Khu vực tiền tệ tối ưu nhất chính là thế giới.
- Robert A. Mundell, Chủ nhân giải Nobel Kinh tế -
Tôi chưa đọc đề xuất của Thống đốc. Nhưng theo tôi hiểu nó là một đề xuất được thiết kế nhằm mục đích thúc đẩy nhu cầu sử dụng quyền rút vốn đặc biệt của IMF… À, và… à… Chúng tôi thực sự chào đón ý tưởng đó.
- Timothy Geithner, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ -
IMF đã tinh chỉnh, xác định lại mục tiêu và bổ sung bộ công cụ của mình.
- Christine Lagarde, Giám đốc Điều hành IMF -
MỘT THẾ GIỚI
Gặp Tiến sĩ Min Zhu là thấy được tương lai của nền tài chính toàn cầu. Ông nổi bật trong đám đông, thân hình cao gần 2 mét của ông khiến các chuyên gia tài chính nhớ đến hai trong số những chủ nhà băng quyền lực nhất thế giới cuối thế kỷ XX, Paul Volcker và Walter Wriston, hai người đàn ông thống trị cả một căn phòng không chỉ bằng trí tuệ mà cả thân hình đồ sộ. Min Zhu không thuộc về thế kỷ XX, ông là người của thế kỷ XXI, và thật khó để tìm ra nhân vật nào có thể qua mặt ông trong việc đại diện cho những thế lực mâu thuẫn – Đông và Tây, vàng và giấy, nhà nước và thị trường – đang luồn lách khắp thế giới ngày nay.
Min Zhu là Phó Giám đốc Điều hành của IMF, một trong những vị trí cao nhất ở IMF, báo cáo trực tiếp với Giám đốc Điều hành Christine Lagarde. IMF là một trong những định chế chủ chốt được thành lập tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944, hội nghị đã kiến tạo nên bộ khung cho hệ thống tiền tệ quốc tế sau dư âm của cuộc Đại suy thoái xảy ra khi Chiến tranh Thế giới II sắp kết thúc. Kể từ khi thành lập đến nay, IMF vẫn là điều bí ẩn lớn nhất của tài chính toàn cầu.
IMF khá công khai về những hoạt động và mục tiêu của mình. Vậy nhưng các chuyên gia vẫn chỉ hiểu được rất ít về tổ chức này, một phần vì vai trò độc nhất vô nhị mà họ đảm trách và những biệt ngữ thuần chuyên môn mà họ sử dụng trong quá trình thực thi vai trò đó. Tham gia các khóa đào tạo Đại học chuyên ngành tại những học viện như trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến ở Washington, D.C., là một cách điển hình để giành được tấm vé vào IMF. Sự kết hợp giữa cởi mở và mờ ám quả là hấp dẫn đến mức khiến người ta quên cả nghi ngờ. IMF là tổ chức không minh bạch một cách minh bạch(14).
14 Nguyên văn: “IMF is transparently nontransparent.”
Nhiệm vụ của IMF đã thay đổi nhiều lần trong những thập kỷ qua, kể từ thời Bretton Woods. Trong những năm 1950 và 1960, IMF là người coi sóc bản vị vàng với tỉ giá trao đổi cố định và một nhà cho vay bắc cầu (swing lender) đối với các nước gặp khó khăn trong cán cân thanh toán. Những năm 1970, nó là một diễn đàn cho cuộc chuyển đổi từ bản vị vàng sang tỉ giá hối đoái thả nổi, tham gia vào những vụ bán vàng khổng lồ theo yêu cầu của Hoa Kỳ để góp phần kìm hãm giá cả. Trong những năm 1980 và 1990, IMF giống như một bác sĩ khám bệnh tại nhà, kê những toa thuốc tồi dưới dạng những lời có hại, thiếu chính xác cho các nền kinh tế mới nổi. Vai trò này đã kết thúc đột ngột với máu đổ trên đường phố Jakarta, Seoul và rất nhiều người bị giết do hậu quả của việc IMF sai lầm trong cách xử lý cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 1997 - 1998. Đầu những năm 2000 là thời kỳ “trôi dạt”, trong đó nhiệm vụ của IMF không rõ ràng và các chuyên gia cho rằng tổ chức này đã tồn tại lâu hơn so với tính hữu dụng của nó. IMF trỗi dậy vào năm 2008 với tư cách là thư ký không chính thức và là cánh tay phải của G20, điều phối các phản ứng chính sách đối với cuộc khủng hoảng tài chính trong năm đó. Ngày nay, IMF đã tận dụng được vai trò mới là nhà cho vay toàn cầu của phương sách cuối cùng: Nó đã trở thành ngân hàng trung ương của thế giới.
Min Zhu nắm giữ vị trí cao nhất mà một công dân Trung Quốc từng ngồi vào tại IMF, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, ba trụ cột đa phương của hệ thống tiền tệ quốc tế. Sự nghiệp của ông là hiện thân xúc tích nhất cho sự trỗi dậy về mặt tài chính của Trung Quốc. Ông tốt nghiệp năm 1982 tại Đại học Phúc Đán (Fudan University) ở Thượng Hải, một trong số những trường tinh hoa của Trung Quốc. Ông nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học ở Hoa Kỳ trước khi trải qua nhiều công việc khác nhau tại Ngân hàng Thế giới và bộ phận quốc tế của Ngân hàng Trung Quốc. Năm 2009, ông trở thành Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương của Trung Quốc. Tháng 5 năm 2010, ông được đích thân Dominique Strauss-Kahn, người sau này trở thành người đứng đầu IMF, chọn làm cố vấn đặc biệt cho mình. Cuối năm 2011, Christine Lagarde – người kế nhiệm Strauss-Kahn – chọn ông làm Phó Giám đốc Điều hành IMF.
Ông Zhu có một thái độ thoải mái và hài hước, nhưng khi say sưa với một chính sách mà ông ủng hộ, ông có thể đột ngột cao giọng như thể đang thuyết giảng cho sinh viên hơn là tham gia vào cuộc tranh luận. Thứ tiếng Anh của Zhu rất xuất sắc, nhưng phong cách nói chuyện nhỏ nhẹ của ông đôi khi lại hơi khó nghe. Tiểu sử nghề nghiệp của ông rất độc đáo: Ông đã đảm nhận những vị trí cao nhất tại một ngân hàng trung ương dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc và những vị trí cao nhất của IMF, một định chế nhìn bề ngoài luôn cam kết thúc đẩy thị trường tự do và tài khoản vốn mở.
Vị trí của Zhu tại IMF khiến ông liên tục phải đi công cán khắp thế giới, thuyết giảng tại các trường Đại học, tham dự các hội nghị tầm cỡ quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. Các ngân hàng tư nhân và quan chức Chính phủ khao khát tìm kiếm lời khuyên của ông ở trụ sở chính của IMF tại Washington, D.C. lẫn bên lề các hội nghị thượng đỉnh G20, và các thành viên của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản cũng làm y hệt trong các chuyến công tác định kỳ của Zhu đến Bắc Kinh. Từ phương Đông sang phương Tây, từ chủ nghĩa Cộng sản đến chủ nghĩa Tư bản, Min Zhu có chân trong cả hai phía lực lượng đối nghịch của thế giới tài chính ngày nay, và ông ủng hộ tất cả.
Không ai, kể cả các Thống đốc ngân hàng trung ương và bản thân bà Lagarde, hiểu rõ hơn Zhu về những sự thật ẩn giấu của hệ thống tiền tệ quốc tế. Điều này làm cho những quan điểm về kinh tế và tài chính toàn cầu của ông trở nên đặc biệt quan trọng. Ông là một người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa kiên định, phản ánh vị trí của ông giữa các thế giới của chủ nghĩa tư bản nhà nước và thị trường tự do. Ông không phân loại thế giới theo cách truyền thống là Bắc - Nam hay Đông - Tây, mà chia thành các cụm quốc gia dựa trên các yếu tố kinh tế, liên kết chuỗi cung ứng và mối liên hệ trong lịch sử. Các cụm này giao nhau và trùng nhau. Chẳng hạn, Áo thuộc về một cụm sản xuất ở châu Âu bao gồm Đức và Ý, nhưng nó cũng là một phần của cụm trung tâm châu Âu bao gồm cả Hungary và Slovenia thuộc Đế chế Austro-Hungary cũ. Với vị thế nhà lãnh đạo của nhóm, Áo là “người giữ cửa” cho phép nhóm Austro-Hungary tiếp cận cụm sản xuất ở châu Âu thông qua mối liên hệ của các hợp đồng phụ, chuỗi cung ứng và hoạt động cho vay của ngân hàng. Những mối liên kết này có thể, ví dụ, tạo điều kiện thúc đẩy doanh số bán hàng của một nhà sản xuất phụ tùng ô-tô của Slovenia cho hãng Fiat ở Ý. Mối quan hệ Slovenia-Ý vận hành thông qua người giữ cổng Áo.
Mô hình các cụm, sự chồng chéo và những người giữ cửa này tạo ra những cách sắp xếp không ngờ tới. Zhu đặt Nam Mỹ vào một cụm chuỗi cung ứng ở bán cầu Trung Quốc - phương Tây, một quan điểm cũng được Riordan Roett, học giả hàng đầu về các nền kinh tế châu Mỹ Latin đưa ra. Theo cách nhìn của Zhu, bá quyền kinh tế của Mỹ dừng lại ở kênh đào Panama, trong khi phần lớn Nam Mỹ hiện nay được coi là khu vực chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mô hình cụm của Zhu không chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu học thuật. Nó đang bắt đầu có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của IMF vì nó liên quan đến hoạt động giám sát của 188 nước thành viên. Mô hình này tạo ra cơ sở để nghiên cứu các hiệu ứng lan tỏa (spillover effect) của chính sách quốc gia, theo cách IMF đặt tên. IMF xử lý những hiệu ứng lan tỏa này theo cùng một cách thức các nhà quản lý rủi ro ngân hàng nói về sự lây lan – sự lan truyền nhanh chóng không thể kiểm soát được của sự sụp đổ từ thị trường này sang thị trường khác thông qua một mạng lưới dày đặc các nghĩa vụ của đối tác và các cam kết ký quỹ khi các bên cuống cuồng tẩu tán để cứu vãn khả năng thanh khoản trong một cuộc khủng hoảng tài chính. Hiệu ứng lan tỏa xảy ra trong các cụm khi các nền kinh tế quốc gia được liên kết chặt chẽ với nhau, và giữa các cụm khi người giữ cửa gặp khó khăn. Min Zhu đang giúp IMF phát triển mô hình quản lý rủi ro dựa trên tính phức hợp, tiên tiến hơn rất nhiều so với những mô hình của các ngân hàng trung ương hay các định chế tài chính tư nhân.
LÝ THUYẾT KEYNES CẬP NHẬT
Zhu đang chứng minh cho phe Keynes truyền thống thấy rằng, mô hình hành động chính sách của họ đã lỗi thời như thế nào trong việc phân tích một phản ứng của cá nhân hoặc của doanh nghiệp. Mô hình hành động- phản ứng gồm hai phần này cần phải được sửa đổi để đặt một trung gian tài chính giữa nhà hoạch định chính sách và cơ quan kinh tế. Điểm khác nhau này được minh họa như sau:
Mô hình Keynes cổ điển
Chính sách tài khóa/tiền tệ > Phản ứng của cá nhân/ doanh nghiệp
Mô hình IMF mới
Chính sách tài khóa/tiền tệ > Trung gian tài chính > Phản ứng của cá nhân/doanh nghiệp
Trong khi các định chế tài chính trong những thập kỷ trước rất dễ đoán và thụ động trong việc chuyển giao chính sách cho các cá thể kinh tế, thì các trung gian tài chính ngày nay hoạt động mạnh mẽ hơn và có thể xóa sạch hoặc khuếch đại mong muốn của nhà hoạch định chính sách. Các ngân hàng tư nhân có thể sử dụng chứng khoán hóa (securitization), phái sinh và các hình thức đòn bẩy khác để gia tăng đáng kể tác động của việc nới lỏng chính sách, họ cũng có thể thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay hoặc chuyển sang các tài sản an toàn như tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ để giảm thiểu tác động. Các ngân hàng cũng là những kênh truyền dẫn chính cho hiệu ứng lan tỏa. Zhu chỉ ra rằng, các phân tích của phe Keynes đã thất bại một phần vì nó đã không kết hợp một cách đầy đủ vai trò của ngân hàng vào những chức năng của mình.
Phương pháp phân cụm, hiệu ứng lan truyền và cơ chế truyền dẫn tài chính là ba lý thuyết hỗ trợ nền tảng mà dựa trên đó, IMF thực hiện khảo sát hệ thống tiền tệ quốc tế. Các khái niệm mới của loại hình này có thể được tinh lọc qua bộ môn chuyên ngành kinh tế học ở các trường Đại học trong nhiều thập kỷ trước khi được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Bất chấp sự áp đảo về số lượng nhân viên có học vị Tiến sĩ trong hàng ngũ của mình, IMF không phải là một trường Đại học. Đây là một định chế đầy quyền uy với khả năng hoặc duy trì hoặc kết án các thể chế thông qua những quyết định chính sách về hoạt động cho vay và điều kiện kèm theo mà họ ban hành. Mô hình của Zhu hé lộ đôi chút về các kế hoạch của IMF: Sự phân cụm ngụ ý rằng các mối liên kết kinh tế quan trọng hơn chủ quyền. Hiệu ứng lan tỏa có nghĩa là cần phải có cơ chế kiểm soát từ trên xuống để kiềm chế rủi ro. Sự truyền dẫn tài chính cho thấy các ngân hàng là những đầu mối quan trọng trong việc thực hiện hoạt động kiểm soát. Tóm lại, IMF tìm cách kiểm soát tài chính, kiềm chế rủi ro và đặt điều kiện cho sự phát triển kinh tế trên cơ sở toàn cầu.
Nhiệm vụ “một thế giới” này đòi hỏi sự hỗ trợ của những nhân vật xuất chúng nhất và có quyền lực chính trị lớn mạnh nhất hiện nay. Ban lãnh đạo của IMF là mô hình thu nhỏ cân bằng một cách hoàn hảo của nền kinh tế toàn cầu. Ngoài Min Zhu và Giám đốc Điều hành Christine Lagarde, ban lãnh đạo của IMF còn có David Lipton từ Hoa Kỳ, Naoyuki Shinohara từ Nhật Bản và Nemat Shafik từ Ai Cập. Sự đa dạng của ban lãnh đạo không chỉ thể hiện chủ nghĩa đa quốc gia. Lagarde đại diện cho lợi ích của châu Âu, Min Zhu cho Trung Quốc, Lipton cho người Mỹ, Shinohara cho Nhật Bản, và Shafik cho các nền kinh tế đang phát triển. Năm nhân vật quản lý cấp cao của IMF ngồi quanh bàn hội nghị và lên tiếng thay mặt cả thế giới.
David Lipton là tiếng nói mạnh mẽ nhất, hơn cả Christine Lagarde, bởi vì Hoa Kỳ có quyền phủ quyết đối với tất cả các hành động quan trọng của IMF. Điều này không có nghĩa là Lipton không chơi cho đội bóng. Trong nhiều vấn đề, Hoa Kỳ và IMF đối đầu nhau – bao gồm quá trình dần dần thay thế đồng đô-la bằng những loại tiền tệ khác làm đồng tiền dự trữ toàn cầu. Quyền phủ quyết của Lipton có nghĩa là sự thay đổi sẽ diễn ra trong chớp mắt nếu Mỹ có bất kỳ yêu cầu “lại quả” nào từ phía IMF.
Lipton là một trong rất nhiều người từng làm việc dưới quyền Robert Rubin, bên cạnh Timothy Geithner, Jack Lew, Michael Froman, Larry Summers và Gary Gensler. Những người này đã có nhiều năm kiểm soát chiến lược kinh tế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Robert Rubin là Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ từ năm 1995 đến năm 1999, sau nhiều năm làm việc cho chính quyền của Clinton với tư cách là Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Trước khi gia nhập Chính phủ Hoa Kỳ, Rubin là đồng Chủ tịch của Goldman Sachs, làm việc trong văn phòng Chủ tịch Citigroup từ năm 1999 đến năm 2009 và từng giữ chức Chủ tịch Citigroup một thời gian ngắn khi thị trường tài chính bắt đầu sụp đổ vào năm 2007. Cuối thập niên 1990, cả Lipton, Froman, Geithner, Summers và Gensler đều làm việc cho Rubin tại Ngân khố Hoa Kỳ, còn Lew làm việc tại Nhà Trắng. Sau đó, Lipton, Lew và Froman theo Rubin tới Citigroup, trong khi Summers làm cố vấn cho Citigroup.
Sau quá trình sát hạch và mài dũa ở những vị trí cấp trung trong thập niên 1990, nhóm quan chức thầm lặng này đã được bổ nhiệm và cất nhắc một cách thận trọng trong Nhà Trắng, Ngân khố, IMF và nhiều nơi khác trong những năm 2000 để đảm bảo rằng mạng lưới Rubin có sức ảnh hưởng và vai trò như Bố già thực sự của nền tài chính toàn cầu. Geithner là cựu Bộ trưởng Ngân khố và cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York. Lew hiện đang giữ ghế Bộ trưởng Ngân khố. Froman là một nhân vật hậu trường đầy quyền lực trong Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2009 đến năm 2013, và sau đó là tham tán thương mại của Hoa Kỳ. Larry Summers là cựu Bộ trưởng Ngân khố và Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama. Trong những năm ở Nhà Trắng, Froman là “sherpa” của Hoa Kỳ trong các cuộc họp của G20, đôi khi người ta nhìn thấy ông thì thầm với Tổng thống ngay khi một cuộc tranh luận chính sách trọng yếu chuẩn bị diễn ra với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hoặc một nhà lãnh đạo thế giới khác. Từ năm 2009 đến năm 2013, Gensler là Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai, cơ quan quản lý trái phiếu Kho bạc và hoạt động giao dịch vàng tương lai.
Các thành viên “băng đảng” Rubin đã thể hiện sự thiếu năng lực một cách “phi thường” trong những vai trò mà họ đảm nhiệm ở cả khu vực công lẫn tư nhân, và trong sự tàn phá đối với nền tài chính mà họ để lại sau khi ra đi. Rubin và Larry Summers – cấp dưới, rồi trở thành người kế nhiệm của Rubin – đã thúc đẩy hai thay đổi lập pháp gây ra sự tàn phá về mặt tài chính trong thế kỷ vừa qua: Glass-Steagall được bãi bỏ vào năm 1999, cho phép các ngân hàng hoạt động giống như quỹ đầu cơ, và các đạo luật phái sinh được bãi bỏ năm 2000, mở đường cho những đòn bẩy ẩn khổng lồ của các ngân hàng. Còn Geithner, trong thời gian làm việc cho FED tại New York từ năm 2003 đến năm 2008, đã không chú ý đến các hoạt động ngân hàng không chính đáng và không an toàn nằm dưới sự giám sát trực tiếp của mình, dẫn đến sự vỡ lở các khoản vay thế chấp dưới chuẩn năm 2007 và Cuộc Khủng hoảng 2008. Froman, Lipton và Lew đều làm việc ở Citi dưới quyền Rubin và góp công lớn vào những thất bại thảm khốc trong lĩnh vực quản lý rủi ro dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng một thời lừng lẫy và Chính phủ Mỹ phải tiếp quản trong năm 2008, với hơn 50.000 việc làm bị mất chỉ riêng ở Citigroup. Gensler đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua Đạo luật Sarbanes- Oxley năm 2002, góp phần không nhỏ vào việc bóp nghẹt hoạt động hình thành vốn và tạo việc làm kể từ đó đến nay. Ông cũng là người chịu trách nhiệm tại Ủy ban Thương mại Giao dịch Hàng hóa Tương lai vào năm 2012, trong thời gian công ty môi giới vàng và trái phiếu MF Global sụp đổ – một thảm họa nữa. Gần đây, Gensler đã thể hiện thái độ tích cực hơn, kêu gọi các quy định chặt chẽ hơn đối với thị trường phái sinh.
Những chính sách của băng đảng Rubin đã gây ra những tổn thất không thể tính nổi về tài sản và nhân lực, tuy nhiên sức ảnh hưởng kinh tế của họ vẫn không hề suy giảm. Hiện nay, Rubin vẫn để mắt tới dự trữ toàn cầu từ ghế đồng Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại phi lợi nhuận. David Lipton, một nhân vật xuất chúng và sở hữu thành tích công khai thấp nhất băng đảng Rubin, giờ đây được ngồi vào vị trí đầy quyền lực của ban điều hành IMF, trong một giai đoạn trọng yếu của tiến trình phát triển của hệ thống tài chính quốc tế.
Mạng lưới ảnh hưởng của Rubin không phải là một âm mưu. Những âm mưu thực sự ít khi liên quan đến nhiều hơn một vài cá nhân, bởi vì chúng liên tục có nguy cơ bị phản bội, bị vạch mặt, hoặc mắc sai lầm. Trên thực tế, một nhóm lớn như băng đảng Rubin hoan nghênh các quan điểm theo thuyết âm mưu, vì chúng dễ bác bỏ và cho phép người bên trong quay lại công việc một cách âm thầm và vô danh như họ muốn. Mạng lưới Rubin là một mạng lưới rối ren của những cá nhân có tư tưởng giống nhau, chia sẻ một niềm tin giống nhau vào sự ưu việt của những bộ óc tinh hoa và vào khả năng hành động của nhóm vì những lợi ích tối ưu của thế giới. Họ kiểm soát toàn cầu không theo cách bạo lực như Hitler, Stalin hay Mao, mà trong vùng tối của các định chế như IMF, đằng sau một bảng tên nhạt nhẽo và những tuyên bố sứ mệnh lành mạnh. Trên thực tế, khả năng của IMF trong việc hạ bệ một chế độ bằng cách rút lại tài trợ trong một cuộc khủng hoảng cũng ngang ngửa với sức mạnh mà KGB của Stalin hay Hồng quân của Mao từng chứng tỏ.
Ban điều hành của IMF có tầm nhìn sắc sảo hơn bất cứ ngân hàng trung ương nào trên thế giới, và họ cho rằng hệ thống tiền tệ quốc tế đang bị suy yếu nghiêm trọng. Do lượng tiền in kể từ năm 2008 đến nay quá lớn nên một cuộc sụp đổ mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không chỉ kéo theo sự thất bại của các định chế tài chính hoặc các Chính phủ, mà cả sự mất lòng tin vào đồng đô-la Mỹ. Hãy nhớ lại sự sụp đổ của đồng đô-la vào tháng 10 năm 1978, rồi tình hình đảo ngược khi những chính sách đồng đô-la mạnh của Chủ tịch FED Paul Volcker khởi động từ tháng 8 năm 1979 và IMF phát hành đồng tiền thế giới – quyền rút vốn đặc biệt SDR trong các giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1981. Đồng đô-la đã lấy lại sức mạnh trong những thập kỷ tiếp theo, nhưng IMF đã học được bài học về niềm tin đặt vào đồng đô-la có thể mong manh tới mức nào khi cách quản lý các chính sách của Mỹ là thiếu thận trọng.
Min Zhu cũng nhìn thấy những rủi ro này, mặc dù ông chỉ là một anh sinh viên Đại học trong suốt thời gian đồng đô-la sụp đổ. Ông biết rằng, nếu đồng đô-la sụp đổ một lần nữa thì Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn cả, xét trên vai trò là chủ nợ lớn nhất thế giới của những món nợ tính bằng đồng đô-la Mỹ. Zhu tin rằng thế giới đang ở trong một đợt suy thoái thực sự, đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Theo cách thức rất đặc trưng của mình, Zhu thẳng thừng nói về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ông nói rằng vấn đề ở các nền kinh tế phát triển không xuất hiện theo chu kỳ – chúng là những vấn đề về cơ cấu.
Các nhà kinh tế học công khai thể hiện sự bất đồng về việc tình trạng bất ổn hiện nay của nền kinh tế trở lại theo chu kỳ hay xuất phát từ cơ cấu. Một đợt suy thoái theo chu kỳ được xem là tạm thời, có thể khắc phục với các biện pháp kích thích chi tiêu theo học thuyết Keynes cổ điển. Ngược lại, một cuộc suy thoái cơ cấu sẽ ăn sâu bám rễ và kéo dài vô thời hạn, trừ khi những nhân tố trọng yếu – như chi phí lao động, khả năng di chuyển lao động, thuế, gánh nặng quy định và các chính sách công khác – được điều chỉnh. Tại Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang và Quốc hội đã hành động như thể chênh lệch sản lượng (output gap) – sự chênh lệch giữa tăng trưởng tiềm năng và tăng trưởng thực – chỉ là tạm thời và theo chu kỳ. Cách lập luận này hợp ý với hầu hết các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia, vì nó né tránh được sự cần thiết phải đưa ra những quyết định khó khăn về chính sách công.
Zhu đã nhìn xuyên qua quan điểm thiển cận này. Mới đây, ông phát biểu, “Các ngân hàng trung ương có vẻ muốn nói rằng vấn đề hiện nay chủ yếu mang tính chu kỳ và chỉ có một phần nhỏ thuộc về cơ cấu. Tôi nói với họ rằng, nó chủ yếu nằm ở cơ cấu và chỉ có một phần nhỏ mang tính chu kỳ. Nhưng thực tế, nó hoàn toàn nằm ở cơ cấu”. Ý ông là, một vấn đề cơ cấu đòi hỏi những giải pháp cơ cấu, chứ không phải giải pháp tiền tệ.
IMF hiện đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn. Các chuyên gia kinh tế của IMF như José Viñal đã nhiều lần cảnh báo về việc các ngân hàng đang tiếp nhận quá nhiều rủi ro, nhưng IMF lại không có quyền quản lý các ngân hàng ở các nước thành viên. Sự tăng trưởng toàn cầu yếu ớt tạo cơ hội để người ta nhao nhao kêu gọi chính sách kích thích, nhưng những nỗ lực kích thích sẽ không phát huy tác dụng khi vấp phải những trở ngại về cơ cấu đối với tăng trưởng. Bất cứ chương trình kích thích nào cũng đòi hỏi tăng chi tiêu Chính phủ, nhưng tăng chi tiêu tức là tăng nợ giữa lúc khủng hoảng nợ công trở thành vấn đề cấp bách. Christine Lagarde kêu gọi các biện pháp kích thích ngắn hạn kết hợp với việc củng cố tài khóa dài hạn. Nhưng thị trường không tin tưởng vào các cam kết lâu dài của giới chính trị gia. Hầu như không ai muốn lợi ích bị cắt giảm, kể cả những quốc gia bên bờ vực sụp đổ như Hy Lạp. Tất cả những giải pháp được đưa ra hoặc là không khả thi về mặt chính trị, hoặc đáng nghi ngờ về mặt kinh tế.
Mô hình mới của Min Zhu đã chỉ ra một cách để thoát khỏi tình thế này. Phương pháp phân tích các cụm quốc gia và người giữ cửa cho thấy các chính sách nên mang tính toàn cầu, chứ không phải ở cấp quốc gia, còn phân tích hiệu ứng lan tỏa cho thấy cần phải điều tiết hoạt động ngân hàng toàn cầu một cách trực tiếp hơn để kiềm chế khủng hoảng. Bóng ma của cuộc khủng hoảng nợ công cho thấy tính cấp bách của nhu cầu tìm kiếm nguồn thanh khoản mới, lớn hơn những gì mà các ngân hàng trung ương có thể cung cấp, nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản mới. Theo logic, người ta nhanh chóng suy luận được từ một thế giới đến một ngân hàng, đến một đồng tiền cho cả hành tinh. Sự kết hợp giữa năng lực lãnh đạo đặc biệt của Christine Lagarde, mô hình mới của Min Zhu và quyền lực mờ ám của David Lipton đã đặt IMF vào vai trò vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của tổ chức này.
MỘT NGÂN HÀNG
Từ lâu, thế giới đã biết rằng Cục Dự Trữ Liên Bang là một ngân hàng trung ương, nhưng trong giai đoạn hình thành của nó, từ năm 1909 đến năm 1913, sau Cuộc khủng hoảng năm 1907, những người ủng hộ đã phải mất nhiều thời gian và công sức để che giấu sự thật rằng định chế đang được đề xuất thực ra là một ngân hàng trung ương. Phần dễ thấy của nỗ lực này chính là cái tên của nó, Cục Dự trữ Liên bang. Nó không được gọi là Ngân hàng Hoa Kỳ, như Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản tự nhận. Tên của nó cũng không có cụm từ khóa “ngân hàng trung ương” theo phong cách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Sự rắc rối này là có chủ ý. Trước đó, người Mỹ đã hai lần bác bỏ các ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương đầu tiên, Ngân hàng Hoa Kỳ do Quốc hội thuê năm 1791, bị đóng cửa vào năm 1811 sau khi bản thỏa thuận 20 năm của nó hết hạn. Một Ngân hàng Hoa Kỳ thứ hai, cũng là ngân hàng trung ương, tồn tại từ năm 1817 đến năm 1836, nhưng vòng đời của nó cũng kết thúc trong cuộc tranh luận nảy lửa giữa phe ủng hộ và phe phản đối. Từ năm 1836 đến năm 1913, thời kỳ của sự thịnh vượng và những phát minh vĩ đại, Hoa Kỳ không có ngân hàng trung ương. Nhận thức rõ về lịch sử này và sự nghi ngờ sâu sắc của người Mỹ đối với các ngân hàng trung ương, các kiến trúc sư của Cục Dự trữ Liên bang, chủ yếu là Thượng nghị sĩ Nelson Aldrich của Đảo Rhode, đã cẩn thận để che giấu ý đồ của họ bằng cách chọn một cái tên vô nghĩa.
Tương tự như vậy, hiểu chính xác nhất thì IMF thực tế là ngân hàng trung ương của thế giới, mặc dù cụm từ “ngân hàng trung ương” không xuất hiện trong cái tên của nó. Để kiểm tra vị thế ngân hàng trung ương, đừng nhìn vào tên gọi mà hãy nhìn vào mục đích. Một ngân hàng trung ương có ba vai trò chính: Nó sử dụng đòn bẩy, cho vay, và tạo ra tiền. Khả năng thực hiện những chức năng này cho phép nó hoạt động như nhà cho vay cuối cùng, sau khi mọi phương án khác đã thất bại, trong một cuộc khủng hoảng. Kể từ năm 2008 đến nay, IMF đã thực hiện cả ba vai trò trên theo cách thức ngày càng bành trướng.
Điểm khác biệt chủ yếu giữa ngân hàng trung ương và ngân hàng bình thường là một ngân hàng trung ương thực hiện ba chức năng trên cho các ngân hàng khác, chứ không phải cho các cá nhân và tập đoàn. Được chôn vùi trong Các điều khoản Thỏa thuận (Articles of Agreement), văn bản quản lý dài 123 trang của IMF, là một điều khoản quy định: “Mỗi thành viên sẽ làm việc với Quỹ mà chỉ thông qua ngân hàng trung ương của nó, hoặc một cơ quan tài khóa tương tự khác, và Quỹ sẽ chỉ làm việc với hoặc thông qua những cơ quan này.” Theo điều lệ của IMF, IMF sẽ hoạt động như một ngân hàng trung ương của thế giới, một sự thật được cải trang hết sức cẩn trọng bởi tên gọi và bởi hình ảnh của các nhân viên IMF như những quan chức quốc tế đang hỗ trợ kỹ thuật một cách vô tư, không thiên vị cho những quốc gia có nhu cầu.
Vai trò cho vay theo phong cách của một ngân hàng trung ương của IMF là cách đơn giản nhất để nhận biết những chức năng của nó. Đó là sứ mệnh của IMF kể từ khi nó đi vào hoạt động hồi cuối những năm 1940 cho đến tận ngày nay. Chức năng này phát triển khi những đồng tiền lớn nhất thế giới ấn định tỉ giá hối đoái theo đồng đô-la và khi các quốc gia đóng tài khoản vốn. Thâm hụt thương mại hoặc những cuộc tháo chạy vốn xuất hiện sẽ gây ra các vấn đề về cán cân thanh toán, các nước không thể viện đến biện pháp phá giá để chữa cháy, trừ khi họ có thể chứng minh với IMF rằng vấn đề đó thuộc về cơ cấu và tồn tại dai dẳng. Trong những trường hợp đó, IMF có thể cho phép Chính phủ nước này phá giá tiền tệ. Điển hình hơn, IMF hành động như một nhà cho vay bắc cầu, cung cấp khả năng thanh khoản cho quốc gia bị thâm hụt trong một khoảng thời gian, thường là từ 3 đến 5 năm, để quốc gia đó thực hiện những thay đổi chính sách cần thiết nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Cách thức IMF phục vụ các nền kinh tế quốc gia cũng tương tự cách thức chiếc thẻ tín dụng phục vụ một cá nhân đang cần mượn tạm một khoản để trang trải chi phí và dự định sẽ trả nợ khi nhận lương trong tương lai.
Đổi lại những khoản cho vay, IMF có thể yêu cầu những thay đổi cơ cấu như cải cách thị trường lao động, kỷ luật tài khóa để giảm lạm phát, hoặc giảm chi phí lao động đơn vị, tất cả đều nhằm mục đích làm cho quốc gia đi vay trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Một khi những điều chỉnh cần thiết đã được thực hiện, thâm hụt sẽ trở thành thặng dư, và các khoản cho vay của IMF sẽ được hoàn trả. Tuy nhiên, lý thuyết đó ít khi suôn sẻ trong thực tế, và khi thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách và lạm phát vẫn tồn tại dai dẳng ở một số quốc gia thành viên nhất định, IMF sẽ cho phép phá giá tiền tệ. Mặc dù có thể cải thiện khả năng cạnh tranh nhưng biện pháp phá giá cũng có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư ở thị trường trong nước, những người dựa vào tỉ giá hối đoái hấp dẫn tính theo đồng đô-la để đưa ra quyết định đầu tư ban đầu. Mặt khác, nếu quốc gia đó không biết phải chọn lợi ích của bên nào, IMF có thể cho vay để giúp họ tránh phải phá giá tiền tệ và do đó bảo vệ các nhà đầu tư như JPMorgan Chase, Goldman Sachs và các khách hàng ưa thích của mình.
Ngày nay, trang web của IMF liệt kê những khoản vay cho các nước như Yemen, Kosovo và Jamaica như ví dụ về vai trò tích cực của nó trong sự phát triển kinh tế. Nhưng những khoản cho vay này chỉ mang tính trang trí mà thôi, và số tiền này không đáng kể gì so với hoạt động cho vay chính của IMF, với mục đích là nâng đỡ đồng euro. Tính đến tháng 5 năm 2013, 45% trong tổng số các khoản cho vay và cam kết của IMF là dành cho bốn quốc gia – Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Síp – như một phần của gói cứu trợ euro. 46% khác dành cho hai nước khác là Mexico (sự ổn định của quốc gia này cần thiết đối với Hoa Kỳ) và Ba Lan (sự ổn định của quốc gia này cần thiết cho NATO và EU). Chưa đến 10% của tổng số các khoản cho vay của IMF là dành cho các nền kinh tế cần vốn nhất ở châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ. Những khách hàng chỉ thi thoảng ghé thăm trang web của IMF không nên để bị lừa dối bởi hình ảnh những phụ nữ da màu đang mặc trang phục bản xứ và mỉm cười hạnh phúc. IMF hoạt động như một câu lạc bộ của các nước giàu, nó cho vay để hỗ trợ lợi ích kinh tế của những quốc gia này.
Nếu chức năng cho vay ngân hàng trung ương của IMF rất dễ thấy thì chức năng nhận tiền gửi của nó lại mơ hồ hơn. IMF không hoạt động như một ngân hàng thương mại bán lẻ có quầy giao dịch viên, nơi mà các khách hàng bước đến gửi tiền vào tài khoản séc hoặc tài khoản tiết kiệm. Thay vào đó, nó điều hành một chương trình quản lý tài sản-nợ vô cùng phức tạp, trong đó các cơ sở cho vay được tài trợ thông qua sự kết hợp của “hạn ngạch” và “dàn xếp vay nợ”. Hạn ngạch tương tự như vốn ngân hàng, còn các dàn xếp vay nợ tương tự như trái phiếu và tiền gửi mà một ngân hàng bình thường sử dụng để tài trợ hoạt động cho vay. Các hoạt động tài chính của IMF chủ yếu được thực hiện ngoài bảng cân đối kế toán như cơ sở cho vay và đi vay tiềm tàng. Theo cách này, IMF giống với một ngân hàng thương mại hiện đại như JPMorgan Chase, có các khoản nợ tiềm tàng ngoài bảng cân đối khổng lồ tới mức so với chúng, những khoản nợ được thể hiện trên bảng cân đối kế toán chỉ như muối bỏ bể.
Để nhìn ra tình hình tài chính thực sự của IMF, ta phải nhìn xa hơn bảng cân đối kế toán, đến những thuyết minh của nó và các nguồn khác. Báo cáo tài chính của IMF được thể hiện bằng SDR – đồng tiền riêng của IMF, có thể dễ dàng chuyển đổi thành đô-la. IMF tính toán và công bố tỉ giá SDR - đô-la hàng ngày. Vào tháng 5 năm 2013, IMF đã có gần 600 tỉ đô-la vốn đi vay chưa được sử dụng. Kết hợp với các nguồn lực sẵn có khác, IMF sở hữu vốn cho vay trị giá 750 tỉ đô-la. Nếu vốn đi vay và vốn cho vay này được tận dụng triệt để, tỉ lệ đòn bẩy của IMF sẽ chỉ khoảng 3:1, nếu các khoản góp vốn được xem như vốn chủ sở hữu. Kết quả này vô cùng khiêm tốn so với hầu hết các ngân hàng lớn với tỉ lệ đòn bẩy là gần 20:1 và cao hơn nữa khi tính đến khi các khoản mục ẩn ngoại bảng.
Khía cạnh thú vị trong đòn bẩy của IMF không phải là việc nó đang ở mức cao trong hiện tại, mà là việc nó vẫn luôn như thế. IMF đã hoạt động trong nhiều thập niên mà gần như không có đòn bẩy. Nó phát triển nhờ đóng góp của các thành viên. Ý tưởng ở đây là các thành viên sẽ đóng góp vốn của mình cho Quỹ, và từng thành viên được rút vốn để cứu trợ tạm thời khi cần. Chừng nào tổng dư nợ không vượt quá tổng vốn chung, hệ thống vẫn ổn định và không cần đòn bẩy. Giờ đây, điều này không còn đúng nữa. Khi các tập đoàn và cá nhân bị đảo ngược đòn bẩy sau Cuộc Khủng hoảng 2008, các Chính phủ, ngân hàng trung ương và IMF đã sử dụng đòn bẩy để duy trì hệ thống tiền tệ toàn cầu. Trong thực tế, nợ công đã thay thế nợ tư nhân.
Gánh nặng tổng nợ không hề giảm – nó đã tăng lên, khi vấn đề nợ toàn cầu được chuyển dần lên những cấp cao hơn. IMF là căn penthouse, nơi mà các vấn đề không thể chuyển lên cấp nào cao hơn nữa. Cho đến nay, IMF vẫn có thể tạo điều kiện cho quá trình đòn bẩy chính thức như một sự bù đắp cho hoạt động đảo ngược đòn bẩy ở khu vực tư nhân. Đòn bẩy nợ công chủ yếu xuất hiện ở cấp độ các ngân hàng trung ương quốc gia như Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Nhật Bản. Nhưng khi những ngân hàng trung ương này đạt đến ngưỡng giới hạn của đòn bẩy trong thực tiễn và chính trị của họ, IMF sẽ trở thành vị cứu tinh cuối cùng. Trong cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn cầu tiếp theo, IMF sẽ có bảng cân đối kế toán sạch sẽ duy nhất trên thế giới, do bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương quốc gia bị rơi vào tình trạng đòn bẩy quá tải với các tài sản dài hạn.
Cú hích lớn nhất đối với nguồn vốn đi vay và năng lực đòn bẩy của IMF xuất hiện vào ngày 2 tháng 4 năm 2009, gần sát đáy của những đợt sụp đổ thị trường cổ phiếu chứng khoán bắt đầu từ năm 2008, khoảng thời gian nỗi lo sợ chế ngự tất cả các thị trường tài chính. Ngày hôm đó diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở London, do Thủ tướng Anh Gordon Brown chủ trì và có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Pháp Sarkozy, Thủ tướng Đức Merkel, Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc và các nhà lãnh đạo thế giới khác. Hội nghị đã cam kết mở rộng năng lực cho vay của IMF tới 750 tỉ đô-la. Cứ với mỗi đô-la mà IMF cho vay, trước hết nó phải thu về một đô-la từ các thành viên. Do vậy, năng lực cho vay lớn hơn đồng nghĩa với nợ vay nhiều hơn và đòn bẩy cao hơn. IMF đã mất hơn một năm để đạt được hầu hết những cam kết cần thiết, mặc dù với một loạt lý do chính đáng, họ vẫn chưa đạt được đầy đủ tổng số tiền đã cam kết.
Các cam kết lớn nhất của IMF đến từ Liên minh Châu Âu và Nhật Bản, mỗi thành viên đều cam kết 100 tỉ đô-la, tiếp đến là Trung Quốc với 50 tỉ đô-la. Các cam kết lớn khác trị giá 10 tỉ đô-la đến từ các nước thành viên BRICS khác là Nga, Ấn Độ, Braxin, và từ các quốc gia phát triển là Canada, Thụy Sĩ và Hàn Quốc.
Lời cam kết cay đắng nhất cho năng lực đi vay mới của IMF liên quan đến Hoa Kỳ. Vào ngày 16 tháng 4 năm 2009, chỉ vài ngày sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Obama đã gửi thư cho những người đứng đầu Quốc hội, đề nghị hỗ trợ cam kết 100 tỉ đô-la cho các khoản vay mới của IMF. Tổng thống, theo hướng dẫn của Mike Froman – một thành viên trong băng đảng Rubin, đã đưa ra lời cam kết miệng 100 tỉ đô-la tại hội nghị thượng đỉnh, nhưng ông cần Quốc hội thông qua để thực hiện khoản tài trợ thực tế. Những bức thư gửi đến Quốc hội tuyên bố rằng khoản tài trợ mới là một hợp đồng trọn gói nhằm gia tăng số phiếu của Trung Quốc tại IMF và buộc IMF phải bán vàng. Những lá thư của Tổng thống Obama cũng kêu gọi “cấp vốn một lần cho các Quyền rút vốn đặc biệt, các tài sản dự trữ được tạo ra bởi IMF, điều đó sẽ làm tăng tính thanh khoản toàn cầu”. Lời lẽ của Tổng thống trong thư tỏ ra rất thẳng thắn về khả năng của IMF trong việc in tiền thế giới.
Trung Quốc muốn có thêm phiếu bầu tại IMF và họ muốn có thêm vàng đổ ra thị trường để tránh một cuộc chạy đua tăng giá tại thời điểm họ đang bí mật mua vàng. Hoa Kỳ thì muốn IMF in thêm tiền thế giới. IMF muốn có tiền tệ mạnh từ Hoa Kỳ và Trung Quốc để triển khai các gói cứu trợ. Thỏa thuận này mang lại lợi ích cho tất cả các bên, được thiết lập một cách cẩn trọng bởi Mike Froman và các nhà đàm phán khác tại hội nghị thượng đỉnh và được ký kết bởi Geithner, Obama cùng các nhà lãnh đạo G20 khác.
Nghiên cứu sâu hơn một chút, lá thư của Obama gửi tới Quốc hội có một điểm lắt léo. Những cam kết mới với IMF không phải dưới dạng đóng góp mà là các khoản cho vay, nhất quán với vai trò ngày càng tăng của IMF như một ngân hàng sử dụng đòn bẩy. Tổng thống đã tìm cách trấn an Quốc hội rằng khoản tiền cho IMF vay không phải là một khoản chi tiêu và do đó sẽ không ảnh hưởng đến thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ. Thư của Tổng thống nói: “Đó là vì khi Hoa Kỳ chuyển đô-la cho IMF, đổi lại Hoa Kỳ có quyền đề nghị cho một khả năng thanh khoản, có lãi suất đối với IMF, được bảo đảm bởi tình hình tài chính vững mạnh của IMF, bao gồm vàng.” Câu này hoàn toàn đúng. IMF thực sự có vị thế tài chính vững chắc, cùng trữ lượng vàng lớn thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Đức. Điều khiến người ta tò mò là ngay lúc các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công khai miệt thị vai trò của vàng trong hệ thống tiền tệ, Tổng thống lại cảm thấy cần phải đề cập đến vàng với Quốc hội như một cách để tăng thêm niềm tin. Bất chấp thái độ coi thường của giới học thuật và các ngân hàng trung ương, vàng chưa bao giờ hoàn toàn mất đi vị thế là nền tảng của tài chính toàn cầu.
Tiếp tục đào sâu hơn nữa, chúng ta sẽ thấy một đặc điểm gây tò mò trong đề xuất cho IMF vay. Nếu Hoa Kỳ cho IMF vay 100 tỉ đô-la tiền mặt, họ sẽ nhận lại một giấy nợ có lãi suất từ IMF. Tuy nhiên, giấy nợ sẽ được tính bằng SDR chứ không phải USD. Vì SDR là một loại tiền tệ thế giới khác đô- la nên giá trị của nó thay đổi thất thường so với đồng đô-la.
Giá trị trao đổi của SDR được tính một phần bằng cách tham chiếu đến đồng đô-la, nhưng bên cạnh đó còn tham chiếu đến một rổ tiền tệ bao gồm đồng yên Nhật, đồng euro và đồng bảng Anh. Điều này có nghĩa là khi giấy nợ của IMF đáo hạn thì Mỹ sẽ không nhận lại 100 tỉ đô-la ban đầu, mà là một con số khác tùy thuộc vào sự biến động của đồng đô- la so với SDR. Nếu đồng đô-la tăng trưởng mạnh hơn so với những loại tiền tệ khác trong rổ SDR, Hoa Kỳ sẽ nhận được ít hơn 100 tỉ đô-la, bởi vì giá trị của những đồng tiền khác trong rổ sẽ giảm đi. Nhưng nếu đồng đô-la tăng trưởng yếu hơn so với những loại tiền tệ khác trong rổ SDR thì Hoa Kỳ sẽ nhận được nhiều hơn 100 tỉ đô-la, vì giá trị những đồng tiền khác trong rổ tăng lên. Khi đưa ra đề nghị cho vay này, Kho bạc Hoa Kỳ đã đặt cược bất lợi cho đồng đô-la, vì chỉ khi giá trị của đồng đô-la giảm xuống thì Hoa Kỳ mới có thể thu hồi được khoản cho vay. Ván cược bất lợi cho đồng đô-la trị giá 100 tỉ đô-la này hoàn toàn không được đề cập trong bức thư của Tổng thống và tại thời điểm đó, Quốc hội hầu như cũng không nhận ra. Khi chuyện xảy ra, nó trở thành một quả bom chính trị hẹn giờ ám ảnh Hoa Kỳ và IMF trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012.
Những lá thư của Tổng thống cũng khiến Quốc hội hiểu sai về mục đích của cam kết cho vay. Tại một số đoạn, chúng tuyên bố rằng IMF sẽ sử dụng tiền lời từ khoản vay này để trợ giúp “chủ yếu cho những nước có thị trường đang phát triển và mới nổi”. Trên thực tế, nguồn vốn đi vay mới của IMF được sử dụng chủ yếu để cứu trợ các nước thành viên của Eurozone là Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Síp. Số tiền dành cho các thị trường mới nổi không đáng là bao. Cách diễn đạt gây hiểu lầm này nhằm mục đích né tránh những lời chỉ trích từ Quốc hội rằng, tiền thuế của người dân Mỹ lại được sử dụng để cứu vớt các quan chức Hy Lạp, những người nghỉ hưu ở tuổi 50 và được hưởng lương hưu trọn đời, trong khi người Mỹ đang làm việc tới ngoại thất tuần chỉ để kiếm miếng ăn.
Những dối trá này và vụ đặt cược bất lợi cho đồng đô-la của Kho bạc đã không bị để ý giữa lúc Mỹ đang điên cuồng với các gói cứu trợ công ty ô tô và các gói kích thích. Dưới sự lãnh đạo của Barney Frank của Đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ Richard Lugar của Đảng Cộng hòa, cam kết của Hoa Kỳ đối với các khoản vay của IMF đã bị chôn vùi trong một dự luật chi tiêu chiến tranh và rồi được Quốc hội thông qua vào ngày 16 tháng 6 năm 2009. IMF phát hành một thông cáo báo chí với những lời lẽ tốt đẹp từ Giám đốc Điều hành tương lai Dominique Strauss-Kahn hoan nghênh quyết định này và mô tả nó như một “bước tiến quan trọng”.
Mặc dù Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua cam kết 100 tỉ đô-la, nhưng trên thực tế, IMF không mượn khoản tiền này ngay lập tức. Cam kết này giống như một hạn mức tín dụng trên thẻ MasterCard mà chủ thẻ chưa sử dụng. IMF có thể quẹt thẻ MasterCard bất cứ lúc nào và nhận được 100 tỉ đô- la từ Hoa Kỳ bằng cách phát hành một thông báo vay tiền.
Vào tháng 11 năm 2010, kế hoạch tài trợ cho các khoản cứu trợ của IMF mà Tổng thống Obama vạch ra đột ngột gặp bất lợi trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ và Đảng Cộng hòa giành đa số ghế tại Hạ viện. Thành công của Đảng Cộng hòa có sự đóng góp từ cơn tức giận của các đảng phái chính trị của Phong trào Tiệc Trà đối với những gói cứu trợ trước đây cho các ngân hàng Phố Wall là Goldman Sachs và JPMorgan Chase. Barney Frank mất ghế Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, và lãnh đạo mới của Đảng Cộng hòa bắt đầu xem xét những hàm ý của cam kết mà Hoa Kỳ dành cho IMF.
Đến đầu năm 2011, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã tiến triển đến một trạng thái căng thẳng nghiêm trọng và không thể che giấu được thực tế là các quỹ của Mỹ, nếu IMF yêu cầu, sẽ được sử dụng để cứu các quan chức về hưu của Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Các ấn bản theo phe bảo thủ chạy những dòng tít lớn như Tại sao Ngân hàng Hoa Kỳ rót tiền cho các khoản cứu trợ của IMF tại châu Âu? Vào ngày 28 tháng 11 năm 2011, Barney Frank thông báo nghỉ hưu. Cũng trong năm 2011, Thượng nghị sĩ Jim DeMint trình bày một dự luật để hủy bỏ cam kết của Hoa Kỳ đối với IMF. Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện đã bác bỏ Dự luật DeMint (Đảng Cộng hòa – bang Nam Carolina) với kết quả 55 - 45. Sự bác bỏ này cần những lá phiếu từ Đảng Cộng hòa, trong tay Richard Lugar (Đảng Cộng hòa – bang Indiana) và vài người khác. Vào ngày 8 tháng 5 năm 2012, các đảng phái chính trị của Phong trào Tiệc Trà đáp trả bằng cách ủng hộ Richard Mourdock, người chiến thắng Lugar trong một cuộc bầu cử sơ bộ, buộc Lugar phải nghỉ hưu sau 36 năm làm Thượng nghị sĩ. Lần lượt từng người một trong số bạn bè của IMF ở Quốc hội Hoa Kỳ bị loại bỏ hoặc buộc phải rút lui. Về vấn đề Frank và Lugar rời khỏi Quốc hội, Lagarde của IMF đã nhún vai đầy ẩn ý và nói, “Chúng tôi sẽ nhớ họ”.
Đến cuối năm 2013, cuộc tranh cãi giữa Nhà Trắng và Quốc hội về việc tài trợ cho IMF trở nên căng thẳng hơn nhiều. Sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London, IMF đã thực hiện nhiều bước đi tiếp theo để tăng cường năng lực đi vay của mình vượt quá các cam kết ban đầu, chuyển một phần cam kết cho vay của Hoa Kỳ từ nợ sang hạn ngạch tăng – tức là, nó đã chuyển một phần tiền của Hoa Kỳ từ hình thức cho vay tạm thời sang cho vay dài hạn. Những thay đổi này trong năm 2010, về sau cũng được áp dụng cho các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh London nhằm tăng cường quyền biểu quyết của Trung Quốc, yêu cầu phải có sự chấp thuận của Quốc hội nhiều hơn so với thời Barney Frank năm 2009. Hàng trăm nhà kinh tế học quốc tế nổi tiếng và các cựu quan chức như Bộ trưởng Ngân khố Hank Paulson, người đã thiết kế gói cứu trợ Goldman Sachs trong năm 2008, công khai kêu gọi Quốc hội thông qua đạo luật này. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã không đưa ra các yêu cầu mới trong dự thảo ngân sách năm 2012 hoặc 2013 của mình, nhằm mục đích tránh gây thêm bất cứ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của người đóng thuế ở Mỹ đối với các khoản cứu trợ cho châu Âu.
Đến lúc này, sự thiếu kiên nhẫn của Christine Lagarde với tiến trình đó đã dần bộc lộ. Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào ngày 28 tháng 1 năm 2012, bà đã giơ cái túi xách hiệu Louis Vuitton của mình lên và nói: “Tôi mang theo cái túi đến đây với mong muốn thực sự gom được một chút tiền.” Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post được xuất bản ngày 29 tháng 6 năm 2013, bà tỏ ra gay gắt hơn, “Chúng tôi đã có khả năng gia tăng đáng kể các nguồn lực của mình, bất chấp thực tế là Hoa Kỳ đã không đóng góp hoặc hỗ trợ bước đi đó. Tôi nghĩ mọi người đều muốn hoàn tất quá trình này. Hãy đối mặt với nó. Nó đã lơ lửng suốt một thời gian dài.”
Thật may cho IMF là trong ngắn hạn, họ không cần đến khoản cam kết tài trợ gây tranh cãi của Hoa Kỳ. Đến cuối năm 2012, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã lắng xuống nhờ vào việc Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, mặc dù với tốc độ chậm hơn mong đợi của IMF. Nhưng sau cuộc khủng hoảng nợ ở Dubai, Hy Lạp, Síp và những nơi khác từ năm 2009 đến năm 2013, dường như không sớm thì muộn, bất ổn sẽ lại xảy ra ở đâu đó và IMF sẽ lại cần đến khoản cam kết của Hoa Kỳ để triển khai một gói cứu trợ khác.
Vai trò một nhà cho vay sử dụng đòn bẩy, mà thực tế là một ngân hàng, của IMF giờ đây đã được định chế hóa. IMF đã tiến hóa từ một nhà cho vay bắc cầu dựa trên hạn ngạch thành một nhà cho vay sử dụng đòn bẩy tối hậu như Cục Dự trữ Liên bang. Các chuyên gia kinh tế, nếu không muốn nói là cả công chúng nói chung, hiểu rất rõ năng lực đi vay và cho vay của nó. Nhưng ngay cả trong giới chuyên gia, đa phần vẫn còn lạ lẫm hoặc bối rối về quyền lực lớn nhất của IMF – khả năng tạo ra tiền. Thật vậy, tên gọi của đồng tiền thế giới mà IMF phát hành, quyền rút vốn đặc biệt, dường như được thiết kế để cố tình khiến người ta bối rối nhiều hơn là làm sáng tỏ điều gì. Cỗ máy in tiền của IMF đang ở chế độ chờ, sẵn sàng để sử dụng khi cần thiết trong cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn cầu tiếp theo. Nó sẽ là một công cụ quan trọng trong công cuộc thiết kế cái chết của đồng đô-la.
MỘT ĐỒNG TIỀN
John Maynard Keynes từng nghĩ rằng, trong số một triệu người, may ra có một người hiểu được quá trình lạm phát phá hủy tài sản. Và nhiều khả năng là trong mười triệu người, may ra có một người hiểu được các quyền rút vốn đặc biệt, hay SDR. Tuy nhiên, SDR đã sẵn sàng trở thành một công cụ dự báo lạm phát xuất sắc. Sự pha trộn giữa tính mơ hồ và tính không minh bạch của SDR cho phép các nhà quản lý tiền tệ toàn cầu giải quyết các vấn đề nợ công bằng một phương tiện gây lạm phát, từ đó cho phép các Chính phủ riêng lẻ phủ nhận trách nhiệm chính trị.
Những phẩm chất bị che giấu của SDR bắt đầu bằng cái tên của nó. Giống như Cục Dự trữ Liên bang và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cái tên quyền rút vốn đặc biệt được chọn để che giấu mục đích thực sự của nó. Cũng giống hệt như Cục dự trữ Liên bang và IMF là các ngân hàng trung ương với tên giả, SDR là đồng tiền thế giới được ngụy trang.
Một số học giả tiền tệ, đáng chú ý là Barry Eichengreen của trường Đại học California tại Berkeley, phản đối việc sử dụng thuật ngữ tiền để gọi SDR, họ xem những đơn vị này đơn thuần như một công cụ tính toán chỉ dùng để chuyển đổi dự trữ giữa các thành viên. Nhưng các báo cáo tài chính của chính IMF lại bác bỏ quan điểm này. Báo cáo thường niên của nó bao gồm những thông tin sau:
SDR có thể được phân bổ bởi IMF, như một dạng bổ sung cho các tài sản dự trữ hiện có. Giá trị của nó như một tài sản dự trữ bắt nguồn từ những cam kết của các bên tham gia để sở hữu và chấp nhận SDR. SDR cũng được một số tổ chức quốc tế và khu vực sử dụng như một đơn vị tính toán. Các bên tham gia và chủ sở hữu theo quy định có thể sử dụng và nhận SDR trong các giao dịch giữa họ với nhau.
Vì theo định nghĩa kinh điển, tiền có ba phẩm chất thiết yếu – lưu trữ giá trị, đơn vị tính toán và phương tiện trao đổi – nên đoạn trên đã ghi nhận trường hợp của SDR như một loại tiền. Bản thân IMF nói rằng SDR có giá trị, là một đơn vị tính toán và có thể được sử dụng như một phương tiện trao đổi trong các giao dịch giữa các chủ sở hữu được chỉ định. Nó thỏa mãn định nghĩa ba phần của tiền.
Số lượng SDR đang lưu thông rất nhỏ so với các loại tiền tệ quốc gia và khu vực như đồng đô-la và euro. Việc sử dụng SDR chỉ được giới hạn trong các thành viên của IMF và một số định chế chính thức nhất định khác và được kiểm soát bởi Ban Giám sát Quyền rút vốn đặc biệt của IMF (IMF Special Drawing Rights Department). Hơn nữa, có lẽ SDR sẽ không bao giờ được phát hành dưới hình thức tiền giấy và không bao giờ được sử dụng trong đời sống hàng ngày của người dân trên toàn thế giới. Nhưng ngay cả việc bị hạn chế sử dụng như vậy cũng không làm thay đổi một thực tế rằng, SDR là đồng tiền thế giới, được kiểm soát bởi tầng lớp tinh hoa. Trên thực tế, nó còn củng cố cho vai trò này bằng cách khiến SDR trở nên vô hình đối với người dân.
SDR có thể được phát hành với số lượng lớn cho các thành viên của IMF và cũng có thể được sử dụng trong tương lai để lựa chọn ra một danh sách những giao dịch quan trọng nhất thế giới, bao gồm các dàn xếp cán cân thanh toán, định giá dầu và các tài khoản tài chính của những tập đoàn lớn nhất thế giới như Exxon-Mobil, Toyota và Royal Dutch Shell. Người dân sẽ không thể ngay lập tức nhận ra nếu có bất kỳ sự lạm phát nào bị gây ra bởi việc phát hành SDR số lượng lớn. Sự lạm phát này sẽ thể hiện dần dần ở đồng đô-la, đồng yên và đồng euro ở các trạm xăng hay cửa hàng tạp hoá, nhưng các ngân hàng trung ương quốc gia có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm và chỉ sang IMF. Vì IMF không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ tiến trình bầu cử nào và là một tổ chức siêu quốc gia tự duy trì nên người ta cũng không thể truy cứu trách nhiệm gì ở tổ chức này.
Lịch sử của SDR cũng đầy màu sắc như tương lai kỳ vọng của nó. Nó không phải là một phần của kiến trúc tiền tệ Bretton Woods ban đầu được nhất trí vào năm 1944. Nó là một phản ứng khẩn cấp đối với cuộc khủng hoảng đồng đô-la bắt đầu vào năm 1969 và tiếp tục qua nhiều giai đoạn đến năm 1981.
Trong những thập kỷ đầu tiên của hệ thống Bretton Woods, từ năm 1945 đến năm 1965, các chuyên gia tiền tệ quốc tế lo lắng về cái được gọi là sự thiếu hụt đô-la. Vào thời điểm đó, đô-la là đồng tiền dự trữ toàn cầu chính yếu, rất cần thiết cho thương mại quốc tế. Các cơ sở công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đã bị tàn phá trong Thế chiến II. Cả châu Âu và Nhật Bản đều có nguồn nhân lực nhưng lại không có đô-la hay vàng cần thiết để mua máy móc và nguyên liệu thô giúp khôi phục sản xuất. Tình trạng thiếu hụt đô-la này đã phần nào được giảm bớt nhờ viện trợ của Kế hoạch Marshall và chi tiêu cho Chiến tranh Triều Tiên, nhưng cú hích mạnh mẽ nhất đến từ sự thèm khát của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu chất lượng cao, không đắt đỏ. Những người Mỹ thuộc thế hệ “baby boomer”, thanh thiếu niên trong thập niên 1960, có thể nhớ lại cảnh lái xe đến bãi biển trong một chiếc Volkswagen Beetle, tay cầm một chiếc đài bán dẫn Toshiba. Đến năm 1965, các quốc gia xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao như Đức và Nhật Bản nhanh chóng sở hữu đô-la và vàng – hai tài sản dự trữ chính vào thời điểm đó. Hoa Kỳ hiểu rằng họ cần thâm hụt thương mại đáng kể để cung ứng đô-la cho phần còn lại của thế giới và tạo điều kiện cho thương mại thế giới.
Hệ thống tiền tệ quốc tế nhanh chóng trở thành nạn nhân cho thành công của chính nó. Sự thiếu hụt đô-la đã được thay thế bằng sự thừa mứa đô-la, các đối tác thương mại cảm thấy không thoải mái với tình trạng thâm hụt thương mại và lạm phát tiềm năng dai dẳng ở Mỹ. Tình huống này minh họa cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Triffin (Triffin’s dilemma), được đặt tên theo nhà kinh tế học Robert Triffin, người đầu tiên mô tả nó vào đầu những năm 1960. Triffin đã chỉ ra rằng, khi một quốc gia phát hành đồng tiền dự trữ toàn cầu, họ phải chấp nhận thâm hụt thương mại liên tục để cung cứng đồng tiền đó cho các đối tác thương mại, nhưng nếu thâm hụt diễn ra quá lâu, niềm tin vào đồng tiền cuối cùng sẽ mất đi.
Nghịch lý là, cả tình trạng thiếu hụt lẫn tình trạng dư thừa đô-la đều làm thúc đẩy việc cân nhắc các tài sản dự trữ thay thế. Trong trường hợp thiếu đô-la, người ta sẽ tìm kiếm một tài sản mới để tạo tính thanh khoản. Trong trường hợp thừa đô-la, người ta tìm kiếm một tài sản mới làm tài sản thay thế cho dự trữ đầu tư và để khôi phục lại niềm tin. Dù theo cách nào thì từ lâu, IMF đã tham gia vào việc tuyển lựa “ứng cử viên” thay thế cho đồng đô-la.
Vào cuối những năm 1960, niềm tin vào đồng đô-la dần dần sụp đổ do một tổ hợp các nguyên nhân từ phía Hoa Kỳ: thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách và lạm phát do chính sách “súng và bơ” của Tổng thống Lyndon Johnson. Các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, đáng chú ý là Pháp và Thụy Sĩ, bắt đầu tống khứ đô-la để đổi lấy vàng. Vàng bắt đầu ồ ạt chảy ra khỏi Fort Knox, và trữ lượng vàng của Mỹ suy giảm với tốc độ đáng báo động, dẫn đến việc Tổng thống Nixon ra lệnh cấm chuyển đổi đô-la sang vàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1971.
Là quản gia của hệ thống tiền tệ quốc tế, IMF đã phải đối mặt với sự sụp đổ niềm tin vào đồng đô-la và tình trạng thiếu vàng. Đồng bảng Anh đã giảm giá trị vào năm 1967 và cũng rơi vào khủng hoảng niềm tin. Đồng mark Đức được xem là hấp dẫn, nhưng các thị trường vốn của Đức quá nhỏ để cung ứng những lượng tài sản dự trữ toàn cầu đủ lớn. Đồng đô-la yếu, vàng khan hiếm và không có sẵn tài sản thay thế nào. IMF lo ngại rằng tính thanh khoản toàn cầu sẽ bốc hơi, châm ngòi cho một cuộc sụp đổ của thương mại thế giới và suy thoái, như đã xảy ra vào những năm 1930. Trong bối cảnh căng thẳng này, năm 1969, IMF đã quyết định phù phép ra một tài sản dự trữ toàn cầu mới, SDR, từ không trung.
Ngay từ đầu, SDR đã là đồng tiền pháp định của thế giới. Kenneth W. Dam, một học giả tiền tệ hàng đầu và là cựu quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ, từng phục vụ trong Kho bạc, Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng, giải thích:
SDR khác với gần như tất cả những đề xuất trước đó ở một khía cạnh trọng yếu. Trước đây, người ta cho rằng bất kỳ dự trữ quốc tế mới nào cũng nhất thiết được tạo ra thông qua Quỹ, và đặc biệt là bất kỳ tài sản dự trữ mới nào cũng được “bảo đảm” bởi một tài sản nào đó khác. Ngược lại, SDR được tạo ra từ (có thể nói là) toàn những lời nói bịa đặt(15). Nó chỉ đơn thuần là được phân bổ cho các bên tham gia theo tỉ lệ, dẫn đến chuyện một số người nhắc đến SDR như “lộc trời cho”. Từ đó trở đi, nó tồn tại và được chuyển nhượng mà không có bất cứ thứ gì đảm bảo. Có thể so sánh nó với việc “công nhận” một đồng tiền được tạo ra bởi các Chính phủ quốc gia nhưng lại không thể chuyển đối nó thành những tài sản cơ sở.
15 Nguyên văn: “The SDR, in contrast, was created out of (so to speak) whole cloth.”
Ban đầu, SDR được định giá tương đương với 0,888671 gram vàng tinh khiết, nhưng bản vị vàng của IMF đã bị bãi bỏ vào năm 1973, không lâu sau khi chính Hoa Kỳ bãi bỏ bản vị vàng đối với đồng đô-la. Từ năm 1973, giá trị của SDR được tính trên cơ sở tham chiếu đến rổ tiền tệ dự trữ. Điều này không có nghĩa là SDR được đảm bảo bởi những đồng tiền mạnh, như Dam đã chỉ ra, mà chỉ đơn giản là giá trị của nó trong các giao dịch và bút toán được tính theo cách đó. Ngày nay, rổ tiền bao gồm đô-la Mỹ, euro, yên Nhật và bảng Anh theo tỉ trọng quy định.
Kể từ khi ra đời đến nay, SDR đã được phát hành cho các thành viên của IMF bốn lần. Lần phát hành đầu tiên là 9,3 tỉ SDR, chia thành nhiều giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1972. Lần phát hành thứ hai là 12,1 tỉ SDR, cũng được thực hiện qua nhiều giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1981. Trong gần 30 năm kể từ 1981 đến 2009, IMF không phát hành SDR. Đây là thời kỳ Vua Đô-la do Paul Volcker và Ronald Reagan thiết kế, kéo dài liên tục qua nhiều chính quyền Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của George Bush, Bill Clinton và George W. Bush. Đến năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính và trong giai đoạn suy thoái mới, IMF đã phát hành 161,2 tỉ SDR vào ngày 28 tháng 8 và 21,5 tỉ SDR vào ngày 9 tháng 9. Tổng giá trị SDR tích lũy kể từ lần đầu tiên đến nay là 204,1 tỉ, tương đương với hơn 300 tỉ đô-la tính theo tỉ giá hối đoái đô-la so với SDR hiện nay.
Lịch sử cho thấy rõ rằng có sự tương quan chặt chẽ giữa những lần phát hành SDR và các giai đoạn sụp đổ niềm tin vào đồng đô-la. Chỉ số tốt nhất để đo lường độ mạnh, yếu của đồng đô-la làBroad Dollar Index điều chỉnh theo giá, được tính toán và công bố bởi Cục Dự trữ Liên bang. Loạt chỉ số đô-la của FED bắt đầu vào tháng 1 năm 1973 và dựa trên một mệnh giá được biểu thị là 100.00 trên sàn giao dịch. Những SDR đầu tiên được phát hành từ năm 1970 đến năm 1972, trước khi chỉ số đô-la ra đời, nhưng lại liên quan đến sự sụp đổ của đồng đô-la so với vàng vào thời điểm đó.
Đợt phát hành SDR thứ hai, từ năm 1979 đến năm 1981, được thực hiện ngay lập tức sau đợt suy yếu của đồng đô-la từ mức chỉ số FED 94,2780 vào tháng 3 năm 1977 xuống còn 84,1326 vào tháng 10 năm 1978 – giảm 11% trong 19 tháng. Sau khi SDR được phát hành, đồng đô-la hồi phục và chạm mức 103,2159 vào tháng 3 năm 1982. Đây là thời điểm bắt đầu thời kỳ Vua Đô-la.
Lần phát hành SDR thứ ba và thứ tư bắt đầu vào tháng 8 năm 2009, không lâu sau khi chỉ số đô-la rơi xuống mức 84,1730 vào tháng 4 năm 2008, gần với mức đáy trong cuộc khủng hoảng năm 1978. Độ trễ xấp xỉ một năm giữa thời điểm chỉ số đô-la giảm với thời điểm phát hành SDR phản ánh thời gian cần thiết để IMF nhận được sự chấp thuận của ban điều hành cho việc thực hiện đợt phát hành mới.
Không giống như lần phát hành vào những năm 1980 của thời kỳ Vua Đô-la, lần phát hành cổ phiếu quy mô lớn năm 2009 đã không đưa đến kết quả là đồng đô-la lấy lại được sức mạnh của mình. Thực tế, chỉ số đô-la đã đạt mức thấp nhất trong lịch sử là 80,5178 vào tháng 7 năm 2011, ngay trước khi vàng chạm mức cao nhất mọi thời đại là 1,895.00 đô-la vào ngày 5 tháng 9. Sự khác biệt trong năm 2011 so với năm 1982 là FED và Kho bạc đang theo đuổi chính sách đồng đô-la yếu, trái ngược với chính sách đồng đô-la mạnh của Paul Volcker. Dù sao thì, lần phát hành SDR năm 2009 đã đạt được mục đích của nó, tái lập tính thanh khoản cho các thị trường tài chính toàn cầu sau Cuộc Khủng hoảng 2008. Các thị trường hồi phục vào cuối năm 2012 cùng với sự ổn định của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu sau khi Mario Draghi cam kết “làm bất cứ việc gì cần thiết” thay mặt ECB. Đến năm 2012, thanh khoản toàn cầu đã được khôi phục, và SDR một lần nữa được cất đi, chờ đợi cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn cầu tiếp theo.
Mặc dù SDR là một công cụ hữu ích để tạo tính thanh khoản khẩn cấp nhưng đồng đô-la vẫn giữ được vị thế là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới. Việc thực hiện vai trò một đồng tiền dự trữ đòi hỏi nhiều hơn việc đồng tiền đó chỉ là tiền. Nó đòi hỏi một tập hợp các tài sản có thể đầu tư, chủ yếu là một thị trường trái phiếu liên kết sâu và có tính thanh khoản. Bất kỳ loại tiền tệ nào cũng có thể được sử dụng trong thương mại quốc tế nếu các bên đối tác sẵn sàng chấp nhận nó như một phương tiện trao đổi. Nhưng một vấn đề sẽ nảy sinh sau khi một đối tác thương mại có số dư tiền tệ thương mại lớn. Họ cần phải đầu tư số dư này vào tài sản có tính thanh khoản để trả lợi nhuận thị trường và bảo tồn giá trị. Khi số dư lớn – ví dụ dự trữ của Trung Quốc là 3.000 tỉ đô-la – tập hợp tài sản có khả năng đầu tư phải lớn tương ứng lớn. Các thị trường trái phiếu Chính phủ tính bằng đô-la Mỹ hiện nay là những thị trường duy nhất trên thế giới đủ lớn và đa dạng để hấp thụ những dòng vốn đầu tư từ các quốc gia dư thừa như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. So với các thị trường đô-la, thị trường SDR vô cùng nhỏ bé.
Tuy nhiên, IMF không hề giấu giếm những tham vọng của mình là biến SDR thành đồng tiền dự trữ có thể thay thế đồng đô-la. Điều này đã được tiết lộ trong một nghiên cứu của IMF được công bố vào tháng 1 năm 2011, bao gồm một kế hoạch nhiều năm, nhiều bước để định vị SDR như tài sản dự trữ toàn cầu hàng đầu. Nghiên cứu đề xuất tăng nguồn cung SDR để khiến chúng thanh khoản hơn và hấp dẫn hơn đối với những người tham gia thị trường tiềm năng ở khu vực tư nhân như Goldman Sachs và Citigroup. Điều quan trọng là nghiên cứu nhận ra nhu cầu của những người bán trái phiếu tính theo SDR tự nhiên như Volkswagen và IBM. Các quỹ tài sản quốc gia được đề xuất là những người mua trái phiếu SDR tiềm năng nhất vì những lý do đa dạng hóa tiền tệ. Nghiên cứu của IMF khuyến cáo rằng, thị trường trái phiếu SDR sẽ tái lập cơ sở hạ tầng của thị trường Kho bạc Hoa Kỳ, với cơ chế phòng vệ, tài chính, thanh toán và thanh lý về cơ bản tương tự như những cơ chế được sử dụng để hỗ trợ hoạt động mua bán chứng khoán Kho bạc hiện nay.
Bên cạnh việc tạo ra thị trường trái phiếu SDR, kế hoạch chi tiết của IMF tiếp tục đề xuất rằng, IMF có thể thay đổi thành phần rổ SDR để giảm tỉ trọng của đồng đô-la Mỹ và tăng tỉ trọng của các ngoại tệ khác như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Đây là một mánh khóe để tăng cường vai trò của đồng nhân dân tệ như một đồng tiền dự trữ thật xa trước khi chính Trung Quốc tự tạo ra một thị trường trái phiếu nhân dân tệ hoặc mở tài khoản vốn. Nếu thị trường SDR có khả năng thanh khoản và đồng nhân dân tệ được đưa vào SDR, các nhà môi giới ngân hàng sẽ tìm ra nhiều cách kiếm lời từ chênh lệch giá của một đồng tiền này so với đồng tiền khác, và do đó tăng mức độ sử dụng và tính hấp dẫn của đồng nhân dân tệ. Liên quan đến thị trường trái phiếu SDR trong tương lai, nghiên cứu của IMF đã thẳng thắn kết luận: “Nếu có sự sẵn sàng về mặt chính trị để thực hiện điều đó, những chứng khoán này có thể hình thành nên một phôi thai của đồng tiền toàn cầu.” Kết luận này rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên IMF công khai vượt qua ý tưởng rằng SDR chỉ là một bổ sung tính thanh khoản và giới thiệu nó như một hình thức tiền tệ thế giới hàng đầu.
Thật vậy, hoạt động phân phối SDR của IMF không chỉ giới hạn ở các thành viên của IMF. Điều XVII trong Điều khoản Thỏa thuận của IMF cho phép phát hành SDR cho “các bên không phải là thành viên” và “các chủ thể chính thức khác”, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tại Basel, Thụy Sỹ. BIS vốn tai tiếng với việc tạo điều kiện cho việc trao đổi vàng của Đức Quốc xã trong khi nằm dưới quyền điều hành của một người Mỹ, Thomas McKittrick, suốt Thế chiến II, và thường được biết đến như là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương. Ngày nay, IMF có thể phát hành SDR cho BIS để tài trợ cho các hoạt động thao túng thị trường vàng mà nó đang thực hiện. Theo quy định tại Điều XVII, IMF cũng có thể phát hành SDR cho Liên Hiệp Quốc để họ sử dụng vào mục đích kiểm soát dân số hoặc các chính sách chống biến đổi khí hậu.
Việc mở rộng vai trò của SDR cần đến những bước phát triển xa hơn, có thể mất nhiều năm để đạt được. Mặc dù chưa sẵn sàng để thay thế đồng đô-la như đồng tiền dự trữ hàng đầu nhưng SDR đang di chuyển từ từ theo hướng đó. Tuy nhiên, vai trò phản ứng nhanh của SDR như nguồn thanh khoản trong một cuộc khủng hoảng tài chính đã được thực hiện rất tốt. Việc phát hành SDR năm 2009 có thể được xem là “cuộc thử nghiệm” trước khi phát hành với quy mô lớn hơn nhiều trong cuộc khủng hoảng thanh khoản ở tương lai.
SDR được phát hành cho một thành viên của IMF không phải lúc nào cũng có tác dụng ngay lập tức, vì thành viên đó có thể phải trả nợ bằng đô-la hoặc euro. Tuy nhiên, SDR có thể được hoán đổi lấy đô-la với các thành viên khác, những người không phiền khi nhận SDR. IMF có một Ban SDR nội bộ để lo những vụ hoán đổi này. Ví dụ: Nếu Áo có nghĩa vụ nợ bằng đồng franc Thụy Sĩ và nhận được khoản phân bổ SDR, Áo có thể dàn xếp trao đổi SDR lấy đồng đô-la với Trung Quốc. Sau đó, Áo bán đồng đô-la lấy đồng franc Thụy Sĩ và sử dụng những đồng franc này để thực hiện các nghĩa vụ nợ của mình. Trung Quốc sẽ rất vui lòng chấp nhận đổi đô-la lấy SDR như một cách để đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ. Trong các giao dịch hoán đổi thực tế, Trung Quốc đã mua lại một số lượng SDR tương đương với 1,24 tỉ đô-la ngoài hạn mức phân bổ chính thức vào ngày 30 tháng 4 năm 2012. Min Zhu – Phó Giám đốc Điều hành của IMF – đã tóm lược vai trò thanh khoản của SDR với câu nói: “Chúng là tiền giả, nhưng chúng là một loại tiền giả có thể là tiền thật.”
IMF minh bạch khi nói đến mục đích phát hành SDR. Toàn bộ công trình Bretton Woods, thứ đã giúp IMF trỗi dậy, là một phản ứng trước Cuộc suy thoái và giảm phát những năm 1930. Văn bản Điều khoản Thỏa thuận của IMF tình bày vấn đề này một cách rõ ràng:
Trong tất cả các quyết định của mình liên quan đến việc phân bổ của quyền rút vốn đặc biệt Quỹ sẽ tìm cách đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong dài hạn, ngay khi nhu cầu phát sinh, để bổ sung cho các tài sản dự trữ hiện có theo cách thức như vậy sẽ tránh giảm phát.
Giảm phát là quả báo của mọi ngân hàng trung ương, vì nó rất khó đảo ngược, không thể thu thuế và làm cho nợ Chính phủ trở thành không thể trả được bằng cách làm tăng giá trị thực của nợ. Bằng việc thừa nhận một cách rõ ràng sứ mệnh ngăn ngừa giảm phát, những hành động của IMF nhất quán với mục tiêu của các ngân hàng trung ương khác.
Với ban lãnh đạo đa dạng, bảng cân đối kế toán có đòn bẩy và SDR, IMF đã sẵn sàng để thực hiện tầm nhìn một thế giới, một ngân hàng, một đồng tiền và thực hiện vai trò mà nó được thiết kế: Ngân hàng Trung ương Thế giới. Cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn cầu tiếp theo sẽ làm rung chuyển sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế đến tận cốt lõi; nó cũng có thể là chất xúc tác cho quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của IMF. SDR là kẻ kế vị được ưa thích cho ngai vàng của đồng đô-la.