽ vô tình đẩy người đó đến thất bại. Các nhân viên là người thiểu số làm việc cho cấp trên có định kiến với người thuộc nhóm này sẽ thể hiện năng lực kém hơn rất nhiều so với khi làm việc cho những người chủ không thiên vị. Và người da đen thường buộc mình phải tăng ca như một cách để chống lại định kiến cho rằng họ không có kỷ luật nghề nghiệp.
Thật không may, loại trừ hoàn toàn cảm xúc là điều bất khả: cảm xúc sẽ đóng một vai trò nhất định trong quá trình tuyển dụng dù bạn có muốn hay không. Dù vậy, vẫn có rất nhiều việc bạn có thể làm để kìm hãm thiên kiến của mình. Phương án tốt nhất chính là hãy liệt kê tỉ mỉ những kỹ năng mà đội ngũ của bạn còn thiếu nên chưa thể đi đến thành công và kiểm tra một cách khách quan xem các ứng viên có bổ khuyết được cho những yêu cầu đó hay không. “Khi bạn bắt đầu bằng việc xác định vấn đề, bạn sẽ cởi mở hơn trong cách xử lý vấn đề đó”, Patty McCord gợi ý. Quy trình đánh giá giấu mặt, tức là ẩn đi chủng tộc, giới tính và gia cảnh của ứng viên, sẽ buộc người thẩm định phải nhìn vào năng lực ứng viên – tạo nên sự đa dạng trong tuyển dụng. Các dàn nhạc giao hưởng rất nổi tiếng với phương pháp khảo thí đằng sau tấm màn để giảm thiểu định kiến giới. Sau khi áp dụng quy trình tuyển dụng giấu mặt, chương trình The Daily Show đã chiêu mộ thêm nhiều phụ nữ và người thiểu số hơn.
Luôn luôn thực hiện một buổi phỏng vấn bài bản: bắt đầu bằng việc viết ra một danh sách câu hỏi, rồi lập thang bảng điểm có thể giúp bạn nhận xét phản hồi của các đối tượng phỏng vấn công bằng hơn. Công cụ nội bộ của Google có tên qDroid cho phép nhà tuyển dụng lựa chọn công việc và các kỹ năng mà họ muốn tìm kiếm, rồi gửi cho họ những câu hỏi phù hợp. Chẳng hạn: “Hãy kể ra một tình huống mà hành vi của bạn có ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ” hay “Hãy kể một tình huống mà bạn đã dẫn dắt đội ngũ của mình đến thành công. Phương pháp tiếp cận vấn đề của bạn là gì?”. Hãy hỏi các ứng viên những câu hỏi giống nhau; nếu bạn không chuẩn hóa quy trình phỏng vấn, bạn sẽ không thể so sánh các câu trả lời.
Hãy chấm điểm từng phản hồi ngay lập tức và so sánh chúng cùng lúc với nhau. Trí nhớ con người không đáng tin chút nào, nên sau một cuộc phỏng vấn, bạn sẽ có ấn tượng sâu nhất với các câu trả lời gần nhất, có cảm xúc hoặc khôi hài. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bạn chờ phỏng vấn xong mới chấm điểm, là bạn đang dựa vào những sự đánh giá đã bị nhiễu loạn. Khi ngồi xuống đánh giá các ứng viên, hãy xem xét và xếp hạng tất cả các phản hồi cho câu hỏi đầu tiên. Rồi làm điều tương tự cho câu thứ hai, rồi các câu sau nữa. Điều này sẽ ngăn bạn tập trung quá lâu vào một ứng viên và để cho sự thiên vị lẻn vào tâm trí. Bạn cũng có thể bất ngờ bởi điều này: Người mà bạn cho là ứng cử viên sáng giá có thể đã đưa ra một câu trả lời tuyệt hảo, nhưng các câu trả lời còn lại đều nhạt thếch!
Chúng tôi sẽ gửi bạn một cảnh báo cuối cùng về vấn đề không tuân thủ quy trình phỏng vấn bài bản. Giáo sư Đại học Yale, Jason Dana, cùng đồng sự đã yêu cầu hai nhóm sinh viên dự đoán điểm trung bình (GPA) của bạn học họ. Một nhóm chỉ được tham khảo bảng điểm các năm trước và danh sách môn học hiện tại, trong khi nhóm kia được phép thực hiện phỏng vấn. Các sinh viên được quyền phỏng vấn đã đưa ra phán đoán thiếu chính xác hơn một cách đáng kể. Thậm chí, hầu hết họ không nhận ra rằng một vài người được phỏng vấn đã được căn dặn phải đưa ra những câu trả lời vô thưởng vô phạt, hay tệ hơn nữa, hoàn toàn vô lý.
Phương pháp giảm thiểu quyết định thiên kiến trong tuyển dụng:
Thương lượng
Một trong những quyết định trọng đại nhất của chúng ta xoay quanh vấn đề lương bổng, thăng tiến và phân công dự án. Nhưng trước khi tiến hành thương lượng, chúng ta đều trải qua một trận chiến nội tâm khốc liệt. Đôi khi mâu thuẫn nội tâm của ta cực kỳ đơn giản (“Tôi phải xin nghỉ dài ngày để chăm cha bị bệnh.”), nhưng chúng cũng có thể lê thê và mệt mỏi (“Tôi có nên yêu cầu được thăng chức? Tôi là ai mà đòi hỏi điều này?”). Nhà tư tưởng bi quan trong nội tâm ta có thể kìm kẹp khả năng thương thảo hiệu quả – hoặc sẽ thuyết phục ta khỏi đàm phán luôn. Bạn nghĩ đến việc đề xuất tăng lương, và rồi bạn ngay lập tức liệt kê ra một sớ dài những lý do đừng nên làm vậy: Công ty đang khó khăn. Đồng nghiệp cũng nỗ lực hết sức. Bạn sẽ làm mất lòng sếp.
Bị bỏ ngỏ, sự xáo trộn nội tâm này có thể đồng nghĩa với việc bạn đưa ra đề nghị ban đầu quá thấp, hấp tấp đáp ứng sự chào giá và rồi thỏa hiệp với mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp tự tin khác. Vì vậy, trước khi bước vào một cuộc thương thảo, hãy tự thỏa thuận với chính bản thân mình về những gì mình muốn.
Tiếp theo, hãy hiểu rõ phong cách thương lượng của bạn – cũng như cách mà văn hóa và giới tính đã định hình nên phong cách đó. Người thiểu số có xu hướng đề nghị mức lương tương đối thấp trong quá trình thỏa thuận, phụ nữ đồng ý nhận nhiều việc hơn so với đồng nghiệp nam. Nếu bạn dễ bị ảnh hưởng bởi sự tự hoài nghi, hãy tưởng tượng bạn đang thương lượng cho quyền lợi của một người bạn yêu quý. Trong một thí nghiệm nọ, những phụ nữ thương thảo vì quyền lợi bản thân đã đề xuất con số thấp hơn phái mạnh đến 7.000 đô-la. Nhưng khi họ thương lượng cho bạn bè mình, họ yêu cầu một khoản tương đương với phía nam giới. Một phương án “Nếu… thì…” cũng hữu ích: “Nếu bên kia đưa ra đề nghị thấp hơn mức tôi muốn, thì tôi sẽ khẳng định lại quan điểm và hỏi xem còn các đãi ngộ không lương nào khác không”.
MOLLIE: Đây có lẽ là lời khuyên sinh lợi nhất chúng tôi gửi đến bạn: Nếu bạn đang đề xuất một mức lương cao hơn (áp dụng cho cả đề xuất về mức lương khởi điểm và yêu cầu tăng lương), hãy thử câu thần chú này: “Tôi không muốn mức lương của mình trở thành một kẻ quấy rối khi tôi đảm nhận công việc này”. Tôi đã dùng câu nói này để nâng lương thành công trong rất nhiều vị trí tôi từng kinh qua. Bằng cách nói rằng tôi không muốn lương bổng là kẻ quấy rối (ví dụ, thấp đến phát bực), bạn đang khẳng định lại một sự thật mà cả bạn lẫn bên chủ thuê lao động đều ngầm hiểu. Bạn đang thấu cảm chính bản thân lẫn bên còn lại. Họ cũng đâu muốn bạn bị phân tâm.
BẢNG KIỂM TRA KHI RA QUYẾT ĐỊNH
Bảng kiểm tra công việc cần làm chính là chiếc phao cứu sinh: Sau khi các phi công và bác sĩ phẫu thuật bắt đầu áp dụng bảng kiểm tra công việc để đảm bảo họ không bỏ qua các bước quan trọng, thì tai nạn, tỷ lệ nhiễm trùng và số ca tử vong đều giảm mạnh. Trong phần này, chúng tôi đã soạn thảo một danh sách kiểm “quản lý tâm trí của bạn”. Tất nhiên chúng tôi không thể phác họa hoàn hảo một danh sách các bước thực hiện cho từng quyết định cụ thể của bạn, nhưng việc đánh dấu hoàn thành từng bước cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn ngăn chặn những sai lầm dễ mắc.
Trước tiên, thân gửi những người bạn mỗi tối đều tua lại một dãy các quyết định tệ hại mình từng đưa ra, hãy nghe tôi: Cuộc sống ngập tràn sự bất định. Bạn vẫn có thể sai ngay cả khi quy trình bạn làm là đúng. Bạn có thể dự đoán chính xác xác suất lật được mặt sấp và ngửa của một đồng tiền là như nhau, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn chắc chắn rằng mình sẽ tung ra mặt ngửa. Vậy nên, đừng quá khắt khe với chính mình nếu mọi chuyện không như mong muốn.
☑ Viết ra các phương án. Nếu bạn chỉ ghi được hai hướng đi, hãy dành thời gian suy nghĩ xem còn phương án nào thay thế không. Lựa chọn thường không mang tính nhị nguyên. Khi bạn giới hạn sự lựa chọn của mình về “Có” hoặc “Không”, A hoặc B, bạn khiến cái giá của vụ đặt cược trở nên cao hơn thực tế. Vậy nên nếu bạn liệt kê hai phương án “Giữ công việc hiện tại” và “Đổi việc”, hãy nghĩ xem bạn có thể cơi nới số lựa chọn của mình bằng cách bổ sung “Giữ công việc hiện tại và yêu cầu được thăng chức” hay không nhé.
☑ Liệt kê mọi cảm xúc bạn đang trải nghiệm. Bạn có đang bực tức? Sợ hãi? Thèm cà phê quá độ?
☑ Điều chỉnh và trung hòa những cảm xúc không thích đáng.
☑ Kết nối các cảm xúc thích đáng còn lại với từng lựa chọn cụ thể. Hãy để ý xem có cảm xúc nào đặc biệt gắn bó với một lựa chọn cụ thể không. Bạn hào hứng nhất khi nghĩ đến phương án A? Bạn sợ mình sẽ hối hận nếu chọn B?
☑ Hãy hỏi “Cái gì”, đừng hỏi “Vì sao”. Hãy so sánh giữa “Tại sao bạn sợ?” với “Bạn sợ hãi điều gì?”. Bạn sẽ dễ dàng trả lời câu đầu tiên bằng những lời biện hộ hời hợt (“Bởi tôi chẳng bao giờ dám thử gì mới.”), nhưng câu hỏi thứ hai sẽ buộc bạn phải phân tích các cảm xúc cụ thể của mình đối với một quyết định trước mắt. “Câu hỏi ‘vì sao’ sẽ hướng ta đến với những hạn chế cá nhân; câu hỏi ‘cái gì’ giúp ta nhìn ra tiềm năng mình có. Câu hỏi ‘vì sao’ khuấy động cảm xúc tiêu cực; câu hỏi ‘cái gì’ khiến ta hứng thú”, theo nhà tâm lý học Tasha Eurich.
☑ Nhận ra xu hướng đưa quyết sách của bạn. Hai dòng mô tả dưới đây, dòng nào phù hợp với bạn hơn?
Nếu chọn 1, bạn là người có xu hướng tối ưu. Nếu chọn 2, bạn là người dễ thỏa mãn. Người dễ thỏa mãn thường rất hài lòng với quyết định của mình, ngay cả khi khách quan mà nói thì người tìm kiếm sự tối ưu thường chọn được phương án tốt hơn. Ví dụ, người tìm kiếm sự tối ưu có xu hướng chọn công việc trả lương hậu hĩnh, nhưng lại ít hài lòng với quyết định của mình vì họ luôn bị níu lại bởi những sự lưỡng lự, đa đoan, chẳng đi đến đâu của mình.
Hỡi những người tìm kiếm sự tối ưu, sau đây là các chiến thuật gỡ rối cho bạn:
GHI CHÚ BỎ TÚI