Vàng và bạc là những vật chất duy nhất đã, đang và sẽ tiếp tục là loại tiền tệ toàn cầu của các quốc gia văn minh. Không cần liệt kê những tài sản nổi tiếng đã đưa chúng trở thành lựa chọn thích hợp nhất cho một phương tiện trao đổi đại trà. Chúng đã được sử dụng từ buổi bình minh… Và khi chúng ta thấy rằng các quốc gia khác nhau về ngôn ngữ, tôn giáo, tập quán, và về hầu hết mọi chủ đề nhạy cảm, trong suốt khoảng thời gian gần 4.000 năm, đã nhất trí ở một khía cạnh, vàng và bạc đã không hề bị gián đoạn cho đến tận ngày nay, liên tục giữ vai trò là đơn vị tiền tệ toàn cầu của thế giới thương mại và văn minh, chúng ta hoàn toàn có thể suy luận rằng chúng được đánh giá là ưu việt hơn so với bất kỳ vật chất nào khác về sự bền vững của giá trị.
- Albert Gallatin, Bộ trưởng Ngân khố tại vị lâu nhất của Hoa Kỳ (1801 - 1814 ) -
Tiền là vàng, và không gì khác.
- J. P. Morgan -
THỰC TẾ VỀ VÀNG, THẦN THOẠI VỀ VÀNG
Những cuộc thảo luận thấu đáo về vàng cũng hiếm như chính kim loại này. Chủ đề dường như dễ xúc động đến nỗi khó mà thừa nhận phần lớn những lời lẽ lý trí. Một mặt, những người phản đối việc trao cho vàng một vai trò trong hệ thống tiền tệ quốc tế có xu hướng viện đến trò công kích cá nhân cũng như các phân tích kinh tế trong nỗ lực chế giễu và gạt chủ đề này ra khỏi cuộc thảo luận. Một bài xã luận năm 2013 của một nhà kinh tế học nổi tiếng đã sử dụng những từ hoang tưởng, dựa trên nỗi sợ hãi, cực đoan và cuồng tín để mô tả các nhà đầu tư vàng, trong khi lướt qua một danh sách những lý do phản bác rõ ràng là không thể trụ vững nếu xem xét kỹ lưỡng.
Mặt khác, nhiều người được gọi là nghiện vàng giờ đây không còn mặn mà nữa, họ buộc tội những kho vàng ở Fort Knox đã trống trơn, vàng từ lâu đã được vận chuyển đến các ngân hàng vàng như JPMorgan Chase và thay thế bằng những thỏi trông giống vàng nhưng độn đầy vonfram. Sự gian lận này được cho là một phần của kế hoạch kìm hãm giá quy mô lớn đã kéo dài nhiều thập kỷ nhằm tước đoạt từ tay các nhà đầu tư vàng những khoản lợi nhuận mà đáng lẽ họ được hưởng nhờ tầm nhìn xa trông rộng, và phủ nhận vị trí thích đáng của vàng trong vũ trụ tiền tệ.
Tất nhiên, những mối lo ngại chính đáng về việc sử dụng vàng kết hợp với chính sách tiền tệ tùy ý hiện nay là có thực, và có bằng chứng cho thấy sự can thiệp của Chính phủ vào các thị trường vàng. Cả hai đều cần đến một cuộc kiểm tra về vấn đề này, trong đó tách bạch giữa thực tế với hư cấu. Để hiểu được vai trò thực sự của vàng trong hệ thống tiền tệ, chúng ta cần phải dựa vào lịch sử, chứ không phải là những vở diễn tuồng. Phân tích nên dựa trên dữ liệu có thể chứng minh và suy luận hợp lý hơn là lời kết tội và xét đoán. Khi có một tầm nhìn sáng tỏ về chủ đề vàng, sự thật hóa ra còn thú vị hơn những gì mà cả phe ghét vàng lẫn phe mê vàng muốn bạn tin.
Lord Nathan Rothschild, nhà môi giới vàng cho Ngân hàng Anh và người đứng đầu ngân hàng London huyền thoại Rothschild & Sons, cho biết: “Tôi chỉ biết hai người đàn ông thực sự hiểu được giá trị của vàng – một nhân viên vô danh trong tầng hầm của Ngân hàng Paris và một trong những Giám đốc của Ngân hàng Anh. Thật không may, họ không nhất trí.” Nhận xét này phản ánh sự khan hiếm những quan điểm được xây dựng trên nền tảng vững chắc và sự trì độn đã len sâu vào những cuộc thảo luận về vàng.
Ở mức độ cơ bản nhất, vàng là một nguyên tố, nguyên tử số 79, được tìm thấy trong quặng, đôi khi là quặng vàng tự nhiên, với số lượng khan hiếm, trong hoặc trên lớp vỏ Trái Đất. Thông tin vàng là một nguyên tố rất quan trọng, vì nó có nghĩa là vàng nguyên chất có chất lượng và thang đánh giá đồng nhất ở mọi nơi và mọi lúc. Nhiều loại hàng hóa như dầu, ngô, lúa mì có nhiều hạng, với tạp chất nhiều hơn hoặc ít, điều này được phản ánh trong giá cả. Gạt qua một bên các hợp kim và sản phẩm chưa tinh chế, vàng nguyên chất ở mọi nơi đều như nhau.
Nhờ độ tinh khiết, tính đồng nhất, sự khan hiếm và đặc tính dễ dát mỏng dẻo dai mà vàng không phải là loại tiền tệ vô song. Vàng đã được xem là tiền trong trong ít nhất 4.000 năm, có lẽ còn lâu hơn thế. Sách Sáng thế (Genesis) mô tả Tộc trưởng Abraham là người “rất giàu có về gia súc, vàng và bạc”. Vua Croesus đã chế tác những đồng tiền vàng đầu tiên ở Lydia, tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Đạo luật Coinage năm 1792 của Hoa Kỳ được thông qua chỉ ba năm sau khi Hiến pháp Hoa Kỳ có hiệu lực, ủy quyền cho Cục đúc tiền Kim loại mới thành lập sản xuất tiền xu bằng vàng tinh khiết mệnh giá 10 đô- la, 5 đô-la và 2,5 đô-la được gọi là Đại bàng Mỹ (American Eagle). Lịch sử lâu đời của vàng không có nghĩa là ngày nay người ta nhất định phải sử dụng nó làm tiền. Điều đó chỉ có nghĩa là bất cứ ai từ chối vai trò tiền tệ của vàng hẳn là phải cảm thấy mình sở hữu trí tuệ thông thái hơn cả Kinh Thánh, cổ nhân và các Nhà Lập Quốc cộng lại.
Để hiểu vàng, nên biết vàng không phải là gì.
Vàng không phải là một phái sinh. Một quỹ giao dịch vàng được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York không phải là vàng. Một hợp đồng vàng tương lai giao dịch trên COMEX của Tập đoàn CME không phải là vàng. Một hợp đồng kỳ hạn được đưa ra bởi một ngân hàng Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London không phải là vàng. Những công cụ tài chính này, và nhiều thứ khác, chỉ là những hợp đồng sử dụng giá tính theo vàng, và là một phần của một hệ thống có liên quan đến vàng vật chất, nhưng chúng là hợp đồng, không phải vàng.
Các hợp đồng dựa trên vàng có nhiều rủi ro, mà những rủi ro này vốn không thuộc về bản chất của vàng, bắt đầu với khả năng các bên đối tác có thể không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Các sàn giao dịch nơi những hợp đồng vàng này được niêm yết có thể bị đóng cửa do hậu quả của khủng hoảng, chiến tranh, hành động khủng bố, bão và các thiên tai khác. Bão Sandy năm 2012 và vụ tấn công 11/9 vào Trung tâm Thương mại Thế giới là hai trường hợp gần đây, trong đó Sàn Giao dịch Chứng khoán New York phải đóng cửa. Các quy tắc giao dịch cũng có thể được thay đổi một cách đột ngột, như đã xảy ra trên COMEX vào năm 1980 trong nỗ lực của anh em nhà Hunt hòng tìm cách lũng đoạn thị trường bạc. Các ngân hàng có thể tuyên bố lý do bất khả kháng để hủy bỏ hợp đồng và thanh toán bằng tiền mặt thay cho vàng. Ngoài ra, các Chính phủ có thể sử dụng các sắc lệnh để hủy bỏ các hợp đồng đang còn hiệu lực. Mất điện và sự sụp đổ của Internet cũng có thể dẫn đến việc không thể đóng hoặc thanh toán các hợp đồng giao dịch. Những thay đổi trong yêu cầu thanh toán nợ - ký quỹ có thể dẫn đến việc cưỡng chế thanh lý, dẫn đến tình trạng bán tống bán tháo. Không sự cố nào trong những sự cố kể trên ảnh hưởng đến người sở hữu vàng thỏi ở dạng vật chất.
Quyền sở hữu vàng vật chất thuần túy, không có cam kết hoặc quyền giữ, được lưu trữ bên ngoài hệ thống ngân hàng, là hình thức duy nhất của vàng được xem là tiền thật, vì mọi hình thức khác đều chỉ là một tuyên bố có điều kiện trên vàng.
Vàng không phải là hàng hóa. Lý do là nó không được tiêu thụ hoặc chuyển đổi sang bất kỳ thứ gì khác, nó chỉ là vàng. Nó được giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa và được nhiều người tham gia thị trường coi là hàng hoá, nhưng nó khác biệt. Rất nhiều nhà kinh tế học từ nhiều trường phái đa dạng như Adam Smith và Karl Marx đã định nghĩa hàng hóa nói chung là những sản phẩm hàng hóa không có tính dị biệt được sản xuất để đáp ứng những nhu cầu và mong muốn khác nhau. Dầu, lúa mì, ngô, nhôm, đồng và vô số các hàng hoá thực sự khác đáp ứng được định nghĩa này. Hàng hóa được tiêu thụ như thực phẩm hay năng lượng, hoặc sẽ đóng vai trò đầu vào cho các hàng hóa khác cần cho tiêu dùng. Ngược lại, vàng hầu như không được dùng trong công nghiệp và không phải là lương thực hay năng lượng dưới bất kỳ hình thức nào. Quả là hầu hết nhân loại đều khao khát vàng, nhưng đó là một khao khát đơn thuần như tiền trong vai trò tích trữ giá trị chứ không vì bất kỳ mục đích nào khác. Ngay cả trang sức cũng không phải là hàng hóa tiêu dùng, mặc dù nó được coi là như vậy, bởi vì đồ trang sức bằng vàng là thứ tài sản mang tính trang trí, một hình thức của tiền mà bạn có thể đeo trên người.
Vàng không phải là một khoản đầu tư. Một khoản đầu tư liên quan đến việc chuyển đổi tiền thành một công cụ bao gồm cả rủi ro và lợi nhuận. Tiền thực sự, chẳng hạn như vàng, không có lợi nhuận bởi vì nó không có rủi ro. Cách đơn giản nhất để hiểu được ý tưởng này là lấy tờ một đô-la từ ví rồi nhìn vào nó. Bản thân tờ đô-la đó không tạo ra cho bạn một xu nào. Để có lợi nhuận, người ta phải chuyển đổi tiền thành một khoản đầu tư và chấp nhận rủi ro. Một nhà đầu tư lấy đô-la của mình đem gửi ngân hàng có thể nhận được một khoản lợi nhuận, nhưng đó không phải là lợi nhuận tính trên tiền, đó là lợi nhuận tính trên một tài khoản tiền gửi ngân hàng. Rủi ro tiền gửi ngân hàng có thể khá thấp, nhưng không phải bằng 0. Người gửi có thể gặp rủi ro về kỳ hạn nếu khoản tiền gửi có thời hạn cố định. Người gửi có thể gặp rủi ro tín dụng nếu ngân hàng thua lỗ. Bảo hiểm tiền gửi ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro thua lỗ của ngân hàng, nhưng cũng có khả năng khoản bảo hiểm này mất khả năng thanh toán.
Những người tin rằng rủi ro tiền gửi ngân hàng chỉ là chuyện quá khứ nên xem xét lại trường hợp của Síp vào tháng 3 năm 2013, khi những khoản tiền gửi ngân hàng nhất định bị buộc phải chuyển thành cổ phiếu ngân hàng sau khi một kế hoạch trước đó nhằm sung công những tài khoản tiền gửi này bằng cách đánh thuế đã bị từ chối. Vụ chuyển đổi tiền gửi này sang vốn cổ phần để giải cứu các ngân hàng bị phá sản được châu Âu cũng như Hoa Kỳ ủng hộ và xem như một khuôn mẫu cho việc quản lý khủng hoảng ngân hàng trong tương lai.
Có vô số cách để kiếm lợi nhuận nhờ nhận rủi ro. Cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, các quỹ đầu cơ và nhiều loại phương tiện kết hợp khác, tất cả đều là những khoản đầu tư bao gồm cả rủi ro và lợi nhuận. Một nhánh của ngành khoa học kinh tế, đặc biệt là lý thuyết định giá quyền chọn, dựa trên giả định sai lầm rằng một tín phiếu Kho bạc ngắn hạn là một khoản đầu tư “không có rủi ro”. Trên thực tế là gần đây, thứ hạng tín dụng của Hoa Kỳ đã hạ xuống dưới mức AAA, tỉ lệ nợ/GDP tăng lên và Quốc hội liên tục thất bại về luật nợ trần, tất cả đều cho thấy rằng “không có rủi ro” chỉ là một huyền thoại.
Vàng không liên quan đến bất cứ rủi ro nào thuộc về bản chất của những khoản đầu tư này. Nó không có rủi ro đáo hạn vì sẽ không có ngày nào đó trong tương lai khi vàng “đáo hạn” thành vàng. Ngay từ đầu nó đã là vàng. Vàng không có rủi ro đối tác vì nó là tài sản đối với chủ sở hữu nó, nhưng nó không phải là nghĩa vụ nợ của bất kỳ ai khác. Không ai “phát hành” vàng theo cách mà một tờ giấy bạc được phát hành. Nó chỉ là vàng. Một khi vàng thuộc quyền sở hữu của bạn, nó không có rủi ro liên quan đến thanh lý hay thanh toán. Các ngân hàng có thể thua lỗ, sàn giao dịch có thể đóng cửa, hòa bình có thể bị mất đi, nhưng những sự kiện này không hề tác động đến giá trị nội tại của vàng. Đây là lý do tại sao vàng là tài sản thực sự không có rủi ro.
Sự nhầm lẫn về vai trò của vàng phát sinh vì nó thường được coi là một khoản đầu tư và được báo cáo như vậy trên các kênh tài chính của giới truyền thông. Không ngày nào mà không có một phóng viên tài chính thông báo cho khán giả rằng vàng đang “lên” hay “xuống” trong ngày, dưới hình thức giá đô-la của mỗi ounce vàng, điều này đúng theo nghĩa đen. Nhưng vàng đang biến động, hay chính là đô-la đang biến động?
Trong một ngày vàng được báo cáo là “tăng” 3,3%, từ 1.500 đô-la/ounce lên 1.550 đô-la/ounce, sẽ chính xác hơn nếu xem vàng như là một hằng số và báo cáo rằng đồng đô-la “giảm” từ 1/1.500 của một ounce vàng lên 1/1.550 của một ounce vàng. Nói cách khác, với một đô-la bạn mua được ít vàng hơn, vì vậy đồng đô-la giảm giá. Điều này làm nổi bật vai trò của đơn vị tính toán(numeraire) – một phần của định nghĩa chuẩn về tiền. Nếu vàng là đơn vị tính toán, thì đồng đô-la hoặc các loại tiền tệ khác sẽ là tài sản biến động, chứ không phải vàng.
Vấn đề về đơn vị tính toán này cũng có thể được minh họa bằng một ví dụ liên quan đến tiền tệ sau đây. Giả sử rằng trong một ngày giao dịch nhất định, giá vàng thay đổi từ 1.500 đô-la/ounce xuống còn 1.495 đô-la/ounce, giảm 0,3%. Cùng ngày, tỉ giá hối đoái của đồng yên so với một đô- la thay đổi từ 100 yên lên 101 yên. Chuyển đổi từ đô-la sang yên, giá vàng đã tăng từ 150.000 yên (1.500 đô-la x 100) lên 150.995 đô-la (1.495 đô-la x 101), tăng 0,6%. Trong cùng một ngày giao dịch, vàng đã giảm 0,3% tính theo đô-la nhưng tăng 0,6% tính theo yên. Vậy vàng lên hay xuống?
Nếu một người xem đồng đô-la là hình thức duy nhất của tiền trên thế giới thì vàng đã xuống, nhưng nếu một người xem vàng là đơn vị tính toán, hay tiêu chuẩn tiền tệ, sẽ chính xác hơn khi nói rằng vàng không đổi, đồng đô- la tăng giá so với vàng và đồng yên giảm giá so với vàng. Kết luận này giải quyết được mâu thuẫn của việc vàng lên hay xuống. Nó không tăng cũng không giảm. Thay vào đó, các loại tiền tệ biến động. Điều này cũng minh họa thực tế rằng, giá trị của vàng là giá trị nội tại và nó không chỉ là một hàm số đơn thuần của các giá trị tiền tệ toàn cầu. Chính những đồng tiền đó mới dễ biến động và thiếu giá trị nội tại.
Nếu vàng không phải là một phái sinh, một hàng hóa, hay một khoản đầu tư, thì vàng là gì? Chủ ngân hàng huyền thoại J. P. Morgan đã trả lời câu hỏi này xác đáng hơn cả: “Tiền là vàng, và không gì khác.”
Mặc dù tiền là vàng đối với J. P. Morgan – và tất cả những người khác – trong 4.000 năm, nhưng tiền đột ngột không còn là vàng vào năm 1974, ít nhất là theo IMF. Tổng thống Nixon đã chấm dứt khả năng chuyển đổi đô-la Mỹ thành vàng của các ngân hàng trung ương nước ngoài vào năm 1971, nhưng mãi tới năm 1974, một ủy ban cải cách đặc biệt của IMF, với sự đồng thuận của Hoa Kỳ, mới chính thức đề xuất xóa bỏ tư cách tiền tệ của vàng và nâng vị trí của SDR trong hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc. Từ năm 1975 đến năm 1980, Hoa Kỳ đã nỗ lực không mệt mỏi để hạn chế vai trò tiền tệ của vàng, thực hiện những cuộc bán đấu giá vàng khổng lồ từ các kho vàng chính thức của Hoa Kỳ. Cuối năm 1979, Hoa Kỳ đã bán phá giá 412 tấn vàng trên thị trường trong nỗ lực kìm hãm giá và làm lu mờ tầm quan trọng của vàng. Những nỗ lực này cuối cùng đã thất bại. Giá thị trường của vàng đã tăng vọt lên 800 đô-la/ounce trong tháng 1 năm 1980. Kể từ đó đến nay, Mỹ không thực hiện đợt bán vàng chính thức nào quan trọng nữa.
Việc Hoa Kỳ và IMF “giáng chức” vàng khỏi vị thế tài sản tiền tệ vào cuối những năm 1970 có nghĩa là chương trình kinh tế của các trường Đại học hàng đầu đã không nghiên cứu nghiêm túc về vàng trong gần hai thế hệ. Có thể người ta dạy về vàng trong các lớp lịch sử nhất định, và có nhiều chuyên gia về vàng tự học, nhưng bất kỳ nhà kinh tế học nào sinh ra từ năm 1952 cũng gần như chắc chắn không được đào tạo chính quy về công dụng tiền tệ của vàng. Kết quả là những truyền thuyết về vàng cứ nối tiếp nhau xuất hiện thay cho những công trình phân tích nghiêm túc.
Truyền thuyết đầu tiên là vàng không thể hình thành nền tảng của một hệ thống tiền tệ hiện đại vì không có đủ vàng để hỗ trợ các yêu cầu của ngành thương mại và tài chính thế giới. Truyền thuyết này rõ ràng là sai lầm, nhưng nó được viện dẫn quá thường xuyên đến mức sự sai lệch của nó xứng đáng bị bóc trần.
Tổng lượng cung vàng trên thế giới hiện nay, chưa kể trữ lượng trong lòng đất, xấp xỉ 163.000 tấn. Trong số này, 31.868,8 tấn đang được sở hữu bởi các định chế chính thức như ngân hàng trung ương, kho bạc quốc gia và IMF. Với mức giá 1.500 đô-la/ounce, số vàng chính thức trên thế giới có giá trị thị trường là 1.700 tỉ đô-la. Giá trị này nhỏ hơn rất nhiều so với tổng cung tiền của các cường quốc thương mại và tài chính lớn trên thế giới. Chẳng hạn, chỉ riêng cung tiền của Hoa Kỳ, gọi là M1, do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cung ứng, là 2.500 tỉ đô-la vào cuối tháng 6 năm 2013. Nguồn cung M2 của FED lớn hơn, 10,6 nghìn tỉ đô-la trong cùng kỳ. Kết hợp M1 và M2 với nguồn cung tiền của ECB, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ta có lượng cung tiền toàn cầu cho bốn khu vực kinh tế lớn lên đến 20 nghìn tỉ đô-la cho M1 và 48 nghìn tỉ đô-la cho M2. Nếu nguồn cung tiền toàn cầu được giới hạn ở mức 1.700 tỉ đô-la vàng thay vì 48 nghìn tỉ đô-la tiền giấy M2, thì kết quả sẽ gây ra giảm phát thảm khốc và dẫn đến một cuộc tình trạng suy thoái trầm trọng.
Vấn đề trong kịch bản này không phải là lượng vàng mà là giá cả. Nếu tính đúng giá thì lượng vàng rất dồi dào. Giả sử giá vàng là 17.500 đô-la/ounce, cung vàng chính thức sẽ gần bằng cung tiền M1 của khu vực Eurozone, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cộng lại. Điểm chính ở đây không phải là để dự báo giá vàng hay dự đoán một bản vị vàng, mà chỉ để minh họa rằng số lượng vàng không bao giờ là một trở ngại đối với một bản vị vàng, miễn sao giá cả tương thích với cung tiền mục tiêu.
Thuyền thuyết thứ hai là vàng không thể được sử dụng trong một hệ thống tiền tệ vì vàng đã gây ra Đại suy thoái trong những năm 1930, góp phần vào thời gian dai dẳng và mức độ nghiêm trọng của nó. Câu chuyện này có một nửa sự thật, nhưng trong nửa dối trá lại chứa nhiều điều gây nhầm lẫn. Đại suy thoái, thường được ghi nhận là xảy ra từ năm 1929 đến năm 1940, được dạo trước bởi việc áp dụng bản vị hối đoái vàng (gold exchange standard), nổi lên theo từng giai đoạn từ năm 1922 đến năm 1925 và hoạt động rất khó khăn cho đến năm 1939. Bản vị hối đoái vàng đã được thống nhất về nguyên tắc tại Hội nghị Genoa năm 1922, nhưng các bước triển khai chính xác thuộc trách nhiệm của các nước tham gia những năm tiếp theo.
Đúng như tên gọi của nó, bản vị hối đoái vàng không phải là một bản vị vàng thuần túy như loại đã tồn tại từ năm 1870 đến năm 1914. Đó là một bản vị lai, trong đó cả vàng và ngoại hối – chủ yếu là đồng đô-la Mỹ, đồng bảng Anh và đồng franc Pháp – có thể đóng vai trò như tiền tệ dự trữ và được sử dụng để dàn xếp bất kỳ cán cân thanh toán nào. Sau Thế chiến thứ I, người dân ở hầu hết các nền kinh tế lớn không còn mang theo vàng xu như cảnh tượng thường thấy trước năm 1914.
Về lý thuyết, dự trữ ngoại hối của một quốc gia được quy đổi thành vàng khi một chủ sở hữu xuất trình chúng cho nước ban hành. Các công dân cũng được tự do sở hữu vàng. Tuy nhiên, các vụ quy đổi trên quy mô quốc tế diễn ra không thường xuyên và quyền sở hữu vàng vật chất của công dân chỉ giới hạn với thỏi vàng lớn, nhìn chung không thích hợp cho các giao dịch hàng ngày. Ý tưởng là để tạo ra một bản vị vàng nhưng lượng vàng trong lưu thông ít nhất có thể. Vàng sẵn có vẫn yên vị trong các hầm chức tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Pháp, trong khi người dân lại quen sử dụng giấy bạc thay vì đồng xu vàng, và các ngân hàng trung ương đã học cách chấp nhận giấy nợ của các đối tác thương mại thay vì yêu cầu vàng thỏi. Trong trường hợp tốt nhất thì các bản vị hối đoái vàng cũng chỉ là một bản sao nhạt nhòa của một bản vị vàng thực sự. Còn tồi tệ nhất thì nó là một cú gian lận vĩ đại.
Điều quan trọng nhất là các quốc gia phải chọn tỉ lệ chuyển đổi giữa tiền của họ và vàng, sau đó bám lấy tỉ lệ đó khi hệ thống mới phát triển. Theo quan điểm tăng cung tiền giấy ồ ạt như đã xảy ra trong Thế chiến thứ I, từ năm 1914 đến năm 1918, hầu hết các quốc gia tham gia đều chọn một giá trị cho đồng tiền của mình, thấp hơn nhiều so với mức trước chiến tranh. Trong thực tế, họ phá giá đồng tiền của mình đối với vàng và trở lại một bản vị vàng với một tỉ giá hối đoái mới thấp hơn. Pháp, Bỉ, Ý và các thành viên khác của tổ chức sau này được biết đến với cái tên Gold Bloc đã theo đuổi chính sách này. Hoa Kỳ bước vào cuộc chiến muộn hơn các cường quốc châu Âu và nền kinh tế của nó ít bị ảnh hưởng hơn bởi chiến tranh. Hoa Kỳ cũng nhận được những dòng vàng vào rất lớn trong suốt thời kỳ chiến tranh và kết quả là họ không gặp khó khăn gì trong việc duy trì tỉ giá hối đoái của vàng là 20,67 đô-la/ ounce. Sau khi các đợt phá giá tiền tệ của Gold Bloc và Hoa Kỳ không gặp khó khăn gì, thành công tương lai của bản vị hối đoái vàng giờ đây gắn liền với việc xác định tỉ lệ chuyển đổi cho đồng bảng Anh.
Vương quốc Anh, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Winston Churchill, đã chọn tỉ giá trước chiến tranh, tương đương với 4,86 bảng Anh/ounce. Ông làm điều này bởi vì cảm thấy có nghĩa vụ phải tôn vinh những tờ giấy bạc của Ngân hàng Anh ở mức giá trị ban đầu của chúng và cũng vì những lý do thực dụng liên quan đến việc giúp London giữ vững vị thế trung tâm tiền tệ vững mạnh, đáng tin cậy của tài chính thế giới. Với số tiền khổng lồ mà Ngân hàng Anh đã in ra để tài trợ cho chiến tranh, tỉ giá hối đoái này đã định giá quá cao đồng bảng và buộc phải giảm mạnh cung tiền để quay lại ngang giá cũ. Mức tỉ giá hối đoái tương đương với 7,50 bảng Anh/ ounce sẽ là lựa chọn thực tế hơn và có thể đặt Anh vào vị thế cạnh tranh trong giao dịch. Thay vào đó, việc định giá quá cao đồng bảng Anh đã gây tổn hại cho thương mại của Anh và buộc Chính phủ phải giảm mức lương giảm phát của người lao động Anh để điều chỉnh cho phù hợp với các điều khoản thương mại. Quá trình này tương tự như những điều chỉnh cơ cấu mà Hy Lạp và Tây Ban Nha đang thực hiện ngày nay. Kết quả là nền kinh tế Anh bắt đầu rơi vào suy thoái năm 1926, nhiều năm trước ngày được ghi nhận trong năm 1929 liên quan đến cuộc Đại suy thoái và thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ.
Với một đồng bảng bị định giá quá cao và những điều khoản thương mại bất lợi, vàng của Vương quốc Anh bắt đầu chảy sang Hoa Kỳ và Pháp. Đáng lẽ, Hoa Kỳ nên nới lỏng chính sách tiền tệ, vấn đề thuộc quyền kiểm soát của Cục Dự trữ Liên bang và cho phép lạm phát trong nước cao hơn. Phản ứng này mới đúng đắn và sẽ đưa các điều khoản thương mại thay đổi theo hướng có lợi cho Anh và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhưng thay vào đó, FED điều hành một chính sách tiền tệ thắt chặt, góp phần vào sự sụp đổ của thị trường năm 1929 và dẫn tới Đại suy thoái. Vào năm 1931, áp lực lên đồng bảng Anh vốn đã bị định giá quá cao đã trở nên nghiêm trọng đến mức Vương quốc Anh từ bỏ mức ngang giá năm 1925 và phá giá đồng bảng. Quyết định này đã khiến đồng đô-la Mỹ trở thành đồng tiền lớn bị định giá quá cao nhất trên thế giới, một tình huống được khắc phục vào năm 1933, khi Hoa Kỳ phá giá từ 20,67 đô-la/ ounce xuống 35,00 đô-la/ounce, làm giảm giá trị đồng đô- la để bù đắp cho hiệu ứng của việc phá giá đồng bảng Anh hai năm trước đó.
Chuỗi các sự kiện từ năm 1922 đến năm 1933 chỉ ra rằng cuộc Đại suy thoái không phải do vàng, mà do các chính sách tùy tiện của ngân hàng trung ương. Các bản vị hối đoái vàng đã phạm phải sai lầm chết người vì nó không tính đến giá vàng trên thị trường tự do. Ngân hàng Anh định giá quá cao đồng bảng Anh vào năm 1925. Cục Dự trữ Liên bang thực hiện một chính sách tiền tệ thắt chặt không đúng lúc vào năm 1927. Những vấn đề này không liên quan đến bản thân vàng, mà liên quan đến giá của vàng bị thao túng và bóp méo bởi các ngân hàng trung ương. Bản vị hối đoái vàng đã góp phần vào cuộc Đại suy thoái vì nó không phải là bản vị vàng đích thực. Đó là một phiên bản lai tạp được thiết kế kém cỏi, bị thao túng và bị quản lý bởi những chính sách tiền tệ tùy tiện của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở Anh và Hoa Kỳ. Cuộc Đại suy thoái không phải là một luận điểm chống lại vàng. Đó là một lời cảnh tỉnh về sự thiếu năng lực của ngân hàng trung ương và sự nguy hiểm của việc phớt lờ các thị trường.
Truyền thuyết thứ ba là vàng gây ra sự hoảng loạn trên thị trường và các nền kinh tế hiện đại ổn định hơn khi né tránh vàng còn các ngân hàng trung ương thì sử dụng các công cụ tiền tệ để xoa dịu những cơn hoảng loạn định kỳ. Đây là một trong những câu chuyện ưa thích của Paul Krugman và ông ta đã viện dẫn nó nhiều đến mức phát ngấy trong những bài viết phản đối vàng, ủng hộ lạm phát.
Trên thực tế, hoảng loạn thực sự xảy ra khi có một bản vị vàng, và hoảng loạn cũng xảy ra khi không có một bản vị vàng. Krugman thích viện dẫn một danh sách những đợt hoảng loạn phát sinh trong suốt thời kỳ sử dụng bản vị vàng cổ điển và bản vị hối đoái vàng. Nó bao gồm những lần thị trường hoảng loạn hoặc sụp đổ vào năm 1873, 1884, 1890,1893, 1907 và cuộc Đại khủng hoảng. Cũng đúng. Nhưng hoảng loạn cũng xảy ra khi không có bản vị vàng. Ví dụ như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1987, khi Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm hơn 22% trong một ngày, sự sụp đổ của đồng peso Mexico năm 1994, cơn khủng hoảng của thị trường Vốn-Dài hạn-Châu Á-Nga năm 1997-1998, sự sụp đổ của cổ phiếu công nghệ năm 2000, của thị trường nhà ở năm 2007 và cuộc Khủng hoảng tài chính Lehman- AIG năm 2008.
Vàng không ngăn chặn hay gây ra sự hoảng loạn. Hoảng loạn xuất hiện do mở rộng tín dụng quá mức và quá tự tin, theo sau là sự mất niềm tin đột ngột và cuộc tranh giành điên cuồng để vớt vát khả năng thanh khoản. Đặc trưng của khủng hoảng là giá trị tài sản sụt giảm nhanh chóng, các chủ nợ yêu cầu ký quỹ, tình trạng bán phá giá tài sản để lấy tiền mặt, và một vòng lặp bất tận. Càng nhiều tài sản được bán ra thì giá trị càng giảm, các chủ nợ lại phát thêm yêu cầu ký quỹ và tài sản càng được bán tống bán tháo. Quá trình này cuối cùng cũng tự kết thúc thông qua phá sản, một vụ giải cứu bởi các bên đủ khả năng, sự can thiệp của Chính phủ, hoặc kết hợp cả ba giải pháp. Hoảng loạn là của bản chất con người, và liên tục dao động giữa sợ hãi và tham lam, tham lam và lại sợ hãi. Hoảng loạn sẽ không biến mất. Vấn đề là những đợt hoảng loạn này ít hoặc không liên quan gì đến vàng.
Trên thực tế, các bản vị vàng đã hoạt động tốt trong quá khứ và vẫn hoàn toàn khả thi trong hiện tại. Tuy nhiên, quá trình kiến tạo ra bất kỳ bản vị vàng nào cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn về thiết kế. Đây là công việc đầy thách thức cũng giống như việc thiết kế một bộ vi xử lý kỹ thuật số, có thiết kế xuất sắc và có thiết kế kém cỏi. Có những vấn đề kỹ thuật xứng đáng được xem xét nghiêm túc, nhưng cũng có những vấn đề đồn thổi không cần quan tâm. Có đủ vàng trên thế giới – vấn đề nằm ở giá cả. Vàng không gây ra cuộc Đại suy thoái, mà gánh nặng chính sách của các ngân hàng trung ương đã làm điều đó. Hoảng loạn không phải là kết quả của vàng. Chúng là kết quả của bản chất con người và nới lỏng tín dụng. Việc chấm dứt những chuyện hoang đường này là cách để tiến đến một cuộc tranh luận đích thực về những ưu điểm và khuyết điểm của vàng.
CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH VÀNG
Trong khi các nhà nghiên cứu và chuyên gia học thuật vẫn đang tranh luận về các phẩm chất của vàng trên cương vị một bản vị tiền tệ thì các ngân hàng trung ương đã vượt qua giai đoạn tranh luận. Đối với họ, cuộc tranh luận đã kết thúc – vàng là tiền. Ngày nay, các ngân hàng trung ương đang mua vàng như là một tài sản dự trữ với tốc độ chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1970, và cuộc tranh giành vàng này có ý nghĩa sâu sắc đối với vai trò tương lai của mọi loại tiền tệ, đặc biệt là đồng đô-la Mỹ.
Bản thân các sự kiện đã nói lên tất cả, hầu như không phải chỉnh sửa gì nhiều. Các ngân hàng trung ương và các định chế chính thức khác như IMF đã bán vàng nhiều hơn mua từ năm 2002 đến năm 2009, mặc dù doanh số đã giảm mạnh trong suốt thời gian đó, từ hơn 500 tấn năm 2002 xuống còn dưới 50 tấn vào năm 2009. Bắt đầu từ năm 2010, các ngân hàng trung ương mua vàng nhiều hơn bán, với mức tăng từ dưới 100 tấn vào năm 2010 lên trên 500 tấn vào năm 2012. Trong 10 năm từ năm 2002 đến năm 2012, sự dịch chuyển từ bán ròng sang mua ròng đã đạt trên 1.000 tấn/năm, lớn hơn một phần ba sản lượng khai thác toàn cầu hàng năm. Ngày càng có nhiều vàng đang vận chuyển trực tiếp từ các hầm mỏ đến hầm chứa của ngân hàng trung ương.
Bảng 1 cho thấy mức tăng dự trữ vàng của một số quốc gia từ quý I năm 2004 đến quý I năm 2013, tính bằng tấn:
Tất cả những ngân hàng trung ương lớn này đến từ châu Á, Mỹ La-tinh và Đông Âu. Cũng trong thời kỳ này, từ năm 2004 đến năm 2013, các ngân hàng trung ương phương Tây đã bán vàng nhiều hơn mua, mặc dù doanh số bán ra đã đột ngột ngừng lại vào năm 2009. Kể từ đó, các nền kinh tế mới nổi đã phải mua vàng từ các nhà khai thác mỏ, tái chế vàng phế liệu, hoặc tìm đến các vụ bán vàng thị trường mở, bao gồm cả vụ bán ra hơn 400 tấn của IMF vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Tính tất cả các ngân hàng trung ương quốc gia, trừ IMF, dự trữ vàng chính thức đã tăng 1.481 tấn từ quý I năm 2009 đến quý I năm 2013 – tăng 5,4%. Các ngân hàng trung ương đã trở thành những người mua vàng quan trọng, và sự dịch chuyển của vàng là từ Tây sang Đông.
Những số liệu thống kê này cần được chứng minh bằng trường hợp gây tò mò của Trung Quốc. Trung Quốc đã báo cáo một số lượng vàng dự trữ 395 tấn trong hơn 20 năm, kể từ năm 1980 đến cuối năm 2001. Sau đó, số lượng theo báo cáo đột ngột nhảy vọt lên 500 tấn, giữ nguyên trong một năm. Rồi lại nhảy lên đến 600 tấn vào cuối năm 2002, và giữ mức đó trong 6 năm. Cuối cùng, lượng vàng theo báo cáo đã tăng lên 1.054 tấn vào tháng 4 năm 2009 và giữ nguyên gần 5 năm, cho đến đầu năm 2014.
Theo báo cáo chính thức từ Trung Quốc, số vàng họ sở hữu liên tục tăng vọt qua các thời kỳ: 105 tấn năm 2001, 100 tấn năm 2002 và 454 tấn năm 2009. Những sự tăng lên trong quy mô này cực kỳ khó thực hiện chỉ với một giao dịch đơn lẻ, trừ khi có sự dàn xếp trước giữa hai ngân hàng trung ương hay IMF. Không có báo cáo nào về việc ngân hàng trung ương hoặc IMF đã dàn xếp trước để bán vàng cho Trung Quốc, cũng không có báo cáo cho thấy tài khoản của một ngân hàng trung ương hoặc IMF giảm xuống một số lượng cần thiết trong những khoảng thời gian tương ứng có thể dẫn tới việc dự trữ vàng tăng như vậy. Kết luận không thể tránh khỏi là, Trung Quốc thực ra đang tích lũy vàng với số lượng nhỏ hơn trong thời gian dài, và báo cáo những thay đổi một lần dưới dạng số tổng trên cơ sở bất thường.
Chương trình thu mua vàng dần dần, bí mật này hoàn toàn hợp lý. Vàng vật chất có thể trao đổi, mua bán trên thị trường, nhưng người ta ít khi làm vậy và giá cả của nó cũng rất dễ biến động. Người mua lớn ở bất kỳ thị trường nào có hoạt động mua bán vàng khiêm tốn cũng cố gắng che giấu ý định của họ để tránh ảnh hưởng đến thị trường, khi các nhà môi giới ngân hàng đẩy giá theo hướng bất lợi cho người mua, vì dự tính rằng sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng lớn và không co giãn theo giá.
Trung Quốc tối thiểu hóa tác động của chương trình mua vàng thông qua việc sử dụng các đại lý bí mật và mua trực tiếp từ các mỏ. Các đại lý chủ yếu đặt tại tòa trụ sở của HSBC trên đường Queen’s Road ở Hồng Kông và tại chi nhánh Thượng Hải của Ngân hàng ANZ, mặc dù mạng lưới các đại lý thu mua vàng phân bố trên toàn thế giới. Những đại lý này thực hiện những đơn đặt mua những lô vàng có kích thước thương mại khoảng vài tấn với bên môi giới và các ngân hàng vàng thỏi ở London.
Danh tính thực của người mua không được tiết lộ. Tiền mua vàng được thanh toán bởi một trong số các quỹ tài sản quốc gia của Trung Quốc – Cục Quản lý Ngoại hối do cựu Giám đốc PIMCO Zhu Changhong quản lý. Sau khi mua xong, vàng được vận chuyển bằng đường hàng không đến hầm chứa an toàn tại Thượng Hải. Những đại lý này cực kỳ kỷ luật và kiên nhẫn trong hoạt động mua bán của mình và thường “mua đáy”(16) dựa trên giá thị trường được thể hiện trên sàn giao dịch COMEX ở New York. Với sự am hiểu tuyệt vời về thị trường, Trung Quốc đã mua 600 tấn vàng trực tiếp từ Perth Mint của Úc và những người bán khác ở gần mức giá thấp tạm thời là 1.200 đô-la/ounce trong đợt giảm giá hồi tháng 4 đến tháng 7 năm 2013. Một phần do kết quả của những hoạt động bí mật trên quy mô lớn này, cộng thêm những đợt mua vàng thương mại công khai hơn, ước tính Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 1.000 tấn vàng mỗi năm trong hai năm 2012 và 2013.
16 Nguyên văn “buy the dips”. Đây là một vế trong chiến lược “buy the dips, sell the rips”, tức là mua khi giá đang giảm xuống gần mức sàn và bán khi giá đang tăng lên gần mức trần.
Trung Quốc chủ yếu mua quặng vàng trực tiếp từ các mỏ vàng nước này, nhưng họ đã nhanh chóng mở rộng sang cả những mỏ mới mua lại ở Nam Phi và Tây Úc. Gần đây, năm 2001, Trung Quốc sản xuất chưa đến 200 tấn mỗi năm từ các mỏ của họ. Sản lượng tăng đều đặn từ năm 2001 đến năm 2005 rồi tăng lên trong năm 2006, và đến năm 2007, Trung Quốc đã vượt qua Nam Phi trở thành quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới rồi giữ vững vị trí đó cho đến tận bây giờ. Tính đến năm 2013, Trung Quốc đã sản xuất được hơn 400 tấn mỗi năm, chiếm khoảng 14% sản lượng khai thác mỏ trên thế giới. Quặng vàng được sản xuất trong các mỏ do Trung Quốc kiểm soát, dù ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào khác, sẽ được vận chuyển đến các cơ sở tinh chế ở Trung Quốc, Úc, Nam Phi và Thụy Sĩ. Tại đây vàng quặng được tinh chế thành vàng nguyên chất, đúc thành những thỏi vàng nặng một ki-lô-gram rồi vận chuyển về các hầm chứa ở Thượng Hải. Thông qua những kênh này, vàng của Trung Quốc qua mặt được thị trường London, giảm thiểu tác động thị trường và đảm bảo rằng quy mô chính xác của kho vàng Trung Quốc mãi mãi là bí mật quốc gia.
Sự kết hợp của sản lượng khai thác vàng nội bộ và vàng nhập khẩu từ nước ngoài đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã tăng lượng sở hữu vàng nội địa, cả nhà nước và tư nhân, lên 4.500 tấn kể từ lần cập nhật chính thức gần đây nhất về lượng dự trữ vàng của ngân hàng trung ương Trung Quốc vào năm 2009. Các nhà quan sát bên ngoài Chính phủ Trung Quốc không thể nào đánh giá được chính xác dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc sẽ tăng thêm bao nhiêu trong lần thông báo tiếp theo, và bao nhiêu đã được dành cho nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc dưới dạng đồ trang sức, vàng thỏi và tiền xu. Ai cũng biết rằng người dân Trung Quốc mê vàng, vì cả lý do bảo tồn tài sản lẫn vai trò như một phương tiện tiện lợi để tháo chạy vốn. Vàng được bán dưới nhiều hình thức khác nhau trong hàng ngàn chi nhánh ngân hàng và các cửa hàng trên khắp Trung Quốc.
Trong điều kiện không có dữ liệu nào tốt hơn, người ta ước lượng rằng một nửa số vàng tăng lên của Trung Quốc kể từ năm 2009 đã được tiêu thụ trong nước và nửa còn lại, hay 2.250 tấn, đã bí mật được bổ sung vào dự trữ chính thức. Nếu con số ước lượng này đúng, thì dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc vào đầu năm 2014 không phải là 1.054 tấn, mà là gần 3.300 tấn. Với tốc độ khai thác và nhập khẩu vàng hiện tại, và giả định rằng một nửa số vàng sẵn có được đưa vào dự trữ chính thức, Trung Quốc sẽ bổ sung thêm 700 tấn cho dự trữ vàng quốc gia tính đến hết năm 2014, tăng tổng dự trữ vàng của Trung Quốc lên 4.000 tấn vào đầu năm 2015. Trung Quốc đã chờ đợi hơn sáu năm, từ cuối năm 2002 đến đầu năm 2009, trước khi công bố chính thức về lần tăng mới nhất của dự trữ chính thức. Nếu Trung Quốc lặp lại kế hoạch này, lần cập nhật tiếp theo về dự trữ vàng có thể diễn ra vào năm 2015.
Ngay cả những con số ước tính dựa trên sản lượng khai thác và lượng vàng nhập khẩu đã biết cũng phải tính đến thực tế là, chắc chắn có một lượng vàng nhập khẩu nhất định vào Trung Quốc hoàn toàn không được báo cáo. Gần đây, một nhà quản lý cấp cao của G4S, một trong những công ty logistics an toàn hàng đầu thế giới, đã tiết lộ với một nhân vật cấp cao khác trong ngành công nghiệp vàng rằng, cá nhân ông ta đã vận chuyển vàng vào Trung Quốc bằng đường bộ qua những con đèo trung tâm châu Á, dẫn đầu một đoàn xe tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và những phương tiện vận tải bọc thép. Vàng này ở dạng các thỏi vàng nặng 400 ounce đạt tiêu chuẩn good delivery(17), vốn được các ngân hàng trung ương ưa thích hơn là những thỏi vàng nhỏ loại một ki-lô-gram được nhập khẩu thông qua các kênh thông thường và được các nhà đầu tư bán lẻ ưa chuộng. Từ những tiết lộ này, có thể thấy rõ là bất kỳ dự toán nào về dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc đều có nhiều khả năng quá thấp, chứ khó có thể quá cao so với thực tế.
17 Tiêu chuẩn quốc tế về giao hàng, bao gồm những đặc điểm kỹ thuật mà một miếng vàng phải thỏa mãn để được chấp nhận khi giao hàng tại những thị trường hoặc sở giao dịch hàng hóa tương lai nhất định.
Nếu đến năm 2015, Trung Quốc thông báo rằng họ đang nắm giữ 4.000 tấn vàng trong dự trữ chính thức, thì điều này sẽ bác bỏ quan điểm của giới học giả và các nhà kinh tế học phương Tây cho rằng vàng không phải là một tài sản tiền tệ. Với 4.000 tấn, Trung Quốc sẽ vượt qua Pháp, Ý, Đức và IMF trong danh sách những chủ sở hữu vàng lớn nhất thế giới, vươn lên vị trí thứ hai sau Mỹ. Điều này sẽ phù hợp với vị thế của Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hoạt động mua vàng bí mật của Trung Quốc tương phản gay gắt với những nỗ lực minh bạch hơn nhiều của Nga nhằm gia tăng dự trữ vàng của mình. Trong chín năm từ đầu năm 2004 đến cuối năm 2013, dự trữ vàng của Nga tăng hơn 250%, từ khoảng 390 tấn lên hơn 1.000 tấn. Không giống như Trung Quốc, Nga đạt được mức tăng này gần như là hoàn toàn thông qua hoạt động sản xuất, khai thác mỏ trong nước và không dựa vào nhập khẩu. Nga là nước sản xuất vàng lớn thứ tư thế giới, với sản lượng xấp xỉ 200 tấn mỗi năm. Việc tăng dự trữ của Nga cũng được thực hiện với tốc độ ổn định khoảng 5 tấn mỗi tháng, được công bố định kỳ trên trang web của Ngân hàng Trung ương Nga. Vì ngân hàng trung ương này không dựa vào nhập khẩu hoặc thị trường vàng thỏi của London để tăng dự trữ vàng nên Nga có thể minh bạch hơn Trung Quốc vì họ ít bị tổn thương hơn trước sự tăng giảm giá vàng có chủ đích, điều khiển giá cả và “mua đón đầu” của các ngân hàng vàng thỏi London. Chương trình mua vàng của Nga đang được tiến hành và lượng vàng chính thức mà họ sở hữu họ sẽ vượt qua 1.100 tấn vào năm 2014. Quy mô dự trữ 1.100 tấn của Nga bằng hơn 1/8 quy mô dự trữ vàng của Mỹ, nhưng nền kinh tế Nga chỉ bằng khoảng 1/8 quy mô nền kinh tế Mỹ. Nếu đo lường bằng tỉ lệ phần trăm so với quy mô của nền kinh tế tương ứng thì dự trữ vàng của Nga đã vượt qua Mỹ.
Nhiều nhà phân tích đã gặp khó khăn bởi nghịch lý của việc nhu cầu vàng trên toàn thế giới lớn, nhưng cùng lúc đó, giá vàng trên sàn giao dịch COMEX lại giảm kể từ sau khi chạm đỉnh tháng 8 năm 2011. Hoạt động mua vàng vật chất không chỉ đến từ các ngân hàng trung ương mà còn từ cá nhân – được phản ánh qua cầu đối với vàng thỏi 1 ki-lô- gram so với cầu đối với vàng thỏi 400 ounce đạt tiêu chuẩn good delivery mà các ngân hàng trung ương ưa chuộng. Các cơ sở tinh chế của Thụy Sĩ đã phải làm việc thêm giờ để chuyển vàng thỏi cỡ lớn sang vàng thỏi cỡ nhỏ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu này. Tình huống có vẻ như nghịch lý này rất dễ lý giải. Nếu giá của bất cứ hàng hóa nào, dù là vàng hay bánh mì, được giữ ở mức thấp hơn giá trị nội tại của nó bằng cách can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào, phản ứng thuộc về hành vi của con người luôn là tìm cách mua bằng hết số hàng hóa đó.
Bản thân cuộc tranh giành vàng, mà những chương trình mua vàng của các ngân hàng trung ương ở Nga và Trung Quốc là mô hình thu nhỏ của nó, thực tế là các ngân hàng trung ương đang khẩn cấp thu hồi vàng gửi ở nước ngoài về cất giữ trong những hầm chứa ngay dưới chân mình.
Ngoài Hoa Kỳ ra, gần một nửa số vàng chính thức trên thế giới không được lưu trữ ở quê hương của người sở hữu, mà trong các hầm chứa tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và tại Ngân hàng Anh ở London. Các hầm chứa của Cục Dự trữ Liên bang có khoảng 6.400 tấn vàng, và các hầm chứa của Ngân hàng Anh có khoảng 4.500 tấn. Trong hầm chứa của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York hầu như không có vàng Hoa Kỳ, còn trong Ngân hàng Anh chỉ có chưa đến 300 tấn vàng thuộc về Vương quốc Anh. Vàng của Mỹ phần lớn được cất trong hai cơ sở của Quân đội Hoa Kỳ tại Fort Knox, Kentucky và West Point, New York, còn một lượng nhỏ được cất ở Cục Đúc tiền Kim loại Mỹ tại Denver, Colorado. Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Anh có khoảng 10.600 tấn vàng chính thức thuộc về Đức, Nhật, Hà Lan, IMF và các chủ sở hữu lớn khác cùng nhiều nhà đầu tư nhỏ trên khắp thế giới. Vàng của bên thứ ba được cất ở FED và Ngân hàng Anh chiếm 33% lượng vàng chính thức trên thế giới.
Việc vàng chính thức được tập trung về New York và London chủ yếu là di sản của những chế độ bản vị vàng khác nhau đã tồn tại đứt quãng từ năm 1870 đến năm 1971. Khi vàng được sử dụng để ổn định cán cân thanh toán giữa các quốc gia, sẽ dễ dàng hơn nếu cất vàng tại các trung tâm tài chính như New York và London, sau đó chỉ định lại quyền sở hữu hợp pháp nếu cần, thay vì vận chuyển vàng đi khắp thế giới. Ngày nay, cán cân thanh toán được dàn xếp chủ yếu bằng đô-la hoặc euro chứ không phải vàng, vì vậy không còn cần đến các trung tâm tiền tệ cho vàng nữa.
Việc cất giữ vàng tập trung ở một vài nơi cũng là một di sản của Chiến tranh Lạnh (1946 - 1991), khi Đức thấy rằng sẽ an toàn hơn nếu cất vàng ở New York thay vì đối mặt với nguy cơ bị tịch thu bởi các sư đoàn thiết giáp của Liên Xô đang bao vây Berlin. Giờ đây, Đức đang phải đối mặt với rủi ro lớn hơn thế nhiều, đó là việc vàng của Đức có thể bị tịch thu bởi Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính. Các quốc gia như Đức không còn lý do nào thuyết phục để cất vàng tại New York hoặc London, và thậm chí họ còn phải gánh chịu những rủi ro đáng kể khi làm như vậy. Nếu Hoa Kỳ hoặc Anh đột ngột cho rằng cần phải tịch thu vàng của nước ngoài để bảo vệ đồng tiền giấy của mình trong một cuộc khủng hoảng, thì vàng đó sẽ được chuyển từ chủ sở hữu ban đầu sang quyền sở hữu của Hoa Kỳ hoặc Vương quốc Anh.
Do tình hình thay đổi như vậy, cộng với rủi ro ngày một tăng lên, các quốc gia sở hữu vàng đã bắt đầu một phong trào “hồi hương” cho vàng của mình. Chuyến “hồi hương” quan trọng đầu tiên được khởi xướng bởi Venezuela, quốc gia đã ra lệnh cho Ngân hàng Anh chuyển trả 99 vàng tấn từ London về Caracas vào tháng 8 năm 2011. Những chuyến tàu chở vàng đầu tiên khởi hành vào tháng 11 năm 2011 và khi chúng đến nơi, Chủ tịch Hugo Chávez đã diễu hành một đoàn xe bọc thép chở đầy vàng qua đường phố Caracas, trong tiếng reo hò của người dân Venezuela.
Một chương trình “hồi hương” lớn hơn và quan trọng hơn được Đức thực hiện vào năm 2013. Đức sở hữu 3.391 tấn vàng chính thức và hiện là chủ sở hữu vàng lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Vào cuối năm 2012, vàng của Đức được cất ở những nơi sau: 1.051 tấn ở Frankfurt, 1.526 tấn tại New York, 441 tấn ở London và 374 tấn ở Paris. Vào ngày 16 tháng 1 năm 2013, Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bundesbank) đã công bố kế hoạch 8 năm để “hồi hương” toàn bộ số vàng ở Paris và 300 tấn vàng ở New York về Frankfurt. Số vàng ở London được giữ nguyên và vào cuối kế hoạch hồi hương, tháng 12 năm 2020, 50% lượng vàng của Đức sẽ ở Frankfurt, 37% ở New York và 13% ở London.
Các nhà bình luận nhanh chóng nghiêng về kết luận rằng, việc Đức phải mất 8 năm mới chuyển được 300 tấn vàng từ New York về Frankfurt chính là bằng chứng rõ ràng cho thấy trong các hầm chứa của Ngân hàng Dự trữ New York không có vàng của Đức, hoặc nếu có thì họ sẽ gặp nhiều rắc rối về mặt tài chính do yêu cầu của Đức gây ra. Nhưng Deutsche Bundesbank không muốn vàng quay trở về một cách nhanh chóng. Họ thích để vàng ở New York, nơi nó có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong các giao dịch hoán đổi vàng và hợp đồng thuê vàng nhằm thao túng thị trường. Dù không muốn, nhưng Deutsche Bundesbank buộc phải làm như vậy do áp lực từ phe ủng hộ bà Angela Merkel, người khi ấy đang đứng trước khả năng tái đắc cử vào tháng 9 năm 2013. Vấn đề đảm bảo an ninh cho vàng của Đức bằng các cơ sở vật chất đã trở thành vấn đề chính trị trong Bund Estag – Quốc hội Đức. Kế hoạch mà Deutsche Bundesbank công bố chỉ là một cách để xoa dịu vấn đề chính trị trong khi vẫn để lại hầu hết vàng của Đức ở New York. Ngay cả sau khi kế hoạch hoàn tất vào năm 2020, Đức vẫn sẽ có 1.226 tấn vàng tại New York, lớn hơn tổng dự trữ vàng của tất cả các nước trừ ba nước khác trên thế giới. Dù sao thì, một lượng vàng lớn đang trên đường về Frankfurt – một phần của phong trào hồi hương vàng trên toàn cầu.
Thụy Sĩ cũng đang phải đối mặt với cùng một áp lực chính trị đã buộc ngân hàng trung ương Đức phải hồi hương một phần số vàng của họ như đã nói trên. Trong khi các ngân hàng trung ương của Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác đang ngấu nghiến mua vàng thì Thụy Sĩ là một trong những nước bán vàng lớn nhất thế giới. Vào đầu năm 2000, dự trữ vàng của Thụy Sĩ là hơn 2.590 tấn. Con số này giảm đều đặn vì giá vàng tăng mạnh và đến cuối năm 2008, Thụy Sĩ chỉ còn 1.040 tấn, giảm 60% so với 8 năm trước đó. Từ đó đến nay, dự trữ vàng của Thụy Sĩ vẫn giữ nguyên ở mức này, trong khi giá vàng tăng đáng kể so với năm 2008.
Nghị viện Thụy Sĩ đã phản ứng gay gắt trước những đợt bán vàng khổng lồ, bất chấp việc giá vàng tăng lên. Vào ngày 20 tháng 9 năm 2011, bốn thành viên của Nghị viện Thụy Sĩ, dẫn đầu là Luzi Stamm của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ, đã trình bày một sáng kiến yêu cầu toàn bộ vàng của Thụy Sĩ phải được cất giữ ở Thụy Sĩ và tước bỏ khả năng bán vàng Thụy Sĩ của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Sáng kiến này cũng yêu cầu Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sở hữu ít nhất 20% tổng tài sản của nó bằng vàng, có thể đồng nghĩa với việc yêu cầu Thụy Sĩ phải mua thêm nhiều vàng thỏi, vì tính đến tháng 7 năm 2013, vàng chỉ chiếm 8,9% tổng dự trữ của Thụy Sĩ. Vào ngày 20 tháng 3 năm 2013, các nhà bảo trợ cho sáng kiến tuyên bố họ đã thu được 100.000 chữ ký yêu cầu đưa sáng kiến ra biểu quyết toàn dân – một đặc tính quan trọng của nền dân chủ Thụy Sĩ. Ngày chính xác của cuộc trưng cầu vàng tại Thụy Sĩ chưa được công bố, nhưng dự kiến là vào năm 2015.
Năm 2003, tại Nghị viện, khi được hỏi về vị trí cất giữ vàng Thụy Sĩ, Kaspar Villiger – người về sau trở thành Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ – đã ngang nhiên trả lời: “Tôi không biết, không cần phải biết, và không muốn biết.” Thái độ ngạo mạn này – một nét điển hình của giới tinh hoa tài chính toàn cầu – ngày càng trở nên không thể chấp nhận đối với người dân, những người đang nhìn thấy dự trữ vàng của họ bị tiêu tan bởi đám quan chức ngồi sau những cánh cửa đóng kín ở các trung tâm ngân hàng và những nơi bất khả xâm phạm như IMF và BIS. Những hành động của các quan chức Thụy Sĩ đã làm mất đi trên 35 tỉ đô-la tài sản của người dân nếu so với giá trị khoản dự trữ của họ dưới hình thức vàng mà Thụy Sĩ đang giữ.
Người Venezuela, Đức và Thụy Sĩ có thể là những ví dụ nổi bật nhất của phong trào “hồi hương” vàng, nhưng họ không phải là những người duy nhất dấy lên vấn đề. Vào năm 2013, quỹ tài sản quốc gia của Azerbaijan, một nhà xuất khẩu năng lượng lớn, đã ra lệnh vận chuyển dự trữ vàng của họ từ JPMorgan Chase ở London về Ngân hàng Trung ương Azerbaijan ở Baku. Vấn đề hồi hương vàng cũng được đưa ra thảo luận công khai vào năm 2013 tại Mexico.
Ở Hà Lan, các thành viên của Đảng Dân chủ Kitô giáo (Christian Democratic Appeal Party) cánh hữu và Đảng Xã hội cánh tả đã yêu cầu De Nederlandsche Bank, ngân hàng trung ương của Hà Lan, hồi hương 612 tấn vàng. Chỉ có 11% vàng của Hà Lan, hay 67 tấn, thực sự ở Hà Lan. Phần còn lại được phân bố ở các nước khác, với khoảng 312 tấn ở New York, 122 tấn ở Canada và 110 tấn ở London. Năm 2012, khi được hỏi về khả năng Hoa Kỳ sẽ tịch thu số vàng của Hà Lan đang cất ở New York, Klaas Knot – người sau này trở thành Chủ tịch của De Nederlandsche Bank – trả lời, “Chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với những động thái vượt ra ngoài lãnh thổ của pháp luật từ phía Hoa Kỳ và thường thì chúng không được chào đón ở châu Âu.”
Một phong trào nhỏ ở Ba Lan với tên gọi “Trả lại vàng cho chúng tôi” (Give Our Gold Back) nổ ra vào tháng 8 năm 2013, tập trung vào việc hồi hương 100 tấn vàng của Ba Lan do Ngân hàng Anh nắm giữ. Tất nhiên, nhiều nước như Nga, Trung Quốc và Iran đã cất vàng ở nhà và không có nguy cơ bị tịch thu.
Vấn đề mua vàng và hồi hương vàng của các ngân hàng trung ương có liên quan chặt chẽ với nhau. Đó là hai khía cạnh của bức tranh tổng thể về việc vàng đang tái thiết lập vai trò mà nó đã đảm nhiệm trước đây: then chốt của hệ thống tiền tệ quốc tế. Những chủ sở hữu vàng lớn trên thế giới không muốn thừa nhận điều này vì họ thích hệ thống tiền giấy như bây giờ hơn. Những chủ sở hữu nhỏ hơn không muốn thừa nhận điều này vì họ muốn có được vàng với giá hấp dẫn và tránh được việc giá vàng tăng vọt khi cuộc giành giật vàng trở nên mất kiểm soát. Ở đây có một sự giao thoa về lợi ích, giữa những người coi thường vàng và những người tôn sùng vàng, để giữ cho vấn đề vai trò tiền tệ của vàng không bị đưa ra ánh sáng. Tình trạng sẽ không kéo dài, vì thế giới đang chứng kiến quá trình vàng trở lại vai trò tiền tệ của nó và không điều gì có thể ngăn cản được.
SỰ HỒI SINH CỦA VÀNG
Có rất ít bình luận chín chắn, thỏa đáng về vàng. Người ta chỉ đưa ra một tuyên bố mang tính suy diễn rằng ngày nay, một bản vị vàng sẽ không thể hoạt động được. Trên thực tế, một bản vị vàng được thiết kế tốt có thể hoạt động trôi chảy nếu như tồn tại ý chí chính trị để ban hành nó và để tuân thủ các nguyên tắc không lạm phát của nó. Một bản vị vàng là hệ thống tiền tệ lý tưởng cho những người tạo ra của cải thông qua sự khéo léo, khả năng kinh doanh và óc sáng tạo tuyệt vời. Bản vị vàng bị phản đối bởi những người không tạo ra của cải mà thay vào đó lại tìm cách bòn rút của cải từ những người khác thông qua lạm phát, thông tin nội gián và thao túng thị trường. Cuộc tranh cãi về vàng và tiền pháp định thực ra là cuộc tranh cãi giữa những người tự kinh doanh và những người sống bằng lợi tức.
Một bản vị vàng mới có nhiều thiết kế khả thi và sẽ hiệu quả, tùy thuộc vào thiết kế được lựa chọn và những điều kiện để nó được triển khai. Bản vị vàng cổ điển, từ năm 1870 đến năm 1914, đã thành công vang dội và gắn liền với một giai đoạn ổn định giá cả, tăng trưởng thực cao và phong trào phát minh, sáng chế rầm rộ. Ngược lại, bản vị hối đoái vàng, từ năm 1922 đến năm 1939, đã thất bại và là nhân tố góp phần gây ra cuộc Đại suy thoái. Bản vị vàng đô-la, từ năm 1944 đến năm 1971, là một thành công ở mức trung bình trong suốt hai thập kỷ trước khi nó bị rút lại do thiếu sự cam kết của nhà tài trợ chính là Hoa Kỳ. Ba chương từ lịch sử phát triển 150 năm qua cho thấy rằng, bản vị vàng có nhiều hình thức khác nhau, và không phải vàng mà chính việc thiết kế hệ thống và sự sẵn sàng của các bên tham gia trong việc tuân thủ luật chơi mới quyết định một bản vị vàng thành công hay thất bại.
Sự cân nhắc một bản vị vàng mới bắt đầu với việc hiểu rằng, bản vị vàng cũ không bao giờ hoàn toàn mất đi. Khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào tháng 8 năm 1971, với việc Tổng thống Nixon ra lệnh cấm các ngân hàng trung ương nước ngoài chuyển đổi đô-la sang vàng, thì bản vị vàng vẫn không bị vứt bỏ ngay tức khắc. Thay vào đó, tháng 12 năm 1971, đồng đô-la bị mất giá 7,89% nên giá vàng chính thức tăng từ 35 đô-la/ounce lên 38 đô-la/ounce. Đồng đô-la mất giá một lần nữa vào ngày 12 tháng 2 năm 1973, thêm 10%, vì vậy giá vàng chính thức mới là 42,22 đô-la/ounce. Hiện nay, đây vẫn là mức giá chính thức của vàng với một số ngân hàng trung ương, với Kho bạc Hoa Kỳ và cho các mục đích kế toán của IMF, mặc dù giá thị trường của nó cao hơn rất nhiều. Trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến năm 1973, hệ thống tiền tệ quốc tế đã ngập ngừng chuyển hướng sang một cơ chế tỉ giá hối đoái thả nổi, cơ chế ngày nay vẫn đang tồn tại.
Vào năm 1972, IMF triệu tập Ủy ban Hai mươi, C-20, bao gồm 20 quốc gia thành viên được đại diện bởi ban điều hành của IMF, để xem xét việc cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế. Vào tháng 6 năm 1974, C-20 đã công bố một báo cáo, Đề cương Cải tổ (Outline of Reform), đưa ra hướng dẫn cho hệ thống tỉ giá thả nổi mới và đề xuất rằng SDR nên được chuyển đổi từ tài sản dự trữ được hỗ trợ bằng vàng thành một tài sản tham chiếu đến một nhóm tiền tệ chọn lọc. Trong năm 1975, những khuyến nghị của C-20 đã được đem ra tranh cãi quyết liệt trong nội bộ IMF nhưng không được thông qua vào thời điểm đó. Tại một cuộc họp ở Jamaica vào tháng 1 năm 1976, IMF đã triển khai những biện pháp cải tổ đáng kể theo bộ khung trong báo cáo của C-20, văn bản đã được đưa vào Bản sửa đổi thứ hai của Các Điều khoản Thỏa thuận của IMF. Chúng bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng 4 năm 1978.
Cuộc tranh luận về tiền tệ quốc tế, từ dự án C-20 trong năm 1972 đến Bản sửa đổi thứ hai năm 1978, bị chi phối bởi ý định đối với vàng của IMF. Hoa Kỳ muốn xóa bỏ bất kỳ vai trò nào của vàng trong tài chính quốc tế. Ngân khố Hoa Kỳ đã bán 300 tấn vàng ra thị trường dưới thời Carter để kìm hãm giá và thể hiện một Hoa Kỳ không quan tâm đến vàng. Trong khi đó, Pháp và Nam Phi lại khẳng định vai trò liên tục của vàng như một tài sản dự trữ quốc tế. Thỏa thuận Jamaica là một mớ hỗn độn, trong đó 710 tấn vàng của IMF đã được trả lại cho các thành viên, 710 tấn khác đã được bán trên thị trường, và khoảng 2.800 tấn còn lại được IMF giữ lại. IMF đã thay đổi đơn vị tính toán của mình sang SDR, và việc định giá SDR đã được thay đổi từ vàng sang một nhóm tiền tệ chọn lọc. Hoa Kỳ hài lòng khi thấy vai trò của vàng đã bị hạ thấp, Pháp hài lòng khi thấy vàng vẫn là một tài sản dự trữ và IMF tiếp tục sở hữu một lượng lớn vàng. Bản chất của thỏa thuận Pháp-Hoa Kỳ vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Với việc chính quyền Reagan nắm quyền điều hành năm 1981, thái độ của Hoa Kỳ đối với vàng đã thay đổi sâu sắc. Từ năm 1981 đến năm 2006, họ bán ra chưa đến 1% số vàng còn lại của mình, và không bán vàng kể từ năm 2006 đến nay. Việc Hoa Kỳ và IMF giữ vàng lại từ năm 1981, cộng với việc Đức, Ý, Pháp, Thụy Sĩ mở rộng các kho vàng lớn, đã bỏ thế giới lại với một bản vị vàng mờ nhạt.
Vai trò liên tục của vàng như một loại tài sản tiền tệ toàn cầu đã được chỉ ra trong một bài phát biểu thẳng thắn đến đáng kinh ngạc của Mario Draghi, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, tại trường Quản trị Kennedy vào ngày 9 tháng 10 năm 2013. Trả lời câu hỏi của một phóng viên tên là Tekoa Da Silva về quan điểm của ngân hàng trung ương đối với vàng, Draghi nhận xét:
Anh đang đặt ra câu hỏi này với một người đã và đang là Thống đốc Ngân hàng Ý. Ngân hàng Ý là chủ sở hữu dự trữ vàng lớn thứ tư thế giới.
Tôi không bao giờ cho rằng sẽ là khôn ngoan khi bán [vàng] vì đối với các ngân hàng trung ương, điều này đi ngược lại sự an toàn. Nước Ý cũng nghĩ như vậy. Trong trường hợp các quốc gia không sử dụng đồng đô-la, nó sẽ cho các bạn một sự bảo vệ tương đối tốt trước những sự biến động của đồng đô-la, vì thế có một số nguyên nhân, đa dạng hóa rủi ro, v.v. Đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương, vốn đã bắt đầu một chương trình bán vàng vài năm trước, về thực chất đã dừng lại. Nói chung, họ không bán nó nữa. Đồng thời, những quyết định của một số ngân hàng trung ương đã thanh lý toàn bộ cổ phiếu của vàng khoảng mười năm trước đây không được xem là thành công thực sự.
Sự khẳng định của Pháp tại Jamaica vào năm 1976 rằng vàng tiếp tục là một tài sản dự trữ đã trở lại bữa tiệc tiền tệ của IMF như hồn ma của Banquo. Cũng giống Banquo đã được hứa hẹn trong Macbeth rằng ông trở thành tổ phụ của các nhà vua, vàng có thể bảo tồn vị thế tiền tệ bất diệt của mình.
MỘT BẢN VỊ VÀNG MỚI
Một bản vị vàng thế kỷ XXI sẽ được cấu trúc như thế nào? Nó chắc chắn sẽ phải có quy mô toàn cầu, liên quan đến ít nhất là Hoa Kỳ, Eurozone, Nhật Bản, Trung Quốc, Vương quốc Anh và các nền kinh tế hàng đầu khác. Hoa Kỳ có đủ năng lực để tung ra một đồng đô-la được đảm bảo bằng vàng, dựa trên dự trữ vàng khổng lồ của họ, nhưng nếu họ làm như vậy, các loại tiền tệ khác trên thế giới sẽ không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong tương quan với một đồng đô-la được đảm bảo bằng vàng. Kết quả sẽ là giảm phát, với việc các giao dịch bằng các loại tiền tệ khác bị suy yếu và tính thanh khoản giảm. Để sử dụng bản vị vàng toàn cầu mà không gây ra giảm phát, Mỹ chỉ có cách duy nhất là không gắn nó với đồng đô-la.
Bước đầu tiên sẽ là một hội nghị tiền tệ toàn cầu, tương tự như Bretton Woods, nơi mà các bên tham gia sẽ đồng ý thành lập một đơn vị tiền tệ mới. Vì SDR đã tồn tại nên nó là ứng cử viên hoàn hảo để làm đồng tiền toàn cầu mới. Nhưng SDR mới này sẽ được đảm bảo bởi vàng và tự do chuyển đổi thành vàng hoặc thành đồng nội tệ của bất kỳ nước nào tham gia hệ thống. Nó sẽ không phải là SDR giấy như hiện nay.
Hệ thống cũng sẽ phải có hai tầng. Tầng trên là SDR, được xác định tương đương với một trọng lượng vàng cụ thể. Tầng thứ hai sẽ bao gồm những đồng tiền riêng của các nước thành viên, chẳng hạn như đô-la, euro, yên hoặc bảng Anh. Mỗi đơn vị tiền tệ nội địa sẽ được xác định tương đương với một số lượng SDR cụ thể. Vì đồng nội tệ được định nghĩa trong SDR, và SDR được định nghĩa trong vàng nên sự mở rộng của mọi đồng tiền nội địa sẽ tương ứng với một tỉ trọng cụ thể trong vàng. Cuối cùng, vì mỗi đồng tiền nội địa nằm trong một mối quan hệ cố định với SDR và vàng, nên mỗi đồng tiền cũng sẽ nằm trong mối quan hệ cố định với nhau. Ví dụ: nếu 1,00 SDR = 1,00 euro và 1,00 SDR = 1,50 đô-la, thì 1,00 euro = 1,50 đô-la, v.v.
Để được tham gia vào hệ thống SDR vàng mới, một quốc gia thành viên sẽ phải có một tài khoản vốn mở, có nghĩa là đồng tiền của nó có thể chuyển đổi tự do thành SDR, vàng hay tiền tệ của các thành viên tham gia khác. Chuyện này không có gì khó khăn đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Eurozone hay những quốc gia khác đã duy trì tài khoản vốn mở, nhưng nó có thể là một trở ngại đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể thấy một đồng tiền phi đô-la, được đảm bảo bởi vàng như đồng SDR mới sẽ đủ hấp dẫn để họ mở tài khoản vốn, tham gia vào và cho phép hệ thống mới vận hành thành công.
Các bên tham gia sẽ được khuyến khích áp dụng SDR vàng mới như một đơn vị tính toán càng rộng rãi càng tốt. Các thị trường toàn cầu trong lĩnh vực dầu mỏ và nguồn tài nguyên thiên nhiên khác hiện nay sẽ được định giá theo SDR chứ không phải là đô-la. Báo cáo tài chính của các tập đoàn toàn cầu lớn nhất thế giới, như IBM và Exxon, sẽ được thực hiện bằng đồng SDR; nhiều chỉ số kinh tế khác, như sản lượng đầu ra và tài khoản cán cân thanh toán, sẽ được tính toán và báo cáo bằng SDR. Cuối cùng, một thị trường trái phiếu SDR sẽ phát triển; bên phát hành là các quốc gia có chủ quyền, tập đoàn toàn cầu và ngân hàng phát triển khu vực; bên mua là các quỹ tài sản quốc gia và quỹ lương hưu lớn. Trung gian có thể là những ngân hàng lớn nhất thế giới, như Goldman Sachs, dưới sự giám sát của IMF.
Một trong những vấn đề kỹ thuật nan giải hơn trong hệ thống SDR vàng toàn cầu tiềm năng này là việc xác định tỉ giá cố định hợp lý để một đồng tiền có thể chuyển đổi sang đồng tiền khác. Ví dụ: 1,00 euro nên tương đương với 1,30 đô-la, 1,40 đô-la; 1,50 đô-la hay một con số khác? Về bản chất, đây chính là vấn đề mà những người tạo ra đồng euro phải đối mặt sau khi Hiệp ước Maastricht được ký năm 1992, trong đó các bên cam kết các bên tạo ra một đồng tiền duy nhất từ nhiều loại tiền tệ khác nhau như đồng lira Ý, đồng mark Đức và đồng franc Pháp. Trong trường hợp của đồng euro, nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật và phát triển lý thuyết kinh tế của các tổ chức chuyên môn đã được vận dụng cho nhiệm vụ này. Ngày nay, các vấn đề về kỹ thuật cũng sẽ được đảm bảo, nhưng phương án tối ưu là sử dụng các tín hiệu thị trường để giải quyết vấn đề. Các bên trong hệ thống mới có thể thông báo rằng lãi suất cố định sẽ được xác định sau 4 năm, dựa trên bình quân gia quyền của các giao dịch ngoại hối của ngân hàng trong 12 tháng trước ngày ấn định. Khoảng thời gian 4 năm sẽ cho thị trường đủ thời gian để điều chỉnh và xem xét các hệ lụy của hệ thống mới và khoảng thời gian 12 tháng sẽ cào bằng những sự tăng giảm bất thường hoặc hành vi thao túng thị trường.
Thách thức lớn nhất liên quan đến giá trị của SDR được tính bằng một trọng lượng của vàng, và dự trữ vàng bắt buộc là cần thiết để hệ thống này tồn tại được. Cả hai có thể tóm lại thành một vấn đề duy nhất: giá bao hàm và không gây giảm phát của vàng trong một hệ thống tiền tệ được đảm bảo toàn cầu. Khi vấn đề đó đã được giải quyết liên quan đến một đơn vị đo lường giá trị, việc chuyển đổi các đơn vị tính toán khác theo tỉ giá hối đoái cố định sẽ trở nên đơn giản.
Ban đầu, hệ thống mới sẽ hoạt động mà không cần mở rộng cung tiền toàn cầu. Bất kỳ quốc gia nào muốn có SDR có thể mua từ các ngân hàng hoặc các đại lý, kiếm SDR thông qua thương mại hoặc đổi đồng nội tệ với IMF để lấy SDR. Những đồng nội tệ này được “trung hoà” (sterilized) để cung tiền toàn cầu không mở rộng. Khi cần, các ngân hàng trung ương quốc gia như FED và ECB có thể áp dụng chính sách tiền tệ tùy ý, tùy thuộc vào nhu cầu duy trì lãi suất cố định đối với vàng, SDR và các loại tiền tệ khác. IMF sẽ chỉ viện đến chính sách tiền tệ tuỳ ý thông qua việc tạo ra đồng SDR mới một cách không trung hoà như biện pháp cuối cùng trong những trường hợp bất thường và với sự chấp thuận của đại đa số các thành viên IMF tham gia vào hệ thống mới.
Do những hạn chế nói trên trong việc tạo ra SDR mới nên hệ thống sẽ khởi động với SDR như một mỏ neo và một đơn vị tính toán nhưng với một lượng SDR sẵn có trên thị trường tương đối nhỏ. Tổng cung tiền cơ sở của các bên tham gia sẽ hình thành nên cung tiền toàn cầu, như đang làm hiện nay, và cung tiền này sẽ là điểm tham chiếu để xác định giá vàng phù hợp.
Một vấn đề quan trọng nữa là việc xác định lượng vàng cần thiết để đảm bảo cung tiền toàn cầu. Các nhà kinh tế học Trường phái Áo khẳng định rằng phải đảm bảo 100%, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Trên thực tế, hệ thống chỉ đòi hỏi có đủ vàng để cung ứng cho ai thích vàng vật chất hơn tiền giấy được đảm bảo bằng vàng, cùng với một cam kết thỏa đáng rằng giá vàng cố định sẽ không bị thay đổi một khi đã được thiết lập. Hai mục đích này có liên quan với nhau, cam kết nhất quán về giá vàng càng mạnh thì lượng vàng cần thiết để duy trì niềm tin càng ít. Trong lịch sử, các bản vị vàng đã được vận hành thành công với khoảng từ 20% đến 40% vàng đảm bảo trong tương quan với cung tiền. Dựa trên các đợt cấm vàng vào năm 1914, năm 1931 và năm 1971, những người dân hoài nghi một cách chính đáng sẽ đòi hỏi nhiều vàng hơn để gây dựng lòng tin. Để minh họa, hãy lấy 50% cung tiền để làm mức đảm bảo mục tiêu; Hoa Kỳ, Eurozone, Trung Quốc và Nhật Bản là các nền kinh tế tham gia; lượng sở hữu vàng chính thức toàn cầu là cung vàng; và M1 là cung tiền. Chia cung tiền cho cung vàng, ta có giá bao hàm, không giảm phát của vàng, theo một bản vị SDR được đảm bảo bằng vàng, là xấp xỉ 9.000 đô-la/ounce.
Các yếu tố đầu vào trong tính toán này có thể gây tranh cãi, nhưng 9.000 đô-la/ounce là con số ước lượng gần đúng đầu tiên của giá vàng không giảm phát trong một bản vị SDR toàn cầu được đảm bảo bằng vàng. Tất nhiên, mọi thứ trên đời đều tác động qua lại lẫn nhau. Thế giới của vàng 9.000 đô-la/ounce cũng là thế giới của dầu 600 đô-la/thùng, bạc 120 đô-la/ounce, và những ngôi nhà có giá khởi điểm tính bằng triệu đô-la ở trung tâm nước Mỹ. Bản vị vàng mới này sẽ không gây ra lạm phát, nhưng nó có thể là một sự thừa nhận thẳng thắn về tình trạng lạm phát đã xảy ra đối với tiền giấy từ năm 1971 đến nay. Mức giá tăng vọt này sẽ là kết quả đánh giá của xã hội trước những hành vi bóp méo do việc lạm dụng tiền tệ pháp định trong 40 năm qua. Các nước tham gia cần đến luật để điều chỉnh trên danh nghĩa các khoản thanh toán thu nhập cố định cho những người nghèo nhất, dưới hình thức lương hưu, lợi tức hàng năm, phúc lợi xã hội và tài khoản tiết kiệm lên đến mức được bảo đảm. Giá trị danh nghĩa của nợ sẽ không thay đổi, ngay lập tức giải quyết câu hỏi hóc búa về đảo-ngược-đòn-bẩy-và-nợ- công toàn cầu. Các ngân hàng và những người sống bằng lợi tức sẽ bị xóa bỏ – một bước tiến lành mạnh đối với tăng trưởng trong tương lai. Nạn “trộm cắp” thông qua lạm phát sẽ lùi vào dĩ vãng chừng nào hệ thống còn được duy trì. Nạn bòn rút của cải sẽ được thay bằng việc tạo ra của cải, mồ hôi công sức sẽ được đền đáp xứng đáng.
Chính sách tiền tệ tùy ý được triển khai bởi các ngân hàng trung ương quốc gia sẽ được duy trì trong hệ thống mới này. Thật vậy, đôi khi tỉ lệ vàng vật chất đảm bảo cho các đợt phát hành tiền tệ, thậm chí có thể tăng hoặc giảm nếu cần thiết. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương tham gia vào hệ thống sẽ được yêu cầu phải duy trì giá vàng cố định trong đồng tiền của họ bằng cách đóng vai trò như người mua và người bán vàng vật chất. Bất kỳ ngân hàng trung ương nào được nhận định là quá lỏng lẻo trong một thời gian quá lâu sẽ thấy người dân xếp hàng dài trước cửa và vàng sẽ nhanh chóng bốc hơi khỏi hầm chứa. Hạn mức hoán đổi vàng của IMF với sự đảm bảo của các ngân hàng trung ương khác sẽ được áp dụng dể giải quyết những yêu cầu điều chỉnh tạm thời – một dấu ấn của hệ thống Bretton Woods cũ. Những hoạt động vận hành thị trường vàng này sẽ được tiến hành minh bạch để thu hút củng cố niềm tin.
Điều quan trọng là IMF sẽ có quyền lực khẩn cấp để tăng nguồn cung SDR với sự chấp thuận của một thiểu số thành viên nhằm đối phó với một cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn cầu, nhưng SDR và đồng tiền của các quốc gia vẫn sẽ có khả năng chuyển đổi tự do sang vàng bất cứ lúc nào. Nếu người dân có lòng tin vào những hành động khẩn cấp của IMF, hệ thống sẽ vẫn ổn định. Nếu người dân nhận định rằng việc tạo ra tiền đang được tiến hành để giải cứu tầng lớp thượng lưu và những người sống nhờ lợi tức, một cuộc tháo chạy vàng sẽ bắt đầu. Những tín hiệu thị trường này sẽ đóng vai trò như một cái phanh đối với sự lạm dụng của IMF và các ngân hàng trung ương. Trong thực tế, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới I, một tiếng nói dân chủ, do cơ chế thị trường làm trung gian, sẽ được tham gia vào các vấn đề tiền tệ toàn cầu.
Phe ủng hộ Trường phái Áo đối với một bản vị vàng truyền thống dường như không chấp nhận bản vị vàng mới này, vì sự đảm bảo của vàng rất nhỏ bé, thậm chí là hay biến động. Những người theo thuyết âm mưu nhiều khả năng cũng sẽ không ủng hộ nó, vì nó có tính toàn cầu và mang dáng dấp, trạng thái của một trật tự thế giới mới. Ngay cả những người ít chỉ trích hơn cũng sẽ chỉ ra rằng hệ thống này phụ thuộc hoàn toàn vào lời hứa của các Chính phủ, mà những lời hứa như vậy luôn luôn bị phá vỡ trong quá khứ. Tuy nhiên, bản vị vàng mới sở hữu sức mạnh của tính thực tiễn, nó thực sự có thể thành hiện thực. Nó ngay lập tức giải quyết những vấn đề của giảm phát sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ chọn phương pháp triển khai bản vị vàng không kèm theo đô-la, và nó giảm nhẹ cú sốc siêu lạm phát sẽ xảy ra nếu một tỉ lệ đảm bảo nhỏ không được áp dụng. Bản vị vàng mới trở nên gần với giải pháp của Mundell, rằng khu vực tiền tệ tối ưu chính là thế giới và nó hồi sinh một phiên bản của tầm nhìn mà Keynes đưa ra ở Bretton Woods trước khi Hoa Kỳ quyết tâm đưa đồng đô-la lên ngôi bá chủ.
Đáng nói nhất là, một bản vị vàng sẽ giải quyết ba vấn đề kinh tế quan trọng nhất trên thế giới hiện nay: Đồng đô- la đi xuống, nợ tăng quá cao và vàng bị tranh giành. Ngân khố Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã quyết định rằng chính sách đồng đô-la yếu là biện pháp khắc phục cho sự thiếu hụt tăng trưởng của thế giới. Kế hoạch của họ là tạo ra lạm phát, tăng tổng cầu danh nghĩa, và dựa vào Hoa Kỳ để kéo nền kinh tế toàn cầu ra xa khỏi vực thẳm như một cỗ máy kéo John Deere được móc vào chiếc máy gặt đã ngập quá nửa dưới bùn. Có điều, giải pháp Hoa Kỳ được thiết kế cho các vấn đề có tính chu kỳ, chứ không phải cho những vấn đề về cơ cấu mà thế giới đang phải đối mặt. Giải pháp cho các vấn đề về cơ cấu liên quan đến các cấu trúc mới, bắt đầu với hệ thống tiền tệ quốc tế.
Trong ít nhất 10 năm nữa, không một đồng tiền giấy nào có thể đến đủ gần chỗ thay thế được đồng đô-la như tiền tệ dự trữ hàng đầu. Ngay cả khi hiện tại, đồng đô-la đang bị thất sủng và vàng được tiền tệ hóa với tốc độ ngày càng tăng. Đây là hai phản ứng hoàn toàn hợp lý đối với chính sách đồng đô-la yếu của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và IMF nên dẫn dắt thế giới đến với đồng SDR được đảm bảo bằng vàng, điều sẽ thỏa mãn lợi ích của Trung Quốc và Nga, đồng thời vẫn giữ nguyên vị thế dự trữ hàng đầu của Hoa Kỳ và châu Âu. Thế giới không thể chờ đợi 10 năm để SDR giấy, đồng nhân dân tệ và đồng euro hội tụ thành thế giới “Kumbaya”(18) của Barry Eichengreen(19) với nhiều loại tiền tệ dự trữ. Hậu quả của những chính sách điều hành tiền tệ sai lầm sẽ được bộc lộ trong vòng chưa đến 10 năm nữa.
18 Kumbaya là tên một bài hát cổ thường được cất lên trong các buổi tụ họp, đốt lửa trại, thể hiện tình đoàn kết. Trong chính trị, nó được dùng để chỉ trạng thái các bên giả vờ tỏ ra hòa giải và gạt bỏ những bất đồng sâu sắc.
19 Giáo sư kinh tế học và chính trị của trường Đại học California, Hoa Kỳ. Trong cuốn Exor- bitant Privilege: The Rise and Fall of the Dollar, ông đã phác họa một tương lai mà trong đó đô-la, euro và nhân dân tệ cùng là những đồng tiền dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên, ông loại trừ vai trò của SDR.