T
rong tài chính, không có quả cầu pha lê nào để dự đoán một kết quả, sau đó bước đi trên một con đường duy nhất. Tuy nhiên, chúng ta có thể mô tả nhiều con đường và những cột cây số trên mỗi tuyến. Các nhà phân tích tình báo gọi những cột cây số này là “những chỉ dẫn và cảnh báo”. Khi đã xác định các chỉ dẫn và cảnh báo, các sự kiện phải được quan sát chặt chẽ, không phải chỉ lướt mắt qua những dòng tiêu đề hời hợt, mà là một phần của quá trình phân tích một hệ thống năng động
Nhà đầu tư Mohamed El-Erian của gã khổng lồ trái phiếu PIMCO đã phổ biến cụm từ “bình thường mới” để mô tả nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông ấy đúng một nửa. Tình trạng bình thường cũ đã biến mất, nhưng tình trạng bình thường mới vẫn chưa xuất hiện. Nền kinh tế toàn cầu đã rơi xuống dưới mức cân bằng cũ, và vẫn chưa ổn định trong một sự cân bằng mới. Nền kinh tế đang chuyển tiếp từ giai đoạn này sang giai đoạn kia.
Khái niệm trên có thể được minh họa bằng cách đun một ấm nước cho đến khi nước sôi. Nước và hơi nước đều là trạng thái ổn định, mặc dù có động năng khác nhau. Giữa nước và hơi nước là một giai đoạn mà bề mặt nước sôi sục với nhiều bong bóng bật lên, rồi rơi xuống lại. Nước là trạng thái bình thường cũ; hơi nước là trạng thái bình thường mới. Ngay lúc này, nền kinh tế thế giới không ở trong cả hai trạng thái – nó là bề mặt nước với những bong bóng nhảy nhót, không biết sẽ rơi xuống trở lại thành nước hay bay lên thành hơi nước. Chính sách tiền tệ chính là việc bạn bật ngọn lửa đun ấm nước lên.
Một số quá trình chuyển tiếp pha nhất định không thể đảo ngược được. Khi gỗ cháy thành tro, đó là một quá trình chuyển tiếp pha, nhưng không có cách nào dễ dàng biến tro trở lại thành gỗ. Cục Dự trữ Liên bang tin rằng họ đang quản lý một quy trình có thể đảo ngược. Họ tin rằng giảm phát có thể biến thành lạm phát, và sau đó biến thành không lạm phát, chỉ cần xác định đúng lượng tiền và thời gian cần thiết. Trong vấn đề này, họ đã nhầm.
Cục Dự trữ Liên bang không hiểu rằng việc tạo ra tiền có thể là một quá trình không thể đảo ngược. Tại một thời điểm nhất định, niềm tin vào tiền có thể bị mất đi và không có cách nào để khôi phục nó. Nó cần phải được thay thế bằng một hệ thống hoàn toàn mới. Một hệ thống tiền tệ quốc tế mới sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn của hệ thống đô-la cũ, giống như hệ thống đô-la đã trỗi dậy từ đống tro tàn của Khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh tại Bretton Woods năm 1944, ngay cả trước khi ngọn lửa của Thế chiến II được dập tắt.
Mấu chốt của vấn đề trong hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay không phải là tiền mà là nợ. Biện pháp in tiền đang được sử dụng như một phương tiện để đối phó với nợ không trả được. Đến năm 2005, dưới sự dẫn dắt của những ngân hàng vì lợi ích cá nhân mà mù quáng chấp nhận mọi nguy hiểm, Hoa Kỳ đã đẩy thế giới vào nợ quá mức dưới hình thức các khoản vay thế chấp và hạn mức tín dụng cho những người không thể trả nợ. Bản thân vấn đề thế chấp rất nghiêm trọng nhưng có thể quản lý được. Cái không thể quản lý được là hàng tỉ tỉ đô-la dưới dạng phái sinh được tạo nên từ những khoản vay thế chấp cơ sở và hàng nghìn tỉ đô-la trong các hợp đồng mua lại và giấy tờ thương mại được sử dụng để tài trợ cho hàng tồn kho dưới dạng chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp để hỗ trợ các công cụ phái sinh.
Khi sự sụp đổ là không thể tránh khỏi, thiệt hại không được phân bổ cho những người chịu trách nhiệm – các ngân hàng và chủ sở hữu trái phiếu – mà lại được chuyển sang cho người dân thông qua tài chính liên bang. Từ năm 2009 đến năm 2012, Ngân khố Hoa Kỳ đã gây ra khoản thâm hụt tích lũy 5.000 tỉ đô-la và Cục Dự trữ Liên bang đã in thêm 1,2 nghìn tỉ đô-la tiền mới. Các cơ chế thâm hụt và in tiền tương tự xuất hiện trên toàn thế giới, khi các ngân hàng không ngừng tạo ra các công cụ phái sinh. Chỉ có một phần của nợ tư nhân được xóa sổ.
Việc làm và lương thưởng của nhân viên ngân hàng vẫn được bảo tồn, nhưng lợi ích của người dân thì không đạt được gì. Một vấn đề nợ tư nhân đã được thay thế bằng khoản nợ công lớn hơn hàng tỉ lần khoản nợ tư nhân. Trong thực tế, những khoản nợ này không thể trả được và vỡ nợ, phá sản sẽ sớm theo sau. Tình trạng vỡ nợ của các quốc gia nhỏ hơn như Hy Lạp, Síp và Argentina sẽ được thực hiện thông qua việc không thanh toán lợi tức trái phiếu và những khoản thiệt hại của người gửi tiết kiệm. Tình trạng vỡ nợ đối với các quốc gia lớn hơn như Hoa Kỳ sẽ đến từ lạm phát toàn cầu, cơ chế cho phép ăn cắp tài sản của người gửi tiết kiệm, người gửi tiền và người sở hữu trái phiếu.
Bên cạnh những thách thức là những lời cảnh báo về sự hồi sinh của một hiện tượng gần như bị lãng quên. Sự giảm phát, một tình trạng không được nhìn nhận rộng rãi trong các nền kinh tế phát triển mạnh kể từ những năm 1930, đã trở lại, quấy rầy cuộc chơi lạm phát của các ngân hàng trung ương. Giảm phát có nguồn gốc từ trạng thái tâm thần ì trệ, chán nản. Các nhà đầu tư đã bị sốc và sợ hãi bởi những sự kiện trong năm 2008 và phản ứng tức thời của họ là ngừng chi tiêu, tránh rủi ro và chuyển sang sử dụng tiền mặt. Phản ứng này khởi động quá trình giảm phát. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện đối với giá cổ phiếu và giá nhà ở tăng lên kể từ năm 2009, nhưng một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về cả hai cho thấy rằng khối lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường thì thấp nhưng đòn bẩy lại khá cao. Đây là những dấu hiệu cho thấy các chỉ số tăng lên thực chất là bong bóng tài sản được tạo ra bởi giới giao dịch và đầu cơ chuyên nghiệp, các quỹ đầu cơ và sự tham gia của người dân đang mờ nhạt dần. Tương tự, giá nhà tăng lên không chỉ vì hoạt động mua nhà truyền thống, mà còn bởi tổ chức đầu tư mua những khu căn hộ lớn bằng đòn bẩy, tái cấu trúc nợ của người sở hữu nhà, hoặc chuyển đổi các khoản thế chấp sang cho thuê. Dòng tiền có thể làm cho các khoản đầu tư này có sức hấp dẫn như trái phiếu, nhưng không ai được phép phạm phải những nhầm lẫn kỹ thuật rằng kỹ thuật tài chính này là để phục vụ một thị trường nhà ở lành mạnh, bình thường. Giá tài sản tăng cao là con mồi béo bở cho các dòng tít trên báo đài, nhưng nó không có ích gì trong việc phá vỡ tư duy giảm phát của đại bộ phận các nhà đầu tư và người tiết kiệm.
Việc các ngân hàng trung ương đang theo đuổi lạm phát, và không thể đạt được nó, là một nguyên nhân góp phần vào sự tồn tại dai dẳng của giảm phát cơ bản. Việc in tiền để chống lại giảm phát có thể gây mất lòng tin vào hệ thống tiền tệ pháp định. Nếu tư duy giảm phát bị phá bỏ, tâm trạng lạm phát có thể chạy trước những khả năng của ngân hàng trung ương và chứng minh rằng nó không thể ngăn chặn hay đảo ngược. Trong trường hợp giảm phát dai dẳng hoặc lạm phát không ngừng, chúng ta có nguy cơ mất đi thứ giá trị nhất mà Paul Volcker cảnh báo: niềm tin. Khi niềm tin vào một hệ thống tiền tệ bị mất đi, nó gần như không thể vãn hồi được.
Rất có thể, một hệ thống mới sẽ là điều cần thiết, với một nền tảng mới có thể tạo ra niềm tin mới. Đồng đô-la được đảm bảo bằng vàng đã thay thế đồng bảng Anh trong nhiều giai đoạn từ năm 1925 đến năm 1944. Đồng đô-la giấy đã thay thế đồng đô-la được đảm bảo bằng vàng trong nhiều giai đoạn từ năm 1971 đến năm 1980. Trong mỗi trường hợp, niềm tin tạm thời mất đi nhưng lại được phục hồi với một phương tiện tích trữ giá trị mới.
Cho dù niềm tin vào đồng đô-la bắt nguồn từ những mối đe dọa từ bên ngoài hay sự thờ ơ từ bên trong, thì nhà đầu tư cũng nên đặt ra hai câu hỏi: (i) Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? (ii) Làm thế nào để bảo tồn tài sản trong quá trình chuyển tiếp?
BA CON ĐƯỜNG
Sự sụp đổ của đồng đô-la dẫn đến một trong ba con đường. Thứ nhất là tiền thế giới, SDR; thứ hai là một bản vị vàng; và thứ ba là bất ổn xã hội. Mỗi kết quả này đều có thể dự đoán được và mỗi kết quả đại diện cho một chiến lược phân bổ tài sản tối ưu để bảo tồn của cải.
Việc sử dụng đồng SDR thay thế đồng đô-la làm đồng tiền dự trữ toàn cầu đang được tiến hành, và IMF đã đưa ra một kế hoạch chuyển đổi 10 năm được Hoa Kỳ thông qua một cách không chính thức. Kế hoạch này liên quan đến việc tăng số lượng SDR trong lưu thông và xây dựng cơ sở hạ tầng của tài sản có thể đầu tư có mệnh giá bằng SDR, các công ty phát hành, nhà đầu tư và các đại lý. Theo thời gian, tỉ trọng của đồng đô-la trong rổ SDR sẽ được giảm xuống để nâng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lên.
Kế hoạch, như đã được IMF đưa ra, minh hoạ cho phương thức ưa chuộng của George Soros, như được mô tả bởi Karrl Popper – nhà triết học mà Soros yêu thích. Soros và Popper gọi đó là “cải biến từng phần” (piecemeal engineering) và coi đó là hình thức cải biến xã hội ưa thích của họ. Lý tưởng của Soros-Popper là tạo ra những thay đổi lớn trong các bước tiến triển nhỏ, không đáng chú ý, thứ có thể được cải tiến hoặc trì hoãn theo yêu cầu của hoàn cảnh. Popper đã viết:
Theo đó, người thực hành kỹ thuật cải biến từng phần sẽ áp dụng phương pháp này sự ủng hộ của họ có thể dễ dàng trở thành một phương tiện để liên tục trì hoãn hành động cho đến một ngày khác, khi các điều kiện thuận lợi hơn.
Kế hoạch chi tiết cho kỹ thuật cải biến từng phần tương đối đơn giản. Chúng được thiết kế cho các định chế riêng lẻ.
Tôi không cho rằng kỹ thuật cái biến từng phần không thể được xem trọng, hoặc rằng nó phải bị giới hạn trong các vấn đề “nhỏ”.
Theo phương pháp Soros-Popper, mục tiêu của IMF đưa SDR trở thành tiền tệ thế giới, vốn được khởi xướng năm 1969, có thể dễ dàng kéo dài đến năm 2025 hoặc bất cứ khi nào, như Popper đã nói, mà “các điều kiện thuận lợi hơn.”
Trớ trêu thay, phương pháp dần dần từng bước này không phải là kịch bản khả thi nhất để SDR thay thế đồng đô-la. Thay vào đó, một cuộc khủng hoảng tài chính trong vài năm tới, gây ra bởi rủi ro của chứng khoán phái sinh và sự liên kết chằng chịt của các ngân hàng, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn cầu tồi tệ hơn những cuộc khủng hoảng năm 1998 và năm 2008. Lần này, bảng cân đối của FED vốn đã cồng kềnh và bị kéo giãn đến mức giới hạn sẽ không đủ linh hoạt để khôi phục tính thanh khoản của thị trường liên ngân hàng. SDR sẽ bị buộc phải đưa vào sử dụng để ổn định hệ thống, như đã được thực hiện vào năm 1979 và năm 2009. Những điều kiện đang ngày càng phổ biến hiện nay có nghĩa là quy trình sẽ được thực hiện trên cơ sở một cuộc sụp đổ, không có tham chiếu đến cơ sở hạ tầng được xây dựng một cách cẩn thận đang trong quá trình thiết kế. Cơ sở hạ tầng hiện tại từ các định chế như DTCC và SWIFT sẽ bị buộc phải đưa vào sử dụng để tạo điều kiện cho thị trường SDR mới.
Muốn sử dụng SDR theo cách này, cần phải có sự chấp thuận của Trung Quốc, và để đổi lấy sự chấp thuận của mình, Trung Quốc sẽ khẳng định rằng SDR được sử dụng không phải để cứu đồng đô-la, như đã làm trong quá khứ, mà để thay thế đồng đô-la càng nhanh càng tốt. Quá trình này sẽ diễn ra trong vài tháng, tốc độ khá nhanh nếu tính theo tiêu chuẩn của hệ thống tiền tệ quốc tế. Việc chuyển đổi sẽ gây ra lạm phát nếu tính theo đồng đô-la, không phải vì việc in đô-la mới mà vì đồng đô-la sẽ bị giảm giá trị so với SDR. Từ đó trở đi, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với những điều chỉnh cơ cấu nghiêm trọng khi nó thấy rằng mình phải kiếm được SDR thông qua cạnh tranh trong thị trường toàn cầu chứ không phải tuỳ ý in dự trữ khi cần.
Trong kịch bản này, tiết kiệm dưới hình thức tiền gửi ngân hàng, các chính sách bảo hiểm, tiền trợ cấp hàng năm và trợ cấp lương hưu sẽ bị xóa sổ.
Sự trở lại của bản vị vàng là một cách khác để thoát khỏi mê cung của in tiền. Điều này có thể nảy sinh từ tình trạng lạm phát cực đoan, khi cần phải viện đến vàng để khôi phục niềm tin, hoặc trong tình trạng giảm phát cực đoan, khi các Chính phủ định giá để nâng mức giá chung. Bản vị vàng này được sử dụng không phải vì các Chính phủ chọn nó, mà vì nó cần thiết khi niềm tin sụp đổ. Một ước lượng xấp xỉ cho giá vàng cân bằng, không giảm phát là 9.000 đô-la/ounce, mặc dù giá trị có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào các đặc tính kỹ thuật trong thiết kế của bản vị vàng. Tiền tệ trong lưu thông sẽ không phải là đồng tiền vàng mà là đồng đô-la (nếu Hoa Kỳ cầm trịch) hoặc SDR (nếu IMF là định chế trung gian). SDR được bảo đảm bằng vàng này sẽ khác với SDR giấy, nhưng tác động của chúng đối với đồng đô-la là như nhau. Bất kỳ sự di chuyển nào về phía đồng đô-la vàng hay SDR vàng đều sẽ gây ra lạm phát, vì vàng sẽ phải được định giá lại, cao hơn nhiều để hỗ trợ thương mại và tài chính thế giới với cổ phiếu vàng hiện có. Giống như kịch bản SDR-giấy, lạm phát do sự mất giá của đồng đô-la so với vàng sẽ quét sạch các hình thức tiết kiệm.
Bất ổn xã hội là con đường thứ ba. Bất ổn xã hội liên quan đến bạo loạn, đình công, phá hoại và các hành vi rối loạn chức năng khác. Nó khác với phản kháng xã hội vì bất ổn xã hội liên quan đến các hành vi phi pháp, bạo lực và phá hoại tài sản. Sự bất ổn này có thể là phản ứng đối với siêu lạm phát cực đoan, tình trạng được nhìn nhận một cách rộng rãi và hợp lý như một hành vi trộm cắp do nhà nước thực hiện. Bất ổn xã hội có thể là phản ứng với tình trạng giảm phát cực đoan, thường kèm theo phá sản, thất nghiệp và cắt giảm phúc lợi xã hội. Bất ổn cũng có thể phát sinh sau một cuộc chiến tranh tài chính hoặc sụp đổ hệ thống, khi người dân nhận ra tài sản của họ đã biến mất vào màn sương mù của hành vi thâm nhập trái phép, thao túng, hình thức giải cứu bail-in(26)và tịch thu.
26 Mặc dù “bail out” và “bail in” đều được dùng để chỉ việc cung cấp các khoản vay “cấp cứu” nhằm cung cấp thanh khoản và giúp các con nợ thoát khỏi cảnh vỡ nợ, nhưng trong khi “bail out” được thực hiện thông qua các khoản vay mới từ các chủ nợ bên ngoài (thường là Chính phủ hoặc các thể chế tài chính quốc tế) và được tài trợ chủ yếu bởi tiền thuế của người dân, thì “bail in” là biện pháp giải cứu mà qua đó các chủ nợ (thường là tư nhân) giúp xóa bỏ một phần các khoản nợ cũ của con nợ.
Bất ổn xã hội không thể dự đoán được vì nó là một đặc điểm nổi bật của một hệ thống phức hợp. Bất ổn xã hội phát sinh tự phát từ hệ thống phức tạp nhất – xã hội, một hệ thống lớn hơn và phức hợp hơn tất cả những thành phần tài chính và kỹ thuật số trong đó. Các cuộc bạo loạn tiền tệ sẽ làm nhà chức trách bất ngờ. Một khi sự tan rã xã hội bắt đầu, sẽ rất khó để bắt giữ bất cứ ai.
Tan rã xã hội không thể dự doán được, nhưng phản ứng chính thức thì có. Nó sẽ mang hình thức chủ nghĩa tân phát xít (neofascism), thay thế quyền lực nhà nước bằng tự do. Quá trình này đã tiến triển rất nhiều trong những khoảng thời gian tương đối bình lặng và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi bạo lực bùng phát. Như tác giả Radley Balko đã ghi lại trong Sự trỗi dậy của những Binh đoàn (Rise of the Warrior Cop), nhà nước được trang bị vũ lực đầy đủ bởi các đội SWAT, máy bay không người lái, xe bọc thép, thiết bị giám sát kỹ thuật số, khí gas, lựu đạn flash... Người dân sẽ phát hiện ra một cách muộn màng rằng mọi bốt điện thoại E-ZPass ở Mỹ đều có thể nhanh chóng được chuyển thành điểm cấm và mọi máy quay giao thông đều không chỉ làm mỗi nhiệm vị quét biển số xe. Những vụ việc tai tiếng của IRS và NSA vào năm 2013 cho thấy các cơ quan Chính phủ đáng tin cậy có thể bị lật đổ trong chớp mắt như thế nào vì những hành vi giám sát bất hợp pháp và đàn áp vì động cơ chính trị.
Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều đồng lõa như nhau với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân phát xít. Tác giả Jonah Goldberg đã ghi lại lịch sử của chủ nghĩa phát xít và cho thấy rằng, cội nguồn của nó trong những năm đầu thế kỷ XX về bản chất chính là chủ nghĩa xã hội. Nhân vật đầu tiên công khai theo chủ nghĩa phát xít, Benito Mussolini, được những người cùng thời xem là có tư tưởng cánh tả. Ngày nay, sự phân biệt giữa cánh Tả và cánh Hữu của những người theo phe chủ nghĩa phát xít không quan trọng bằng sự phân biệt giữa phe ủng hộ quyền lực nhà nước và phe ủng hộ tự do. Thị trưởng thành phố New York, Michael Bloomberg, là một trường hợp như vậy. Tùy thuộc vào những thời điểm khác nhau, ông có thể là đảng viên Đảng Cộng hòa, đảng viên Đảng Dân chủ, hay một người trung lập. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông phô bày thái độ có thể gọi là “thân phát xít”. Nỗ lực của ông trong việc cấm các loại soda có đường ở thành phố New York là một cuộc diễn tập quyền lực nhà nước điển hình với chi phí là sự tự do, bất chấp nhiều lời chế giễu. Điều đáng lo ngại hơn là câu nói của ông: “Tôi có quân đội của tôi trong NYPD – quân đội lớn thứ bảy trên thế giới.”
Việc sử dụng chiến thuật tân phát xít để trấn áp các cuộc nổi loạn tiền tệ chính trị không đòi hỏi phải ban hành luật mới. Cơ quan có thẩm quyền đã tồn tại kể từ Đạo luật Cấm Thương mại với Kẻ thù năm 1917 sau này được mở rộng và cập nhật bởi Đạo luật về Các Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) năm 1977. Tổng thống Franklin Roosevelt đã sử dụng Luật Cấm Thương mại với Kẻ thù để tịch thu vàng từ các công dân Mỹ trong năm 1933. Ông không chỉ rõ ai là “kẻ thù”, có lẽ đó là những người sở hữu vàng. Mọi Tổng thống kể từ thời Jimmy Carter đã sử dụng IEEPA để đóng băng và tịch thu tài sản tại các ngân hàng Mỹ. Trong những tình huống xấu hơn trong tương lai, vàng có thể bị tịch thu, các tài khoản bị đóng băng, lệnh kiểm soát vốn được áp đặt và sàn giao dịch đóng cửa. Các biện pháp kiểm soát tiền lương và giá cả có thể được sử dụng để kiềm chế lạm phát, còn các hệ thống giám sát kỹ thuật số hiện đại có thể được sử dụng để triệt phá các thị trường chợ đen và bắt giữ những người tham gia. Cuộc nổi loại tiền tệ sẽ bị đè bẹp nhanh chóng.
Trong bản thể luận về quyền lực nhà nước, trật tự đến trước sự tự do hay công lý.
BẢY DẤU HIỆU
Các nhà đầu tư phải cảnh giác trước những chỉ dẫn và cảnh báo trên đường đi của nền kinh tế. Có bảy dấu hiệu quan trọng.
Dấu hiệu đầu tiên là giá vàng. Mặc dù giá vàng đang bị các ngân hàng trung ương thao túng nhưng bất kỳ sự biến động giá cả không theo trật tự nào cũng là tín hiệu cho thấy kế hoạch thao túng đang tan rã, bất chấp những nỗ lực cho thuê, bán vàng không phân bổ và bán vàng tương lai. Sự tăng giá nhanh chóng từ mức 1.500 đô-la/ounce lên mức 2.500 đô-la/ounce không phải là bong bóng mà là dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng mua vàng vật chất đã bắt đầu và các hoạt động hạn chế không tạo ra hiệu ứng xoa dịu như mong muốn. Ngược lại, nếu vàng giảm xuống mức 800 đô-la/ounce hoặc thấp hơn, đây là một tín hiệu đáng tin cậy của giảm phát nghiêm trọng, có khả năng phá hủy các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy trong mọi lớp tài sản.
Hành động liên tục mua vàng của các ngân hàng trung ương. Cụ thể, những đợt mua vàng của Trung Quốc là dấu hiệu thứ hai cho sự sụp đổ của đồng đô-la. Thông báo của Trung Quốc vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015 rằng họ đã mua được hơn 4.000 tấn vàng sẽ là một cột mốc trong xu hướng ngày càng phát triển và là một dấu hiệu của lạm phát.
Cải cách quản trị trong IMF. Dấu hiệu thứ ba này có nghĩa là quyền biểu quyết lớn hơn cho Trung Quốc, và cho luật pháp Hoa Kỳ để chuyển đổi các cam kết hạn mức tín dụng của Mỹ thành cái gọi là hạn ngạch tại IMF. Bất kỳ sự thay đổi nào trong tổ hợp thành phần rổ tiền tệ SDR làm giảm tỉ trọng của đô-la cũng sẽ là dấu hiệu cảnh báo sớm lạm phát đối với đồng đô-la. Điều này cũng đúng đối với các bước cụ thể trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng SDR. Nếu các công ty toàn cầu như Caterpillar và General Electric phát hành trái phiếu có mệnh giá tính bằng SDR, vốn được mua bởi các quỹ tài sản quốc gia hoặc các ngân hàng phát triển khu vực, điều này cho thấy kế hoạch đưa SDR trở thành đồng tiền thế giới đang được thúc đẩy.
Sự thất bại của cải cách quy định. Dấu hiệu thứ tư sẽ là những nỗ lực của các nhà vận động hành lang và Quốc hội Mỹ để hạn chế quy mô của các ngân hàng lớn, giảm mức độ tập trung tài sản của ngân hàng hoặc hạn chế các hoạt động ngân hàng đầu tư. Việc bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall năm 1999 là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự sụp đổ của thị trường nhà ở vào năm 2007 và cuộc Khủng hoảng 2008. Quốc hội đang thực hiện nhiều nỗ lực nhằm khôi phục những điều khoản chính của Glass-Steagall. Các nhà vận động hành lang cho ngân hàng được huy động để ngăn chặn những cải cách như vậy, và có thể là cả những quy định về chứng khoán phái sinh, yêu cầu về vốn cao hơn và giới hạn đối với tiền thưởng của ngân hàng. Thành phần này chiếm ưu thế trong Quốc hội, và chẳng có lý do gì để tin rằng những nỗ lực cải cách sẽ đạt được thành công nhiều hơn cái vẻ bề ngoài. Không có cải cách, quy mô và mối quan hệ chằng chịt giữa các vị thế ngân hàng sẽ tiếp tục tăng từ các mức rất cao và với tốc độ nhanh hơn nhiều so với nền kinh tế thực. Kết quả sẽ là một thất bại hệ thống và không lường trước được khác, đến nỗi FED cũng không có đủ năng lực để ngăn chặn hay kìm hãm nó. Tác động tức thời của sự khủng hoảng sẽ là giảm phát cao khi tài sản, kể cả vàng, bị bán tống bán tháo để huy động tiền mặt. Biến động giảm phát này sẽ nhanh chóng kéo theo lạm phát, khi IMF bơm SDR để tái tạo tính thanh khoản cho hệ thống.
Hệ thống sụp đổ. Dấu hiệu thứ năm sẽ là những đợt sụp đổ thường xuyên như vụ sụp đổ chớp nhoáng ngày 6 tháng 5 năm 2010, trong đó chỉ số Dow Jones giảm 1.000 điểm trong vài phút; vụ lỗi máy tính của Knight Trading ngày 1 tháng 8 năm 2012, đã xóa sạch vốn của Knight; và vụ đóng cửa thị trường cổ phiếu NASDAQ ngày 22 tháng 8 năm 2013. Từ quan điểm phân tích hệ thống, những sự kiện này nên là đặc tính nổi bật của các hệ thống phức hợp. Những vụ sụp đổ này không phải là kết quả trực tiếp từ lòng tham của các ngân hàng, nhưng chúng là những bóng ma thâm hiểm trong máy tính tự động kết nối, tốc độ cao và khả năng giao dịch với khối lượng cực lớn. Những sự kiện như vậy không nên bị loại bỏ như những sự cố bất thường, chúng nên được kỳ vọng. Việc những sự kiện như vậy xảy ra ngày càng dồn dập có thể chỉ ra rằng hệ thống thương mại đang chao đảo, chuyển sang tình trạng mất cân bằng, hoặc có lẽ quân đội Trung Quốc hay Iran đang hoàn thiện năng lực tấn công mạng của họ thông qua chiến thuật thăm dò và nghi binh. Đến một lúc, một trục trặc sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và đóng cửa các thị trường. Cũng như kịch bản rủi ro hệ thống, kết quả có thể sẽ là giảm phát tức thời do tài sản bán ra ồ ạt, tiếp theo là lạm phát khi các đội cứu hỏa của FED và IMF bơm tiền mới xối xả để dập tắt đám cháy.
Sự kết thúc của QE và chính sách kinh tế Abe. Dấu hiệu thứ sáu sẽ là sự sụt giảm bền vững trong việc mua sắm tài sản của Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản, đem lại cơ hội thứ hai cho giảm phát, kìm hãm giá tài sản và tăng trưởng. Điều này đã xảy ra ở Hoa Kỳ khi QE1 và QE2 kết thúc và lại xảy ra vào năm 2012 khi Ngân hàng Trung ương Nhật không thực hiện chính sách nới lỏng như đã hứa hẹn. Tuy nhiên, khi việc mua sắm tài sản bị cắt giảm thì chỉ sau 1 năm, nó sẽ lại tăng lên do hiệu ứng giảm phát. Đây sẽ là sự lặp lại của những chính sách tiền tệ bước đi - dừng lại mà FED áp dụng từ năm 2008 và Ngân hàng Nhật Bản áp dụng từ năm 1998. Giảm phát cứ liên tục quanh quẩn sẽ khiến lạm phát trở nên rất khó đạt được. Một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn là hoạt động in tiền lại tiếp tục ở cả hai giai đoạn sau khi đã đạt được lạm phát 2%. Đến lúc đó, rủi ro dồn hết về khả năng lạm phát sẽ cao hơn rất nhiều khi sự thay đổi trong kỳ vọng trở nên khó đảo ngược, nhất là ở Mỹ.
Sự sụp đổ của Trung Quốc. Dấu hiệu thứ bảy sẽ là sự tan rã tài chính ở Trung Quốc, khi mô hình Ponzi của sản phẩm quản lý tài sản sụp đổ. Mức độ liên kết tài chính của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thấp hơn so với các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ và châu Âu, do đó sự sụp đổ của Trung Quốc chủ yếu là vấn đề địa phương, trong đó Đảng Cộng sản sẽ sử dụng nguồn dự trữ được nắm giữ bởi các quỹ tài sản quốc gia của họ để xoa dịu người gửi tiết kiệm và tái vốn hóa các ngân hàng. Tuy nhiên, hậu quả sẽ bao gồm việc Trung Quốc lại tiếp tục áp dụng mức trần hoặc phá giá đồng nhân dân tệ trên thị trường hối đoái để thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm và khôi phục lại tài sản đã mất trong đợt sụp đổ. Trong ngắn hạn, điều này sẽ dẫn đến giảm phát khi hàng hóa của Trung Quốc được định giá dưới mức giá trị thực một lần nữa lại tràn ngập các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong dài hạn, giảm phát của Trung Quốc sẽ sóng đôi với lạm phát của Hoa Kỳ và Nhật Bản, vì cả hai nước đều in tiền để bù đắp cho bất kỳ sự tăng giá nào của đồng yên hoặc đồng đô-la. Lúc ấy, các cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ được nhen nhóm trở lại, vì ngọn lửa chiến tranh chưa bao giờ tắt hẳn.
Không phải tất cả bảy dấu hiệu trên đều có thể xảy ra. Sự xuất hiện của một số dấu hiệu có thể phủ nhận hoặc trì hoãn những dấu hiệu khác. Chúng sẽ không đến theo bất kỳ trật tự nào. Khi bất kỳ một dấu hiệu nào xuất hiện, các nhà đầu tư nên cảnh giác với những tác động của hoạt động đầu tư và hậu quả cụ thể đã được mô tả ở trên.
NĂM TÀI SẢN ĐẦU TƯ
Khi đối mặt với lạm phát cực đoan, giảm phát cực đoan, hoặc tình trạng bất ổn xã hội, danh mục đầu tư nào sẽ có khả năng trụ vững? Những tài sản sau đây đã chứng minh được khả năng hoạt động tốt trong môi trường lạm phát và giảm phát, đồng thời vẫn tồn tại qua những thời kỳ bất ổn xã hội, từ Chiến tranh Ba mươi năm đến thời Đức Quốc xã.
Vàng. Sẽ là khôn ngoan nếu phân bổ từ 10% đến 20% danh mục tài sản có thể đầu tư cho vàng. Việc phân bổ nên có hình thức vật chất như tiền xu hoặc vàng thỏi để tránh việc chấm dứt hợp đồng sớm và thanh toán bằng tiền mặt, vấn đề nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến thị trường vàng giấy trong tương lai. Đảm bảo an toàn trong khâu logistics, dễ dàng tiếp cận bởi nhà đầu tư, nên được cân nhắc, nhưng tránh để trong ngân hàng, bởi vì vàng được lưu giữ tại các ngân hàng sẽ không dễ rút ra khi cần thiết nhất. Mức phân bổ trên 20% không được khuyến khích vì vàng rất dễ biến động và dễ bị thao túng và bên cạnh vàng, còn các tài sản đầu tư khác thực hiện chức năng bảo tồn tài sản tương tự. Chúng ta có thể nghĩ về chức năng bảo hiểm của vàng như sau: 20% danh mục đầu tư sẽ đem lại 500% lợi nhuận và cung cấp 100% khả năng phòng vệ rủi ro cho cả danh mục. Vàng hoạt động tốt trong môi trường lạm phát, cho đến khi lãi suất được nâng lên trên mức tỉ lệ lạm phát. Trong môi trường giảm phát, ban đầu giá trị danh nghĩa của vàng sẽ giảm, mặc dù nó có thể hoạt động tốt hơn các loại tài sản khác. Nếu giảm phát vẫn tiếp diễn, vàng tăng mạnh vì các Chính phủ định giá lại đồng tiền giấy để tạo ra lạm phát. Vàng đem lại giá trị cao tính theo trọng lượng và có thể mang theo khi cần trốn chạy.
Đất đai. Tài sản đầu tư này bao gồm đất chưa sử dụng nhưng ở vị trí đắc địa hoặc đất có tiềm năng nông nghiệp, nhưng không bao gồm đất đã quy hoạch. Giống như vàng, đất đai sẽ hoạt động tốt trong môi trường lạm phát cho đến khi lãi suất danh nghĩa cao hơn tỉ lệ lạm phát. Giá trị danh nghĩa của đất đai có thể giảm trong môi trường giảm phát, nhưng chi phí khai thác, xây dựng còn giảm nhiều hơn. Điều này có nghĩa là đất đai có thể được khai thác với giá rẻ ở đáy của giai đoạn giảm phát và mang lại lợi nhuận cao trong giai đoạn lạm phát, nhiều khả năng sẽ đến ngay sau giảm phát. Tòa nhà Empire State và Rockefeller Center, cả hai đều ở thành phố New York, được xây dựng trong thời kỳ Đại suy thoái và hưởng lợi từ chi phí nhân công thấp và vật liệu rẻ vào thời điểm đó. Từ đó đến nay, hai dự án này đã chứng tỏ là những dự án đầu tư tuyệt vời.
Tác phẩm mỹ thuật. Loại tài sản này bao gồm các bức tranh và bản vẽ có chất lượng bảo tàng, nhưng không bao gồm ô tô, rượu, hoặc các vật lưu niệm. Tác phẩm mỹ thuật cũng đem lại lợi nhuận như vàng trong cả hai môi trường lạm phát và giảm phát, nhưng lại không bị thao túng như vàng. Các ngân hàng trung ương không hề quan tâm đến chuyện giá cả tăng bất thường trong thị trường nghệ thuật và cũng không can thiệp để ngăn chặn điều đó. Các nhà đầu tư nên tập trung vào các họa sĩ nổi tiếng, tránh những trường phái có thể không được ưa chuộng. Tranh cũng có thể mang theo người và có giá trị cực kỳ cao tính theo trọng lượng. Một bức tranh trị giá 10 triệu đô-la nặng khoảng 2 pound, tức là trị giá đến 312.500 đô-la/ounce, gấp hơn 200 lần giá trị của vàng tính theo trọng lượng, và sẽ không bị máy dò kim loại phát hiện. Nghệ thuật chất lượng cao có thể mua được với số tiền thấp hơn nhiều so với 10 triệu đô- la thông qua các phương tiện đầu tư chung và mang lại lợi nhuận cực cao, mặc dù những phương tiện này thiếu tính thanh khoản và tính linh hoạt của quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật.
Các quỹ thay thế. Danh mục này bao gồm các quỹ đầu cơ và quỹ cổ phần tư nhân với các chiến lược cụ thể. Những chiến lược quỹ đầu cơ có thể đứng vững trong môi trường lạm phát, giảm phát và bất ổn xã hội bao gồm chiến lược vốn cổ phần dài hạn, vĩ mô toàn cầu và tài sản hữu hình nhắm vào tài nguyên thiên nhiên, kim loại quý, nước hoặc năng lượng. Các chiến lược cổ phần tư nhân cũng nên bao gồm các tài sản hữu hình, năng lượng, vận tải và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các quỹ dựa trên các cổ phiếu tài chính, các thị trường mới nổi, các khoản nợ công và các công cụ tín dụng mang lại rủi ro quá mức cho những con đường phía trước. Các quỹ đầu cơ và quỹ cổ phần tư nhân cung cấp mức độ thanh khoản khác nhau, mặc dù một số quỹ nhất định có thể không thanh khoản trong 5 đến 7 năm. Việc lựa chọn người quản lý có tầm quan trọng sống còn, và nói luôn dễ hơn làm. Sau khi cân nhắc kỹ, bạn nên đưa các quỹ này vào danh mục đầu tư vì lợi ích của sự đa dạng hóa và một nhà quản lý tài năng sẽ có trọng lượng hơn nhiều so với việc thiếu tính thanh khoản.
Tiền mặt. Có vẻ như đây là một sự lựa chọn đáng ngạc nhiên trong một thế giới bị đe doạ bởi lạm phát phi mã và những vụ sụp đổ tiền tệ. Nhưng tiền mặt vẫn có chỗ đứng riêng, ít nhất là trong thời gian này, vì nó là một hàng rào chống giảm phát tuyệt vời và có khả năng tích hợp tùy chọn, cho phép chủ sở hữu có thể xoay qua các tài sản khác ngay tại thời điểm có biến cố. Đưa tiền mặt vào danh mục đầu tư cũng làm giảm khả năng biến động của danh mục, ngược lại với đòn bẩy. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm đồng tiền lý tưởng có thể xem xét đồng đô-la Singapore, đồng đô- la Canada, đồng đô-la Mỹ và đồng euro. Tiền mặt có thể không phải là khoản đầu tư tốt nhất sau một thảm họa, nhưng nó có thể phục vụ nhà đầu tư một cách hiệu quả cho đến khi thảm họa mới xuất hiện. Tất nhiên, thách thức dành cho nhà đầu tư là phải chú ý đến các chỉ dẫn và cảnh báo, kịp thời chuyển đổi sang một trong những tài sản thay thế đã nói trên.
Nhìn chung, một danh mục bao gồm 20% vàng, 20% đất đai, 10% tác phẩm mỹ thuật, 20% quỹ thay thế và 30% tiền mặt sẽ là sự kết hợp tối ưu để bảo tồn tài sản trong điều kiện lạm phát, giảm phát và bất ổn xã hội, đồng thời mang lại lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro cao và tính thanh khoản hợp lý. Nhưng không có danh mục nào thiết kế cho những mục tiêu này mà lại hiệu quả cho một nhà đầu tư “mua và giữ”. Danh mục này phải được quản lý tích cực. Vì các chỉ dẫn và cảnh báo ngày càng trở nên phổ biến, và khi có đủ lý do để xác định rằng một khả năng sẽ xảy ra thì danh mục đầu tư phải được sửa đổi một cách hợp lý. Nếu giá vàng tăng lên đến 9.000 đô-la/ounce, thì có lẽ đây là lúc để bán vàng và mua thêm đất. Nếu lạm phát xuất hiện nhanh hơn dự kiến, sẽ hợp lý nếu chuyển đổi tiền mặt sang vàng. Một quỹ cổ phần tư nhân hoạt động tốt trong 5 năm có thể được bán đi nếu không có kế hoạch tái đầu tư, vì tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn sau 5 năm. Không ai biết trước được kết quả chính xác và hiệu quả hoạt động của danh mục, vì vậy không ngừng chú ý đến bảy dấu hiệu kể trên và linh hoạt trong tầm nhìn.
Mặc dù các kịch bản được mô tả trong cuốn sách này rất nghiêm trọng, nhưng chúng không nhất thiết sẽ xuất hiện trên trang nhất các báo vào hôm sau. Phần nhiều phụ thuộc vào các Chính phủ và ngân hàng trung ương, và những tổ chức này có quyền lực rất lớn ngay cả khi theo đuổi những chính sách tàn nhẫn khủng khiếp. Thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn một cuộc sụp đổ tài chính, và người ta vẫn sống sót để kể lại lịch sử. Nhưng khi thảm họa ập đến, tốt hơn là chúng ta nên ở trong số những người đã sẵn sàng cho cơn bão. Chúng ta không bất lực và có thể bắt đầu ngay từ bây giờ để chuẩn bị đối phó với kết cục không thể tránh khỏi do thói ngạo mạn của các ngân hàng trung ương.